Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 15/07/2016, 15:53 PM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Bên tiền bên hiếu, bên nào nặng hơn

Nhìn ảnh bà, nó lại thấy nhớ bà vô cùng. Nhưng nó khẽ mỉm cười và vui vì mẹ nó là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ đảm đang, một người mẹ tuyệt vời giàu đức hy sinh. 

Hôm nay về quê, trên chuyến xe khách quen thuộc ấy, con bé chọn cho mình chiếc ghế sát cửa sổ của hàng ghế thứ hai từ dưới lên. Ngồi vào ghế, như một thói quen, con bé cắm tai nghe rồi ngủ một giấc li bì. Nó chìm sâu trong giấc ngủ gần ba giờ đồng hồ, có đôi khi chớp đôi mắt trong vô thức nếu có vị khách nào đó lên hoặc xuống xe…Nó chọn cho mình ghế cạnh cửa sổ vì ở quê nó - vùng đất xứ vải thiều Lục Ngạn hiện đang vào vụ, ngồi cạnh cửa sổ để khi về tới quê, từ trên xe nó có thể ngắm vải, ngửi mùi vải - mùi vị quê hương.

- Tắc đường thế này bao giờ mới về tới nhà đây.

- Két…Bán giá bao nhiêu bác… Hôm nay xuống giá rồi.

- 30 nghìn nhé, được thì ghi phiếu.

- Lùi 10kg… Thế này thì chết…

Tất cả những âm thanh lạ mà quen ấy làm nó sực tỉnh giấc. Về tới quê rồi, lẽ ra nó phải vui chứ, sao vậy? Nó thấy khóe mắt ướt, nó khẽ rờ “ừ nước mắt đấy”. Hình như nó vừa nằm mơ thì phải. Hướng đôi mắt ra cửa sổ, có cơn gió nhẹ thổi qua, len vào ô cửa sổ làm đôi mắt nó được hong khô. Nó nhìn mọi thứ trở nên rõ và đẹp hơn.

Đang vào vụ, tắc đường là một điều hiển nhiên ở quê nó mỗi năm. Xe khách đi chầm chậm, ánh mắt nó vẫn hướng ra phía cửa sổ để tận hưởng cái không khí của mùa vụ. Tai nó vẫn đeo dây phone, những bản nhạc không lời du dương hay những bài nhạc thiền đã giúp nó không bị say xe. Nó bật âm lượng vừa nên có thể nghe được mọi âm thanh xung quanh nó.

- Alo…Mẹ ơi mẹ đang làm gì thế?

- Mẹ đang bón cháo cho bà.

- Mẹ bảo bà cố gắng ăn nhiều nhé, con sắp về tới nhà rồi. Đang tắc đường mẹ ạ.
- …

Cuộc nói chuyện điện thoại giữa một bạn nam thanh niên ngồi kế bên nó với mẹ cậu ta. Cuộc điên thoại chẳng mấy thú vị và hấp dẫn khiến nó phải bận tâm. Nhưng bất giác, nó nghe thấy câu nói của người mẹ “Mẹ đang bón cháo cho bà”. Sao phải bón nhỉ, bà cậu ấy ốm chăng? Tự nhiên nó nhớ tới bà nội, tới mẹ nó… “alo, mẹ ơi bà đỡ chưa? Hôm nay bà ăn được nhiều không mẹ?” Đó là câu hỏi thăm  mỗi ngày của nó dành cho bà nội.

“Mẹ đang thay tã cho bà”
“Mẹ đang nấu cháo cho bà”
“Mẹ vừa giặt quần áo cho bà”
“Mẹ vừa tắm cho bà”
Đó là câu trả lời mỗi khi nó hỏi “mẹ đang làm gì?”
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Tháo một bên tai nghe và nó lảm nhảm mấy lời thơ của nữ thi sĩ tình yêu - Xuân Quỳnh viết về mẹ:

“Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời không thôi”

Phải chăng nó đang tự kiểm chứng lời thơ của Xuân Quỳnh qua chính hình ảnh tần tảo của mẹ nó khi chăm sóc bà nội.

Xe vẫn chạy chậm lắm, có khi nó xuống đi bộ còn nhanh hơn, nhưng nó không nghĩ tới điều ấy. Suy nghĩ của nó vẫn vẩn vơ xoay quanh hình ảnh mẹ nó - người con dâu hiếu thảo, người mẹ nó yêu quý và tự hào, tấm gương để nó học tập.

Cuối mùa vải năm ngoái bà nội nó bị ốm không đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ con cháu. Gia đình, họ hàng ai cũng quan tâm và tận tụy chăm sóc bà. Bà nội không ở với gia đình nó mà bà ở với gia đình bác bá, cũng chỉ cách nhà nó chừng 200 mét. Nhưng các chị nhà bác đi lấy chồng xa, còn hai bác cũng hay bận công việc nên mẹ nó buổi tối thường hay ra ngủ với bà phỏng khi bà cần gì.

Công việc đồng áng và chăm sóc vườn vải sau thu hoạch khá vất vả và bận rộn nhưng không bao giờ mẹ than mệt dù phải chăm sóc cho bà nữa. Có khi đang gặt ngoài đồng mẹ cũng tranh thủ chạy về thay tã cho bà. Hay có những  buối trưa nắng mẹ  tranh thủ tắm cho bà vì sợ tối lạnh. Có lần nó được nghỉ hai ngày cuối tuần ở trường nên nó về nhà thăm bà. Bà nó gầy đi hẳn, những cơn đau dằn vặt bà, nó thương bà vô cùng. Mẹ nó thường nói “Nhìn bà đau đớn, giá như có thể gánh thay bà thì mẹ cũng chịu gánh”, nhưng sinh lão bệnh là quy luật cuộc đời, rồi ai cũng phải trải qua. Sáng hôm ấy cả nhà đang cấy dưới cánh đồng làng, anh trai nhà bác gọi về thay tã cho bà. Nó bảo để nó về, nhưng mẹ nó không cho vì sợ nó vụng rồi không biết làm. Mẹ nó là thế đấy, tỉ mỉ chu đáo từng chút một.

Tại nó đi học xa nên không chăm sóc cho bà nội, tối hôm đó nó ra ngủ với bà, cho mẹ ngủ nhà. Ngủ với bà nhưng không dám ngủ say, vì sợ bà cần gì lúc đêm hay nếu bà nóng thì quạt cho bà. Rồi lúc bà đau quá nó thấy xót xa, những giọt nước mắt cứ thế mà trào ra. Sáng dậy nó đã được thực hành việc thay tã cho người bệnh, nó vụng nhưng vẫn luôn nghe những lời dạy bảo của mẹ nó “khi thay tã cho bà, dù có bẩn cũng không được chê hay kêu ca gì đâu, vì sau này có khi con còn quá hơn bà”. Lời dạy của mẹ nó y như câu tục ngữ cô giáo dạy nó hồi cấp một       “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Có ngủ với bà một đêm mà mắt nó thâm lại, thế mới hiểu rằng mẹ nó đã vất vả như thế nào nhưng không hề thấy mẹ than phiền gì.

Xe khách vẫn lăn bánh, khách trên xe đã thưa dần, ánh nắng chiếu vào cửa sổ làm nó khó chịu nên nó kéo tấm rèm lại, không để ý tới bên ngoài nữa.

Nó nhớ lại một lần khác về thăm bà là vào dịp đầu tháng Mười Một Âm lịch khi mà cái tết đang cận kề. Ở quê nó vào thời gian này vắng lắm, nhà nhà đi làm, người người đi làm. Làng nó cũng không ngoại lệ. Người ta tranh thủ đi chăt mía thuê ở “T” để kiếm tiền tiêu tết. Mỗi nhà một hai người đi, chỉ có trẻ nhỏ đi học và người già ở nhà. Quê nó tiếng là đất vải nhưng cũng chỉ dư giả khi vào vụ, còn lại phải kiếm thêm từ công việc khác. Anh trai nó cũng đi làm rồi, nhà nó không có trẻ nên mẹ nó cũng quyết định đi.

- Mẹ đi đâu mà lúc con về tới nhà không thấy?

- Mẹ vào nhà bác Ái hỏi xem đủ đội chưa?

Nó hiểu liền câu chuyện.

- Mẹ cũng muốn đi chặt mía ạ?

- Ừ, Không đi lấy đâu tiền cho con ăn học, lại sắp tết rồi.

- Thế còn bà nội, bà đang ốm mà mẹ?

- Bà cũng đỡ rồi, có các bác ở nhà là yên tâm rồi. Mẹ đi hai mươi ngày thôi.

Nó im lặng hồi lâu, nó biết mọi việc mẹ làm là vì nó.

- Con biết, từ khi bố mất gánh nặng gia đình đè lên vai mẹ, mẹ đã rất vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học. Con cũng biết tiền rất quan trọng nhưng bà đang ốm, mẹ đi xa liệu hàng xóm sẽ nhìn nhận mẹ sao đây.

Mẹ nó nghĩ ngợi lắm, dù anh trai nó đi rồi nhưng vì anh nó ham chơi và nông nổi.

- Bà cũng muốn mẹ đi làm, sợ ở nhà không có tiền tiêu và tiền cho con đóng học.

- Tiền tháng trước mẹ cho con vẫn còn, với lại con đi bán đồ ăn vặt trong kí túc xá dư ít có khi đủ ăn tháng sau nữa mẹ ạ.

Cả chiều hôm ấy mẹ nó cứ thấp thỏm giữa quyết định đi làm hay ở nhà. Có khi đang ăn cơm mẹ nó lại nhắc lại câu chuyện hồi sáng của hai mẹ con “hay là mẹ đi làm” . Nó lại khuyên, mẹ nó: “ừ nhỉ, chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ và trách nhiệm của con cái mà, mẹ đi sao đành”. “Bên tiền bên hiếu, mẹ cứ suy nghĩ đi ạ”.

Cứ như vậy, nó biết cả ngày hôm đó mẹ nó đắn đo, phân vân giữa hai lựa chon đi làm hay ở nhà chăm sóc mẹ chồng, có khi phải đến bốn, năm lần gì đó. Cứ quyết định rồi lại thay đổi. Nhưng rồi mẹ nó vẫn quyết định ở nhà làm tròn chữ hiếu với mẹ chồng. Một quyết định mà mãi mãi về sau mẹ nó luôn thấy đúng đắn và sáng suốt.

Mải suy nghĩ quá, xe gần về tới nhà rồi, vì là khách quen, chú phụ xe gọi nó ra cửa sẵn. Nó chen ra tới cửa, xuống xe là đặt chân tới nhà bác. Nhà bác nó năm nào cũng sấy vải, nên thuê rất nhiều người. Nó chào mọi người và nở một nụ cười rồi nó vào nhà chào bà nó. Khuôn mặt bà lúc nào cũng hiền từ và phúc hậu như thế…Nhưng nó chỉ là đang ngắm khuôn mặt phúc hậu ấy của bà qua di ảnh để trên bàn thờ mà thôi. Bà nội vì bệnh nặng mà ra đi mãi mãi từ sau cái quyết định đi chặt mía của mẹ nó hơn một tháng, tức là cuối năm ngoái chỉ cách tết nguyên đán mười ngày.

Bà ra đi, đó là một sự mất mát lớn đối với gia đình, họ hàng và chính bản thân nó. Nó hiểu rằng sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời, sự ra đi chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cái chết cũng chính là một sự giải thoát, chết không phải là hết mà đó là một sự khởi đầu tiếp theo. Và nó luôn tin là như thế.

Nhìn ảnh bà, nó lại thấy nhớ bà vô cùng. Nhưng nó khẽ mỉm cười và vui vì mẹ nó là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ đảm đang, một người mẹ tuyệt vời giàu đức hy sinh. Nó không may mắn vì được sinh ra trong gia đình giàu có nhưng nó may mắn vì là con của bố mẹ. Mẹ nó đã, đang và sẽ mãi là tấm gương để nó học tập và noi theo.

Vi Thị Thuyền
-
Phật Trì, Tân Hoa, Lục Ngạn, Bắc Giang
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm