Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 30/12/2013, 14:17 PM

Bà con người Mường - Hòa Bình: Chúng con ngưỡng vọng, mong Thầy về đây…

...Nghe Thầy sẽ về giảng pháp, ai cũng vui mừng khôn tả, hơn cả “trẻ mong mẹ về chợ”. Vậy mà, nhân duyên đã đặng sao chưa tròn… Ngưỡng vọng nơi sâu thẳm những người con Phật, trong đó không ít người là bà con dân tộc Mường khi nào mới hiện thực đây?

Hàng trăm bà con phật tử ở thôn Á Đồng, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình sau khi tham dự chương trình “Tết vì người nghèo” sáng ngày 28/12, đã hoan hỷ cùng nhau về với chùa Hang, đợi gặp Thầy, đợi nghe Thầy giảng pháp. Ngôi chùa trên núi, có sử tích từ hàng ngàn năm đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 10/3/1994…

Khi còn tham dự chương trình “Tết vì người nghèo”, được nghe thông báo: Bà con xong việc ở đây, xin mời cùng về chùa Hang nghe Thầy giảng pháp nhé. Nghe vậy, ai cũng vui mừng lắm, các bà, các cụ đang rậm rịch ra về đều gọi nhau: Có thông báo, Thầy sẽ giảng pháp trên chùa đấy. Mọi người ở lại đi. Bà gọi các nhóm khác ở lại, nghe Thầy giảng hay lắm. Quý hóa thế chứ…

Người già, trẻ nhỏ về với chùa Hang sau khi dự chương trình "Tết vì người nghèo"

Đông đảo đại chúng cùng mong Thầy về...

Hơn 10 giờ sáng, mọi người cùng nhau lên núi. 10 giờ rưỡi, khoảng sân trước thềm gian Tam Bảo nhanh chóng chật kín người. Bà con phật tử đã có mặt đông đủ, pháp y chỉnh tề nghiêm trang đợi Thầy về.

Đại chúng số đông là người thôn quê, trong đó không ít là người dân tộc Mường, dù người già, thanh niên, hay trẻ nhỏ đều trật tự, không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy. Trời rét, đâu cũng thấy khăn ấm, mũ len, rồi găng tay nhưng không ai quên mặc áo tràng lam. Trong cái nắng mùa Đông một ngày cuối tuần, sắc áo lam rạng ngời khuôn viên chùa Hang trước gian Chính điện Tam Bảo.

Đợi chừng 10 phút, có sư cô tới thông báo cùng đại chúng: Thưa bà con, vì Thầy Minh Hiếu bận việc trên huyện vẫn chưa xong, nên Thầy không về kịp, rất mong đại chúng hoan hỷ về chùa dịp khác. Nhà chùa sẽ thông báo lịch giảng của Thầy tới bà con sau. A Di Đà Phật!



...đâu cũng thấy khăn ấm, mũ len, rồi găng tay nhưng không ai quên mặc áo tràng lam

Sư cô bận việc phật sự, không nán lại thêm cùng bà con được. Sư cô đi rồi, đại chúng vẫn ngồi lại, cùng nhau đợi Thầy về. Không gian lắng đọng cùng thời gian. Đâu đó tiếng chuyện trò khe khẽ: Đợi thêm chút đi, Thầy bận việc thôi, kiểu gì Thầy cũng về…

Khoảng 200 phật tử, hầu hết là các bà, các bác vẫn chờ như vậy. Chờ mãi, gần một giờ đồng hồ Thầy vẫn chưa về. Bà con đành ra về sau khi đã lễ tạ Tam Bảo. Ai cũng thấy nuối tiếc: Thầy bận việc nhiều, thôi đành vậy. Thầy lúc nào cũng tất bật việc nọ, việc kia vì nhà chùa, vì thôn chúng. Thôi thì hôm nay chưa được gặp Thầy, hôm khác lại về chùa…



Cụ già ngồi từ đầu đến cuối đợi Thầy về:
Đá gập ghềnh chen bước
Gậy trúc khéo dẫn đường
Về ngôi nhà Chánh pháp
Nơi Thầy chúng con nương...



Mọi người gần như về hết cả, chỉ còn lại số ít cụ già ngồi lại. Có bác phật tử, trước khi ra về, dù còn lại một mình vẫn thành kính lễ Phật, đọc Kinh. Thật hoan hỷ thay trước lòng tôn kính Phật từ người dân nơi đây.

Lần đầu về với chùa Hang, thế mà tôi cứ như “một người con” nơi này, theo bà con lên chùa, rồi cùng háo hức chờ đợi đón Thầy về. Bà con về hết rồi, quang cảnh thanh tịnh thêm phần yên lặng.

Đã quen với chờ đợi, và không quên nhiệm vụ chính, trong khi anh em cùng đoàn ai lo việc nấy, tôi hạ sơn tranh thủ chụp thêm vài tấm hình. Xuống cổng chính chùa được vài phút, tôi đã thấy anh Long cùng đoàn đứng mông lung nơi vệ đường. Có chiếc xe Mazda trắng dừng bên kia đường, chênh chếch hướng cổng chính nhà chùa, có sư Thầy xuống xe. Anh Long gọi tôi: Thầy về kìa em, có cả “bác Lan” nữa.

Mọi người vừa "hạ sơn" thì Thầy về

Đại đức Thích Minh Hiếu bên nhà sử học Lê Văn Lan, cùng số ít bà con phật tử còn ở lại khi đoàn truyền hình An Viên làm chương trình

Ngay lập tức, tôi lên trước đón bước Thầy cùng những người mới, vừa… chạy lùi vừa tay bấm máy liên tục. Đúng như bà con chia sẻ cùng nhau khi đợi Thầy về. Thầy vừa lên đến nơi đã tất bật với đoàn làm phim kênh truyền hình An Viên, cùng làm chương trình về chùa Hang, với sự hỗ trợ của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan. Biết các bạn truyền hình làm phóng sự thường cần nhiều thời gian, khó mà gặp Thầy. Qua anh Long giới thiệu, tôi được gặp cô “Thủ nhang” Nguyễn Thị Nhân.

"Thủ nhang" - cựu quân nhân Nguyễn Thị Nhân

Cô Nguyễn Thị Nhân, cựu quân nhân năm nay 55 tuổi, người từng gắn bó hàng chục năm với nhà chùa cho biết: Từ năm 1892 chùa có gian thờ Tam Bảo, đến năm 1937 thì có Cửa Đức Ông, đây là hai tích chính của chùa cổ còn đến bây giờ (đã được tôn tạo lại). Theo thời gian, qua nhiều đời trông nom nhà chùa, các cụ mới lập gian thờ Mẫu. Đến khoảng năm 1994, thì có thêm Cửa Chúa, thờ Tam Vị Chúa Mường. Đó là bốn cửa thờ chính đến nay, còn đằng sau Cửa Đức Ông có gian thờ ông Khổng Minh Không.

Trước nữa thì cô không biết, nhưng từ khi gia đình cô về đây khoảng năm 1983 thì nhà chùa vẫn chưa có sư, chỉ có các cụ và bà con trong vùng thường cùng nhau về tự làm lễ. Đến năm 1994, thì chùa được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, năm 1996 cô được Ban quản lý chùa giao chức “Thủ nhang”, trông nom nhang đèn nhà chùa hàng ngày, và cùng bà con phật tử chăm lo các công việc Phật sự, dù chưa có Thầy…

Bà con phật tử hàng chục năm nay chưa có Thầy hướng dẫn, giảng đạo. Nay có nhân duyên gặp đại đức Thích Minh Hiếu, bà con từng nghe Thầy giảng pháp ở chùa Phật Quang (Hòa Bình), ai cũng thích lắm, ai cũng mong Thầy về trụ trì chùa Hang cháu ạ. Có Thầy về, bà con phật tử sẽ thêm phần đoàn kết, gắn bó đạo chúng cùng nhau tu học. Bà con tuy rất có tâm hướng Đạo, hướng Phật, nhưng hiểu biết còn hạn chế, nên ai cũng mong có Thầy về hướng dẫn bà con tu học, giảng giải giáo lý nhà Phật”.



Đường về chùa đã thay áo mới
Chúng con thành kính mong Thầy về
Phổ biến lời Phật khắp thôn quê
Thêm phần lan tỏa tâm từ muôn nơi...


Hơn 600 người con Phật ở huyện Yên Thủy, đều đã Quy y Tam Bảo, có chùa cùng nhau dự lễ, chăm lo việc phật sự, vậy mà hàng chục năm vẫn chưa có Thầy. Nghe Thầy sẽ về giảng pháp, ai cũng vui mừng khôn tả, hơn cả “trẻ mong mẹ về chợ”.

Vậy mà, nhân duyên đã đặng sao chưa tròn… Ngưỡng vọng nơi sâu thẳm những người con Phật, trong đó không ít người là bà con dân tộc Mường khi nào mới hiện thực đây?

Cầu mong Chư Phật từ bi gia hộ độ trì cho thầy Thích Minh Hiếu đạo sự thành tựu viên mãn. Mong duyên lành sớm trọn vẹn cùng bà con nơi đây!

Thường Nguyên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm