Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/06/2016, 10:09 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Hai bà cháu

Không chỉ có Hoàng là niềm an ủi lớn lao tuổi già của bà, mà bà cũng là niềm an ủi to lớn của Hoàng những lúc bố mẹ bận chăm sóc em bé. Bà thường bảo bố mẹ yêu thương Hoàng nhiều lắm nhưng bố mẹ bận nhiều việc quá đấy thôi.

Hoàng là một cậu bé mười tuổi, nó có mái tóc đen dày, đôi mắt sáng và hiền, mỗi khi cười lộ rõ núm đồng tiền hai bên má giống hệt bố vì bố cũng có núm đồng tiền. Ông ngoại thường bảo con trai có núm đồng tiền là tình cảm lắm. Bà nội và các o nói Hoàng có dáng người cao dong dỏng giống cố nội. Khi bố chưa lấy mẹ, cố nội đã mất rồi nên Hoàng chỉ biết cố qua những tấm ảnh cũ và chiếc Huy hiệu kỉ niệm chương “bị địch bắt tù đày” trong chiếc hộp nhỏ đựng kỉ vật của cố trên bàn thờ.

Mỗi khi ngắm nhìn Hoàng và nhắc đến cố nội đôi mắt bà và bố lại ánh lên niềm tự hào và nhớ nhung về cố. Lúc sinh thời cố nội của Hoàng vốn là một Đảng viên lão thành cách mạng năm 1930-1931 của phong trào xô viết Nghệ Tĩnh năm xưa trên quê hương Làng Đỏ anh hùng.


Gia đình Hoàng gồm có năm người: Bà nội, bố, mẹ, Hoàng và em Nghé (tên thật của em là Hưng). Bố làm nghề lái xe tắc xi, mẹ là cô giáo mầm non, Hoàng là học sinh lớp bốn trường tiểu học còn em Nghé ba tuổi học trường mầm non. Bà nội Hoàng đã già lắm, năm nay bà tám mươi tuổi, tuy bà còn minh mẫn nhưng bà bị bệnh thận hiểm nghèo lâu năm, sức yếu nên bà không còn tự đi lại  được. Ngày qua ngày bà ngồi trên chiếc giường đơn. Bà không làm được gì,cũng chẳng biết làm gì để giết thời gian. Chỉ có chiếc khăn tay làm bạn, bà cứ gấp khăn vào lại mở khăn ra...cứ thế ...cứ thế lặp đi lặp lại: gấp vào -mở ra. Ai đến chơi nhà Hoàng nhìn bà ngồi gấp khăn cũng thấy buồn cười.

Mùa hè năm ngoái gia đình Hoàng đi du lịch, lên Yên Tử mẹ mua tặng bà một chiếc vòng tràng hạt bằng gỗ thay cho chiếc khăn tay cũ bà gấp nhiều lần quá đã sờn hết cả sợi bông.

Vậy là bà đã có “việc làm”, ngày ngày bà ngồi đếm tràng hạt. Từ đó chiếc tràng hạt trở nên gắn bó thân thiết với bà đến nỗi Hoàng nghĩ bà không thể thiếu nó được. Hoàng không biết dễ chừng một ngàybà đếm đến mấy ngìn lần tràng hạt. Có lần em Nghé nghịch làm đứt tràng hạt của bà rơi tung toé mỗi nơi một hạt. Thế là bà oà lên khóc giống như một đứa trẻ. Hoàng phải vội vã chui vào gầm giường tìm nhặt tràng hạt cho bà để xâu lại bà mới không khóc nữa.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Bà nội trước đây rất hiền và ít nói nhưng bây giờ bà đổi tính khác xưa, ai cũng bảo vậy. Có lẽ là vì bà ngồi  một chỗ lâu năm bức bí nên bà đâm ra khó tính. Nhưng lòng yêu thương của bà dành cho Hoàng vẫn như xưa. Không phải vì Hoàng là cháu đích tôn của bà. Bà yêu thương, chiều chuộng tất cả các cháu nội và ngoại. Tuy nhiên bà dành riêng cho Hoàng một tình yêu thương đặc biệt của một người bà dành cho đứa cháu mà bà đã từng tự tay nâng niu chăm sóc  những ngày Hoàng còn thơ bé và gần gũi với bà nhiều nhất. Lúc mẹ sinh Hoàng được bốn tháng, mẹ phải đi làm, ngày ngày bà ở nhà đút bột, đút cháo cho Hoàng ăn, rồi đưa Hoàng đi chơi khắp ngõ xóm. Thời gian trôi qua thật nhanh, Hoàng đã là một cậu bé mười tuổi phổng phao, còn bà giờ đây đã già yếu, bệnh tật chỉ còn có thể ngồi một chỗ đếm tràng hạt.
   
Từ ngày mẹ sinh em Nghé, mẹ ít có thời gian chăm sóc Hoàng hơn so với khi chưa có em. Tình yêu của bố mẹ dành cho Hoàng trước đây dường như đã được sẻ chia cho em Nghé rất nhiều. Em Nghé xinh xắn, hai má tròn phúng phính ai nhìn cũng muốn thơm và cắn một miếng cho bõ “ghét”. Hoàng không còn được ngủ chung giường với bố mẹ nữa. Hoàng đã chuyển ra nằm chung phòng với bà. Căn phòng không rộng cũng không chật,nói chung là vừa đủ cho hai bà cháu. Bên này là giường của bà,cùng một chiếc tủ nhôm kính để đựng áo quần và một chiếc tủ gỗ nhỏ đựng thuốc men và vật dụng cá nhân của bà. Phía bên kia là giường và góc học tập của Hoàng, ở giữa không gian của hai bà cháu đặt  một bộ bàn ghế bằng inốc để mỗi khi có khách đến chơi thăm bà ngồi nói chuyện uống nước.
 
Kể từ ngày có Hoàng chuyển ra nằm cùng phòng với bà, các o (chị và em gái của bố) không còn tối tối thay phiên nhau đến ngủ cùng với bà nữa. Có lần Hoàng ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có phải bà sợ chết không mà tối nào cũng có người đến nằm cùng với bà?. Mẹ bảo: “Không phải đâu con ạ, mà vì người già rất sợ sự cô đơn, sợ sự lãng quên của người thân, sợ phải ở trong căn phòng tối và lạnh lẽo không có ngưòi trò chuyện. Hoàng bỗng trầm ngâm: sao người già lại có nhiều nỗi sợ hãi thế nhỉ? Hoàng khẽ thì thầm vào tai bà: “Bà ơi, đừng sợ có cháu đây rồi !”. Bà cười móm mém: “Cháu ngoan của bà đã lớn thật rồi!
   
Em Nghé còn nhỏ được cả nhà cưng chiều nên hay vòi vĩnh đòi lung tung, nếu không được như ý là em lăn đùng ra khóc ăn vạ. Chính vì thế mà nhiều lúc Hoàng bị bố mẹ mắng oan. Mỗi khi  hai anh em chơi cùng nhau, em khóc thì Hoàng thường bị mẹ mắng: “Con lớn rồi sao không biết nhường em?. Sao mẹ không hỏi Hoàng vì sao em khóc nhỉ? Những lúc như thế bà là người hiểu Hoàng nhất. Bà thì bênh Hoàng, còn mẹ thì bênh em. Bố bảo: “Con hư  tại mạ, cháu hư tại bà”.
         
Không chỉ có Hoàng là niềm an ủi lớn lao tuổi già của bà, mà bà cũng là niềm an ủi to lớn của Hoàng những lúc bố mẹ bận chăm sóc em bé. Bà thường bảo bố mẹ yêu thương Hoàng nhiều lắm nhưng bố mẹ bận nhiều việc quá đấy thôi. Bố bận đi chở khách để kiếm tiền lo cho gia đình, mẹ là cô giáo mầm non ngày ngày chăm sóc cho nhiều em nhỏ ở trường, về nhà lại phải làm việc nhà, em Nghé còn nhỏ dại. Hoàng phải cố gắng lên nhé!
   
Có lần bố và mẹ giận nhau Hoàng không biết vì lí do gì. Thế là tối hôm đấy mẹ bế em Nghé ra nằm chung giường với Hoàng. Bố muốn làm lành với mẹ, bố ra bế em vào, mẹ không cho, bố với mẹ hai bên giằng co em. Bỗng nhiên Hoàng nghiêm nghị quát lên: “Sao bố mẹ cứ giằng co em như dành búp bê thế?” Vậy là cả bố và mẹ đều giật mình nhìn nhau tẽn tò, thấy cả hai người lớn bỗng trở thành trẻ con, còn Hoàng thì giống như là người lớn. Bố mẹ liền hết không còn giận nhau nữa. Đúng thật Hoàng đã lớn thật rồi, lâu nay Hoàng vẫn làm bạn cùng bà đấy thôi. Đôi lúc Hoàng ngồi trầm ngâm suy nghĩ giống như ông cụ non nữa - có ai đó đã bảo với Hoàng thế nhỉ.
     
Đêm đêm, Hoàng ngồi học bài, phía bên kia giường bà vẫn ngồi đếm tràng hạt. Chỉ khi nào Hoàng học bài xong tắt đèn, bà mới nằm xuống đi ngủ. Hoàng học khuya mấy bà cũng thức đợi, tràng hạt giúp bà không biết mệt mỏi, quên đi sự chờ đợi và thời gian. Bà giống như chiếc lá vàng đang dần héo úa sắp đến ngày rụng về cội, còn Hoàng là chiếc chồi non đang căng tràn nhựa sống chào đón bình minh. Nhưng Hoàng không hề hay biết một điều bí mật rằng: Chiếc chồi non bé nhỏ ấy đang là chỗ dựa vững chắc cho bà. Khi giấc ngủ chập chờn ùa về trong giấc mơ của hai bà cháu, bà lại thấy mình khoẻ mạnh  như ngày nào dắt Hoàng đi chơi tung tăng trên bãi cỏ xanh non đầy hoa và nắng.

Lê Thanh Hải
-
Số nhà 97 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Hưng Dũng, Tp.Vinh, Nghệ An
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm