Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 26/04/2013, 15:05 PM

Con người với giáo lý mười hai nhân duyên

Giáo lý duyên khởi hay nhân duyên sinh bao trùm lên tất cả thế giới vũ trụ và chúng sinh. Riêng đối với con người giáo lý ấy được cụ thể hóa bằng lý thuyết Mười hai nhân duyên mà Đức Thế tôn đã giảng giải ngay từ bài giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển trước năm anh em Kiều Trần Như 

LỜI NÓI ĐẦU

Đức Phật đã từng dạy: “Ai hiểu thấu được lý nhân duyên thì người đó sẽ thấy đạo”. Lý thuyết nhân duyên của đạo Phật là quy luật khách quan để nhìn nhận mọi hiện tượng, sự vật trong vũ trụ. Tất cả mọi sự vật và hiện tượng trên trần thế và trong vũ trụ không bao giờ tự có mà đều do các duyên tạo nên mà thành. Điều đó chứng tỏ lý thuyết nhân duyên hay còn gọi là duyên khởi hay duyên sinh là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật.

Đối với con người, Đức Phật dành riêng nói về Mười hai nhân duyên mà ngay từ bài giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Đức Thế Tôn đã nói về giáo lý này trước năm anh em Kiều Trần Như cùng với bài giảng về Tứ Diệu Đế.

Con người ta sống trong biển khổ, nhưng không biết đau khổ từ đâu mà sinh ra. Đức Phật đã chỉ ra rằng đó là do vô minh, mê muội mà tạo tác thành. Và cũng do vô minh, các nghiệp nối tiếp nhau hết đời này sang đời khác, hết kiếp này sang kiếp khác trong vòng luân hồi sinh tử không bao giờ dứt được. Chỉ bằng cách diệt trừ vô minh, con người mới tự giải thoát, mới đem lại an lạc cho bản thân, mới thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi.

Cuốn sách này hy vọng làm rõ thêm những hiểu biết của chư vị Phật tử đang ngày đêm tu tập để được giải thoát.

Do nguyện vọng thiết tha được góp phần vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên mới mạnh dạn viết ra tài liệu này. Mong quý vị độc giả lượng tình chỉ dẫn những điều sai sót.

Ngày 10.09.2012     

Tác giả kính ghi

PHẠM ĐÌNH NHÂN

Pháp danh Chánh Tuệ Định

 

I. MỞ ĐẦU

Nói đến giáo lý Mười hai nhân duyên, trước tiên phải nói đến lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi. Trong kinh Trung A Hàm, Đức Phật dạy rằng: “Ai hiểu thấu được lý nhân duyên thì người đó sẽ thấy đạo”. Điều đó chứng tỏ lý thuyết nhân duyên, còn gọi là duyên khởi hay duyên sinh là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. Đạo Phật quan niệm rằng tất cả mọi sự vật trong thế giới, trong vũ trụ này đều do các duyên tạo nên mà thành. Ai nghiên cứu Phật giáo cũng đều biết rằng tinh hoa của Phật pháp chỉ tụ tại một điểm này. Học thuyết này chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống trong vũ trụ đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nhân của một nhân duyên này và là quả của một nhân duyên khác. Nhân tốt sẽ được quả tốt, sẽ thành công, nhân xấu sẽ bị quả xấu, là thất bại. Đó là sự thật không chối cãi được.

Lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi là quy luật tất yếu của mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ kể cả con người. Mọi sự vật và hiện tượng không bao giờ tự nhiên mà có, không bao giờ tự nó có, hay nói một cách khác là không có tự thể, nếu không có các duyên tạo nên mà thành. Từ một vật nhỏ nhất như cây kim, sợi chỉ cũng không tự nó có được. Cây kim có được là phải do có nguyên liệu sắt được rèn đúc, cộng với sức nóng, máy móc và bàn tay con người mới thành cây kim. Sợi chỉ có được cũng phải có người nông dân trồng bông, hái bông về, được qua nhiểu công đoạn chế biến, nhờ máy móc và bàn tay con người mới kéo thành sợi chỉ. Đến bản thân con người cũng vây, cũng phải do nhiều duyên khác nhau hợp nên mới thành: do tinh cha huyết mẹ và thần thức hợp duyên với nhau mới thành thai nhi và được nuôi dưỡng qua thức ăn, nước uống, hơi thở và sức ấm của người mẹ. Đến khi ra đời, lớn lên, trưởng thành, rồi già, bệnh rồi chết, thân tứ đại rã rời, không còn con người ta nữa. Như vậy, tất cả cái gì mà ta thấy hiện hữu đều không có tự thể, nghĩa là tự nó không có, mà đều do các duyên hợp lại mà thành, khi không còn duyên nữa thì nó không còn tồn tại nữa.

Giáo lý duyên khởi hay nhân duyên sinh bao trùm lên tất cả thế giới vũ trụ và chúng sinh. Riêng đối với con người giáo lý ấy được cụ thể hóa bằng lý thuyết Mười hai nhân duyên mà Đức Thế tôn đã giảng giải ngay từ bài giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển trước năm anh em Kiều Trần Như cùng với bài giảng về Tứ Diệu Đế (Bốn chân lý tuyệt đối).

Ta biết rằng Tứ Diệu Đế là bải học nói về thực trạng đau khổ của con người (khổ đế), về nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến đau khổ (tập đế), về sự chấm dứt hay sự kết thúc đau khổ (diệt đế) và về con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau (đạo đế). Mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Giáo lý Tứ diệu đế được coi là biện pháp tối thắng. Trong kinh Tương Ưng V[1], Đức Phật cũng dạy: "Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự việc này không thể có được. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ diệu đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự việc này không thể xảy ra". Phần quan trọng nhất trong Tứ diệu đế là Đạo đế, trong đó Đức Thể Tôn chỉ rõ đó là con đường tức phương pháp thực hiện để đạt được sự an lạc và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay hạnh phúc tuyệt đối ở Niết bàn. Như vậy, toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã dạy đều là Đạo đế, tức con đường tu hành dẫn đến việc chấm dứt đau khổ, mà tổng quát và căn bản gồm có 37 pháp môn, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn[2] có nói đến lời Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, đây là những pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy, các con phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập, truyền bá rộng rãi để chính pháp được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Những pháp đó là Bốn niệm xứ, Bốn chính cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực,  Bảy Bồ đề phần, Tám thánh đạo phần"[3]. Trong 37 pháp mà Đức Phật chỉ ra thì Tám thánh đạo hay còn gọi là Bát chính đạo, tức tám con đường chân chính, được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của Đạo đế. Trong Bát chính đạo gồm có Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Đức Phật nhấn mạnh đến Chính kiến tức là thấy và hiểu đúng đắn, là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác. Nhận biết đúng về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, là nhân duyên sinh. Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết khổ. Như vậy trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã nói đến Đạo đế, đến 37 phẩm trợ đạo, đến Bát chính đạo và đến Chính kiến mà trong Chính kiến, Đức Phật đã nói đến việc cần phải thấy, hiểu và nhận thức về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, nói đến lý nhân duyên sinh và đối với con người, nói lý nhân duyên sinh tức là nói đến Mười hai nhân duyên.

Tóm lại Mười hai nhân duyên là một phần của lý thuyết Duyên sinh dành riêng cho loài hữu tình mà cụ thể là cho đời sống của con người. Mười hai nhân duyên là một giáo lý rất đặc thù, là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Nó là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về giáo lý Mười hai nhân duyên sẽ giúp người học Phật hiểu cặn kẽ hơn về các vấn đề khác như nghiệp, luân hổi, tái sinh, nhân quả v.v…



[1] Kinh Tương Ưng Bộ , HT. Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993,

[2] Kinh Đại Bát Niết Bàn. Tuệ Khai cư sĩ dịch. Trang nhà Quảng Đức

[3] Bốn niệm xứ là một pháp tu của Tiểu thừa gồm Thân niệm xứ (quán thân bất tịnh), Thụ niệm xứ (quán thụ là khổ), Tâm niệm xứ (quán Tâm là vô thường), Pháp niệm xứ (quán Pháp là vô ngã).

- Bốn chính cần còn gọi là bốn chính đoạn là pháp tu gồm bốn thứ tinh tấn, chuyên cần nhằm giải trừ thói lười nhác, là biện pháp tốt nhất làm cho thân, khẩu, ý được đúng đắn. Đó là: Cần cù tinh tiến để đoạn trừ điều ác, Cần cù tinh tiến để điều ác không nảy sinh, Cần cù tinh tiến để khiến điều thiện nảy sinh và Cần  cù  tinh tiến để khiến điều thiện ngày thêm tăng trưởng.

- Bốn thần túc cũng là một pháp tu gồm Tập định đoạn, Tâm định đoạn, Tinh tiến đoạn và Ngũ định đoạn hành cụ thần túc.

- Năm căn hay Ngũ căn có 2 nghĩa: Một là Năm căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn). Hai là Năm căn gồm Tín căn (tin tưởng ở Tam bảo), Tinh tiến căn (dũng mãnh tu thiện pháp), Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Năm pháp này làm gốc nảy ra tất cả các thiện pháp khác. Ở đây theo nghĩa thứ 2

- Năm lực: Nếu người tu hành nhờ nuôi dưỡng cho đủ năm căn nói ở trên được tăng trưởng thì sẽ có năm lực gồm Tín lực, Tinh tiến lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực.

- Bảy bồ đề phần còn gọi là bảy giác chi là bảy pháp tu hành tuần tự hướng đến thành tựu đạo quả bồ đề gồm có trạch pháp, tinh tấn, hoan hỷ, khinh an, niệm, định, xả bỏ.

- Tám thánh đạo hay Bát chính đạo cũng là một pháp tu gồm có : Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến và Chính niệm


Còn nữa...

Trích tập sách "Con người với giáo lý mười hai nhân duyên" của tác giả Phạm Đình Nhân
Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm