Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 27/03/2018, 10:48 AM

Đại Tông sư Nghĩa Tương - người khai sáng PG Hoa Nghiêm tông Hàn Quốc

Đại Tông sư Nghĩa Tương (625-702) (의상대종사 - 義湘大宗師), Hải Đông Hoa Nghiêm Thủy Tổ Viên Giáo Quốc sư (해동화엄시조원교국사), họ Kim, sinh năm 625, thời Chân Bình vương (진평왕 - 眞平王) năm thứ 47, tại Tân La Quốc (Silla) trong một gia đình hoàng tộc, con cụ ông Kim Hàn Tín (김한신 - 金韓信). Ngài vốn sinh trưởng trong dòng tộc trâm anh thế phiệt, tầng lớp thượng lưu cao quý, nhưng chí xuất trần thoát tục mãi trong tâm. 

            Ảnh: Đại Tông sư Nghĩa Tương
Năm 643, thời Thiện Đức nữ vương (선덕여왕 - 善德女王) năm thứ 12, đất Bồ đề được vun xới, duyên Bát nhã khai hoa, ngài thế phát xuất gia tu học tại ngôi già lam cổ tự Hoàng Phúc (황복사 - 皇福寺) (Tông Miếu Thánh Linh Thiền viện Già Lam – 종묘성령선원가람 - 宗廟聖靈禪院伽藍), nay là thành phố Gyeongju, phía bắc tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc. 

Năm 651, thời Chân Đức nữ vương (진덕여왕 - 眞德女王) năm thứ tư, ngài kết duyên pháp hữu với Nguyên Hiểu (원효 - 元曉, 617–686), chuẩn bị sang Trung Hoa cầu pháp với Tam tạng Pháp sư Huyền Trang (삼장법사현장 - 三藏法師玄 奘, 602-664). Nhưng vì chướng duyên bởi bị tình nghi là gián điệp và bị giam giữ trong 10 ngày, không thể rời bán đảo và đành phải ở lại biên giới phía Bắc Vương quốc Goguryeo. Vì thế ngài đã học yếu chỉ kinh Đại Bát Niết Bàn (thuyết Phật tính) với Đại sư Bảo Đức (보덕대사 - 寳德大師).
 
Năm 661, thời Tân La Thái Tông Vũ Liệt Vương (태종무열왕 - 太宗 武烈王) năm cuối, ngài vượt biển trùng dương sang Trung Hoa vào triều đại nhà Đường. Khi đến nơi, bởi lâu ngày lênh đênh trên biển khơi, ngài quá kiệt sức, đành phải nhận lời mời của vị cư sĩ phật tử tạm tá túc tại tư gia vài hôm, nào ngờ người con gái yêu quý của vị cư sĩ này tên Thiện Diệu (선묘 - 善妙) đã say đắm sự học vấn và đạo phong của ngài.
 
Với đạo hạnh thanh tịnh trì giới tinh nghiêm, ngài đã vượt qua tình cảm thế tục phàm tình và chuyển hóa cô gái ấy thành đệ tử Phật môn và nữ Cư sĩ Thiện Diệu đã phát nguyện hiến dâng cuộc đời mình trong sứ mệnh hộ pháp, nhờ sự dìu dắt của ân sư Nghĩa Tương Đại Tông sư.
                              Ảnh: Nữ Cư sĩ Thiện Diệu
Theo truyền thuyết nhân gian Hàn Quốc về nữ Cư sĩ Thiện Diệu, khi ngài Nghĩa Tương Đại Tông sư gặp phải hiểm nguy chướng nạn trên đường từ Trung Hoa trở về cố quốc, khi ngài khó khăn trong việc khai sơn ngôi Phù Thạch Tự (부석사 - 浮石寺) nay thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do, nữ Cư sĩ Thiện Diệu đã giúp ngài vượt qua những khó khăn trong phật sự.
 
Do công đức hộ pháp giúp đỡ nhiều phật sự cho đạo pháp, nữ Cư sĩ Thiện Diệu đã được nhân gian tôn kính như một vị Bồ tát.
 
Năm 662, vào thời Đường Cao Tông niên hiệu Long Sóc nhị niên, ngài đến Tổ đình Hoa Nghiêm tông (華嚴宗祖庭), Chung Nam Sơn Chí Tướng Tự (终南山至相寺) cầu pháp học tông chỉ Hoa Nghiêm với Đại sư Trí Nghiễm (智儼, 602-668), nhị Tổ Hoa Nghiêm tông Phật giáo Trung Hoa, đồng môn pháp lữ với Đại sư Hiền Thủ Pháp Tạng (賢首法藏大師, 643-712), môn đệ của Đại sư Trí Nghiễm. Sự thể nghiệm về tông chỉ Hoa Nghiêm của ngài đã tạo nên ấn tượng rất lớn đối với Sư tổ Trí Nghiễm. Sau đó, Đại sư Hiền Thủ Pháp Tạng trở thành đệ tam tổ sư Hoa Nghiêm tông, đã hỏi ngài để duyệt lại quyển sách mà ngài đã viết.

Bính Tý (676), vào niên hiệu Văn Vũ Vương (문무왕 - 文武王) thứ 16, cai trị triều đại Tân La (신라 - 新羅). Sau khi du học Trung Quốc trở về quê nhà, ngài đã báo cho triều đình biết việc Hoàng đế Trung Quốc đã lên kế hoạch xâm lược đất nước ta và chính ngài đã thuyết phục vua và triều đình Tân La (신라 - 新羅) rằng việc xây dựng Phù Thạch Tự (부석사 - 浮石寺) tọa lạc Thái Bạch sơn (nay thuộc Gyeongsangbuk-do) là để nhờ Phật pháp vô biên, giúp tinh thần dân tộc cùng đoàn kết thành sức mạnh, hầu tránh mối đe dọa bởi sự bành trướng của Trung Quốc, tai họa xâm lăng này và cuối cùng quân dân Tân La (Silla) đã đánh bật quân đội Trung Quốc xâm lược, đảm bảo sự thống nhất đất nước.  

Thời bấy giờ, ngôi già lam Phù Thạch Tự trở thành Trung tâm Nghiên cứu Hoa Nghiêm kinh và Đại Tông sư Nghĩa Tương (의상대종사 - 義湘大宗師) được tôn xưng Hải Đông Hoa Nghiêm Thủy Tổ Viên Giáo Quốc sư (해동화엄시조원교국사 - 海東華嚴始祖圓敎國師), vị tổ sư sáng lập Hoa Nghiêm tông tại Vương quốc Phật giáo Tân La. Và ngài đã kiến tạo khai sơn trên 10 ngôi già lam tự viện Phật giáo thuộc Hoa Nghiêm tông ở nhiều nơi khác nhau trên khắp cả nước, ngài đã hết sức mình trong việc phát triển Hoa Nghiêm tông tại quốc gia này.

Nửa sau thế kỷ thứ 7, (신라 - 新羅) chinh phục Cao Câu Ly (고구려 - 高句麗) và Bách Tế (백제 - 百濟), thiết lập một hệ thống chính trị ổn định trên phần lớn lãnh thổ bán đảo Hàn Quốc ngày nay. Thời Vương triều Tân La, rất nhiều sinh viên được triều đình ký sắc lệnh cử đi du học tại Trung Hoa vào thời nhà Đường lúc đó. Chính sự hấp thụ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và sự hưng thịnh của Phật giáo đã đóng vai trò chính trong sự phát triển hùng mạnh trong nghệ thuật Hàn Quốc đương thời. Đạo Phật đã trở thành quốc giáo, thống trị gần như tuyệt đối đời sống tinh thần của các tầng lớp trong xã hội, giới tăng sĩ Phật giáo đã trở thành lực lượng vô hình dẫn dắt các hoạt động nghệ thuật.

Bối cảnh xã hội của Tân La Thống nhất không tự do một cách hoàn toàn, từ những sự cần thiết phải lên tiếng và nguyện vọng của mọi người cần sự tự do của những giai tầng xã hội có tôn ty trật tự. Đại Tông sư Nghĩa Tương lắng nghe và hoan hỷ tiếp nhận ý muốn của họ tránh khỏi sự kỳ thị và cho họ những vị thế đến tất cả những tầng lớp người trong cộng đồng Phật giáo. 

Ví dụ vị đệ tử Chân Định (진 정 - 真定), từ giai tầng thấp kém trong xã hội và đệ tử Trí Thông (지통 - 智通) là một nô lệ trong nhà của một gia đình quý phái. Từ bi tâm, đạo đức tuyệt vời của ngài đã tùy duyên hóa độ những hạng người thấp kém của xã hội Tân La, họ đã trở thành những vị tăng sĩ Phật giáo, góp phần quan trọng trong việc phát triển Hoa Nghiêm tông.

Vào thời Văn Vũ Vương (문무왕 - 文武王, trị vì 661–681), ngài đã giúp đỡ về việc phúc lợi xã hội. Văn Vũ Vương, vị Quốc vương thứ 30 của Tân La. Vị Quốc vương đầu tiên trị vì đất nước Tân La thống nhất, Văn Vũ Vương ban lệnh xây dựng và cho làm lại những pháo đài như là một phần biểu lộ uy quyền của Quốc vương và đã thử tuyển mộ những người lao động chân tay để xây dựng pháo đài mới. Khi nghe việc xây pháo đài, ngài đã dâng sớ tấu lên Văn Vũ Vương rằng:

“Nếu bệ hạ quyết định đúng đắn thì ngàn lần không nên xây dựng pháo đài, đó sẽ là thảm họa.

Nhưng nếu bệ hạ quyết định không đúng, thì việc xây dựng một pháo đài cao nhất dễ dẫn đến những tai họa khôn lường”. Khi đọc sớ tấu của Đại Tông sư Nghĩa Tương, Văn Vũ Vương bỏ ý định xây dựng pháo đài mới.

Đại Tông sư Nghĩa Tương, Hải Đông Hoa Nghiêm Thủy Tổ Viên Giáo Quốc sư, vị Tổ sư sáng lập Hoa Nghiêm tông tại Vương quốc Phật giáo Tân La, chuyên trì tịnh giới, vị tăng vô sở hữu, ngài nghiêm khắc tự thân đến nỗi chỉ cần một casa và bình bát, thanh thản hồn nhiên từng bước chân an lạc, đó đây vân du khắp thiên hạ giáo hóa chúng sinh. 

Quốc vương Tân La thống nhất Văn Vũ Vương vô cùng ngưỡng mộ đạo phong và kính trọng nên đã cúng dường một biệt thự và cấp người hầu thị giả. Nhưng ngài đã từ chối và nói rằng: “Tăng sĩ Phật giáo chúng tôi luôn bình đẳng với mọi người trong ứng xử, cho dù họ từ tầng lớp Công hầu Khanh tướng hay nghèo hèn vất vưởng thương đau. Vậy làm sao tôi có thể nhận lời bệ hạ để được có người hầu? Pháp giới này là ngôi nhà của tôi và tôi bằng lòng sống với sự bố thí cúng dường của bách tính trăm họ”.

Tân La Thống nhất, Phật giáo quốc đạo và cách tân, có sức ảnh hưởng lớn với xã hội Tân La thời bấy giờ cả về văn hóa lẫn triết học. Đánh dấu một thời vàng son cực thịnh nhờ công sức của chư vị cao tăng thạc đức phát triển tư tưởng giáo lý hai tông phái Hoa Nghiêm và Duy thức do nhị vị cao tăng Quốc sư Nghĩa Tương, Quốc sư Nguyên Hiểu. Phật giáo Tân La Thống nhất hướng đến tổng hợp các tư tưởng Phật học khác nhau thành một loại triết học chung cho các tông phái “Thông Phật giáo” (通佛敎) hay “Phật giáo Thông đạt (佛教通達).

Cốt tủy triết học Hoa Nghiêm do Đại sư Nghĩa Tương sáng lập tại Vương quốc Tân La, đặt căn bản trên Pháp giới của Phật giáo (quy luật vũ trụ) liên quan đến triết học Trung đạo Phật giáo.
                         Hoa Nghiêm Nhất thừa Pháp giới đồ 
Chủ trương của Hoa Nghiêm tông (화엄종 - 華嚴宗), xem mọi vật đều bình đẳng, mọi vật đều phụ thuộc lẫn nhau. Giáo pháp này gọi là “Nhất thể” (一體), “Biển trang nghiêm Liên Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô, cùng khắp tất cả nơi. Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật bao gồm tất cả pháp”:

若人谷了知
 三世一切佛
應觀法界性
一切惟心造

Nghĩa là:

Nếu người muốn biết rõ,
Tất cả Phật ba đời, 
Đều quán tính pháp giới;
Tất cả do tâm tạo.

“Lý” và “Sự” tương tác với nhau mà sinh ra toàn thể vạn vật. Tất cả đều từ Pháp thân mà ra, tất cả pháp trong thế gian đều phụ thuộc lẫn nhau, không có pháp nào tồn tại độc lập.

Trong mỗi bộ phận đều có cái toàn thể và ngược lại, cái toàn thể hiện lên trong mỗi bộ phận. Mỗi hiện tượng đều là thể hiện của một cái lý duy nhất và mỗi hiện tượng nói lên tất cả thứ khác. Cái này và cái kia hiện diện đồng thời, phụ thuộc lẫn nhau, bao hàm lẫn nhau. Mọi hiện tượng trong thế gian đều diễn tả cái lý này.
 
Thị hiện một đời đạo hạnh thanh tịnh, giới đức kiêm ưu, khai sáng Hoa Nghiêm tông Phật giáo Hàn Quốc, dùng triết lý Hoa Nghiêm, giúp vua thống nhất đất nước, quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực.  

Năm 702, thời Bột Hải Cao vương năm thứ tư, nhân duyên hóa đạo viên mãn, ngày an nhiên viên tịch, thể nhập pháp giới Hoa Nghiêm vào năm 702, hưởng thọ 72 xuân. Dù ngài đã vắng bóng hàng nghìn năm lịch sử, nhưng nhịp tim và hơi thở của ngài mãi mãi với non sông tổ quốc Hàn Quốc, hương giới đức của ngài ngược gió khắp tung bay, ánh sáng từ bi trí tuệ của ngài lan tỏa khắp muôn nơi.

Đệ tử của ngài có đến 3.000 vị, trong đó tiêu biểu 10 vị tăng sĩ xuất sắc: Ngộ Chân (오 진 - 悟真), Thông Trí (지 통 - 智通), Biểu Huấn (표 훈 - 表訓), Chân Định (진 정 - 真定), Chân Tạng (진장 - 真蔵), Đạo Dung (도 융 - 道融), Lương Viên (양 원 - 良圓), Tương Nguyên (상 원 - 相源), Năng Nhân (는인 - 能仁), Nghĩa Tịch (위 적 - 義寂).

Các tác phẩm ngài để lại: 

- Hoa Nghiêm Nhất thừa Pháp giới đồ (화엄일승법계도 - 華厳一乗法界図): 1 quyển.

- Nhập Pháp giới phẩm Sao ký (입법 계품초기 - 入法界品抄記) Phân thất (紛失): 1 quyển.

- Hoa Nghiêm Thập môn Khán pháp quán (화엄십문간법관 - 華厳十門看法観) Phân thất (紛失): 1 quyển.

- A Di Đà kinh Nghĩa ký (아미타경의기 - 阿彌阤經義記)Phân thất (紛失): 1 quyển. 

- Chư Bang Thỉnh văn (제반청문 - 諸般請文) Phân thất (紛失).

- Bạch Hoa Đạo tràng Phát nguyện văn (백화도장발원문 - 白花道發願文)hiện còn 1 bộ(一部現存).

- Hoa Nghiêm Nhất thừa Phát nguyện văn (화엄일승발원문 - 華厳一乗発願文).

- Đầu Sư lễ (투사례 - 投師禮).  

Hiện trung tâm Hoa Nghiêm tông, Phật giáo Hàn Quốc tọa lạc tại ngôi già lam Mãn Nguyệt sơn Dược Sư tự (만월산 약사사 - 满月山藥師寺), 21 Ganseok sam-dong, quận Namdong-gu, thành phố Incheon, Hàn Quốc. Hòa thượng Hwa Eung (화응 스님), đương kim Tổng vụ viện trưởng Hoa Nghiêm Tông, Phật giáo Hàn Quốc.

Vân Tuyền (Nguồn: Tổng hợp báo PG Korea)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Kỳ quan chùa cổ nghìn năm tạc thẳng vào vách núi

Quốc tế 10:30 25/03/2024

Mạch Tích Sơn là một trong bốn quần thể hang động Phật giáo lớn nhất Trung Quốc với hàng nghìn bức tượng, tranh Phật quý giá và được biết đến là địa điểm hấp dẫn dọc theo Con đường tơ lụa của Trung Quốc cổ đại.

Cậu bé ở Mỹ nhớ chi tiết về “tiền kiếp”, chính xác đến mức không thể giải thích

Quốc tế 15:35 23/03/2024

Một cậu bé ở Mỹ có những ký ức rất chi tiết - và chính xác đến đáng sợ - về những điều mà cậu gọi là “tiền kiếp” của mình. Đến bố mẹ của cậu cũng không hiểu vì sao con mình lại “nhớ” được những việc như vậy.

Lào phát hiện kho báu hơn 100 pho tượng Phật chưa xác định được nguồn gốc và độ tuổi

Quốc tế 14:10 23/03/2024

Mới đây, chính quyền tỉnh Bokeo (Bắc Lào) đã khai quật được hơn 100 pho tượng Phật lớn nhỏ và nhiều đầu tượng Phật có hình dạng khác nhau ở huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo.

Phát hiện ngôi chùa cổ đầy kho báu, ít nhất 1.500 tuổi ở Trung Quốc

Quốc tế 15:30 14/03/2024

Một hố hình vuông chứa ngọc trai, đồ trang sức quý và hàng trăm tượng Phật đã được khai quật trong tàn tích ngôi chùa cổ.

Xem thêm