Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/06/2016, 08:49 AM

Bài dự thi "Sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu": Hai bà mẹ

Lắm lúc chị cũng muốn có chồng với người ta. Chuyện quá bình thường mà. Phụ nữ ai chẳng vậy. Nhưng mỗi lần nghĩ tới con Tiến thì chị lại thôi. Linh tính như mách bảo cùng chị rồi chị lại sẽ quay về bên cạnh con nhỏ. Có thật không? Chị nhiều lần tự hỏi rồi cũng chưa bao giờ tìm được câu trả lời cho riêng mình. 

Đêm ở xà lim Khám Lớn lạnh căm căm. Bên trong xà lim nữ, hai mươi mấy nữ tù chính trị ngồi vây quanh chị Tiến như để ngăn không cho gió lạnh ùa vào người nữ tù mới sinh được sáu ngày. Con gái. Mà thiệt lạ lùng. Mẹ ở tù ăn đòn roi nhiều hơn cơm bữa vậy mà đứa nhỏ trắng phau, tóc thiệt nhiều và đen xoắn. Bao nhiều quần áo rách, mùng mền đều tập trung cho người mẹ trẻ đang yếu ớt, nhợt nhạt nhưng đôi mắt vẫn sáng tinh anh.

- Ráng lên chị Tiến. Sắp giải phóng miền Nam rồi. Tụi mình sắp được tự do rồi. Rồi chị sẽ gặp anh Việt, rồi con nhỏ sẽ gặp cha. Chị cố gắng lên. Tiếng chị Thanh ngập ngừng rồi bật khóc khiến cả xà lim cũng bật khóc theo.

- Thanh ơi! Chắc chị không sống được tới ngày hòa bình. Sức tàn lực kiệt rồi. Em hứa với chị một điều được không? Chị Tiến mấp máy môi thật yếu ớt.

- Được rồi, chị nói đi. Tui hứa đó. Khó tới mấy tui cũng làm cho bằng được. Chị nói thử coi chuyện gì vậy?

- Chị có mệnh hệ nào thì Thanh cố gắng nuôi con nhỏ tới ngày giải phóng để nó được gặp cha nó. Tội nghiệp nó.

- Được rồi. Tui hứa mà. Mà chị tính đặt cho nó cái tên gì mới được chớ ?

- Anh tên Việt, Lê Quốc Việt. Còn chị là Lê Kim Tiến. Chị đặt nó tên Lê Việt Tiến, vừa lót tên cha nó vừa mang tên mẹ nó. Nhớ nghe Thanh. Nói đến đó chị nấc lên mấy tiếng rồi nhắm mắt đi xuôi. Cả xà lim bật khóc nức nở mặc cho bọn cai ngục quát tháo ầm ĩ, thậm chí chúng còn dùng vòi nước phun xối xả vào phòng theo lệnh của thằng đại úy ác ôn.

Cả mấy mươi nữ tù tay nắm tay nhau thành một vòng tròn để che chở cho người xấu số không bị ướt át, che chở cho một sinh linh nhỏ nhoi vừa mất mẹ không bị lạnh lẽo từ vòi nước tàn độc kia. Càng lạ khi đứa bé vẫn mỉm miệng cười, cái cười đầy lạc quan, đầy tự tin ở tương lai. Có lẽ nó con quá nhỏ nên chưa thể hiểu hết sự mất mác quá lớn đang đến với nó trong chốn lao tù. 
 Ảnh minh họa
Bên ngoài xà lim, người trung sĩ cai ngục cũng rươm rướm nước mắt. Ai chớ người đàn bà vắn số kia thì anh quá tường tận. Mà nói đúng hơn là khâm phục sự dũng cảm, gan lì của cái bà “Việt Cộng” kia. Cái bụng thè lè vậy mà bà dám ôm truyền đơn rải khắp nơi. Nhiều lần anh nghĩ mãi vẫn không lý giải được vì sao hễ ai theo Việt Cộng bất kể trai, gái, trẻ, già đều gan góc hết cỡ, không sợ đến cả cái chết. Họ coi cái chết như một chuyện hết sức bình thường. Đó. Cái bà Việt Cộng đó là một điển hình. Đánh đập kiểu nào, tra tấn kiểu nào bà cũng im re. Tưởng đâu cái bầu “ chà bá lữa” đó tiêu tùng rồi, ai ngờ nửa đêm bà đẻ ngon ơ làm cả xà lim vui cười như đám tiệc. Ngày mai đây, xác bà sẽ được đem vô nghĩa trang từ thiện quăng xuống cái huyệt đất nhỏ xíu rồi cắm lên đó tấm bia bằng cây có ghi mấy dòng chữ “ Nữ Việt Cộng vô danh”.

Miền Nam giải phóng. Trong hẻm nhỏ mé rạch Tham Tướng có thêm một ngôi nhà lá đơn sơ. Ở đó mỗi ngày có một người bộ đội chiều chiều ẵm con đốt nhang trước di ảnh một người đàn bà miệng lúc nào cũng tươi cười rất lạ. Anh là Lê Quốc Việt, người chồng không còn kịp gặp mặt vợ mình, người đồng chí của mình trong ngày vui thống nhất.

- Anh Việt à. Anh cố gắng chăm sóc con Tiến nghe. Còn tui kể như là đã làm xong nhiệm vụ với “chỉ” rồi, chắc ở “ dưới ” đó, “chỉ” cũng mát lòng, mát dạ. Thiệt…thiệt…Chị Sáu Thanh thở dài thườn thượt.

- Cha con tui đội ơn Thanh suốt đời. Hổng có Sáu Thanh với chị em trong đó chắc con nhỏ “tiêu tán đường” rồi. Tui…tui…

- Có gì đâu anh. Đó là trách nhiệm với đồng chí, đồng đội mà. Ai như tụi tui cũng phải vậy thôi.

Cuộc chia tay rồi cũng diễn ra. Con Tiến cứ bấu riết vào cổ chị Thanh không rời một bước. Nó không muốn xa người mẹ nuôi đã bảo bọc, chở che nó trong những ngày gian khổ chốn lao tù. Người phụ nữ không sinh ra nó nhưng lại có công dưỡng nuôi trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chị Thanh đã khóc thật nhiều khi cha nó gỡ tay nó ra khỏi cổ chị để chị kịp đi chuyến xe chiều về quê cũ. Quay lại nhiều lần chị thấy mặt nó ướt nhem vì nước mắt.

Chuyện đời trớ trêu có ai lường hết trước được. Nhiều người cám cảnh chuyện tù đày đến đặt vấn đề nên vợ nên chồng với người con gái kiên trung đẹp người, đẹp nết nhưng chị cứ kiên quyết chối từ. Lắm lúc chị cũng muốn có chồng với người ta. Chuyện quá bình thường mà. Phụ nữ ai chẳng vậy. Nhưng mỗi lần nghĩ tới con Tiến thì chị lại thôi. Linh tính như mách bảo cùng chị rồi chị lại sẽ quay về bên cạnh con nhỏ. Có thật không? Chị nhiều lần tự hỏi rồi cũng không tìm được câu trả lời cho riêng mình. 

Hôm qua, nhận được điện tín bưu điện báo tin, cha con Tiến bị bệnh nặng, chị Thanh khăn gói tất tả đón xe lên Cần Thơ với bao tâm trạng ngổn ngang lo lắng. Tới nơi chị mới biết anh Việt bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đang nằm trong bệnh viện Lao, con Tiến đang được hàng xóm chăm sóc dùm mấy bữa nay. Hai dì cháu đi vô ngay bệnh viện nhưng mọi việc đã quá muộn màng. Anh mất khi đang cố chống chọi với căn bệnh nan y giai đoạn cuối cùng, với lá thư viết dỡ dang“…Thanh ơi! em cố gắng chăm sóc con Tiến thay anh chị cho nó nên người, anh chị cắn cỏ ngậm vành lạy tạ ơn em…Thanh ơi !...”.

Ngôi nhà trong xóm nhỏ giờ không còn bóng dáng người đàn ông chiều chiều bế con thắp nhang cho vợ, thay vào đó là một người phụ nữ cũng vẫn bế con làm từng công việc ấy. Chị Sáu Thanh đó. Hai con người không họ hàng thân thích quấn quýt nhau không rời nữa bước. Căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười trong niềm hạnh phúc vô biên, trong sự cảm thông của bà con lối xóm. Có trái chuối, củ khoai, lon sữa bò, con cá, con tép, cả xóm đem tới biếu cho hai “mẹ con” ăn lấy thảo. Cả xóm thay nhau “ tha” con Tiến đi đầu xóm tới cuối xóm với sự thương yêu bất tận. Có lần hết sữa, không biết ất giáp gì hết, chị Sáu Thanh tới trạm y tế báo mình hết sữa mẹ, đề nghị xin được lãnh sữa bò về cho con nhỏ. Nghe nói chị Bốn Lan, trưởng trạm cười ngặt nghẽo:

- Tao lạy mầy đi Sáu Thanh ơi!. Người ta sinh con, hết sữa mẹ mới đi báo. Mầy có chồng hồi nào mà có con vậy? Rồi mầy sinh hồi nào mà hết sữa? Bà ơi, bà có “ khùng” không vây?

- Ai mà biết. Có đẻ chửa hồi nào đâu mà biết. Không cho thì thôi, làm gì chọc quê tui vậy? Chị vừa giận, vừa nói, vừa khóc.

Cả Trạm y tế im phăng phắc. Ai cũng biết chuyện chị có đứa con “ngang hông” mấy tháng tuổi, ai cũng biết cái chuyện người nữ thương binh hạng 2 trên 6 nhứt định “ ở giá” nuôi con đồng đội chớ nhất định không lấy chồng dù tuổi đời còn rất trẻ. Cả Trạm bảo nhau quyên góp được mười mấy hộp sữa bò “Ông Thọ” cho chị mang về. Người cho cũng khóc, người nhận càng khóc nhiều hơn.

40 năm đã qua đi từ khi nước nhà thống nhất, đứa bé có hai bà mẹ nay đã thành người phụ nữ tuổi đã 40, đã có được một gia đình ấm êm, hạnh phúc, có được một bà mẹ nuôi thật hiền từ, nhỏ nhẹ, từ tốn, hết mực yêu thương mình như thưở còn thơ ấu.

Hàng năm cứ đến ngày giỗ của người nữ tù cộng sản kiên trung, người ta lại thấy hai “mẹ con” nắm tay nhau đi vào Khám Lớn, ngồi trầm mặc hàng giờ trước hình tượng người phụ nữ đang nằm ôm con trong xà lim của thời khắc 40 năm về trước.

Phan Thị Anh Thư, quận Ninh Kiều, Cần Thơ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm