Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 17/10/2016, 09:30 AM

Đạo đức y khoa dưới góc nhìn của đạo Phật

Ngày 04/09/Bính Thân (04/10/2016), TT Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, nhận lời mời của PGS. TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư, đã thuyết giảng đề tài "Đạo đức y khoa dưới góc nhìn của đạo Phật" tại hội trường J, bệnh viện Nhi T.Ư (số 18, ngõ 879 đường La Thành, Đống Đa, Hà Nội), với sự tham dự trên 800 người, bao gồm các y, bác sĩ, các thầy thuốc, các cán bộ công nhân viên, các bệnh nhân và đông đảo phật tử xa gần.  

 
Trong phạm vi đề tài này, Thượng tọa đã chỉ rõ tính chất, đặc điểm, vai trò, thiên chức của những người hoạt động trong ngành Y. Đây là tiền đề quan trọng để các y, bác sĩ làm tốt công việc của mình dù là ở thời đại nào.

Thêm nữa, bài Pháp cũng đề cập đến một công việc mới của người thầy thuốc, đó là việc chữa lành cái nghiệp, giúp chúng sinh duy trì cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài. Đây thực sự là một điều mới mẻ, nhưng vô cùng quan trọng, vì khi nghiệp hết thì bệnh của con người mới khỏi hoàn toàn, công việc của người thầy thuốc mới kết thúc thực sự.

Mở đầu, Thượng tọa cho rằng: Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, bên Đông y của ta đã tiếp nhận tiền đề về âm dương ngũ hành của Trung Quốc. Tiền đề này rất lạ, nó bắt ta tin chứ không có cơ sở khoa học gì để chứng minh. Ứng dụng ngũ hành vào sự phát triển của cơ thể con người, ta thấy nó có sự gượng gạo, nào là Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Thổ,… Vậy nhưng từ xưa, hệ thống Đông y phát triển và chữa rất nhiều bệnh dựa trên cơ sở đó. Có những bộ tộc trong rừng không hề có lý thuyết, khi mắc bệnh họ chỉ biết tìm lá cây nhai - nuốt - ăn để chữa. Cái giỏi của người Thầy thuốc là có kiến thức về cây thuốc trong rừng thôi, chứ không có lý luận về bệnh tật. Nhưng đến ngày nay, kiến thức về lá cây thảo dược vẫn là điều mà nền y học hiện đại phải tìm tòi, không thể xem thường bởi nó đã chứng tỏ hiệu quả trong nhiều nghìn năm. 
 
Có thể thấy Y học phát triển dần theo sự tiến bộ của con người. Minh chứng cho điều này là ngày càng nhiều phương tiện, máy móc hiện đại, phục vụ cho Y học được phát minh, sáng chế. Tuy nhiên, con người vẫn khổ sở, vất vả trong việc chống chọi với bệnh tật. Những lúc thế này mà có người xuất hiện, xoa dịu nỗi đau khổ cho ta thì đó là ân nhân, giúp ta sinh lại một lần nữa.

Đi sâu vào bài Pháp, Thượng tọa tản mạn về ý nghĩa của chữ “Thầy”. Và từ những phân tích đó, Thượng tọa khẳng định “Thầy thuốc” là những người đứng ở vị trí cao hơn loài người một bậc. Ai gắn được chữ Thầy vào trong trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức để tận tụy cống hiến, hy sinh cho cuộc đời thì đáng quý vô cùng.

Chữ “Hy sinh” được sử dụng ở trên mang ý nghĩa là làm mà không nghĩ đến quyền lợi của mình. Ngày nay, thầy thuốc chữa bệnh giống như đang làm dịch vụ, trao đổi, nghĩa là có sự cân đong, đo đếm lợi nhuận, tính cái thu, cái chi. Việc xem chữa bệnh như một dịch vụ trao đổi là cực kì tàn nhẫn so với ý thức văn hóa phương Đông và ý thức văn hóa của loài người ngày xưa.

Không chỉ Y học mà giáo dục cũng vậy. Biến việc dạy học thành một dịch vụ cũng tàn nhẫn không kém. Ngày xưa, thầy giáo xem việc dạy học là một thiên chức để họ cống hiến, hy sinh. Ngày nay, họ lại đem việc dạy học ra để mua bán khiến hình ảnh đẹp về người “Thầy” bị biến dạng, vai trò của người thầy cũng vì thế mà bị hạ thấp xuống. Thượng tọa lo lắng rằng, nếu các bậc cha mẹ đem việc nuôi dạy con cái thành một dịch vụ nốt thì thế giới sẽ tận thế luôn.

Thượng tọa công nhận rằng dựa trên đạo đức mà nói thì thật là đau lòng khi những điều cao quý bị lợi ích, đồng tiền chi phối, điều khiển. Tuy nhiên nếu dựa trên thực tế, có chi ắt phải có thu thì bệnh viện mới vận hành, tồn tại và đáp ứng nhu cầu của đông đảo bệnh nhân. Trong mọi lĩnh vực cũng như mọi hoạt động của cuộc sống, ta không thể xa rời cái thực tế, nhưng đặt nặng nó quá thì lại biến thành thực dụng.

Nói thì đơn giản nhưng thực sự rất khó khăn vì ranh giới giữa thực tế và thực dụng rất mong manh, ta phải đấu tranh với chính mình vì không ai có thể giúp ta được. Một bên là thiên chức của người thầy thuốc gọi ta phụng sự, hy sinh, xoa dịu nỗi đau cho cuộc đời. Một bên là duy trì sự tồn tại của bệnh viện, bảo đảm mọi điều kiện tốt cho việc chữa bệnh và việc phải trả lương cho Cán bộ, công nhân viên. Cho nên, người khổ tâm nhất chính là người chịu trách nhiệm về cả hai mặt, vì chúng cứ mâu thuẫn, giằng xé nhau. Phải làm thế nào để vừa giữ được hình ảnh cao đẹp về thiên chức của người thầy thuốc, nhưng vẫn bảo đảm việc duy trì đời sống cho các cán bộ, công nhân, viên chức? Thật là bài toán khó.

Để tìm ra đáp án cho bài toán trên, Thượng tọa đưa ra gợi ý là dựa vào nhân quả. Nhà nước đã ban hành các quy định, cho phép bệnh viện thu viện phí, bán thuốc lấy tiền. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân không có đủ điều kiện để chi trả các khoản viện phí thì sao? Lương tâm, đạo đức của người thầy thuốc không cho phép chúng ta được từ chối một người bệnh nào, nhất là khi những người bệnh lại là các em bé. 

Nhìn những bệnh nhi, chúng ta thấy được sự ngây thơ, thấy được cả một tương lai đầy hứa hẹn, thấy được cả tình yêu thương giống như ta đã giành cho con cái mình. Các em nằm đây thì là bệnh nhi, nhưng khi các em khỏi bệnh, bước ra ngoài cuộc đời, tương lai các em có thể sẽ là những thầy giáo, bác sĩ, nhà khoa học, v.v… đem lại vinh quang cho đất nước. Cho nên, dù viện phí không đủ, thậm chí là không có một đồng nào, với tư cách là một thầy thuốc, chúng ta vẫn cứ mang những hi vọng tốt đẹp để chữa bệnh cho các em. Đây mới thực sự là những người thầy thuốc có tâm.

Hơn nữa, sống trên đời mà biết liều mạng để yêu thương, tử tế với nhau thì trời đất, nhân quả sẽ không bao giờ bỏ rơi ta. Ngược lại, sẽ có những may mắn nào đó bù đắp lại cho cuộc đời mình. Vậy nhưng, ta phải biết giúp những người thật sự cần giúp chứ đừng mù quáng giúp cho hết, vì cuộc đời có rất…rất nhiều người. Một ngày nào đó, nhân quả sẽ đến với ta gấp bội lần, dấu hiệu là tâm ta ước gì thì được nấy. Điều này trong đạo Phật gọi là phước như ý. 

Lại thêm, không có môi trường nào đẹp bằng môi trường Y khoa, nơi các thầy thuốc xoa dịu nỗi đau cho một em bé là xoa dịu nỗi đau cho cả một gia đình. Chưa nói đến việc xoa dịu nỗi đau cho nhân loại, đem lại hạnh phúc cho muôn người, chỉ việc đem lại hạnh phúc cho một gia đình thôi thì nội cái niềm vui đó đã làm cho người thầy thuốc rất có phước. Theo luật nhân quả của đạo Phật, phước tính theo niềm vui mà ta mang đến cho cuộc đời. Nghĩa là ta mang lại niềm vui cho người khác thì hạnh phúc về lại với chúng ta. Ngược lại, ta đem nỗi đau khổ cho người thì bất hạnh sẽ trở lại với ta. Gieo nhân nào gặt quả nấy, đó là sự công bằng.

Thầy thuốc là người đi xoa dịu một trong những nỗi đau lớn nhất mà đức Phật đã nói “Sinh - lão - bệnh - tử”. Thế nên, thấy người bệnh ta cứ liều mạng mà chữa dù cho có lỗ. Tuy bây giờ ta lỗ nhưng ta lại có thể mang lại niềm vui cho một gia đình nghèo, cứu sống sinh mạng của một em bé (chủ nhân tương lai của đất nước), đồng thời góp phần làm giảm tỉ lệ tội phạm. Không biết sau này em bé đó lớn lên sẽ trở thành một người như thế nào, nhưng ta cứ mong em sẽ trở thành một người tài năng, đóng góp nhiều cho xã hội để mà hết lòng cứu chữa. 

Hình ảnh một người bác sĩ giỏi, tận tụy, nhiệt tình nhiều khi lại trở thành hình ảnh lí tưởng cho các em bệnh nhân phấn đấu, theo đuổi suốt cuộc đời. Bên cạnh cái nghiệp vụ, nó lại là điều giáo dục không lời. Dù không nói một lời nào nhưng thái độ của người thầy thuốc đã toát lên cái thiên chức của họ. Điều này đã cảm hóa, giáo dục và gieo một điều thiện vào tâm hồn các bệnh nhi. Khi các em biết rằng, trong cuộc đời này, ngoài bố mẹ ra còn có rất nhiều người khác yêu thương mình, đồng nghĩa với đó là mình cũng phải biết yêu thương, chăm lo cho người khác như vậy. Thế là, ta đã góp phần định hướng một điều thiện vào trái tim các em.

Quay trở lại luật nhân quả, chuyện gì cũng do ta gieo nhân từ đời trước nên không có gì là ngẫu nhiên cả. Ngay cả việc mắc bệnh cũng là do nhân quả mang lại. Luật nhân quả không phải là cái cớ để ta quay lưng lại với con người. Ngược lại, nó thúc đẩy ta đem lại điều thiện cho cuộc đời, gieo cái nhân lành cho chính mình.

Luật nhân quả có cố định và bất định nên nó có cả nhân quả cũ và nhân quả mới. Ta xuất hiện ở cuộc đời này là ta mang theo cả nhân quả đời trước và nhân quả hiện tại. Khi ta đang sống ở đây là ta đang nhận cái quả từ đời trước và gieo nhân quả cho những quả đời sau. Việc gieo nhân này kéo dài suốt cuộc đời ta.

Trong cuộc sống, ta đừng khờ dại đối xử với nhau dựa trên tình cảm mà hãy đối xử bằng đạo đức, như vậy mới bền, đẹp và không có đòi hỏi. Ta tốt với người khác thì cũng không cần người khác tốt lại, vì cái tốt, cái tử tế của ta đều bắt nguồn từ đạo đức, không đòi hỏi sự báo đáp. Tuy nhiên, ta vẫn mong mọi người biết yêu thương nhau. Tình yêu thương này có thể là xuất phát từ nhân quả trong quá khứ, cũng có thể là do bản năng tự nhiên ở hiện tại mang lại.
 
Bệnh tật cũng vậy. Bị bệnh là nghiệp và được chữa khỏi bệnh là có phước. Người bị bệnh nhưng tự khỏi mà không cần đến bệnh viện, nói theo Y học thì họ có sức đề kháng tốt, còn nói theo nhân quả thì họ có phước dày. Người bị bệnh nhưng khỏi được là do gặp được đúng thầy, đúng thuốc. Duyên này nhân quả gọi là đủ phước. Những người bị bệnh mà không chữa được khỏi là do không đủ phước. 

Có một thực tế là kinh nghiệm và trình độ của các thầy thuốc không giống nhau. Thầy thuốc mà chữa bệnh nhanh khỏi, được gọi là những người “Mát tay” hay còn gọi là “Phục dược”. Nhưng thực tế, lấy đâu ra cái tay “Phục dược”. Đó chỉ là những người có phước, chịu khó tụng kinh, niệm Phật nên được Phật gia hộ, chỉ bảo. Những người bệnh đến với họ cũng là những người sắp trả hết nghiệp, đã đến lúc khỏi bệnh. Đây thực sự là cái nhân duyên gặp nhau.

Hiện nay, việc định bệnh phải dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp và biểu hiện của bệnh nhân. Vậy nhưng, cũng có những người không cần dựa vào những yếu tố đó mà vẫn nói đúng bệnh vì họ có thiện tâm. Khi cái tâm ta thiện thì quả báo nó đến, làm xuất hiện cái trực giác, vượt khỏi sự thông minh. Rõ ràng, thông minh cũng là một quả báo, nhưng trực giác là một quả báo cao hơn, nó không cần tới sự suy luận dựa trên các dữ liệu. Đây cũng là sự khác nhau giữa trực giác và thông minh. 

Để có được cái thiện tâm, cái trực giác này thì phải là người thầy thuốc có tâm yêu thương bệnh nhân, biết đặt nhẹ cái đời sống, cái lợi nhuận xuống. Lúc này, ta dùng chữ ‘Thầy” để gọi họ là hoàn toàn xứng đáng vì từ “Thầy” là từ rất cao cả mà người xưa đã để lại, bởi vì cái tâm thiện, tâm đạo đức, tâm yêu thương con người.

Theo Thượng tọa, nghề thầy thuốc là nghề làm cho tình yêu thương của ta nảy nở mạnh hơn những nghề khác. Bệnh nhân cũng không phải là những người bình thường mà họ là những người đau khổ. Đứng trước người bệnh giống như đứng trước hai ngã rẽ: Một là ta bị cái nghiệp của họ đánh vào tâm khiến ta chán ghét; hai là ta giữ được cái thiện tâm của mình, giúp mình càng yêu thương họ hơn, vì họ đau khổ, họ thiếu phước. Nếu bước theo ngã rẽ thứ nhất thì tâm ta dần trở nên chai lì trước nỗi khổ của người bệnh. Lúc đó, ta còn tệ hơn một người bình thường ngoài xã hội. Ngược lại, nếu ta biết động tâm yêu thương với bệnh nhân và nuôi dưỡng tình yêu thương này suốt cuộc đời thì ta sẽ trở thành Thánh. Cái khắc nghiệt của ngành Y không cho ta đi con đường ở giữa.

Nhân đây, Thượng tọa phân tích thêm rằng: Người bệnh đến với ta là do họ có cái nghiệp. Cái nghiệp đó chạm đúng đến cái nguyện của ta trong quá khứ. Từ nhiều kiếp trước, ta đã gieo nhân được chữa lành bệnh cho những người đau ốm rồi, nên kiếp này ta mới vào ngành Y. Đây cũng là do nhân quả chứ không phải ngẫu nhiên. Vậy nên, khi bắt đầu học ngành Y là ta mang theo cả cái nguyện ước từ kiếp trước. Cái nguyện này đi theo ta suốt cuộc đời, nên ta chờ đợi những người mắc nghiệp đến để ta cứu chữa. Vì thế, cái nghiệp của người khác nhưng là cái nguyện của ta, hai cái này độc lập với nhau. Đến một ngày, vì một lí do nào đó mà ta rời bỏ cái nguyện của mình, không còn yêu thương và mong cho bệnh nhân hết bệnh nữa thì cái nguyện đó bắt đầu tàn lụi, kiếp sau không còn quay lại nữa, ta sẽ đi theo con đường khác.

Đức Phật đã nói bệnh là một trong tám nỗi khổ triền miên của con người. Từ lúc khai sinh lập địa đến nay, con người luôn cần thầy thuốc đi bên cạnh cuộc đời của họ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Ngay cả thời đức Phật, Ngài luôn có một vị Y sĩ nổi tiếng ở bên cạnh để chữa trị cho Tăng đoàn, dù đời sống của họ rất lành mạnh. Hằng ngày, họ ăn uống đạm bạc, siêng năng thiền định nhưng vẫn có bệnh. Vậy nên, vẫn cần một Y sĩ bên cạnh và luôn luôn là như vậy.

Vậy mới thấy “Bệnh” là nỗi đau triền miên của con người. Và hình ảnh người thầy thuốc đi bên cạnh để xoa dịu nỗi đau nhân loại thật là đẹp biết bao nhiêu, dù ta chữa bệnh chỉ là chữa cái ngọn chứ chưa chữa được cái nghiệp (cái gốc của căn bệnh).

Để công việc chữa bệnh được thuận lợi, Thượng tọa khuyên các thầy thuốc phải nâng cao tính “Mát tay”, tính phục vụ của mình. Nếu nói tay nghề giỏi cũng không phải, nó là một cái tâm linh gì đó, cao hơn, vững chắc hơn cả các xét nghiệm của khoa học và phương pháp chữa trị của ta. Thêm nữa, phải có khả năng sửa được nghiệp của người bệnh, khi đó họ mới thực sự hết bệnh. Nghĩa là, người thầy thuốc giỏi phải là người nhìn được luôn cái nghiệp của bệnh nhân để chữa trị bệnh tận gốc.

Ví dụ ung thư là căn bệnh rất kì lạ, nếu nói theo lý thuyết là tế bào nào đó trong cơ thể đã phát triển loạn xạ không theo quy luật, giống như có con đường riêng, tâm thức riêng, nhưng lại sống kí sinh và lấy sức sống của cơ thể vật chủ, làm cơ thể đó đau đớn. Giống như một kẻ thù đã được gắn vào trong cơ thể, nó càng lúc càng quậy phá dữ dội và càng lúc càng di căn càng nhiều. Chúng tôi thường nhìn ung thư trên khía cạnh tâm linh như vậy. Có những phật tử khi phát hiện ra ung thư, ngoài những biện pháp hỗ trợ như uống lá cây cỏ, họ còn thiết tha sám hối, cầu nguyện cho vong linh trong khối u mau siêu thoát. Có người hàng ngày sám hối, trò chuyện, khuyên khối u tu hành, giống như là đang nói pháp cho nó nghe. Vậy mà thời gian sau khối u biến mất một cách kì lạ.

Chúng ta phải biết bệnh của con người thật sự gắn với tâm linh rất nhiều. Có chữa trị được tận gốc cái nghiệp thì người bệnh mới đỡ khổ. Người Bác sĩ cũng phải biết nâng tâm đức của mình lên, để mình không chỉ chữa bệnh mà còn chữa luôn cái nghiệp. Nghĩa là ta không chỉ đứng ở vị trí thầy thuốc mà còn đứng ở vị trí người “Thầy”, dạy cho bệnh nhân về đạo đức, để họ sống một cuộc sống khác mà giữ cái phúc cho mình và cho những người xung quanh.

Lại nữa, những người chữa bệnh, bốc thuốc còn phải tĩnh tâm bằng thiền định. Tĩnh tâm hay thiền định là gì? Là không suy nghĩ, nhưng không suy nghĩ mà vẫn tỉnh táo, nó khác với giấc ngủ. Ngủ là ta không biết gì, còn Thiền định không suy nghĩ mà vẫn tỉnh vẫn sáng suốt. Cái tĩnh tâm này rất lạ, nó là điều mà cả thế giới đang bắt đầu nghiên cứu. 

Tĩnh tâm bằng thiền không chỉ được ứng dụng trong Y học mà còn được thực hiện ở nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực. Ví dụ Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm cho trẻ em học thiền; Công ty Samsung bắt nhân viên phải ngồi thiền,…Sau khi ngồi thiền, họ thấy con người trở nên thông minh hơn. Khoa học giải thích rằng khi vỏ não của chúng ta bớt đi những xung động thì chất xám được tái sinh và trở nên dồi dào.  Thiền định không chỉ làm cho con người trở nên thông minh mà còn giúp rèn luyện tính kiên nhẫn. Đối với Y học, sự thông minh giúp ta chẩn đoán, chữa trị bệnh hiệu quả, chính xác. Tính kiên nhẫn giúp ta linh hoạt, chịu đựng được những thái độ cực kì phức tạp của vô số bệnh nhân. 

Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh lại: Người thầy thuốc ngoài nghiệp vụ chữa bệnh còn phải chữa nghiệp cho bệnh nhân để bảo đảm cho họ đời sống mạnh khỏe, hạnh phúc lâu dài. Một người thầy thuốc của thời đại mới, bên cạnh thiên chức của mình còn phải kiêm luôn thiên chức của một người thầy giáo, dạy đạo đức cho người bệnh, chữa lành luôn cả tâm hồn của họ. Về mặt này, không ai làm tốt hơn người thầy thuốc, vì đây là những người đi xoa dịu nỗi đau cho người khác, nên được nhiều người tin tưởng, yêu mến.
 
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa gửi lời cảm ơn đến Bác sĩ Lê Thanh Hải cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên, công nhân viên của bệnh viện đã có lời mời và tạo điều kiện để buổi thuyết Pháp diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Đồng thời, Thượng tọa cũng thay mặt các bệnh nhân gửi lời cảm ơn đến toàn bộ những người đang làm việc, cống hiến, hy sinh để xoa dịu nỗi đau, chữa lành bệnh cho chúng sinh trên toàn thế giới. Thượng tọa hy vọng các Y bác sĩ luôn giữ vững được cái nguyện của mình để đồng hành, bước tiếp cùng cuộc sống của các bệnh nhân.

Tóm lại, bài Pháp thoại này được nói trong phạm vi một bệnh viện, nhưng lại hướng đến toàn bộ những người đang làm việc trong ngành Y học. Nó đã chỉ rõ vai trò, thiên chức của những người đang ngày đêm lao động, cống hiến để xoa dịu nỗi đau cho những bệnh nhân. Đây là công việc thật sự vất vả, nhưng vô cùng cao quý và cần thiết dù là ở thời kì nào.

Lại thêm, đạo đức xã hội đang bị suy thoái nghiêm trọng, khiến tất cả các Ban ngành đều phải vào cuộc. Vai trò của đạo đức với xã hội đã được chứng minh qua hàng nghìn năm, nên việc dạy đạo đức lúc này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Xét về tính đặc thù cũng như hoàn cảnh làm việc, người thầy thuốc có cơ hội nhiều hơn những người khác trong việc truyền bá đạo đức. Trước bối cảnh này, Thượng tọa hy vọng những ai đã, đang và sẽ làm trong ngành Y, bên cạnh việc làm tốt thiên chức chữa bệnh của mình thì hãy làm tốt cả thiên chức dạy đạo đức của một người “Thầy” đúng nghĩa. Như vậy, mới thấy sự chữa lành bệnh cho các bệnh nhân, thật sự xứng đáng với chữ “Thầy” đáng kính mà người đời vẫn gọi.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm