Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 07/07/2016, 08:08 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Bước ra từ chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo

Từ ngày quen vợ chồng anh và đi chùa cùng nhau, em bỗng nhận ra mình đã có thêm được một đứa con gái thứ hai nữa vừa mới bước ra từ chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo. Vậy mà trước đây em nào có biết. Đây phải chăng cũng là do trời Phật độ trì, đúng không anh?

Những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước trải qua 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam dai dẳng - chị từ từ kể. Ngày ấy chúng em thương bộ đội lắm. Đặc biệt là bộ đội đánh quân “bành trướng” tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Các anh ấy vừa đói vừa rét lại còn thiếu thốn tình cảm nữa.

Anh kể, nhiều đêm các anh đã phải bò đi đào sắn của dân về luộc ăn cho đỡ đói. Sau tháng 2 năm 1979 thì đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta đã trở nên nghèo lắm. Họ đã bị bọn bành trướng cướp sạch, đốt sạch, phá sạch nên từ quần áo, chiếu chăn...cái gì dân cũng thiếu - anh buồn rầu kể.

Anh là lính thông tin nên thỉnh thoảng lại phải về đơn vị chính đóng tại Hà Đông để lấy thêm khí tài mang lên biên giới. Dạo đó, em mới ngoài hai mươi tuổi chưa có người yêu. Em đang làm công nhân cho một nhà máy tại Hà Đông gần kề đơn vị chính của anh đóng nên tình cờ em đã quen anh.

Mỗi lần từ biên giới Vị Xuyên, Hà Giang về, anh đều có quà cho em. Lúc thì cái túi thổ cẩm của người Dao, lúc thì cái khăn tay của người Hà Nhì...Rồi không biết tự bao giờ, em đã thầm yêu anh lính thông tin “trọ trẹ” ấy. Khi tình yêu đầu đã chín và anh hứa sẽ làm lễ cưới thì em đã không còn giữ được mình nữa.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Khi em cho anh biết là em đã có thai được hai tháng thì anh mừng lắm. Nhưng khi em nói đến đám cưới thì anh cứ khất lần. Anh nói, hiện tại anh chưa thể xin nghỉ phép được để đưa em về trình diện bố mẹ anh ở mãi Hà Tĩnh. Đợi một thời gian nữa, tình hình biên giới đỡ căng thẳng thì anh sẽ xin nghỉ phép về làm lễ cưới. Dạo đó dù đồng lương công nhân của em vô cùng ít ỏi, nhưng em vẫn cố dành dụm để mỗi lần anh về thăm, em lại đưa cho anh vài chục đồng mang đi.

Ngày em sinh con gái tại nhà hộ sinh Hà Đông, các bạn em đã đến tận đơn vị của anh nhắn tin cho anh về thì mới hay, anh đã có vợ và hai cô con gái tại quê nhà ở Hà Tĩnh. Không biết có phải tại vì anh sợ sẽ bị kỷ luật hay vì em đã sinh con gái mà anh lại đang khát con trai? Mà từ đó, không thấy anh đến thăm em một lần nào nữa.

Rồi từ ngày ấy, hai mẹ con em đã phải sống dặt dẹo bằng đồng lương công nhân ít ỏi thời bao cấp suốt bao nhiêu năm trời trong sự đợi chờ vô vọng một lần được anh đến thăm con gái mà vẫn bặt vô âm tín. Một thời gian sau, các anh ở bên đơn vị của anh cho biết, anh đã bị thương ở Vị Xuyên, đã chuyển về Nghệ Tĩnh an dưỡng lâu lắm rồi. Thôi, âu đây cũng là số mệnh của mình! Em đành bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu “không chồng có chửa mới ngoan” của mọi người, lầm lũi cắn răng chịu đựng để nuôi đứa con gái nhỏ vô tội cứ khóc hoài vì khát sữa.

Không biết có phải do trời thương hay không mà con gái em cứ lớn lên tròn như củ khoai, không sài đẹn ốm đau gì dài ngày cả. Đến tuổi đi nhà trẻ, nó thấy các bạn trong lớp có bố đón, nên có lần con gái đã hỏi em: “Mẹ ơi, bố con đi đâu mà không một lần đến đón con, hả mẹ?”. Không còn cách nào khác, em đành phải nói dối con gái: “Bố con đi bộ đội đánh quân bành trướng ở mãi Vị Xuyên, Hà Giang và hiện nay đang bị mất tích, giờ chưa biết ở đâu, con ạ. Con hãy ngoan ngoãn hay ăn chóng lớn. Thế nào rồi bố cũng sẽ về với mẹ con mình, con rõ chưa?” Nhưng rồi cháu nó vẫn chưa chịu buông tha cho em:

-Thế quân bành trướng là ai mà bố phải đi đánh hả mẹ? Bố mất tích nghĩa là sao hả mẹ? Sao bố mất tích lại không thể về để đón con được, hả mẹ? Tại sao có lần con nghe các cô giáo thì thầm “con bé này không có bố” nghĩa là sao, hả mẹ?...

Nghe những câu hỏi ngây thơ của con trẻ mà lòng em thêm xót xa, đau đớn. Nhà đã không có tiền để cho con gái được ăn ngon mặc đẹp bằng con nhà người ta. Tối về lại chỉ một mẹ, một con trong nửa gian nhà cấp 4 dột nát. Thương con mà đành phải nuốt nước mắt vào trong để đêm đến còn phải gượng cười đọc cho con gái nghe những câu chuyện cổ tích về ông Bụt, bà Tiên...Con các bác, các cô trong nhà máy lớn lên được là nhờ sữa, nhờ thịt, nhờ cá..., con gái em thì lớn lên chỉ nhờ vào những câu chuyện cổ tích với cơm độn rau và cá mắm thôi. Nhưng không hiểu sao kể từ ngày đi học lớp Một, năm nào cháu cũng được đứng đầu lớp.

Có lần cháu thủ thỉ với em, “con phải học thật giỏi thì ông Bụt, bà Tiên mới thương và phù hộ, phải không mẹ?” Em cũng không biết có phải nhờ ông Bụt, bà Tiên phù hộ hay không mà cháu học một mạch lên đến lớp 12 năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, anh ạ. Mà cháu có được đi học thêm buổi nào đâu vì em chỉ nuôi nó ăn, nó mặc, đóng góp cho nhà trường thôi cũng còn chưa đủ tiền mà. Những năm nó học PTTH, buổi tối nó còn phải giúp em đẩy xe bán bánh mỳ, nước mía ra đường Nguyễn Trãi rồi đêm đến lại ra đón em đẩy xe về. Một đêm trời mưa to, cả hai mẹ con ướt như chuột lột. Đêm về, nhà lại dột tý tách, nên cả hai mẹ con đều không ngủ được. Bỗng nó ôm chặt em vào lòng rồi òa lên khóc.

-Con thương mẹ vô cùng, mẹ ạ. Chuyện về bố, mẹ không kể cho con nghe nhưng con đã biết từ rất lâu rồi. Mẹ chính là bà Tiên của con, bà Tiên có thực ngoài đời. Vì thương mẹ mà con đã gắng hết sức học giỏi để mẹ vui lòng, mẹ có biết không? Còn ông Bụt của con là Đức Phật trong chùa Đỏ. Con đã đi chùa Đỏ 3 năm nay rồi nhưng con dấu mẹ, vì sợ sẽ bị mẹ mắng. Vì mẹ không có thời gian đi chùa nên mẹ không thấu hiểu được phép nhiệm mầu của lời niệm “Nam Mô A Di Đà Phật!” hàng ngày. Con lạy mẹ đừng giận con vì đã dấu mẹ chuyện này, mẹ nhé!

Lời tâm sự hôm ấy của cháu đã làm cho em bị sốc và bị mất ngủ hơn nửa tháng trời. Biết là cái kim trong bọc lâu ngày còn bị tòi ra huống hồ đây là một câu chuyên rất lớn và hệ trọng trong cuộc đời. Nhưng em muốn đợi để cháu thi đại học xong rồi mới nói cho cháu biết. Ai ngờ!

Ngày thi vào đại học, nó đậu cả hai trường một lúc nhưng em khuyên cháu học ở một trường gần nhà để đi về bằng xe đạp cho tiện. Nó vừa đi học vừa đi dạy kèm để kiếm thêm tiền đỡ mẹ. Hai năm cuối, cháu xin đi làm  thêm tại một doanh nghiệp nên vừa tốt nghiệp xong đã có cơ quan nhận cháu vào làm việc. May thay, tại đó cháu đã gặp được một chàng trai con nhà nghèo học trước nó hai khóa yêu thương. Vài năm sau cháu đã có một đám cưới đàng hoàng chứ không phải lỡ làng như đời mẹ cháu ngày xưa. Hai năm sau ngày cưới, chồng cháu đã tìm được một suất học bổng thạc sĩ tại Mỹ. Rồi năm sau nữa, chồng cháu lại tìm thêm được một suất học bổng khác cho vợ sang Mỹ học để vợ chồng được gần nhau.

Vậy là từ đó em phải sống một mình buồn lắm. Do có nhiều thời gian rỗi nên em đã theo chị em đi lễ các chùa cho vui thôi. Vì em không tin là có trời, có Phật. Nếu có trời Phật, thì tại sao người hiền lành như em lại phải sống một cuộc đời lận đận như thế? Nếu có trời Phật, thì tại sao người nghèo ngày càng nghèo đi, người giàu lại ngày càng giàu lên nhanh như thế, hả anh?

Nhưng rồi đến một ngày, em đã thấu hiểu được Phật pháp. Em đã ngộ ra, nếu kiếp trước mình đã gây ra nghiệp chướng thì kiếp này ắt phải trả nghiệp. Đời mình làm điều ác thì đời các con mình sẽ phải chịu tai ương. Phải chi đời cha mẹ của chúng ta đã có một thời đập phá chùa chiền, bỏ đói các nhà sư... nên sau này chúng ta đã phải trả nghiệp, đúng không anh? Đấy là điều mà em đã ngộ ra sau mấy lần đi nghe giảng pháp tại chùa Khai Nguyên cùng với vợ chồng anh đó.

Năm ngoái con gái em đã sinh cháu đầu lòng tại Mỹ. Chúng đã đón em sang chơi với cháu. Do thay đổi khí hậu nên mới sang được hơn một tháng, em đã bị tai biến khá nặng. Nằm bệnh viện bên Mỹ, em thấy rất lạ là họ chăm sóc bệnh nhân rất tận tình mà không phải phong bì, phong bao gì cả. Đến ngày ra viện, họ còn giảm cho em được tới 80% tiền viện phí vì con em đang đi học. Bây giờ nghĩ lại, em mới thấy tiếc là, tại sao cuộc đời em đã không được khai mở về Phật pháp sớm hơn.

Ơn trời, năm nay sức khỏe của em đã ổn định. Tháng trước con gái em bế con về nước chơi được hai tuần thì đi vì trời nóng quá nên cháu bé bị ốm. Tháng sau, vợ chồng nó lại mua vé cho em bay sang Mỹ chơi 6 tháng để tránh cái nóng hầm hập bên cạnh con đường Nguyễn Khuyến của khu Văn Quán. Trước khi đi, nó đã khẩn khoản cầu xin em:  

-Mẹ ơi, con nghe bạn con nói bố con hiện nay đang sống ở Hà Tĩnh khổ lắm. Bố đã già yếu lại bị vết thương do bọn bành trướng gây ra hành hạ nên chẳng biết sẽ còn sống được bao lâu nữa. Con xin mẹ hãy cho phép chúng con thỉnh thoảng được gửi thuốc men về chữa trị cho bố, được không hả mẹ? Mẹ hãy tha thứ cho bố của con để chúng con có thêm được một người cha và mẹ cuối đời cũng sẽ được nhẹ lòng hơn, mẹ ơi!

Nói rồi, nó ôm chặt lấy em khóc nức nở. Từ ngày quen vợ chồng anh và đi chùa cùng nhau, em bỗng nhận ra mình đã có thêm được một đứa con gái thứ hai nữa vừa mới bước ra từ chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo. Vậy mà trước đây em nào có biết. Đây phải chăng cũng là do trời Phật độ trì, đúng không anh?

Phúc Đình
(Khi tôi viết bài dự thi này thì bạn tôi đã sang Mỹ được 18 ngày rồi)
-
NHà C18-TT7, Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm