Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 30/05/2018, 16:28 PM

Cái biết vượt ngoài thức ấm

Sáng ngày 05/04/Mậu Tuất (19/05/2018), nhân khóa thiền được tổ chức hàng tháng tại chùa Pháp Vân (Hà Nội), TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng loạt bài về cấu trúc tâm thức theo Ngũ Uẩn. Đây là cách nhìn về tâm lý độc đáo, sâu sắc mà chỉ trong đạo Phật mới có được. Và bài giảng nói về “Cái biết vượt ngoài thức ấm” này là bài cuối cùng trong loạt bài giảng trên. 

 
Theo Thượng tọa, đây là bài giảng hơi cao siêu, tuy nhiên ai lắng nghe được sẽ rất có công đức. Qua đây, thính chúng sẽ hiểu rõ về thần thông siêu việt của một bậc Thánh vô ngã trong đạo Phật là thế nào, từ đó dâng lòng kính ngưỡng tuyệt đối lên các ngài, đồng thời không nhầm lẫn giữa “tam minh lục thông” của bậc A La Hán với những loại năng lực tâm linh khác của nhiều đạo sư, thiền sư.

Buổi Pháp thoại có sự tham dự của hơn 1500 thiền sinh và đông đảo phật tử từ các nơi xa gần tựu về.

Đầu tiên, Thượng tọa nhắc lại về Thức ấm. Thức ấm là “cái biết” của tâm, cái biết này có cạn có sâu, bao gồm ba loại:

- Cái biết “cụ thể” gồm biết ngoại cảnh và biết chính nội tâm của mình. Biết ngoại cảnh là nghe gì biết đó, thấy gì biết đó. Còn biết nội tâm là khi mình đang suy nghĩ, đang buồn, thương, giận, ghét… thì biết rõ mình đang suy nghĩ, đang buồn, thương, giận, ghét. 

- Cái biết “trừu tượng” được tổng hợp từ nhiều cái biết cụ thể. Ví dụ ta đoán biết gia đình kia hạnh phúc vì nghe giọng nói của người chồng với người vợ, nghe câu nói của đứa con với bố mẹ, nhìn thấy ánh mắt của người vợ với người chồng, thấy cách cha mẹ đối xử với con… tức là tổng hợp nhiều thứ như vậy, rồi rút ra kết luận. Đây là cái biết trừu tượng do suy luận mà có.

- Cái biết của “trực giác” thì đặc biệt hơn vì không cần suy luận. Ví dụ, vừa đặt chân vào thềm nhà, chưa cần nghe, chưa cần quan sát gì, ta đã cảm nhận được không khí hạnh phúc trong gia đình. Hoặc mới nhìn thoáng qua một giây, đã đánh giá xong người đối diện đạo đức hay không. Cái biết của trực giác là vậy, không cần nhiều dữ liệu, không tốn thời gian suy luận phân tích mà biết luôn đến bản chất, đến kết quả. 

Đó là ba cái biết của Thức ấm. Còn trong bài giảng này, Thượng tọa trình bày về một cái biết đặc biệt vượt ngoài Thức ấm, tức là không cần dựa vào gì để biết. Đây là năng lực mà chỉ các vị chứng vô ngã mới đạt được. Các vị không cần dùng đến Thức ấm nữa, mà vẫn biết tất cả nhờ vào “cảm ứng”. 

Cảm ứng nghĩa là gì? Nghĩa là, khi một vị Thánh muốn biết điều gì thì các vị hướng tâm về điều đó, trở thành chính điều đó, cho nên biết tất cả về điều đó. Ví dụ muốn biết về một người, vị Thánh nhập định bỏ hết bản ngã của mình, trở thành đồng nhất với người kia và biết trong mấy mươi năm qua người kia đã tạo những hạnh nghiệp gì, biết những chi tiết rất nhỏ, không bỏ sót gì, biết rõ hơn người kia biết về chính bản thân họ. Nếu cần nữa, vị Thánh biết luôn cả vô lượng kiếp của người kia đã sinh ra ở những đâu, làm gì, cha mẹ là ai, tạo nghiệp gì, thậm chí soi luôn vào từng chi tiết nhỏ của cái nghiệp đó. Không gì còn có thể giấu giếm được nữa. 

Sự cảm ứng của một bậc A La Hán là như thế. Về “tam minh lục thông” của các vị, chúng ta nói muôn đời muôn kiếp cũng không hết. Mà chỉ trong đạo Phật mới nói được về tam minh lục thông, ngoài ra chưa có tôn giáo nào đề cập đến. Sau thời đức Phật, xuất hiện nhiều tông phái, thiền phái, tổ sư, trong đó rất nhiều phái thiền tự nhận mình giỏi hơn Phật, có những thiền sư tự nhận là đã kiến tính, đã đồng đẳng giác Phật… Nhưng hỏi tam minh lục thông là gì thì chưa ai có cả. Thần thông chút chút thì lác đác xuất hiện, còn đúng tam minh lục thông của một vị A La Hán siêu việt thì chưa thiền sư, đạo sư nào đạt được. 

Vậy mà rất nhiều người vẫn tự nhận mình cao hơn đức Phật. Vì thế khi đến với các thiền phái, chúng ta được tiếp cận với những lời sau Phật nhiều hơn là lời từ chính đức Phật. Thậm chí có thiền sư còn cho rằng “Như Lai thiền” thấp hơn “Tổ sư thiền”. Càng về sau người ta càng dùng những lời lẽ hoa mỹ, ca ngợi lý thuyết của mình lên mây xanh. 

Cách nói như vậy khiến người sau dần dần sao nhãng, lơ là, không nghiên cứu kĩ con đường thiền của Phật nữa. Và cũng làm phát sinh ra một tà kiến rằng đức Phật thấp hơn các thiền sư, các đạo sư, rằng có người còn giỏi hơn Phật. Chính tà kiến này đã làm cho chúng sinh bị tổn phước, cái tổn phước cứ len lỏi, len lỏi khắp nơi, vào trong mọi tông phái. Kết quả là rất đông đệ tử Phật bị tổn phước, toàn bộ đạo Phật bị tổn phước nên dần dần suy tàn. 

Dịp này, Thượng tọa chia sẻ, bản thân thầy hiểu rằng nếu không đủ lòng kính Phật thì chẳng ai có thể tu tập, chứng ngộ được, vì vậy thầy cứ huân tập lòng kính Phật. Cả một đời chỉ truyền dạy lòng kính Phật cho chúng sinh, biết rằng nhờ lòng tôn kính Phật này mà đạo Phật sẽ phục hồi và hưng thịnh trở lại. Cho nên ai huân tập lòng kính Phật đến tuyệt đối và truyền lại cái cảm xúc này cho mọi người, đó là người được chư Thiên yêu mến, ngợi ca. 

Tiếp theo, Thượng tọa nhấn mạnh đa phần chúng ta hay bị nhầm lẫn rằng hễ chứng Thiền thì phải chứng Thánh. Tuy nhiên trong kinh Nikaya đức Phật đã dạy là dù đã chứng Thiền thì vẫn chưa chắc được chứng Thánh (dù chỉ là bậc Thánh sơ quả, chưa nói đến quả vị cao tột là A La Hán). Vào thời đức Phật, nhiều ngoại đạo cũng chứng các tầng bậc thiền định, có năng lực tâm linh đặc biệt, nhưng không phải là một vị Thánh trong đạo Phật. Tiêu chuẩn của một vị Thánh cao tột, tức là một vị A La Hán là phải đầy đủ tam minh lục thông.

Khắp nơi trên thế giới, ta chưa bao giờ nghe có một vị đã thành tựu đầy đủ tam minh lục thông. Vì vậy, dù một vị nào đó có năng lực tâm linh thì cũng không phải là bậc A La Hán. Dù vị ấy có biết một phần tiền kiếp, một phần vị lai thì cũng chưa bao giờ biết được trọn vẹn như một vị A La Hán thời đức Phật cả. 

Chúng ta được nghe rất nhiều những câu chuyện về thần thông kỳ đặc của các thiền sư, lòng mình rất kính nể. Quả thật chuyện thần thông của các vị đắc đạo thì mênh mông không kể hết. Tuy nhiên, riêng thần thông của một vị A La Hán chứng được vô ngã thì phải đến chỗ tuyệt đối, vượt ngoài cái Thức ấm, không còn dùng đến cái biết của Thức ấm nữa, chỉ còn sự cảm ứng mà thôi. 

Ví dụ trong đêm đắc đạo đầu tiên, vị đó muốn biết về chính mình thì toàn bộ vô lượng kiếp quá khứ được nhớ lại, từng kiếp, từng kiếp hiện ra rất nhanh nhưng chính xác từng chi tiết nhỏ. Vị đó nhìn được những điều khái quát, như trong kiếp đó cha mẹ mình là ai, mình làm nghề nghiệp gì… Và cũng nhìn luôn đến từng tiểu tiết rất nhỏ như vị đó đã từng có ý nghĩ gì về người này người kia, đã thương ai, ghét ai… Không điều gì mà không biết, tức là vô lượng kiếp biết hết. Cái biết này được gọi là “Túc mạng minh”.

Một vị A La Hán còn có “Thiên nhãn minh”, tức là biết về chúng sinh, nhưng biết khái quát. Phật diễn tả là giống như một người đứng trên lầu cao ở ngã tư đường, nhìn chúng sinh qua lại, rồi biết ai sẽ về nơi nào, lý do tại sao. Nghĩa là, vị A La Hán biết người này do nhân gì mà sinh về nơi đó, người kia do nhân gì mà sinh về nơi kia… Thấy toàn bộ tổng quát như vậy, gọi là Thiên nhãn minh. 

Còn nếu cần biết về một chúng sinh riêng biệt nào, các vị cũng lập tức trở thành chúng sinh đó, biết từng từng chút trong trong vô lượng kiếp xưa chúng sinh đó đã sống thế nào, đã làm gì, tình cảm thương ghét ra sao… Vì biết được cái nhân chúng sinh đã gieo như thế nên biết luôn cái quả, tức là biết tương lai về sau của chúng sinh. 

Một vị A La Hán cũng có “tha tâm thông”, tức là biết về tâm của chúng sinh. Có những người tu được một phần thần thông, ví dụ đi ngang qua người đang ngồi bên lề đường, trong chớp mắt họ biết được người kia đang suy nghĩ gì. Cái biết này thuộc về trực giác. Còn tha tâm thông của một vị A La Hán thì không giống vậy, nghĩa là nếu cần biết, vị ấy lập tức trở thành người đang ngồi bên đường kia, đọc sâu trong tâm thức, biết người kia đang suy nghĩ tính toán điều gì. Biết rất sâu, rất chi tiết. Sự khác nhau là trực giác thì có “người biết” và “đối tượng bị biết”, còn cảm ứng thì “ta và người trở thành một”. 

Trong ngành tình báo an ninh, các nhân viên điều tra có nghiệp vụ giỏi thường ngồi trầm ngâm đặt mình vào vị trí của tội phạm, tìm hiểu xem nếu mình là tên tội phạm kia thì mình sẽ làm gì, sẽ ẩn náu ở đâu, sẽ liên hệ với ai, sẽ che đậy dấu vết thế nào... Lâu năm, cứ tác ý nhiều lần như vậy thì tự nhiên trực giác, cái linh giác cũng xuất hiện, khiến họ rất nhạy bén trong việc đoán biết tâm ý tội phạm. 

Với chúng ta, nếu ta tập đặt tâm mình vào tâm người khác thì một đạo đức sẽ xuất hiện, đó là sự bao dung, dù trước cái lỗi tày trời khó tha thứ chăng nữa. Ví dụ nghe chuyện ông lão dâm ô một đứa bé, ta cũng đặt mình vào tâm ông, hiểu tại sao ông lại bất chấp tất cả mà gây ra cái tội đó. Ta phát hiện rằng trước đây trong lúc đương có chức quyền, có thế lực thì bản ngã của ông cũng lên cao, đến mức ông buông lời xúc phạm bậc đáng kính, biếm nhẽ thần thánh, hoặc công kích Phật pháp, phỉ báng đức Phật. Cho đến ngày cái nghiệp đã chín mùi thì tự trong tâm ông xuất hiện cái muốn xằng bậy là muốn dâm ô đứa bé, để rồi sau đó phạm cái tội tày trời và bị người đời phỉ nhổ. 

Vì vậy, biết những người làm việc ác độc lòng mình cũng không ghét, bởi mình hiểu sâu trong tâm họ, biết họ phạm cái tội này bởi trước kia đã lỡ phạm cái lỗi khác. Cái lỗi ban đầu thì không ác, thường là chê bai, đố kị, ích kỷ, hơn thua lặt vặt, nhưng cái tội, cái quả báo phía sau thì thật là thảm khốc. 

Hiểu được sự khắt khe của luật nhân quả, chúng ta lo sợ cho chính mình và cũng thương xót cho tất cả chúng sinh, nên khi nghe một người làm điều ác độc, tồi tệ lòng mình không khinh bỉ. Đó là lý do mà các bậc Thánh luôn từ bi hỷ xả, yêu thương và tha thứ cho chúng sinh, dù chúng sinh là muôn trùng lầm lỗi, bởi các vị đặt tâm mình vào tâm chúng sinh được. Chúng ta thấy rằng thần thông, sự cảm ứng cũng là đạo đức vô lượng là như vậy. 

Với chúng ta, dù chưa có tâm chứng nhưng nếu ta tập đặt mình vào vị trí, vào tâm của người khác thì cũng là đang tập cái hạnh của một vị A La Hán. Nhân đây, Thượng tọa gửi tặng thính chúng bốn câu thơ do người cảm tác:

“Ta đặt tâm mình vào tâm nhau
Để niềm thông cảm rất đậm sâu. 
Ai cũng cần nhau điều tử tế
Đường đời chưa biết sẽ về đâu…”
 
Theo Thượng tọa, khi một vị Thánh chứng đạt vô ngã, vượt khỏi năm ấm thì chỉ còn lại cái biết của cảm ứng. Và sự cảm ứng này thì vượt ngoài không gian, thời gian, do không còn bị hạn chế bởi Thức ấm từ bản ngã. 

Thế nào là vượt thời gian? Nghĩa là, không có chuyện “lâu quá nên quên” hay “vì kiếp trước nên quên”. Như phàm phu mỗi lần chết đi thì bị cách ấm vô minh, cho nên quên hết mọi việc kiếp trước. Còn một vị chứng được vô ngã rồi thì không bị cách ấm, vì thế khi muốn tìm hiểu câu chuyện cách đây bao nhiêu kiếp, các ngài trở lại, nhớ lại được bấy nhiêu kiếp để biết được sự tình lúc đó. Cái biết của cảm ứng là vậy. 

Hoặc cái biết của cảm ứng cũng vượt ngoài không gian, không còn bị giới hạn bởi khoảng cách của địa lý, của vũ trụ nữa. Với vị A La Hán thì nước này và nước kia chỉ là một, địa cầu và sao hỏa chỉ là một, cả một thiên hà mênh mông tỷ tỷ ngôi sao này cũng như là một mà thôi. Trong kinh diễn tả rằng, khi một vị A La Hán đã chứng được thiên nhãn thì vị ấy thấy tam thiên, đại thiên thế giới “như cầm trái xoài trong lòng bàn tay” (tam thiên, đại thiên thế giới tức là một thiên hà, gồm tỷ tỷ ngôi sao, hành tinh). 

Trong tỷ tỷ ngôi sao đó có rất nhiều các hành tinh tồn tại sự sống như trái đất, có những dạng sống rất thông minh, có những dạng sống mới sơ khai v.v… các ngài đều biết hết. Chúng ta nghe diễn tả rất ít, nhưng phải hiểu rằng thần thông của một vị A La Hán là vô cùng vĩ đại. 

Các vị chẳng những thấy được tam thiên, đại thiên thế giới như trong lòng bàn tay, mà còn thấy được các cõi khác nhau, thấy tận cõi trời, tận cõi địa ngục. Cái thấy này không phải là “đứng bên ngoài nhìn vào”, mà là vì tâm các ngài trùm phủ các cõi nên các ngài biết hết. Cho nên, nói “thấy” mà không phải thấy là vì vậy.

Lại nữa, với một bậc A La Hán thì khái niệm lớn – nhỏ, xa – gần biến mất. Mà cũng không đợi chứng đến bậc A La Hán, chỉ cần tâm thanh tịnh đến mức độ nào đó người ta cũng có cảm giác này. Như thiền sư Mật Ấn từng nói rằng: “Ai cũng hiểu một giọt nước rơi vào cái hồ to, nhưng mấy ai hiểu cả đại dương rơi vào trong giọt nước”. Có nghĩa là cảm nhận về lớn nhỏ, xa gần đã biến mất, nên đối với các ngài, vũ trụ mênh mông hay là hạt cát đều bằng nhau. 

Đó là chỉ mới hiểu, chưa chứng đến, còn đối với các vị A La Hán đã thực chứng rồi thì lại càng vĩ đại hơn. Hiểu được điều này rồi chúng ta mới thấy lòng tôn kính Phật, tôn kính các vị A La Hán là vời vợi tuyệt đối. 

Thượng tọa chia sẻ, bao nhiêu năm nay thầy giảng dạy, xây dựng đạo lý đều dựa trên nền tảng lòng tôn kính Phật. Tuy nhiên, lòng kính Phật nhiều hay ít thì phụ thuộc vào mức độ hiểu về đức Phật sâu cạn thế nào, hiểu càng nhiều, lòng tôn kính mới càng cao. Cho nên nếu ai nghe về tam minh lục thông mà hiểu được, rồi cảm nhận phần nào sự phi thường của đức Phật và các vị A La Hán thì sẽ dần đạt được tâm tôn kính Phật tuyệt đối, không phải vì niềm tin như trước đây nữa mà là nhờ vào trí tuệ của mình. 

Tiếp theo, Thượng tọa khẳng định tính chất của vị Thánh chứng đạt vô ngã là vượt khỏi cái “tôi” - hàng rào ngăn cách chúng sinh với nhau. 

Chúng sinh vì thấy có cái tôi nên thấy mình khác với mọi người, thấy tôi thương người này, ghét người kia. Còn đối với một vị A La Hán đã vô ngã, vượt hết tất cả cái tôi, vượt thoát mọi hình thức bản ngã thì vị ấy tự nhiên yêu thương được tất cả chúng sinh. Vì đã trở thành tất cả chúng sinh, nên khi ta đau khổ, vị ấy cảm nhận tất cả niềm đau như thế, khi ta hạnh phúc, vị ấy cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc như thế. Các vị trở thành tất cả chúng sinh, trở thành niềm vui nỗi khổ của của chúng sinh và yêu thương hết thảy chúng sinh. Đó là tâm đại bi của một bậc Thánh. 

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật có nói rằng: “Niết bàn tức là đại bi, đại bi tức là Niết bàn” cũng vì vậy. Đừng tưởng Niết bàn là tịch diệt hư vô, phải hiểu rằng Niết bàn cũng chính là sự cảm ứng rộng khắp, là lòng đại bi phủ trùm, trùm trong niềm đau, sự bất hạnh hay hạnh phúc, trùm trong bao thăng trầm của chúng sinh. 

Và phải hiểu rằng, tình yêu thương của bậc Thánh thì khác với tình yêu của phàm phu. Đầu tiên, trong tình yêu thương phàm phu thì có người thương, có người được thương. Còn trong tình yêu thương của bậc Thánh thì không có chia cách như vậy, vì chúng sinh nằm trong tâm vị ấy, vị ấy cũng trở thành chúng sinh, nên vị ấy thương chúng sinh như là chính mình. Tâm của Thánh là như vậy.

Thứ hai, tình thương của Thánh thì không sướt mướt, không mềm yếu. Người đời khi thương nhau hay chiều nhau, còn bậc Thánh thì thương mà không chiều, chỉ muốn chúng sinh cực khổ vất vả hơn để chúng sinh có phước mà tiến tu.

Đôi khi chúng ta bị dồn đến tột cùng đau khổ, những người từng nói yêu thương mình đều đã quay lưng và ta chỉ còn một người để quỳ xuống tâm sự, đó là đức Phật - bậc giác ngộ luôn lắng nghe, yêu thương và gia hộ cho mình. Hoặc khi ta trót phạm một tội lỗi tày đình cũng vậy, người đời sẽ khinh bỉ ta, nhưng cũng chỉ có một đức Phật yêu thương, tha thứ, che chở cho ta, vì tâm của Ngài đạt được vô ngã hoàn toàn, đạt được lòng từ bi trọn vẹn. Lòng đại bi của đức Phật như một dòng sông yêu thương mà ta tìm về khi khổ đau, khi lòng đầy tội lỗi, để được tắm mình, được tha thứ chở che. 

Và dù chưa đạt được tâm đại bi như Phật, nhưng noi gương Ngài, trước đau khổ của chúng sinh chúng ta cũng đừng bỏ mặc, hãy cố gắng làm gì đó để xoa dịu. Hoặc trước lầm lỗi của chúng sinh ta cũng đừng khinh ghét, hãy nhẫn nại tìm hiểu xem lầm lỗi đó đến từ đâu và sửa bằng cách nào. 

Cũng noi gương Phật mà chúng ta cố gắng “không bỏ sót một chút sinh nào”. Thượng tọa nhấn mạnh, đây là tính chất rất quan trọng. Nếu cái duyên của mình ít, mình chỉ lo lắng, chăm sóc được năm người, mười người, ba chục người… thì có thể mình không bỏ sót ai. Nhưng nếu như cái duyên lớn ra, những người mà mình phải yêu thương chăm sóc lên đến hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu thì ta sẽ rơi vào tình trạng bỏ sót rất nhiều chúng sinh. Bao nhiêu người nhìn mình yêu thương, trìu mến nhưng lòng mình không đủ để thương lại họ, đó vẫn là một thiếu sót, một tội lỗi. 

Còn bậc Thánh thì tuyệt đối không bỏ sót một chúng sinh nào. Cho nên khi cố gắng sống được như vậy, cố gắng không bỏ sót một ai khỏi lòng thương yêu của mình, đó là chúng đang gieo cái nhân để đạt được sự giác ngộ như Phật. 

Lại nữa, ai cũng có những bí mật của đời mình, có bí mật rất cao quý, cũng có bí mật rất xấu xa. Ví dụ, trong thời tuổi trẻ bồng bột ta đã từng phạm phải cái lỗi bỉ ổi, không thể nói cho ai nghe được, vì người đời khi biết được bí mật của nhau thì thường chê bai trách móc và thường không thể kiềm giữ cái miệng của mình lại được, thường vội vàng đi rêu rao, cho nên gây ra bao tổn hại, mất mát. 

Thậm chí có những bí mật mà khi bị nói ra rồi thì hại chết bao nhiêu người khác, hay ảnh hưởng đến an ninh của cả một quốc gia. Còn một bậc Thánh thì biết hết tội lỗi của chúng sinh nhưng lòng không bao giờ khinh ghét, chỉ mong chúng sinh có cơ hội làm lại cuộc đời mình. Đó là tâm hạnh mà chúng ta suốt đời noi theo. 

Tóm lại, cảnh giới A La Hán vượt ngoài Thức ấm thì chúng ta chưa chứng đến, tuy nhiên phải biết để định hướng lại sự tu tập của mình, để học theo cái hạnh của các ngài.

Chúng ta cũng tìm hiểu về thần thông của bậc A La Hán để không bị nhầm lẫn với các loại thần thông khác của một số đạo sư, thiền sư. Ví dụ, khả năng đoán biết được tâm ý người khác nhiều khi là trực giác chứ không phải là Tha tâm thông, không phải là cảm ứng vượt thời gian của một bậc A La Hán. Chỉ một vị A La Hán mới thành tựu đầy đủ tam minh lục thông. Còn thời đại bây giờ có nhiều người tự xưng là thánh sư, thiền sư, đạo sư, tuy nhiên chưa thể xác minh có tam minh lục thông thì cũng không phải là A La Hán. 

Thật sự cách Phật đã xa, các giá trị tâm chứng phần nhiều bị hiểu lệch lạc, rất nhiều người chứng thấp mà tưởng mình đã chứng rất cao, rồi lan truyền cái tà kiến này khắp nơi. Kết quả là người sau không còn tìm hiểu kĩ những lời dạy ban đầu của Phật, thậm chí tưởng rằng có người còn chứng cao hơn Phật. Cái tà kiến này làm cả đạo Phật bị tổn phước, bị suy tàn.

Chính vì vậy để bảo vệ, để vực dậy Phật pháp, chúng ta cần hiểu đúng về giá trị tâm chứng cao tột trong đạo Phật, đồng thời theo sát với con đường mà xưa kia đức Phật đã chỉ dạy, dù cho ngôn từ trong kinh điển cũ thì cô đọng, không hoa mĩ như một số lý thuyết xuất hiện sau thời đức Phật. 

Quả đúng như Thượng tọa nhận định ban đầu, đây là một bài Pháp không hề đơn giản. Đã có quá nhiều đạo lí cũng như bài học mà các phật tử phải ghi nhớ. Và chỉ có hiểu một cách chính xác, tường tận, chúng ta mới thấu rõ được cái tâm, trí tuệ, cũng như thần lực của đức Phật và các bậc Thánh. Nhờ đó mà khởi được lòng tôn kính tuyệt đối với Phật cùng các bậc Thánh. Niềm tôn kính ấy sẽ tạo thành phước, thành sức mạnh tinh thần, giúp ta vượt qua hết được khó khăn, thử thách trên con đường tu tập, sớm đi đến mục đích giác ngộ cuối cùng.

Thêm nữa, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, những tư tưởng sai lệch nhằm chống phá đạo Phật nhờ đó mà lây lan với tốc độ chóng mặt. Nếu không nắm vững đạo lí, hiểu rõ cuộc đời, công hạnh, thần thông siêu việt của đức Phật và các bậc Thánh thì chúng ta rất dễ đánh mất đạo tâm của mình. Một khi đạo tâm mất, niềm tin với đức Phật không còn, tất yếu đạo Phật sẽ suy tàn, rồi biến mất. 

Thiết nghĩ, những đạo lí răn dạy con người biết yêu thương, phụng sự, cống hiến, tử tế, đạo đức mà biến mất, xã hội này sẽ trở nên vô cảm, ích kỉ và độc ác như thế nào? Thực sự, chúng ta không đủ sức để tưởng tượng rõ hết được. Nhưng chắc chắn, đạo Phật biến mất thì ngày tận thế của Trái đất cũng sẽ đến.

Tuệ Đăng 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm