Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 23/02/2018, 15:23 PM

Để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc

Nhìn lại lịch sử hơn 2000 năm kể từ khi du nhập, Phật giáo Việt Nam cho thấy là một tôn giáo hòa bình, nhân bản, luôn hòa quyện, gắn mình với sự thịnh suy của dân tộc. Để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trước những thách thức của thời đại, tăng ni, phật tử Việt Nam cần phát huy trí tuệ, nội lực thanh tịnh, hòa hợp, đoàn kết, kế thừa, giữ gìn truyền thống, bản sắc riêng của mình. Những góp ý trên nhằm góp một viên gạch để xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển vững bền mãi mãi trong lòng dân tộc và hội nhập sâu rộng với Phật giáo quốc tế.

Kính bạch…,
Kính thưa…,
Kính thưa toàn thể Đại hội,

Để chào mừng và góp phần vào sự thành công của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, BTS GHPGVN tỉnh Bình Định xin được trình bày tham luận với đề tài: “Để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc”.

A. Đặt vấn đề

Hơn 2000 năm kể từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo với tinh thần nhập thế, “từ - bi - hỷ - xả”, đã thích ứng với từng hoàn cảnh và hòa quyện cùng dân tộc Việt Nam như một thực thể bất khả phân ly. Tinh thần đạo Phật đã làm cho người Việt trở nên thuần từ nhân hậu; nếp sống đạo đức thanh cao, giản dị của các bậc tu hành trở thành hình ảnh gần gũi, quen thuộc đã cảm hóa, ăn sâu vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành, đồng cam cộng khổ, gắn mình với thời vận hưng suy của dân tộc, như lời tổng kết của nhà thơ Hồ Dzếnh:

“Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt,
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất…”

Trong 36 năm kể từ khi thành lập (1981) đến nay, GHPGVN đã có những thành tựu to lớn. Dù vậy, trước xu thế thời đại đời sống vật chất đang thịnh hành, đời sống tâm linh và đạo đức của xã hội đang đi xuống, ở nước ta đã xảy ra nhiều tệ nạn xã hội, sự tha hóa đạo đức của con người, bạo lực học đường của một bộ phận giới trẻ, và sự biến chất; vi phạm hiến chương, không thiết tha với sự nghiệp tu hành của một bộ phận tu sĩ. 

Bên cạnh đó, sự phát triển số lượng đông tu sĩ; tính tự phát, lai căng, không giữ được những đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong xây dựng kiến trúc Phật giáo và pháp phục, sự xuất hiện và thị hiếu hướng ngoại của một bộ phận phật tử đối với những pháp môn tu tập sai với chính pháp,... Những điều này đã đặt ra thách thức đối với Giáo hội trong việc khắc phục, quản lý, điều hành,… 

Tham luận này đề xuất các giải pháp mang tính vừa khắc phục vừa xây dựng, mong góp một tiếng nói nhỏ trong nhiều giải pháp để Giáo hội giải quyết các thách thức trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhân sự và đề ra chiến lược, định hướng để Phật giáo Việt Nam phát triển sâu rộng và bền vững.

B. Các giải pháp
1. Giáo hội cần tăng cường công tác quản lý nhân sự

Hiện nay ở nước ta, số lượng các cơ sở tự viện đang tăng lên và số lượng tu sĩ cũng trở nên đông đảo. Tuy vậy, phần lớn các chùa vẫn hoạt động riêng rẽ, tự phát, không đồng bộ. Bên cạnh đó, sự truyền thông với nhau, tham gia phật sự chung, sự giao lưu giữa các chùa với nhau, giữa ngành này với ngành khác, giữa Giáo hội địa phương với Giáo hội cấp trên vẫn còn hạn chế, chưa được nhịp nhàng, thiếu tính đoàn kết chặt chẽ. Thêm vào đó, các hiện tượng giả danh tu sĩ để trục lợi, lừa đảo quần chúng ngày càng tăng,… 

Trước tình hình đó, Ban Trị sự các tỉnh, thành cần phát huy vai trò của mình trong các công tác phật sự:

- Xúc tiến việc tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính, quản trị học, giới luật, nghi lễ thiền môn và nghiệp vụ trụ trì cho tăng ni trong toàn tỉnh.

- Hướng dẫn tổ chức, vận động để tuân thủ và hỗ trợ tích cực cho sinh hoạt Bố tát định kỳ và các khóa An cư kiết hạ hằng năm.

- Liên hệ chặt chẽ với Trung ương Giáo hội trong việc xin cấp giấy chứng nhận tăng ni, chứng điệp thọ giới và thẻ chứng nhận An cư hằng năm theo quy định.

- Thành lập Ban kiểm Tăng để thống kê số lượng tu sĩ, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mạo danh tu sĩ lập am cốc để kêu gọi sự phát tâm của quần chúng, giả danh tu sĩ để khất thực phi pháp, bán nhang và các sản phẩm khác để trục lợi.

- Hỗ trợ cho Phân ban Ni giới trong các hoạt động phật sự, quản lý, giáo dục ni giới.

- Khuyến khích phát huy vai trò của sơn môn, pháp phái trong việc nối kết, quy tụ tăng ni các chùa thuộc môn phái, tuân hành lời răn dạy của các bậc trưởng thượng, nâng cao sự quan tâm, tương trợ trong các sinh hoạt phật sự và xây dựng cơ sở,…

- Thường xuyên giám sát chặt chẽ, quản lý các ban ngành trực thuộc, Giáo hội cấp huyện trong việc thực hiện nghị quyết, phương hướng hoạt động của Giáo hội cấp tỉnh, điều chỉnh, hoán chuyển, bổ sung nhân sự khi cần thiết.

- Hỗ trợ và đề đạt với chính quyền trong việc công nhận và thành lập cơ sở tự viện mới, phối hợp với chính quyền có biện pháp và quy định cụ thể đối với những cơ sở thờ tự tư gia.

- Khuyến khích, chỉ đạo các vị trụ trì đưa người có niềm tin với Phật giáo trở thành người quy y Tam bảo thực thụ; mỗi vị trụ trì nên khuyến khích Phật giáo hóa gia đình và có hình thức khen thưởng thích đáng; xúc tiến thống kê, quản lý, quan tâm, giúp đỡ tín đồ một cách thường xuyên và có phương pháp cụ thể.

- Giáo hội nên gặp mặt để thông báo tình hình, lắng nghe ý kiến của tăng ni du học và tuyển chọn, cơ cấu họ vào các vị trí thích hợp để phát huy “chất xám”, khả năng đóng góp của họ cho Giáo hội.

2. Đưa Phật pháp đến với mọi tầng lớp xã hội

- Đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực trong đó có tôn giáo và văn hóa. Để chính pháp được truyền bá một cách hiệu quả và rộng rãi trong bối cảnh toàn cầu hóa đa dạng, Giáo hội cần đào tạo, quản lý, chỉ đạo, giúp đỡ ngành Hoằng pháp đổi mới trong công tác hoằng pháp. Ngành Hoằng pháp cần đào tạo đội ngũ giảng sư trẻ, chuyên môn, có chiều sâu, có tinh thần dấn thân phụng sự. 

Mỗi giảng sư hay hoằng pháp viên phải đổi mới tư duy, có cái nhìn linh hoạt sáng tạo, cởi mở. Giảng sư hay hoằng pháp viên không chỉ giảng nói mà còn viết lách, dịch thuật, xây dựng chùa tháp, trao tặng văn hóa phẩm Phật giáo, mở rộng lễ hội, tổ chức khóa tu, trại hè, sinh hoạt câu lạc bộ cho mọi lứa tuổi.

- Hoằng pháp là trách nhiệm chính, nhiệm vụ chung và thiêng liêng của người con Phật. Do vậy, Giáo hội nên khuyến khích mỗi vị trụ trì các cơ sở tự viện phát huy vai trò của mình trong việc hoằng pháp. Mỗi vị trụ trì nên dấn thân, hy sinh, tổ chức các khóa tu, duy trì hai thời thuyết giảng tại tự viện của mình trong mỗi tháng.

- Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành cần chú trọng tiếp cận đưa Phật pháp đến tầng lớp trí thức, doanh nhân, chính trị gia, các vùng sâu vùng xa, thường xuyên tổ chức các lớp giáo lý tại các đơn vị Phật giáo cấp huyện, xã.

- Ban Hoằng pháp nên tận dụng mọi thành tựu của công nghệ thông tin để đưa Phật pháp phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

- Ban Hoằng pháp nên phát huy vai trò của cư sĩ như những cánh tay nối dài cho mình trong công tác hoằng pháp, thu hút tín đồ.

- Ban Hoằng pháp xin phép chính quyền để thường xuyên thăm viếng, tặng quà, giảng nói, nâng cao đạo đức cho tù nhân và trẻ em phạm pháp.

- Ban Hoằng pháp Trung ương nên chủ động liên hệ với Bộ Giáo dục để Phật giáo góp phần chung tay giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, giải quyết tệ nạn bạo lực học đường.

- Giáo hội nên mở rộng các trường Mầm non Tư thục Phật giáo, các trung tâm ngoại ngữ của Phật giáo nhằm lồng ghép chương trình giáo dục đạo đức Phật giáo cho các em.

3. Phát huy vai trò tiếng nói của Giáo hội đối với vấn đề tư cách tu sĩ và các vấn đề xã hội

Trong thời điểm vừa qua cũng như hiện nay, tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã xuất hiện hiện tượng tự xưng là “Vô Thượng sư”, “Đạo sư”, “Pháp vương”, mượn giáo lý đạo Phật để “phong Thánh” cho mình. Song song đó, một số đạo tràng có pháp môn tu xa lạ, nhiều Ban hộ niệm tự cho mình có tư cách “thọ ký” và làm cho người chết vãng sanh. Thêm vào đó, hiện tượng mạo danh, giả danh tu sĩ nhằm vận động, lừa gạt quần chúng đang có chiều hướng tăng nhanh. Ngoài ra, việc ngộ nhận hoặc đánh đồng người tại gia thành tu sĩ trong vấn đề phạm pháp và hoạt động giải trí đã xuất hiện.

- Trước thực trạng đó, Ban Tăng sự, Ban Pháp chế từ Trung ương đến địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xác minh, giải quyết, xử lý, kết hợp với chính quyền để có biện pháp chế tài đối với hiện tượng giả danh tu sĩ.

- Giáo hội nên chỉ đạo Ban Hoằng pháp tích cực trau dồi chính kiến cho phật tử và quần chúng đối với hiện tượng “tự phong Thánh”, tẫn xuất chế tài những tu sĩ Phật giáo nào vi phạm hiện tượng trên.

- Giáo hội nên chỉ đạo các Ban Trị sự địa phương, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử đưa các đạo tràng, các ban hộ niệm vào khuôn khổ tu học đúng chính pháp, bài trừ mê tín dị đoan, kết hợp với chính quyền để cấm hoạt động hoặc có biện pháp chế tài thích đáng đối với các đạo tràng, các Ban hộ niệm hoạt động không đúng chính pháp và vi phạm Hiến chương Giáo hội.

- Giáo hội cần chỉ đạo Ban Thông tin Truyền thông, các báo đài Phật giáo và liên hệ các cơ quan truyền thông bên ngoài để năng động và kịp thời đưa tin, chấn chỉnh sai lệch, tránh tạo khoảng trống thông tin để dẫn đến thông tin thiếu chính xác, suy diễn tùy tiện chủ quan trong các vụ việc liên quan đến truyền thông nhằm tránh thương tổn niềm tin của số đông đối với Phật giáo, như các vụ việc: thanh niên tâm thần chém người tại chùa Bửu Quang, vụ tu sĩ giả Giác Chỉ, hai “sư thầy” thi tuyệt đỉnh song ca,… Đồng thời, Giáo hội nên ra thông tư không cho phép tu sĩ tham gia các chương trình giải trí để tránh cơ hiềm của thế gian.

4. Hướng đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo mang bản sắc dân tộc Việt Nam

Trong hơn 2000 năm có mặt và truyền bá giáo pháp trên lãnh thổ Việt Nam, Phật giáo đã hòa đồng, tiếp biến với văn hóa dân tộc và tạo ra một bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam rất đặc trưng. Song, thị hiếu hướng ngoại và xu thế “lai căng” văn hóa trong pháp môn tu, kiến trúc và pháp phục đã, đang diễn ra. Do vậy, Giáo hội cần có những định hướng, quy định cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa của Phật giáo Việt Nam:

- Quốc gia Phật giáo nào cũng có những mẫu tượng Phật mang đậm văn hóa dân tộc đó. Do vậy, Giáo hội nên bảo tồn và khuyến khích tạo mới những mẫu tượng mang tính Việt Nam, tránh nhập khẩu tượng từ nước ngoài, nhất là từ Đài Loan.

- Khuyến khích phật tử Việt Nam giữ gìn, phát huy những pháp môn tu truyền thống, tránh chạy theo các pháp môn, pháp hội ngoại lai vốn xa lạ với văn hóa truyền thống dân tộc.

- Ban Văn hóa Trung ương cần làm việc tích cực hơn nữa để tiến đến đồng phục đối với lễ phục tu sĩ, thống nhất mẫu pháp phục và quy định màu sắc của pháp phục mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam.

- Ban Nghi lễ nên đẩy mạnh Việt hóa nghi lễ, kinh sách, nhất là các Kinh nhật tụng, khuyến khích tăng ni, phật tử tụng kinh thuần Việt.

- Giáo hội nên định hình lại các lễ hội Phật giáo: lồng ghép các chương trình hoằng pháp vào lễ hội, tránh các hình thức mê tín dị đoan, xô bồ, kinh doanh; nên phát huy tính hướng thiện và hướng thượng tâm linh.

- Cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt trong xây dựng mới các kiến trúc Phật giáo, đồng thời đảm bảo tính tinh gọn trong thờ tự, tính nhẹ nhàng, hài hòa với môi trường thiên nhiên, tính tiện nghi trong sử dụng, tính cao rộng, thoáng đãng trong quy mô để đáp ứng nhu cầu tu học cho số đông.

- Ngoài ra, Giáo hội cần định hướng bản sắc đặc thù văn hóa Phật giáo Việt Nam về di sản, mỹ thuật, vật linh, pháp khí, Phật cụ, đối liễn,…

C. Thay lời kết

Nhìn lại lịch sử 2000 năm kể từ khi du nhập, Phật giáo Việt Nam cho thấy là một tôn giáo hòa bình, nhân bản, luôn hòa quyện, gắn mình với sự thịnh suy của dân tộc. Để Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trước những thách thức của thời đại, tăng ni, phật tử Việt Nam cần phát huy trí tuệ, nội lực thanh tịnh, hòa hợp, đoàn kết, kế thừa, giữ gìn truyền thống, bản sắc riêng của mình. Những góp ý trên nhằm góp một viên gạch để xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển vững bền mãi mãi trong lòng dân tộc và hội nhập sâu rộng với Phật giáo quốc tế.

Chân thành cảm ơn toàn thể Đại hội đã lắng nghe tham luận.
Kính chúc Đại hội thành công viên mãn.
Trân trọng kính chào liệt Quý vị.

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm