Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

10 câu chuyện sức mạnh của chân thật và nguyện cầu chân lý (P.2)

Thuở xưa năm kiếp về trước, Bồ Tát ở trong nước Seri, làm nghề đi buôn ghè bát và được gọi là Serivan. Serivan cùng với một người lái buôn bán ghè bát tham lam khác, vượt qua con sông Talavaha đi vào thành Andhapura, phân chia những con đường trong thành, bán hàng hóa của mình tại con đường đã được phân chia.

 
Chương II: Công đức lành của Chân thật và Quả báo xấu của hư dối
 
Chuyện thứ năm: Hai người buôn ghè nước
(Trích từ chuyện số 3: Chuyện người buôn chè (Tiền thân Serivànija)

Tất cả con trai, anh, em và tài sản đều bị mất sạch. Những người sống sót là một người con gái và một bà nội, cả hai bà cháu sống bằng nghề làm thuê cho các người khác. Nhưng trong nhà có một cái bát bằng vàng, xưa kia người đại triệu phú dùng để ăn cơm. Bát ấy lâu ngày bị quăng vào giữa các chén bát khác không được dùng đến và bụi nhớp dính đầy. Họ không biết cái bát ấy bằng vàng. Lúc bấy giờ, người lái buôn tham lam kia đang vừa đi vừa rao:
 
- Hãy lấy ghè nước, hãy lấy ghè nước.
 
Và đến cửa ngôi nhà. Người con gái thấy kẻ ấy liền nói với bà nội:
 
- Thưa bà, hãy lấy cho con một đồ trang sức.
 
- Này con thân, chúng ta rất nghèo, đem đổi cái gì để lấy ghè nước?
 
- Có một cái bát không giúp ích gì cho chúng ta. Hãy đem cái này đổi lấy ghè.
 
Bà cho gọi người lái buôn, lấy ghế mời ngồi, đưa cái bát cho kẻ ấy và nói:
 
- Này ông, hãy lấy vật này và đổi cho chị một chút gì.
 
Người lái buôn cầm bát suy nghĩ: "Bát này có thể bằng vàng", xoay bát trên tay, cạo một đường với một cây kim sau lưng bát, biết được bát bằng vàng, kẻ ấy nghĩ: "Không cần cho những người này một cái gì cả, ta sẽ lấy cái bát", bèn nói:
 
- Vật này mà giá bao nhiêu? Giá của nó không đáng nửa đồng xu.
 
Kẻ ấy quăng bát xuống đất, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bỏ đi. Bấy giờ, giữa hai người lái buôn có sự thỏa thuận rằng khi một người đã vào con đường rồi bỏ đi, người kia có thể vào con đường ấy được. Vì thế Bồ Tát đi vào con đường ấy, rao hàng:

- Ai lấy ghè nước không?
 
Và đi đến cửa ngôi nhà ấy. Cô con gái nói với bà nội như trước. Bà nội nói với cô:
 
- Này con thân, người lái buôn đến trước đã quăng bát xuống đất và bỏ đi, nay chúng ta có thể cho cái gì để lấy được?
 
- Thưa bà, người lái buôn kia ăn nói thô ác. Còn người này có dáng mặt dễ thương, ăn nói dịu dàng. Rất có thể người này nhận lấy.
 
- Vậy hãy gọi họ lại.
 
Cô gái gọi người này lại.
 
Khi vị này vào nhà và ngồi, họ đưa cái bát cho xem. Vị này biết cái bát là bằng vàng liền nói:
 
- Thưa mẹ, cái bát này đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có trong tay tôi hàng hóa giá trị bằng cái bát này.
 
- Này ông, người lái buôn đi đến trước nói rằng cái này không đáng giá nửa đồng xu, đã quăng bát xuống đất bỏ đi. Nay bát này nhờ công đức của ông, trở thành bằng vàng. Vậy chúng tôi cho ông cái bát này. Hãy cho chúng tôi một chút ít thứ gì, lấy cái bát và ra đi.

Lúc đó Bồ Tát  có trong tay tám trăm đồng tiền vàng và hàng hoá trị giá năm trăm đồng tiền vàng, liền đem cho tất cả và nói:
 
- Hãy cho tôi giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng tiền vàng.
 
Sau khi xin như vậy rồi, ngài cầm lấy cái bát và ra đi. Ngài đi mau đến bờ sông, cho người chủ thuyền tám đồng tiền và leo lên thuyền. Khi ấy, người lái buôn tham lam trở lại và nói:
 
- Hãy đem cái bát ra đây, ta sẽ cho các người một ít thứ gì.
 
Nhưng bà già mắng lại kẻ ấy:
 
- Chú cho rằng cái bát bằng vàng của chúng ta trị giá một trăm ngàn đồng lại không đáng giá nửa đồng xu! Nhưng một người lái buôn chân chánh, giống như thầy của chú, đã cho chúng ta một ngàn đồng vàng, lấy cái bát và ra đi rồi.
 
Nghe nói như vậy, kẻ ấy than:
 
- Ta đã mất đi cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng rồi. Nó thật là tên ăn cướp đã hại ta.
 
Người lái buôn tham lam ấy sanh khởi ưu tư sầu muộn, không thể tập trung tâm trí, trở thành điên loạn, tự tay vung vãi đồng tiền vàng và hàng hóa trước cửa nhà ấy, quăng bỏ áo mặc, áo choàng và tay cầm cán cân như cái gậy đi theo con đường của Bồ Tát , đến bờ sông. Thấy Bồ Tát đã đi qua sông, kẻ ấy liều kêu:

- Hỡi bạn lái đò, hãy quay lại.

Nhưng Bồ Tát  ngăn chặn và nói:
 
- Ðừng quay lại.
 
Thấy Bồ Tát dần dần đi xa, sầu muộn ưu tư của kẻ ấy khởi lên, quả tim nóng ran, máu nóng trào ra miệng và quả tim ấy bị nứt ra như bùn dưới đáy của một bể nước. Do hận tâm chống Bồ Tát , kẻ ấy mệnh chung ngay tại chỗ. Ðây là lần đầu tiên Ðề bà đạt đa có hận tâm chống Bồ Tát . Còn Bồ Tát trọn đời làm các công đức như bố thí... rồi đi theo nghiệp của mình.
 
Sau khi kể hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, người lái buôn ngu si là Ðề bà đạt đa, còn người lái buôn hiền trí là Ta vậy.
 
Chuyện thứ sáu: Vua nói dối bị quả đất nuốt chửng
(Trích từ chuyện số 422: Chuyện Quốc vương Ceti (Tiền thân Cetiya)
 
Công lý tổn thương gây hiểm họa...,
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Tỳ kheo Devadatta (Đề bà đạt đa) bị quả đất nuốt sống.
 
Một ngày kia, tăng chúng bàn luận trong chánh Pháp đường về cách Devadatta nói dối như thế nào rồi bị chìm sâu vào lòng đất và đọa vào ngục Avìci (Vô gián). Bậc Ðạo sư bước vào và khi nghe đề tài thảo luận ấy, Ngài bảo:
 
- Ðây không phải lần đầu kẻ ấy chìm sâu vào lòng đất.
 
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
 
Ngày xưa khi trong thời tối sơ khai, có vị vua mệnh danh Mahàsamata với thọ mạng kéo dài một a tăng kỳ (asnkheyya) kiếp. Vị vương tử tên Roja, vị này lại sinh con trai là Vararoja và kế tiếp đó là Kalyàna, Varakalyàna, Uposatha, Mandhàtà, Varamandhàtà, Cara, Upacara, còn được gọi là Apacara.
 
Vua này trị vì quốc độ Ceti, ở kinh đô Sotthivati, có đầy đủ tứ thần thông: vua có thể đi trên trời, hoặc bay qua không gian, có bốn Thiên thần ở bốn phương bảo vệ vua với kiếm tuốt trần, thân hình vua tỏa mùi hương chiên đàn và miệng vua tỏa mùi hương sen.
 
Thời ấy vị tế sư hoàng gia tên là Kapila. Em trai của vị Bà la môn này là Korakalamba, được học chung thầy với vua. Thời Apacara còn là vương tử, đã hứa sẽ phong Korakalamba làm tế sư hoàng gia khi nào mình lên ngôi.
 
Khi vua cha băng hà, vương tử lên ngôi song không thể đưa Kapila ra khỏi chức vụ tế sư hoàng gia được và khi tế sư Kapila đến chầu vua, vua vẫn bày tỏ nhiều đặc ân đối với vị ấy. Vị Bà la môn ấy quan sát điều này và nhận xét rằng một vị vua thường trị nước hoàn hảo nhất cùng với các quần thần đồng tuổi tác, còn chính ông có thể xin cáo quan về làm ẩn sĩ, nên đã trình:

- Tâu Ðại vương, nay lão thần đã già cả, lão thần có một con trai ở nhà, xin Ðại vương phong cho nó làm tế sư hoàng gia và lão thần sẽ trở thành ẩn sĩ.
 
Ông được vua chấp thuận phong con trai mình làm tế sư hoàng gia, sau đó ông đến ngự viên sống đời ẩn sĩ, đạt được các Thắng trí và ở gần con trai. Còn Koralambaka cảm thấy căm hận anh mình vì ông đã không trao cho mình chức vị tế sư khi trở thành ẩn sĩ. Một hôm, vua nói chuyện thân mật với Koralambaka:
 
- Này Koralambaka, Hiền hữu không làm tế sư hoàng gia ư?
 
- Tâu Ðại vương không, huynh trưởng của thần xếp đặt việc ấy.
 
- Thế lệnh huynh chẳng trở thành ẩn sĩ rồi sao?
 
- Tâu vâng, song gia huynh đã để chức vụ ấy cho con mình.
 
- Thế thì hiền hữu hãy lo sắp xếp việc ấy.
 
- Tâu Ðại vương, thần không thể đặt gia huynh qua một bên rồi nhận lấy chức vụ do cha truyền con nối ấy.
 
- Nếu vậy, ta sẽ làm hiền hữu thành vị trưởng tế sư và vị kia làm phụ tá cho hiền hữu.
 
- Tâu Ðại vương, bằng cách nào?
 
- Bằng cách nói dối.
 
- Tâu Ðại vương, thế Ðại vương không biết gia huynh là pháp thuật sư cao cường có đại thần lực ư? Gia huynh sẽ dùng huyễn thuật đánh lừa Ðại vương, làm cho bốn vị Thiên thần biến mất, rồi làm cho một mùi hôi thối xông ra từ thân thể và miệng Ðại vương, lại làm cho Ðại vương rơi từ trời xuống đất và Ðại vương sẽ bị quả đất nuốt sống, vì thế Ðại vương không thể hành động theo lời nói dối kia được đâu.
 
- Ðừng lo gì, ta sẽ sắp xếp việc này.
 
- Tâu Ðại vương, khi nào Ðại vương thực hiện điều này?
 
- Vào thứ bảy kể từ đây.
 
Chuyện này lan truyền khắp kinh thành:
 
- Hoàng thượng sắp nói dối để làm vị trưởng thành phó và sẽ giao chức vụ cho vị phó. Lời nói dối là vật gì nhỉ, nó màu xanh, vàng hay màu khác nữa?
 
Quần chúng suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tương truyền đó là thời mọi người thế gian đều nói thật, người ta không biết từ "nói dối" nghĩa là gì cả.
 
Con trai vị tế sư nghe chuyện này liền nói với cha:
 
- Thưa cha, dân chúng bảo đức vua sắp nói dối để làm cha thành con thứ rồi giao chức vụ của cha cho chú con.
 
- Này con, đức vua sẽ không thể nói dối để tước đoạt địa vị này của ta đâu. Ðức vua sắp thực hiện điều này vào ngày nào?
 
Họ bảo ngày thứ bảy kể từ đây. Hãy báo cho cha biết khi đến thời điểm ấy.
 
Vào ngày thứ bảy, một đám đông tụ tập trong sân chầu ngồi theo hàng hàng lớp lớp hy vọng thấy lời nói dối. Vị tế sư trẻ đi báo tin cho cha. Vua chuẩn bị lễ phục đầy đủ xong, xuất hiện ở khoảng không trên sân chầu giữa đám đông.
 
Vị ẩn sĩ bay qua không gian, trải tọa cụ bằng da trước mặt vua, ngồi trên đó giữa không gian và hỏi:
 
- Tâu Ðại vương, có thật là Ðại vương muốn nói dối làm người em thứ thành anh trưởng và giao chức vụ cho người ấy?
 
- Thưa Tôn sư, trẫm đã làm như vậy.
 
Sau đó, vị ẩn sĩ khuyến giáo vua:
 
- Tâu Ðại vương, lời nói dối là một cách phá hoại tàn khốc các đức tính tốt đẹp, nó tạo tái sinh vào bốn ác đạo, một vị vua nói dối sẽ tiêu diệt công lý và vì phá hủy công lý, chính vua ấy cũng bị tiêu diệt.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
 
1. Công lý tổn thương gây hiểm họa,
Sẽ đền bù với giá tai ương,
Vậy đừng làm tổn thương công lý,
Sợ hiểm nguy ào đến Ðại vương.
 
Ngài lại khuyến giáo vua nhiều hơn nữa:
 
- Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương nói dối, bốn pháp thần thông sẽ biến mất.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ hai:
 
2. Thần lực xa lìa kẻ vọng ngôn,
Miệng mồm hôi thối đáng kinh hồn,
Bước chân không vững trong trời đất,
Bất cứ kẻ nào đáp dối gian.
 
Nghe vầy, vua lo sợ nhìn Korakalambaka. Vị ấy bảo:
 
- Tâu Ðại vương đừng sợ, thần đã chẳng tâu Ðại vương như vậy từ đầu sao?

Và tiếp theo những lời lẽ tương tự như vậy. Mặc dù đã nghe Kapila nói như vậy, vua vẫn tuyên bố câu xác định:
 
- Thưa Tôn sư, ngài là em thứ, còn Korakalambaka là anh trưởng.
 
Ngay lúc vua vừa thốt ra lời nói dối này, bốn Thiên thần bảo các vị không muốn hộ trì một người dối trá như vậy nữa, liền ném kiếm dưới chân vua và biến mất. Miệng vua bốc mùi thối như trứng hư vỡ tung tóe và thân thể vua như ống cống mở nắp. Rồi từ trên không rớt xuống, vua đứng trên đất, như thế cả bốn thần lực đều biến mất. Vị tế sư bảo:
 
- Tâu Ðại vương, đừng sợ, nếu Ðại vương nói thật, thần sẽ phục hồi mọi sự cho Ðại vương.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ ba:
 
3. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối giam ngài mãi
Tại đất Ce-ti, đến tận cùng.
 
Ngài lại nói:
 
- Tâu Ðại vương, hãy xem: Bốn thần lực của Ðại vương biến mất vì nói dối lần đầu, xin Ðại vương suy xét lại, vì bây giờ vẫn còn có thể phục hồi chúng.
 
Nhưng vua đáp:
 
- Ðại sư muốn đánh lừa trẫm về việc này.
 
Vừa nói dối lần thứ hai như vậy, vua liền bị lún ngay xuống đất đến mắt cá chân.
 
Vị Bà la môn một lần nữa lại nói:
 
- Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tư:
 
4. Hạn hán vào thời phải đổ mưa,
Và mưa trút xuống lúc mùa khô,
Khi người nào cố tình gian dối,
Ðối đáp vọng ngôn để hại ta.
 
Rồi ngài lại nói thêm một lần nữa:
 
- Do Ðại vương nói dối, Ðại vương bị lún vào mặt đất đến tận mắt cá chân, vậy xin đại vương suy xét kỹ.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ năm:

5. Lời thật cùng bao Pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống
Tại đất Ce-ti mãi tới cùng.
 
Nhưng lần thứ ba, vua nói:
 
- Tôn giả là em thứ và Korakalambaka là anh trưởng.
 
Vừa nói lời dối trá này, vua lại bị lún dần vào mặt đất đến tận đầu gối. Một lần nữa, vị Bà la môn nói:
 
- Xin Ðại vương suy xét lại.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ:
 
6. Người lưỡng thiệt này, hỡi Ðại vương,
Cũng như con rắn lắm mưu gian,
Người nào vẫn cố tình lừa dối
Ðối đáp những lời chẳng thật chân.
 
7. Lời thật cũng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục đươc toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống 
Tại đất Ce-ti mãi chẳng ngừng.
 
Rồi ngài còn nói thêm: Ngay bây giờ mọi sự vẫn có thể được phục hồi. Vua chẳng quan tâm đến lời ngài, vẫn lặp lại lời nói dối lần thứ tư:
 
- Thưa Tôn giả, ngài là em thứ và Korakalambaka là anh trưởng.
 
Vừa thốt lời này, vua bị chìm ngập đến tận hông. Vị Bà la môn lại bảo:
 
- Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ.
 
Rồi ngài ngâm vần kệ:
 
8. Kẻ ấy như con cá, Ðại vương,
Sẽ không có lưỡi ở trong mồm,
Người nào vẫn cố tình gian dối,
Ðối đáp những lời lẽ vọng ngôn.
 
9. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống 
Tại đất Ce-ti mãi chẳng ngừng.
Lần thứ năm vua lặp lại lời nói dối và ngay đó bị chìm sâu xuống tận rốn. Vị Bà la môn một lần nữa kêu gọi vua xét kỹ và ngâm hai vần kệ:

10. Kẻ ấy chỉ sinh được gái thôi,
Sẽ không sinh được một con trai,
Kẻ nào vẫn cố tình gian dối
Ðối đáp vọng ngôn ở giữa đời.
 
11. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống 
Tại đất Ce-ti mãi chẳng ngừng.
 
Vua cũng không quan tâm, cứ lặp lại lời nói dối lần thứ sáu và chìm xuống tận ngực. Vị Bà la môn kêu gọi khẩn thiết một lần nữa và ngâm hai vần kệ:
 
12. Bầy con không ở với người kia,
Ở khắp mọi nơi chúng chạy xa,
Người vẫn cố tình ưa nói dối,
Ðáp lời hỏi với dạ gian tà.
 
13. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống 
Tại đất Ce-ti mãi chẳng ngừng.
 
Do thân cận ác bằng hữu, vua xem thường các lời trên và nói dối lần thứ bảy. Sau đó mặt đất há miệng ra và lửa địa ngục Avìci bùng lên kéo vua xuống.
 
14. Chuyện kể bị truyền bởi trí nhân,
Vị vua từng bước giữa không trung,
Chìm thân, bị nuốt vào lòng đất
Ngay đúng ngày quy định số phần.
 
15. Vậy trí nhân không thể tán đồng
Dục tham xuất hiện ở trong lòng,
Người nào ly dục, tâm thanh tịnh,
Lời nói sẽ luôn giữ vững vàng.
 
Ðây là hai vần kệ phát xuất từ trí tuệ tối thắng của đức Phật. Quần chúng kinh hãi bảo nhau:
 
- Quốc vương Ceti phỉ báng bậc hiền nhân và nói dối nên đã bị đọa vào ngục Avìci.
 
Năm vị vương tử của vua đến gặp vị Bà la môn và nói:
 
- Xin Tôn sư giúp chúng đệ tử.
 
Vị Bà la môn đáp:
 
- Phụ vương của các vị đã hủy diệt Chân lý, nói dối và phỉ báng hiền nhân: do vậy ngài đã vào hỏa ngục Avìci. Nếu công lý bị hủy diệt, nó sẽ hủy diệt lại ta. Các vị không được cư trú tại đây nữa.
 
Ngài lại bảo vị thái tử:
 
- Này Ðiện hạ thân yêu, hãy rời kinh thành bằng cổng Ðông và tiếp tục đi thẳng, chàng sẽ thấy một vương tượng toàn trắng nằm phủ phục, thân chạm vào mặt đất ở bảy chỗ: hai ngà, vòi, và bốn chân. Ðó là dấu hiệu để chàng dựng kinh và cư trú tại nơi ấy. Tên kinh đô ấy sẽ là Hatthipura (Tượng Thành)
 
Ngài bảo vương tử thứ hai:

- Ðiện hạ rời đây bằng cổng Nam và đi thẳng đến khi thấy một vương mã thuần bạch, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Assapura (Mã Thành).
 
Ngài bảo vương tử thứ ba:
 
- Ðiện hạ rời đây bằng cổng Tây và đi thẳng tới khi thấy một sư tử có bờm, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Sìhapura (Sư Thành).
 
Ngài bảo vị vương tử thứ tư:
 
- Ðiện hạ rời đây bằng cổng Bắc và đi thẳng cho đến khi thấy một bánh xe làm toàn bằng ngọc, đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh thành ấy sẽ được gọi là Uttarapancàla (Thượng Luân Thành).
 
Ngài bảo vị vương tử thứ năm:
 
- Ðiện hạ không thể ở đây. Vậy hãy xây một đền thờ lớn trong kinh thành này, rồi đi về phía Tây bắc và đi thẳng cho đến khi thấy hai ngọn núi đập vào nhau gây tiếng động "daddara", đó sẽ là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú nơi ấy. Thành ấy sẽ được gọi là Daddarapura (Thành Daddara).
 
Cả năm vương tử đều ra đi, theo các dấu hiệu kia dựng kinh đô và an trú ở đó.
 
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư bảo:
 
- Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu Devadatta nói dối và bị chìm vào lòng đất.
 
Rồi ngài nhận diện Tiền thân:
 
- Thời ấy vua Ceti là Devadatta và Bà la môn Kapila là Ta.
 

Nguồn tham khảo: https://www.budsas.org/uni/index.htm (còn tiếp)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Là con của đức Phật

Phật giáo thường thức 15:20 25/04/2024

Đã xưng là Phật tử phải học theo hạnh của Phật. Phải luôn quán đến sự vô thường. Mới đó mà đã trôi qua một năm, thời gian mau chóng, thân người cũng theo đó mà biến đổi. Phải lo tu ngay từ bây giờ, thời gian không hẹn, không chờ đến già.

Biết bản thân tội chướng sâu dày, quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh

Phật giáo thường thức 15:00 25/04/2024

Bạn hãy quan sát thật kỹ những người vãng sanh, chắc chắn họ phải là người phúc hậu, thật thà, trung hậu. Họ tự biết mình khổ, khổ là do nghiệp chướng của mình sâu dày, đời trước không có tu phước.

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Phật giáo thường thức 10:15 25/04/2024

Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương.

Thuyết luân hồi

Phật giáo thường thức 09:14 25/04/2024

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế.

Xem thêm