Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 04/04/2017, 04:48 AM

"Bồ tát" với hai khuynh hướng ngược nhau

Sáng ngày 26/03/2017 (29/02/Đinh Dậu), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng tiếp về loạt bài Bồ tát Đại thừa tại khóa tu thiền chùa Từ Tân (quận Tân Bình,Tp.HCM), với sự tham dự trên 1500 phật tử gần xa.

Như thường lệ, tại chùa Từ Tân đã diễn ra khóa tu thiền do HT.Thích Viên Giác kết hợp với TT.Thích Chân Quang (BR-VT) tổ chức hàng tháng, với sự tham dự của đông đảo phật tử từ khắp các tỉnh thành hội tựu về.
 
Hơn 10 năm nay, khóa tu thiền chùa Từ Tân đã trở nên quen thuộc với các phật tử yêu thích thiền tại Tp.HCM và các tỉnh thành khác. Phật tử các giới đến với khóa tu ngày càng đông, nhất là giới trẻ, giới trí thức. Hơn ai hết những người yêu thích thiền đều tận dụng thời gian cho phép của mình một cách thích hợp để cùng mọi người thực tập thiền định, thúc liễm thân tâm, dưới sự hướng dẫn của những bậc thầy có kinh nghiệm hành thiền và phương pháp định tâm. 
 
Theo chương trình, TT.Thích Chân Quang thuyết giảng tiếp về loạt bài Bồ tát Đại thừa. Đây là một chủ đề rất rộng, bàn đến quá trình tu tập, đạo hạnh và con đường giáo hóa độ sinh của các vị Bồ tát. Chủ đề được Thượng tọa phân tích hôm nay là "Bồ tát với hai khuynh hướng ngược nhau". Những khuynh hướng ngược nhau của Bồ tát chỉ là một góc rất nhỏ trong chủ đề rộng lớn này. Thực sự, cái cảnh giới, trí tuệ, sự tu chứng của Bồ tát là điều ta không hiểu nổi, bởi không thể nào lấy tâm phàm phu mà đo lòng của bậc Thánh. Và dù ta có cố gắng bắt chước thì cũng không bao giờ ta làm đúng như các vị Bồ tát hoàn toàn được, vì cảnh giới của các Ngài là cảnh giới của sự tu chứng cao siêu.

Qua đây, chúng ta thấy được sự hy sinh vĩ đại, vì sự nghiệp giáo hóa độ sinh của các vị Bồ tát. Từ đó, mọi người hiểu được tấm lòng của các Ngài, để mở lòng mình ra biết yêu kính, ngưỡng mộ, noi gương, và bắt chước. Nhờ vậy, sau này chúng ta có cái nhân để đắc đạo, và cũng nối tiếp các Ngài đi trên lộ trình hóa độ chúng sinh. Vì suy cho cùng, cuối cùng chúng ta chẳng cầu gì cả, chỉ cầu một điều là tất cả chúng sinh đều được giác ngộ giải thoát, còn mọi mục tiêu khác đều là vô nghĩa.

- Bồ tát không mong cầu điều gì, không mong đẹp, không mong giàu, không mong vinh hoa phú quý

Các Ngài sống đơn giản, lòng thênh thang như hư vô. Tuy nhiên, trong thẳm sâu các Ngài luôn bị thúc đẩy phải đi tìm sự giác ngộ tuyệt đối vô biên. Đó là hai khuynh hướng ngược nhau nhất, nhưng cùng tồn tại một cách dung hòa trong một vị Bồ tát, tức không mong cầu điều gì, nhưng quyết tìm sự giác ngộ tuyệt đối.
 
Với người phàm phu, chúng ta chỉ thích thú, chỉ đi tìm cái mà mình hình dung ra được, hiểu được, chẳng hạn tiền tài, vật chất của thế gian. Còn với sự giác ngộ vô thượng, ta không bao giờ đủ trí tuệ, đủ thôi thúc để đi tìm. Còn các vị Bồ tát khi chứng được bước đầu rồi thì cái lộ trình giác ngộ mở ra ngay, các Ngài biết đó là con đường mình phải đi, nhiều khi kéo dài cả triệu kiếp luân hồi từ hành tinh này qua đến hành tinh kia. 

Và trong hành trình vô lượng kiếp đó, các Ngài cứ đi mãi để tìm sự tuyệt đối, tuy nhiên không hề hấp tấp. Đây cũng là hai khuynh hướng ngược nhau. Tại sao không hấp tấp? Bởi vì tâm không mong cầu. Với chúng ta, khi muốn tìm điều gì ta thường quyết tâm, kiên trì, phấn đấu, vội vàng, thậm chí chạy vạy để mau đạt được mục tiêu. Còn bậc Bồ tát dù xác quyết một mục tiêu rồi nhưng không hấp tấp, mà đi trong sự thanh thản hư vô, vừa đi vừa cứu độ chúng sinh. Đây là sự khác nhau giữa Thánh và phàm phu.
 
Một khuynh hướng khác, Bồ tát thương chúng sinh nhưng tùy thuận nhân quả. Vì thương chúng sinh nên Bồ tát luôn muốn cho chúng sinh được hạnh phúc, trí tuệ, bình an, được giác ngộ. Tuy nhiên các Ngài phải “tùy thuận nhân quả”, tức là không can thiệp vào cái giàu nghèo, vui khổ của chúng sinh, bởi vì chúng sinh đã gieo nhân nên họ phải trả quả giàu hay nghèo như thế, phải khổ, phải vui… như thế. Nghe thì giống như thương mà bỏ mặc chúng sinh, tuy nhiên phải hiểu rằng đây là cái khó của Bồ tát, tức dù thương nhưng không can thiệp vào nhiều. Các Ngài chỉ biết cố gắng tìm nhân quả để khuyên răn, dạy bảo cho chúng sinh chứ không còn cách nào khác.

Ví dụ khi có người mắc bệnh nan y đến tìm thầy, thầy cũng không thể nào bán chùa đi để lấy tiền cho họ chữa bệnh, vì chùa là nơi tu hành của bao nhiêu người. Và người kia đã mang nghiệp nặng rồi, nếu còn tiếp tục tiêu thụ phước thì sẽ âm phước, kiếp sau đọa không lên nổi, đó là nhân quả. Vì thế, thầy chỉ có những lời khuyên thôi, mà nếu họ thực hành thì có thể chuyển nghiệp được. Chẳng hạn, với người ung thư thì nên phóng sinh, trồng rừng rất nhiều bằng chính đồng tiền của mình để kéo thọ mạng lại chút (tức mình đang gieo sự sống thì tự nhiên sự sống của mình cứng lại không bị gãy); hoặc người bị mắc các bệnh ở chân, đi lại khó khăn thì phải đắp đường cho mọi người qua lại; người học kém thì mang tặng sách vở bút viết cho học sinh... Tức là khuyên dạy để họ tự điều chỉnh cái nghiệp của mình, chứ không dùng thần thông phép lạ nào được. Và một trong những điều khuyên dạy quý giá nhất là đạo lý nhân quả. Đây cũng chính là sự cứu độ chúng sinh rất lớn. 

Còn thần thông phép lạ dù cao siêu cách mấy cũng không thể cứu độ chúng sinh một cách hiệu quả bằng sự giáo hóa. Đó là lý do mà khi đắc đạo rồi thì sự nghiệp chính của Phật vẫn là thuyết pháp, giáo hóa để thay đổi tâm hồn của chúng sinh. 
 
Giống như Nhà nước. Để duy trì kỉ cương, trật tự, nhà nước có quyền thực hiện biện pháp cưỡng chế, trấn áp. Tuy nhiên, thuyết phục vẫn là đối sách được ưu tiên và áp dụng trước nhất. Nếu không cảm hóa được mới dùng biện pháp cưỡng chế. Mà nhà nước nào văn minh tiến bộ đều có những người chuyên đi thuyết phục để đi tìm sự đồng thuận của xã hội trước (tức là người dân thấy điều đó là hợp lý thì họ tự nguyện làm).

Thiết nghĩ, một đất nước được sự đồng thuận như vậy là một đất nước ấm êm hạnh phúc, chứ không phải ra lệnh cấm này bắt kia. Nên vai trò của Mặt trận tổ quốc là thuyết phục cho người dân tự nguyện làm những điều đúng pháp luật, mà vui trong việc mình làm theo chính sách chung của nhà nước để cả đất nước được hài hòa là vậy.

Và Bồ tát cũng là người giỏi thuyết phục, giỏi giáo hóa. Đây chính là cách để các Ngài thể hiện tình yêu thương và giúp chúng sinh chuyển nghiệp của mình. Rất ít khi các Ngài dùng thần thông để can thiệp vào nghiệp của chúng sinh trừ trường hợp cấp bách. Và trong sự giáo hóa đó, các Ngài khéo léo khuyên bảo, hướng dẫn, tạo cơ hội cho chúng sinh tác phước, bởi phước là yếu tố cực kì quan trọng trong cuộc đời, trong sự tu hành của mỗi người.

Nhớ lại câu chuyện đức Phật ngồi thiền dưới cội cây bồ đề và khi ma vương hiện ra hăm dọa quấy phá, đức Phật đã làm gì để chống lại? Ngài không làm gì cả, Ngài ngồi bất động. Lúc ma vương không làm gì được Phật nữa, chỉ còn biết dùng lời chửi mắng, khi ấy Phật mới nói: “Ta có phước bảo vệ, ngươi không làm gì được ta”. Qua câu nói này chúng ta thấy Ngài không bao giờ tự nhận mình là một người tài giỏi hay có thần thông, Ngài chỉ tự nhận mình có phước thôi. Một câu nói đơn giản nhưng là bài học rất lớn cho chúng ta. 

Cũng bởi phước lớn nên ma vương không hại được Ngài và cũng bởi phước lớn nên Ngài mới đắc đạo thành đức Phật. Và cái phước lớn đó được Phật xây dựng từ rất lâu bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ và làm lợi ích chúng sinh chứ không phải tự có. Cũng vậy, trong công việc, dù chúng ta có thành công liên tiếp thì khi có người đến khen, ta cũng chỉ khiêm tốn nhận rằng chắc mình nhờ phước, chắc đời trước mình đã từng làm những việc công đức nào đó, chứ không bao giờ dám nhận là mình có tài. 

Nên biết, bậc Bồ tát khi nhìn vào chúng sinh là đánh giá được cái phước ít hay nhiều nơi mỗi chúng sinh. Bồ tát thương chúng sinh là thương cái người ít phước quá. Và các Ngài chỉ mong sao cho chúng sinh biết tạo phước rất nhiều để tự nâng cái giá trị, nâng thân phận, nâng cái tầm mức họ lên một đẳng cấp khác. Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở: nên nhớ, chỉ nhờ có phước cực lớn ta mới nâng đẳng cấp mình lên thành một đẳng cấp khác, một loài giống mới, chứ không phải bằng cách cấy não, bỏ chíp hay học cho nhiều. 

Hai khuynh hướng ngược nhau của Bồ tát nữa là tha thứ nhưng nghiêm khắc dạy dỗ chứ không phải tha thứ rồi bỏ qua luôn khiến họ tiếp tục phạm lỗi…

Cái khó của Bồ tát là làm ra vẻ dữ tợn để trách phạt cho chúng sinh sợ mà dừng tay tạo tội, tuy nhiên lòng Bồ tát vẫn buông xả, bình an, yêu thương. Đây là điều rất khó làm. Ngay cả với cha mẹ dù thương con lai láng mà lúc phạt đòn con, lòng vẫn phải giận, không giận không đánh được, mà muốn đánh là phải giận. Còn Bồ tát thì tách ra hẳn, lòng không mảy may giận nhưng tay vẫn cầm roi đánh. Tức là yêu thương thì giấu kín trong lòng, còn cái thị hiện ra bên ngoài là sự nghiêm khắc. Nên biết, dạy dỗ nghiêm khắc rất giống với giận nhưng lại không phải giận. Đây là bản lĩnh của một vị Bồ tát, chúng ta cần hiểu điều này để giữ tâm mình trong cuộc sống. Tuy không giận, không ghét, không căm phẫn người xấu, nhưng phải làm sao cho người ta đừng xấu nữa. 

Thực tế trong cộng đồng nào cũng có kỷ luật, có sự thưởng phạt. Và chính hình phạt, sự căm phẫn với kẻ xấu đã góp phần ngăn chặn cái xấu lại, khiến người ta dè dặt không dám làm sai. Còn khi chúng ta tha thứ, tức là thấy người khác làm điều sai, điều xấu mà không phạt thì ta vô tình đi ngược lại sự công bằng của xã hội. Vì vậy đừng tưởng sự tha thứ trong hoàn cảnh nào cũng luôn hay, luôn đúng. Cái tha thứ cho người khác xét với bản thân mình là một đạo đức, nhưng đối với cộng đồng xã hội đó là điều mất công bằng. 

Tuy nhiên, nếu ta giận, ghét người phạm lỗi thì kéo theo phiền não cho chính mình, làm mình không tu được. Hơn nữa còn kéo theo cái ác nghiệp cho chính mình. Chẳng hạn, khi nghe chuyện ông già 60 tuổi xâm hại đứa bé 6 tuổi, nhiều người đã không kiềm được sự căm phẫn và mắng những lời thậm tệ. Nhưng trong nhân quả, khi ta ghét người có lỗi thì lập tức cái lỗi lây qua chính mình ngay. Lầm lỗi là một loại ‘virus’ cực kì dễ lây, mà môi trường để nó lây lan từ người này qua người kia chính là sự căm ghét. Do đó, khi nghe lỗi của ai, ta hãy nghe trong sự bình thản, không căm phẫn, giận dữ. 
 
Và hãy nhớ rằng cái lỗi nào cũng có nguyên nhân của nó. Chẳng hạn với câu chuyện trên, ta đặt tâm mình vào tâm người kia để hiểu tại sao ông lại phạm cái lỗi nặng nề như vậy? 

Ta thấy rằng trong quá khứ ở kiếp này và những kiếp khác chúng ta đã vô tình hay cố ý một lúc nào đó từng nói những lời bậy bạ xúc phạm thần thánh, những bậc hiền triết, những bậc đáng kính, hoặc dù không nói ra nhưng xúc phạm bằng ý nghĩ bí mật thì chắc chắn người đó sẽ có ngày làm những chuyện tồi tệ nhất để cho người đời phỉ nhổ. Nhân quả là như vậy. 

Và trong chúng ta ai là người chưa từng bao giờ khởi ý nghĩ xúc phạm những bậc đáng kính? Rất ít. Cho nên tất cả chúng ta đều là những tội nhân tiềm tàng cả, bởi trong quá khứ, ở kiếp này hay những kiếp khác ta đã vô tình hay cố ý xúc phạm bậc thần thánh, bậc hiền triết nào đó rồi. Và sẽ có lúc ta làm chuyện bậy bạ để mọi người khinh thường, phỉ nhổ. Còn người nào tâm hồn thanh tịnh, không bao giờ làm điều bậy, nói bậy, thậm chí nghĩ bậy thì chắc chắn trong quá khứ họ đã luôn cung kính những bậc Thánh đúng mực. Vì thế, ta nghiêm khắc răn dạy để giữ sự công bằng, nhưng ta tha thứ để làm gì? Tha thứ vừa là đạo đức, vừa để ngăn chặn cái lỗi của người khác đừng lây vào cuộc đời mình. 

Ngược lại, ai mà biết cung kính những bậc Thánh thì tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không bao giờ nghĩ hay làm những điều bậy bạ. Nhờ đó, họ cũng tránh được rất nhiều lầm lỗi trong cuộc đời.

Hai khuynh hướng ngược nhau nữa của Bồ tát là rất thường xuyên tạo phước nhưng chỉ mong cầu sự giác ngộ giải thoát, tuyệt đối không bao giờ lẫn với một chút quả báo thế gian. Còn chúng sinh thì ngay khi làm phước, ngay khi đắp đường, bắc cầu hay công quả lao tác..., trong đầu đã phảng phất, phảng phất ý niệm mong cầu quả báo của hữu lậu thế gian như: mong mình được giàu, được đẹp, được địa vị cao sang trong vị lai. Mặc dù quả báo là sự công bằng, tuy nhiên khi cầu quả báo thì tâm hồn, đạo đức của chúng ta cũng đã tan vỡ rồi. 

Lại nữa, Bồ tát rất siêng cứu giúp chúng sinh nhưng âm thầm không ra mặt, ít để ai biết đến mình, miễn sao điều tốt đẹp được lan truyền. Các Ngài chỉ cần chúng sinh thoát được kiếp nạn, có được lợi ích, chứ không cần mọi người biết đến sự tồn tại của mình,. Có thể, các Ngài trực tiếp ra tay hoặc xúi người khác đến giúp ta. Và phần lớn, các Ngài xúi người khác nhiều hơn để cho chúng sinh có cơ hội làm phước. Vậy nên, khi gặp việc không hay, ta thường niệm tên Bồ tát thì được giúp đỡ liền. Riêng Bồ tát trên cao thì tuyệt đối giấu mặt luôn, không bao giờ chúng ta biết là ta đã được cái Ngài giúp học theo hạnh Bồ tát, chúng ta phải tích cực làm nhiều việc tốt, nhưng cố gắng không cần người khác biết mình nhiều là tốt. Có những trường hợp ví dụ làm để cho người khác biết thì cũng là vì lý do chính đáng nào đó, chứ không phải giấu hoàn toàn là hay. 

Có một khuynh hướng rất lạ của Bồ tát là luôn luôn yêu thích sự thanh tịnh trong nội tâm, bởi vì các vị rất thích thiền định. Khi chưa chứng thiền, ta sẽ không hiểu điều này, cho nên mình ngồi thiền cũng được, không ngồi thiền cũng được. Nhưng khi chứng thiền rồi, ta sẽ thấy rất yêu thích thiền. Lúc đó tình yêu thương thiền định trở nên tự nhiên, mạnh mẽ, không cần ai hối thúc mà cứ rảnh là ngồi thiền.
 
Tuy nhiên, khi tu thiền, mọi người có rất nhiều thắc mắc không ai giống ai cả. Muốn hướng dẫn thiền thì phải giải đáp được hết và chính xác từng thắc mắc của người tu thiền. Đây là điều rất khó. Vậy nên, ta cần phải cố gắng tham dự các khóa thiền để được ngồi thiền, được nghe quý Thầy giảng, được sống trong tình yêu thương của huynh đệ và cũng để tập trải lòng yêu thương chúng sinh. Từ đó, đạo đức của ta cũng ngày một tăng trưởng.

Hai khuynh hướng ngược nhau nữa là Bồ tát yêu thích sự thanh tịnh trong nội tâm nhưng lại bận tâm để giáo hóa chúng sinh.

Đạo đức của các Ngài là sự bận tâm làm phước dù yêu thích cái thanh tịnh. Bận tâm và tĩnh tâm là hai điều ngược nhau, nhưng Bồ tát phải làm cả hai, tức vừa bận tâm mà vừa tĩnh tâm, không có một cái. 

Người nào không yêu thích sự tĩnh tâm, cứ thích bận tâm làm chuyện này chuyện kia dù là làm chuyện tốt thì người đó vẫn đi lệch con đường Phật đạo. Hoặc người nào yêu thích sự tịnh tâm mà không chịu bận tâm làm những điều công đức – người này cũng không đúng với con đường của Phật đạo. Cái mà tĩnh tâm tu tập thiền định và cái bận tâm để làm công đức giúp đời, hai cái đó tưởng chừng ngược nhau, cản trở nhau nhưng thực ra, chúng lại bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Thật vậy, càng tĩnh tâm thì ta càng thông minh, sáng suốt để làm công đức. Mà càng làm được nhiều công đức thì càng dễ tĩnh tâm hơn. Nếu ngày mà không làm được điều gì tốt thì đêm sẽ không thiền nổi vì tâm loạn. Đó là quy luật tự nhiên. Cho nên, ta càng yêu thích sự tĩnh tâm trong thiền định chừng nào thì càng phải biết bận tâm mà tạo công đức chừng nấy, nhất là hóa độ chúng sinh. Hai điều này phải đi song song và làm hết kiếp này đến kiếp khác. Đó cũng là khuynh hướng của Bồ tát, cũng chính là trung đạo. Tu tập theo con đường này là ta đang làm đúng theo lời Phật dạy.

Một khuynh hướng khác là các vị Bồ tát luôn giấu thân phận phi thường

Chúng ta biết Bồ tát rất hiếm khi sử dụng thần thông để can thiệp vào nghiệp duyên của chúng sinh, trừ trường hợp cấp bách. Khi đã sử dụng để giúp đời, các Ngài rất kín đáo chứ không lộ liễu nên không ai hay. Bồ tát cũng không nặng phần trình diễn, lúc nào cũng giấu mình nên ta không biết các Ngài là ai ở giữa cuộc đời này. Thế nên, lúc nào cũng phải dặn lòng mình phải cẩn thận, phải yêu thương, tử tế với tất cả mọi người xung quanh. Biết đâu trong dòng người đông đúc này, bất chợt ta gặp và tiếp xúc với một vị Bồ tát mà không biết. Nếu biết cúng dường cho bậc Thánh thì ta được phước vô lượng.
 
Việc sử dụng thần thông của Bồ tát cũng phải tùy thuộc rất nhiều vào nhân quả. Các Ngài không bao giờ sử dụng thần thông của mình để cưỡng lại nhân quả, gây hại cho chúng sinh. Khi muốn giúp đỡ ai đó, Bồ tát thường đem nhân quả ra để nói chuyện, giảng dạy cho họ hiểu cái nghiệp hiện tại của mình do đâu mà có, rồi rủ họ làm các công đức (đi chùa, cúng dường, làm công quả…). Dần dần, chính cái phước từ những việc làm đó giúp họ thay đổi cái nghiệp của mình. Cho nên Bồ tát không dùng phép lạ để thay đổi số phận chúng sinh, mà luôn luôn theo luật nhân quả để cứu chúng sinh. Con đường đó vất vả hơn, cực hơn, nhưng bền vững hơn. 

Một lý do khác khiến Bồ tát luôn giấu thân phận vì khi các Ngài hiện ra thân phận phi thường thì chúng sinh lập tức tách biệt thành hai loại ngay. Bình thường giữa thế gian con người tốt xấu lẫn lộn, người tốt không tốt lắm, người ác cũng không ác lắm. Nhưng khi một bậc Bồ tát đến với cuộc đời với uy đức vời vợi sáng ngời thì chúng sinh lập tức tách biệt thành hai hạng rõ rệt. Những người tốt, biết khởi tâm cung kính sẽ lập tức vượt lên trên ngay. Còn những chúng sinh khởi ác tâm, lỡ buông lời chê bai xúc phạm, nói xấu, lỡ đố kỵ, mưu hại các Ngài thì sau khi chết sẽ đọa ngay. Mà số người tốt lại quá ít nên hơn một nửa chúng sinh sẽ phải chịu cái nghiệp báo xấu đó.

Nên sau khi một bậc Thánh phi thường đến với trần gian, cũng vì thương xót cho những chúng sinh có thể bị đọa này mà Bồ tát không hiện ra thân phận phi thường. Tuy nhiên, có một nhược điểm là nếu giấu thân phận mình quá kỹ thì sẽ khó làm việc lớn. Đó là nỗi khổ tâm của Bồ tát. Cuộc đời thật bất toàn, ngay cả bậc Bồ tát siêu phàm cũng không làm hết mọi điều mình muốn được, hễ làm điều này thì phải cân đối với điều kia; thương chúng sinh nhưng không giúp được hết vì còn có luật nhân quả; hoặc khi hiện thân phận ra thì sợ bao người khác động tâm... Do đó, làm vị Bồ tát giáo hóa chúng sinh là đang giải một bài toán vô cùng khó khăn, nên những vị Bồ tát phải hết sức kiên nhẫn, hết sức thông minh mới có thể lang thang trong luân hồi lục đạo để giáo hóa chúng sinh.

Bài pháp thoại đã giúp các phật tử thấy hết được những cái khó của một vị Bồ tát khi làm công việc giáo hóa độ sinh. Các Ngài luôn gặp sự đối ngược trong những khuynh hướng, nhưng các Ngài phải tìm cách để dung hòa. Từ đó, Bồ tát vừa có thể tiếp tục tu hành, vừa có thể làm tốt công việc giáo hóa độ sinh.

Hiểu được đạo hạnh của Bồ tát, chúng ta càng thêm yêu kính, quyết tâm học theo những phẩm tính của Bồ tát. Đây sẽ là ánh sáng, dẫn dắt chúng sinh tu tập cho đúng đắn, sớm chứng được quả vị Thánh, tiếp tục sự nghiệp giáo hóa độ sinh của các vị Bồ tát trên cao. Chúng ta làm được việc này chính là sự tri ân Tam bảo đúng nghĩa và thiết thực nhất, mà cũng là mục đích mà Thượng tọa giảng sư muốn trao truyền cho mọi người qua bài giảng này.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm