Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 17/07/2014, 16:28 PM

Cần có thêm nhiều doanh nhân phật tử Vũ Chầm hơn nữa

Tôi ngồi xuống bàn rất nhiều lần để viết về ông mà không thể viết nổi. Bởi có lẽ cần cả một cuốn sách mới may chăng mới phần nào ghi ra hết về ông, một vị doanh nhân vô cùng tâm huyết với Phật pháp.

Nhưng rồi, sáng nay, đến thăm ông, ngồi uống trà với ông, nghe ông nói say sưa về đức Phật và những gì ông đã trải nghiệm, tôi về và cứ băn khoăn. Tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi ngồi nhớ về ông và muốn viết lên vài dòng. Không để miêu tả lên chân dung của vị Chủ tịch của tập đoàn Vina Giày nổi tiếng mà muốn thấy ông như một doanh nhân có tâm và thật sự hết mình với Phật pháp nước nhà.

Tôi không bao giờ quên chuyến thăm cố Hòa thượng Thích Minh Châu chỉ đúng 3 ngày trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng từ bỏ cõi tạm này. Bữa đó bác Vũ Chầm gọi cho tôi và nói rằng nhóm các doanh nhân phật tử cần đến thăm Thầy vì thầy đã yếu rồi.
 
Nào ngờ đâu, đây là những giây phút cuối cùng, lũ học trò chúng tôi được bên Thầy. Nào ngờ đâu, mấy ngày sau chúng tôi chỉ được thấy Thầy trong quan tài với tình yêu kính và tiếc thương vô hạn. Tôi biết rằng tôi buồn một thì bác Vũ Chầm buồn mười. Bởi bác đã gắn bó với Hòa thượng từ rất lâu rồi, từ những ngày xa xưa và bác luôn là học trò thân cận của Ngài, bên Ngài.

Doanh nhân phật tử Vũ Chầm nghe bài giảng đầu tiên của Hòa thượng Thich Minh Châu vào năm 1978. Trời ơi, đã ba mươi sáu năm trôi qua kể từ ngày đó. Vậy mà sáng nay bác vẫn kể cho chúng tôi nghe vanh vách bài pháp thoại đầu tiên “Nhất dạ hiền giả” đã làm thay đổi đời của ông chủ hãng giày nổi tiếng. Bác kể lại trong xúc động và lòng biết ơn chân thành. Tôi như tưởng ra vị doanh nhân trẻ tuổi vào thời đất nước mới thống nhất và còn quá nhiều khó khăn lúc đó. Bác nói về Hòa thượng Thích Minh Châu, rồi Hòa thượng Thích Thanh Từ vô cùng say sưa như quên cả không gian và thời gian.
 
Xung quanh chúng tôi, khắp nơi trên tầng 11 của tòa nhà 180 – 182 Lý Chánh Thắng, Q.3, Tp.HCM có rất nhiều ảnh của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ và các bậc thầy lớn khác. Tôi có cảm giác như mình đang ngồi trong bảo tàng Phật giáo Việt Nam. Ngồi để lắng lòng theo dõi hơi thở nghe bác Chầm nói chuyện về lịch sử Phât giáo Việt Nam, về kinh nghiệm tu tập với các vị thầy của mình. Bác giúp tôi nhớ về những người thầy lớn, những người thầy vĩ đại của Phật giáo Việt Nam. Tôi đặc biệt nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu, người mà tôi hay gọi là “Đường Tăng của Việt Nam”. Tôi giật mình khi cũng đúng hôm nay, tôi vừa nhận được bộ kinh Nykaya đầy đủ gồm 21 cuốn. Tôi không tưởng tượng ra rằng, nếu không có Ngài thì giờ đây làm sao tôi có được bộ kinh quý giá và căn bản này.

Bác Vũ Chầm rất tự hào về người thầy Thích Minh Châu của mình. Bác chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh lớn chụp bác, Hòa thượng Thích Minh Châu và cả đoàn trong chuyến về đất Phật năm 1990. Chuyến đi này rất quan trọng và rất đáng nhớ đối với không chỉ bác mà tất cả mọi thành viên trong đoàn – Hòa thượng Thích Minh Châu đã bật khóc khi có mặt nơi đất Phật. Bác kể về chuyến đi trong xúc động và kỳ lạ của 24 năm về trước. Về chuyến đi này, may thay, tôi đã được xem trong bộ phim “Sen vàng ngát hương” do hãng phim Sen Việt của đạo diễn Điệp Văn và MC Lâm Ánh Ngọc thực hiện.

Bác Vũ Chầm có công lao rất lớn trong quá trình xây dựng và phát triển Đại học Vạn Hạnh trước đây và thiền viện Vạn Hạnh sau này. Tôi ngồi nghe bác kể về những khó khăn của những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thời kỳ khó khăn nhất trong việc phát triển Phật giáo nước nhà. Tôi không quên bác kể rằng, lúc chỉ có chục học trò thôi mà Hòa thượng Thích Minh Châu còn lo “không nuôi nổi các con”. 

Tôi ngắm rất lâu bức ảnh chụp cảnh lễ động thổ xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM. Bác bảo rằng động thổ thế nhưng mới đang thực sự xây dựng được hai năm nay. Nghe kể chuyện, tôi biết rằng bác đang từng ngày từng giờ mong cho Học viện sớm hoàn thành.

Khắp tầng 11 tòa nhà Vina Giày là những lời dạy của đức Phật, là những câu trong kinh Pháp Cú, là những bức ảnh quý hiếm. Tất cả ở đây rất đơn giản, rất gần gũi, rất ấm cúng, rất sang trọng. Tôi luôn coi nơi đây là nơi tu tập tuyệt vời của CLB doanh nhân Phật tử chúng tôi. Không cần đông người, mỗi buổi sinh hoạt ở đây chỉ vài ba chục người nhưng rất hiệu quả và thiết thực.
 
Vina Giày là tập đoàn lớn. Bác Chầm của chúng ta năm nay đã 83 tuổi mà vẫn không chịu nghỉ. Bác vẫn muốn trực tiếp ứng dụng những lời dạy của đức Phật vào doanh nghiệp của mình, vào nghề của mình. Bởi bác rất yêu nghề làm giày dép, bởi bác đã gắn bó với nghề từ khi mới 16 tuổi. Bác muốn Phật pháp lan tỏa đến từng nhân viên, từng anh chị em công nhân trong công ty, và thậm chí đến tất cả các doanh nhân và doanh nghiệp khác.  

Giữa buổi nói chuyện, bác sốt sắng đi tìm tài liệu tu học để tặng tôi. Đó là “Thiền định và cuộc sống với cuộc sống hôm nay”, “Hành thiền – một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục tâm lý hướng thượng” của Hòa thượng Thích Minh Châu, “Mê tín chánh tín” của Hòa thượng Thích Thanh Từ, “Đường vào đạo Phật” của Gs.Ngô Gia Hy, rồi “Đánh giá chất lượng sản phẩm và chất lượng con người theo bản đồ bát chánh đạo” và “Về đất lành “Vạn Hạnh thiền sư” nghe pháp Duy Tuệ Thị Nghiệp” do chính bác biên soạn,…. Bác cứ nhắc đi nhắc lại sẽ tặng tôi kinh Tam minh vì rất hay và rất cần cho mỗi doanh nhân, doanh nghiệp.

Chúng tôi ngồi và bàn với nhau về “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của GS Trịnh Xuân Thuận. Bác và tôi nói về sự khác biệt giữa tâm từ và bác ái, giữa đức Phật lịch sử và đức Phật tôn giáo. Bác nói rằng rất thích giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nhân. Bác kể về thực nghiệm ứng dụng những bản kinh của đức Phật vào sản xuất, kinh doanh, và gia đình, cho tuổi trẻ… 
 
Trước khi về bác nhắc đi nhắc lại mong muốn phát triển CLB doanh nhân phật tử. Rằng năm nay bác đã 83 tuổi rồi, rằng nếu không có những người doanh nhân trẻ như tôi tiếp nối thì nay mai tiếc lắm. Tôi giật mình và nghĩ rằng, nếu các doanh nhân Phật tử trên cả nước mà cùng nhau liên kết lại, cùng sinh hoạt với nhau, cùng nhắc nhau ứng dụng những lời Phật dạy vào quản trị doanh nghiệp và cơ quan thì lợi ích to lớn biết bao.

Tôi lắng nghe bác nói mà chỉ biết luôn gật đầu. Tôi lặng người đi để nhớ về những đóng góp của bác cho Phật giáo Việt Nam, cả vật chất lẫn tinh thần. Công sức này, tấm lòng này lớn lắm.

Bạn có biết pháp danh của bác Vũ Chầm là gì không? Bác là phật tử Nguyên Lạc. Không biết chính xác ý nghĩa chính của pháp danh này nhưng tôi tự cho rằng, với tâm thiện như vậy, với tinh thần hộ Pháp tốt như thế, bác Vũ Chầm của chúng ta luôn có an lạc. Từ bao nhiêu năm nay, rồi bây giờ và mãi sau này, bác vẫn tinh tấn tu thiền và làm việc thiện nên hỷ lạc này cứ kéo dài mãi mãi. Tôi mừng vô cùng, mừng vì mình có một bạn tu, một thiền sinh đàn anh tuyệt vời như bác.

Cũng xin thông báo với quý vị rằng, buổi sinh hoạt tiếp theo của CLB doanh nhân phật tử sẽ diễn ra vào hồi 15h chiều thứ 7, ngày 19/07/2014 này. Bác Chầm, và cả tôi nữa, mong rằng có thêm nhiều doanh nhân tâm huyết và có tâm Phật sẽ đến sinh hoạt và cùng bên nhau tu tập. Mong lắm.
 
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm