Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Cải tạo và xây mới các công trình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Bàn về vấn đề cải tạo và xây mới các công trình tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam thời gian qua, phóng viên đã phỏng vấn Kiến trúc sư, Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên TT HĐTS, Phó Văn phòng 2 T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Candaransi, 164/235 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM dưới góc nhìn của một vị trụ trì chùa, đồng thời cũng là tác giả của những tôn tạo kiến trúc cổ của ngôi chùa Khmer nổi tiếng này tại TP.HCM.

Hòa thượng Danh Lung.
PV: Xin ông cho biết sự khác nhau giữa chùa Việt và chùa Khmer cũng như đời sống văn hóa tâm linh giữa các vùng?

Hòa thượng Danh Lung: Người Việt Nam nói chung, tộc người Kinh nói riêng, ngoài tín ngưỡng dân gian bản địa thì cũng du nhập văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo… Chùa Việt là một trong những biểu tượng nơi hội tụ và lan tỏa các yếu tố, các dòng văn hóa đó. Bên cạnh đó, chùa còn chịu ảnh hưởng tùy theo các tầng lớp trong xã hội tham gia sinh hoạt như là vua, triều đình mà đóng vai trò quan trọng hơn cả là các hoàng hậu. Có những ngôi chùa kiêm hành cung như chùa Phật Tích. Cũng có chùa của cộng đồng làng xóm như chùa Thầy, chùa Hoàng Kim (Hoàng Xá, Quốc Oai). Kiến trúc chùa Việt (chùa tộc người Kinh) còn mang những đặc trưng theo từng giai đoạn lịch sử, luôn kế thừa và phát triển, luôn mở rộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Không gian chùa Thiên Trù, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.
Từ thế kỷ XVII trở về trước, kiến trúc chùa thường bố cục theo chữ Nhất, sau này chuyển sang chữ Công, có thêm nhà Tổ, hai dãy hành lang hình thành mặt bằng kiểu “nội công ngoại quốc”. Hay đến thời Lê Trung Hưng xuất hiện kiến trúc chùa trăm cột, chùa kiểu “tiền Phật hậu Thánh”, mà trước kia thường chỉ có một gian hai chái, với 4 cột cái và 12 cột quân. Tùy theo vùng miền, hoặc có nơi “tiền Phật, hậu Mẫu” hay “tiền Phật, hậu Tổ”.

Đến thế kỷ XVIII chùa Việt bắt đầu có 3 lớp nhà kiểu chữ Tam như chùa Kim Kiên, Hà Nội, giữa tòa nhà thường để lại một khoảng trống lấy ánh sáng, đều hòa không khí, mái chùa cũng được đẩy lên cao hơn những giai đoạn trước. Chùa Việt thường chọn vị trí đẹp: sườn núi, đỉnh núi, ven các con sông giao thông. Về trang trí như Kinnara (1) (Thích đế hườn nhơn) dâng hoa, nhạc sĩ thiên thần cưỡi phượng, vân mây leo tay mướng và sóng, hay hình ảnh thủy quái Makara (2) được rồng hóa trên đầu bẩy (chùa Bối Khê, Hà Tây). Nhìn chung, mỹ thuật trang trí, chạm khắc, các họa tiết đạt trình độ cao, tinh tế, mang dấu ấn của từng thời đại, truyền tải được thông điệp của Đức Phật, kết hợp hài hòa với bản sắc văn hóa Việt.
Không gian sân chùa Candaransi, TP.HCM.
Đối với chùa Khmer, tuy cùng đạo Phật, nhưng có những đặc điểm khác nhau so với chùa Việt. Người Khmer trước khi đến với đạo Phật, họ có tín ngưỡng dân gian, có văn hóa bản địa, kế tiếp họ đón nhận văn hóa Bà La Môn giáo và sau đó đến Phật giáo. Cũng có những lúc người Khmer theo Phật giáo hệ Má-ha-da-na, nhưng Phật giáo Thê-rá-va-đa (Nguyên Thủy hay Nam Tông) là chính. Tuy Phật giáo đến muộn nhưng tinh thần nhập thế đã có sức thu hút và chi phối mạnh mẽ nhất trong đời sống văn hóa tâm linh người Khmer Nam bộ, những tín ngưỡng dân gian và Bà La Môn giáo tuy còn trong đời sống người Khmer nhưng không phát triển mạnh.
Tượng sư tử, chùa Candaransi, TP.HCM.
Bàn thờ Phạm Thiên, chùa Candaransi, TP.HCM.
Tượng Bồ tát Di Lặc.
Vùng đất Nam bộ, nơi có nhiều giồng, nhiều sông suối, kênh rạch, sơn thủy hữu tình, rừng thiên nhiên bạt ngàn và có nhiều thú dữ, cũng là điều kiện thuận lợi sáng tác kiến trúc. Vì vậy, khi xây chùa, người Khmer kết hợp hài hòa văn hóa với thiên thiên, xem chùa là trung tâm tâm hồn của dân tộc, là nơi ngự của các vị thiêng liêng hộ trì dân chúng. Từ đó, chùa Khmer thường đặt ở trung tâm phum - sróc trên nền cao có sẵn hoặc bồi đắp, hay ven các con sông, hoặc theo kiểu nhà sàn. Lúc đầu chùa có khoảng cách xa dân cư, yên tĩnh, thuận lợi trong tu tập, sau này do phát triển dân số nên có nơi chùa sát với cư dân. Chùa Khmer xuất phát từ tiếng gốc là A-ra-má (tiếng Pali) nghĩa là công viên, nơi có nhiều loài hoa, cây cối cổ thụ, nơi đem đến sự an lạc cho chúng sanh, cho các tầng lớp trong xã hội. Cho nên chùa Khmer không mang nặng phong cách cung đình, vua hay hoàng tộc, quan quyền riêng biệt. Bởi lẽ khi đến với Phật giáo, tất cả mọi người đều cung kính đức Phật, cung kính Tam Bảo, không thể hiện sự phân biệt riêng lẻ nào trong kiến trúc chùa Khmer.

Mặt khác, chùa Khmer không chỉ có chức năng để thờ cúng, tu hành mà còn là nơi sinh hoạt và bảo tồn văn hóa lễ hội, là trung tâm giáo dục, dạy điều hay lẽ phải, dạy tiếng nói chữ viết, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền giáo lý, pháp luật, và còn là nơi hội tụ trao truyền tình yêu thương nhân loại, cưu mang người bất hạnh. Cho nên, chùa thường có không gian rộng lớn, xây dựng theo phương pháp ngũ điểm, trung tâm là Chính Điện nơi thờ báo vật (Tam bảo). Các công trình còn lại: Tăng xá, Phước xá, trường học, thư viện, thiền đường, phòng trưng bày triển lãm, tháp cốt… thường bố trí bao bọc xung quanh, có khoảng cách thông thoáng kết hợp với hồ ao, cây cối, vườn hoa, tạo sự thoáng mát, yên tĩnh, làm nhẹ nhàng tâm hồn cho những ai bước chân vào chùa. Mặt tiền Chánh điện luôn quay về hướng đông, khác với chùa Việt thường quay về hướng trục đường chính. Bởi người Khmer quan niệm, đức Phật thành đạo tựa lưng vào cội Bồ Đề, quay mặt về hướng đông, và hướng đông cũng là hướng sinh sôi nảy nở, hướng bắt đầu của một ngày mới.

Về nghệ thuật tạo hình, trang trí, chùa Khmer đạt trình độ cao và tinh tế trong nghệ thuật tạo hình, trang trí, biết kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, muôn loài vạn vật với con người, kết hợp cõi người, cõi trời và Niết Bàn, truyền tải được sâu sắc những thông điệp của đức Phật đến với mọi người.

Mỗi công trình có cách tạo hình gần gũi với công năng sử dụng, cụ thể như chánh điện quay về hướng đông, 3 lớp mái chồng mái, mái trên vươn cao lên bầu trời, đã nói lên 3 cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, cuối đỉnh mái hai bên thường kết thúc bằng Cho-via tượng trưng cho tính âm dương. Dưới Chô-Ve là hình tam giác cân, gọi là Hoo-Cheng (tai Tượng), mặt phẳng của tam giác cân được trang trí bằng hoa lá kết hợp với Rahula, gắn với truyền thuyết của 3 anh em: Mặt Trăng, Mặt Trời và Rahula, hay cũng có những chùa kết hợp hoa văn với Tam Tạng Kinh.

Ở giữa đỉnh mái từ thế kỷ XIX trở về trước không có tháp nhỏ, sau đó có ngọn tháp nhỏ, có tượng bán thân thần Prăm-ma (Phạm Thiên 4 mặt tượng trưng cho tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả), và không gian chánh điện không cao cũng không rộng.

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trở lại đây, chùa Khomer thường có một hay 3 ngọn tháp. Ngọn tháp thường cách điệu 8 cấp nhỏ dần, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo (con đường chính) và hình bầu dục trên cùng là Niết Bàn. Kết thúc mỗi lớp mái được bao bọc bởi hoa văn cách điệu từ hoa lá thiên nhiên, từ dầy đến thưa theo từng bậc từ thấp đến cao, nói lên sự ràng buộc, bao trùm bởi Kế-lê-sá (sự nhơ bẩn, trụy lạc) được giảm đi, nhẹ nhàng dần theo từng cõi. Diềm mái thường cách điệu bằng thân rắn Na-ga, đầu vươn lên thể hiện sức mạnh bảo hộ Tam Bảo. Trên đỉnh cột xung quanh chánh điện luôn có tượng Kến-na-ra (Thích đế hườn nhơn), hay nhơn điểu Garuda, hoặc Ê-ra-oanh (tên con voi của Trời Đế Thích), để chóng đỡ mái, không chỉ thể hiện sức mạnh, mà còn thể hiện sự kết nối giữa cõi người với cõi trời, tạo sự phấn đấu trong cuộc sống cũng như trong tu tập cho những ai bước chân vào chùa. Các thân cột được trang trí nhiều loài hoa văn tùy theo nhu cầu từng chùa, kết nối giữa cột với nhau thường bằng đường cong, như mái vòm tượng trưng cho Bát Úp cách điệu, hình ảnh đức Phật đã nhập diệt.

Điện chùa Khmer thường cấu tạo theo gian lẻ: rộng 3, dài 5 hoặc 7; hay rộng 5, dài 9, tùy theo nhu cầu sinh hoạt. Không gian bên trong chánh điện luôn rộng lớn, có độ cao, tạo sự thông thoáng, nhẹ nhàng khi bước chân vào. Trần chánh điện trang trí nhiều loài hoa văn kết hợp với bộ Tam Tạng Kinh hay tranh Bát Chánh Đạo, trên vách trang trí bằng sử tích đức Phật với hành trình hoằng dương chánh pháp, cứu độ chúng sanh, hay Túc Sanh Truyện, tạo Ba La Mật để đắc quả thành bậc chánh đẳng chánh giác. Phật đài thường chỉ thờ kim thân đức Phật Thích Ca, có một số chùa thờ chư vị đệ tử của Ngài và hiện nay cũng còn một số ít chùa thờ tượng Pô-thi-sắt-tá (chư vị Bồ Tát). Chúng ta vào đây như được sống trong đất Phật, sống trong thời đức Phật còn tại thế, cứu độ chúng ta thoát khỏi u mê lầm lạc, đến với bờ giác ngộ, an lạc.

Chánh điện chùa Khmer thường đặt trên ba cấp nền, cấp nền ngoài cùng được bao bọc bằng tường rào, trang trí hoa văn tinh tế, đặc sắc. Mỗi cấp có bậc thang đi lên, trên thành bậc thang luôn được trang trí bởi rắn Na-ga cách điệu với ba hay năm đầu quay ra ngoài, tượng trưng cho cội nguồn bất thiện pháp 3 điều: tham, sân, si hay Ngũ Uẩn, nhắc nhở chúng ta khi bước chân vào cần thúc liễm thân, khẩu, ý, cần thu thúc Ngũ Uẩn, không nên buôn lỏng, khó thành tựu trong tu tập.

Người Khmer có câu, xin tạm dịch: “Một con rắn nhiều cái đầu, ra không hết, vào không hết, không hợp nhau; Một con rắn nhiều cái đuôi tuy ngăn cản, có thể thuận nhau ra vào được”.

PV: Trong lĩnh vực cải tạo, trùng tu chùa Việt hiện nay, theo ông, chúng ta chọn lối đi nào để chuyển tải hồn cốt cho chùa Việt? Làm thế nào để gìn giữ những giá trị văn hóa của kiến trúc Phật giáo hiện nay?

Hòa thượng Danh Lung: Việc cải tạo, trùng tu chùa Việt hiện nay nói chung, và chùa mỗi tộc người nói riêng, ngoài việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của kiến trúc chùa, theo suy nghĩ thô thiển của cá nhân tôi để tham khảo, chúng ta cần chọn lối đi theo tinh thần dân tộc của thời đại, tinh thần hiện đại, kết hợp với giáo dục và thân thiện (môi trường và con người). Chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình, công bằng xã hội, đoàn kết toàn dân tộc và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa lễ hội ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, đạo đức xã hội đang đứng trước nhiều biến đổi, kinh tế đang còn khó khăn, thì kiến trúc Phật giáo cần đóng góp tích cực những tinh thần đã nêu, và thông qua các chi tiết hoa văn, các hình ảnh trang trí, các nghệ thuật tạo hình cần truyền tải mạnh mẽ kim ngôn (lời dạy) của đức Phật, cũng như lời hay ý đẹp của dân tộc, tạo thành hồn cốt chùa Việt, góp phần tô thêm vẻ đẹp cho xã hội, nâng cao giá trị trong cuộc sống.

Văn hóa kiến trúc Phật giáo cũng như các văn hóa khác, có giá trị không chỉ về mặt tinh tế trong đường nét, hay màu sắc rực rỡ, phong phú hay đa dạng trong tạo hình chỉ để thưởng lãm, mà văn hóa đó cần cất lên những tiếng nói của mình góp phần làm đẹp tâm hồn cũng như mọi hành vi trong cuộc sống của con người, và giá trị càng cao khi nó phát huy hết tác dụng của nó. Như vậy, để giữ gìn những giá trị đó chúng ta cần kế thừa và tiếp biến chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp, chúng ta cần phổ biến đến công chúng không chỉ để được thưởng thức, mà còn để cùng nhau thấy rõ những giá trị bản sắc dân tộc, từ đó có ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy tốt nhất trong đời sống tâm linh của mỗi người trong xã hội.

PV: Câu chuyện “Bình mới, rượu cũ” trong cải tạo chùa hiện nay dưới góc nhìn của ông ra sao?

Hòa thượng Danh Lung: Trong trùng tu, cải tạo chùa hiện nay, chuyện “Bình mới, rượu cũ” vẫn có phần đúng, vì một số công trình kiến trúc Phật giáo cải tạo, làm mới chưa thật sự cất lên tiếng nói trong nghệ thuật tạo hình cũng như truyền tải được thông điệp của đức Phật, góp phần làm đẹp cho xã hội, và chưa bắt kịp nhu cầu sinh hoạt, chưa kết hợp tinh tế tính hiện đại trong kế thừa.

Theo tôi, một số công trình kiến trúc chùa Phật giáo khi cải tạo, việc giữ gìn văn hóa truyền thống là cần thiết, nhưng cũng phải kết hợp với tính hiện đại, đổi mới hay mở rộng không gian, kết hợp công năng sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết thực, đẹp về nghệ thuật trang trí, tạo hình, đồng thời phải toát lên thông điệp đức Phật và tính dân tộc trong thời đại, nâng cao chất lượng công trình, tránh cải tạo không bao lâu lại tiếp tục cải tạo và nhu cầu ít cải tạo nhiều, gây lãng phí.

PV: Về chùa xây mới hiện nay, theo ông, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì? Liệu có xu hướng nào để lựa chọn?

Hòa thượng Danh Lung: Chùa xây mới hiện nay, theo cá nhân tôi chưa phải là hoàn toàn đúng, chỉ mang tính tham khảo. Theo tôi, cần quan tâm đến công năng sử dụng; chức năng của chùa trong thời đại và tính dân tộc, vùng miền, hệ phái Phật giáo trong thời đại. Từ đó, chúng ta chọn ra xu hướng mới cải tạo, xây mới các công trình kiến trúc Phật giáo mang thông điệp của đức Phật kết hợp với tính dân tộc, trong thời đại, gần gũi với cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, tạo nên kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Chú thích:
1): Trong thần thoại Phật giáo và Hindu, Kinnara (Khẩn Na La) là một người tình chung thủy, một nhạc thần; có hình dáng nửa người nửa ngựa (Ấn Độ) hay nửa người nửa chim (các nước Đông Nam Á).
(2): Makara là một con quái vật biển trong các tranh tượng Hindu giáo, phát sinh từ loại cá heo sông Hằng, nhưng hình tướng phổ biến có nhiều đặc điểm giống con cá sấu. Nó thường được miêu tả có hình dáng nửa động vật trên cạn với phần trước là đầu voi, cá sấu, bò đực hoặc hươu/nai và phần thân mềm dẻo của động vật dưới nước với đuôi cá, hải cẩu và trong một vài trường hợp nó có chiếc đuôi cách điệu hoa mỹ giống đuôi công.
-
Theo Hoài Thái - Huy Phượng/TCKTVN
Nguồn link: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/cai-tao-va-xay-moi-cac-cong-trinh-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam.html
Không gian sân chùa Candaransi, TP.HCM.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Pháp Tông giới thiệu về tranh thủy mặc

Phật pháp và cuộc sống 12:27 28/03/2024

Tranh thủy mặc là một trong các hình thái hội họa xuất phát từ Trung Quốc. Dựa vào thuật ngữ “thủy mặc” chúng ta có thể hiểu nôm na là loại tranh này chủ yếu do mài mực Tàu ra, pha với nước, rồi dùng bút lông vẽ trên giấy xuyến hoặc trên lụa nên về sắc thái chỉ có hai màu đen và trắng.

Người trồng nụ cười

Phật pháp và cuộc sống 10:51 28/03/2024

Thoáng chốc đã hai năm nó gặp Thầy! Người đã thay đổi cuộc đời nó. Từ một cô bé vô tư, ngây ngô, chỉ biết ở chùa cho vui, làm công quả để kiếp sau bớt khổ. Đó là nó nghe được từ các cô, các bà chứ đôi mươi thì nào biết gì.

Nhập thất: Tăng nhất A-hàm (4)

Phật pháp và cuộc sống 18:30 27/03/2024

Đàm luận về nhân quả đó là bài học vô cùng hữu ích đối với tất cả mọi người đang hướng đến con đường học Phật. Bạn đọc lại "10 câu hỏi trăn trở và thao thức" để bắt đầu suy nghiệm nhân quả mà tác giả đã gửi gắm vào đấy.

Chuyện về chàng trai “cuồng mèo”

Phật pháp và cuộc sống 15:58 27/03/2024

Với tình yêu mãnh liệt dành cho loài mèo, chàng trai Nguyễn Hồng Nhân (Tp.HCM) đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để cưu mang và “tái sinh” cho những hàng trăm chú mèo bị bỏ rơi…

Xem thêm