Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 10/07/2016, 18:27 PM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Tiếng gọi cuối cùng con gọi “cha”

Sẽ không bao giờ con quên được ngày hôm đó, cái ngày mà tiếng gọi “Cha” quen thuộc đó con chỉ kịp thốt lên khi Cha đã về chốn thiên đường…

Đã ba năm kể từ ngày Cha đi, nỗi đau đó chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng, nó luôn thường trực trong lòng con, khiến con luôn khắc khoải.
 
Nếu ai đó hỏi, điều con cảm thấy tiếc nuối nhất bây giờ là gì, con sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng, đó chính là không được nghe lời dặn dò cuối cùng của Cha. Cái ngày đó con sẽ không bao giờ quên được.
 
Cha ra đi vào một ngày nắng, Cha đi thăm họ hàng xa trở về, chỉ còn cách một đoạn không xa nữa là về đến nhà, thế mà chiếc xe vô tâm đó nỡ cướp mất Cha. Khi Cha còn đang quằn quại trong cơn đau, trong bệnh viện thì con đang theo học ở đất Thủ đô mà không hay biết gì, cho đến khi con về đến nhà, mặc cho con có gào thét trong đau đớn, Cha vẫn im lặng mà không đáp lại con lấy một lời.
 
Cha nằm im trên giường, bận bộ quần áo mới, đi đôi giày thể thao, trái tim con đau thắt lại khi nhìn thấy từng giọt máu tươi vẫn không ngừng rỉ nơi cánh tay Cha. Phải rồi, đó chính là vết thương mà chiếc xe “không tình người” kia đã gây ra cho Cha, con biết Cha đang đau đớn lắm nhưng gương mặt Cha vẫn tươi cười như thể không có chuyện gì xảy ra bởi con biết Cha luôn sợ mẹ và các con lo lắng.
 
Cho đến bây giờ, đã hơn ba năm trời, con vẫn không thể tin được sự thật là Cha đã rời bỏ mẹ con con mà đi. Mỗi lần từ Hà Nội về, con vẫn mong là có Cha ra đón, con vẫn mong được nghe lại câu nói “Về rồi à con?” quen thuộc đó, ấy thế nhưng đâu có được.
 
Cha không quen nói những câu ngọt ngào, con biết, mặc dù Cha không thể hiện ra bên ngoài nhưng tình thương của Cha dành cho các con luôn vô bờ bến. Còn nhớ, ngày con chuẩn bị đi học Đại học, Cha đã khóc vì sợ con một thân một mình ở đất Thủ đô gặp nhiều khó khăn, sợ con những lúc ốm đau sẽ không có ai săn sóc nhưng khi đó con đâu hề hay biết, mãi đến sau này khi nghe mợ kể lại, con mới vỡ òa.
 
Ngày mới bắt đầu ra Hà Nội học tập, cứ hai ngày một lần, Cha lại gọi điện để hỏi xem tình hình con ngoài này thế nào, ăn uống có đầy đủ không, thiếu tiền sinh hoạt cứ nói, Cha bảo dù có khó khăn đến mấy Cha cũng không để cho con phải khổ.
 
Vì lo lắng chỗ ở của con không an toàn, Cha đã một thân một mình bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội để thăm con trong khi Cha không được khỏe mạnh như những người khác. Giây phút nhìn thấy Cha ngồi trước cổng trường chờ tôi ra đón, khuôn mặt Cha mệt mỏi vì trời nắng nhưng vẫn cười tươi khi nhìn thấy con gái, con rưng rưng nước mắt, nhưng rồi cũng không đủ can đảm để chạy lại ôm Cha. Trên tay Cha còn cầm mấy bắp ngô, Cha bảo: “Mẹ mày luộc cho đấy, ở ngoài này ngô không ngon bằng ngô nhà mình đâu!”. Thế đấy, tình yêu của Cha chỉ đơn giản thế thôi, lặng lẽ, bình dị đến không ngờ!
 
Có lẽ, vì được Cha yêu thương hết mực như vậy nên con đã quá vô tâm với Cha. Nhiều lần, con thấy phiền phức vì những cuộc điện thoại với tần số liên tục của Cha bởi con nghĩ dù gì thì Cha vẫn hỏi mấy câu đại loại như “Con ăn cơm chưa?”, “Con đi học về có mệt không?”,…Rồi có những ngày nghỉ dài ngày nhưng con vẫn không về, phần vì nghĩ chi phí đi lại đắt đỏ mà gia đình mình thì lại đang khó khăn, phần vì có lúc con cũng vô tâm quá mà mãi đến bây giờ, khi đã đi làm rồi, con mới thấy hối hận vì ngày đó không thường xuyên về thăm nhà, thăm cha, thăm mẹ, thăm anh hơn. Một câu nói “Con yêu Cha!” con cũng chưa từng thốt lên, một cái ôm thắm thiết dành cho Cha con cũng chưa từng, con là đứa con thật đáng trách Cha nhỉ?
 
Cha luôn nói đùa với con rằng “Đi học thì lo mà học hành ra hồn, chớ có yêu thằng nào Tây Ta là cha mất con luôn đấy!”, ngày đó, con cứ ậm ừ cho qua chuyện và rồi cho đến bây giờ, con mới thấm thía được câu nói đó. Con cái dù có lớn đến đâu thì trong mắt cha mẹ vẫn luôn là bé bỏng và cha mẹ vẫn luôn muốn được che chở và sợ con rời xa mình mất.
 
Cha hứa với con rằng Cha sẽ luôn khỏe mạnh để chờ đến ngày con tốt nghiệp, chờ đến ngày con có được công việc ổn định, chờ đến ngày anh trai yên bề gia thất nữa,…Cha hứa nhiều lắm, tại sao Cha lại không thực hiện chứ? Đến bây giờ, khi con đã có công việc ổn định, con đã tự lo được cho bản thân, có thể đưa Cha đi du lịch đây đó, lúc con đã có đủ khả năng để báo hiếu thì Cha không còn, nỗi đau này con biết bày tỏ cùng ai đây ạ?
 
Một câu nói “Con yêu Cha!” con cũng chưa từng thốt lên, một cái ôm thắm thiết dành cho Cha con cũng chưa từng, con là đứa con thật đáng trách Cha nhỉ?

Trước đây, con đã từng dịch một bài báo như thế này và…con đã khóc không thành tiếng khi hoàn thành xong bài dịch, bởi lẽ câu chuyện của họ cũng giống như câu chuyện của Cha con mình vậy. Người ba trong câu chuyện này mắc bệnh nặng, ông biết mình không qua khỏi được nên trước khi qua đời, ông đã để lại cho cô con gái bé bỏng của mình bức thư này:
 
“Gửi con gái yêu của ba!
 
Ba con ta đã cùng nhau chơi trò trốn tìm biết bao lần rồi và mỗi lần chơi con đều tìm thấy ba rất nhanh, có điều lần này, ba quyết định trốn thật lâu. Con hãy khoan đi tìm ba vội mà hãy đợi đến khi con 14 tuổi (con còn phải ăn 10 lần bánh ga tô nữa) thì con mới hỏi lại mẹ ba đang ở đâu, có được không con gái?

Ba trốn lâu như vậy, nhất định con sẽ nhớ ba, có điều, ba không thể tùy tiện chạy ra được nếu không, ba sẽ thua con.

Nếu con vẫn không nguôi nhớ ba, ba sẽ làm ảo thuật để xuất hiện trước mặt con, bởi khi làm ảo thuật thì chỉ xuất hiện ảo thôi và ba sẽ không phạm quy và sẽ không bị thua.

Phép ảo thuật của ba đó là: Ba sẽ nhân lúc con ngủ và chạy đến trong giấc mơ của con rồi cùng con chơi trò chơi nhé.

Khi con vẽ ba, bất kể bức hình đó có đẹp hay không, chỉ cần con cho rằng đó là ba thì chính là ba; khi con lấy bức hình của ba ra để xem, khi đó ba cũng đang nhìn con đấy! Hãy nhớ rằng, ba luôn ở bên cạnh con, con gái yêu à!

Ba nhờ con một việc nhé, hãy hứa với ba chăm sóc ông bà, mẹ nhé. Ba tin con sẽ làm được, nếu có khó khăn gì thì hãy nhờ đến sự trợ giúp của mẹ nghe con!

Ba con mình chơi trò trốn tìm lần này lâu như thế, ba biết chắc ông, bà và mẹ con sẽ không tìm thấy ba mà trộm khóc. Như vậy, ông bà và mẹ đã phạm quy và đã thua rồi. Khi nhìn thấy họ khóc, con hãy tìm cách làm cho mọi người cười nhé, nếu không sau khi bị thua, họ sẽ càng khóc nhiều hơn đấy. Hứa với ba nhé con gái!

Chúng ta hãy cùng thi xem con và mọi người sẽ thắng hay là ba thắng nhé. Sẵn sàng chưa con gái, cuộc thi bắt đầu!

Và 14 năm sau, con gái viết thư trả lời ba…

Ba ham chơi của con, ba đang trốn ở đâu vậy ạ?

Không phải ba đã từng nói nếu con ăn hết 10 lần bánh sinh nhật là có thể tìm thấy ba hay sao ạ? 10 năm nay, con vẫn rất luôn nghe lời ba để không bị phạm quy trong trò chơi trốn tìm này rồi. Con luôn chăm sóc ông, bà và mẹ tận tình như lời ba dặn; khi họ khóc, con luôn tìm cách làm cho họ cười. Ba ơi, mọi người đều cười rồi, con thắng ba rồi nhé! Trò chơi cũng kết thúc rồi, ba nên quay về với con đi chứ ạ?
Thì ra…mọi chuyện không phải thế…

Con vẫn luôn đợi ba về để lại cùng con chơi trò trốn tìm nhưng mẹ nói với con rằng, con sẽ mãi mãi không tìm thấy ba nữa, thì ra 10 năm nay con đã mất đi người ba rất ham chơi của mình.

Ba ơi, tại sao ba lại nỡ nhẫn tâm lừa dối con gái mà ba yêu thương vậy ạ? 10 năm nay, mỗi lần ăn bánh sinh nhật là con lại càng nhớ ba da diết.

10 năm mòn mỏi chờ đợi quả thật khiến con thua đến thê thảm. 10 năm trước, nếu ba cho con lựa chọn, con ước rằng ba không lừa dối con, ba nên tin vào con gái của mình chứ ạ. Bởi con sẽ kiên cường, con sẽ mạnh mẽ, con sẽ cố gắng làm ông, bà và mẹ cười.

Mặc dù sự thật đó vô cùng đau đớn nhưng con sẽ cố gắng vượt qua, con sẽ không phụ tình yêu của ba, sẽ không phụ khổ tâm mà ba đã chơi trò trốn tìm cùng con suốt 10 năm nay.

Con gái nhớ ba nhiều lắm!”.

Khi dịch xong bức thư này, con đã khóc rất nhiều và con cũng mặc định rằng Cha chỉ là đang chơi trò trốn tìm với mẹ con con thôi mà. Con biết Cha luôn dõi theo và phù hộ cho mẹ con con, Cha yên tâm nhé, con gái Cha giờ đã có công việc ổn định, anh trai cũng đã vay mượn mở được một cái quán nho nhỏ để làm ăn, còn Mẹ, con hứa sẽ chăm sóc mẹ chu đáo, ở nơi đó, con mong Cha luôn bình yên, thanh thản. Mẹ con con nhớ Cha nhiều lắm!

Thu Hương
-
Tô Thị Thu Hương, xóm 14, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm