Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 20/01/2013, 09:09 AM

Âm vang Tiêu tự thần chung

Ni trưởng Như Hải cho biết, năm 1974 khi bà về trụ trì, chùa đã xuống cấp nghiêm trọng vì trước đó mấy năm, do chính quyền Lon Nol đàn áp, nhiều Việt kiều chạy về quê lánh nạn đã đến chùa căng lều tạm ở nhờ. Rồi năm 1978 - 1979, bọn diệt chủng Pôn Pốt tràn sang Hà Tiên

Tọa lạc tại số 75 đường Phương Thành, TX.Hà Tiên (Kiên Giang), Sắc tứ Tam Bảo là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở Hà Tiên. Đây là ngôi chùa do Tổng binh Mạc Cửu xây dựng để thân mẫu của ông là Thái Thái phu nhân tu hành trong những năm cuối đời.

Theo sách Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang thì chùa Tam Bảo được xây dựng vào năm 1730. Thời Tao đàn Chiêu Anh các, tiếng chuông chùa là nguồn cảm hứng để Mạc Thiên Tích sáng tác bài thơ Tiêu tự thần chung. Nhưng lịch sử ngôi chùa qua nhiều thăng trầm, biến đổi nên cũng còn những điều chưa rõ.

Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo

Căn cứ bài thơ Tiêu tự thần chung của Mạc Thiên Tích, ni trưởng Như Hải, trụ trì Sắc tứ Tam Bảo, giải thích rằng “Tiêu tự” là nơi tu hành tĩnh mịch, “thần chung” là tiếng chuông thỉnh buổi sáng và suy luận ngôi chùa xưa ở sát công thự (của Tổng binh Mạc Cửu). Cách giải thích này khá gần với thông tin mà nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cung cấp cho chúng tôi: “Thời Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, nơi ngôi chùa tọa lạc hiện nay vốn là Trấn thượng/dinh cơ của Mạc Cửu, phía sau hậu liêu ông có cất một gian phòng cho mẫu thân ông tu hành. Vào năm 1718, Hà Tiên bị quân Xiêm tấn công. Bấy giờ bà Mạc Cửu chạy nạn qua Lủng Kỳ và hạ sinh Mạc Thiên Tích”.

Đến giai đoạn Mạc Thiên Tích kế vị cha, ngôi chùa cổ có lẽ vẫn nằm trong khu vực Trấn thượng. Năm 1771, vua Xiêm PhyaTak Sin (Trịnh Tân) lại đem quân sang tấn công Hà Tiên, đánh bại Mạc Thiên Tích. Lần này ông chạy sang Cà Mau trong khi Hà Tiên gần như bị san bằng. Trấn thượng vì vậy cũng không còn tồn tại và ngôi chùa cũng trở thành phế tích, mặc dù người Xiêm sùng đạo Phật và không có hành vi phá chùa.

                        Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Hà Tiên - Ảnh: H.P

Ông Trương Minh Đạt còn cho biết ông sưu tầm được một tấm bản đồ do người Pháp vẽ năm 1869, tức 3 năm sau khi thực dân Pháp xua quân chiếm nốt các tỉnh miền Tây Nam kỳ và thôn tính đất Hà Tiên, trong đó địa điểm chùa Tam Bảo hiện nay vẫn ghi trên bản đồ là phế tích. Cũng theo ông Đạt, chùa Sắc tứ Tam Bảo được khởi công xây dựng lại khoảng năm 1920 trở về sau và đến khoảng năm 1935 mới hoàn thành. Giai đoạn này hòa thượng Hồng Chức Phước Ân, dòng Lâm tế chánh tông đời thứ 40 vận động phật tử góp công, góp của tu bổ. Đến khoảng 5 năm sau thì Sắc tứ Tam Bảo trở thành ngôi chùa quy mô tráng lệ.

Từ đó đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Song điều đáng quý là phế tích bức tường thành được xem là dấu vết của Trấn thành thời Tổng binh Mạc Cửu hiện vẫn còn gìn giữ.

Chiếc đại hồng chung

Hiện nay, trong khuôn viên chùa Sắc tứ Tam Bảo còn hai tháp lớn: một là của hòa thượng Ấn Trừng, hai là của hòa thượng Phước Ân. Hòa thượng Phật Hội - Ấn Trừng đời thứ 35 Lâm tế chánh tông (theo dòng kệ Đạo bổn nguyên thành phật tổ tiên) là vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa xưa.

Tương truyền, đêm nọ mẹ của quan Tổng binh Mạc Cửu nằm mộng thấy con rồng vàng ngậm cành hoa sen quấn trên cột buồm chiếc ghe thương hồ từ hướng bắc đến. Hôm sau bà thuật lại cho Mạc Cửu nghe. Ít lâu sau có một vị tu sĩ tướng mạo bất phàm đến xin diện kiến. Khi hỏi ra mới biết ông là một danh tướng của nhà Minh, vì không phục nhà Thanh nên rời bỏ quê hương sang Nam triều rồi chán cảnh thế nhân xuất gia theo Phật, được pháp hiệu là Ấn Trừng. Nghe xong, ngài tổng binh thấy ứng với điềm báo mộng của mẹ bèn lưu ông lại trấn phủ truyền giáo quy giới cho mẹ tu hành. Một số bài viết giới thiệu về Sắc tứ Tam Bảo tự còn ghi rằng, tu hành được một thời gian, Thái bà bà (mẫu thân Mạc Cửu) tọa hóa trước Phật đài. Ngài Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông mà tưởng niệm mẹ hiền.

Tuy nhiên, theo ni trưởng Như Hải thì Thái bà bà vãng sanh ngay lúc làm lễ xuất gia tại chánh điện và hiện trong chùa cũng không có (tượng) kim thân của bà. Chỉ có bài vị thờ mà các nhà nghiên cứu cho rằng bút tích của Mạc Thiên Tích và ngôi mộ của bà ở phía sau chùa. Cách đây mấy năm, hậu duệ họ Mạc ở Cà Mau đã qua đây trùng tu xây tháp, còn trước đó thì chỉ là ngôi mộ bình thường. Trong chùa nay chỉ còn lưu giữ bức kim thân A Di đà do Tổng binh Mạc Cửu mang từ Trung Quốc sang. Nhưng bức tượng hiện đã sơn phết nhiều lớp, khó xác định. Riêng chiếc đại hồng chung được người đời truyền tụng là chiếc chuông mà Tổng trấn Mạc Thiên Tích cảm tác qua bài thơ nổi tiếng Tiêu tự thần chung được đúc vào thời Minh Mạng.

Liên quan đến các dữ kiện trên, ông Trương Minh Đạt cho rằng Hà Tiên là vùng đất giặc giã liên miên, Trấn thành bị phá nhiều lần, cho nên di vật người xưa khó tồn tại. Bức tượng kim thân A Di đà hiện nay cũng có thể là bức tượng của ngôi chùa cũ được tìm thấy sau này, song chưa có tư liệu nào nói đây là bức tượng của ông Mạc Cửu mang từ Trung Quốc sang hay do ông đúc tại Hà Tiên. Họ Mạc từng đúc tiền riêng thì khả năng đúc tượng không phải không thực hiện được. Riêng về chiếc đại hồng chung, chữ khắc trên chuông quá mờ khó đọc, nhưng theo tư liệu ông có được thì đây là chiếc chuông do hai vợ chồng phật tử hiến cúng vào khoảng năm 1890. Hòa thượng Hoằng Nghĩa hiện còn mộ ở chùa Giác Viên, đã được mời đến làm lễ chứng minh cho chiếc đại hồng chung này. Do đó, không thể nói chiếc chuông được đúc vào thời Minh Mạng. Chiếc chuông trong “Tiêu tự thần chung” một thời âm vang có thể đã bị hủy hoại trong lúc quân Xiêm chiếm đóng Hà Tiên.

Sắc tứ Tam Bảo tự nổi tiếng với Tiêu tự thần chung còn chịu đựng những biến cố thời cuộc về sau. Ni trưởng Như Hải cho biết, năm 1974 khi bà về trụ trì, chùa đã xuống cấp nghiêm trọng vì trước đó mấy năm, do chính quyền Lon Nol đàn áp, nhiều Việt kiều chạy về quê lánh nạn đã đến chùa căng lều tạm ở nhờ. Rồi năm 1978 - 1979, bọn diệt chủng Pôn Pốt tràn sang Hà Tiên bắn giết dân lành, ni sư lại tiếp tục bỏ chùa chạy lên Bãi Ớt lánh nạn.


Ngọc Phan - Hoàng Phương
(Báo Thanh Niên)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi

Chùa Việt 11:20 27/03/2024

Linh Quang tự nằm trên một ngọn đồi cao ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, là ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý, gắn chặt với đời sống văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo.

Tìm về ngôi chùa cổ xưa bậc nhất TP. HCM

Chùa Việt 18:50 24/03/2024

Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là ngôi chùa lâu đời bậc nhất ở TPHCM, do Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường lập vào thế kỷ 18.

Viếng chùa Tân Chánh

Chùa Việt 17:35 23/03/2024

Chùa Tân Chánh toạ lạc trên diện tích khoảng 3.300m2 thuộc tổ 3 thôn Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên, nơi tĩnh lặng và bình yên trên Cao nguyên Vân Hòa

Chùa Việt 11:00 21/03/2024

Được xây dựng trên Cao nguyên Vân Hòa, Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều Tăng Ni Phật tử cùng du khách, nơi tất cả được hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tâm hồn.

Xem thêm