Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/08/2014, 10:19 AM

Chính trị, công nghiệp và tin học

Những khái niệm trong tựa bài có vẻ hơi xa với Phật giáo chăng? Không, không xa với Phật pháp, mà cũng rất gần gũi với tất cả mọi người, kể cả trẻ con.

I. Chính trị

Chúng ta nên hiểu từ chính trị theo ý nghĩa rộng rãi nhất của danh từ.

Chính 政 là làm đúng. Thế nào là đúng ? Cái đúng, điều đúng là cái đem lại kết quả tốt nhất, phù hợp nhất, hài hòa nhất với hoàn cảnh, tình hình thực tế cụ thể.

Trị 治 là xử lý, điều khiển, điều hành để đạt được chính 政 tức đạt được kết quả tốt nhất.

Khổng Tử nói : Chính giả chính dã 政者正也 (chính trị tức là làm cho ngay thẳng, làm cho đúng vậy). Làm đúng, ngay thẳng, là làm theo công tâm, theo lẽ phải chứ không được tư lợi.

Vậy chính trị có liên quan tới tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh, chứ không phải chỉ là hoạt động đảng phái, hoạt động của nhà cầm quyền, hay hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia.

Chính trị trong gia đình là cha mẹ phải gương mẫu cho con cái, yêu thương và chăm sóc con cái với tất cả khả năng thực tế của mình. Con cái phải ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, chăm học. Cha mẹ cố gắng tạo ra môi trường vật chất tương đối đầy đủ, môi trường tinh thần lành mạnh cho con cái.

Chính trị trong trường mẫu giáo là hiệu trưởng và các cô giáo phải hết lòng yêu thương chăm sóc, dạy dỗ bọn trẻ để chúng có thể lớn lên trong môi trường tốt đẹp, học hát, học vui chơi, học cách sống vui vẻ hài hòa trong một tập thể nhỏ. Cô giáo phải đối xử công bằng với tất cả học sinh. Học sinh phải tập sống có nề nếp và kỷ luật.

Chính trị của nhà cầm quyền là xây dựng một xã hội hài hòa, trật tự, công bằng, tiện nghi vật chất đáp ứng được nhu cầu, tinh thần của quần chúng thân thiện, tôn trọng luật pháp, yêu chuộng hòa bình v.v…

Nho giáo của Khổng Tử có nhiều lý thuyết để hướng tới một lý tưởng chính trị như vậy. Ví dụ:

Tam cương 三綱 là ba giềng mối cơ bản của đạo làm người, đó là quan hệ quân thần (vua và bầy tôi ), phụ tử (cha và con bao gồm cả mẹ và con), phu phụ (chồng và vợ). Con người phải biết cách hành xử các mối quan hệ đó cho tốt, Nho giáo chỉ bày cho họ cách thức nên làm thế nào. Ngoài 3 mối quan hệ cơ bản đó, Nho giáo còn mở rộng thành 5 mối quan hệ gọi là ngũ luân五倫 thêm huynh đệ (bao gồm cả tỉ muội, trên dưới có thứ tự 長幼有序 trưởng ấu hữu tự) và bằng hữu (phải đáng tin cậy 朋友有信 bằng hữu hữu tín).

Ngũ thường五常 là năm điều thiết yếu mà con người phải luôn luôn có, đó là Nhân 仁, Nghĩa 義, Lễ 禮, Trí 智, Tín 信.Nhân là lòng thương người, con người phải có lòng nhân đạo. Nghĩa là hành động hợp đạo lý, ví dụ đền ơn đáp nghĩa cho phải đạo, thấy người gặp nạn, phải cứu giúp. Lễ là cách đối xử theo khuôn phép, tôn trọng nhau, là hình thức bộc lộ khách sáo. Trí là hiểu biết; trên là trời, thiên lý, thiên văn; dưới là đất, địa lý, thường thức về thế giới chung quanh; giữa là người, mối quan hệ giữa con người trong xã hội. Con người phải có trí mới biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu. Tín là sự tin cậy, tín nghĩa, nói phải giữ lời, không được dối trá.

Các dân tộc Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) và Đông Nam Á hoặc nơi có nhiều người Hoa sinh sống (Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia) cho đến nay vẫn sống theo đạo lý đó, dù cho ngày nay người ta không còn coi trọng Nho giáo đi nữa, những nguyên tắc đó vẫn là nền tảng vững chắc của gia đình và xã hội.

Trong lịch sử có những câu chuyện cảm động về việc con người tuân theo đạo lý đó thì mối quan hệ giữa con người rất tốt đẹp. Hàn Dũ là một trong bát đại văn gia (8 nhà văn lớn) của hai triều đại Đường Tống. Cha mẹ ông mất sớm lúc ông mới ba tuổi, nên phải nương tựa vợ chồng người anh cả là Hàn Hội (quyền huynh thế phụ). Vợ chồng Hàn Hội không có con trong khi người anh thứ hai của Hàn Dũ là Hàn Giới có hai con trai, con lớn là Bách Xuyên, con thứ là Lão Thành. Hàn Giới mất sớm nên Hàn Hội nhận Lão Thành về làm con thừa tự. Vì vậy vợ Hàn Hội là Trịnh phu nhân phải nuôi hai đứa trẻ là Hàn Dũ và Lão Thành. Lúc Hàn Dũ được khoảng 7 tuổi, Hàn Hội làm quan ở đất Tần (huyện Thiên Thủy tỉnh Cam Túc). Lúc Hàn Dũ 12 tuổi (11 tuổi theo tuổi tây), Hàn Hội bị biếm đến một vùng nam man xa xôi ngàn dặm là Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, cả gia đình đều phải đi theo. Không lâu sau Hàn Hội qua đời, Trịnh phu nhân một mình chèo chống nơi xứ lạ, dưới nách chỉ có hai đứa trẻ, sống nơi xứ man di, nên bà phải trở nên giống như người man di. Lúc Trịnh phu nhân qua đời, trong bài văn tế, Hàn Dũ có nhắc đến tình cảnh đó.

Tế Trịnh Phu Nhân Văn – Hàn Dũ – Việt dịch

Hàn Dũ cũng có tình cảm rất sâu nặng với Lão Thành, vai cháu nhưng chỉ nhỏ hơn ông hai tuổi nên giống như anh em. Khi Lão Thành mất, Hàn Dũ có làm bài văn tế dài, rất nổi tiếng:

Tế Thập Nhị Lang Văn – Hàn Dũ – Việt dịch

Lão Thành mất sớm để lại hai con trai, Hàn Dũ nhận nuôi tiếp đứa con lớn là Hàn Tương 韓湘 sau này chính là Hàn Tương Tử, một trong Bát tiên (8 vị tiên) của người Trung Quốc.

Nho gia có hoài bão to lớn và tốt đẹp về chính trị thể hiện trong câu : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nam nhi phải cố gắng rèn luyện bản thân có khả năng, có chí lớn, biết quản lý tốt gia đình, có thể lãnh đạo quốc gia làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp và làm cho thế giới được thái bình. Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có một thời kỳ ngắn ngủi kéo dài khoảng 50 năm kể từ triều đại Hán Vũ Đế, tiến gần mục tiêu đó mà sử tây gọi là Thái bình Trung Quốc (Pax Sinica). Ngoài ra cũng có những thời kỳ thái bình ngắn hơn vào đời Đường và đời Minh.

Trong thực tế, rất khó đạt tới cảnh thiên hạ thái bình. Mà dù cho có đạt được, con người vẫn còn những vấn đề nan giải khác ngoài chính trị. Ví dụ như bệnh tật, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, thiếu lương thực thực phẩm v.v…Vì vậy con người phải phát triển khoa học kỹ thuật và tiến hành công nghiệp hóa.

II. Công nghiệp

Trong lịch sử nhân loại, Trung Quốc có một số phát minh quan trọng như : La bàn, Nghề nuôi tằm dệt lụa, Giấy và kỹ thuật in ấn, Thuốc nổ. Nhưng như thế cũng còn quá ít. Khoa học kỹ thuật phát triển mạnh ở phương tây vào khoảng thế kỷ 16.

Năm 1769 James Watt, người Scotland, cải tiến hoàn thiện động cơ hơi nước mà Thomas Newcomen đã sáng chế nhưng hãy còn thô sơ. Năm 1785, Cartwight phát minh ra chiếc máy dệt. Động cơ hơi nước của James Watt chính là bước khởi đầu của công nghiệp hóa. Người ta sử dụng loại động lực mới này cho các nhà máy, xe lửa, tàu thủy…tạo ra bước phát triển nhảy vọt về sản xuất công nghiệp.

Phát triển khoa học kỹ thuật và công nghiệp hóa có tác dụng phát triển xã hội, nâng cao đời sống con người. Nếu quần áo chỉ được dệt và may bằng tay thì số lượng sản xuất rất hạn chế, người nghèo không có đủ quần áo để mặc. Khi công nghiệp dệt may phát triển, vải vóc, quần áo trở nên rẻ, quần áo may sẵn giá rẻ có thể đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.

Xã hội có nhu cầu lưu thông hàng hóa, giao thông thủy bộ phát triển mạnh, đường sá được xây dựng nhiều thêm. Động cơ hơi nước cũng dần lỗi thời, người ta phát triển động cơ đốt trong chạy bằng xăng và dầu diesel. Xe ngựa và tàu buồm mai một dần, được thay thế bằng xe hơi, tàu thủy. Người ta không chỉ sản xuất tàu bằng gỗ mà dần thay thế bằng tàu sắt. Vào khoảng năm 1910 khi anh em Wright chế tạo thành công máy bay. Trong năm 1910, kỹ thuật máy bay nói chung đạt nhiều thành tích. Họ đã bay được 390 km trong 6 giờ 32 phút, đạt độ cao 2.650 m và động cơ từ 25 mã lực được nâng lên 100 mã lực. Sau đó thì ngành vận tải hàng không bắt đầu, người ta có thể bay trên trời như chim.

Sản xuất nông nghiệp cũng dần được cơ giới hóa, công việc cày bừa, gieo mạ, gặt lúa đều có thể làm bằng máy, công suất tăng lên rất nhiều nên số người làm việc trong ngành nông nghiệp dần ít đi mà vẫn đủ khả năng cung cấp lương thực thực phẩm cho cả xã hội, phần lớn lao động chuyển sang công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, dịch vụ. Các giống cây trồng vật nuôi cũng được cải tiến cho năng suất cao hơn rất nhiều. Nếu xưa kia một hecta đất trồng lúa chỉ sản xuất 1-2 tấn/vụ, thì nay với các giống lúa mới, năng suất có thể đạt 5-10 tấn/vụ.

Sản xuất phát triển nên vấn đề lương thực thực phẩm cơ bản được giải quyết. Nạn đói không còn hay ít nhất chỉ xảy ra ở những nước chiến tranh hoặc quá lạc hậu, hoặc do chính sách của nhà nước quá chú trọng về một mặt nào đó, không quan tâm đúng mức đến an toàn lương thực, khi có thiên tai bất trắc mới xảy ra nạn đói, ví dụ như Bắc Triều Tiên. Một nước đông dân như Trung Quốc, trong quá khứ, nạn đói xảy ra triền miên, ngày nay đã không còn nạn đói.

Không lâu trước đây, người nghèo chỉ có thể ở nhà tranh tre nứa lá. Ngày nay hầu như tuyệt đại đa số mọi người đều có thể ở nhà gạch, những người biết lo cho gia đình của họ thì đều có khả năng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở với mức độ đáp ứng được nhu cầu bình thường của con người. Đó là do tác dụng của công nghiệp hóa, điện khí hóa. Mọi người ngày nay đều có thể có được tiện nghi tối thiểu là nhà ở, cơm ăn, áo mặc và một số tiện nghi vật chất khác như điện, nước, tivi, xe đạp, xe máy, điện thoại di động.

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, loài người lại bước vào một thời đại mới là thời đại tin học với những công dụng thần kỳ chưa từng có trong lịch sử.

III Tin học hóa cao độ  

Thời đại tin học bắt đầu với việc phát minh ra máy tính cá nhân (personal computer- PC). Từ giữa thế kỷ 20, con người đã bắt đầu chế tạo được máy tính điện tử, có thể thực hiện được rất nhiều phép tính trong một giây đồng hồ. Con người có thể thiết lập chương trình cho máy tuần tự giải quyết công việc bằng các dòng lệnh nối tiếp nhau. Nhưng những máy tính như thế chiếm không gian rất lớn, bằng cả một tòa nhà. Do đó chỉ có nhà nước mới có khả năng sở hữu.

Computer luôn gắn liền với con chíp vi xử lý (processor), đó là quả tim của máy tính. Còn bộ nhớ của máy tính gồm hai bộ phận : bộ nhớ hoạt động RAM và bộ nhớ lưu trữ dữ liệu là đĩa cứng (hard disk hoặc hard drive).

Từ năm 1980, công ty máy tính IBM của Mỹ bắt đầu sản xuất một loại máy tính nhỏ để cho cá nhân sử dụng (IBM-PC) nhưng khả năng còn rất hạn chế, màn hình trắng đen. Năm 1984, họ cho ra đời PC-AT (Advanced Technology) có bộ vi xử lý 80286 (ngoài thương trường gọi tắt là máy 286) bắt đầu sử dụng màn hình màu. Đến 1987 ra đời bộ vi xử lý 80386 (gọi tắt là 386) có tốc độ cao hơn. Sau đó đến chip 486 và 586. Đến 1993 thì bộ vi xử lý Pentium ra đời và tồn tại đến 2006. Sau đó thì đến thế hệ của Core Duo rồi Core 2 Duo. Đến nay thì con chip đã phát triển đến Core i7 có tới 6 nhân (lõi), có khả năng xử lý đồng thời nhiều luồng thông tin. Sắp tới các smartphone có thể sử dụng chip 8 nhân (Octo core) ví dụ con Exynos 5 Octa của Samsung.

Máy tính cá nhân cần phải có một hệ điều hành (Operation System) để quản lý và điều khiển các thao tác trên máy. Công ty Microsoft của Bill Gates ra đời, xây dựng nhiều hệ điều hành vô cùng thông dụng cho PC. Ban đầu là MS-DOS, sau đó là các hệ điều hành Windows : Windows 3.0 còn chạy trên nền DOS. Các thế hệ Windows sau không còn dựa vào DOS : Win95, Win98, WinXP, WinVista, Win7, Win8.

Các máy tính cá nhân hoạt động riêng rẽ thì khả năng và hiệu quả không cao, rất hạn chế. Nên người ta tìm cách liên kết chúng lại thành mạng máy tính của từng đơn vị công ty hay tổ chức, và cuối cùng thành mạng internet toàn cầu. Đến đây thì tin học đạt được hiệu quả thần kỳ chưa từng có trong lịch sử. Ví dụ một cá nhân có thể gởi thư điện tử (email) đi khắp thế giới thật nhanh và thật tiện lợi. Một cá nhân cũng có thể nói chuyện, đồng thời nhìn thấy hình ảnh sống động của người đối thoại qua những công cụ như Yahoo Messenger, Windows Live hay Skype, thực hiện miễn phí qua mạng internet.

Trước đây, muốn tặng ai một bản nhạc, thật rất phiền toái. Phải gởi thư hay gọi điện yêu cầu tới một đài phát thanh rồi nhờ đài đó phát bản nhạc đồng thời thông báo cho người được tặng. Rất dễ xảy ra trường hợp người được tặng không hay kịp thời nên không thu nghe được bản nhạc. Ngày nay điện thoại di động đã phát triển gần tương đương với PC, đều có khả truy cập internet với tốc độ cao qua wifi hoặc 3G, 4G.

Do đó chỉ cần gởi một đường dẫn (path) tới điện thoại của người nhận, thì tức khắc người đó có thể mở nghe và xem bản nhạc bằng âm thanh hay bằng video. Nếu trường hợp bản nhạc mp3 hay video không có sẵn trên mạng, cá nhân vẫn có thể post lên mạng nhờ những tiện ích của những công ty tin học khổng lồ, ví dụ Microsoft hay Google, cụ thể là OneDrive và Youtube.

Mặt khác, cá nhân cũng có thể dùng điện thoại quay những video clip ngắn chất lượng cao, rồi gởi ngay tức thì cho người nhận qua Viber.

Nhưng tin học không chỉ dừng lại ở đó. Tin học còn rất nhiều ứng dụng vô cùng thần kỳ mà con người đầu thế kỷ 21 hiện nay chưa tưởng tượng nổi, chúng ta có thể liệt kê như sau :

Như chúng ta đã biết, Phật giáo từ hơn 2000 năm nay đã nói Tam giới duy tâm, vũ trụ chỉ là thức (Duy Thức). Khoa học hiện đại nhất của loài người gần đây cũng phát hiện rằng vũ trụ chỉ là số (digital). Tất cả có thể quy về lượng tử. Như vậy khi chế tạo được máy tính lượng tử, thì loài người sẽ có khả năng xử lý vật chất và năng lượng trong không gian ba chiều bằng máy tính lượng tử. Máy tính lượng tử có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn máy tính điện tử hàng tỉ lần, ngoài ra có thể đồng thời xử lý lượng tử ở trạng thái chồng chập hay vướng víu (entangled), điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì dữ liệu được xử lý trong điều kiện không có không gian và thời gian, như vậy sẽ có những hiệu ứng không tưởng tượng nổi.

Ngay hiện nay cũng bắt đầu có những ứng dụng mới, ví dụ máy in 3D. Một số sản phẩm bằng nhựa và nhiều vật liệu khác, hiện nay đã có thể sản xuất bằng loại máy này.
Máy in 3D
Ngay cả nhà cũng có thể được làm bằng công nghệ này.

Một công ty xây dựng của Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng công nghệ in 3D để xây những ngôi nhà. Họ sử dụng một máy in 3D khổng lồ để phun xi-măng và một loại vật liệu đã được tái chế thay thế cho các loại bê-tông thông thường dùng để xây nhà. Những ngôi nhà được xây bằng công nghệ 3D không có thiết kế quá đẹp và kích thước lớn, tuy nhiên giá thành của chúng khá rẻ, chỉ khoảng 5000 USD một căn. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành một ngôi nhà được xây bằng công nghệ in 3D rất nhanh, công ty này đã xây xong 10 ngôi nhà chỉ trong một ngày.
 
Vật liệu cho loại sản phẩm này, theo như mô tả của các nhà nghiên cứu, thì vật liệu mà họ phát triển là một dạng siêu vật liệu (metamaterial) cấu trúc micro. Đây là vật liệu nhân tạo có các đặc tính mà không loại vật liệu thiên nhiên nào có được. Nó gần như vẫn giữ nguyên được độ cứng trên từng mật độ đơn vị, thậm chí ở mật độ rất thấp nó vẫn đảm bảo độ cứng.

Với các đặc tính đó, các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai nó sẽ được dùng để phát triển các bộ phận và linh kiện cho máy bay, xe hơi hay tàu vũ trụ nhờ vào công nghệ in 3D.

Kỹ sư Jim Kor và các đồng nghiệp của mình đã có một ý tưởng táo bạo khi chế tạo nguyên một chiếc ô tô bằng công nghệ in 3D. Chiếc xe được sản xuất năm 2013, có hai bánh và có thể chở được hai hành khách, với các chi tiết được làm chủ yếu từ nhựa nhờ máy in 3D. Chiếc xe được trang bị động cơ hybrid được làm bằng sắt.
Xe hơi 3D
Chúng ta hiện nay chỉ mới ở thời kỳ sơ khai của công nghệ 3D. Trong tương lai sẽ còn nhiều hứa hẹn thần kỳ hơn nữa. Thử tưởng tượng như sau:

Người ta có thể sử dụng lượng tử vừa là thông tin vừa là vật liệu cơ bản để sản xuất bất cứ thứ gì mà con người có thể tưởng tượng ra theo đúng nguyên tắc vạn pháp duy tâm. Mỗi gia đình có thể trang bị cho mình cái máy vạn năng. Chiếc máy này có thể tạo ra đủ thứ sản phẩm, từ quần áo, giày dép, cho tới mọi thứ vật dụng, kể cả lương thực thực phẩm, bánh, trái cây, xe máy, xe hơi. Năng lượng và vật liệu cho tất cả sản phẩm là điện hoặc ánh sáng mặt trời. Thiết kế của sản phẩm có sẵn trên mạng internet, chúng ta chỉ việc download về và dùng chiếc máy vạn năng để làm ra.

Tất cả các ngành sản xuất vật chất đều không còn cần thiết nữa, người ta chỉ cần làm ra mỗi chiếc máy vạn năng này mà thôi. Máy có nhiều kích cỡ và công suất khác nhau để phục cho một cá nhân, một gia đình hay một tập thể lớn hơn. Người ta không cần chăn nuôi, giết mổ chi cho dơ dáy, độc ác. Máy có thể làm ra thịt heo, thịt bò, trứng, sữa, tôm, cá… mà không hề cần tới con heo, con bò, con gà, con tôm, con cá thật.

Quả thật là không có bắt đầu, đúng như Phật pháp đã nói (vô sinh pháp nhẫn), không cần biết con gà có trước hay trứng gà có trước, thời gian là vô nghĩa, bởi vì có thể làm ra trứng gà mà không cần con gà. Máy có thể làm ra cơm, bánh mì, mì sợi mà không hề cần tới lúa mì, lúa gạo; không cần sản xuất nông nghiệp; cũng không cần sản xuất công nghiệp chi cho ô nhiễm môi trường.

Xã hội chỉ còn hoạt động dịch vụ và một trong các dịch vụ thiết yếu nhất là thiết kế sản phẩm trên máy tính rồi để trên mạng internet để ai muốn sử dụng thì cứ lấy xuống dùng, giống như hiện nay chúng ta có thể lấy hình ảnh và video từ trên mạng, nhưng khác với hiện tại là có thể dễ dàng biến chúng thành vật thể 3 chiều bằng chiếc máy vạn năng. Chiếc máy đó quả thật giống như chiếc đũa thần trong truyện cổ tích.

Bấy giờ giữa ảo và thật cũng không còn phân biệt nữa, bởi vì một bản thiết kế sản phẩm cũng giống như sản phẩm vì nó sẽ được làm ra dễ dàng và nhanh chóng bằng chiếc máy vạn năng.

Máy bay tàu thủy không còn cần thiết nữa, vì không còn nhu cầu chở hàng chở khách. Khi cần đi xa, người ta sử dụng phương thức viễn tải lượng tử. Muốn đi từ Việt Nam sang Mỹ, người ta chỉ cần đi vào chiếc máy viễn tải lượng tử và chỉ trong khoảnh khắc đã có thể bước ra từ chiếc máy bên Mỹ. Di chuyển bằng xe hơi hay tàu thủy chỉ còn sử dụng ở những cự ly ngắn, có ý nghĩa du lịch nhiều hơn là vận tải, ví dụ trong phạm vi một thành phố.

Con người di chuyển bằng hai phương thức phổ biến nhất : phương thức chậm nhất là đi bộ đối với những cự ly rất ngắn, ví dụ trong một tòa nhà, trong một khuôn viên; phương thức nhanh nhất, viễn tải lượng tử, áp dụng cho cự ly xa hơn 1km. Nhưng người ta cũng có thể sử dụng những phương thức cổ điển như xe máy, xe hơi để đi tới những nơi không quá xa một cách tùy thích.

Đây thực sự là một xã hội tri thức, vì việc đáp ứng các nhu cầu hoàn toàn dựa vào tri thức chứ không cần tới vật chất nữa, vì tất cả mọi vật chất đều có thể từ tri thức biến ra. Ngay cả việc thiết kế một con người với thể chất như thế nào, tâm hồn như thế nào, sở thích ra sao, đều có thể làm được. Nếu hiện nay, với điện ảnh, người ta có thể xây dựng một nhân vật theo ý muốn mà chúng ta thường thấy trong phim truyện. Thì trong thời đại tin học hóa cao độ đó, mọi nhân vật đều có thể được chế tạo giống y như người thật.

Con người có thể xuất hiện một cách khơi khơi, ngang xương, không cần tới cha mẹ, không mất bao nhiêu thời gian. Những con người do cha mẹ sinh ra theo phương thức cổ điển và những con người xuất hiện ngang xương sống lẫn lộn với nhau, thật giả không thể nào phân biệt được.

Đến lúc đó, người ta mới thật sự hiểu điều mà Phật pháp đã nói từ lâu: Thế gian là huyễn ảo, không có gì là thật cả. Lúc đó nhân loại sẽ hiểu được rõ ràng ý nghĩa của bài hát này:

Bài Ca Tánh Không – Bích Phổ Pháp Sư – Việt dịch

Truyền Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm