Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/07/2016, 09:01 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Đĩa ngô đầu mùa

Có một chốn neo đậu bình yên trong cuộc đời mỗi người. Đó là ở nơi cho ta nhớ về ơn đức của mẹ. 

Tôi lớn lên, đi qua bao đổi thay, nhận từ cuộc sống bao nhiêu điều mới lạ để tự hoàn thiện mình và trưởng thành. Duy có một thứ là không đổi thay trong tôi dù tháng năm trôi qua nhanh chóng. Đó là chất liệu yêu thương của mẹ.

Ngày vừa lên 10 tuổi, tôi tạm biệt mẹ để đi tu. Tôi vẫn nhớ như vừa hôm qua thôi những kỷ niệm trong bữa cơm sáng ngày 27 tháng 5 năm ấy. Mẹ lo cho tôi lúc ở xa nhớ em nên dặn tôi: “con cầm bàn tay em và nhổ vào tay em một tí nước miếng, thế là đi xa con không nhớ em”. (Dưới tôi có 3 em, em gái út sinh năm 1979. Ở nhà tôi thường bế và chăm em. Vì sợ tôi đi xa nhà nhớ em nên mẹ đã căn dặn tôi như thế).

Tôi làm theo lời mẹ nói và chào mẹ, chia tay mấy anh chị em để theo bố đi lên chùa. Sau bữa ăn sáng, tôi theo bố tôi đi bộ ra chợ Ngô Xá cách nhà mấy cây số. Tôi cùng bố lên Thị trấn Quảng Trị. Xuống bến xe ở Thị Trấn, tôi và bố tôi qua chuyến đò ở sông Thạch Hãn để đi bộ hướng về chùa Tổ ở thôn Ái Tử. Bố ở cùng tôi mười hôm trên chùa cho tôi quen dần với nơi ở mới thì ông ra về. Ngày đầu tiên xa bố mẹ, xa các anh chị em để bắt đầu cuộc đời người tu sĩ, những hình ảnh và cảm xúc vẫn vẹn nguyên trong tôi.

Ngôi chùa nơi tôi ở nằm giữa một vùng hoang tàn của căn cứ Mỹ còn lại. Cát trắng, dương liễu, tranh và cỏ dại mọc cao, phủ lên vùng đất vừa đi ra khỏi chiến tranh này nét xa lạ trong mắt chú bé 10 tuổi. Chú bé ấy vừa rời gia đình để đến một chốn lạ lẫm, khác xa với không khí sum vầy hàng ngày nơi gia đình và tình cảm của người mẹ. Buổi đầu, những lúc rỗi việc, là cảm giác nhớ nhà ùa về. Những lúc như vậy, có khi không kiềm chế được cảm xúc, tôi chạy ra trước ngõ, đưa mắt nhìn về quê nhà, nhớ bố mẹ, nhớ cảnh mấy anh chị em quây quần mỗi sớm tối và nhớ làng quê... Quê xa không hình dung được, chỉ thấy một vùng bao la vắng vẻ thăm thẳm trước mắt... 
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ngày đó tôi chỉ được về thăm nhà vào chiều ngày mùng ba Tết, khi chùa đã bắt đầu vắng khách. Thường chiều mùng hai là ba tôi lên ở lại chùa để chiều mùng ba xin thầy cho tôi về thăm nhà. Và lần thứ hai tôi được về thăm nhà là vào mùa ngô. Đây là lần mà ba tôi làm theo lời mẹ, lên chùa xin hai thầy cho bằng được để hai thầy cho tôi về thăm nhà. 

Nhà tôi trồng nhiều ngô. Đất nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đời sống vô vàn khó khăn và đói kém, nhưng nhà trồng được ngô ba tôi không cho mẹ tôi đem ngô đi bán. Ba tôi bảo với mẹ tôi, bán bao nhiêu cũng hết, nhà đông con, để cho con ăn. Vì thế mà mấy anh em tôi thỏa sức ăn ngô. 

Vườn quê thủa đó nhiều phù sa, đất màu mỡ lại thêm bàn tay mẹ chăm bón nên ngô rất xanh tốt. Ngô ngon và ngọt. Nước ngô được chắt ra ngọt lịm. Cây cối trồng hoàn toàn bằng tự nhiên, và từ những giọt mồ hôi của mẹ chứ không có phân hóa học. Thường thường, mỗi lần được về nhà cũng phải chiều gần tối tôi mới cùng ba đi bộ về đến nơi. Chùa cách nhà mười mấy cây số, nên đi bộ phải mất mấy tiếng đồng hồ. Vậy mà cứ sắp đến ngày được ba lên xin cho về nhà là tôi nôn nao, mong ngóng… Hôm đó biết con về, mẹ tôi dậy từ sớm đun bếp củi vừa nấu nước sôi vừa để có củi để nấu ngô. Thói quen ở chùa phải thức dậy lúc 3h sáng, nên về nhà tôi vẫn giữ giờ giấc đó. Nhờ vậy tôi quan sát được mẹ từ lúc bà thức giấc. 

Nếu ngủ như anh em ở nhà, tôi sẽ không bao giờ quan sát được lúc mẹ tôi dậy sớm thế nào. Tôi tự nhủ, ai cũng biết và nói được về mẹ: “mẹ thức khuya dậy sớm tần tảo nuôi con”, nhưng mấy ai quan sát được mẹ lúc mẹ thức khuya và dậy sớm. Tôi nhớ ngày đó nhà tôi có nuôi heo. Khi cả nhà đi ngủ, là lúc mẹ vừa rửa xong chén bát, mới rỗi tay để đi băm rau và cắt chuối cho heo ăn. Rất nhiều việc mà mẹ dành để làm khi cả nhà đã đi ngủ. Nhiều lúc về nhà, đi ngủ lúc lâu, thức giấc vẫn thấy mẹ đang sàng sảy gạo cho kịp có gạo ăn sáng mai. Lúa đi xay chiều về, mẹ để đó, đi làm việc khác, lúc đêm về mẹ mới làm. Thương mẹ quá và lo cho nghiệp nuôi heo, sau tôi cũng thuyết phục được bà không nuôi heo nữa. 

Sáng ra cả nhà anh em chúng tôi quay quần bên nồi ngô mẹ vừa ra bẻ ở vườn vào và nấu chín xong. Để có được nồi ngô, phải qua nhiều công đoạn. Sau một hồi cắp cái rổ ra vườn, tôi thấy mẹ nách một rổ đầy ngô vào. Tôi quan sát mẹ làm. Ngô phải được cắt tỉa ở phần đầu để lột sạch lớp vỏ đó. Phần phía dưới trái ngô phải lột bớt mấy lớp vỏ già bên ngoài. Bắc nồi ngô lên bếp là mẹ đi làm việc khác chứ không phải ngồi đó để chờ ngô chín. Luôn tay luôn chân, hay lam hay làm là lời quả là không sai để chỉ cho những người mẹ. Tôi nhớ, ngô cắp ra đĩa là mẹ tôi dặn ngay mấy anh em: “mấy đứa con ở nhà ăn nhiều rồi, nay để dành cho nó, kẻo nó ở chùa không được ăn như mấy anh em con”. Và gần như cả mùa ngô, ngày nào còn ở lại nhà là tôi đều được ăn. Thủa bao cấp, đất nước nhiều cơ cực, có được bữa ngô ngon và ăn no là điều rất quý giá.

Năm nào cũng vậy, đến mùa ngô là tôi được ba lên xin nhà chùa cho về nhà để tôi ở nhà ăn ngô với mấy anh em. Khi lên chùa ba tôi đem theo một đãy chứa đầy ngô lên cúng dường hai thầy. Ngô được ông đặt lên đĩa cúng thầy vẫn còn hơi nóng. Các thầy đều tấm tắc khen ngô ngon. Ngô được hái vào buổi sáng ngô sẽ rất ngọt, hái trước khi mặt trời lên cao. Ngày tôi về lại chùa cũng mang theo ngô để lên cúng thầy.  

In đậm vào tâm trí tôi là hình ảnh đĩa ngô đầu mùa (lúc đó tôi chưa đi xuất gia). Chúng tôi háo hức từng ngày khi ngô gần đến ngày có thể ăn được. Khi mẹ sau vài lần thử, biết hôm nay ngô có thể hái được một số đầu mùa, là chúng tôi theo dõi suốt từ lúc mẹ ra vườn hái ngô cho đến lúc bắc nồi ngô lên bếp. Chúng tôi xốn xang, xôn xao khi mẹ gắp những bắp ngô đầu tiên ra đĩa, tưởng được ăn ngay, nhưng mẹ quay ra bảo tôi, con đem đĩa ngô này đặt lên ban thờ tổ tiên cúng. Từ đó về sau, khi bắp ngô đầu mùa được gắp lên đĩa, chúng tôi biết là mẹ dành những bắp ngô to mập và ngon lành nhất để dâng lên tổ tiên. Bài học về nhớ ơn tổ tiên anh em chúng tôi được mẹ trao truyền như vậy. 

Ngày ở quê vui nhộn và cũng vất vã nhất là ngày mùa. Mọi người tất bật dồn hết sức lực cho vụ lúa chín. Lũ trẻ tung tăng háo hức hòa với không khí vụ mùa. Ai cũng biết cái khó nhọc của ruộng vườn, nên giây phút giá trị hạnh phúc nhất là được ăn bữa cơm gạo mới. Tuy còn nhỏ nhưng chúng tôi biết hôm nào là mẹ nấu cơm gạo mới. Bữa cơm được nấu bằng gạo mới, là bữa cơm thiêng liêng của người dân thôn quê. Và bát cơm đó phải được dâng lên tổ tiên chứng giám. Được mùa mới có bát cơm gạo mới, thất bát thì lấy đâu no đủ, nên từ bao đời, người dân thôn luôn biết ơn tổ tiên đã che chở mới có được no ấm ngày mùa. Tôi nhớ có lần, chúng tôi xin mẹ chạy ra vườn trèo hái ổi ăn vì thấy ổi chín. Nhưng nếu là trái ổi đầu mùa mẹ cũng dặn chúng tôi, trái ổi đầu tiên được hái trên cây xuống phải sắp lên cúng tổ tiên rồi mới được ăn.

Chúng tôi lớn lên như vậy từ những điều mẹ dặn để nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống. Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn thấy lòng biết ơn của mình chưa đủ lớn. Còn biết ơn để biết học cách trả ơn là chúng tôi còn nhớ mãi lời mẹ dặn.

Từng trái ngô tôi ăn hôm nay, dù ở mâm cơm chùa đơn sơ hay ở nơi nào, tôi vẫn cảm được vị ngọt và thấy gần gũi. Tấm lòng thương lo và trái tim của mẹ dành cho cuộc đời, cho anh em chúng tôi đã lưu lại nơi từng hạt ngô, từng cọng rau ngọn cỏ… Dù là khi bé thơ mới trở thành chú tiểu 10 tuổi thơ ngây xa nhà, xa vòng tay chở che thương lo của bố mẹ hay đến hôm nay, qua bao năm tháng và bàn tay đã hằn in dấu vết thời gian chai sần, tôi vẫn thấy không gian đang có mẹ, có anh em gia đình quây quần ngày nào. 

Bài học nhớ ơn tổ tiên mà mẹ trao truyền đã gieo hạt mầm của lòng biết ơn trong tôi và lớn dần thêm theo năm tháng. Tôi thầm cảm ân mẹ một đời chắt chiu, tần tảo, chịu thương chịu khó để hôm nay, mỗi cái thấy cái biết và sự trưởng thành của chúng tôi được đổi bằng từng sợi tóc bạc trên mái đầu của mẹ. Một thời mẹ từng là hoa khôi của làng, nhưng càng hiểu những mỏng manh yếu mềm của mẹ, thấy những nếp da đã trở nên nhăn nheo và nét hao gầy nơi dáng mẹ tôi càng thêm trân quý, biết ơn, yêu và thương mẹ vô cùng. 

Thói quen thích được ăn ngô theo tôi suốt cuộc đời bởi nó đã được chuyên chở theo cả tình mẹ và những lời mẹ dặn; cả sự biết ơn và yêu kính của tôi với mẹ, với tổ tiên. Tôi nâng niu khi ăn từng hạt ngô và dù ở đâu cũng thấy hạnh phúc, thấy quý giá như khi được ăn bắp ngô mẹ để dành hôm nào.. 

Tình thương và tấm lòng của mẹ trong vắt như suối tự nguồn và đẹp như một bài thơ. Tôi lớn lên và được nuôi dưỡng, thẩm thấu lòng hiếu với cội nguồn thông qua sự trao truyền lòng biết ơn một cách ấm áp và thật giản dị từ mẹ. Như một dòng chảy tự nhiên, âm thầm lặng lẽ mà lắng sâu bền chặt, đến lượt mình, tôi nguyện viết tiếp cho tròn hai tiếng “Hiếu kính” thiêng liêng.  

Nơi nào có mẹ, nơi đó là nhà, là quê hương. Nơi nào có sự trao truyền những hạt giống của lòng hiếu và yêu thương, có bóng dáng mẹ thương lo chăm bẵm, nơi ấy có nếp nhà. 

Một mùa Vu Lan đang về. Viết những dòng này là khi trong trái tim tôi trào dâng niềm hạnh phúc khi nghĩ đến mẹ đang còn đó để có mặt cho anh em chúng tôi và cho ba. Mẹ vẫn cần mẫn sớm hôm lo cho Am các công việc công quả, cho các con. Tôi lặng lẽ thấy trong trái tim mình một giọt nước mắt nóng hổi. Yêu mẹ, thương mẹ và tri ân mẹ, xin nguyện bước từng bước thảnh thơi trong đời với hạnh nguyện độ sinh; xin nguyện làm sự tiếp nối đẹp và lành từ mẹ, từ cha để dâng tặng cho đời những hạnh phúc, bình an! 

Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp, trụ trì am Thụy Ứng, Hải Lăng, Quảng Trị
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm