Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/07/2016, 10:59 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Ba ngọn nến Điệp Thảo Nam lung linh

Tình cảm của Nhật Nam dành cho mẹ không thể diễn tả thành lời. Trong mắt Nhật Nam, mẹ Điệp luôn là một người lúc nào cũng đẹp long lanh, giọng mẹ như ''giọt sương tròn lăn'', giọt nước mắt mẹ ''tựa như ánh sao trên bầu trời.

Tôi may mắn biết đến Đỗ Nhật Nam khi bé mới 6 tuổi. Thế là tôi có thêm một người bạn nhí. À mà không, tôi đã có thêm ba người bạn nữa. Thêm cả mẹ Điệp và bố Thảo của Nhật Nam. Nói thật rằng sau gần chục năm được làm quen với nhau tôi thấy đây là một gia đình quá tuyệt vời, một gia đình thực sự hạnh phúc, một gia đình có tình yêu thương dành cho nhau rất đặc biệt và khác lạ. Tôi luôn nói rằng, nếu tìm một hình mẫu của gia đình hạnh phúc thì có ngay đây rồi: ba ngọn nến Điệp Thảo Nam lung linh. Thật sự lung linh.

Tôi may mắn quan sát và học được rất nhiều từ gia đình ấm cúng và thân thương này. Tôi hay kể về gia đình ba ngọn nến lung linh này cho bạn bè và học trò nghe. Là thầy giáo nên khi đi dạy học tôi cũng thường dùng hình ảnh gia đình Nhật Nam làm ví dụ. Ai cũng thích. Ai cũng muốn học theo. Họ là ba ngọn nến lung linh. Yêu thương của họ quyện vào nhau. Tình thương của họ truyền cho nhau và tỏa đi...

Nhật Nam sinh ra tại Nhật trong yêu thương của bố mẹ. Có lẽ do con là người Việt lại sinh ra ở Nhật nên bố mẹ đặt tên là Nhật Nam. Tuy nhiên tôi lại không nghĩ vậy. Nhật Nam phải là mặt trời tỏa sáng nước Nam. Tỏa để ánh sáng ban ngày xóa tan đêm tối, xóa đi tối tăm và giận hờn đau khổ. Nhật là mặt trời, là ban ngày, Nhật Nam là một trong ba ngọn nến đó và sáng dần, sáng dần, sáng rực rỡ như ánh mặt trời. Ánh sáng này là ánh sáng của yêu thương và trí tuệ. 

Từ ngày biết đến Nhật Nam và gia đình của em tôi như thêm lạc vào thế giới của yêu thương. Sự thân thương của gia đình, không chỉ tôi mà rất nhiều người khác ngưỡng mộ và học theo, ít nhất là các đồng nghiệp của tôi ở Thái Hà Books. Các cô Thảo, Hương, Oanh, Thủy, Hạnh, Hồng, Minh, Mai, Hà,… rồi các chú Quân, Hải, Tiến, Thắng, Công, Hiếu,… luôn nhắc nhau để học theo cách yêu thương, cách quan tâm của gia đình ba ngọn nến, học cách dạy con của mẹ Điệp và bố Thảo. Các bạn nhỏ thì mê cái tình cảm, cái cách thể hiện của Nhật Nam dành cho bố Thảo và mẹ Điệp. Các con Bi, Bim, Tít, Pít, Nghé, Nhím, Miu,… luôn lấy anh Nhật Nam làm gương để noi theo. Vui lắm.  
 
Nhật Nam luôn nhận thấy rất rõ công ơn cha mẹ, con luôn thể hiện tình cảm này trong mỗi cử chỉ, lời nói và hành động. Nhìn cách con ôm mẹ Điệp, quấn quýt bên bố Thảo là ai cũng nhận ra. Cả ba thành viên rất quan tâm đến nhau. Từ cái nhỏ nhất như miếng ăn, chén nước. Tình cha con, tình mẹ con thể hiện mỗi ngày và luôn lớn lên. Theo dõi gần chục năm nay, tôi thấy rất rõ rằng tình cảm đó càng ngày càng lớn lên. Những cái nhìn ấm áp, những cử chỉ vỗ về yêu thương luôn bên ba thành viên từ sáng đến đêm cả trong những giấc ngủ.

Nhật Nam gọi mẹ là mẹ và xưng em. Cách gọi rất lạ và rất gần. Họ nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng như là hát. Tôi nhiều lần đi sau và nghe câu chuyện của họ với nhau sao thấy thân thương và đáng yêu đến vậy. Có lần tôi chứng kiến Nhật Nam ôm lên cổ mẹ và thơm mẹ rất tình cảm. Em còn nói với mẹ câu gì đó nữa mà tôi không nghe thấy nhưng nhìn rất rõ nụ cười hạnh phúc của mẹ Điệp.

Ngày Nhật Nam mới sáu bảy tuổi, con hay đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “con yêu mẹ bằng ông trời”. Giọng của cậu bé có khuôn mặt non nớt búng ra sữa đọc bài thơ này làm cho chúng tôi có cảm giác vừa hạnh phúc vừa xúc động. Mỗi lần khi nghe Nhật Nam đọc, tôi hay nghĩ về mình, về tình cảm mình dành cho chính bố mẹ mình. Tôi thấy Nhật Nam thực sự là thầy giáo của tôi, đáng để tôi học cách yêu thương, cách thể hiện tình yêu thương đến với cha mẹ.

Tự nhiên tôi nhớ đến chuyến về quê vừa rồi. Tôi sinh ra, lớn lên và học hết cấp 2 tại xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cấp 3 tôi mới chuyển về Hà Nội học. Vậy nên tôi rất mang ơn mảnh đất Đông Hòa này. Cô giáo hiệu trưởng trường cấp 1 của tôi ngày xưa đã nhiều lần nhờ tôi mời Nhật Nam về nói chuyện với các thầy cô giáo và học sinh của nhà trường. Tôi đã nhận lời mà lại cứ quên đi. Phần vì Nhật Nam cũng bận kín lịch và đường lại xa nữa trong khi con còn nhỏ. Cô hiệu trưởng lại nhắc tôi lần nữa, rằng cô muốn Nhật Nam nói chuyện về cách học để giỏi như một tấm gương cho các em ở Thái Bình nhưng mặt khác cô và các em cũng muốn nghe, muốn biết, muốn hiểu về tình yêu thương của gia đình đặc biệt này. À ra thế. Trước khi bay đi Pháp, tôi đã được Nhật Nam đồng ý, đầu tháng 8 này, mùa Vu lan năm 2016 Nhật Nam sẽ về Thái Bình để nói chuyện về tình yêu thương và trí tuệ. 

Với người bố đáng kính, Nhật Nam luôn thể hiện tất cả lòng biết ơn, trân trọng. Trong nhà có hai người đàn ông nên họ rất hay bàn chuyện với nhau như hai người bạn. Mẹ Điệp là phụ nhữ duy nhất trong nhà nên nhiều khi hai bố con phải bàn cách để chiều mẹ, thương mẹ, quan tâm đến mẹ. Sân thượng của ngôi nhà nhỏ bé này là một trong những địa điểm lý tưởng để hai bố con tâm sự. Nhiều khi họ bên nhau đi dạo để nói chuyện với nhau, chia sẻ cho nhau những gì hay nhất, thầm kín nhất. Nếu bạn được nghe những cú điện thoại hay đọc những nhắn tin bố con Nhật Nam gửi cho nhau thì bạn sẽ hạnh phúc vô cùng. Thật mà.

Tình cảm của Nhật Nam dành cho mẹ không thể diễn tả thành lời. Trong mắt Nhật Nam, mẹ Điệp luôn là một người lúc nào cũng đẹp long lanh, giọng mẹ như ''giọt sương tròn lăn'', giọt nước mắt mẹ ''tựa như ánh sao trên bầu trời. Nhật Nam luôn nghĩ mẹ chính là thiên đường. Tình cảm thật trong sáng và tràn ngập yêu thương. Nhật Nam luôn biết ơn công mẹ sinh ra con, nuôi dưỡng con. Mẹ vất vả vô cùng để nuôi em – Nhật Nam không ít lần nói với tôi như vậy. Con hay kể về những ngày tháng mẹ chăm em khi em còn ở nước Nhật. Hình như tuổi thơ của con sâu lắng lắm. Hình như những năm tháng đầu đời đã hình thành nên tính cách tuyệt vời của con như ngày hôm nay. Con luôn trân quý điều này.

Bạn có biết không, bố Thảo của Nhật Nam thì luôn cảm thấy mình chỉ là một tiểu hành tinh trong thế giới vụ trụ rộng lớn của con trai Nhật Nam. Người bố kính yêu của Nhật Nam luôn thương con hết mình, luôn nhớ nhung, lo lắng cho con cả khi con ở nhà lẫn khi đi xa. Những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày luôn được bố Thảo ghi chép lại. Đối với ông bố tuyệt vời này, những hồi ức về những ngày tháng sống bên con, cùng con trai yêu quý luôn là những kỷ niệm vô giá không gì đánh đổi được. Anh hạnh phúc với những kỷ niệm này, nhất là từ khi Nhật Nam nhận được học bổng toàn phần sang Mỹ học. Khi Nhật Nam rời vòng tay yêu thương của mẹ Điệp và bố Thảo thì con mới 13 tuổi. 

Từ ngày con đi xa, bố Thảo và mẹ Điệp vẫn như bên con Nhật Nam. Họ bên nhau qua email, điện thoại, nhắn tin. Họ bên nhau trong từng suy nghĩ. Họ vẫn tròn một vòng yêu thương. Họ vẫn tỏa ánh sáng ấm áp, lung linh, đầy tình cha, nghĩa mẹ, chan chứa tình thân cho nhau. Vượt không gian. Vượt thời gian. Vượt từ nửa bán cầu này sang nửa bán cầu kia của trái đất. Từ đêm bên này sang ngày bên kia và ngược lại. Thật là quý giá và đáng trân trọng.    

Bố Thảo của Nhật Nam yêu vợ mình lắm. Anh đặt biệt danh cho mẹ Điệp là ''cô dâu 8 tuổi''. Anh quan tâm đến vợ mình từ những gì nhỏ nhất, cụ thể nhất. Trong con mắt anh, cả hai bố con là hai người đàn ông cần chăm sóc mẹ Điệp. Cách mà hai bố con chăm và thương mẹ, nhất là khi mẹ mệt thì thật là tuyệt. Mỗi khi mẹ Điệp bị ốm là hai bố con lại có cơ hội thể hiện tình yêu thương của mình. Tôi có cảm giác rằng khi một trong ba ngọn nến này yếu ánh sáng đi thì hai ngọn nến còn lại sáng hơn, tỏa sáng nhiều hơn, xa hơn để bù cho phần ánh sáng thiếu đi của ngọn nến mẹ Điệp.  

Tôi nhớ rằng lần nọ chúng tôi có buổi giao lưu ở Sài Gòn. Mẹ Điệp thì bệnh, sốt. Tôi cũng sốt ruột nên ngồi thiền để truyền tâm cảm năng lượng cho chị. Hai bố con Thảo Nam thì hết lòng chăm sóc và động viên mẹ. Thế rồi mẹ Điệp đỡ bệnh và bay được. Vào đến Sài Gòn cùng hai bố con thì sức khỏe của mẹ Điệp khôi phục dần. Không chỉ tôi vui mà tất cả hàng trăm bạn đọc vui vô cùng. Niềm vui khó tả. Sức mạnh của tình yêu thương lớn đến vậy đó. 

Lại nói về hai bố con Nhật Nam, cá nhân tôi quan sát gần chục năm nay và thấy rằng họ giống nhau ở một điểm đặc biệt và rất đáng học hỏi cho tôi và bất cứ người đàn ông nào. Đó là sự tinh tế. Họ cảm nhận được sâu sắc những giá trị cuộc sống, họ quý giá từng giây phút được bên nhau. Họ yêu thương và biết ơn cuộc đời mỗi ngày. Họ nhìn nhận mỗi sự việc đều rất tinh tế. Ngay cả niềm vui. Với cả nỗi buồn.  

Trong câu chuyện về ba ngọn nến lung linh này, tôi thích nhất là cách sáng tác chuyện để kể cho con nghe của mẹ Điệp. Chị Điệp tự nghĩ ra những câu chuyện về bạn Mèo, bạn Thỏ, bạn răng sún, để kể cho con nghe. Bao nhiêu năm nay tôi biết rằng chị luôn ngày đêm trăn trở trong cách giáo dục Nhật  Nam. Chị đọc rất nhiều sách, học rất nhiều phương pháp, nghĩ ra rất nhiều trò hay để học cùng con, để dạy Nhật Nam. Anh chị luôn coi Nhật Nam là bạn của mình. 

Mẹ Điệp và bố Thảo có lẽ là tấm gương sáng của những ông bố bà mẹ Việt đã áp dụng thành công thai giáo vào cuộc sống. Tình yêu thương của họ dành cho Nhật Nam, cách họ dạy dỗ và hướng dẫn Nhật Nam từ khi con còn nằm trong bụng mẹ là một câu chuyện dài mà chắc gì một cuốn sách đã viết lên hết được. Nhưng tôi lại càng muốn nhấn mạnh đến vai trò của thai giáo, của cách dạy trẻ học và chơi từ nhỏ, từ rất nhỏ. Những câu chuyện mà bố Thảo mẹ Điệp đã kể trong các buổi giao lưu, trên những trang sách đã được xuất bản thì có lẽ không thể dùng từ nào khác để nói thay cho cụm từ BẰNG CHỨNG SỐNG. Tôi luôn ước ao và mong làm sao mỗi gia đình Việt Nam có thể học và ứng dụng một phần từ cách giáo dục và yêu thương của họ.

Chúng tôi rất yêu quý nhau. Bố Thảo bảo tôi rằng Nhật Nam luôn coi bác Hùng là bố. Tôi rất vui. Mẹ Điệp thì mỗi lần nói chuyện điện thoại với tôi lại nhắc rằng Nhật Nam vừa nhắc đến “bố Hùng”. Những cử chỉ yêu thương thân thiết của Nhật Nam đâu chỉ dành cho bố mẹ em. Ngay cả tôi mà cũng được Nhật Nam yêu quý như vậy thì tình yêu thương của con lớn đến chừng nào. 

Chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội gặp nhau trực tiếp lắm đâu. Tuy nhiên cứ có cơ hội là chúng tôi lại gặp nhau. Mỗi lần đến nhà thăm ba ngọn nến lung linh này tôi thích nhất là được nghe họ nói chuyện với nhau. Thật gần gũi và thân mật. Thật tình cảm và sâu lắng. Thật trân trọng và yêu thương. Đôi khi chỉ cần ngồi nghe họ nói chuyện cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nói vậy chứ mỗi khi chúng tôi gặp nhau, được ngồi bên nhau là biết bao chuyện lại hiện về và nói chuyện mãi không chán.

Có một điều rất lạ rằng tôi luôn thấy ba thành viên gia đình Đỗ Nhật Nam quấn quýt nhau như dây bầu dây bí. Kể từ khi Nhật Nam trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam lúc con mới 6 tuổi cho đến nay, lúc nào tôi cũng thấy dây bầu dây bí quấn quýt họ lại với nhau. Mẹ Điệp như dây bầu. Bố Thảo như dây bí. Họ cứ quấn chặt vào nhau và cuốn kỹ quấn sâu Nhật Nam vào giữa trong vòng yêu thương. Tròn một vòng yêu thương. 

Mà họ quấn nhau như dây bầu, dây bí cũng rất có lý, bởi theo tôi được biết, từ lúc hai tuổi, con trai Nhật Nam của bố Thảo, mẹ Điệp đã thích ăn bí đỏ. Bố Thảo kể rằng, với Nhật Nam, bí đỏ giống như yến tiệc cung đình, chế biến thành món gì Nhật Nam cũng nao nao nức nức. Khi thì cháo xay bí đỏ, lúc lại bí đỏ nấu soup, có khi chỉ luộc lên, thái lát, vậy mà Nhật Nam luôn bốc ăn ngon lành.

Anh Thảo cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khi cả nhà sống ở Nhật. Do đất đai quanh nhà thừa thãi, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Thế là bố Thảo nghĩ đến việc trồng bí đỏ bằng hạt do bà ngoại gửi sang. Chiều chiều bố Thảo đi làm về lại hì hụi tưới bí. Và những sợi dây bí đã quyện chặt ba thành viên trong gia đình lại với nhau. Từ khi họ còn ở đất Nhật. Từ khi Nhật Nam mới sinh ra ở Nhật. Dây bầu dây bí cứ quấn họ tròn mãi, tròn mãi, tròn thành hòn bi lớn. Hòn bi mang tên Điệp Thảo nam cứ lăn đi khắp nơi phụng sự cho đời.

Tình yêu thương của ba thành viên trong gia đình Nhật Nam không chỉ dành cho nhau mà họ còn yêu thương cả chim muông, cây, cỏ. Tôi được biết rằng, ngày chia tay nước Nhật, bố Thảo và các thành viên trong gia đình đã cúi xuống từng khóm rau, từng bụi cỏ để tri ân, để chào tạm biệt. Bố Thảo thấy thương những cây này vì biết ngày mai, khi ba ngọn nến lung linh rời đất Nhật, chúng sẽ không còn người tưới tắm. Người đàn ông vững chãi của gia đình, vị phó giáo sư tiến sỹ đang là chuyên gia đi giảng dạy ở Nhật Bản cũng đã không cầm lòng được. Nước mắt ứa ra âm thầm thấm trên từng cánh hoa ngọn lá. Nước mắt của yêu thương và tình người.

Tình yêu thương của ba thành viên Điệp - Thảo – Nam dành cho nhau ngày thêm lớn lên. Còn dây bầu bí mà gia đình nhỏ của Nhật Nam chăm sóc thì lớn xuống. Anh Thảo tâm sự rằng “lớn lên” và “lớn xuống” là hai hình ảnh đối lập nhưng đẹp và thơ đến mụ mị làm ông chủ của gia đình không thể không rưng rưng. Họ yêu thương và chăm sóc ông bà nội ngoại ở Hải Phòng và Hà Nam. Tình yêu thương lớn lên để quây quần bên gia đình lớn và nhỏ, bên bạn bè và người thân, bên hàng xóm và cả những người mới quen hay còn xa lạ. 

Bố Thảo và mẹ Điệp yêu con Nhật Nam lắm. Họ chăm chút cho Nhật Nam từng tí. Họ học với con, chơi với con. Họ dành trọn yêu thương cho con và để rồi Nhật Nam cứ thảnh thơi hồn nhiên mà lớn. Ông bố và bà mẹ đặc biệt này vẫn ôm ấp, yêu thương con ngay cả những ngày này, khi mà Nhật Nam đã mười lăm mười sáu tuổi rồi. Nhật Nam đã thành thanh niên thật rồi.

Nếu bạn có cơ may được đọc những tâm sự của bố Thảo thì sẽ thấy tình yêu thật trong sáng và đẹp biết bao. “Mới ngày nào còn bé xíu xìu xiu, che vừa khít lòng cái nón. Rồi thoắt cái biết chập chững chạy chơi, cười như gieo hạt bên góc công viên thênh thang nắng gió. Và chỉ thêm vài cái chớp mắt đã thành chàng trai, tiếng nói ồm ồm, tay chân chắc nịch. Hàng đêm, ấn tay vào cái đùi của nó, vào lưng nó, thấy râm ran trong lòng những niềm vui tha thiết”.

Mốc quan trọng trong gia đình ba ngọn nến lung linh này là ngày Nhật Nam xa bố mẹ đi Mỹ học. Con xa cha mẹ sống tự lập một mình ở phía bên kia bán cầu. Dây bí mỏng manh buộc bố Thảo và mẹ Điệp vào nỗi nhớ. Dây bí níu hồn hai ngọn nến cha nến mẹ thương về những chặng đường xa ngái. Nỗi nhớ chỉ mỏng manh thế thôi mà neo đậu vô chừng. Bố Thảo mẹ Điệp luôn là bến đỗ cho con Nhật Nam yêu thương đang trưởng thành. 

Từ ngày Nhật Nam còn rất bé nhưng đã biết chăm lo đến bố, biết nghĩ và thương mẹ. Cậu bé hay nặng lòng với những gì bé nhỏ nhất, chân thật nhất. Nhật Nam học theo bố theo mẹ và  biết thương cây lá, thương cỏ hoa và thương cuộc đời muôn nỗi. Cậu bé biết lo cho mình, lo cho bố mẹ mình, và lo cho cả những em bé khó khăn, thiệt thòi.

Ngày Nhật Nam sang Mỹ học, mẹ Điệp tiễn con đến tận trường, xem kỹ chỗ ăn chỗ ở, gặp các thầy cô và những người quản lý. Đâu có dễ gì để đứa con yêu quý vô vàn nơi đất lạ khi chưa biết kỹ, chưa tận mắt, tận tay nhìn thấy, sờ thấy. Những ngày ở đất Mỹ là những kỷ niệm đẹp tràn đầy yêu thương. Yêu thương chan chứa trong mỗi phút giây, ở nơi mỗi suy nghĩ, lời nói và cử chỉ. Khi chia tay mẹ Nhật Nam họ đã rất xúc động. Mẹ về rồi, một mình con ở lại. Nhật Nam đã tâm sự rằng thực sự em đã không nghĩ là nhớ mẹ đến thế. Em trở về căn phòng và ngồi lại những chỗ mẹ đã ngồi. Em cứ cầm mãi lá thư mẹ gửi cho em và em rơi nước mắt trên dòng chữ: “Mẹ về nhé Nam ơi, nhưng mẹ biết trái tim mẹ đã để lại nơi này...”. Xúc động vô cùng.

Tôi vô cùng xúc động hơn nữa khi nghe con tâm sự “Em còn không dám mở cánh cửa căn phòng bên cạnh, nơi mẹ đã nằm ngủ ở đó mấy đêm. Em muốn căn phòng đó cứ khóa mãi, để lưu lại “mùi mẹ” được lâu hơn. 

Có những điều khi ở gần là bình thường nhưng đến khi xa mới hiểu kĩ, mới thấm sâu, mới nhớ dài. Khi Nhật Nam ở lại đất Mỹ một mình, ở cái tuổi mới 13, con đã hiểu sâu sắc thế nào là tình mẹ - nghĩa cha, thế nào là công ơn cha mẹ, là tình yêu thương của gia đình. Vắng bố thiếu mẹ nhưng bằng quyết tâm và sự biết ơn của mình Nhật Nam đã thắp lên ngọn nến trong tim để sống tốt, học tốt, để tiến bộ mỗi ngày. Chỉ có kết quả học tập và sự trưởng thành của mình, con mới có thể đền đáp công ơn cha mẹ. 

Nhật Nam thương mẹ hơn bất kì điều gì có thể nói thành lời. Nhật Nam kính thương bố không thể viết ra được. Bố mẹ dang rộng vòn tay, mở rộng trái tim để ôm ấp và che chở cho con ngay cả khi con ở rất xa bố mẹ. ba ngọn nến vẫn tiếp tục lung linh tỏa sáng như đã tỏa sáng hơn chục năm nay.

Chúng ta cùng đọc tâm tư của Nhật Nam nhân ngày sinh nhật của mẹ Điệp nhé.

“Đôi lần, giữa những cơn mưa lạnh, giữa những đợt gió buốt, em muốn chạy về để ôm mẹ.

Đôi lần, giữa đêm khuya, giữa những lần nóng sốt, em muốn quay về với mẹ.

Nhưng chính mẹ, mẹ lại cho em động lực để bước tiếp.

Không cằn nhằn, không hối thúc, không lo sợ thất bại, mẹ kiên nhẫn để đợi em trưởng thành, dù biết khó khăn.

Mẹ ơi, người ta nói trong mỗi người có hai con sói luôn đấu tranh với nhau. Một con sói của bóng tối và tuyệt vọng. Một con sói của ánh sáng và hy vọng. Câu hỏi: Con sói nào sẽ thắng? Câu trả lời là: Bạn cho con nào “ăn”.

Rất âm thầm, mẹ đã mang “thức ăn” cho “con sói của ánh sáng và hy vọng” trong em, dù có khi chính mẹ cũng không biết điều đó.

Nên sinh nhật mẹ là ngày vô cùng đặc biệt với em. Vì mẹ luôn “đặc biệt”.

Mẹ đã bao dung với em, sang tuổi mới, em muốn mẹ bao dung với bản thân mẹ hơn nữa.

Mẹ đã yêu thương em, em mong mẹ cũng sẽ yêu thương bản thân nhiều thêm, nhiều thêm nữa”.

Nhật Nam nghỉ hè 2016 và con đã về Việt Nam. Công việc mùa hè của con là dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ. 

Tôi cũng muốn các bạn đọc đôi dòng tâm sự của người mẹ yêu thương dành cho con mình. Bạn đọc thật chậm nhé. Để cảm nhận. Để thấy tình mẹ con Điệp Nam đẹp, hồn nhiên và đáng yêu như thế nào. 

“Khi còn trong chăn cứ chùng chình, thơm nhau thêm một cái nữa, vỗ về động viên nhau cố gắng dậy thôi, dậy thôi. Miệng nói dậy thôi mà mắt vẫn nhắm nghiền, vẫn lăn qua lăn lại chạm vào nhau, vẫn cứ muốn giữ mãi không khí thơm ấm, thần tiên thêm chút nữa. Rồi hẹn hò nhau đón đưa, rồi thì thầm vào tai nhau: nhớ nhé, nhớ nhé!

Tỉnh dậy rồi vẫn còn muốn nấn ná, tần ngần. Ăn sáng xong lại hẹn hò đưa đón. Nháy mắt, nheo mày, mọi thông điệp được đưa ra kín đáo và vội vã. 

Chia tay, người lên xe, người ở lại. Một cái thơm nhẹ thoáng qua má cho khỏi thẹn thùng. Một cái nắm vạt áo hơi chút chùng chình. Một ít ngúng nguẩy, thêm tí mè nheo và nhiều phần nũng nịu. Buổi sáng mềm như sương và dịu dàng như tơ!

Trưa nắng vàng hoe, ngồi vẩn vơ nhớ tới lời hẹn. Tưởng tượng ra lúc được rạng rỡ cùng nhau, hớn hở cùng nhau, thơ thới cùng nhau. Nắng bỗng vàng hơn. Không gian mênh mang, vòm lá xanh non bên khung cửa có mùi hương thanh thanh. Hương mơ mùi nhớ!

Và khi chiều đến, hơn 4 giờ đã có mặt ở cổng trường, đợi CON!”

Ôi tình yêu thương của gia đình này đẹp làm sao. 

Lại nói thêm một chút về những món quà. Nhật Nam luôn tự mình lựa chọn những món quà để con tặng bố tặng mẹ. Ngay cả những mọn quà tặng ông, tặng bà, tặng những ai con muốn tặng con cũng tự mình lựa chọn. Tôi vẫn giữ nguyên những món quà quý mà con tặng tôi. Chiếc áo khoác hai mặt tôi mặc là do Nhật Nam tặng. Chiếc áo sơ minh tôi mặc tuần trước là do con chọn. Áo phông tươi đẹp tôi hay mặc cũng là món quà của con. Có những món quà con tặng khi mới 7 tuổi. Có những món quà con tặng mới đây. Con tự chọn nhưng món quà nào cũng rất ý nghĩa và phù hợp. Khi sử dụng, tôi cảm nhận rất rõ tâm của con, tấm lòng rộng mở của con, tình yêu thương chan chứa và sâu thẳm của con.

Cách đây quãng vài tuần, khi con vẫn còn đang học bên Mỹ chưa được nghỉ hè, tình cờ tôi gặp mẹ Điệp bố Thảo ở trường quay cho chương trình “Giờ gia đình” của VTV2. Tình cờ chúng tôi được cùng mời làm khách mời. Chợt tôi thấy mẹ Điệp mang một chiếc túi rất đẹp và lạ. Khi hỏi ra mới biết rằng Nhật Nam đi làm thêm và dành tiền mua túi này tặng mẹ. Ôi tấm lòng của đứa con đang lớn khôn.   

Và dĩ nhiên Nhật Nam cũng nhận được khá nhiều quà. Quà của bạn bè, người thân, bạn của các bạn bè quốc tế. Có cả những món quà rất đặc biệt và từ những người mới quen nữa. Mỗi món quà em nhận được đều có những ý nghĩa rất thú vị.

Những tháng hè quý báu 2016 này, Nhật Nam không nghỉ ngơi, mà lên kế hoạch tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí cho các học sinh tại trường phổ thông quốc tế Newton và Pascal.

Tôi định viết bài này nhân ngày 28 tháng 6 cũng là sinh nhật của mẹ Điệp, ngày sinh nhật của mẹ Điệp cũng là ngày gia đình Việt Nam, tôi chép ra không đầu không đuôi những ký ức lộn xộn và suy nghĩ của mình về Nhật Nam và ba ngọn nến lung linh. Tôi biết rằng gia đình này hạnh phúc lắm, sự hiếu thảo của Nhật Nam lớn lắm.

Bạn muốn biết thêm về gia đình của ba ngọn nến Điệp Thảo Nam lung linh này thêm ư, xin mời tìm đọc bộ sách của gia đình con gồm ba cuốn "Hát cùng những vì sao", “Dưới sao mẹ kể con nghe” và “Ánh sao trong lòng bố”. Bạn sẽ cảm nhận được ba ngọn nến Điệp Thảo Nam lung linh.

Ts.Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Sách Thái Hà
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm