Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 26/07/2016, 04:33 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Tình hiếu đạo của một nhà sư

Ngày Tôn Sư giã từ huyễn thân tứ đại, Sư giác Toàn đã 66 tuổi đời và 52 tuổi đạo, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng Sư không thể kìm nén được những giọt nước mắt Hiếu Tâm tuôn trào như ngày nào Mẹ mất. 

Hồi nhỏ, tôi ở với nội và cô Bảy. Bà nội bán đậu phộng ở ga Tân Hiệp, cô bán kim chỉ trong chợ. Mỗi chiều, bà đi chùa tụng Kinh, bà tôi là phật tử chùa Linh Phong Cổ Tự gần nhà. Đi chùa về, nói chuyện buôn bán xong thế nào bà và cô cũng nói chuyện về “Má con thằng Tường”, còn tôi thì ngồi nghe.
*
- Con Tư nó cảm nóng!

- Vậy hả má? có uống thuốc gì chưa?

- Có, con Út mua thuốc tán cho uống rồi , mai kiếm cho nó nồi xông nha Bảy! Thằng Tường ngồi đắp khăn lên trán má nó thấy thương

- Ai dạy nó vậy má?

- Có biết đâu, con nít mà được vậy là có hiếu lắm đó!

- Có Hiếu là sao nội?

- Là biết chăm sóc cha mẹ lúc đau bệnh
*
- Chị Tư đở chưa má?

- Mười phần hết bảy rồi! 

- Mừng cho chỉ quá!

- Ừ! Đáng mừng nửa là thằng Tường mới bây lớn mà có hiếu thấy thương.

- Sao má?

- Hồi chiều tao có để dành gói đậu phọng cho nó,  tụng kinh xong thấy nó còn cầm, hỏi sao con không ăn? nó nói “chút đem về cho má với dì Út ăn luôn” ai cũng khen!.

- Vậy là Có Hiếu đó hả nội?

- Chứ sao! Biết dành cho cha mẹ món ngon vật lạ
*
- Bảy, con Tư dọn về nhà má nó ở Bến Chùa rồi.Thằng Tường học trong trường Tiểu học Trung An, nghe nói đang học mà nó muốn đi tu.

- Mới tám, chin tuồi mà! Còn nhỏ quá.

- Thì vậy! má nó không vui, nên nó chưa đi tu, cái thằng! thiệt là có hiếu!

- Vậy là Có Hiếu đó hả nội?

- Chứ sao! Biết làm cho cha mẹ vui lòng, không làm cho cha mẹ buồn giận, lo lắng.
*
- Má, chị Tư còn ở Bến Chùa không má?

- Mẹ con nó ra riêng rồi, bởi vậy có bửa thằng Tường thương má nó đi bán về  không có cơm ăn, nó bắt chước nấu cơm, cơm sôi leo lên bếp chắt nước cơm phỏng ngực đó!

- Ý trời! rồi có sao không?

- Nhờ Trời Phật thương rồi cũng qua. cái thằng! thiệt là có hiếu!

- Vậy là Có Hiếu đó hả nội?

- Chứ sao! Biết giúp đỡ và gánh vác công việc với cha mẹ .
*
- Bảy! Bảy qua dọn đồ, tao đi đám ma!

- Ai chết vậy má?

- Má thằng Tường!

- Trời Đất! sao chết vậy má?

- Nghe nói con Tư đi bán về bị đau bụng, thằng Tường đạp xe xuống ông thầy “Sáu Thấy” hốt thuốc về sắc cho má nó uống. Không bớt, Cậu Ba nó kêu đưa đi nhà thương, giữa đường thì chết. Trong chùa Linh Phong nghe tin ai cũng khóc, cũng kêu Trời! 

- Chị Tư chỉ hiền khô mà còn giỏi giang nữa, thương chỉ quá má! 

- Ừ! Tao thương nó một, thương thằng Tường tới mười. Nói rồi bà nội khóc tức tưởi, cô Bảy khóc, tôi cũng khóc theo. 

-Con nít con nôi biết gì mà khóc! Bà nội vừa hỉ mũi vừa nạt tôi.
*
- Má, thằng Tường xuất gia hả má? chùa nào vậy?

- Ừ! Bà ngoại nó cho ở tịnh xá Mỹ Đức - Mỹ Tho với sư cả Từ Huệ.
 
Thơm, nhỏ bạn thân ở gần nhà đã quy y ở tịnh xá Ngọc Hiệp, học chung lớp đệ tứ (lớp9) với tôi, nó rủ tôi đi nghe thuyết pháp do Sư Giác Toàn ở Sài Gòn về giảng, nó nói.

- Sư giảng hay và dễ hiểu. 

Hôm đó tôi đến trể sư đã giảng xong đang ngồi nói chuyện với rất đông phật tử vây quanh, cách nói chuyện thật giản dị, chân tình và rất gần gủi với mọi người.

- Sư là người Sài Gòn mà bình dị quá hả Thơm?

- Đâu phải, Sư là người Tiền Giang mình mà, hồi nhỏ Sư ở chùa Linh Phong với má và dì Út của Sư đó!

- Má của Sư là ai vậy?

- Tao đâu có biết! mầy về hỏi bà nội mầy đi, nội mầy là phật tử “lâu đời” của Linh Phong chắc rành lắm!.
*
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Sư Giác Toàn, Sư có dáng người thấp đậm nhưng rất hoạt bát và nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, ánh mắt nhân hậu ẩn dưới đôi chân mày rậm và nụ cười thân thiện trên gương mặt giống chử điền, làm nổi bật vầng trán cao rộng luôn trăn trở về chí nguyện “ Tác Như Lai xứ hành Như Lai sự” cho đạo cho đời.
*
- Sư Giác Toàn là ai vậy nội? 

Nội tôi vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói.

- Là Lê Phước Tường ở chùa Linh Phong hồi đó, bây giờ là sư Giác Toàn là đệ tử lớn cùa Thượng toạ Thích Giác Nhiên ở Tịnh xá Trung Tâm trên Sài Gòn, con gặp thì phải lễ bái Sư đó đa!.
*
Rồi sau đó tôi học CĐSP-TG chung lớp với Hoàn, Hoàn hiền lắm. Là người bạn thân nhất nên tôi thường hay kể cho Hoàn nghe về lòng ngưỡng mộ của tôi đối với Sư Giác Toàn, Hoàn chỉ cười không nói gì!. Một hôm Hoàn gọi tôi.

- Ngày mai Phượng xuống nhà ngoại Hoàn chơi nha! Có Sư về!

Chưa kịp hỏi Sư nào thì Hoàn đã cúp máy. 
*
Hoàn dẫn tôi ra nhà ngoại, trên hành lang của một tịnh thất đơn giản vừa cất xong, một nhà Sư đang ngồi quay lưng lại chúng tôi, vừa phe phẩy quạt vừa nói chuyện với các phật tử.

- Hoàn, Sư nào vậy? 

Sư quay lại, tôi bất chợt thốt lớn.

- Sư Giác Toàn!.

Ngày hôm ấy, tôi được ăn cơm với Sư, thức ăn là chao và rau lang luộc vậy mà Sư ăn ngon lành, tôi cũng ăn ngon lành, ngon như chưa có bữa cơm nào ngon như vậy! Bữa cơm ấy như Ánh Nhiên Đăng chợt bừng sáng trong tôi.

Ăn xong, Sư trao đổi phật sự với cô bác, bà con hàng xóm và anh chị em trong thân tộc, chủ yếu là việc sắp xếp nơi thờ tự rồi khuyên mọi người nên sống hiếu thuận và kính tin Tam bảo,Tổ Sư.

Tôi chợt nhớ đến chuyện về đức Phật. “ … sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp độ anh em ông Kiều Trần Như,về thành Ca Tỳ La vệ thăm vua cha, khuyến hoá nhiều vương tôn công tử phát tâm tu hành. Giúp đỡ dân chúng trong thành Ca tỳ la vệ kính tin Tam bảo, tin nhân quả.Lên cung trời Ðạo Lợi thuyết pháp cho vị thiên tử tiền thân là hoàng hậu Ma Da, giúp cho bà và các vị trên thiên giới thành tựu thánh đạo”.
*
Ngồi cạnh Hoàn vừa nghe Sư nói tôi vừa thủ thỉ hỏi:

- Hoàn là gì của Sư vây?

- Em, má mình là dì Út của Sư, má Sư là dì Tư của mình. Sư có hiếu với Ngoại và lo cho má mình lắm đó Phượng.
*
Tôi bất chợt nhớ lại hồi nhỏ mỗi tối bà nội và Cô Bảy tôi hay kể chuyện ở chùa Linh Phong Cổ Tự …”…Vậy là Có Hiếu đó hả nội?”
*
Hoàn kể:

- Lúc ngoại yếu, Sư thường xuyên tranh thủ về chăm sóc thuốc men và an ủi ngoại, kể chuyện cho ngoại nghe, khi ngoại mất đích thân Sư lo việc chôn cất cho ngoại.

Nghe xong tôi lại nhớ chuyện của đức Phật: "Khi vua Tịnh Phạn bệnh yếu, Ngài về thăm và an ủi vua cha, thuyết pháp cho vua nghe. Sau đó nhà vua chứng quả A Na Hàm rồi băng hà. Lúc ấy, đích thân Ngài sắp đặt việc tang lễ tống táng vua cha”.
*
Sư Giác Toàn đã thể hiện tâm hiếu hạnh đối với gia đình từ nhỏ, lại được thầy (Pháp sư Thích Giác Nhiên) giáo huấn tận tình nên Sư đã có một tầm nhìn sâu, rộng về mối quan hệ giữa người với người trong xã hội để khẳng định hiếu hạnh là gốc là cội nguồn sinh ra muôn vàn đức tính tốt đẹp đan xen giữa đạo và đời, giữa thường pháp và chánh pháp để dẫn dắt phật tử cùng đi tìm sự giác ngộ. 
*
Khi ra về Sư tặng cho tôi hai quyển thơ “ Suối về Hoa Nghiêm” và “ Tặng Phẩm Dâng Đời” của tác giả Trần Quê Hương.
*
Một danh nhân đã nói:” Thơ, Văn là Người- Là sự tuôn tràn, bộc phát những tình cảm mãnh liệt đã từng ấp ủ chất chứa trong tim”.Quả đúng như vậy, các tác phẩm của nhà thơ Trần Quê Hương đã cho ta thấy Thượng Toạ Thích Giác Toàn là một nhà Sư khất sĩ Trung - Hiếu vẹn toàn trong đời trong đạo.

MẸ mãi muôn đời MẸ của con
Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn 
Trái tim in bóng THỜI mơ MỘNG
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ SON 
(Ngủ Trên Quê Hương, trang 78)

Tâm Hiếu Hạnh tuôn trào hoà quyện vào bài thơ nói về Mẹ của sư GiácToàn như viên ngọc lưu ly toả sáng khắp trần gian.

Tôi đi từ vô thuỷ
Gọi mặt trời đi theo
Bạn đường vui thiên lý
Trên vai túi vải nghèo
Đến kiếp nầy dừng chân
Việt Nam duyên hiền sĩ
Đ êm thu ngời trăng thu
Huyền dịu tuyệt chân như
Nguyện kinh thư soi sáng
Thế nhân thắm đạo từ
(Tặng Phẩm Dâng Đời)

“Thế nhân” ở đây là con người trên thế gian, nhưng gần gũi như máu thịt với Sư chính  là dân tộc Việt Nam. Vì vậy, kể từ khi thọ giới Cụ túc Tỳ kheo năm 1968 đến nay gần suốt cuộc đời rồi mà bước chân hoằng pháp độ sinh của Sư vẫn chưa một ngày dừng nghỉ.
*
Tháng 4/2008 là khoảng thời gian cả thế giới vô cùng lo sợ vì Biển Đông đang nổi lên cái lưỡi của con bò điên, vậy mà Sư đã có mặt ở đảo Trường Sa cùng với phái đoàn đi thăm và giao lưu với các chiến sĩ cùng nhân dân trong quần đảo. Sư đã kể cho mọi người nghe chuyện “Bóng Mát Quê Hương” nói về lúc quê hương Đức Phật là nước Ca Tỳ La Vệ bị vua Lưu Ly xâm lược, Đức Phật đã nhiều lần ra tận biên cương để khuyên bảo cản ngăn vua Lưu Ly. Kể chuyện nầy là Sư muốn nhắn nhủ: “Đức Phật mà còn lưu giữ tình yêu quê hương đất nước như vậy huống hồ chúng ta?”, và Sư đã gởi gấm lòng mình trên sóng biển với lời nguyện thiêng liêng:

“HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”.

Tôi đến Trường Sa buổi rạng đông
Trời chưa lên, nắng sớm chưa hồng
Tình quân dân sáng ngời ánh mắt,
Tay bắt mặt mừng - Đẹp núi sông
Những mái nhà dân, tăng sức dân
Dân thành, dân đảo… nối tình thân
Ngọt bùi san sẻ tình dân tộc,
Con cháu Rồng Tiên huyết thống thần
Tôi về nhớ mãi Trường Sa ấy,
Vùng đảo thân yêu của tổ tiên 
Những đứa con hùng vì Tổ quốc,
Ngày đêm gìn giữ biển thiêng liêng!
                                  Trần Quê Hương

Ngày khánh thành hai chùa lớn ở trường sa và đêm đại lễ cầu siêu cho những người nằm xuống vì biển đảo cũng có sự hiện diện của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự  GHPGVN. 

Sư kể lại: “Đêm đại lễ cầu siêu, trong ánh nến lung linh, giữa trời biển, trăng sao hình ảnh tổ tiên Lạc Long Quân và Âu Cơ mỗi người dẫn năm mươi người con lên non xuống biển như sống dậy trong tái tim mọi người. Thắp nhang cho chiến sĩ là biểu hiện lòng biết ơn những người nằm xuống và cũng là nhắc nhở cho chúng ta: DÂN TỘC VIỆT NAM  KHÔNG BAO GIỜ KHUẤT PHỤC TRƯỚC HOẠ NGOẠI XÂM. 

Trong thời điểm Biển Đông dậy sóng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều căm giận, riêng trong lòng tôi còn có thêm nổi buồn sâu xa về tình nghĩa “anh em” với 16 chữ vàng, sao giống với  chuyện “ THẠCH SANH - LÝ THÔNG” trong truyện cổ tích Việt Nam quá! Tôi muốn gởi mong ước của mình đến lãnh đạo Trung Quốc là hãy vì cuộc sống bình yên của hai dân tộc Việt - Trung và hoà  bình thế giới, xin đừng gây chiến tranh ở Biển Đông. Tôi cũng mong muốn lảnh đạo Việt Nam phải kiên quyết đưa ra những quốc sách cần thiết để bảo vệ chủ quyền cho dân và quân trên Biển Đảo được sống bình yên. Đức Phật hiện thân khắp nơi, nhưng từ hôm nay tôi tin rằng ánh hào quang mầu nhiệm của Đức Phật và tổ Sư sẽ luôn toả sáng trên vùng đất thiêng liêng nầy của dân tộc Việt Nam, bởi vì Phật giáo ở trong lòng dân tộc, dân tộc phát triển thì Phật giáo phát triển theo và ngược lại”. 

*
Thật vậy, Thời Lý - Trần là một thời đại phát triển rực rở về mọi mặt của dân tộc và đó cũng chính là thời cực thịnh cùa Phật giáo Việt Nam. Nhưng tiếc thay! Khi quân Minh xâm lăng đã tàn bạo hủy diệt và thu gôm sạch, kể cả những di sản quí giá của Phật giáo cũng bị mất gần hết chỉ còn một số rất nhỏ lưu truyền đến ngày nay. Hiểu được tầm quan trọng của các di sản của tiền nhân và việc lưu truyền các di sản nầy, nhà thơ Trần Quê Hương với niềm tự hào dân tộc đã không quản công sức dịch sách của vị Thiền sư - Hoàng đế - Anh hùng dân tộc Trần Thái Tông (Thiền tông chỉ nam tự, Kim Cương Tam Muội kinh tự) sang thể thơ Lục Bát bằng tất cả trái tim và khối óc của nhà tu hành. 
*
Mùa thu năm 2010 tôi có duyên mai nhận được tác phẩm Hương Thiền Ngàn Năm do tác giả đề tặng. Sáu năm qua, bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, vậy mà bây giờ cầm tập thơ đẹp trong tay, lòng tôi vẫn còn nguyên cảm xúc như ngày đầu nhận từ tay tác giả nên xin mạo muội họa hai bài thơ của hai nhà thơ nổi tiếng Trụ Vũ và Nguyên Sa để kính tặng nhà thơ Trần Quê Hương .

TRẦN QUÊ HƯƠNG BÚT (Kính hoạ)
Hương lòng thắm đượm khắp mười phương
Thiền quán trần gian tỉnh lặng dường
Ngàn ánh hào quang tâm rực sáng
Năm miền Sắc-Thọ-Tưởng-Hành sương!
Trần gian nhẹ gót chân Y-Bát
Quê mẹ vòng tay ấm đạo đường
Hương ngát thơm lừng hương tõa thấm
Bút sen vẫy bút sáng hồng chương
NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

H ƯƠNG THIỀN NGÀN NĂM (Kính hoạ)
Hương Thiền sống mãi ngàn năm
Mặc cho cuộc thế âm thầm đầy vơi
Sáng ngời gĩưa đất giữa trời
Việt Nam thiền bút dạo chơi Đạo, Đời
NGUYỄN THỊ PHƯỢNG
*
Tháng 4/2013 tôi lại có duyên mai được xem một video clip về kỷ niệm 64 tuổi đời và 50 năm tuổi đạo của Sư Giác Toàn, tôi rất vui và hứng thú khi những bài thơ của Sư được phổ nhạc và các nghệ sĩ trình diễn thật hay. Nhưng đến phút thứ 50:10 thì tôi chợt khóc vì nhìn thấy hình ảnh thân thươngvà những lời chia sẻ ấm lòng của Sư về anh Mai Nhật Thu. Khi anh vừa đọc xong bài thơ, Sư liền bước lên bục nhận ngay bài thơ thư pháp do chính tay anh Thu viết tặng, nắm tay anh Sư nói:

- Khi tôi mới lên Sài Gòn thì Đạo Huynh đã là thi sĩ Mai Nhật Thường giống như nhà thơ Trụ Vũ, lúc đó tôi chỉ là một người mới tập làm thơ…. Đạo Hữu là người tu phía trước tôi….tôi rất xúc động vì đạo huynh vừa bị tai nạn còn yếu mà anh vẫn sáng tác bài thơ và tự viết thư pháp đến đây tặng t ôi. Đó chính là đạo tình... cầu nguyện Phật gia hộ cho anh luôn được an lạc.

Tình người và hạnh hiếu kính trong Sư đối với mọi ngừơi quả thật sâu rộng như nước Đại Dương.

Và đỉnh điểm là lòng hiếu thảo của sư đối với Tôn Sư là Đại Lão Hoà Thượng Đại Pháp Sư Thích Giác Nhiên.
*
Ngày Tôn Sư giã từ huyễn thân tứ đại, Sư giác Toàn đã 66 tuổi đời và 52 tuổi đạo, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng Sư không thể kìm nén được những giọt nước mắt Hiếu Tâm tuông trào như ngày nào Mẹ mất. 
 
(HT.Thích Giác Toàn Ngồi ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ đón nhục thân của Tôn Sư Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên)

Nỗi niềm cảm xúc và sự mất má to lớn ấy đã đựơc gói gọn trong những vần thơ xuất phát tự đáy lòng của một người con chí hiếu.

Đạo tình sanh tử biệt ly
Thầy đi, con ở sầu bi khôn cùng
Trời Ca-li tiễn... lệ tuôn
Trời Sài Gòn đón… suối nguồn hiếu tâm

Người con ấy hơn nửa đời đã luôn chí hiếu với gia đình, với Đạo, với Đời và với cả dân tộc Việt Nam.

Hãy hình dung, đứa con ấy đang vòng tay ôm thân xác của cha vào lòng mình và thủ thỉ cùng cha.

Dù đi khắp bốn phương trời
Trăm năm dừng nghỉ về nơi quê mình
Quê mình sông nước hữu tình
Non cao, biển rộng… tâm linh rạng ngời.

Đứa con ấy chính là HT.Thích Giác Toàn, thế danh Lê Phước Tường 

Phúc lành hiện ở trên đời
Hào quang khất sĩ rạng ngời ngời thêm
 
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.

Tân Hiệp - Tiền Giang ngày 06/07/2016
Kính bút

Nguyễn Thị Phượng
-
108/4 Ấp Rẩy, Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm