Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 04/09/2016, 14:24 PM

Đả Thiền thất là pháp khắc kỳ thủ chứng

Đả Thiền thất là pháp khắc kỳ thủ chứng. Người xưa vì căn tính lanh lợi nên không thường dùng pháp này, nhưng qua đời Tống (960-1278) thì từ từ được áp dụng. Đến đời Thanh (1662-1912), vào triều vua Ung Chánh, pháp này lan rộng khắp nơi.

Vua Ung Chánh rất tôn trọng Thiền tông, nên tại hoàng cung cũng thường đả thất. Đồng thời, công phu thiền định của ông ta rất phi thường. Dưới tay ông có hơn mười người ngộ đạo. Tổ Thiên Huệ Triệt ở chùa Cao Mân tỉnh Dương Châu cũng ngộ đạo dưới pháp hội của ông ta. Tất cả quy củ pháp chế thiền môn đều do ông chấn chỉnh. Do đó, tông phong được chấn hưng mạnh mẽ, và nhân tài xuất hiện rất nhiều.

Vì vậy, quy củ tông phong rất thiết yếu và hệ trọng. Pháp thức khắc kỳ thủ chứng tựa như thí sinh nhà nho lúc vào trường khảo hạch, theo đề mục mà làm thơ, theo thơ mà được khảo thí trong một thời gian hạn định. Đề mục đả thất của chúng ta gọi là "Tham Thiền", nên điện đường đều gọi là "Thiền Đường". Chữ Thiền vốn là tiếng Phạn, dịch là thiền na, nghĩa là tĩnh lự. Trong thiền lại có thiền Đại Thừa, thiền Tiểu Thừa, thiền cõi hữu sắc, thiền cõi vô sắc, thiền Thanh Văn, thiền ngoại đạo v.v...
Ảnh minh họa
Thiền trong tông môn, gọi là "Vô Thượng Thiền". Nếu như trong thiền đường có người tham thấu nghi tình, ngồi tọa thiền cắt đứt mệnh căn, tức đồng Như Lai không khác. Thế nên, thiền đường cũng gọi là "Tuyển Phật Trường", tức là trường tuyển làm Phật, hay "Bát Nhã Đường". Sở học nơi các thiền đường đều là pháp vô vi. Vô vi tức là không có hành động tạo tác, không pháp để chứng đắc, không pháp để làm. Nếu là hữu vi thì đều nằm trong sinh diệt. Nếu có chứng đắc thì cũng có mất mát. Kinh nói: "Nếu còn lời nói đều là không thật nghĩa".

Ví như, tụng kinh, lễ sám v.v..., tất cả đều là pháp hữu vi của ngôn giáo phương tiện quyền xảo, còn tông môn dạy quý vị trực nhận thẳng vào nguồn tâm, không có chỗ để dùng ngôn ngữ. Xưa kia, có một học nhân, tham vấn lão nhân Nam Tuyền:

- Bạch Hòa Thượng! Đạo là gì?

Ngài Nam Tuyền đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

Thường ngày, ăn cơm mặc áo, ra vào làm lụng nghỉ ngơi, đều không hợp với đạo, do vì chúng ta tùy theo cảnh mà đắm nhiễm chấp trước, không nhận ra tự tâm mình vốn là Phật. Thuở trước, thiền sư Pháp Đường ở núi Đại Mai lúc mới gặp Mã Tổ bèn hỏi:

- Bạch Hòa Thượng! Phật là gì?

Mã Tổ đáp:

- Tâm tức là Phật.

Ngài liền đại ngộ, rồi lễ bái từ biệt Mã Tổ, đến núi Mai Tử ở huyện Tứ Minh, kết am ẩn tu. Đời Đường, niên hiệu Trinh Quán (785-804) dưới hội của thiền sư Giám Quan, có một vị tăng nhân đi vào rừng lượm cây làm tích trượng mà bị lạc đường, nên đến am Ngài, bèn hỏi:

- Bạch Hòa Thượng! Ngài ẩn tu nơi đây đã bao lâu rồi?

Ngài đáp:

- Chỉ thấy núi bên phía tây xanh rồi lại vàng.

- Bạch Hòa Thượng! Vậy đường nào dẫn ra khỏi núi nầy?

- Ông cứ men theo con suối này mà ra.

Vị tăng trở về thuật lại cho thiền sư Giám Quan nghe. Giám Quan bảo:

- Tại Giang Tây, Thầy từng gặp một vị tăng, nhưng bấy lâu nay không nghe tin tức, vậy chắc là Ngài đó rồi.

Sau đó thiền sư Giám Quan liền bảo tăng đi thỉnh ngài Pháp Đường về chùa. Ngài Pháp Đường làm kệ:

"Cây khô cằn trong rừng lạnh lẽo,

Mấy độ xuân về tâm nào chuyển,

Lão tiều phu chẳng màng nhìn đến,

Dinh nhân truy tìm chi nhọc mệt,

Trong hồ sen nở vô số y,

Hoa tùng ăn mãi vẫn còn dư

Nay bị thế nhân biết nơi ở

Phải dời am vào tận núi sâu!"

Mã Tổ nghe Ngài đang trú trong núi, nên bảo tăng đến chỗ đó mà hỏi:

- Bạch Hòa Thượng! Ngài gặp Mã Đại Sư, được sở đắc gì mà trụ nơi đây?

Ngài đáp:

- Mã Đại Sư dạy rằng tức tâm tức Phật, nên tôi mới đến đây.

- Gần đây Mã Đại Sư giảng thuyết Phật Pháp có khác.

- Khác như thế nào?

- Mã Đại Sư dạy rằng phi tâm phi Phật.

- Lão già làm mê loạn người chưa có ngày nào thôi. Mặc lão phi tâm phi Phật, còn tôi chỉ biết tức tâm tức Phật.

Vị tăng trở về, thuật lại sự việc này cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ bèn bảo:

- Trái mai đã chín.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ tín tâm của người xưa thật là kiên cố. Vì căn cơ chúng ta quá kém cỏi, và vọng tưởng quá nhiều, nên chư đại tổ sư mới dạy tham quán câu thoại đầu. Thật là một việc làm miễn cưỡng. Tổ Vĩnh Gia nói:

"Chứng thật tướng,

Không người không pháp,

Sát na diệt,

Hết nghiệp nơi ngục A Tỳ

Nếu lấy lời giả, dối chúng sanh,

Tự chiêu địa ngục cắt lưỡi hằng sa kiếp!"

Tổ Cao Phong bảo:

- Người học đạo, như lấy một viên đá, liệng thẳng xuống tận đáy hồ. Chúng ta tham khán thoại đầu, tức là phải khán xem nó đến tận cùng, cho tới khi thấy vỡ nó ra mới thôi.

Tổ Cao Phong lại phát nguyện:

- Nếu người học đạo, khi khởi câu thoại đầu, mà không có hai niệm, thì trong bảy ngày, nếu không ngộ đạo, tôi nguyện sẽ mãi bị đọa trong địa ngục cắt lưỡi!

Vì lòng tin của chúng ta không kiên cố, và tu hành không chân thật, nên vọng tưởng không thể xả bỏ. Nếu có tâm thiết tha vì sự sanh tử, thì một câu thoại đầu quyết không để quên mất. Tổ Quy Sơn bảo:

- Đời đời nếu không thối chuyển, quả vị Phật quyết định sẽ đạt được.

Người mới phát tâm học đạo, nói chung vọng tưởng rất nhiều. Chân cẳng thường bị đau nhức, và không biết phải dụng công như thế nào. Thật ra, chỉ quan trọng nơi tâm tha thiết vì sự sanh tử, cứ bám chặt vào câu thoại đầu, mà không phân biệt đi đứng nằm ngồi. Từ sáng đến tối, xoay chiếu lại nó mãi như ánh trăng thu vằng vặc, rõ rõ ràng ràng không lạc vào hôn trầm, không mê trong trạo cử, thì quả vị Phật sao lo không có phần! Nếu hôn trầm nổi lên, quý vị phải mở mắt thật to, và nới rộng dây lưng, thì tinh thần sẽ tự phấn chấn trở lại.

Khi ấy, đừng khởi câu thoại đầu quá vi tế, vì dễ lạc vào hôn trầm và không vọng. Nếu để tâm tự nhiên thì chỉ còn một mảnh thanh tịnh tràn đầy, thân tâm sảng khoái. Lúc đó, chớ để mất câu thoại đầu thì mới tiến bộ. Song, nếu lạc vào không vọng tức chẳng phải là cứu cánh. Nếu khởi thoại đầu quá thô thiển, thì vọng tưởng dễ dàng sinh lên. Lúc đó, khó mà điều phục được trạo cử. Thế nên, khi ấy phải dung hòa là trong thô thiển có vi tế, trong vi tế có thô thiển, thì công phu mới đắc lực, khiến đạt đến cảnh giới động tịnh nhất như.

Xưa kia, những khi chạy hương ở chùa Kim Sơn và các chùa khác, thầy Duy Na dâng hương xong, liền cùng đại chúng chạy như bay. Khi nghe tiếng mõ đánh, bèn đứng khựng lại như người chết. Như thế thì còn đâu vọng tưởng hôn trầm? Nào phải như ngày nay chúng ta chạy hương đâu?

Khi ngồi thiền, quý vị đừng đề câu thoại đầu quá cao, vì dễ bị phù trầm. Lại nữa, không nên giữ câu thoại đầu trước ngực vì sẽ sinh bịnh. Ngoài ra, đừng đè nén xuống. Nếu đè nén xuống đan điền, bụng sẽ phình to, dễ lạc vào cảnh năm mươi ấm ma, phát sanh nhiều bệnnh tật. Chỉ thiết yếu là tâm bình khí tĩnh, tham khán chữ "Ai" mãi như gà ấp trứng, mèo rình chuột. Lúc xoay lại phản chiếu được rồi, mạng căn tự nhiên cắt đứt.

Đương nhiên, người mới học pháp này, làm sao sánh bằng với những vị đã từng tham học lâu năm, nhưng quý vị cũng nên cố gắng dụng công trong mọi thời khắc.

Tu hành giống như mài đá lấy lửa, phải có phương pháp rõ ràng, bằng không thì cho dầu đập nát đá ra vẫn không có lửa. Cách thức là phải có một thanh sắt và mồi lửa. Để mồi lửa ngay dưới cục đá, rồi lấy thanh sắt cọ vào đá. Khi lửa từ viên đá cháy nháng lên, mồi lửa liền bắt được ngọn lửa. Đó là phương pháp lấy lửa duy nhất. Hiện tại, chúng ta biết rằng tự tâm là Phật, nhưng lại không chịu thừa nhận, nên phải dùng câu thoại đầu làm mồi lửa. Lý dùng mồi lửa là như thế. Hiện tại đối với cách lấy lửa, chúng ta chưa biết đến, nên không thể nhận ra tự tánh. Tự tánh của chúng ta đồng với chư Phật không khác. Song, vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể giải thoát. Do đó, Phật vẫn là Phật, và mình vẫn là mình. Chúng ta hôm nay đã biết mình là con của bậc Pháp Vương, thì hãy nên tự tham cứu, vậy có hay lắm không! Hy vọng mọi người hãy cố gắng nỗ lực. Trên đỉnh trụ cây trăm thước, hãy tiến thêm một bước, để được trúng tuyển tại đạo tràng này, mới mong rằng trên đáp đền ơn chư Phật, dưới làm lợi ích cho loài hũu tình. Trong Phật pháp, không có nhân tài xuất hiện vì mọi người không dám nỗ lực tinh tấn tu hành. Nói ra thật đau lòng! Giá như tin sâu vào lời dạy của tổ Vĩnh Gia và Cao Phong, thì quyết chắc rằng ai ai cũng sẽ ngộ đạo. Mọi người hãy nên dụng công tham thiền!

Thiền sư Hư Vân
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm