Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Bố ơi! Trăng rằm nơi cửa thiền thật đẹp…

Gió đại ngàn hun hút, mây đua nhau chen chỗ, nhưng chỉ vài giây lại cùng nhau nhường chỗ nơi Trăng Rằm ngự trị. Nhịp mõ đều đặn theo từng câu Kinh, từng tiếng niệm Phật. Gác mái gian Chính điện Tam Bảo lung linh trong trăng Rằm rạng rỡ.

Chuyến đi nhiều phần vội vã. Chúng tôi về với huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk khi trời đã tối. Chị Nhuận Đức, Trưởng Ban Từ thiện chùa Quảng Trạch mong chúng tôi từ sớm. Vậy mà, khi áng chiều tím hồng cuối cùng cố nán lại thêm chút, trước khi nhường chỗ mây tối phủ che, chúng tôi mới về đến nơi…

Chỉ kịp chào các anh chị trong Ban Từ thiện, kịp rời đồ khỏi xe ô tô, đã nghe chị Nhuận Đức nói: Nay Rằm, ghé chùa Liên Sơn trước em nhé. Chừng tiếng nữa bà con đến khóa lễ rồi.

Tôi đưa tay ngang trán, khẽ nhíu mày: Nay Rằm rồi à chị? Em cứ nghĩ mới mười tư…

Nhà chị đã chuẩn bị sẵn cơm chay. Kịp rửa mặt sau chặng đường dài từ xứ sở Café về với huyện Lắk, rồi bữa cơm thanh đạm, ấm áp cùng gia đình chị Nhuận Đức. Xong, hai chị em về với chùa Liên Sơn.

Trăng đã tỏ. Phố núi về tối bình yên quá. Gió đại ngàn réo rắt tầng không khiến tôi bất giác nhớ đến Bố. Tháng 10 Âm lịch hàng năm, tháng giỗ Bố. Bố mất đã bước sang năm thứ 6, ngày 6/10/Ất Mùi. Chưa một lần tôi được cùng Bố dự khóa tụng Kinh ở chùa kể từ khi Bố mất.



Cung nghinh quý Thầy quang lâm chuẩn bị khóa lễ

Nhân duyên, đúng ngày Rằm tháng 10 vừa rồi, tôi được về chùa dự lễ, dâng bánh chay cúng dường Tam Bảo. Tâm hoan hỉ khấn cầu: Bố ơi! Bố con mình cùng về chùa dự lễ nhé. Ngôi chùa nhỏ phố núi miền đất Tây Nguyên, nơi từng một thời Bố đồng hành trong vai anh bộ đội cụ Hồ.

Chưa đến 30 phút, hai chị em đã về với chùa Liên Sơn. Bà con phật tử đã đến khá đông, ai cũng áo tràng lam trang nghiêm chờ dự khóa lễ Cầu An ngày Rằm hàng tháng.

Tranh thủ vấn an Thầy Thích Nhuận Nghĩa, trú trì chùa Liên Sơn trước khi vào chính lễ. Thầy có phần bất ngờ vì tôi về Lắk mà không báo trước.

Tôi có lẽ đã quen dần, khởi tâm, phát nguyện rồi xách balo lên là đi… Lẽ vậy, chị Nhuận Đức cũng bị động trước kế hoạch "bất ngờ" của tôi.

Thầy trò vui mừng sau gần một năm gặp lại. Thầy ân cần hỏi thăm, và chắc còn điều chia sẻ. Nhưng đến giờ chuẩn bị khóa lễ, tạm dừng vậy đợi duyên.



Nghi thức niêm hương Bạch Phật

Bao mệt mỏi tan biến đâu không hay. Mồ hôi rịt chặt tóc mai cảm nhận rõ đường gân mạch máu có phần không thoải mái khi lưu thông. Nhưng, máy ảnh đã sẵn sàng. Nơi chính điện Tam Bảo tôi tác nghiệp nhanh vài kiểu ảnh.

19h10, quý Thầy quang lâm chứng minh, khóa lễ bắt đầu. Bà con phật tử vẫn theo nhau về chùa dự lễ. Sau hồi chuông, trống cung nghinh Thầy, đến nghi thức niêm hương bạch Phật. Từng tiếng chuông tịnh trí ngân vọng. Không gian, thời gian như ngưng đọng. Khoảng ban công tầng hai nơi gian Chính điện bỗng sáng tỏ, rạng ngời…

Khóa lễ Cầu An chính thức bắt đầu


Thói quen tác nghiệp, không khó để tôi nhận thấy Trăng Rằm tròn vành vạnh, sáng rực khoảng trời, xung quanh những áng mây tạo hình thật đẹp.

Từng tiếng chuông, nhịp mõ đều đặn ngân xa...

Gió đại ngàn hun hút, mây đua nhau chen chỗ, nhưng chỉ vài giây lại cùng nhau nhường chỗ nơi Trăng Rằm ngự trị. Nhịp mõ đều đặn theo từng câu Kinh, từng tiếng niệm Phật. Gác mái gian Chính điện Tam Bảo lung linh trong trăng Rằm rạng rỡ.



Trăng Rằm sáng tỏ từng không
Tâm chuyên tịnh trí dày công hành trì
Lời đức Phật dạy khắc ghi
Đuốc tuệ luôn sáng minh tường Sắc-Không...


Một khoảng trời, đẹp khó thể diễn tả bằng lời. Lúc cảm nhận mắt thường, thấy Trăng Rằm sáng nhất, tôi hít sâu, hướng ống kính máy ảnh phía mặt Trăng, canh nét chắc tay, thoáng chừng một giây, có khi ít hơn thế: Hình ảnh Bố cười đôn hậu. Hai tay Bố chắp trước ngực. Bố cũng đã thấy, cũng hướng về Tam Bảo, hướng về khóa lễ, cùng bà con phật tử trang nghiêm, thành kính…

Khoảnh khắc tôi thầm cảm niệm, Trăng Rằm nơi cửa Phật từ bi thật đẹp Bố ạ. Và con biết, Bố luôn dõi theo từng bước đường con đi. Luôn đồng hành cùng con, dù ở nơi đâu…

Thường Nguyên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Không động làm sao biết tịnh, không khổ làm sao biết vui?

Phật giáo thường thức 12:00 19/04/2024

Hỏi: Kính thưa Thầy, con là người có sự dao động cảm xúc, tình cảm nhiều. Thời gian khi con đi học với bạn bè, thì cũng có vui, buồn. Sau khi ra trường, có 1 thời gian con thất nghiệp, con đi chùa, thì tâm trạng cũng bình bình. Giờ có việc làm, thì tâm trạng con dao động tiếp.

Hiểu về tâm hỷ

Phật giáo thường thức 10:30 19/04/2024

Người có tâm Hỷ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại, hơn là người khác, vì tâm Hỷ không chấp chứa lòng ganh tỵ. Về một phương diện khác, người có tâm Hỷ không bao giờ làm trở ngại tiến bộ và phá hoại thanh danh của người khác.

Vãng sinh Tịnh độ Thần chú

Phật giáo thường thức 10:29 19/04/2024

Nam mô a di đa bà dạ, Đa tha già đa dạ, Đa địa dạ tha, A di rị đô bà tỳ, A di rị đa, tất đam bà tỳ, A di rị đa, tỳ ca lan đế, A di rị đa, tỳ ca lan đa, Già di nị, già già na, Chỉ đa ca lệ, Ta bà ha.

Tương tợ Tỳ-kheo

Phật giáo thường thức 10:00 19/04/2024

Trong nhiều pháp thoại, Thế Tôn thường sử dụng hình ảnh trực quan để minh họa cho những giáo huấn của Ngài. Một con lừa trà trộn vào đàn trâu, đi theo đàn trâu, tự xưng là trâu, nghĩ rằng là trâu nhưng kỳ thực chẳng có gì nơi con lừa kia giống với trâu cả, là hình ảnh minh họa cho tương tợ Tỳ-kheo.

Xem thêm