Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 11/12/2013, 07:50 AM

Đại biểu Quốc hội cần lấy chữ Vạn trong Phật giáo làm điều tâm niệm(*)

Quốc hội là nơi tập trung các đại biểu của dân, cũng được ví như tập trung các tinh hoa của dân tộc, những gì quyết định ở đây sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước nhiều thập kỷ sau này. Để có thể tập trung sức mạnh của cả dân tộc cho sự nghiệp xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh các đại biểu cần lấy chữ Vạn của Phật làm điều tâm niệm, muốn thế tâm phải sáng, lòng phải thanh.

Vậy là sau hơn 40 ngày làm việc, kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 đã kết thúc. Có thể dự đoán những gì mà kỳ họp này đem đến cho đất nước, dân tộc sẽ còn được bàn thảo lâu dài, đặc biệt là những sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai.

Điều dễ nhận thấy là trên diễn đàn Quốc hội đã xuất hiện các ý kiến về quyền con người, về cơ chế kiểm soát quyền lực, về các hình thái sở hữu… Các quyết định được thông qua không đạt 100% là điều bình thường, vấn đề là những gì thông qua đáp ứng mong mỏi của đa số người dân mới là điều quan trọng. Dù sao không khí tranh biện chốn nghị trường và những phát biểu trên các phương tiện truyền thông cũng đã khác trước rất nhiều.
 
Đã xuất hiện những yếu tố mới, đáng ghi nhận, đó là sự trình bày thẳng thắn quan điểm, nói đi đôi với làm, không đồng ý thì không bấm nút. Điều đáng ghi nhận nữa là những ý kiến trái chiều không bị truyền thông “ném đá” như thường thấy và các vị lãnh đạo, những người có trách nhiệm cũng dành sự tôn trọng nhất định cho các ý kiến chưa đồng tình.

Báo Phapluattp.vn ngày 03/12/2013 trích lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Chúng ta cần tập thói quen về việc có những ý kiến khác nhau. Thường trước đây, khi biểu quyết thống nhất một vấn đề gì đó mà không được 100% thì hay có cảm giác khó chịu nhưng tình hình bây giờ đã khác khi dân chủ trong Đảng, trong xã hội đã được mở rộng và phát triển nhiều… Cần phải tôn trọng các ý kiến còn khác nhau đó. Như thế thì xã hội mới phát triển được”.

Không ai mong muốn chuyện xảy ra như ở nghị viện Đài Loan hay ở Ukraina, các nghị sĩ đánh nhau vỡ đầu, chảy máu khi tranh biện, nhưng một kỳ họp liên quan đến vận mệnh quốc gia mà không có tranh biện thì không thể gọi là thành công.

Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất trong triết học Mác - Lênin là Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn. Động lực cho sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng.

Quan điểm một chiều cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội tốt đẹp, không tồn tại mâu thuẫn, không cần thay đổi là cách nhìn nhận đi ngược quy luật, ngược với phép biện chứng. Xã hội Việt Nam ngày nay cũng chứa đựng các mâu thuẫn cần phải giải quyết. Có thể thấy những mâu thuẫn này qua cách đánh giá của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Hiến pháp mới thông qua khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một khi XHCN được xem là định hướng phát triển của đất nước thì nó phải được hoàn thiện như một mô hình, điều này có vẻ như chưa được nhất trí.

Tác giả Tuệ Nguyễn, báo Thanhnien.com.vn ngày 24/10/2013 trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Trên thế giới, chỉ có hai quốc gia mà tên nước có từ “xã hội chủ nghĩa” là Việt Nam và Sri Lanka (Cộng hòa Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Sri Lanka). Có thể thấy chúng ta đang đi trên một con đường riêng, không giống ai, vừa đi, vừa tìm đường. Lỗ Tấn nói: “trên thế giới ngày xưa không có đường, do người đi mà thành đường”.

Những quốc gia phát triển muộn có một lợi thế là đi tắt, đón đầu. Tận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước sẽ rút ngắn rất nhiều quá trình mò mẫm, phát triển, vấn đề là vận dụng như thế nào để không đánh mất quyền tự quyết và bản sắc dân tộc. Mở một con đường riêng là điều bất đắc dĩ chỉ nên làm trong những hoàn cảnh cụ thể bởi sẽ rất tốn công, tốn của, sẽ làm chậm đáng kể bước tiến của dân tộc so với trào lưu thế giới.

Tại Hàn Quốc, Chaebol là mô hình tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình. Các Chaebol thường mang hình thức của một công ty mẹ có nhiều công ty con hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Vì là của tư nhân nên người ta chỉ tuyển chọn người giỏi vào vị trí điều hành, chi tiêu được tiết kiệm đến mức tối đa. Chỉ sau 20 năm, từ 1961 đến 1980 Chaebol đã trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc gia.

Các Tập đoàn, tổng công ty của chúng ta cũng học tập hình thức Chaebol của Hàn Quốc, chỉ có điều khác là do chính phủ quản lý. Những người lãnh đạo, được bổ nhiệm không phải dựa vào năng lực điều hành mà dựa trên những quan hệ không thể mô tả cụ thể. Tài sản tập đoàn, tổng công ty không phải là của riêng nên chuyện “cha chung không ai khóc” là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Trước và sau kỳ họp Quốc hội, rất nhiều ý kiến đã được công khai phát biểu cho thấy một sự cởi mở, tiến bộ trong đời sống chính trị - tư tưởng. Một số đề xuất không được đưa vào Hiến pháp, hoặc các đạo luật nhưng không phải vì thế mà không có ý nghĩa.

Chờ đợi một sự kiện, một sự đột biến, năm mười năm đối với đời người là dài, đối với đất nước là điều bình thường. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực, một đất nước đa sắc tộc, với sự đa dạng các thành phần kinh tế thì sự đa dạng về tư duy là điều tất yếu.

Ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng mà Laodong.com.vn đăng tải ngày 02/12/2013 cho thấy một cách nhìn thỏa đáng về kỳ họp Quốc hội lần này: “Cho dù chưa phải tất cả những gì chúng ta thấu hiểu và ngưỡng vọng đều đã đủ chín muồi để có thể đưa được vào hiến pháp, thế nhưng, kho tàng tri thức của chúng ta đã được mở rộng, đời sống tư tưởng của chúng ta cũng đã trở nên phong phú và sôi động hơn nhiều”.

Khi Galileo trình bày “Thuyết Nhật tâm” như một minh chứng cho các quan điểm của Copernic về chuyện trái đất quay quanh mặt trời, ông là người đơn độc. Thậm chí ông còn bị giáo hội kết án vì các quan điểm đó đi ngược lại với giáo lý truyền thống. Cuộc đời của Galileo là một minh chứng cho thấy không phải lúc nào số đông cũng đúng. Tuy nhiên có một kết luận không mấy vui vẻ là vĩ nhân thường cô độc, chính vì thế các vua chúa mới xưng mình là “quả nhân”, tương tự như người góa chồng được gọi là “quả phụ”.

Những đêm không mây, nhìn lên bầu trời chúng ta thấy muôn ngàn vì sao lấp lánh, rất nhiều trong số đó là những ngôi sao đã tắt, mặc dù vậy ánh sáng của nó gửi vào vũ trụ vẫn tiếp tục con đường cô đơn hàng triệu năm để đến với loài người. Nói vậy để biết, những gì chúng ta nhìn thấy chưa chắc đã phản ánh đúng hiện thực khách quan của khoa học và cuộc sống.

Loại bỏ những tẻ nhạt của quá trình chất vấn, những câu trả lời vòng vo của các thành viên chính phủ, có thể thấy những chỉ dấu của một sự chuyển mình trong kỳ họp Quốc hội lần này. Tuy nhiên nếu quán tính (sức ì) là một thuộc tính của vật chất thì nó cũng là thuộc tính của tư duy vì tư duy chỉ là sản phẩm của vật chất phát triển cao mà thôi. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi điều phải được giải quyết cùng một lúc. Nói cách khác, cũng như trong khoa học tự nhiên, các sự kiện xã hội bao giờ cũng có độ trễ.

Trong một bài đã đăng trên Tuanvietnam, có đoạn: “Đạo Phật lấy chữ Vạn (卐) làm biểu tượng, đó là biểu hiện của sự tập trung năng lượng. Chữ Vạn cho ta hình ảnh cơn bão nhìn từ vũ trụ hoặc các thiên hà nhìn từ trái đất nhìn. Càng gần tâm bão gió càng mạnh nhưng tại tâm bão không có gió, ở đây rất bình yên. Thông qua chữ Vạn, Phật dạy con người rằng muốn tập trung lực lượng quanh mình thì tâm phải sáng, lòng phải thanh” [1].

Quốc hội là nơi tập trung các đại biểu của dân, cũng được ví như tập trung các tinh hoa của dân tộc, những gì quyết định ở đây sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước nhiều thập kỷ sau này. Để có thể tập trung sức mạnh của cả dân tộc cho sự nghiệp xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh các đại biểu cần lấy chữ Vạn của Phật làm điều tâm niệm, muốn thế tâm phải sáng, lòng phải thanh.

Chữ Vạn

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Chữ Vạn (tiếng Phạn: स्वस्तिक svastika) là một biểu tượng chữ thập với bốn góc vuông về góc phải và hướng sang bên phải, có hướng các đầu mút xoay ngược chiều kim đồng hồ (đường đi rẽ phải). Tên gọi svastika (gồm chữ sv và asti ghép lại) hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là "phúc lộc, an khang, thành công thịnh vượng". Biểu tượng chữ Vạn của Ấn Độ giáo, đôi khi còn được trang trí thêm các chấm tròn ở các góc một phần tư.

Đây là biểu tượng của sự may mắn, đã từng xuất hiện lần đầu khoảng 16.000 đến 14.000 trước công nguyên. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng. Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng hóa với thần Vishnu và được liên kết với thần Shiva và việc thờ rắn thần Nagar.

Chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, vị trí trên ngực. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật. Chữ Vạn là phù hiệu, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái hay bên phải đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu này.
 

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành/Nguồn: Giaoduc.net.vn

(*): Tiêu đề do BBT thay đổi

TIN, BÀI LIÊN QUAN
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm