Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 30/01/2014, 00:50 AM

Cây nêu ngày Tết và cà sa của Bụt

Cây nêu là biểu tượng văn hóa truyền thống của tổ tiên mình cháu ạ, nội bảo. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu, không chỉ mỗi nhà, mỗi làng đều có trồng cây nêu khi xuân về, mà cả quốc gia, dân tộc mình cũng phải trồng cây nêu như vậy

Chiều 30 Tết, khi mâm cỗ được dâng lên bàn thờ đón ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu cũng là lúc mọi nhà đều không quên trồng cây nêu trước cổng nhà mình. Ký ức về tuổi thơ, về cái nắng vàng ươm của chiều 30 Tết, về nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa hồng, và nhất là được lẽo đẽo theo nội ra đình xem các cụ trồng cây nêu của làng trong bầu không khí quyện tỏa trầm hương ngào ngạt ấy...luôn khiến tôi cảm thấy nao lòng. Cây nêu ngày Tết có tự bao giờ, đối với tuổi thơ của tôi, điều đó thật là thiêng liêng, lung linh, huyền ảo...

- Ai làm ra cây nêu ngày Tết hả nội? 

- Cây nêu có từ thuở xa xưa lắm, nội bảo, hồi ấy dân mình bị quỷ xâm hại, chiếm hết đất đai, Bụt từ phương Tây đến đã bày cho tổ tiên mình trồng cây nêu để giữ đất, giữ làng.
 Ảnh minh họa
Chuyện kể rằng, thuở ấy quỷ đến chiếm hết đất đai, bắt dân ta trở lại làm thuê cho chúng. Lúc đầu quỷ bắt dân ta trồng lúa, đến vụ, chúng bảo "cho gốc lấy ngọn". Vậy là dân mình rơi vào cảnh khốn đốn vô cùng. Bụt từ phương Tây lại, dạy dân vun đất trồng khoai lang, năm đó dân mình được bội thu còn quỷ chỉ nhận được toàn lá là lá! Vụ sau, quỷ ra điều kiện "cho ngọn lấy gốc", Bụt  dạy dân trở lại trồng lúa, vậy là thóc ùn ùn chạy về nhà dân còn quỷ  được chỉ toàn gốc rạ! Ức quá, quỷ ra điều kiện "lấy cả gốc lẫn ngọn", Bụt lại cho dân giống ngô (bắp) để trồng, và vụ đó quỷ lại đắng cay nhìn từng gánh ngô chạy về nhà dân còn mình chỉ được toàn gốc và ngọn!

Bị thua đau, quỷ đòi lại tất cả ruộng đất, không cho dân mình làm mướn nữa. Bụt dạy dân điều đình với quỷ, chỉ xin một miếng đất nhỏ để trồng cây tre và mắc chiếc áo Cà-sa của Bụt trên đó. Bóng chiếc áo Cà-sa tỏa đến đâu thì đó là đất của dân, còn lại là đất của quỷ. Quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xong, Bụt đứng trên ngọn tre tung chiếc áo Cà-sa thành một tấm vải rộng, cây tre cũng cao dần lên, bóng chiếc áo Cà-sa dần dần đã che kín mặt đất. Thấy uy thần của Bụt như vậy, quỷ sợ hãi, cứ lùi dần lùi dần, và cuối cùng phải chạy ra ở ngoài biển Đông. Về sau, quỷ nhiều lần kéo vào đánh phá hòng chiếm lại đất, nhưng tổ tiên ta nhờ có sự trợ giúp của Bụt, đã khiến cho quỷ phải rập đầu chịu tội, không dám quấy phá nữa.

Quỷ van xin, mỗi năm vào dịp Tết, chúng được vào đất liền vài hôm để thăm phần mộ ông bà tổ tiên đang chôn tạm trên đất của người. Với lòng khoan dung độ lượng, Bụt và tổ tiên ta đã bằng lòng. Và kể từ đó, cứ mỗi dịp Tết về dân ta thường có tục trồng Cây Nêu trước cổng nhà, trên có treo chùm lá dứa và chiếc khánh đất, để mỗi khi gió thổi rung cây nêu, quỷ nghe tiếng khánh vang lên, thấy chùm lá dứa đong đưa thì không dám lại gần chỗ ở của người quấy phá...

Tôi tròn xoe mắt lạc vào thế giới cổ tích theo lời Nội kể. Trong thế giới lung linh huyền ảo đó, tôi từng gặp Bụt hiện ra giúp đỡ nàng Tấm, giúp anh chàng Khoai qua câu chuyện Tấm Cám và truyện Cây tre trăm đốt..., và giờ đây, trong câu chuyện của Nội, Bụt còn hiện ra trồng cây nêu để giúp dân mình giữ đất, giữ làng... 

- Vậy nên, mỗi khi Tết về mình phải trồng cây nêu ở ngoài đình làng phải không nội?

 - Cây nêu là biểu tượng văn hóa truyền thống của tổ tiên mình cháu ạ, nội bảo. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu, không chỉ mỗi nhà, mỗi làng đều có trồng cây nêu khi xuân về, mà cả quốc gia, dân tộc mình cũng phải trồng cây nêu như vậy. Và quan trọng hơn, không phải đợi đến ngày Tết mới trồng cây nêu, mỗi người cũng phải trồng cho mình một cây nêu ở trong lòng, cháu ạ. 

- Làm sao trồng cây nêu ở trong lòng được hả nội? Trong lòng mình có quỷ đâu mà phải trồng cây nêu?

- Chỉ cần có cái tâm là trồng được cháu ạ. Một khi cây nêu được cắm lên, đó là biểu tượng văn hóa thiêng liêng cho mọi người cùng hướng về, để luôn nhớ đến gốc tích nguồn cội của mình, và đó cũng là bức tường tinh thần kiên cố nhất để chống lại sự nô dịch văn hóa của các thế lực xấu ác ngoại lai, như bọn quỷ trong câu chuyện mà nội vừa kể cho cháu nghe vậy.

Thuở ấy, nghe nội kể mà lòng tôi cứ miên man, không hiểu ý Nội muốn nói gì. Giờ đây, khi tôi đủ lớn khôn để hiểu ra những ý nghĩ thâm trầm đó thì Nội đã đi xa. Đúng là mỗi người cần phải trồng cho mình một cây nêu ở trong lòng, và trên quê hương xứ sở của mình cũng cần trồng lên một cây nêu như vậy, nhất là trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.

Bây giờ đã là tháng Chạp, cái cảm giác hồi hộp mong Tết đến từng ngày của thời ấu thơ lại ùa về trong tôi. Ước gì tôi được trở lại những ngày thơ ấu ấy, để được lẻo đẻo theo Nội ra Đình làng xem các cụ trồng Cây Nêu, để được ngây ngất trong mùi trầm hương nghi ngút của một buổi chiều cuối năm, và lại miên man nghe Nội kể về chuyện Cây Nêu ngày Tết. 

Tác giả: Phước Cảnh
Nguồn: http:/www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan/6517-Cay-neu-ngay-Tet-va-ca-sa-cua-But.html

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm