Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 29/09/2014, 10:20 AM

Cái ác đến từ đâu?

Chiều ngày 02/09/Giáp Ngọ (25/09/2014), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN nhận lời mời của Sư thầy Thích Đàm Thu trụ trì chùa Tương Mai (số 231 phố Trương Định, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã về thăm và thuyết Pháp chủ đề CÁI ÁC ĐẾN TỪ ĐÂU.

Đây là lần thứ hai Thượng tọa thuyết Pháp tại đây và số lượng phật tử tham dự Pháp hội vẫn giữ con số trên 4000 người. Thông qua bài Pháp thoại, Thượng tọa đã giúp các phật tử biết được nguồn gốc của cái ác và cách diệt trừ cái ác, đồng thời cùng nhau phát nguyện xây dựng một cuộc sống hiền lương, an lạc cho mọi người.  

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa cho rằng: Nếu chúng ta sống trong một thế giới mà mọi người toàn thù ghét nhau thì chúng ta không thể sống nổi. Do đó, khi xã hội tiến bộ hơn thì con người luôn âm thầm hy vọng cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội hiền lương, không có cái ác tồn tại. Đây chính là lí tưởng của những người có lương tri và cũng là ước mơ của những người đệ tử Phật có trí tuệ và có tấm lòng.
 
 
 
Tiếp theo, Thượng tọa nói về nguyên nhân xuất hiện tôn giáo. Cách đây hàng nghìn năm, khi xã hội chưa tiến bộ, con người sống với nhau, ứng xử nhau theo kiểu mạnh được yếu thua thì bao nhiêu cảnh tàn khốc, bao nhiêu cái ác hiện ra. Sống trong thế giới đó, con người luôn sợ hãi. Lúc này, các nhà tôn giáo xuất hiện, dựng lên cái ước mơ về một thế giới tươi đẹp hơn, không phải ở cõi này. Con người nghe vậy đã hy vọng về một thế giới khác, chính là cõi thánh, cõi trời và tôn giáo từ đó xuất hiện. 

Đối với đạo Phật, Thượng tọa xác quyết, đạo Phật cho ta nhiều ước mơ tươi đẹp hơn các tôn giáo khác, nhưng sự công bằng mà đạo Phật mang lại cũng khốc liệt, gay gắt, nghiêm khắc hơn. Điều đó được ghi trong Luật Nhân Quả. Nếu ta sống tốt, sống xứng đáng thì ta được sống trong một thế giới tươi đẹp; Còn ngược lại thì ta bị đày vào một thế giới ác độc và khổ đau. Luật Nhân Quả chờ đợi ta ở tương lai. Biết vậy, nên ta có trách nhiệm hơn với chính bản thân và với thế giới mà mình đang sống. 
 
 
 
Khi chúng ta cố gắng xây dựng thế giới mình đang sống tốt đẹp, yên bình hơn thì cũng chính là ta đang xây dựng quả báo cho mình. Với cái phước đó, ta sinh vào bất cứ nơi đâu, nơi đó cũng chỉ có hạnh phúc mà thôi. 

Thế giới chưa yên bình vì con người còn sự ác độc trong tâm hồn mình, Thượng tọa cho rằng  “Sâu trong nội tâm con người luôn tồn tại những điều ác tiềm ẩn, đang ngủ ngầm, theo kinh Phật, đó được gọi là phiền não tùy miên, đến lúc nào đó nó sẽ bộc lộ. Ví dụ, ta ngồi đây nghe Pháp cảm thấy bình an. Ở trong thế giới yên bình này, chúng ta tưởng rằng mình không còn cái ác nhưng thực tế cái ác vẫn còn sâu trong tâm ta, nếu không diệt sạch thì khi nhân duyên đưa đẩy, ta tái sinh vào một thế giới nơi có cái ác và sự đau khổ, chẳng hạn nơi có chiến tranh thì chính ta lại cầm dao, cầm súng đi bắn, giết. Lúc đó, cái ác trỗi dậy trong lòng mình.

“Ác” là dám làm người khác đau khổ, ấm ức. Ví dụ ta mắng chửi, hạ thấp người khác khiến họ đau khổ, tủi thân là ác; ta ăn trộm lương thực khiến người khác bị đói là ác; ta đi xâm chiếm nước khác cũng là ác; làm mất đạo tâm của người khác, khiến họ mất đi tình yêu với tổ quốc, mất đi lí tưởng, mất đi niềm tin với Phật cũng là ác, v.v…
 
 
 
 
Cái ác khiến cho cuộc sống xung quanh chúng ta trở nên nhẫn tâm, bất ổn, đau khổ. Vì vậy, chúng ta phải từ bỏ cái ác để có thể sống tốt hơn. Tuy nhiên, muốn bỏ được cái ác thì phải biết nguồn gốc xuất hiện của nó. Theo thượng tọa, cái ác xuất hiện từ 7 nguyên nhân. Đó là, cái ác đến từ sự tham lam, vì tham lam nên lúc nào ta cũng muốn phần mình hơn người khác, muốn chiếm hữu rồi sinh ra gian dối, lọc lừa, làm cho người khác đau khổ. Và cái tham này tạo ra sự bất công, không công bằng, khiến người khác ấm ức.

Lại nữa, cái ác đến từ nội tâm căm thù, nóng giận (cái sân của ta). Nếu không biết kiềm chế cái nóng giận, cái sân thì ta cũng có thể khiến người khác đau khổ và biến mình thành người ác. Vì vậy, ta phải biết  tu hành diệt cái sân, cái nóng giận, căm thù để cho cái ác, cái xấu không có cơ hội xuất hiện. 

Có khi cái ác đến từ quan điểm, chủ trương. Thật vậy, có những lề thói khắc nghiệt, hủ tục lỗi thời, khiến cho con người trở nên ác độc, tàn nhẫn, xa rời cái thiện, và Thượng tọa đã dẫn chứng nhiều về điều này. 

Cũng có cái ác đến từ một nội tâm ích kỉ, vô cảm, không hiểu được nỗi đau của người khác. Con người khác con robot là con người biết cảm thông với nỗi đau khổ của người khác. Nếu không hiểu điều đó thì ta không khác gì một con robot vô cảm. Sự vô cảm đó khiến ta trở nên ích kỉ, chỉ lo cho bản thân mà quên đi sự tồn tại của những người xung quanh. Pháp luật không kết tội ta vì điều đó nhưng lương tâm, Luật Nhân Quả sẽ kết tội ta. Vì vậy, hãy cho trái tim mình biết thông cảm, biết yêu thương mọi người nhiều hơn.

Cái ác đến từ sự nghiện ngập. Ích kỷ là vô cảm nhưng ở mức độ cao hơn của sự ích kỷ chính là nghiện ngập. Cái nghiện nó thôi thúc con người y như bản năng khi đói.  Ở bản năng của cái đói, bản năng tranh giành để duy trì sự sống, ta trở nên ác. Nghiện cũng vậy. Nghiện ngập làm nên một cái ích kỷ tột độ vì nó đánh sâu vào não trung ương, tạo thành một bản năng giả nhưng mạnh và mãnh liệt không khác gì bản năng tự nhiên của con người. Nghiện có thể là nghiện ma túy, rượu, cờ bạc, game, v.v... 
 
 
 
Sự ích kỷ tột độ do nghiện ngập tạo ra có thể gây nên những tội ác đáng sợ như giết người. Vì vậy, cuộc đời mình đừng để nghiện cái gì hết. Chỉ có một cái mà ta nên nghiện là thiền định. Người nào tập thiền mà tâm có kết quả yên lắng thì thích thiền vô cùng. Tuy nhiên có một điều rất lạ là mê thiền chừng nào thì con người càng đạo đức chừng đấy. Vậy nên, trên đời này nghiện cái gì cũng nguy hiểm và ác độc, trừ thiền định.

Cái ác đến từ những nhu cầu bình thường trong cuộc sống. Chỉ riêng nhu cầu ăn uống thôi, một ngày chúng ta đã giết rất nhiều động. Vì vậy, ta phải cắt giảm bớt nhu cầu bình thường này mà tập ăn chay, tăng thức ăn thực vật lên. Các nhà khoa hoc hiện nay khuyến cáo loài người không nên ăn nhiều thức ăn động vật để đỡ bệnh tật và bảo vệ được môi trường sinh thái của trái đất.

Ngoài ra, ăn chay còn có thêm một cái lợi nữa là ta bớt được ác nghiệp, có thể phát triển trí tuệ, giúp người mình tinh khiết lên. Vì vậy, chúng ta phải biết kiềm chế những nhu cầu bình thường. Hể một lần ta kiềm chế được điều gì sai trong đời thì phúc và đức của ta cũng nhờ đó mà được tăng lên. 

Sau cùng, cái ác đến từ sự lây lan. Có thể mình không ác nhưng mình hùa theo người khác nên thành ác. Vì vậy, mình phải tỉnh táo trước những sự xúi giục của đám đông.

Thượng tọa quan niệm rằng: “Một khi hiểu được nguồn gốc của cái ác thì ta sẽ diệt được cái ác. Trước hết, ta phải diệt được cái ác nơi chính tâm hồn mình, rồi sau đó dẫn dắt khuyên bảo bạn bè cùng diệt trừ cái ác trong lòng nhau, để góp phần xây dựng cái thế giới này thành một nơi hiền lương, thánh thiện”.

Và để diệt cái ác trong con người, Thượng tọa đã chia sẻ ba phương pháp tốt nhất giúp mọi người tránh không làm điều sai, điều ác, không gây đau khổ cho người xung quanh. Trong đó nhấn mạnh, Thiền định, lễ Phật sám hối sẽ là một cách rất hay mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng được để diệt trừ cái ác và vươn tới cái đẹp cùng điều thiện.

Thật vậy, trong mỗi con người, cái ác luôn thường trực và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nó và có bản lĩnh để vượt qua. Vì vậy, bài giảng của Thượng tọa là nguồn sáng dẫn dắt các phật tử biết sống lương thiện, biết sống thương yêu. Thượng tọa đã truyền cảm hứng cho mọi người như ngọn lửa lan trong rừng khô. Mặc dù sự nỗ lực – tinh tấn luôn nằm trong tim của mỗi người nhưng thỉnh thoảng, chúng ta phải cần một người khác đánh thức nó. Nguyện cầu cho tất cả chúng sinh đều được sống trong một thế giới hòa bình, an lạc, đầy tình yêu thương và hạnh phúc.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm