Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 10/04/2016, 06:55 AM

Đạo pháp trong dòng chảy quê hương, thế giới trong tình yêu dân tộc

Ngày 30/03/2016, nhân lễ tôn trí tượng Phật ngọc cho hoà bình thế giới tại chùa Hoằng Phúc (Quảng Bình) từ ngày 27/03 - 05/04/2016, TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng đề tài “Đạo Pháp trong dòng chảy quê hương, thế giới trong tình yêu dân tộc”, với sự tham dự  của gần 1000 đồng bào phật tử tại địa phương. 

Bài Pháp thoại giúp cho các phật tử biết vai trò quan trọng của tình yêu trong cuộc sống mỗi con người. Từ đó, mỗi phật tử biết mở rộng lòng mình để yêu thương hết tất cả chúng sinh trong vũ trụ này. Dù đây chỉ là ý nhiệm nhưng góp phần xây dựng một hành tinh thân thiện, yên bình.

Trước khi bắt đầu bài Pháp, Thượng toạ bày tỏ niềm vui mừng trước sự thay đổi trong đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của người dân Lệ Thủy. Việc tôn trí tượng Phật Ngọc tại chùa Hoằng Phúc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phật tử đến chiêm bái, lễ lạy, cầu nguyện... Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đến sự phát triển của Phật pháp cũng như đời sống tâm linh của người dân trong vùng. Phật ngọc về đây chính là một điềm lành, hứa hẹn sẽ đem lại những điều tốt đẹp mới cho mọi người ở đây. 
 
Nói đến đạo Phật, Người khẳng định đây là đạo đã được khoa học và con người công nhận là đạo đẹp nhất, đứng số một trong tất cả các đạo trên thế giới. Khoa học càng phát triển, càng chứng minh rằng những giáo lý trong đạo Phật là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với mọi thời đại. Và thật may mắn cho chúng ta khi ông cha mình đã chọn đạo Phật để tin và đi theo ngay từ đầu, để chúng ta được hưởng những điều tốt đẹp mà đạo Phật mang lại ngay từ khi sinh ra.

Đi vào bài Pháp thoại, Thượng toạ dẫn dắt mọi người suy nghĩ về quan niệm “tình yêu thương”. Lấy một ví dụ và cho rằng rất khó để trả lời cho câu hỏi tại sao ta có mặt trên cuộc đời này, nhưng mục đích chúng ta sống chỉ có một, đó là “Ta sống vì những điều ta yêu thương”. Để hiểu điều này, Thượng toạ đã dẫn giải theo từng cấp độ yêu thương từ thấp đến cao. Ví dụ: Tình yêu thương trong ta đầu tiên là dành cho những người trong gia đình (ba mẹ, ông bà…), sau đó là yêu thương những người xung quanh (bạn bè), rồi tình yêu nam nữ, lớn hơn nữa là tình yêu nước, tình yêu thế giới, v.v… 
 
Tuy nhiên, thế giới là cái gì mênh mông trừu tượng quá ta không thấy. Cái ta thấy là gia đình, xóm làng, bạn bè. Còn ai giỏi lắm mới thấy được quê hương này để yêu thương. Mà người Việt Nam mình đa phần là người yêu nước - là người đã nhìn ra khỏi lũy tre làng để thấy được dãi đất hình chữ S mà yêu thương. Người như vậy đã giỏi lắm rồi, chứ ít có người nào nhìn ra khỏi biên giới Việt Nam để có thể yêu thương được cả thế giới. Đó là khi có trí tuệ thì trái tim ta mở ra theo trí tuệ đó, ta nhìn thấy cả thế giới, và ta thấy loài người phải yêu thương nhau. Người nào tới mức độ này thì là một giống loài cao cấp của hành tinh. 

Còn người chỉ yêu thương bản thân mình thì trước sau gì chết cũng đọa làm súc sinh, hoặc làm người có ở chỗ nào cũng chỉ làm người ta ghét, vì họ đã chẳng thương ai, lúc nào cũng lo cho mình, thậm chí có lập gia đình họ cũng không có trách nhiệm với vợ con. Người khá hơn là người có trách nhiệm đối với gia đình, nhưng chỉ biết có gia đình mình thôi, không quan tâm người khác, người này cũng sống được đó, nhưng phước không bao nhiêu, rất dễ bị đọa làm súc sinh, do trách nhiệm đối với gia đình không đủ tạo thành để đời sau được làm người. 
 
Khá hơn, người biết đối xử trong đó có cân đối, tức vừa biết lo cho gia đình, vừa lo cho cộng đồng (bắt đầu cái tình yêu thương của họ rời khỏi phạm vi của gia đình). Đây là mẫu người đạo đức, người này sau khi chết thường phải trở lại làm người - một người tử tế, tương đối khá giả đàng hoàng. Thế nhưng, tuy một người biết hành xử cân đối nhưng mà cái biết đó chưa có đậm đà, chưa đủ lớn, nó còn trong phạm vi biết điều chừng mực (bánh ít đi bánh qui lại), chứ không phải là quá tốt. 

Chỉ những người rất đạo đức, biết tu, tin sâu nhân quả, có tình yêu thương chan hòa thật sự thì mới có cái gọi là rất tử tế với mọi người. Đối với họ hàng, làng xóm hay đồng nghiệp… hễ làm được gì hay thấy ai cần gì thì họ cố gắng giúp hết mình trên tinh thần có qua không cần có lại. Với tấm lòng trải ra được khỏi gia đình, tử tế với mọi người thì người này sau khi chết nếu đầu thai lại làm người thì phải là người giàu sang, còn không trở lại làm người thì phải lên cõi trời. Nhân quả là như vậy. 

Chính nhờ những tình cảm yêu thương mà chúng ta biết sống thiện, biết nghĩ cho những người xung quanh, biết phấn đấu cho những lí tưởng cao cả. Thường những người sống để yêu thương, làm việc gì cũng bắt nguồn từ tình yêu thương thì họ có phước. Ngược lại, những người ích kỹ chỉ nghĩ đến bản thân thì làm việc gì cũng dễ mang tội, cái phước từ đó mà mất dần đi, khi chết cũng chỉ đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nhân đây, Thượng toạ lý giải còn một loại tình cảm cao hơn là người yêu thương được những cộng đồng mà mắt mình không thấy, tai mình không nghe, nhưng trí tuệ nhìn thấy và trái tim gửi tình yêu theo đó, ví dụ như khái niệm về “Tổ quốc”. Người nào tới mức độ yêu thương vượt khỏi cái cộng đồng mà mình tiếp xúc là bắt đầu đặc biệt, phi thường rồi. 

Trên thực tế, Việt Nam ta có rất nhiều người có tình yêu thương cao cả này. Ví dụ  trong chiến tranh, khi đất nước bị xâm lược, ta biết rằng đồng bào mình nơi này nơi kia đang bị khổ ách, bị giày xéo, bị giết hại, dù mắt ta không thấy nhưng lòng yêu nước bừng bừng khởi lên, tự ái dân tộc nổi lên, thế là ta lên đường, cầm gươm cầm súng mà chiến đấu để dành lại độc lập cho đất nước này. Đây là dạng người yêu thương được cộng đồng mà mắt không thấy, tai không nghe. Tình cảm này ta gọi là tình yêu nước. 

Sở dĩ chúng ta nhớ ơn, cảm ơn các anh hùng liệt sĩ vì họ đã dành tình yêu thương cho cộng đồng mà họ không thấy, đó là đất nước này. Cho nên, những người vì đất nước, vì nhân dân đồng bào mình mà sống, nếu họ có tu thì lên cõi trời liền, còn không tu họ cũng thành thần - những vị thần rất có uy lực trong thế giới bên kia (do họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cuộc sống, tình yêu của mình cho cả cộng đồng, đất nước lớn lao này). Chỉ trừ trường hợp những người chiến sĩ còn non trẻ, chiến công chưa nhiều mà đã vùi thây sa trường, theo nhân quả dù tinh thần của các anh là đáng quý, nhưng phước chưa có, nên các anh rất là vất vả nơi núi rừng để chờ đợi có ngày đem về an táng lại, tụng, niệm, cầu siêu, mới siêu thoát được. Đó là lý do trong đạo Phật của ta hay tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nơi này, nơi kia là vì vậy. 

Tuy nhiên, người nào yêu thương được cả thế giới thì người này bước thêm một đẳng cấp nữa. Người yêu thương được cả đất nước đã vĩ đại rồi, nhưng người yêu được cả thế giới đậm đà hay có những lời nói, những đóng góp để xây dựng thế giới thì còn vĩ đại hơn, vì trái tim họ lớn quá. Những người này chết rồi được sinh lên cõi trời, nếu có quay lại cõi người thì thường là những vĩ nhân, danh tiếng lẫy lừng.  

Không dừng lại ở đây, theo Thượng toạ khủng khiếp nhất vẫn là cộng đồng Phật pháp. Cộng đồng này mở ra một vũ trụ bao la, nhiều tẩng, nhiều cõi giới mênh mông mà chỉ có trong kinh mới nói chứ ta không bao giờ nhìn thấy được, nhưng ta vẫn tin và yêu thương được hết thì thực sự ta đã gieo một cái nhân, phước không thể tưởng tượng được. Và chỉ những người nào cực kỳ có trí tuệ mới có thể mở rộng trái tim mình để yêu thương tất cả chúng sinh trong pháp giới, vũ trụ này. Khi chúng ta quỳ trước Đức Phật thầm khấn: Con nguyện yêu thương tất cả chúng sinh trong pháp giới… đừng nói đùa, câu này không phải nói chơi được, vì nhân quả của nó lớn khủng khiếp. Câu nói đó động đến ba cõi, sáu đường, động đến cả pháp giới, vũ trụ. 

Người mà quỳ trước Phật thành tâm nguyện “Con nguyện lòng yêu thương tất cả chúng sinh trong pháp giới này thì người đó vừa gieo nhân sẽ thành một vị Phật trong tương lai; người đó không còn gieo nhân để trở lại cõi người mà hưởng giàu sang sung sướng nữa, không phải gieo cái nhân để chết sinh lên cõi trời, mà người đó gieo nhân để trở thành một đấng giác ngộ sau này. 

Từ những phân tích trên, Thượng toạ kết luận, mỗi người phải biết chọn cho mình một cộng đồng để yêu thương, thay vì chỉ biết yêu thương bản thân, yêu thương gia đình mình. Khi gieo nhân vào mỗi cộng đồng, con người sẽ nhận lại những quả khác nhau. Cụ thể là nếu biết yêu thương đất nước thì khi chết đi sẽ làm thần thánh, không thể đọa; nếu biết yêu thương thế giới thì khi chết đi được lên cõi trời để quan sát, để chăm lo cho thế giới, vì cộng đồng này quá lớn, ta phải thấy phải cảm thì mới yêu thương được, và phải là người rất trí thức mới hiểu thế giới để yêu thương được thế giới; còn nếu biết yêu thương vạn loài trong vũ trụ thì ta bước qua một nhân quả khác. 

Nhân đây, Thượng toạ đã liệt kê ra một số nhân quả khi một người thương yêu được một cộng đồng lớn hơn nữa là thế nào. Nói chung, tình yêu ta đến đâu thì nhân quả, phước đức ta lớn đến ấy. Nhưng người cũng nhắc nhở: Mặc dù tình yêu ta trải rộng ra cộng đồng lớn hơn… lớn hơn, nhưng những cộng đồng nhỏ cũng đừng bỏ sót. Không phải ta yêu cộng đồng trên rồi bỏ cộng đồng dưới, bản lĩnh của ta là vừa giữ được cộng đồng nhỏ mà vẫn lo được cho cộng đồng lớn. Ví dụ nói yêu nước nhưng ta vẫn phải tròn bổn phận cho gia đình, xóm làng, họ hàng mình trong một chừng mực, vợ mình phải no đủ, con mình phải được học hành tử tế, trên cơ sở đó ta mới yên tâm để lo cho cộng đồng bên ngoài. Chỉ trừ vài trường hợp bất đắc dĩ mà ta được chọn một trong hai mà thôi. 

Thượng toạ cũng nhấn mạnh: Cái phước được sinh ra từ trái tim yêu thương và từ đôi tay hành động. Cho nên, cái thực sự trong tầm tay và đẹp nhất của con người là yêu đất nước. Tình yêu thế giới là lí tưởng, là mộng mơ (yêu thì yêu chứ đụng không tới); vũ trụ thì lại càng quá xa vời, nó chỉ là một khái niệm của triết lí (thực tế ta có thể làm gì được); còn cái mà tình yêu của ta với tới một cách thực tế cao nhất là đất nước này và tạo thành nhân quả phúc đức được. Cho nên, tình yêu đất nước là tình yêu trung tâm trong cái thang tình yêu của ta. 

Trong cái thang của ta từ nhỏ nhất là bản thân mình cho tới lớn nhất là vũ trụ này, thì trong cấp độ từ nhỏ nhất cho đến lớn nhất, cái trung tâm nhất vừa đủ để ta cao thượng mà không quá xa vời là tình yêu đất nước. Do đó một người có trí tuệ, khôn ngoan, có đạo đức thì phải lo vun đắp tình yêu tổ quốc trong tim mình, vì tình yêu đó vừa đủ cao thượng, vừa đủ thực tế, mà vừa đủ làm điểm quy đồng cho mọi tình yêu khác. Đó là lí do tại sao ta yêu đất nước này. 

Với tình yêu đạo pháp – tình yêu đất nước đậm đà, Thượng toạ đã giải bày niềm xúc cảm của mình trong từng con chữ, dòng thơ có ý nghĩa rất sâu sắc, đó là: “ Đạo Pháp trong dòng chảy quê hương, thế giới trong tình yêu dân tộc”. Điều này cho thấy tình yêu đối với đạo, với thế giới là sự gắn bó tình cảm với cái gì rất cụ thể.

Ví dụ, ta yêu đạo vì đạo cho ta cả tâm hồn, cả chân trời đạo lí sâu xa, làm cho ta trở nên đạo đức, thánh thiện, biết sống trọn vẹn, ý nghĩa của một con người. Nhờ tình yêu này, ta biết sống tử tế, biết nuôi dưỡng đạo đức. Nói vậy nhưng ta không được thoát khỏi tình yêu nước. Chúng ta lớn lên trong đất nước này, đạo Pháp của ta cũng chảy trong dòng chảy của quê hương. Nếu không biết yêu thương đất nước, chúng ta rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chính Tổ quốc của mình, ta sẽ dễ bị hỏng về mặt đạo đức và khó lòng có thể yêu thương rộng khắp. Vậy nên, tình yêu đạo nào cũng có trong tình yêu nước, yêu đạo là góp một phần yêu nước rồi.

Một điều nữa là dù chúng ta yêu thương tất cả thế giới nhưng chúng là vẫn là công dân Việt Nam, đừng ảo tưởng mình là công dân thế giới. Người mà từ bỏ tình yêu quê hương, ảo tưởng mình là công dân thế giới thì chỉ thuộc một trong hai hạng người. Thứ nhất là người không có đạo đức, thứ hai là người có đạo đức nhưng vì nhân quả kiếp trước, họ là người dân nước khác sang Việt Nam xâm lược, rồi chết tại Việt Nam. Vậy nên, giờ họ là người Việt Nam nhưng tâm hồn họ vẫn là người nước khác. Dạng người thứ hai này chúng ta không nên trách họ mà cần có một cái nhìn bao dung với họ. 

Cuối cùng, Thượng toạ cho rằng những người dân Lệ Thủy rất may mắn khi được làm công dân Việt Nam, một đất nước anh hùng, giàu truyền thống. Càng may mắn hơn khi mọi người được làm con dân trên đất Lệ Thủy, nơi có những Cán bộ luôn biết quan tâm đến đời sống của từng người dân. Vậy nên, mọi người càng phải phấn đấu để xứng với cái phước mình đang có, để nó trường tồn và phát triển dày hơn nữa.

Việc tôn trí Phật Ngọc tại chùa Hoằng Phúc, chứng tỏ Phật giáo nơi đây ngày càng phát triển, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Chúng ta xây dựng một cộng đồng Phật giáo sẽ góp phần xây dựng nên một vũ trụ rộng lớn, tốt đẹp. Con người được sống trong cộng đồng này sẽ trở nên hiền lành, tử tế, biết yêu thương rộng khắp. Từ đây, những việc ác sẽ thay dần bằng những việc làm thiện lành, tạo nên một thế giới yên bình.

Bài Pháp thoại của Người tuy ngắn gọn, nhưng đã đánh vào lòng người, giúp các phật tử nhận ra đâu là mục đích sống đúng đắn, đâu là tình yêu thương đích thực trong cuộc sống. Từ đây, mọi người sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương, mọi khoảng cách giữa con người với con người sẽ dần được xóa bỏ. Thay vào đó, chỉ còn lại tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thế giới xung quanh. Và khi ngày đó đến, một thế giới mới sẽ được mở ra, thế giới của hòa bình, yêu thương và hạnh phúc.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm