Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 27/07/2017, 15:13 PM

Đạo đức căn bản làm bậc hiền Thánh

Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái ta và của ta rồi dẫn đến chiếm hữu, sự bám víu vào cái thân vật chất này ai cũng coi trọng nó, kẻ nào chạm đến sẽ bị phản kháng dữ dội. Cái ta ban đầu chỉ là sự bất giác của một vọng niệm được khởi lên và dính mắc vào đó, đến khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất, để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng đó chính là sự hiện hữu và tồn tại cái thân này.

Chúng ta bám víu vào thân cho đó là ta, là của ta rồi nâng niu, chăm sóc bảo vệ cho nó, đây gọi là "thân kiến". Khi ăn thì tìm món ngon vật lạ cho ta, khi uống thì tìm những thứ ngon ngọt... Cũng từ sự ăn uống mà ngày nay trên thế giới sinh ra rất nhiều bệnh tật, dù khoa học có tiến bộ tới đâu cũng không thể nào theo kịp sự phát sinh và biến dạng của bệnh tật.

Chúng ta mặc thì kiếm quần áo tốt đẹp có thương hiệu nổi tiếng, để cho ta mặc. Ở thì phải xây nhà cao cửa rộng, nguy nga tráng lệ, có đẳng cấp sang trọng, quý phái để cho ta ở. Xe thì phải mua loại mắc tiền, có giá trị từ bạc tỉ trở lên để cho ta đi. Đồ dùng thì phải mua sắm đủ thứ tiện nghi hiện đại, trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt để cho ta ngắm và mong nhiều người khác khen tặng. Vợ chồng nói thương yêu nhau chung thủy, nhưng thật ra ai cũng thương thân mình là trước hết.

- Trước tiên, không giết hại mà còn mở lòng từ bi thương xót bình đẳng mọi loài. 

- Thứ hai là không lấy của không cho mà còn hay bố thí giúp đỡ người khác và cúng dường người đáng kính. 

- Thứ ba là không tà dâm mà còn khuyên nhủ mọi người sống chung thủy để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và người khác. 

- Thứ tư là không nói dối hại người mà còn hay nói lời chân thật. 

- Thứ năm là không nói lời thô lỗ, cộc cằn, mắng chửi mà còn hay nói lời ái ngữ, hiền hòa dễ thương. 

- Thứ sáu là không nói lời đùa chơi vô ích mà hay nói lời có ích lợi cho mọi người. 

- Thứ bảy là không nói lời vu khống đổ tội cho người khác mà còn nói lời động viên, khuyến khích, an ủi mọi người cùng kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống để cùng nhau sống đời bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Bước đầu tu theo Phật là quy y Tam bảo, tức chúng ta tạo ba chánh nhân thiện lành, tốt đẹp. 

- Nhân thứ nhất là nhân sáng suốt để giúp ta không bị u mê, tối tăm che mờ, chính vì vậy mà ta không bị đọa vào địa ngục. 

- Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết, nên không bao giờ bị đọa vào chỗ ngạ quỷ. 

- Nhân thứ ba là nhờ quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ, nhờ vậy không bao giờ bị đọa vào chỗ súc sinh. Ba chánh nhân này như cái đỉnh ba chân giúp ta đứng vững trên đường tu học, không bị phong ba, bão táp làm chướng ngại nhờ tâm thanh tịnh, sáng suốt, từ bi và trí tuệ, nên chuyển hóa soi sáng muôn loài vật.

Phật vì lòng từ bi rộng lớn, thương xót mọi người nên khuyên chúng ta tin sâu nhân quả, kính tin Tam bảo và giữ giới trong sạch, thì tránh được tai nạn binh đao, tàn sát giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Đó là một sự thật mà thế giới con người ít ai quan tâm đến, nên chiến tranh cứ xảy ra mà không có ngày thôi dứt. Nhân giết hại dẫn đến chiến tranh hận thù vay trả, chiến tranh tiếp diễn dẫn đến con người oán giận thù hằn, tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Điều 1: Ý thức được khổ đau do giết hại gây ra, người phật tử chân chính phát nguyện không sát sinh hại vật dưới mọi hình thức, nhất là sự sống của con người, động vật và thiên nhiên. Phải biết tôn trọng và thể hiện tình thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài.

Chúng ta không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng. Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại kẻ khác. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng.

Giới thứ nhất giúp ta thấy được những khổ đau do sự giết hại gây ra nên người phật tử chân chính quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài. Chúng ta không giết người, không trực tiếp giết hay xúi bảo người khác giết, hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết.

Nếu chúng ta biết từ bỏ sự giết hại, người phật tử sẽ tăng trưởng lòng từ bi và làm lắng dịu những tâm xấu ác hại người, vật. Khi tâm từ phát triển thì mọi thứ ưu sầu khổ não sẽ lần hồi được chuyển hóa. Và người phật tử sẽ cảm thấy một năng lực mát mẻ, từ nội tâm thanh tịnh lan tỏa ra bên ngoài, thấm nhuần khắp tất cả mọi hiện tượng sự vật, trong mối giao thoa, bình đẳng hài hòa.

Người phật tử chân chính biết hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào không còn tâm niệm giết hại nữa. Muốn được như vậy chúng ta phải tự biết xấu hổ khi cố ý hoặc vô tình làm tổn hại các loài vật khác, phải cảm thấy thẹn thùng mắc cỡ vì mình không làm được như thế, khi thấy người khác biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.

Điều 2: Ý thức được sự khổ đau do gian tham trộm cướp gây ra dưới mọi hình thức, người phật tử chân chính phát nguyện không lấy của không cho, không lường gạt, dối trá, tham nhũng, đút lót, cờ bạc, chứa đồ gian và vay nợ không trả. Phải biết tôn trọng sở hữu tài sản của người khác, thể hiện nếp sống văn hóa đạo đức làm nghề lương thiện và mạng sống chân chính.

Trộm có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.
 
Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng cho mình, là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát. Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm, giờ thì đội nón ra đi. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến tan nhà nát cửa. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của thì cũng không thể tự do sử dụng tiêu xài.

Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại, bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhản mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hội mà báo chí thường đăng tải, là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt. Người phật tử chân chính khi đã tin sâu nhân quả rồi, thì không khởi tâm trộm cắp của người khác dưới mọi hình thức. Nếu ta không tỉnh thức trong từng phút giây, thì lòng tham lam sẽ che mờ tâm trí ta, dẫn đến bị tù tội chịu thống khổ vô cùng. Những thủ đoạn tinh vi, như gian dối, lường gạt, ăn chặn của người khác, tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt tài sản... xảy ra hằng ngày.

Chỉ khi nào ta không khởi tâm trộm cắp, muốn chiếm đoạt của người khác, đó là một nghiệp lành cao cả mà ít ai làm được vì lòng tham lam, ích kỷ. Khi ấy, những hiện vật trưng bày ở những nơi công cộng như đường sá, vườn hoa, công viên, nhà mát, khu di tích lịch sử... ở đâu đều còn nguyên vẹn ở đó, được mọi người thích thú chiêm ngưỡng.

Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.

Điều 3: Ý thức được sự khổ đau do phá hoại hạnh phúc gia đình mình và người khác, người phật tử chân chính phát nguyện sống chung thủy một vợ một chồng. Phải biết tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc gia đình người khác như là chính hạnh phúc gia đình mình, theo lời Phật dạy.

Người phật tử chân chính khi lớn khôn có quyền cưới vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình. Song, ngoài vợ chồng chính thức ta không được quan hệ tình dục với người khác vì đó là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người. Đi tìm thú vui trong chốn thanh lâu cho đến cưỡng bức xâm hại người khác, hoặc nam nữ đã có gia đình hay chưa có, thường phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm.

 Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra. Nhiều vụ án xảy ra do ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch hoặc giết người dã man. Bản chất của chúng sinh là ái dục, chính vì điều đó mà chúng ta có mặt trong cuộc đời này, nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng trong vấn đề tình dục. Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép thì dễ đánh mất nhân cách, phẩm chất đạo đức. 

Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, mắng nhiếc, đánh đập và chia lìa, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, người phật tử chân chính hãy sống chung thủy một chồng một vợ, để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình mình.

Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau, bởi sự yêu thương trong vị kỷ cho nên nói tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Thật ra tình dục không phải là chuyện xấu, nó luôn gắn liền với con người từ vô thủy kiếp đến nay. Đã là chúng sinh thì phải ăn, phải ngủ, phải làm việc và thụ hưởng cảm giác khoái lạc.

Ngược lại, vì tình cảm riêng tư muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, tham lam và ích kỷ, sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế, mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì cùng hung cực ác, nếu vì lợi ích chung cho nhân loại thì lợi ích cho con người không loài nào bằng. 

Trong tình yêu ghen tuông luôn gắn liền với ích kỷ và nó là trạng thái tâm lý không thể tách rời nhau, có yêu thương là có ghen ghét. Bao nhiêu vụ án xảy ra làm đau lòng nhân thế với những cái chết thật đáng tiếc và vô lý làm sao, chỉ vì ghen tuông trong mù quáng. Bởi vì chúng ta yêu thương trong sự lợi dụng lẫn nhau, mà không có tình yêu thương chân thật, nên dẫn đến ích kỷ, hẹp hòi làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Điều 4: Ý thức được khổ đau do lời nói dối gạt gây ra, người phật tử chân chính phát nguyện không nói sai sự thật, không nói lời vô ích, không nói lời mê hoặc để dụ dỗ, không nói lời tục tĩu, cộc cằn, không nói lời chia rẽ, gây hận thù cho nhau. Phải biết giữ chữ tín và tôn trọng sự thật, nói đúng chính pháp Phật đà, khi không thể nói thì phải im lặng như đang trong thiền định.

Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình… Nói chung, nhờ lời nói mà con người có thể thông cảm và hiểu nhau nhiều hơn, do đó sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Nói thì dễ nhưng nói như thế nào để không mất lòng người nghe, nói như thế nào để người nghe cảm thấy dễ chịu thoải mái, lần sau muốn được nghe nữa. Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu tỉnh giác gây ra, người phật tử chân chính xin học và làm theo hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm cùng nói lời thương yêu, hòa nhã bằng trái tim hiểu biết.
 
Nói dối hay còn gọi là nói dóc, nói láo. Nói dối tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có, hứa hẹn với người khác rồi nuốt lời. Tự mình nói dối để lừa gạt người dưới nhiều hình thức, rồi xúi bảo kẻ khác nói dối hoặc thích thú trong lời nói dối gạt và khen ngợi lời nói dối.

Lời nói dối đã làm tổn hại rất nhiều người, nguy hiểm hơn là lời vu oan đổ tội cho người khác, lời nói này còn thâm hiểm, độc ác hơn nhiều vì có thể làm cho người ta bị tù tội chết chóc đau thương. Lời nói dối, có thể do tham lam sai sử, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải. Lên đến cấp độ cao hơn nữa là vu oan giá họa để hãm hại người khác. Vì sự tham lam, ích kỷ của mình mà chúng ta nhẫn tâm hại người, giống như loài rắn rít, bò cạp.

Lời cộc cằn, thô lỗ, nguyền rủa, mắng chửi người khác biểu hiện trạng thái tâm sân hận quá mức, do không ý thức được sự tác hại của nó. Những lời nói như thế có thể làm đau lòng người khác, thường đưa đến sự xô xát, đánh đập rồi dẫn đến mất tự chủ mà giết hại lẫn nhau. Trong một gia đình, nếu một trong hai người vợ hoặc chồng nói năn thô lỗ cộc cằn hay lớn tiếng nạt nộ chửi mắng, rồi dẫn đến thượng chân hạ cẳng thì trước sau gì gia đình đó cũng tan vỡ. Khi ta tức giận một ai đó thì không nên mắng xối xả vào người đó, hoặc tìm đủ mọi cách để hạ nhục người đó.

Nói lời xin lỗi là món ăn tinh thần rất cần thiết trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nếu khi ta đã lỡ làm cho ai đó buồn phiền hoặc khổ đau, ta hãy nói lời xin lỗi một cách thành tâm, để người cảm thông mà tha thứ cho ta, là phương pháp duy nhất giúp ta xóa bỏ ân oán hận thù. Con xin lỗi cha mẹ vì lỡ lầm nghe theo bạn bè xấu xúi dại. Em xin lỗi anh vì lỡ lời nói nặng, anh xin lỗi em vì ham vui với bạn bè mà anh để em và con ăn cơm một mình. Cha xin lỗi con vì nóng giận quá mức nên tát con một bạt tay như thế. Anh nhân viên xin lỗi ông giám đốc vì sáng nay kẹt xe nên đến cơ quan trễ, kính mong ông thứ lỗi cho...
 
Lời nói ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên thanh thản cho người nghe. Lời nói ái ngữ có tác dụng an ủi vỗ về, giúp cho người nóng giận giảm bớt sự sôi sục âm ỉ bên trong. Do đó, lời nói được thốt ra có khi tạo được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Ta chỉ cần sơ ý lỡ một lời nói, có khi hỏng cả việc lớn. Chỉ cần ta lỡ một lời nói, thì tai nạn ùn ùn kéo đến chỉ vì người nghe hiểu lầm, cho nên tìm cách hãm hại ta.

Chính vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời nói bởi vì con người thích được khen ngợi tâng bốc nhiều hơn là bị chê bai. Tai họa xảy đến, thường do lời nói mà gây nên tác hại. Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi trên thế gian này, con người thường hay tranh chấp với nhau, chỉ vì lời nói.

Người phật tử chân chính nguyện không nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc hứa với người mà không giữ lời, hay hứa rồi mà tráo trở, lật lọng. Chúng ta không nói lời ly gián làm hai bên hiểu lầm nhau mà sinh ra thù hận. Việc làm này còn độc hại hơn cả rắn độc vì làm cho người thân chia lìa, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù, xã hội trở nên loạn lạc, lầm than vì không còn tin tưởng lẫn nhau.

Ta không dùng lời nói thêu dệt, nịnh hót làm xiêu lòng người, hoặc dùng lời nói thô ác như nói nặng, mắng nhiếc, chửi rủa, dùng lời lẽ thô tục để lăng nhục người. Người phật tử hãy học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để lắng nghe, nói lời hòa nhã từ ái và luôn đem niềm vui đến với tất cả mọi người.

Nguyên tắc đạo đức thứ tư là xa lìa các hành vi nói dối để hại người, đôi khi ta vẫn phải nói dối để cứu người. Đây là nguyên tắc hay giới thứ tư mà người cư sĩ tại gia phải giữ gìn. “Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hoàn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối”.
 
Điều 5: Ý thức được khổ đau do uống rượu say sưa hoặc sử dụng các chất kích thích độc hại, gây hủy hoại sức khỏe, tinh thần và nhân cách sống của mình như xì ke ma túy và các độc tố khác qua phim ảnh, sách báo đồi trụy. Phải biết bảo vệ sức khỏe và lòng tự trọng, nhằm giữ gìn nhân cách, thể hiện nếp sống có văn hóa đạo đức, lành mạnh.

Khi thực tập giới này, người cư sĩ tại gia tự bảo vệ cho mình, cho gia đình người thân và đóng góp tích cực vào xã hội để giúp những kẻ khác vượt khỏi vòng si mê nghiện ngập. Hiện thời, thanh niên vướng vào vòng ma túy rất đông đảo và quốc gia nào cũng đang cố gắng chặn đứng sự lưu hành của các chất ma túy.

Nguyên nhân chính của sự đam mê nghiện ngập là ở tâm con người, do lòng tham muốn hưởng thụ quá mức. Khi con người sống không lý tưởng, không có mục đích chân chính, bị gia đình ruồng bỏ, sẽ dễ rơi vào vòng tệ nạn xã hội mà nghiện ngập ma túy.

Ma túy làm hao tiền tốn của, hủy diệt con người không còn lý trí, lương tâm và là tệ nạn nguy hiểm số một của nhân loại, tác hại của nó còn gấp trăm ngàn lần rượu. Vì lòng tham của con người và vì lợi nhuận quá cao nên việc mua bán ma túy là một hiểm họa diệt vong của loài người trong tương lai, nếu không có biện pháp ngăn chặn thích đáng.

Bản chất của chúng sinh là ái dục và đam mê hưởng thụ. Chỉ có các bậc hiền thánh và các vị Bồ tát mới biết ngăn ngừa từ nhân vì biết rõ sự tác hại của nó. Ma túy hủy diệt mầm sống con người nhanh nhất trong hiện tại và mai sau, làm tổn thất tài sản lớn nhất hiện nay và làm cho con người mất hết phẩm chất đạo đức, nhân cách sống bình thường. Người mua bán ma túy vì lợi nhuận quá cao nên bất chấp luân thường đạo lý đem thứ chết người gieo giắc trong thiên hạ. Người đã nghiện ma túy sẽ trở thành tội phạm đến 95%, họ có thể trộm cướp, lường gạt và giết người một cách vô tội vạ. Đã dính vào vòng này muôn người chỉ có một hai người mới thoát ra được.

Rượu tác hại một, ma túy tác hại gấp trăm ngàn lần. Chính vì vậy, chúng ta hãy ý thức được những khổ đau do uống rượu say sưa, nghiện ngập và sử dụng các chất ma túy độc hại gây ra làm cho con người mất hết lý trí, lương tâm, tự hủy diệt chính mình và làm hại nhiều người khác. Người phật tử chân chính nguyện sẽ không dùng những chất độc hại đó để tâm trí được sáng suốt, lắng trong mà có cơ hội hoàn thiện chính mình, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Người phật tử chân chính có một nhân cách sống được người trí tán thán và khen ngợi, đó chính là biết từ bỏ sát sinh hại vật, trước tiên là không được giết người, kế đến là biết hạn chế giết hại từ con vật lớn cho đến các loài nhỏ nhít. Rồi chúng ta không gian tham trộm cướp hay lường gạt của ai, sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người và không uống rượu say sưa và dùng các chất độc hại như xì ke ma túy.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm