Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 03/07/2016, 07:55 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Người con “đánh thức” tâm Phật nơi cha mẹ

Với chị bây giờ, thứ hạnh phúc viên mãn và tròn đầy nhất là sự hiện hữu của cha và mẹ. Chị may mắn hơn nhiều người khi vẫn còn thời gian và cơ hội để phụng dưỡng cũng như báo đáp công ơn sinh thành của phụ mẫu. Ước mơ về mái ấm đơn sơ kia chị sẽ cất lại một góc nhỏ trong tim. Trái tim này nguyện hướng trọn về mẹ cha!

Mong ước lớn nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ là có một mái ấm gia đình, cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đạm bạc với tiếng cười nói sau một ngày dài vất vả ngược xuôi. Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy cũng không thể đến trọn vẹn với người con gái bé nhỏ nhưng can trường…

Tôi gặp chị vào một buổi chiều hè tháng 6. Cái nóng oi ả đã dần dịu bớt. Chị nhẹ nhàng kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời chị. 

Quê chị ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ, giờ là Hà Nội. Ngay từ khi 15 tuổi chị đã phải rời làng quê, xa gia đình để tự lập. Nhà chị đông người, có tận 5 anh chị em đều trông vào sào ruộng nhỏ và những buổi mò cua bắt ốc.

Thương cha mẹ tần tảo sớm hôm nuôi đàn con dại, chị quyết định bỏ học, một thân một mình tìm đường lên thành phố để kiếm công việc mưu sinh. Lên Hà Nội, chị đi làm nghề may và tìm kiếm tất cả mọi công việc có thể giúp chị có thêm được chút tiền trang trải cuộc sống giữa chốn phồn thị đắt đỏ này. Chị khi ấy tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ, trong đầu chỉ nung nấu một suy nghĩ duy nhất là làm sao có thể nuôi được bản thân để không khiến cha mẹ phải vất vả và cực nhọc thêm nữa. 

Năm 18 tuổi, chị kết hôn với em trai một chị đồng nghiệp ở xưởng may. Cuộc đời chị từ đây bước sang một trang mới. Chị ngập tràn trong hạnh phúc và vỡ òa trong sự vui sướng, hân hoan. Việc đầu tiên chị làm là gọi điện khoe với mẹ khi nghĩ mình đã tìm được bến đỗ bình yên sau những sóng gió, ngược xuôi của dòng đời. Nhưng trớ trêu thay, khi cơn bão này chưa qua thì một trận cuồng phong khác đã tới…

Chị đã bị sảy mất đứa con đầu tiên sau 3 tháng trời nâng niu, mong ngóng. Nỗi đau mất đi giọt máu yêu thương, mất đi núm ruột của mình có lẽ không có lời nào có thể miêu tả được nỗi đau xót khôn cùng ấy. Nỗi đau nghẹn lời hay giọt nước mắt đắng ngắt cứ nghẹn ngào chảy ngược vào trong...

Đứa con hiện tại chính là những nỗ lực và cố gắng của chị trong suốt 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Do sức khỏe yếu nên đến tháng thứ 3 chị bị ra huyết, suýt chút nữa thì mất em. Để giữ cho con được bình an ra đời, chị quyết định nằm bất động ở nhà đến tận tháng thứ 8 thì mới đứng dậy được. 

Ngày vượt cạn, chị cũng không được suôn sẻ như những sản phụ khác. Cơn chuyển dạ khiến chị đau đớn vô cùng, kéo dài suốt từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng chị mới vượt cạn thành công. Nhưỡng tưởng giờ đây khi có thêm một thành viên nhỏ, gia đình chị sẽ hạnh phúc viên tròn nhưng nỗi bất hạnh cứ dồn dập “trút” xuống đầu cô gái trẻ ấy.

Những bất đồng và khoảng lặng trong gia đình cứ ngày một nhiều hơn, giống như vết rạn trên gương chẳng thể nào hàn gắn lại được. Ước mơ về một ngôi nhà đầy ắp niềm hạnh phúc và tiếng cười nói của đứa con thơ đã không thể thực hiện được. Chị đành gạt nước mắt, cất thật kỹ nỗi đau ấy ở tận đáy sâu nơi con tim đã bị chai sần vì tổn thương của mình. Và rồi cuối năm 2009, chị quyết định ly hôn.

Tài sản chị không mang theo bất cứ thứ gì, chị ra đi với hai bàn tay trắng. À không, nói đúng hơn là tài sản của chị chỉ có chiếc xe đạp mini Nhật cọt kẹt, một bao tải quần áo đằng sau và một trái tim đã tan vỡ. 

Vừa đạp xe chị vừa khóc. Sự hờn tủi, nỗi đau đớn dằng xé cứ dâng lên khiến cảnh vật trước mắt chị cứ nhòa đi vì hai hàng nước mắt. Cảnh vật nhòa đi hay chính tương lai của chị giờ cũng mờ mịt, mông lung và chấp chới bất định... 
                                                       Ảnh minh họa
Nhưng sau màn đêm tăm tối chính là ánh sáng của buổi bình minh, cơ duyên đã đến giúp cho vết thương của chị được chữa lành. Vào năm 2010, chị đã được biết đến những giáo lý của phật pháp thông qua người chị ruột của mình. Người chị ruột đã có cơ duyên biết đến đạo Phật sớm hơn, thấy em gái của mình khổ cực quá nên chị vẫn thường khuyên: “Cuộc đời vốn vô thường, toàn khổ đau không dứt. Giờ chỉ có tu thôi em ơi”. Lúc ấy chị nào có tin, chị vẫn tỉnh bơ và bĩu môi, chê chị gái cổ hủ.

Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, nghe chị gái nói nhiều rồi chị cũng ngẫm lại và bắt đầu hình thành mối nhân duyên với đạo Phật từ đây. 

Đúng là vạn sự đều có nhân duyên. Chị bắt đầu tin sâu phật pháp và quen được mẹ nuôi chị cũng khởi nguồn từ mối cơ duyên đặc biệt này. Năm 2013, chị quen mẹ nuôi chị là chủ một cửa hàng ăn chay. Từ ngày biết đến phật pháp, tính chị thuần đi nhiều lắm. Hồi trước chị là một người nóng tính, nhưng giờ chị học dần cách nhẫn nhịn và sửa đổi từng lời ăn tiếng nói. Càng đọc những lời đức Phật dạy chị càng thấy trí tuệ được khai mở, chị thấy thương cha mẹ nhiều hơn. Giờ chị mới biết cha là Phật tại gia, còn mẹ là Bồ tát. Đây là những vị Phật sống trong gia đình mà bấy lâu này chị không hề hay biết.

Bất ngờ vào một ngày chị phát hiện mình bị bệnh xương khớp, không thể đứng thẳng hay làm công việc cực nhọc. Lúc đó chị đành gác lại mọi việc, dành ba tháng về quê chữa bệnh và cũng muốn dành thời gian chăm sóc cho cha mẹ. Những ngày ở quê đã giúp chị thấm thía hơn nỗi vất vả, cực nhọc của cha mẹ mà trước đây chị ít khi nghĩ đến.

Ngày còn trẻ, chị cứ lao vào vòng xoáy của công việc, của tiền bạc, trách nhiệm với con cái mà vô tình lãng quên đi hai đấng sinh thành. Mẹ chị thì sức khỏe ngày càng yếu đi vì bà mắc bệnh động mạch cảnh và bệnh viện trả về, không chữa được.

Càng nghĩ chị càng thấy mình vô tâm. Bao nhiêu năm trời tần tảo sớm hôm nuôi năm đứa con trưởng thành, nên người. Cha mẹ phải tạo bao nhiêu nghiệp ác, mò cua bắt ốc, sát hại biết bao nhiêu chúng sanh vô tội. Kiếm được bao nhiêu tiền lại dành dụm hết cho con cái. Khi còn trẻ thì gieo nghiệp ác nên giờ về nhà phải chịu bệnh tật, nào có sung sướng gì. 

Mẹ chị bệnh nên hay mệt mỏi, cau gắt. Anh em chả dám gần vì sợ mẹ chửi, mẹ mắng. Còn chị cứ âm thầm ở bên, bóp chân nắn tay, thủ thỉ nói chuyện hài hước cho mẹ đỡ mệt và buồn. Biết Phật pháp là phương tiện giúp cha mẹ thoát khỏi bể khổ luân hồi, chị và chị gái khuyên cha mẹ đọc bộ sách “Khuyên người niệm Phật”. Nhưng cha mẹ chị nào có chịu, bảo đọc sách mất thời gian, đâu có kiếm được tiền. Chị với chị gái phải “mặc cả”, nếu cha mẹ đọc xong cuốn sách này thì hai chị em sẽ biếu cha mẹ tiền. Thực ra chị làm vậy không phải để mua bán kinh sách. Chị chỉ nghĩ đơn giản là nếu làm thế thì sẽ tạo phương tiện giúp cho cha mẹ trong những buổi đầu tiếp cận với giáo lý của đức Phật.

Lúc ấy cha mẹ chị cũng xuôi xuôi. Đọc nhiều riết rồi mê, ngày nào cha mẹ chị cũng lôi sách ra đọc và ngộ lúc nào không hay. Giờ thì tiền bạc đối với cha mẹ chị chẳng còn ý nghĩa gì nữa. 

Ngày trước, do cuộc sống nghèo khổ nên mẹ chị ít khi bỏ ra 5,7 nghìn để phóng sinh hay làm từ thiện. “Nhưng từ ngày bà biết đến Phật pháp thì tuyệt vời lắm em ạ. Có bao nhiêu khuyên tai hay vòng cổ bằng vàng, bạc bà xả hết. Bà bán hết để lấy tiền phát tâm đúc chuông, tạc tượng. Mà em biết điều tuyệt vời nhất là gì không? Là mẹ chị giờ không sợ khi nhắc đến việc sống chết của bản thân nữa. 

Khi nhận thức được bệnh tật của mình, bà đã nguyện với đức Phật rằng nếu như bà còn thọ mạng thì xin được khỏi bệnh. Còn nếu như đã tận mạng thì bà mong được về Tây Phương em ạ. Bà đã giác ngộ được sự vô thường của cuộc sống và mạnh mẽ đối diện với cái chết, điều mà trước đây mẹ chị rất sợ khi nhắc đến ”- chị kể với tôi mà đôi mắt ánh lên sự tự hào và hạnh phúc. 

Việc đọc sách hay những lời dạy của Đức Thế Tôn giờ đã thành thói quen, nếp sống của cha mẹ chị. Giờ sáng nào cha chị cũng dậy lúc 3 giờ kém 10 để tụng kinh Địa Tạng. Đến 6 giờ tụng xong ba cuốn, cha chị quay ra bếp đun thuốc cho chị và mẹ. Đúng 6 rưỡi lại vào tu. 

Trong xóm chị có ba nhà liền kề sát nhau, mỗi nhà cứ hai ngày thay phiên đến tu. Còn Chủ nhật thì nghỉ ở nhà gia đình tự tu với nhau. Đạo tràng có 10 người mà tiếng tụng kinh, niệm Phật âm vang cả một góc trời tạo nên sức mạnh nội lực vô cùng mạnh mẽ. 

Từ lúc biết tới Phật pháp chị ngày càng thương cha mẹ nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ chị tự mãn, ngạo mạn tỏ ý mình giỏi. Với chị được chăm sóc cha mẹ đó là niềm hạnh phúc và may mắn nhất trên cõi đời này. Bởi vậy chị luôn làm mọi việc bằng cái tâm chân thành của một người con.

Ba tháng ở quê cùng cha mẹ dưỡng bệnh, có một hình ảnh cứ làm chị nhớ mãi. Khi giặt quần áo cho cha mẹ, chị thấy quần áo của hai người sờn hết cả, không có chiếc nào lành lặn nữa. Chiếc quần thì rách ống, áo thì rách vai. Lúc đó, tự dưng chị thấy cay nơi khóe mắt, trái tim bỗng thấy nhói đau. Hóa ra cha mẹ mình suốt thời gian qua đã sống... như vậy.

Vậy mà lúc nào chị gọi điện về: “Con gửi quần áo mới về cho bố mẹ nhé!” thì cha chị cũng bực dọc, mắng: “Nhà đầy quần áo kia kìa, mua làm gì nữa.” Cả một đời chắt chiu từng đồng cho con, kiếm được bao nhiêu tiền cha mẹ cũng dành cho con hết. Quần áo cứ mặc đi mặc lại, bạc với sờn mà nào có dám mua đồ mới. Cha mẹ lúc nào cũng vậy, luôn nghĩ mình già rồi nên mua gì cũng thấy tiếc, không nên hoang phí. Tiền đấy cứ tiết kiệm rồi gửi cho con cái để trang trải và ổn định cuộc sống.

Chị khái tính, là con gái nhưng tính nóng và cứng như con trai nên ít khi bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ. Nhưng từ ngày chị và cha mẹ biết đến đạo Phật, cha mẹ và chị như được kết nối lại với nhau bằng một sợi dây vô hình. Sợi dây của tình thân, của sự giác ngộ. Chị thủ thỉ nói với cha mẹ: “Giờ con không có nhiều tiền để biếu tặng cha mẹ như những người con khác. Nhưng nếu thiếu bất kì cuốn kinh sách nào của đức Phật hay cha mẹ có nhu cầu mua quần áo pháp, kệ sách tụng kinh hoặc muốn cúng dường ở đâu thì cha mẹ cứ bảo con”.

Đến giờ, ước mong của chị là muốn gieo duyên và hỗ trợ cha mẹ về đời sống tinh thần. Bởi chị hiểu được sự an lạc, thảnh thơi nơi tâm hồn chính là điều mà đạo Phật đem tới cho con người. Chị mua từng chiếc thẻ pháp đến đài nghe pháp cho cha mẹ. Chỉ cần phục vụ cho việc tu học thì chị không quản khó khăn, vất vả luôn cố gắng hoàn thành những nguyện vọng nhỏ bé của cha mẹ.

Chị còn thành lập một đội phóng sinh vào ngày mùng một hàng tháng ở chợ. Người không có thì 1 nghìn, người có thì đóng góp 10, 100 nghìn. Ít cũng được miễn sao để gieo duyên cho mọi người và tích phúc lại cho họ. Có bao nhiêu tiền chị đi mua từng đấy con vật rồi đưa đi phóng sinh luôn. Sau đó chị mới quay về làm việc.

Nhìn mọi người hoan hỉ chị thấy vui lắm. Ngày chị mắc bệnh đau khớp, chị hiểu được đấy là nghiệp quả do mình gây ra từ việc sát hại sinh mạng quá nhiều. Nhớ lại ngày còn ở nhà chồng, đến Tết chị lại ngồi cắt cổ không biết bao nhiêu con gà, con vịt. Chỉ cần nhớ lại cảnh tượng đó cùng với âm thanh gào thét van xin được sống của những con vật đã bị chị giết mà chị thấy rùng mình. 

Ngày ngày, chị đều đứng trước tượng Phật sám hối lỗi lầm mình đã gây ra vì vô minh, nguyện xin ngày nào còn sức khỏe thì ngày ấy chị sẽ xả thân vì Phật pháp. Chị hiểu được tội lỗi của mình nhiều không tính đếm được thì cha mẹ nuôi năm người con sẽ tạo nghiệp nhiều đến nhường nào. Bởi vậy, nhìn thấy cha mẹ biết tin Phật, biết lễ Phật sám hối chị càng nhận ra sự màu nhiệm của Phật pháp. Khi chị luôn nhất tâm xin Phật cho cha mẹ chị thay đổi, dừng nghiệp và biết tu hành.

Chị đã từng mơ về một cuộc sống bình dị, đầm ấm với tiếng gọi con về ăn cơm mỗi buổi chiều. Hay cả nhà cũng dắt tay nhau đi dạo phố, ríu rít kể cho nhau nghe những câu chuyện nhỏ trong ngày. Nhưng ở đời, có lẽ ước mơ vốn chỉ đẹp... khi nó còn dang dở. Đã có nhiều người khuyên chị còn trẻ nên đi bước nữa để kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng “chim ngã sợ cành cong”, những kí ức về năm tháng xưa khiến chị thấy hạnh phúc đôi khi thật mong manh và dễ vỡ.

Với chị bây giờ, thứ hạnh phúc viên mãn và tròn đầy nhất là sự hiện hữu của cha và mẹ. Chị may mắn hơn nhiều người khi vẫn còn thời gian và cơ hội để phụng dưỡng cũng như báo đáp công ơn sinh thành của phụ mẫu. Ước mơ về mái ấm đơn sơ kia chị sẽ cất lại một góc nhỏ trong tim. Trái tim này nguyện hướng trọn về mẹ cha!

“Cha dành hết mọi đắng cay
Cho con vị ngọt những ngày ấu thơ
Mẹ dành hết đỉnh mây mờ
Cho con đường rộng bây giờ con đi”

Kim Tâm 
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm