Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 01/01/2015, 08:45 AM

Đạo đức của người phật tử tại gia theo kinh Người Áo Trắng

Đạo đức là một phạm trù đặc biệt quan trọng của Phật giáo bên cạnh Thiền định và Trí tuệ. Các truyền thống Phật giáo khác nhau, có thể tồn tại nhiều dị biệt về các phương diện như nghi lễ, tập quán, thậm chí là triết lý giải thoát. Tuy vậy, tất cả các truyền thống đó đều thống nhất với nhau ở phương diện đạo đức: đều hướng con người, chúng sanh tới các giá trị, các chuẩn mực như là nền tảng của con đường đưa tới tự do, an lạc, giải thoát.

Trong chừng mực nào đó, có thể chia đạo đức Phật giáo theo nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào đối tượng và vị trí của đối tượng đó trong nấc thang tâm linh: đạo đức của người cư sĩ tại gia, đạo đức của người xuất gia. 

Ở mỗi đối tượng như thế, tùy theo từng cấp bậc, giới tính của họ, đức Phật đưa ra những nguyên tắc như là chuẩn mực đạo đức cần phải hoàn thiện. 

Ở đây, bài viết chỉ đề cập tới đạo đức và con đường hoàn thiện nó của người cư sĩ tại gia được đức Phật dạy trong kinh Người áo trắng – một bản kinh được xem là quan trọng nhất trong việc hướng dẫn đạo đức tâm linh người cư sĩ, phật tử trong mọi thời đại.
 
1. Ngũ giới hay Năm nguyên tắc đạo đức – yếu tố hoàn thiện nhân cách con người

Đạo đức trong kinh Người áo trắng, từ một cái nhìn tương đối, có thể chia thành hai cấp độ khác nhau, tạm gọi là đạo đức hành vi và đạo đức tâm thức. Ở cấp độ thứ nhất, nội dung của nó bao gồm việc tuân thủ, giữ gìn năm nguyên tắc hay năm khía cạnh mà theo đức Phật có khả năng hoàn thiện nhân cách con người, đưa tới một đời sống trong sạch, an vui, hạnh phúc trong kiếp sống hiện tại và tương lai.  

Nguyên tắc đạo đức thứ nhất là chấm dứt sự giết hại, tức tránh xa lối ứng xử thô bạo, hận thù, thích thú gây thiệt hại lên sự sống của sinh vật, dù sinh vật đó là con người hay các loài thấp bé khác. Đây là nguyên tắc hay giới thứ nhất mà người cư sĩ cần phải giữ gìn. Trong kinh điển và luật tụng hàng ngày, chúng ta thường biết tới giới thứ nhất này qua cụm từ không được sát sinh. Cụm từ này có nguồn gốc từ cụm từ bất sát sinh trong các bản luật tụng của người Trung Quốc. Thực chất cách dịch này không bao hàm hết ý nghĩa của giới thứ nhất mà đức Phật dạy trong kinh Người áo trắng. Theo bản kinh này, nội dung của giới thứ nhất được đề cập đến với một hàm nghĩa rộng hơn nhiều:   

“Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí giới, biết hổ biết thẹn, tập từ tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loại côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại.”

Như vậy, nguyên tắc hay giới thứ nhất không chỉ đơn thuần là không được sát sinh, xa lìa sát sinh mà còn phải khởi tâm từ bi, bảo hộ mạng sống của mọi loài. Điều đó cho thấy giới pháp của đức Phật không chỉ mang ý nghĩa luân lý, đạo đức hành vi thông thường mà còn hướng tới sự thực hành, chuyển hóa tâm thức từ bên trong: cần phải diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại. Chỉ khi nào đoạn tận tâm niệm giết hại, phát triển năng lực của từ tâm thì sự bảo hộ, giữ gìn giới thứ nhất mới được xem là trọn vẹn.

Nguyên tắc đạo đức thứ hai là xa lìa hành động không cho mà lấy. Đây là nguyên tắc mà người cư sĩ phải giữ gìn. Trong kinh Người áo trắng, nội dung của giới này được đề cập như sau:

“Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy.”

Ở đây, cũng như nguyên tắc hay giới thứ nhất, vấn đề không phải chỉ là không được phép lấy những gì không được sự đồng ý của người khác mà còn phải biết phát khởi tâm bố thí, tìm thấy niềm vui trong sự bố thí ấy. Đây thực chất là phương pháp diệt trừ tâm tham lam, vốn được xem là cái gốc của đời sống ích kỷ, nhỏ hẹp; hướng tới đời sống vô tham, biết chia sẻ, nâng đỡ cuộc sống mọi người. 

Có ba hình thức bố thí. Trước hết là bố thí vật chất, tức bố thí những gì chúng ta xem thuộc về sở hữu của mình. Đây là một sự thực tập. Tâm lý của chúng ta thường hay chiếm hữu. Do đó rất khó để chúng ta mở lòng ra bố thí cho người khác một cách hoan hỷ. Tuy vậy, một khi chúng ta nhận diện được rằng, hạnh phúc không phải đến từ sự tìm kiếm hay sở hữu quá nhiều vật chất thì khi đó, việc chia sẻ của mình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẵn sàng bố thí tất cả những gì mình đang có. Ngoài việc giúp đỡ, thương yêu người khác, chúng ta còn phải ta thương yêu, chăm sóc cuộc sống của mình. Hài hòa cuộc sống của mình và cuộc sống của người là một thái độ cần có của một người cư sĩ, phật tử.

Thứ hai là bố thí pháp. Thông thường chúng ta hay có xu hướng nghĩ rằng chỉ có những vị thầy lớn mới có khả năng bố thí pháp. Thực ra ai trong chúng ta cũng có thể bố thí pháp, bằng cách này hoặc cách khác. Không cần phải là một vị thầy, một nhà tâm lý trị liệu hay một nhà hùng biện, ai trong chúng ta cũng có khả năng đó. Bố thí pháp là bố thí, chia sẻ năng lực bên trong, không phải là bố thí, chia sẻ những gì bên ngoài. Chỉ cần ta hoan hỷ chia sẻ với mọi người về một hay một số kinh nghiệm mà ta thấy nó mang tới niềm tin, hạnh phúc, an lạc cho người thì ta đã là người bố thí pháp. Như thế ta không cần phải đợi đến khi trở thành một vị thầy, một nhà tâm linh, một nhà tâm lý trị liệu thì ta mới có thể trở thành một người bố thí pháp. Có thể bố thí ngay bây giờ và tại đây. Vấn đề không phải ta là ai, khả năng như thế nào. Vấn đề là là ở cái tâm, sự rộng lượng, thái độ vị mục đích chia sẻ, lợi tha của chúng ta.

Thứ ba là bố thí niềm tin chân chính. Có niềm tin chân chính thì người ta sẽ không còn sợ hãi những thứ vụn vặt vốn là sản phẩm của một thái độ, niềm tin mù quáng. Trong kinh điển Đại thừa phương pháp này gọi là bố thí vô úy. Phương pháp này giúp cho người khác từ bỏ các tà kiến sai lầm, thiết lập niềm tin chân chính. Đây là một vấn đề rất quan trọng, vì phần lớn chúng ta, một khi không có niềm tin chân chính thì rất dễ sa vào các con đường mê tín, thậm chí là cuồng tín - kẻ thù của một đời sống an lạc, hạnh phúc cá nhân và xã hội.

Nguyên tắc thứ ba là xa lìa các hành vi tà dâm. Đây là nguyên tắc hay giới thứ ba mà người cư sĩ phải giữ gìn. Trong kinh Người áo trắng, nội dung của giới này được đề cập như sau:

“Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm.”

Điều này cho thấy, để trở thành một ngưởi cư sĩ, phật tử chân chính, hay nói cách khác, để hoàn thiện đạo đức của người cư sĩ, phật tử, cần phải thiết lập một đời sống trong sạch về tình dục. Trong sạch ở đây được hiểu là không có sự mong muốn, thực hiện các hành vi tình dục có hại cho mình và đối tượng khác. Nó đòi hỏi chúng ta phải sống có trung thực, trách nhiệm với bản thân và người khác. Nếu chúng ta sử dụng năng tình dục với lòng tham, sự bám víu, chúng ta sẽ dễ dàng vi phạm nguyên tắc thứ ba này . Trong kinh điển Phật giáo, nguyên tắc thứ ba này thường được gọi là không được tà dâm. Đây là một thuật từ phải được hiểu ở nghĩa rộng, bao gồm tất cả các hành vi liên quan tới về tình dục. 

Mặt khác, có thể thấy rằng, sự hoàn thiện đạo đức ở phương diện này không chỉ dừng lại ở việc không được tà dâm mà còn hướng tới bảo hộ, giữ gìn khiến cho hành động tà dâm ấy không xảy ra với bản thân mình và người khác. Có nghĩa là ta phải thực tập sống có trách nhiệm, thương yêu bản thân và người khác. Chỉ có trách nhiệm và thương yêu mới thực sự giúp chúng ta có một đời sống trong sạch trong lĩnh vực này.

Nguyên tắc đạo đức thứ tư là xa lìa các hành vi nói dối. Đây là nguyên tắc hay giới thứ tư mà người cư sĩ phải giữ gìn. Trong kinh Người áo trắng, nội dung của giới này được đề cập như sau:

“Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hoàn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối.”

Xa lìa cách hành vi nói dối tức là nói sự thật. Kinh điển Phật giáo gọi là Chánh ngữ. Trong các bản luật tụng Hán ngữ, người ta chia giới này thành bốn phương diện khác nhau. 

Thứ nhất là không được vọng ngữ, tức không được nói dối, nói sai sự thật, nói dựng đứng khiến cho sự thật bị bóp méo, bị khúc xạ, không còn như bản chất của nó nữa. 

Thứ hai không được ỷ ngữ, tức không được sử dụng lời nói bóng bẩy, hoa mĩ có tính cách thêm thắt, gây ngộ nhận cho người khác.

Thứ ba không được ác khẩu, tức không được sử dụng những lời có tính cách miệt thị, trách móc, nguyền rủa, gây bất mãn, khổ đau cho người khác. 

Thứ tư là không được nói lưỡng thiệt tức nói trước sau bất nhất, gây chia rẽ, ly gián, hận thù.

Ở đây, có thể thấy, mặc dù chia thành bốn phương diện, nhưng thực chất của vấn đề chỉ có một. Đó là giúp cho người cư sĩ, phật tử sống có ý thức, trách nhiệm với lời nói của mình. Không để cho lời nói gây ra bất lợi, khổ đau cho mình và người khác. Cũng như các giới khác trước đó, giới thứ tư không những hướng người cư sĩ tại gia tới sự đoạn tận các tâm niệm nói dối, mà còn phải thực hiện nói những lời đúng sự thật, lời có tính cách chia sẻ, hàn gắn, khuyến khích, động viên, giúp cho đối tượng giao tiếp của chúng ta có niềm tin, có an vui và hạnh phúc.

Nguyên tắc đạo đức thứ năm là xa lìa và chấm dứt việc uống rượu. Đây là nguyên tắc hay giới thứ năm mà người cư sĩ phải giữ gìn. Trong kinh Người áo trắng, nội dung của giới này được đề cập như sau:

“Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu.”

Uống rượu hay sử dụng các chất gây say, nghiện khiến cho tâm trí của mình mê mờ, không còn tự chủ được nữa. Vì mê mờ, không tự chủ được bản thân, nên rất dễ đưa đến thực hiện các hành vi sai trái, mất tác phong đạo đức, mất nhân phẩm. Rất nhiều trường do uống rượu, sử dụng các chất gây say, nghiện dẫn tới các hành vi nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Do đó, không uống rượu và các chất gây say, nghiện chính là cách bảo vệ tác phong, phẩm hạnh cá nhân mình và cũng đồng thời góp phần bảo vệ, xây dựng cuộc sống của những người xung quanh.

2. Quán niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới - con đường đưa tới an lạc, hạnh phúc 

Đó cũng chính là cấp độ thứ hai của việc hoàn thiện đạo đức trong kinh Người áo trắng. Nội dung của con đường hoàn thiện này chính là quán niệm các đối tượng có khả năng đưa tới đời sống an lạc, hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại này. Các đối tượng này bào gồm: Phật, Pháp, Tăng và Giới.

Một là quán niệm về Phật hay nói đúng hơn là quán niệm về các thuộc tính giác ngộ thông qua các đức hiệu của Ngài. Trong kinh Người áo trắng, có 9 đức hiệu của đức Phật được đề cập đến:

“Như Lai là bậc Giác Ngộ chân chánh không còn dính mắc, là bậc Minh Hạnh Túc, là bậc Thiện Thệ, là bậc Thế Gian Giải, là bậc Vô Thượng Sĩ, là bậc Điều Ngự Trượng Phu, là bậc Thiên Nhân Sư, là Bụt, là Thế Tôn. Quán niệm về Như Lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.” 

Trong truyền thống Đại thừa, kinh điển liệt kê đến 10 đức hiệu của đức Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Các kinh điểm thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nói chung và kinh Người áo trắng nói riêng, liệt kê 9 đức hiệu của  đức Phật :

A) A la hán: Đức Phật là vị thầy chứng ngộ A la hán đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Trong văn học Phật giáo, A la hán thường được biết đến ở ba phương diện nghĩa như sau: 

- Một là Vô sanh, tức đức Phật là người không còn trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, không còn tái sinh vào các cảnh giới thấp kém, khổ đau, không còn vọng khởi các phiền não vô minh nữa. 

- Hai là Sát tặc, tức là người đã giết sạch, rủ bỏ mọi phiền não vô minh bằng con đường Thánh đạo

- Ba là Ứng cúng, tức là bậc đáng để Trời và Người tôn kính, lễ lạy và cúng dường

B) Chánh Biến Tri: Hay còn gọi là bậc Toàn giác, bậc Giác ngộ tối thượng. Chánh biến tri hay Toàn giác có hàm nghĩa rằng, đức Phật là vị thầy thấy biết toàn diện và đúng đắn bản chất của cuộc đời. Giác Ngộ Tối Thượng hay Chánh Đắng Giác là sự giác ngộ cao thượng nhất không có ai trên cuộc đời này có thể so sánh được.

C) Minh Hạnh Túc: Có nghĩa là bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh. Đây là thuộc tính đạo đức và giải thoát của đức Phật. Trí tuệ của đức Phật là trí tuệ chặt đứt mọi trói buộc có tính cách ô nhiễm, đưa tới an lạc, giải thoát. Đạo đức của đức Phật biểu hiện qua hành vi, cử chỉ, động tác, sinh hoạt trong sáng, vô nhiễm của Ngài. Hành vi, cử chỉ, động tác, sinh hoạt đó không chỉ thể hiện sự an lạc, giải thoát nơi bản thân đức Phật mà còn hướng tới việc chia sẻ, nâng đỡ, khuyến khích mọi người thiết lập một đời sống an lạc, hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại này.

D) Thiện Thệ:  Có nghĩa là khéo vượt qua mọi thứ dính mắc, trói buộc của cuộc đời. Nói cách khác, cuộc đời vốn nhiều khổ đau, và đức Phật đã khéo léo vượt qua mọi thứ khổ đau, trói buộc của cuộc đời, sống tỉnh thức, an lạc, và giải thoát trong từng phút giây hiện tại bằng con đường đúng đắn.

E) Thế Gian Giải: Nghĩa là đức Phật là vị thầy hiểu rõ, thông suốt con đường đưa đến cuộc sống ở thế gian, bao gồm ba cõi; đồng thời Ngài cũng hiểu rõ, thấu suốt con đường ra khỏi thế gian. 

F) Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu: Nghĩa là đức Phật là vị thầy có khả năng điều phục, chế ngự tâm ý một cách khéo léo; đồng thời cũng chế ngự, điều phục một cách khéo léo tâm ý người khác.

G) Thiên Nhân Sư: Đức Phật là vị thầy đáng tôn kính của Trời và Người. Cuộc đời của đức Phật là cuộc đời của một vị thầy tận tụy vì mục đích hướng dẫn, giảng dạy con đường đưa tới an lạc, hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. 

H) Phật hay đức Phật:  Trong bản dịch là Bụt, mang hàm nghĩa là vị thầy khai mở, phát hiện và đi hết con đường đưa tới an lạc, giải thoát bằng chính khả năng và sự nỗ lực của Ngài. Từ đó Ngài hướng tới một đời sống vị tha, chia sẻ, hướng dẫn người khác thực hành con đường tâm linh đó một cách không mệt mỏi.  

I) Thế Tôn:  Là bậc thầy được thế gian tôn kính.

Quán niệm các thuộc tính, phẩm chất này của đức Phật giúp cho người cư sĩ lắng trong được tâm ý, thiết lập được một đời sống trong sáng, cao đẹp đầy an lạc và hạnh phúc như chính lời dạy của đức Phật:

“Nhờ tưởng niệm tới Như Lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ nhất, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Điều này cho thấy quán niệm Phật là một phương pháp tu học mang tính tự thân thông qua nỗ lực quán niệm các phẩm chất, đức hạnh của đức Phật. Nhờ đó mà tâm được an trú, thành tựu được hạnh phúc trong hiện tại. Nó là kết quả của sự chú tâ, chánh niệm, là sự nội tĩnh từ bên trong, chứ hoàn toàn không phải là kết quả của niềm tin về một tha lực nào khác từ bên ngoài.

Hai là quán niệm về Pháp. Trong Phật giáo, Pháp có hàm nghĩa rất rộng. Tuy vậy, ở đây Pháp được hiểu theo nghĩa hẹp, tức chỉ cho giáo pháp hay những lời dạy của đức Phật. Quán niệm Pháp là quán niệm về những lời dạy của đức Phật:

“Vị ấy quán niệm như sau: Giáo pháp được đức Thế Tôn giảng dạy là giáo pháp diễn bày khéo léo, có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không phiền não, không nóng bức, có tính cách thường tại và không dời đổi.”

 Nhưng tại sao người cư sĩ phải quán niệm Pháp? Trong Phật giáo, Pháp hay lời dạy của đức Phật được xem là con đường đưa tới sự chuyển hóa, xa rời các khổ đau, sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. 

Trong các sách viết về Phật giáo Nguyên thủy, người ta thường dẫn ra nhiều đặc tính khác nhau của Pháp hay những lời dạy của đức Phật . Ở đây, trong kinh Người áo trắng, có thể liệt ra bốn đặc tính quan trọng của Pháp, bao gồm:

a. Được diễn bày khéo léo, tức đúng thời, đúng chỗ, đúng căn cơ trình độ của đối tượng tiếp nhận.

b. Đưa tới trạng thái giải thoát hoàn toàn, không phiền não.  

c. Mát mẽ, dễ chịu. 

d. Vượt không gian và thời gian. 

Trong các đặc tính này, đặc tính thứ hai là quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với đời sống tâm linh của người cư sĩ. Nhận thức, quán niệm Pháp như thế giúp cho người cư sĩ dừng lại các vọng tưởng, thiết lập chánh niệm trên các pháp, từ đó huân tập thêm các chủng tử thiện lành, xa rời các tâm lý ô nhiễm, cấu uế như chính đức Phật dạy :

“Quán niệm và giác tri như thế về Pháp thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.”

Ba là quán niệm Tăng hay Tăng già. Trong Phật giáo, Tăng được hiểu là một đoàn thể từ bốn người trở lên cùng sống hòa hợp, thanh tịnh trong giới pháp của đức Phật. Vào thời kỳ đức Phật còn tại thế, nhất là ở thời kỳ đầu, Tăng đoàn do Ngài hướng dẫn phần lớn là các vị Thánh Tăng. Quán niệm Tăng, do đó, chính là quán niệm về các vị Thánh Tăng trong giáo đoàn của đức Phật, vì các vị ấy đã, đang và sẽ thành tựu các quả vị giác ngộ, giải thoát:

“Vị ấy quán niệm như sau: Thánh chúng của Như Lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp. Trong thánh chúng ấy có các bậc A La Hán đã thành và đang thành, các bậc A Na Hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư Đà Hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu Đà Hoàn đã thành và đang thành, tức là có đủ cả bốn đôi và tám bậc. Thánh chúng của Như Lai đã thành tựu được Giới, được Tam Muội, được Bát Nhã, được Giải Thoát, được Tri Kiến Giải Thoát; thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.”

Tuy nhiên, dù ở thời đức Phật, Tăng đoàn do Ngài lãnh đạo không chỉ có Thánh Tăng mà còn có phàm Tăng. Do đó, quán niệm Tăng, có thể được hiểu là quán niệm cả Thánh và phàm Tăng. Nhưng tại sao phải quy y các vị Phàm Tăng? Bởi vì, các vị ấy là biểu trưng của sự thanh tịnh, hòa hợp. Không có những vị đó, thì giáo pháp của đức Phật không có cơ hội được truyền bá, được thực tập trên cuộc đời này. 

Hơn nữa, mặc dù những vị ấy còn là phàm Tăng, nhưng các vị ấy là những người tích cực và tiêu biểu nhất đang và sẽ hướng tới đời sống an lạc, giải thoát thông qua sự nỗ lực thực tập những lời dạy của đức Phật.

Cuối cùng là quán niệm Giới. Có thể hiểu giới ở nghĩa rộng, tức bao gồm cả luật. Trong Phật giáo giới luật là nền tảng của giáo lý, do đó, quán niệm giới luật là nương tựa, an trú trên nền tảng vững chắc đó. Nhờ đó mà người cư sĩ thành tựu được hạnh phúc ngay trong hiện tại này.  

Đối với người cư sĩ tại gia, quán niệm giới luật chính là quán niệm, thực tập Năm nguyên tắc đạo đức, năm phẩm chất đức hạnh mà họ đã phát nguyện thọ trì. Nhờ thực tập, quán niệm như vậy, tâm ý của họ được lắng trong, hướng thượng, đạt được hạnh phúc trong hiện tại như chính đức Phật khẳng định:

“Nhờ tưởng niệm tới Giới mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ tư, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.”

Từ những gì đề cập ở trên cho thấy, con đường hoàn thiện nhân cách, đạo đức, của người cư sĩ không chỉ là giữ gìn Năm giới hay Năm nguyên tắc đạo đức, phẩm hạnh mà còn phải kết hợp với việc thiết lập chánh niệm, thực tập chuyển hóa thân tâm bằng con đường quán niệm bốn đối tượng cao quý, Phật, Pháp, Tăng và Giới. Chính sự quán niệm thực tập chuyển hóa này giúp người cư sĩ không đọa lạc vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh và các đường dữ khác; đưa đến sự chứng đắc quả vị Nhập lưu, tức vào dòng Thánh như đức Phật khẳng định trong bản kinh này. 

THAY LỜI KẾT

Thứ nhất, có thể thấy, cách chia hai cấp độ đạo đức hành vi và đạo đức tâm thức như trên thực chất chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế hành vi luôn gắn liền với tâm thức, do tâm thức làm chủ, vận hành. Do đó, không thể tách rời hành vi với tâm thức. Tuy vậy, vẫn có thể thấy rằng việc giữ gìn Năm giới hay Năm nguyên tắc đạo đức, so với việc phát triển các tâm cao đẹp thông qua việc quán niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới thì nó thiên về hành vi hơn.
 
Thứ hai, một điểm rất quan trọng mà phần tụng văn của bản kinh này đề cập  là, con đường hoàn thiện đạo đức, thiết lập một đời sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này hoàn toàn mang tính bình đẳng, khách quan. Nội dung của nó mang tính phổ quát, có thể ứng dụng cho tất cả mọi người, thuộc bất kỳ giới tính, tôn giáo, truyền thống, dân tộc bất kỳ trên thế giới.

Thứ ba, sự hoàn thiện đạo đức trong kinh Người áo trắng không đơn thuần chỉ là bổn phận hướng tới an lạc, hạnh phúc của đời sống cá nhân mà còn là trách nhiệm, hướng tới sự lợi lạc, bình an của cộng đồng xã hội; đồng thời nó cũng chính là bước chân đầu tiên của chặng đường đi tới giải thoát, giác ngộ theo tinh thần lời dạy của đức Phật.

Thứ tư, có ý nghĩa quan trọng hơn cả là, an lạc, hạnh phúc của mẫu người cư sĩ lý tưởng trong kinh Người áo trắng là kết quả của quá trình nỗ hoàn thiện đạo đức tự thân. Nó hoàn toàn không phải là kết quả của một niềm tin, sự chờ đợi như là một tín ngưỡng tôn giáo mang tính dân gian thiếu thực tế và sống động.

Thích Phước Toàn/Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2014
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Đức Triều Tâm Ảnh 2008: Phật học tinh yếu. – NXB Phương Đông.
2. Joseph Goldstein, Jack Kornfield (Pháp Minh Trịnh Đức Vinh dịch) 2013: Thiền quán – con đường của tuệ giác. – NXB Từ điển Bách khoa.
3. Thích Nhất Hạnh dịch 2000: Kinh Người Áo Trắng. – NXB Lá Bối.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm