Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 31/07/2014, 11:29 AM

Danh và sắc đều là giả danh

Thông thường chúng ta đều có thể dễ dàng chấp nhận danh là giả danh, chỉ là danh từ, từ ngữ con người dùng để gán ghép, diễn tả một vật bằng vật chất hay một sự kiện, một sự vật phi vật chất.

Ví dụ cái nhà, cái xe là danh từ chỉ những vật bằng vật chất. Chiến tranh thế giới lần thứ hai, là danh từ chỉ một sự kiện đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Phật giáo, Nho giáo, tình yêu, tình cảm, là những danh từ chỉ những sự vật phi vật chất. Chúng ta cũng có thể chấp nhận những sự vật phi vật chất cũng là giả danh. Nhưng chúng ta khó có thể chấp nhận Sắc (vật chất) như núi, sông, biển, đảo, con người, con vật, cây cối, cũng chỉ là giả danh. Bài này sẽ nghiên cứu tại sao Sắc cũng chỉ là giả danh.

Danh sắc là mắt xích thứ tư trong thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo:

1/Vô Minh  2/Hành  3/Thức  4/Danh Sắc

TÓM TẮT NHƯ SAU

1/Vô Minh tức Vô thủy vô minh. Vô thủy vô minh là trạng thái của vũ trụ trước vụ nổ Big Bang. Không có thời gian, cũng không có không gian, không có vật chất, không có gì rõ ràng. Vì không có thời gian nên nói vô thủy (không có bắt đầu). Vì không có gì rõ ràng nên nói vô minh.

2/Hành là vận động, là biến đổi, là chuyển hóa. Sau vụ nổ Big Bang thì bắt đầu có Hành. Không gian, thời gian, số lượng vật chất bắt đầu xuất hiện. Không gian bắt đầu ở kích thước 10-33(mười lũy thừa âm 33) cm, đó chỉ là một chất điểm. Thời gian bắt đầu ở 10-43(mười lũy thừa âm 43) giây. Số lượng vật chất bắt đầu được phóng hiện. Từ một chất điểm (lượng tử) xuất hiện vô lượng vô biên lượng tử đồng thời với việc không gian mở rộng và thời gian diễn tiến. Các hạt cơ bản của vật chất như quark, photon, neutrino, proton, neutron… cũng xuất hiện, tạo ra các cấu trúc ảo của vật chất. Hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement), một photon có thể xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau trong thí nghiệm của Maria Chekhova năm 2012 chứng tỏ sự xuất hiện của số lượng vật chất, sự không có thật của khoảng cách không gian (vật ở tất cả các vị trí đều biến đổi theo nhau một cách tức thời, bất kể khoảng cách là bao xa) từ đó suy ra thời gian cũng không có thật.
 
3/Thức là sự hiểu biết, là trí thông minh, là thông tin, Phật giáo gọi là Chánh biến tri. Chánh biến tri vốn đã có sẵn, không có bắt đầu (Duy Thức Học gọi là A-lại-da thức). Đó là cái biết nền tảng của Tam giới. Tuy nhiên cái Thức, là mắt xích thứ ba của 12 nhân duyên, là cái biết cục bộ của ý thức, là sự nhận thức của chúng sinh, điển hình là con người. Cái thức này xuất hiện khi cấu trúc ảo của vật chất tạo ra được bộ não. Bộ não liên tục phát ra nhất niệm vô minh tạo thành một dòng chảy tư duy liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, kể cả lúc con người bằng xương bằng thịt đã chết và trong nhất niệm vô minh xuất hiện cái nhận thức hay hiểu biết của con người thông qua 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức). Vì Thức là sự hiểu biết nên nó cũng là thông tin. Thông tin có rất nhiều hình thức chứ không phải chỉ có văn bản mới là thông tin. Âm thanh cũng là một dạng thông tin qua tiếng nói. Sóng, ánh sáng, cũng đều là những dạng thức thông tin. Chuyển động, vận động cũng đều là thông tin. Tin học ngày nay đã giúp chúng ta hiểu rõ rằng các tập tin chương trình hay ứng dụng cũng đều là dạng thông tin động (applications). Truyền hình và video trên mạng internet chính là biểu hiện đầy uy lực của dạng thông tin động này. Sóng là một dạng thông tin thì vật chất chắc chắn cũng phải là thông tin, bởi vì khoa học ngày nay đã chứng minh rõ ràng, vật chất (ví dụ hạt electron) vốn là sóng đã bị sụp đổ thành hạt khi bị quan sát hay đo đạc. Khoa học lượng tử còn đi xa hơn khi nói rằng vật chất có nguồn gốc là một miền tần số (frequency domain) có bản chất là sóng vô hình, không phải là sóng vật chất, nhưng nó có thể biến thành vật chất. Cái miền tần số đó các nhà khoa học hiện đại gọi là Trường Siêu dây (super string field) hoặc Trường Thống nhất (unified field).

Khoa vật lý lượng tử đã trình bày một cách rất rõ ràng những tính chất kỳ bí của vật chất ở dạng nền tảng cơ bản nhất (tức các hạt cơ bản- elementary particles), tất cả đều có thể quy về một loại hạt trừu tượng có tên khoa học là lượng tử (quantum). Những tính chất đó là : phi hiện thực (non realism), bất định xứ (non local) và phi số lượng (non quantity). Những tính chất này đều biểu hiện rõ ràng trong hiện tượng liên kết hay vướng víu lượng tử (quantum entanglement).

Một số nhà khoa học hiện nay đã đi tới nhận định rằng vũ trụ là số (universe is digital) và họ cũng đã tìm được bằng chứng cho nhận định này, đó là tiếng ồn toàn ảnh của vũ trụ (holographic noise of universe) do nhóm GEO600 phát hiện năm 2012. Có người đã tập họp những thông tin khoa học mới nhất này thành một loạt tư liệu video có tên là Vũ trụ Toàn ảnh (The Holographic Universe). Vũ trụ Số hay Vũ trụ Toàn ảnh chỉ là những thuật ngữ khác nhau để nêu lên rằng Vũ trụ chính là Thông tin, Vật chất thật ra chỉ là thông tin. Đến đây thì chúng ta có thể hiểu rõ :

4Danh Sắc (tên gọi và sự vật) đều chỉ là giả danh, là ảo, không có thực chất. Danh là tên gọi, là ngôn ngữ. Ngôn ngữ tự nó không có ý nghĩa, ý nghĩa là do con người gán cho nó. Sắc là vật chất. Vật chất cũng chỉ là ảo, không có thật. Vật chất cũng chỉ là Tâm, là Thức, được vật hóa theo thói quen nhận thức, do đó vật chất không thể nào độc lập với tâm thức được. Thí nghiệm hai khe hở chứng tỏ rằng hạt electron có thể là sóng, có thể là hạt. Khi là sóng thì nó vô hình, bất định xứ, không phải vật chất, khi đó nó là Thức. Khi nó bị con người rình xem hay đo đạc thì lập tức, electron biến thành hạt, hữu hình, có định xứ, trở thành vật chất. Thậm chí những vật phức hợp như hạt nhân nguyên tử, nguyên tử và kể cả phân tử cũng có những tính chất giống như electron. Như vậy không phải chỉ có Danh bị con người gán cho ý nghĩa, mà kể cả Sắc tức vật chất cũng bị thói quen nhận thức của con người gán ghép, qui định, qui ước thành vật nọ, vật kia.

Ngày xưa, các triết gia Trung Quốc có luận về tính kiên bạch, đồng dị của vật là cũng nêu lên ý này, nghĩa là tính kiên bạch đồng dị của vật chỉ là giả danh, họ nói rằng màu sắc (lấy màu trắng làm đại biểu) hay tính cứng chắc (kiên) của vật không phải tự nó vốn có, mà chỉ là do con người cảm nhận như vậy, gán ghép cho rằng sự thật là như vậy, vì vậy, về mặt bản chất, mọi tính kiên bạch đồng dị đều không có thật, chỉ là tương đối theo chủ quan của con người. Nhưng vì họ chỉ nêu lý luận một cách trừu tượng mà không có chứng minh rõ ràng, cụ thể, nên người đời không tin, cho rằng họ ngụy biện. Hoặc giả họ có chứng minh nhưng năm xe sách của Huệ Thi bị tiêu mất nên người đời không biết. Các nhà nghiên cứu về triết học sử Trung Quốc như Hồ Thích, Chương Thái Viêm có đề cập đến thuyết Kiên Bạch Đồng Dị của các triết gia cổ đại, nhưng trình độ khoa học còn giới hạn của họ ở khoảng giữa thế kỷ 20, không cho phép hiểu được đầy đủ ý nghĩa hết sức quan trọng của thuyết này, màu sắc (bạch) hay tính cứng chắc (kiên) của vật chất do đâu mà có, sự phân biệt các vật giống nhau hay rất khác xa nhau (đồng dị) có thực chất không hay chỉ là tưởng tượng ? Ví dụ :
Tây Thi
Đây là ảnh của nàng Tây Thi, mỹ nhân của nước Việt được cống nạp cho vua nước Ngô là Phù Sai. Đó chỉ là thói quen nhận thức của con người chúng ta thôi. Đối với cái máy ảnh, đây chỉ là tập hợp của khoảng 27KB thông tin, với rất nhiều điểm ảnh (pixels), mỹ nhân không tồn tại. Đối với con mọt giấy, nó chẳng thấy có mỹ nhân gì cả, những điểm ảnh cũng không tồn tại, nó chỉ biết chất liệu giấy là thứ nó có thể ăn được nếu ảnh được in trên giấy, còn ảnh điện tử thì hoàn toàn không tồn tại đối với nó.

Mỹ nhân trên mặt phẳng hai chiều đã như thế, vậy thì mỹ nhân trong không gian ba chiều, tức cuộc sống đời thường của chúng ta thì có khác gì không ? Có khác chút ít nhưng bản chất là không khác, người xưa gọi là đại đồng tiểu dị. Cái khác đó là một con người bằng xương bằng thịt đang sống chứ không phải chỉ là tấm ảnh hoặc video. Cuộc sống đó rất linh động với rất nhiều sắc thái vô cùng phong phú như ăn uống, làm đẹp, tăng trưởng, học tập, sinh hoạt cộng đồng, quan hệ gia đình, xã hội, tính dục, rất nhiều hoạt động tinh thần và thể chất, những biểu hiện văn hóa…Cuộc sống đó, thực tế chỉ là tăng thêm một chiều kích của cuốn phim mà thôi, nghĩa là từ hai chiều tăng lên ba chiều, chứ bản chất ảo thì vẫn là ảo, nhưng con người bình thường sống trong thế giới ảo đó thì tưởng là thật, không bao giờ ngộ nổi, chỉ trừ khi kiến tánh thành Phật. Theo Phật giáo, tất cả mọi biểu hiện đó đều là ảo, không phải thật. Tại sao không phải thật ? Bởi vì mỹ nhân đó không độc lập tồn tại, mỹ nhân đó chỉ tồn tại trong nhất niệm vô minh do bộ não của đương sự phát ra, và trong bộ não của tất cả những người khác. Nếu không có bộ não thì không có gì cả, không có bộ máy nhận thức của 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) thì tất cả chỉ là tánh không như thí nghiệm của các nhà khoa học hiện đại đã chỉ rõ, lượng tử là phi hiện thực (non realism), bất định xứ (non local) và phi số lượng (non quantity). Hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) đã chứng tỏ quá rõ ràng. Vì vậy nên cả vũ trụ chỉ là thông tin, là ảo, là số (digital) mà thôi.

Còn tính chất cứng đặc của vật chất (ví dụ chiếc xe) cũng chỉ là cảm giác do cường độ của 4 loại lực cơ bản của vật chất ấn định (lực yếu, lực mạnh, lực điện từ và lực hấp dẫn). Lực mạnh kết nối các hạt quark tạo ra các hạt proton và neutron hết sức kiên cố làm hạt nhân nguyên tử. Lực điện từ tạo ra các nguyên tử và phân tử vật chất. Có cái bền là chất rắn, có cái không bền là chất lỏng, chất khí…Vậy các lực đó vốn có sẵn như vậy hay từ đâu mà có. Phật giáo nói rằng các lực đó cũng chỉ là thói quen cố chấp của chúng sinh gán ghép vào chứ cũng chẳng phải vật chất có tự tính như vậy. Bằng chứng là các nhà đặc dị công năng có thể dùng tâm lực của mình điều khiển vật chất. Ví dụ Trương Bảo Thắng có thể dùng tâm lực lấy các viên thuốc ra khỏi chai thủy tinh mà không cần mở nắp. Hầu Hi Quý có thể đập bẹp một chiếc đồng hồ tay rồi dùng tâm lực phục nguyên, đồng hồ vẫn chạy tích tắc trở lại như chưa hề bị đập. Thần thông hay đặc dị công năng chứng tỏ rằng 4 lực cơ bản của vật chất cũng là do Tâm gán ghép. Phật giáo nói rằng vật hay pháp vốn không có thật, chỉ là ảo thôi, sự thật chỉ là tánh Không. Tóm lại Danh và Sắc đều là sản phẩm do Tâm tạo ra, những đặc tính gì của chúng cũng đều do Tâm gán ghép chứ vật không có tự tính. Tính chất phi hiện thực (non realism) của vật chất, kể từ thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris, đã được khoa học xác nhận chắc chắn. Nó chứng tỏ giả thuyết EPR của nhóm Einstein là sai lầm. Einstein tuy sai lầm nhưng lại càng nổi tiếng, vì giả thuyết EPR thúc đẩy cho con người nghiên cứu, đạt được tiến bộ rất lớn về vật lý lượng tử.

Kết luận: Cả danh và sắc đều là giả danh

Trên đây đã dẫn chứng theo Phật giáo, theo khoa học cổ đại Trung Quốc với các triết gia có khuynh hướng khoa học như Huệ Thi (惠施 370-310TCN) Công tôn Long (公孫龍 325-250TCN) và theo khoa học lượng tử hiện đại, để đi tới nhận thức rằng Danh và Sắc đều là giả danh, giữa hai cái có đồng có dị, đồng là cả hai đều là giả danh, dị là Sắc (vật chất như cơm, thực phẩm thì ăn được, tiêu hóa, tăng trưởng, giúp cơ thể duy trì sự sống và năng lượng hoạt động) còn Danh thì không ăn được. Nhưng sự khác nhau này chỉ có tính chất hình thức chứ không phải là nhị nguyên (hai thứ hoàn toàn khác nhau về căn bản). Sự khác nhau này là không tuyệt đối và có thể giải thích dễ dàng theo khoa học. Ví dụ con người chỉ ăn được cơm chứ không ăn được sắt. Đó chỉ là vì cơm và sắt khác nhau về hình thức chứ không khác nhau về bản chất, bởi vì thực chất cơm và sắt đều là quark và electron, hoàn toàn giống nhau. Vậy con người ăn là ăn cái hình thức, điều đó chỉ là tưởng tượng (thế lưu bố tưởng) chứ không có thực chất. Có nghĩa là con người chỉ có thói quen ăn cơm mà không có thói quen ăn sắt. Các lực liên kết trong cục sắt mạnh hơn trong hạt cơm nên sắt cứng hơn cơm rất nhiều, con người không ăn được, không nhai nổi, cũng không tiêu hóa được. Lực liên kết trong hạt gạo và hạt cơm cũng có sự khác nhau đáng kể, con người phải nấu cho gạo mềm ra hơn, thành cơm mới ăn được. Nhưng vì bản chất giống nhau nên sắt có thể biến thành cơm nếu biết cách làm. Einstein đã chứng minh rằng vật chất có thể biến thành năng lượng theo công thức :

E (năng lượng) = M (khối lượng vật chất) x C2 (bình phương vân tốc ánh sáng)
Vậy cục sắt có thể biến thành năng lượng và năng lượng có thể biến thành cơm.

Tương tự như vậy thức (thông tin) vốn là giả danh, có thể biến thành sắc (vật chất) và có thể ăn được, tiêu hóa, tăng trưởng được. Đó chính là ý nghĩa mà Phật giáo thường nói, thế gian chỉ huyễn ảo, tam giới duy tâm, bản chất của vạn pháp chỉ là tánh không mà thôi.

Truyền Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm