Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Chiếc bóng hoàng hôn

Nguyện bước ra khỏi phòng trà, giọng còn khản đặc vừa hát xong bản "Còn gì cho nhau", một người đàn bà kéo tay Nguyện tạt sang quán nước giải khát bên cạnh...

Bên ngoài, mưa đêm làm nhạt nhòa ánh sáng đèn đường; người qua lại chạy vội như đang trốn chạy cuộc sống ô tạp. Tiếng còi xe, tiếng động cơ xe máy, xe hơi, tiếng nhạc xập xình phát ra từ các hàng quán ven đường, thêm cái mùi từ miệng cống, và hơi người trộn lẫn đặc quánh của cuộc sống trong thành phố đông đúc. Hơi lạnh về đêm không đủ xua tan xú uế làm Nguyện mệt phờ người, muốn chạy về nằm lăn trên tấm ghế nệm trong phòng trọ, thèm một giấc ngủ sâu và mộng đẹp.

Một người đàn ông sang trọng vừa bước xuống xe Mercedes, chạy vội vào mái hiên, giũ những hạt nước mưa chưa kịp thấm áo, len qua cánh cửa có màn giăng. Người đàn bà chợt nhớ lại người đàn ông những năm trước đã từng quan hệ với mình tại Mỹ, nhủ thầm - phải chăng là Tuấn? Chưa kịp định thần để xác định người yêu, mà cũng không cần phải gọi làm gì!

- Sao chị có vẻ thất thần, buồn bã thế? - Nguyện hỏi.

- À không, chị vừa chợt nhớ đến người yêu cũ mà người đàn ông vừa xuống xe trông thật giống - người đàn bà đáp. 

Tấm thân phốp pháp của tuổi trung niên, với da mặt nhợt nhạt không dấu nét gợi cảm một thời thanh xuân, có lẽ người đàn bà này đau khổ vì tình ái - Nguyện thầm nghĩ.

Móc điếu thuốc mời Nguyện, một điếu gắn trên môi đã thâm đen, người đàn bà rít một hơi dài như cố lấy sức để tâm sự. Gặp chuyện bất ngờ, tuy mệt, nhưng Nguyện cố bình tĩnh lắng nghe như chuyện lạ từ trên trời theo hạt mưa rơi xuống ngay trong đêm.

- Chị là Việt kiều? - Nguyện hỏi.

- Vâng, chị từ Mỹ về đây gần một tháng, đêm nào cũng vào quán bar, karaoke và các tụ điểm giải trí. Chị vào phòng trà này nhiều lần và đã để ý đến em, chị nghĩ, tuy làm ca kỹ, nhưng chị tin em là người sống nội tâm, hôm nay muốn mời em uống nước để tâm sự. 

- Chị có gia đình, có lẽ nhiều chuyện buồn về chồng con? Nguyện hỏi.

- Ừ, nói là buồn cũng đúng, gọi là hối hận cũng không sai. - người đàn bà đáp lơ lững. Bà nói tiếp - trước khi rời Việt Nam sang Mỹ, chị có một gia đình thật hạnh phúc. Một ông chồng thủy chung, cần cù và quê mùa. Gia đình lúc bấy giờ tương đối đầy đủ khi mà xã hội trong thời kỳ kiệt quệ kinh tế...

Rít tiếp hơi thuốc, làn khói vờn quanh mà không tan loãng vội giữa khí lạnh về đêm, chúng từ tốn như sự từ tốn của người đàn bà tâm sự về khuya. Bà nói tiếp về người chồng như nuối tiếc một thời chiếc cốc thủy tinh quý giá vừa rơi vỡ.

- Ngày ấy, bên nhà mẹ chị hãnh diện thằng con rể giỏi dang. Bạn bè thèm muốn ước ao có người chồng như anh ấy. Anh làm tất mọi việc, kể cả cơm nước, chợ búa, tắm rửa cho con, sau những giờ lao động tự do.

- Thế chị làm gì lúc ấy? - Nguyện thắc mắc:

- À chị quá rỗi, không có việc gì làm, cứ qua nhà bạn đánh tổ tôm, ở không chán lắm, nhưng việc nhà ông xã không cho chị động đầu móng tay - người đàn bà chậm rãi - Hôm ấy, cái hôm định mệnh, người bạn đóng tàu rủ gia đình chị vượt biên, nhờ ơn Trời Phật, tàu trót lọt qua Mã Lai, không bao lâu sau, được Mỹ cho nhập cư.

Nguyện đưa tay che miệng ngáp ngủ, hình như người đàn bà đang say mộng, không để ý người mình đang chia sẻ. Mưa vẫn còn lâm thâm những hạt bay xéo, chỉ còn vài chiếc xe lạc lõng giữa đường khuya. Ánh sáng đèn đường cũng vàng vọt mệt mỏi. Khách từ phòng trà lần lượt lê bước ra cửa như cố rũ bỏ bao chán chường còn sót mà việc giải trí về đêm không đủ tẩy sạch.
Ảnh minh họa (sưu tầm)
Những ngày đầu ở Mỹ, chị còn đợi chồng về muộn trên mâm cơm tha hương với ba đứa trẻ trưởng thành. Ông xã làm ba bốn công việc một ngày để có tiền cho con ăn học. Thời gian âm thầm thu ngắn như chơi trò cút bắt, hai đứa con đã là luật sư và bác sĩ, đứa còn lại đang học trung cấp phổ thông. Con lớn, mà áo quần ông cũng tự tay giặt và ủi, hàng tuần ông tự cắt cỏ quanh nhà, làm vệ sinh phòng ốc; những lúc ấy, chị cảm thấy trống trải bơ vơ, tự trách về người đàn ông chỉ biết làm và làm, không quan tâm hạnh phúc gia đình. Phải chăng chị là người thừa thãi trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi? - Chị lấy phải người máy năng động - người đàn bà than trách.

Tiếng cell phone reo - xin lỗi, chị có cuộc gọi - người đàn bà nhã nhặn nhìn Nguyện. Thỉnh thoảng Nguyện bấm điện thoại để xem giờ, chưa biết phải tìm cách nào để rứt ra khỏi người đàn bà vừa như xa lạ, vừa như quen quen; hình như câu chuyện hay cách nói chuyện của người đàn bà đã cuốn hút Nguyện say mê theo dõi. Một thời, Nguyện cũng đã từng được muối mình trong cơn yêu cuồng nhiệt, để rồi, cái gì cũng có mặt trái, cũng có cái giá phải trả. Không đàn ông con trai nào đến với mình cũng bằng cả lời mời gọi và điệu đàng cuốn hút với những món quà đắt giá. Lời dịu ngọt là mũi tên xuyên thấu trái tim mềm yếu của phụ nữ.

Ông bà thường nói - đàn ông có con mắt, phụ nữ có lỗ tai, nhưng cũng không hẳn là thế, ngày ấy người yêu của Nguyện không bao giờ thề thốt, không bao giờ dìu em vào tình yêu bằng lời nói, nhưng ngọt ngào bằng cử chỉ âu yếm nuông chiều, săn đón, Nguyện bị đốn ngã vào lòng chàng trong cơn mưa trái mùa giữa phố phường đông đúc; nhịp tim và hơi thở của chàng đã kích thích con tim Nguyện nhịp liên hồi, rồi từ đó...

- Điện thoại của bồ chị từ Mỹ gọi về, hỏi công việc xong chưa - bà tâm sự.

Nguyện lắng nghe, bà nói tiếp như sợ không còn dịp để thố lộ tâm tư. Thời đại công nghệ, đôi lúc thuận lợi cho cuộc sống, nhưng cũng đưa con người vào đau khổ, tội lỗi. Suốt thời gian dài ở nhà một mình, chị không biết tiếng Mỹ, không biết lái xe, chờ chồng con về quây quần bữa cơm tối trở thành một cực hình, nhàm chán. Ai bảo chờ đợi là niềm hạnh phúc? Nó chỉ là hạnh phúc lúc hẹn hò, sự chờ đợi ấy mới là thời gian quý hiếm phải không em! 

Chị tập tành vào facebook, chẳng bao lâu, làm quen với một chàng người Việt tuổi xấp xỉ chị. Chàng ta có nghề nghiệp hẳn hòi, manage cho một free phone của chính phủ, cuộc sống ổn định, chị chưa bao giờ hỏi về gia thế của anh ta, cứ như phớt lờ trước cái cặp xách tay căng phồng giấy tờ hợp đồng nào đó. Và anh ta cũng chưa hề cho chị biết anh độc thân hay đã có gia đình, như con mèo thu mình trong bóng tối, không lộ bất cứ tông tích gia thế của mình. Tuấn, tên người đàn ông và hình ảnh của anh ta trên facebook đã có sức cuốn hút chi lạ. Thế là quen nhau chưa đến một tuần, chị chấp nhận lời mời đi uống nước với anh ta. Ai bước vào vũng lầy mà không bị lấm bùn phải không em?

Chị nghĩ lại người đàn ông làm chồng như một cỗ máy vô dụng, chỉ biết cày và cày, ý nghĩa gì khi sống trên đống tiền khô khan đó mà không hề quan tâm đến sự khát khao của vợ, suốt ngày thui thủi một mình trong căn nhà trống vắng? Chồng đi, con đi, suốt ngày chỉ làm quen với chiếc máy tính, rồi đã có một lối thoát khi Tuấn xuất hiện. Trong lòng khấp khởi, vui ra mặt, thầm cám ơn người tạo ra vi tính, (André Trương Trọng Thi (1936-2005) là một kỹ sư Pháp gốc Việt. Ông được xem là "cha đẻ của máy vi tính, máy tính cá nhân). Cám ơn Mark Elliot Zuckerberg đã tạo ra facebook... giúp kết nối giao lưu, kết duyên tình muộn... 

Thời gian này chị cảm thấy hạnh phúc mà không cần đến chồng và con. Thỉnh thoảng chị đi chơi mà ông chồng nhà quê không bao giờ quan tâm. Âm thầm thắm đượm tình nồng với Tuấn, tự tâm tư, bà vẫn cảm thấy có một rào cản vô hình cần phải nhổ bỏ. Khi tống cổ ông về Việt Nam cũng là lúc chị có một bầu trong xanh, tự do vô tận.

"Ông nên về Việt Nam thăm cha mẹ một chuyến, từ ngày qua Mỹ chỉ thấy ông gửi tiền và điện thoại thăm nhà mà không nghe ông dự tính về quê. - người đàn bà thúc hối.

- Tôi cố tạo cơ ngơi cho mẹ con bà ổn định rồi về cũng chả muộn. Tiền trả góp nhà, xe, chưa xong, vừa làm chui, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp thế mà còn chưa có dư, tiền đâu mà về. - Ông chồng quê mùa nói.

Bà tính toán bao kế hoạch để ông xã ra đi. Vài người bạn đã giúp một khoản tiền không tính lãi, vé máy bay đã được bà đăng ký, mua thêm ít quà gửi về bố mẹ chồng, chàng không ngờ được người vợ chăm sóc chu đáo đến thế". Ông nghĩ, thời bao cấp, các cửa hàng phân phối thực phẩm theo tiêu chuẩn từng hộ, cân đo đong đếm cũng chưa chắc chu đáo như mụ vợ nhà mình, nghĩ mình cũng có phước khi bà ta biết quan tâm đến cha mẹ chồng. 

Ông chồng về đến Việt Nam chưa tới một tuần, bà điện thoại nói - ông phải ở lại đó luôn, về Mỹ tôi báo cảnh sát bắt giam ông tội trốn thuế. Người chồng ngỡ ngàng, quá sợ cái luật khắc khe của Mỹ, đành ở lại với cha mẹ già tại quê hương.

- Tao cấm chúng mầy liên lạc với thằng cha vô tích sự đó, hắn đã về Việt Nam ở luôn, không bao giờ qua đây nữa. Chúng mầy đã đủ khả năng tự sống, tao và đứa út có chính phủ nuôi, khỏi phải lo.

- Tại sao vậy mẹ, sao mẹ lại đuổi ba con? Ba đã làm gì nên tội? Suốt đời ba khổ nhọc vì tụi con và cả mẹ nữa. - đứa con gái lớn thắc mắc.

- Bây không cần biết, cuộc sống trong nhà này có ổng cũng vậy, không có cũng chả sao!

* * *

Cờ bạc giải khuây những lúc Tuấn không đến, dần dà nợ nần xuất hiện; tiền trợ cấp cho đứa út ăn học cũng bị thâm thủng. Tiền mượn cho ông chồng về quê cũng chưa trả xong. Bà không dám lên tiếng hỏi Tuấn. Những đêm cuối tuần, phố phường Las Vegas Nevada nhộn nhịp, những ngày nghỉ lễ, New York là điểm bà và Tuấn chìm đắm trong thú giải trí xa hoa. Sau những ngày rong chơi, đêm trụy lạc, căn nhà cảm thấy hiu quạnh. Cái phòng ngủ như thiếu vắng trống trải, lúc này cần có hơi ấm của người đàn ông. Đứa con út miệt mài chơi game, hai mẹ con như hai thế giới xa lạ. Hai cô lớn đã ra riêng ở gần nhiệm sở.

Hơn một năm trôi qua, quá sức chịu đựng với áp lực tiền bạc và thiếu vắng hơi ấm gia đình, mà từng nghĩ không cần thiết trên xứ sở cờ hoa. Cứ nghĩ rằng hạnh phúc con người được xây dựng trên tiện nghi và sự tự do. Giờ đây bà nhận ra rằng, hơi thở của Tuấn không đủ hâm nóng một cuộc sống hạnh phúc đã nhạt nhòa. Giá trị hạnh phúc gia đình là một ẩn số chìm sâu trong sinh hoạt thường ngày; khi mặt trời lặn, bóng đêm ngự trị, dù hàng vạn ngọn đèn cũng không thể sưởi ấm và làm sáng cuộc sống trong mỗi gia đình một khi bị đánh mất. Vẫn hàng tuần Tuấn đánh xe đón bà đi chơi, nhưng, càng về sau, Tuấn càng cảm thấy những cuộc vui chơi càng nhạt nhẽo vô vị. Tuấn càng tìm cách cho bà vui thì bà càng cảm thấy trơ trẽn, tự trách thầm mình đã đánh mất giá trị cuộc sống trong tầm tay.

- Điện thoại reo, nữ bác sĩ trực, mở máy, thấy tên người gọi, cô ta bực bội: - bà gọi tôi có việc gì? Tôi không còn gì để nói với bà nữa. 

Đầu dây bên kia quát lớn - tao không cần gì ở chị em chúng mầy, tao biết là tao đã mất tất cả. Tao báo cho mầy biết là tao sẽ bắn chết thằng em mầy rồi tao sẽ tự sát.

Bác sĩ giận run, quát lại - nếu muốn chết thì bà chết một mình cho xứng với tội lỗi của bà, mười cái chết của bà cũng chưa xứng với sự bạc bẽo của bà đối với cha con tôi. Em tôi không có tội gì mà phải chết với bà. Tôi sẽ báo cảnh sát.

Tiếng điện thoại vừa dứt, bỗng nhiên bà tỉnh ngộ, - tại sao lại phải chết, một cái chết vô nghĩa, hắn nói đúng, phải sống để chứng minh cho chúng nó thấy ta không cần phải lấy cái chết để chuộc tội hay để trốn tránh sự bế tắt hiện nay.

Bà gọi điện lại cho cô con gái bác sĩ - thôi được, tao cho phép chúng mầy liên lạc với cha mầy, tao bất cần chúng mầy, tao có con đường riêng tao đi...

Bên kia đáp lại một cách bốp chát - bà không có quyền cấm hay cho phép tụi tôi liên lạc với người cha suốt đời khốn khổ vì chị em tôi, cha tôi đã cưng chiều bà nên bà quá hư đốn.

Người đàn bà im lặng như con vật đông cứng khi bị đông lạnh.

- Ba, tiếng khóc nức nở trong máy, nữ bác sĩ cố gắng lắm mới nói chuyện được với cha. - thưa ba, chúng con bất hiếu không lo được cho ba lúc về già. Thời gian qua mẹ cấm chúng con liên lạc với ba, nhưng con nghĩ rằng ba đang sống với ông bà nội, có lẽ hạnh phúc đoàn tụ và phụng dưỡng ông bà. Mẹ con nói ba đã bỏ gia đình về sống với ông bà nội nên chúng con không cần liên lạc với ba. Nay sự việc không như chúng con nghĩ, có lẽ mẹ đã hối hận về việc làm đối với cha con mình...

- Chiếc Uber bốn chỗ đậu từ xa, con đường thân quen bao nhiêu năm trước, giờ có vẻ xa lạ, nhà cửa một vài cái xây dựng khang trang. Người đàn bà tìm quanh quất để xem có ai quen nhận ra mình, hay lại phải hỏi đường về nhà bên chồng. Mặt trời chiều ráng đỏ màu máu chập chờn ẩn sau đám mây lạc lõng. Những tia nắng cuối ngày còn nấn níu trên các nóc nhà, trên đọt cây; xa xa, một người đàn ông dáng liêu xiêu, từ mép ruộng bước lên. Chiếc nón lá che khuất tầm mắt, cán cuốc còn nằm trên đôi vai gầy guộc, quần xắn lên khỏi đầu gối. Trên môi gắn điếu thuốc bập bùng đóm lửa sắp tắt, đi về cuối xóm.

Người đàn bà lặng lẽ bước theo, một khoảng cách vừa đủ để không ai biết ai. Người đàn ông bước vào căn nhà xây theo kiểu mới, sáng, đẹp và sạch. Hạ chiếc cuốc dựa bên vách, ông ta lại chum nước rửa tay chân, kéo cái khăn trên sào xuống lau mặt, lau tay, bước vào nhà. Người đàn bà đứng đầu ngõ nghĩ ngợi - chả lẽ là một Việt kiều oai phong thuở nào. Hơn một năm mà chàng lột xác thành nông dân rặt? Tấm thân còm cỏi, gương mặt hốc hác kia là cha của mấy đứa nhỏ, là chồng mình ư? Bà phân vân nghĩ ngợi. 

Từ trên tấm phản gỗ kê sát cửa sổ, người đàn bà vọng ra - sao nay con về muộn vậy, lúa trổ đòng đòng chưa? Thuốc rầy đủ xịt không con?...

Đúng là giọng bà mẹ chồng, tuy không nhìn rõ mặt. Còn chàng, giọng yếu ớt do một ngày lao động ngoài đồng hay do suy kiệt vì cuộc sống miền quê và lo lắng khổ tâm cho vợ con đang sống ở Mỹ?

Bà lấy sức can đảm bước vào, chào mẹ, chào chồng. Người đàn ông quay lại nhìn thẳng vào mặt bà, không tỏ ra ngạc nhiên về sự xuất hiện đột ngột của bà, ông buộc miệng: - tôi còn gì nữa đâu mà bà về gom góp, cái xác thân này bao năm qua đã bị bà vắt kiệt sức, còn cái nhà này, hãy để cho cha mẹ tôi yên phận tuổi già. Người đàn ông tuôn một hơi những ấm ức dồn nén từ lâu. 

Người đàn rút trong bóp ra tờ 100 đô la, - con xin gửi mẹ ăn vặt. 

- Cám ơn con, vừa nói bà vừa đẩy tờ giấy bạc vào tay người đàn bà - ở nhà quê, mẹ không biết xài tiền Mỹ, ở đây ngoài hai bữa cơm chả thiết mua sắm gì, con cất mà đem về Mỹ xài.

Người đàn ông ra khuất phía sau nhà, hai người đàn bà im lặng trong không khí ngột ngạt cuối ngày nắng Hạ. Không còn gì để nói, dù là lời tạ lỗi, người đàn bà lặng lẽ bước ra khỏi nhà, những bước chân nặng nề cùng với tâm trạng não nùng thất vọng.

- Theo em, chị phải làm gì bây giờ? -người đàn bà hỏi Nguyện. Bà nói tiếp - đây là lỗi của chị, chị xem thường một hạnh phúc nằm trong tầm tay, xem thường người chồng cần mẫn chất phác, xem thường mái ấm có những đứa con ngoan thành đạt. Cái bóng hạnh phúc ngoài lề với Tuấn là một ảo ảnh lấp khoảng trống tâm hồn, nhưng sẽ không lấp đầy hạnh phúc của một gia đình có đầy đủ chuẩn mực trong xã hội. Chị đã ăn phải trái cấm, tiện nghi tin học là con rắn nhiều cám dỗ, ma đưa lối quỷ đưa đường, để giờ đây, tất cả tuột khỏi tầm tay.

Nguyện lắng nghe. - chị đừng buồn khi mình biết hối lỗi ăn năn. Chị có đủ can đảm dứt khoát mối tình ảo với người đàn ông xa lạ kia? Hạnh phúc không đến với bước đi hai lối. Không thể bắt cá hai tay. Máy tính không có tội, nó không phải là con rắn nhiều cám dỗ. Chính mình tạo ra cái khổ cho mình. Cái nhân như vậy thì quả phải thế thôi. Cái gì cũng có cái giá phải trả, chị không thể muốn đầy đủ tiện nghi, giàu sang mà phải là một người chồng lấp đầy sự khát khao của người đàn bà ăn không ngồi rồi...

Đồng hồ phòng trà điểm 2 giờ sáng, cửa đóng, khách ra về hết. Bên quán nước, hai người đàn bà cũng mệt mỏi đứng lên.

Nguyện thuật lại những gì người đàn bà kia tâm sự hơn hai tiếng trong đêm nay. Người đàn bà có ngon giấc khi gửi mọi tâm sự đến một ca sĩ xa lạ. Còn Nguyện, có được giấc ngủ sâu lắng hay chập chờn với niềm đau nỗi khổ của thân phận đàn bà để hạnh phúc vuột khỏi tầm tay, chạy theo chiếc bóng ảo ảnh từ người đàn ông xa lạ?

Minh Mẫn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

“Muốn bảo vệ Phật pháp thì tự thân chúng ta phải sống đúng với Chánh pháp”

Phật giáo thường thức 21:45 18/04/2024

Tối ngày 18/4/2024 Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ chủ đề “Giữ vững Niềm tin” đến với hơn 1.000 Phật tử thành phố quy tụ thính pháp.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Phật giáo thường thức 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Phật giáo thường thức 10:50 18/04/2024

Từ bi và trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, là mối quan hệ tương tức. Từ bi là biểu hiện của trí tuệ; trí tuệ nguồn gốc của từ bi, soi sáng từ bi.

Thái độ của Đức Phật với phân biệt đẳng cấp xã hội

Phật giáo thường thức 09:50 18/04/2024

Kinh Veda là một trong những bộ kinh cổ và đồ sộ nhất của nhân loại. Với người Ấn Độ cổ đại, không có gì trong cuộc sống lại không được diễn tả trong kinh Veda.

Xem thêm