Ngôi già lam Phật địa Đông Hoa thiền tự tọa lạc tại thị trấn Thiều Quan, huyện Ông Nguyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là điểm đến của du khách thập phương hành hương chiêm bái danh lam thắng cảnh Phật giáo. Ngày 01/12/1995, được sự chấp thuận của chính phủ để được hoạt động tôn giáo tại tự viện Phật giáo này.
Duyên khởi Đông Hoa thiền tự bắt nguồn từ Tam tạng Pháp sư Trí Dược từ Ấn Độ sang Trung Hoa bằng đường biển, đến phía Bắc Quảng Châu, đồ kinh Ông Nguyên nhìn xem phong cảnh sơn xuyên tú lệ không khác gì Linh Thứu Sơn, Ấn Độ, khí độ phi phàm, rất thuận lợi cho việc kiến tạo ngôi Linh Thứu Tự. Sau này đổi danh xưng Đông Hoa thiền tự.
Tam tạng Pháp sư Trí Dược khi ngang Tào Khê múc nước uống thì thấy hương vị tuyệt trần, nên bảo với đồ chúng: “Nước này không khác gì nước ở tây vực ta. Chắc là trên nguồn khe có chỗ đất tốt, có thể làm chốn lan nhã”. Bèn đi lên tới nguồn, nhìn xem bốn phía thấy sơn thủy kỳ tú khen: “Thật giống như núi bảo Lâm ở trời tây (Ấn Độ)”. Bèn bảo cư dân ở thôn Tào nên làm một ngôi chùa, trên một trăm lẻ bảy năm sau vô thượng pháp bảo sẽ được khai diễn, người đắc đạo tông như rừng, nên đặt hiệu là Bảo Lâm. Khi ấy, quan Châu Mục ở Thiều Châu là Hầu Cảnh Trung, làm biểu ấy tâu lên vua Lương Vũ Đế, niên hiệu Thiên Giám tam niên (504), vua sắc tứ hiệu Bảo Lâm Tự.
Vào thời vua Đường Cao Tông, Long Sóc nguyên niên (661-Tân Dậu), tại Hoàng Mai, Hồ Bắc, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền trao Y Bát cho Huệ Năng kế vị đệ Lục Tổ, Ngài về phía Nam tị nạn mười lăm năm, đến đời vua Cao Tông, niên hiệu Nghi Phụng nguyên niên (676-Bính Tý) ngày 08 tháng giêng Ngài hội kiến Pháp Sư Ấn Tông cùng bàn luận ý nghĩa thâm áo. Ấn Tông nhờ Ngài Huệ Năng mà khế ngộ. Vào ngày rằm tháng ấy, pháp sư Ấn Tông triệu tập chúng làm lễ thế phát cho Ngài Huệ Năng, ngày 08 tháng 02, họp các bậc danh đức truyền cụ túc giới. Lão Trí Quang Luật sư ở Tây kinh làm Hòa thượng đàn đầu, Huệ Tịnh Luật sư ở Tô Châu làm yết ma, Thông Ứng Luật sư ở Kinh Châu làm Giáo thọ, Kỳ Đa La Luật sư ở Trung Ấn thuyết giới, Mật Đa Tam Tạng pháp sư ở Tây Ấn chứng giới.
Ngài Huệ Năng đến đấy thế phát thọ giới và khai thị cho bốn chúng tông chỉ Ngài đã kế thừa, nhất nhất đều phù hợp với lời xưa. Tính từ Thiên Giám nguyên niên nhà Lương (Năm Nhâm Ngọ) cho đến Nghi Phụng nguyên niên nhà Đường (năm Bính Tý) cách nhau một trăm bảy mươi lăm năm.
Thích Vân Phong (Nguồn: donghuasi)