Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 09/09/2013, 09:27 AM

Chùa Thanh Lương (Phú Yên) sừng sững một góc trời

Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên vốn không xa lạ chi với du khách bốn phương, đặc biệt sau nhiều biến động không vui vừa qua, lại càng tăng thêm sự chú ý đến ngôi chùa làng biển nghèo này.

Ai cũng biết và cũng muốn có sự bình an tu học, hướng dẫn phật tử, và thiết lập đạo tràng thanh tịnh, lúc nào, ở đâu cũng phải đểu trải qua nhiều thử thách, đôi khi không kém phần khốc liệt. Có nếm trải những ngọt bùi đắng cay đó con người ta mới thực sự trưởng thành, dũng tiến hiên ngang trên đường đạo.
 
Với những suy nghỉ đó, anh em chúng tôi nhân chuyến ngoạn du các tỉnh duyên hải miền Trung, đã nhanh chóng quyết định làm một cuộc rẽ hướng, tìm đến ngôi chùa có rất nhiều dấu ấn này. Riêng các thành viên giới nữ thì nôn nao muốn tận mắt nhìn thấy và chiêm ngưỡng tượng Quan Âm, báu vật  của địa phương và phật tử chùa Thanh Lương.
 
Tiếp chúng tôi, vẫn là Đại Đức trụ trì Thích Quảng Ngộ, một mẫu người dễ gây ấn tượng khi tiếp xúc nếu so sánh những thành quả Thầy đã và đang làm được cho chùa Thanh Lương, và phật tử nơi đây. Dáng người nhỏ nhắn nhưng cõng trên vai rất nhiều dự định to lớn, mà dự định nào cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực ở ngưỡng quá tầm tay. Thầy chưa có đệ tử, chưa có tăng chúng để có thể chia sớt gánh nặng phật sự địa phương. Có chăng chỉ là tâm nguyện nuôi một hai chú điệu thiểu năng. Điều này đã khiến anh em trong đoàn rất cảm động nhưng không tránh khỏi sự cám cảnh về mai hậu cho Thầy.

Vậy đó mà cổng chùa Thanh Lương vẫn sừng sững một góc trời, chứng nhận một niềm tin son sắt không thối chuyển. Hồ Long Thủy vẫn với thân rồng uốn lượng mềm mại, đón chào  du khách viếng chùa bằng chính hình dáng uy dũng nhưng quý phái của mình, đưa từng bước chân an lạc đến trước nụ cười hoan hỷ của đức Di Lặc Tôn Phật.

Điện thờ Quan Âm, vẫn tỏa ánh sáng rực rỡ dưới ánh nắng ban mai rọi chiếu. Đảnh lể pho tượng Quan Âm “ngoi lên từ biển” cảm giác lung linh vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. “Ngài đứng đó, với nụ cười an lạc vô biên, cho An Chấn quê tôi hãnh diện muôn đời” (lời bài hát Tiếng chuông chùa Thanh Lương).
 
Và rồi bên cạnh đó là công trình xây dựng chính điện, tiến độ xây dựng tuy chậm chạp (do hiện tại kinh phí trả công hằng ngày rất cao, gây áp lực rất lớn cho Thầy trụ trì, mong sao từ thông tin này Thầy sẽ nhận được thêm nhiều nguồn tài trợ) nhưng  theo nhân xét của chúng tôi là đã đạt hơn sáu chục phần trăm nhưng hình dáng đã được hiện rõ. Điều đáng lưu ý nhất là có những ngôi chùa được  làm bằng sành sứ, mảnh ve chai, thì ở đây với những mảng san hô biển khơi  tưởng vô dụng với chúng ta nhưng Thầy Thích Quảng Ngộ đã tận dụng  làm vật liệu trang trí mặt ngoài và  chung quanh chính điện. Phần nội thất lại sẽ là những miếng muỗng dừa thô ráp, được xử lý để trở nên nguyên liệu chính trang trí.

Thật là môt ý tưởng độc đáo cho ngôi chùa làng biển này mang nhiều “dư chấn” từ những bước đi của  Bồ tát Quan Âm từ biển xa khơi ngàn về ngự tọa chốn Thanh Lương.

Riêng chất liệu từ dừa chính là điều khơi gợi lòng yêu mến quê hương bản sở, nơi trú xứ và là nơi dừng bước của  pho tượng Bồ tát Quan Âm, lúc nào, ở đâu  trong các tỉnh miền Trung này cũng có sẵn.
 
Bao gian khó chập trùng, những  chướng duyên còn vây bủa, chưa có hồi báo kết thúc, sự bình yên hiện thời  lại là  thời gian vàng son, quý báu để Thầy Thích Quảng Ngộ và phật tử tiếp tục hoàn thành nốt những dự định dỡ dang của mình.

Chư Long Thần Hộ Pháp, Hộ Chúng Già Lam nỡ nào ngoảnh mặt, phó thác cho nỗ lực của bà con phật tử chỉ vì muốn an ổn tu học, đạo tràng được thiết lập như bao nơi khác.

Nhiều vị cao niên ở đây nói với chúng tôi rằng có lẽ họ phước báu còn quá mỏng nên mong muốn cùng Thầy củng cố nền đạo địa phương, cho con cháu mai sau không còn lận đận như  bây giờ. Thế mà  khó khăn  còn  nhiều quá! Nghe mà đau cho những cụm từ  vốn thường được  nở rộ từ  đầu môi sáo rỗng quyến thuộc bồ đề hay con nhà Phật với nhau…mà nở long nào lại gây cho nhau những khổ lụy không đáng có. Vì vậy nhất định Chư Long Thần Hộ Pháp rồi cũng sẽ đứng bên cạnh bà con phật từ và Thầy Thích Quảng Ngộ. Vì những  tâm nguyện chính đáng của mình.
                   
“Bởi vậy, Phật Đà thiết lập chính pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đở, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, coi thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Do đó, ở trong trở ngại mà vượt qua tất cả,ngược lại cầu dễ dàng thì bị khúc mắc. Đức Thế Tôn được giác ngộ ngay trong mọi sự trở ngại. Ương Quật hành hung, Đề Bà quấy phá, mà Phật giáo hóa cho thành đạo cả. Như vậy hà không phải sự tác nghịch chính là sự tác thành mà sự quấy phá chính là sự giúp đỡ cho ta?
               
Ngày nay, những người học đạo, trước hết không dấn mình vào mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại xáp tới thì không thể nào đối phó. Chính pháp chí thường vì vậy mất cả, đáng tiếc đáng hận biết ngần nào” (trích Tâm Ảnh Lục tập 2, trang 222-223- HT.Thích Trí Quang dịch)

 
Đó là nguyên văn phần sau của Mười Điều Tâm Nguyện mà chúng tôi đã thuộc lòng và còn lưu giữ từ trang báo Bát Nhã của Tổng Vụ Tái Chánh, chưa bị chỉnh sửa, thêm thắt vô tội vạ như bây giờ. Khi ấy chúng tôi chỉ mới 17, 18 đôi mươi. Cái tuổi năng động và thích những vần điệu nhuần nhuyễn từ các bản dịch của HT.Thích Trí Quang.

Giờ đây khi theo dõi từng diễn biến của chùa Thanh Lương, những vần điệu đó như sống lại rất năng động, nhắc nhở cho chính anh em chúng tôi rằng trong mọi sự trở ngại còn có nghiệp lực và phước báu của chính mình.

Vì thế hơn bao giờ hết, sự nỗ lực, tinh tấn và dũng tiến trên đường đạo lúc nào, ở đâu cũng “có tiếng chuông chùa Thanh Lương gợi nhắc, có ánh mắt từ Bồ tát Quan Âm”(Lời bài ca Tiếng chuông chùa Thanh Lương).
                   
Với tất cả tấm lòng và niềm tin son sắt đó, anh em chúng tôi nguyện cầu chư Phật gia hộ cho chùa Thanh Lương sớm hoàn thành tâm nguyện để ngôi chính điện rạng rỡ trong lòng không chỉ với bà con phật tử địa phương mà còn với tất cả du khách bốn phương, nhất là đối với những ai từng chia ngọt xẻ bùi trong những tháng ngày cùng nhau lau sạch bụi bám đôi dòng chữ: Quyến Thuộc Bồ Đề.

Giác Đạo Dương Kinh Thành
       
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi

Chùa Việt 11:20 27/03/2024

Linh Quang tự nằm trên một ngọn đồi cao ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, là ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý, gắn chặt với đời sống văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo.

Tìm về ngôi chùa cổ xưa bậc nhất TP. HCM

Chùa Việt 18:50 24/03/2024

Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là ngôi chùa lâu đời bậc nhất ở TPHCM, do Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường lập vào thế kỷ 18.

Viếng chùa Tân Chánh

Chùa Việt 17:35 23/03/2024

Chùa Tân Chánh toạ lạc trên diện tích khoảng 3.300m2 thuộc tổ 3 thôn Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên, nơi tĩnh lặng và bình yên trên Cao nguyên Vân Hòa

Chùa Việt 11:00 21/03/2024

Được xây dựng trên Cao nguyên Vân Hòa, Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều Tăng Ni Phật tử cùng du khách, nơi tất cả được hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tâm hồn.

Xem thêm