Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 14/04/2016, 22:40 PM

Ánh sao mai giác ngộ

Ngài xem vinh hoa phú quý như đôi dép bỏ, để đi tìm đạo giải thoát, hướng đến những mục tiêu sống còn của đời người. Đó là giải quyết vấn đề sinh, già, bệnh, chết để đời này và mãi mãi về sau chúng ta sẽ không còn đọa lạc trong lục đạo luân hồi khổ đau.

Mùng 8 tháng 2 Âm lịch có lẽ đối với những người bình thường sẽ là một ngày không có gì đặc biệt. Nhưng đối với những người con Phật thì ngày này lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.

Mùng 8 tháng 2 Âm lịch chính là ngày đức Phật Thích Ca cách đây hơn hai nghìn năm đã rời bỏ cung điện với cuộc sống vương giả, hạnh phúc bên vợ đẹp con thơ mà xuất gia tìm thầy học đạo. Ngài đã quyết tâm ra đi để tìm ra con đường giác ngộ, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi vũng lầy đau khổ, đầy rẫy những vô minh bủa vây không lối ra.

Từ khi còn nhỏ, Thái tử Tất Đạt Đa đã có những nhận thức hết sức tinh tế, Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là khổ. 

Một hôm, nhân ngày lễ Hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc lắm. Nhưng tâm hồn Thái tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán một cách nông nổi. Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là khổ. 

Hôm khác, Ngài xin phép vua cha đi dạo. Ra đến cửa Đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã. 

Ðến cửa Nam, Thái tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên xiết, đau đớn vô cùng. 

Ðến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi nhặng bu bám và sình lên, trông rất ghê tởm. 

Ba cảnh khổ: già, đau, chết, cộng thêm vào cái ấn tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã nhận thấy khi đi xem lễ cày ruộng làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô ngần. 

Một hôm khác nữa, Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử thấy trong lòng nảy sinh một niềm cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp rằng: "Tôi tu hành là quyết bỏ dứt mọi sự ràng buộc của cõi đời, về cầu cho mình khỏi khổ và thành chính giác để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát như mình". 

Lời giải đáp trúng với hoài bão mà Thái tử đang ấp ủ bấy lâu nên Ngài vui mừng khôn xiết. Ngài liền trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái tử yêu cầu vua cha 4 điều nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu và trở lại lo cho dân, trị nước.

Bốn điều này là: 

1. Làm sao cho con trẻ mãi không già.
2. Làm sao cho con mạnh mãi không đau.
3. Làm sao cho con sống hoài không chết.
4. Làm sao cho mọi người hết khổ.

Bốn điều này làm cho vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào cả. 

Một đêm khuya thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một tiệc linh đình, Thái tử nhìn vợ con lần cuối, rồi đánh thức tên giữ ngựa Xa Nặc dậy, thắng yên cương, hai thầy trò trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng Tám tháng Hai, năm Ngài 19 tuổi. 
 
Sau khi xuất gia, Ngài tu khổ hạnh trong 6 năm, hình thể gầy mòn mà cũng không tỏ được đạo Vô thượng. Vì thế, Ngài thôi tu ép xác mà quyết định tắm rửa sạch sẽ và thọ dụng sữa cúng dường. Rồi Ngài tới Phật Đà Gia Ra, rải cỏ kết tường ngồi kiết già phu, hướng về phương Đông, thân thể trang nghiêm, một mối chánh định, lặng yên suy nghĩ, tự phát nguyện rằng: 

“Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này!” - (Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm).
 
Đức Thế Tôn với tấm lòng đại bi, đại trí, với tinh thần dũng mãnh tinh tấn, ngồi tư duy 49 ngày dưới gốc cây, chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, mạn nghi… và với giặc thiên ma do Ma vương Ba Tuần chỉ huy. Ngài đã thắng vượt được mọi ma chướng trong ngoài, tâm trí được khai thông.

Cuối cùng, vào đêm mùng 8 tháng Chạp (tức đêm mùng 8 tháng Pao sa, tháng 2 theo lịch Ấn), lúc canh hai, Ngài chứng được quả Túc mệnh minh, thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới. 

Nửa đêm canh ba, Ngài chứng được quả Thiên nhãn minh, thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. 

Đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu tận minh, thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. 

Khi sao Mai vừa mọc, Ngài hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, tất cả pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã. 

Thế là “nảy sinh trí tuệ, nảy sinh nhận thức, định được đạo, đánh giá được pháp, cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn trở lại kiếp người, biết được như chân thật”.

(Kinh Trung A- Hàm, La - ma thứ 56).

Ngài viên ngộ, soi tận chỗ tối tăm, trong tâm rỗng lặng, tỏ ngộ hết thảy, thành Đẳng chánh giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, xưng là Vô thượng Phật Đà. Các đệ tử của Ngài gọi Phật Đà là Thế Tôn, là Thích Ca Mâu Ni.
 
Ngày nay ở trong chùa, có khi cả ở tư gia, cứ đến ngày mùng 8 tháng Chạp, tăng ni phật tử lại dùng các loại rau quả, nếp gạo nấu cháo bố thí cho mọi người, gọi là cháo mùng 8 tháng Chạp (lạp bát chúc), để làm lễ kỷ niệm ngày đức Thích Ca thành đạo.
 
Sự kiện đức Thích Ca thành đạo là một thiên anh hùng ca bất hủ, khải hoàn vang lên, thức tỉnh và cổ vũ loài người tự tin vào chân lý: “Con người có khả năng và hoàn toàn có thể tự mình tu tập để đạt đến quả vị cao nhất của muôn loài trong vũ trụ. Và con đường tu tập đó là con đường hiện thực, hết thảy mọi người đều có thể tự mình tinh tấn, tự mình “đốt đuốc” của mình lên mà tự giải thoát.”
 
Sự kiện đức Thích Ca thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài. Đức Thích Ca chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh và tất cả các cõi. Vì sự thương tưởng muôn loài mà Ngài thành đạo và Ngài thành đạo cũng vì sự thương tưởng đó.
 
Sự kiện đức Thích Ca thành đạo và quá trình hành đạo sau này của Ngài đã mang đến cho muôn đời các thế hệ phật tử niềm tin, lòng tự hào, nguồn nghị lực luôn tươi mới và bất tận trên con đường tu Phật. Con đường mà Đức Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả Thích Ca Mâu Ni Phật đã khơi nguồn và thực chứng”. (Huệ Minh- Đại tạng kinh Việt Nam)

Ngày đức Phật Thích Ca xuất gia nhằm nhắc nhở chúng ta hãy luôn luôn nhớ đến tấm gương giáo dục của một bậc thầy vĩ đại. Ngài xem vinh hoa phú quý như đôi dép bỏ, để đi tìm đạo giải thoát, hướng đến những mục tiêu sống còn của đời người. Đó là giải quyết vấn đề sanh, già, bệnh, chết để đời này và mãi mãi về sau chúng ta sẽ không còn đọa lạc trong lục đạo luân hồi khổ đau.

Kim Tâm 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm