Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 17/06/2016, 07:07 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Tấm gương hiếu thảo của dì tôi

Dù cho dòng đời có trôi đi, nhiều cơ hội đã vụt mất nhưng có một thứ vẫn luôn còn lại, vẹn nguyên nơi đây. Đó chính là trái tim đuợc kết tinh bởi tình yêu, sự hi sinh và tấm lòng hiếu đạo. Chúng vĩ đại và tỏa sáng hơn hết thảy mọi thứ trên thế gian này...!

“Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”
(Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách đều lấy chữ hiếu làm đầu )

Với tôi, chữ “hiếu” được hiểu một cách đơn giản là sự hy sinh bản thân mình và cho đi tất cả những gì ta đang có để chăm sóc và phụng dưỡng cho mẹ cha.

Có một người đặc biệt đã mang đến cho tôi bài học thấm thía và sâu sắc về đạo hiếu. Người ấy chính là dì tôi – người đã hy sinh tuổi thanh xuân, sức khoẻ và thậm chí cả tình cảm đôi lứa của bản thân để chăm sóc cho người mẹ của mình.

Dì tôi là con út trong một gia đình có năm anh chị em. Cuộc sống gia đình khá dư giả do ông tôi lúc đó đang làm chức vụ thuyền trưởng, lương có thể đủ nuôi sống cả gia đình. Dì tôi cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc và bao bọc của cả gia đình. Nhưng cuộc đời đâu có êm đềm trôi mãi giống như ước nguyện của bản thân. Sóng gió đã ập đến với gia đình tôi…. Giống như bầu trời quang bỗng nổi cơn giông bão. Ông tôi đã bỏ lại tất cả sau lưng để đi theo một người phụ nữ khác. Để lại năm đứa con bơ vơ vụng dại lại cho bà tôi nuôi nấng. Lúc ấy dì tôi mới 7 tuổi…

Đau đớn và suy sụp. Cả bầu trời trước mắt bà tôi như một màn đêm đen tối. Cuộc sống no đủ của cả gia đình trước đây bỗng chốc rơi vào ngõ cụt và ngập chìm trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng những khó khăn ấy không thể khiến bà tôi gục ngã. Bằng tất cả ý chí và nghị lực phi thường của một người mẹ, bà tôi đã nén nỗi đau và vực dậy chiến đấu với cuộc đời. 

Bán rau, bán trứng, bán chanh, mở hàng nước,… bà tôi không nề hà bất cứ công việc cực nhọc nào. Miễn sao có thể kiếm được tiền nuôi nấng cho đàn con thơ. Dù cuộc đời nghiệt ngã và thấm đầy nuớc mắt nhưng bà tôi luôn giấu tất cả đau thương trong lòng. Bà luôn cố gắng làm tốt vai trò của một người mẹ, lo liệu chu toàn cho dì tôi được ăn học đầy đủ giống như bao chúng bạn đồng trang lứa. Rồi cấp 1, cấp 2 qua đi… Dì tôi luôn là học sinh đứng đầu lớp và là người lớp trưởng, người bí thư gương mẫu. 

Con cái ngoan ngoãn, học giỏi, có một cửa hàng rửa xe ở mặt đường giúp cho cuộc sống mưu sinh của bà đỡ vất vả hơn. Những tưởng những tháng ngày tươi đẹp hơn sẽ đến với người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nghị lực ấy. 

Vậy mà một lần nữa, bất hạnh lại ập đến… Năm dì tôi đang học cuối cấp 3 thì nghe một tin như “sét đánh ngang tai” là bà tôi đã bị mắc một căn bệnh nan y. Bệnh ung thư vú...
 Ảnh minh họa
Dì tôi ngày ngày vẫn đến trường học như bình thường. Nhưng buổi trưa những lúc đuợc nghỉ là dì tôi lại lọc cọc đạp xe đi quãng đường vài ba cây số lên bệnh viện để chăm sóc cho bà, thủ thỉ hỏi han và nắn tay, nắn chân cho bà đỡ mỏi. Hai mẹ con tranh thủ ăn trưa cùng nhau rồi dì tôi lại hì hục đạp xe đến trường.  

Người con gái cao chưa đến mét rưỡi, ngồi lên xe đạp còn phải với chân mà ngày nào cũng đều đặn đến bệnh viện để trò chuyện với người mẹ đang ốm đau của mình, không kể ngày nắng cũng như ngày mưa. Do uống thuốc nên bệnh tình của bà đã được kiểm soát, bà xin bác sĩ được về nhà chữa trị và lo cho mấy đứa con. Dì tôi vừa chăm sóc cho bà vừa lao đầu vào ôn thi đại học. Và kết quả tuyệt vời là dì tôi đã đỗ thủ khoa vào trường Đại học Ngoại thương. 

Thời gian cứ thế dần trôi… dì tôi cứ vừa đi học vừa chăm sóc cho bà như thế. Nhưng mang trong mình căn bệnh ung thư cũng đồng nghĩa với việc mang án tử. Bệnh tình của bà tôi ngày một nặng và biến chuyển xấu đi. Dì tôi quyết định từ chôí tất cả lời mời làm việc từ các công ty lớn và đến làm ở một công ty nhỏ. Mong muốn có nhiều thời gian hơn để ở bên và chăm sóc cho bà. Căn bệnh ung thư di căn dần, cơn đau ngấm từ từ vào phổi, vào xương, nhức nhối từng cơn. Biết bao đêm dì tôi thức trắng để giúp bà xoa bóp cơ thể và làm dịu đi cơn đau ấy. 

Đáng lẽ 19, 20 là cái lứa tuổi đẹp nhất đời người con gái, cái tuổi mà tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết với cuộc đời và khát khao yêu thương. Trong khi bạn bè rủ nhau đi chơi cùng bạn trai rồi kết hôn thì dì tôi vẫn lẻ loi một mình với hạnh nguyện cao cả nhất, đó là chăm sóc mẹ bị bệnh ung thư bằng tất cả những viên nguyện của lòng hiếu thảo.

Những cơn đau kéo đến ngày càng nhiều thêm, bà tôi ngày càng tiều tụy vì bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ. Dì tôi và các bác đã quyết định cầm cố cả sổ đỏ của căn nhà để đưa bà tôi sang Singapore chữa bệnh. Hy vọng vớt vát một cơ hội cuôí cùng.

Ở một đất nước xa lạ, chỉ có dì đưa bà tôi đi chữa bệnh do chi phí đắt đỏ. Vali cồng kềnh, người mẹ đau ốm, rồi hàng trăm thứ thủ tục khi nhập viện cũng chỉ một tay dì tôi xoay xở. Một người con gái với vóc dáng nhỏ bé nhưng lại mang trên mình một trách nhiệm vô cùng to lớn. Người con gái ấy giờ đây là bờ vai vững chắc và tin cậy cho người mẹ dựa vào khi yếu đuối và mệt mỏi. Cho những lúc bà tôi muốn đầu hàng bệnh tật và gục ngã trước số phận sao đắng cay… 

Sang Singapore phải đi lại nhiều, lại lo cho bà đi lại bị mệt nên đêm trước hôm đến bệnh viện dì tôi còn lọ mọ một thân một mình dò dẫm nhìn bản đồ, rồi đi thử các con đường khác nhau để tìm cho bà tôi cách đi ngắn nhất và không bị tốn nhiều sức. 

Mỗi khi truyền hoá chất xong, về đến khách sạn là bà tôi như kiệt sức. Người phụ nữ đáng thương cả một đời vất vả vì con cháu giờ đây lại phải oằn mình lên để chống chọi với những cơn đau tột cùng vì hoá chất. Cơn đau không thể cắn răng chịu đựng được nữa mà phải rên lên thành từng cơn, từng cơn. Biết bao đêm dì tôi thức trắng, cắn răng bật khóc vì thương cho nỗi đau mà bà đang phải gánh chịu. Nhiều khi bà tôi đau quá và trở nên bất lực, mắng chửi dì vô cớ. 

Có lần tôi đứng ngoài nghe thấy tiếng dì khóc thầm trong nhà tắm, có lúc dì lại nằm khóc rấm rứt trong chăn. Tôi ngây thơ bảo: “Dì ơi, bà đau quá nên mới như vậy thôi, dì đừng giận bà nhé! Dì đừng buồn nữa…”

Tôi vẫn nhớ như in câu trả lời của dì tôi khi ấy: “Có người con nào lại giận mẹ mình đâu cháu. Mình bị cảm, bị sốt nhẹ còn thấy khó chịu mệt mỏi. Huống hồ bà còn bị ung thư, cái đau cái nhức buốt từ tận trong xương tủy, gặm nhấm cơ thể mình từ bên trong. Khổ sở vô cùng cháu ạ! Dì khóc vì thấy thương bà quá. Là con mà dì không thể chịu đau thay hay làm được gì cho bà. Dì thấy đau lòng và bất lực quá…” Tôi thấy lòng mình như nghẹn lại…

Thời gian vô tình thấm thoắt qua mau. Tuổi thanh xuân của dì tôi cũng trôi qua một cách lặng lẽ. Căn bệnh ung thư của bà tôi không thể chữa khỏi mà chỉ cố gắng sống cầm cự qua ngày. Vài tháng cuối đời, căn bệnh quái ác đã di căn vào phổi và phế quản khiến bà tôi hít thở vô cùng khó khăn. 

Việc hô hấp của bà hầu như đều phải cần đến bình ôxi để trợ giúp. Một ngày bà tôi lên cơn khó thở vài ba lần, dì lại ân cần ở bên chăm sóc bà, không một lời than trách. Có nhiều hôm, bình ôxi hết khí nên dì tôi lại tất tả lao ra đường vào lúc 2, 3h đêm để gõ cửa các hiệu thuốc tìm mua bình ôxi cho bà. Những lúc khỏe hơn một chút, chỉ cần bà thèm ăn món gì là dì tôi chẳng quản đường xá xa xôi mà mua ngay về.

Nhưng ngọn nến leo lắt trước gió rồi cũng có ngày phải tắt. Cái ngày định mệnh ấy cuối cùng cũng đã đến…

Bà tôi lên cơn khó thở và sức khoẻ rơi vào trạng thái nguy kịch. Dì tôi và cả gia đình vội vã đưa bà đi cấp cứu. Đến bệnh viện nào họ cũng lắc đầu và từ chối chữa trị. Dì tôi không từ bỏ hy vọng mà vẫn quyết định đưa bà đến viện Huyết học Trung ương. Nhưng cái thân tứ đại này rồi cũng đến lúc tan rã và trở về với cát bụi. Bà tôi đã ra đi sau vài ngày nằm viện ở đó...

Dì khóc. Khóc như mưa. Mắt dì chưa lúc nào hết sưng trong suốt mấy ngày diễn ra tang lễ. Tôi đến bên vỗ về an ủi vì tôi biết khi bà ra đi thì dì là người đau lòng nhất. Dì dựa đầu nhẹ vào vai tôi rồi thủ thỉ: “Thế là bà không còn bị đau đớn nữa rồi cháu ạ. Bây giờ bà đã được bình yên vè về với cõi bồng lai, đúng như ước nguyện tha thiết cả một đời của bà…”

Tôi lặng im. Nước mắt dì thấm đẫm vai tôi…

Người dì nhỏ bé ấy của tôi đã báo hiếu cho người mẹ của mình bằng tất cả tuổi thanh xuân, bằng tình yêu cá nhân cũng như bằng tất cả trái tim và tấm lòng của một người con. Tình yêu và sự hy sinh ấy cứ lặng thầm suốt gần chục năm trời. 

Dù cho dòng đời có trôi đi, nhiều cơ hội đã vụt mất nhưng có một thứ vẫn luôn còn lại, vẹn nguyên nơi đây. Đó chính là trái tim đuợc kết tinh bởi tình yêu, sự hi sinh và tấm lòng hiếu đạo. Chúng vĩ đại và tỏa sáng hơn hết thảy mọi thứ trên thế gian này...!

Kim Tâm Quận Ba Đình – Hà Nội 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm