Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 16/02/2018, 13:41 PM

Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển bền vững Giáo hội

Kể từ năm 1981 lịch sử đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển trên tất cả lĩnh vực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình ở trong nước cũng như trên thế giới. Nhiệm kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết thúc với nhiều thành tựu to lớn, nhiều sự kiện trọng đại khác của Giáo hội được triển khai thực hiện đều đạt kết quả tốt đẹp.

Hôm nay, một lần nữa tăng ni, tín đồ đạo Phật ở trong nước cũng như ở nước ngoài hân hoan chào mừng sự kiện trọng đại của Phật giáo nước nhà, đó là Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được trọng thể tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trước hết, thay mặt tăng ni, tín đồ đạo Phật tỉnh An Giang, chúng tôi xin gửi đến Chư tôn giáo phẩm Chứng minh, Chủ Tọa đoàn, Chư tôn đức tăng ni, Chư vị khách quý cùng toàn thể quý Đại biểu lời chào mừng trân trọng nhất, kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp. 

Được sự cho phép của Chủ Tọa đoàn và Đại hội, chúng tôi xin trình bày tham luận với nội dung “Những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai” để chia sẻ những thành quả đạt được của Giáo hội đã đạt được trong 5 năm qua, cũng như đề xuất một vài ý kiến đóng góp để GHPGVN nhiệm kỳ VIII hoạch định cương lĩnh, chiến lược phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước và Giáo hội.

Kính thưa Chủ tọa đoàn,
Kính thưa Đại hội,

Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII (2012-2017) và chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) mà Ban Thư ký vừa trình bày. Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII đã cho chúng ta những bài học quý báu về thành quả đạt được, vấn đề thượng tôn Giáo luật, tuân thủ Hiến chương, các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước; phát huy những giá trị về văn hoá, truyền thống đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo, tinh thần dân chủ, trí huệ tập thể trong luận bàn phật sự; triển khai và thực hiện một cách thắng lợi các hoạt động phật sự trong 5 năm qua. 

Trong nhiệm kỳ VII, Giáo hội có rất nhiều thuận lợi, đó là sự quan tâm giúp đỡ tích cực của Đảng và Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; sự đồng tâm hợp lực cùng chung lo các phật sự của các hệ phái, tự viện, tăng ni, đồng bào đạo Phật. Tuy nhiên, theo quy luật khách quan, đã có thành tựu thì cũng có tồn đọng mà mỗi thành viên trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải phấn đấu vượt qua để vừa hoàn thành trọng trách của mình đối với Giáo hội, vừa hoàn thành trách nhiệm của người công dân đối với đất nước.

Kính thưa Chủ tọa đoàn,
Kính thưa Đại hội,

I. Dẫn nhập

An Giang là một trong những vùng đất mới ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có sự cộng cư của người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và có nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt, tồn tại. 

Theo giả thuyết khoa học, vùng đất An Giang được các chúa Nguyễn và cư dân người Việt thành lập trước năm 1700. Khi Nguyễn Hữu Cảnh(2) vào Nam kinh lược năm 1700 thì tại đây đã có cư dân người Việt định cư ở vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới và Nguyễn Hữu Cảnh đã cho nhiều binh phu ở lại đây lập nghiệp. Trong công cuộc mở mang bờ cõi, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những cư dân người Việt mang theo đi mở đất. Bởi vì, người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong công cuộc khai hoang, lập làng này, Phật giáo là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của đồng đạo”.
 
Vùng đất An Giang luôn năng động, trù phú, xinh đẹp, giao thông được mở rộng, nên có nhiều người dân Việt từ các vùng miền Việt Nam lần lượt về đây sinh sống lập nghiệp. Từ đó đã có sự tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền, Phật giáo An Giang cũng không phải là ngoại lệ. Khi có mặt tại vùng đất mới An Giang, các cư dân người Việt đã dung hòa được nền văn hóa có trước và ý thức hệ mà người dân mở đất mang theo, từ đó hình thành truyền thống tu hành của Phật giáo An Giang: Phật giáo Bắc tông của người Việt, người Hoa; Phật giáo Nam tông của người Khmer.

Từ năm 1700 đến trước năm 1951, Phật giáo An Giang(3) liên tục phát triển, việc tu học, sinh hoạt và quản lý tăng ni, tín đồ đạo Phật theo hình thức tông phong, hệ phái. Giai đoạn này Phật giáo An Giang chưa hình thành tổ chức Giáo hội.

Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập tại An Giang, nhưng các hoạt động, tu học, sinh hoạt vẫn theo tông phong, hệ phái.

Từ năm 1954 đến năm 1964, do tiếp biến văn hóa, bên cạnh Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Khmer, tại An Giang hình thành thêm một số truyền thống tu học mới như Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Thiền Tịnh Đạo Tràng, Hội Phật học Nam Việt. Các hoạt động phật sự ở giai đoạn này chủ yếu vẫn là hoạt động của tông phong, hệ phái.

Từ năm 1964 đến năm 1975, giai đoạn này tại An Giang có hình thành thêm tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhưng hiệu quả đạt được không nhiều, số lượng tự viện, tăng ni, tín đồ đạo Phật không đông, số lượng Giáo phẩm rất ít, Phật giáo An Giang tiếp tục được phát triển nhưng truyền thống tông phong, hệ phái vẫn chi phối đến các hoạt động của Giáo hội bấy giờ.

Nhìn chung An Giang có nhiều tôn giáo, Phật giáo có nhiều tổ chức Giáo hội, hệ phái nhưng vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, hòa hợp để cùng chung lo phật sự, góp phần làm cho quê hương An Giang giàu đẹp. 

Sau khi hòa bình lập lại (1975), dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các tôn giáo nói chung, Phật giáo An Giang nói riêng vẫn diễn ra bình thường và tiếp tục phát triển.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập.

Năm 1984, Phật giáo An Giang thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo tỉnh An Giang, nhưng đến năm 1993 mới chính thức thành lập Ban Trị sự. Giáo hội có 09 thành viên sáng lập, Phật giáo tỉnh An Giang có 07 thành viên sáng lập (Hội Thống nhất Phật giáo và Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam không có sinh hoạt tại An Giang). 

Dù là Ban Vận động hay Ban Trị sự, Trung ương GHPGVN, Đảng và Nhà nước các cấp vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để Phật giáo An Giang luôn phát triển. Từ đó, việc tu học, sinh hoạt của các tự viện, tăng ni, tín đồ đạo Phật từng bước đi vào nề nếp, theo sự quản lý của Giáo hội, các pháp môn, tu hành đúng chánh pháp được tôn trọng và duy trì tại An Giang.

II. Những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam
1. Những vấn đề đặt ra và thành tựu trong hơn 35 năm qua:

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, qua hơn 35 năm hình thành và phát triển, chúng ta có thể thấy những thuận lợi và không thuận lợi trong quá trình phát triển bền vững qua một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, từ năm 1981 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Khi đề cập đến sự phát triển, có rất nhiều nguyên nhân để Giáo hội đạt được những thành quả to lớn, kế thừa xứng đáng 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian qua, vị thế của Giáo hội ở trong nước cũng như trên thế giới ngày càng được phát triển ở tầm cao; các hệ phái, tăng ni, tín đồ đạo Phật có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Giáo hội. 

Qua đó cho thấy, Giáo hội phát triển như ngày hôm nay được xây dựng trên nền tảng “Trí huệ - Kỷ cương”(4), “đoàn kết, hoà hợp, dân chủ, trách nhiệm”, thuận lợi hay khó khăn được xây dựng trên yếu tố “con người”. Thông qua bức tranh tổng thể của sự phát triển trong nhiệm VII, mục tiêu hướng đến của tất cả thành viên Giáo hội, của tăng ni, tín đồ đạo Phật là phát huy những thành quả đạt được, khắc phục các tồn đọng, nâng cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong thừa hành phật sự.

Nhìn chung, qua hơn 35 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng đổi mới mọi mặt qua từng nhiệm kỳ để phát triển bền vững, xương minh đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bằng chính trí huệ, kỷ cương, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của các thành viên, tăng ni, tín đồ đạo Phật.

Thứ hai, các cấp Giáo hội đã kế thừa, phát huy những thành quả đạt được qua từng nhiệm kỳ, trong đó luôn giữ vững truyền thống và văn hóa dân tộc cũng như của Phật giáo giáo Việt Nam. Với 7 nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội đã từng bước kiện toàn bộ máy, đổi mới về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, phát triển toàn diện các lĩnh vực hoạt động, có chiều rộng lẫn chiều sâu; chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực.

Thứ ba, trong thời gian qua, sự phát triển tổng thể về các mặt của cả hệ thống Giáo hội các cấp từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn còn đó một số hạn chế nhất định. Đây là quy luật khách quan, có phát triển thì có hạn chế. Với quyết tâm của lãnh đạo Giáo hội, các hệ phái, tăng ni, tín đồ đạo Phật, các cấp Giáo hội đã tổ chức, triển khai các công tác phật sự một cách đồng bộ. Từ đó, các thành viên Giáo hội đã thấy biết được những mặt thuận lợi và không thuận lợi trong các hoạt động để cùng nhau chung lo phật sự. Từ ý nghĩa đó, có thể thấy rằng trí huệ, kỷ cương, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm luôn được phát huy cho từng công tác phật sự.

Thứ tư, hội nhập thế giới sẽ giúp Giáo hội bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam và thúc đẩy sự tiến bộ của Giáo hội. Giáo hội đã thành công vượt bậc trong lĩnh vực này. Một vấn đề được đặt ra khi hội nhập thế giới, các thành viên Giáo hội vận dụng trí huệ ra sao, thực hiện bản lĩnh như thế nào để thấy biết những thuận lợi, thách thức khi hội nhập và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững Giáo hội?

Đây là câu hỏi lớn, chúng tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm qua hơn 35 năm, lãnh đạo Giáo hội sẽ nghiên cứu và hoạch định chiến lược tổng thể. Nếu cá nhân, hoặc nơi này nơi khác có tư tưởng chủ quan, duy ý chí thì trong quá trình hội nhập thế giới có thể làm gia tăng nguy cơ bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam bị xói mòn trước sự “xâm lăng” của văn hóa nước ngoài.

Thứ năm, vấn đề chất lượng và số lượng đội ngũ tăng ni trẻ luôn được lãnh đạo Giáo hội qua từng nhiệm kỳ quan tâm, đặc biệt là công tác nhân sự kế thừa. Bởi vì, nhân sự sẽ quyết định sự “thành - bại” các hoạt động của Giáo hội và đã được lãnh đạo Giáo hội luôn quan tâm, luôn bồi dưỡng để đào tạo nguồn nhân sự trẻ kế cận có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và chuyên sâu cho từng lĩnh vực cụ thể. Có thể thấy từng bước Giáo hội đã khắc phục sự “thừa - thiếu”, “lượng - chất” trong công tác nhân sự, đẩy mạnh công tác quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của bộ máy Giáo hội các cấp.

Thứ sáu, phát triển bền vững và hội nhập là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay, nhưng trên nền tảng nào? Đây là một câu hỏi lớn. Chúng tôi rất hoan hỷ khi Giáo hội đã mạnh dạn nhìn vào thực tế, đưa ra chủ đề Đại hội VIII “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” để làm định hướng phát triển cho nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy, Giáo hội đưa ra chủ đề Đại hội đã tiếp tục xác định quá khứ tốt đẹp luôn là nền tảng vững chắc, là động lực, là sức mạnh để làm cho đạo pháp xương minh, hướng đến một tương lai tốt đẹp.

2. Giải pháp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

Từ lý luận và thực tiễn, thời gian qua đã, đang có hiện tượng một bộ phận tăng ni trẻ và tín đồ đạo Phật dễ bị tác động bởi đời sống vật chất; khi đối diện với từng vấn đề, sự kiện cụ thể không dùng trí huệ (sự biết - hiểu - thấy minh bạch và tường tận) để giải quyết vấn đề.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là trong sinh hoạt và tu học, họ có biểu hiện xa rời Giáo pháp, Giới luật và pháp luật Nhà nước; xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới có sự đan xen của đa văn hoá theo hai chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Qua từng vấn đề cụ thể, đã giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo, những kinh nghiệm quý báu trong quản lý và điều hành.

Chúng tôi xin chia sẻ một số giải pháp phát triển bền vững Giáo hội như sau:

1. Lịch sử và hôm nay, trí huệ luôn là nền tảng để phát triển; kỷ cương, kỷ luật, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Giáo hội luôn là giải pháp chủ yếu để xương minh đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội. Chúng tôi tin tưởng rằng, lãnh đạo Giáo hội nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp tốt nhất để khắc phục biểu hiện cá nhân, hoặc nơi này nơi khác bị cuốn theo sự phát triển có tính bề nổi, không có tính chiều sâu. Chúng tôi cũng tin tưởng vấn đề “Lượng và Chất”, “Thừa - Thiếu” của tăng ni trẻ sẽ tiếp tục được lãnh đạo Giáo hội quan tâm để tạo sự cân bằng, mang lại sự phát triển bền vững cho Giáo hội.
 
2. Phát triển và xây dựng một Giáo hội kỷ cương là trách nhiệm của mỗi thành viên. Kỷ cương là vấn đề mang tính bao quát nhiều góc độ khác nhau, cần phải được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm và tuân thủ của mọi người. Đây là một trong những giải pháp thiết yếu để mang lại trang nghiêm cho tự thân và trang nghiêm Giáo hội. 

Kỷ cương cần được xem là một nếp sống, là tinh thần trách nhiệm của các thành viên được thể hiện qua thái độ sống, cung cách ứng xử và giao tiếp hàng ngày. Theo giáo lý Duyên khởi của Phật giáo, nếu tinh thần trách nhiệm này chưa được áp dụng đồng bộ thì sẽ có một bộ phận tăng ni, tín đồ đạo Phật có một nếp sống thiếu kỷ cương và ngược lại. Chúng tôi tin rằng, lãnh đạo Giáo hội sẽ nghiên cứu và vận dụng giáo lý Tứ Chánh cần để giải quyết vấn đề này để làm cho Giáo hội trang nghiêm vững mạnh, phát triển bền vững và hội nhập.

Vấn đề được đặt ra ở đây là kỷ cương không phải là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó, người này thực thi, người khác thì không thực thi. Theo chúng tôi, Giáo hội đang phát triển và đang đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động phật sự, nhưng nếu chỉ cần một thành viên duy ý chí, chủ quan trong hành xử, dùng danh nghĩa đoàn kết nội bộ, để rồi có hành vi đi ngược lại định hướng của Giáo hội đề ra, không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Trung ương Giáo hội. Như thế là chủ động phát triển hay tạo thành một tiền lệ nguy hiểm trong thiết chế Giáo hội? 

Cho nên, theo chúng tôi, các công tác phật sự của nhiệm kỳ VIII, khi triển khai phật sự phải lấy nguyên tắc kỷ cương làm chính, tính chấp hành và phục tùng trong hệ thống tổ chức của Giáo hội cần được quán triệt một cách sâu sắc. Bởi vì, kỷ cương sẽ tạo nên những hoạt động mang tính đồng bộ, có nề nếp, mang tính chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu hoạt động không kỷ cương sẽ tạo thành những hoạt động mang tính tự phát, chấp vá và vô tổ chức. Lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá về tính có kỷ cương hay không có kỷ cương. Phật giáo phát triển đạt đến đỉnh cao hay suy thoái về mặt tổ chức, xuất phát điểm cũng từ yếu tố này.

3. Mặc dù lãnh đạo và các thành viên Giáo hội đã dùng trí huệ trác tuyệt để hoạch định sự phát triển bền vững, hội nhập thế giới, từng thành viên đã nỗ lực thực thi. Theo chúng tôi, nếu những quyết sách, chiến lược đó không được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng địa phương, tư tưởng của một bộ phận thành viên Giáo hội chưa thông thì hiệu quả đạt được không cao, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một chiến lược phát triển; chấp hành có sai biệt trong cùng một quy định. Các bậc tiền nhân đã nói “tư tưởng không thông, vác bi đông cũng nặng”. Chúng tôi tin tưởng, Giáo hội sẽ nghiên cứu, có quyết sách đối với vấn đề này trong thời gian sắp tới.

4. Uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được nâng cao, các hệ phái, tăng ni, tín đồ đạo Phật ngày càng gắn bó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Giáo hội, chung sức chung lòng vì mục tiêu xương minh đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập thế giới, Giáo hội đã đạt được những thành quả to lớn và những thuận lợi, nhưng trước mắt vẫn còn đó những mặt không thuận lợi. Chúng tôi tin tưởng rằng, Giáo hội sẽ nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển lâu dài và mang tính chiều sâu với tầm nhìn hướng đến của nhiều nhiệm kỳ tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện bộ máy Giáo hội, cải cách phương thức tổ chức, điều hành phật sự và quản lý theo hướng hiện đại trong bối cảnh thế giới đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

5. Để phát huy những thành tựu và khắc phục một số hạn chế, theo chúng tôi, Giáo hội cần nghiên cứu và hoạch định các quyết sách, nhất là trong tổ chức thực hiện các hoạt động phật sự mang tính đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của lãnh đạo Giáo hội, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý Giáo hội các cấp, ý thức chấp hành của tăng ni, tín đồ đạo Phật, nhất là việc thực thi giáo quyền, sự lãnh đạo của tổ chức cấp trên đối với cấp dưới đã được nâng cao sẽ được nâng cao hơn.

6. Giáo hội đã cụ thể hóa đường hướng hội nhập và phát triển bền vững tinh thần tập trung dân chủ, bằng các nghị quyết, phương hướng nhiệm vụ và các quyết sách khác. Chúng tôi nghĩ rằng, Giáo hội nhiệm kỳ VIII sẽ tổ chức, thực hiện các quyết sách thành công và đạt được hiệu quả cao nhất; sẽ hạn chế sự bất cập trong công tác điều hành, phối hợp đồng bộ, tính nghiêm túc thực thi nhiệm vụ, hiệu lực và hiệu quả. 

Chúng tôi càng tin tưởng rằng, bộ máy Giáo hội các cấp sẽ tạo thành một thể thống nhất trong quan điểm, tư duy, nhận thức chuẩn mực. Từ đó sẽ tạo nên cách hiểu và cách làm được thông suốt từ trên xuống dưới, việc chấp hành các quy định của Giáo hội được nâng cao; sinh hoạt, tu học của tăng ni trẻ sẽ đi vào nề nếp.

7. Để tăng cường hiệu năng quản lý thông qua công tác giáo dục đào tạo sẽ làm cho tăng ni trẻ, tín đồ đạo Phật hiểu và biết được các quy định (Giới luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy) và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó; thấy biết được trách nhiệm đối với tự thân, trách nhiệm cá nhân với đất nước và Giáo hội. Theo chúng tôi, giáo dục đào tạo để làm thay đổi nhận thức của một con người là vấn đề không hề đơn giản. Vì nhận thức là một quá trình, từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu biết, từ hành động tiêu cực đến hành động tích cực là cả một cuộc cách mạng tư duy trong mỗi con người.

Trong hơn 35 năm qua, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn trên các phương diện, trong đó công tác giáo dục đã có nhiều thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số mặt hạn chế như: về mặt tổng thể chưa đồng bộ, có chiều rộng nhưng chiều sâu chưa đủ; hình thức và số lượng tương đối quy mô, nhưng số lượng đầu vào và chất lượng đầu ra chưa tương xứng; chương trình đào tạo, công tác dạy và học tại các cấp học chưa đồng bộ.

Từ đó dẫn đến hiệu quả không cao, tăng ni sinh tốt nghiệp có hồng nhưng không chuyên, nên chưa đáp ứng một cách đầy đủ năng lực khi tham gia các hoạt động của Giáo hội. Chúng tôi tin rằng, Giáo hội nhiệm kỳ VIII sẽ nghiên cứu và điều chỉnh công tác dạy và học. Từ đó sẽ giúp tăng ni trẻ nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là vấn đề chấp hành giới luật và pháp luật trong đời sống tu học, hành đạo. 

Nếu tiến hành đồng bộ công tác này, thì chắc chắn từng bước Giáo hội sẽ có một đội ngũ tăng ni trẻ có tính kỷ luật, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm về các giá trị đạo đức, ngăn chặn và hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân. Qua đó sẽ làm cho Đạo pháp và Giáo hội đã trang nghiêm, vững mạnh ngày càng thêm trang nghiêm, vũng mạnh. Nói cách khác, quá trình phát triển bền vững Giáo hội thì yếu tố con người giữ một vị trí trọng yếu. Nhưng những con người đó phải được giáo dục - đào tạo chính quy và có một trình độ, năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tương ứng với sự phát triển. Với quyết tâm tạo nguồn nhân lực tốt phục vụ cho các cấp Giáo hội, lãnh đạo Giáo hội luôn xem trọng vấn đề giáo dục đào tạo trong quá trình phát triển của mình.

8. Đối với công tác tổ chức nhân sự, Giáo hội đã từng bước đổi mới và hoàn thiện. Để Giáo hội có một đội ngũ tăng ni, số lượng tín đồ đạo Phật tương bằng giữa lượng và chất, luôn có lối sống chuẩn mực, phẩm chất đạo hạnh, đạo đức vuông tròn. Chúng tôi tin rằng, Giáo hội sẽ nghiên cứu và đề ra kế hoạch đào tạo nhân sự dự nguồn theo từng lĩnh vực. Qua đó, mới khắc phục được hiện tượng thừa - thiếu, tạo nên sự tương bằng giữa lượng và chất, đạt được hiệu quả cao trong các hoạt động phật sự của nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo.

9. Khi đề cập đến phát triển bền vững có rất nhiều chỉ báo phát triển. Trong nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ kế tiếp, theo tôi có một số chỉ báo phát triển như sau xin được trình bày trước Đại hội:

- Vấn đề môi trường là một trong các vấn đề được thế giới và Việt Nam quan tâm đặc biệt. Khi đề cấp đến môi trường bao gồm nhiều vấn đề cần quan tâm như bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ rừng và trồng rừng, bảo vệ nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước và không khí, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên v.v... Theo chúng tôi, Giáo hội sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp tổng thể để cùng nhân dân cả nước vì lợi ích lâu dài của các thế hệ mai sau.

- Trí huệ và kỷ cương bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chỉ báo là hoàn thiện bộ máy Giáo hội, hướng dẫn các tăng ni trẻ, tín đồ đạo Phật tuân thủ đầy đủ Giáo pháp, Giới luật Phật chế và pháp luật trong đời sống tu học, sinh hoạt; phát huy các giá trị về truyền thống tốt đẹp; củng cố và tăng cường hiệu năng của bộ máy Giáo hội và sự lãnh đạo của Giáo hội; tăng cường vai trò và tác dụng của thông tin điện tử trong đời sống xã hội hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng.

- Thế giới đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do vậy việc đào tạo đội ngũ kế cận là những tăng ni trẻ có trí thức và nhận thức là rất cần thiết. Trí thức tạo nên những tăng ni trẻ thông minh tuyệt vời, rất khôn ngoan và nghĩ ra nhiều cách để đem lại lợi ích cho tổ chức Giáo hội và cá nhân. Ngược lại, một bộ phận tăng ni trẻ có trí thức nhưng thiếu trí huệ, bị chi phối bởi trí thức sẽ dẫn đến trí thức tiêu cực (sở tri chướng), dùng quan điểm và tham vọng cá nhân để tạo nên cuộc sống lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng lợi ích của tổ chức Giáo hội và số đông. Theo chúng tôi, vấn đề này đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra nếu một bộ phận tăng ni trẻ không được giáo dục về nhận thức cảm tính và nhận thức lý
tính. 

Khi được giáo dục tốt về nhận thức, mỗi tăng ni trẻ sẽ đạt được nhận thức lý luận tốt. Nếu không được trang bị đầy đủ nhận thức lý luận thì những tăng ni trẻ này khi đối diện với một sự việc xảy ra sẽ không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo; họ không nhận biết rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên từ đó có những góp ý xây dựng Giáo hội thiếu tính xây dựng và gây mất đoàn kết nội bộ. Đây là một vấn đề xuất hiện khá thường xuyên trong thời gian đã qua.

- Yếu tố văn hóa trong phát triển xã hội ngày càng được thế giới quan tâm, bởi vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong thời gian tới, Giáo hội cần chú trọng về giáo dục văn hóa nhận thức, văn hóa tư tưởng, văn hóa ứng xử v.v... Trong thời gian qua, Giáo hội đã thành công trong vấn đề này và trong thời gian tới Giáo hội sẽ tiếp tục nghiêm cứu, tiến hành xây dựng một đội ngũ tăng ni trẻ, tín đồ đạo Phật có lối sống văn hóa, đạo đức trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay; phát huy tinh thần yêu yêu nước, ý chí vươn lên, có ý thức tập thể và đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết tôn giáo.

- Trong hơn 35 năm qua, Giáo hội đã đẩy mạnh vấn đề dân chủ trong các luận bàn phật sự. Chúng tôi nhận thấy, thực tế đã, đang xuất hiện tình trạng lợi dụng quyền dân chủ, nhất là trên các trang mạng xã hội, từ đó đã làm khủng hoảng truyền thông. Trong xã hội văn minh, tiến bộ, mọi người đều được quyền bày tỏ cảm xúc, chính kiến, những vấn đề quan tâm v.v… nhưng nó phải được thể hiện trên cơ sở khách quan, khoa học và tôn trọng người khác, đó là người tiến bộ, văn minh trong xã hội tiến bộ, văn minh. Tức là không vì bức xúc cá nhân mà áp đặt ý kiến chủ quan, không dùng hiện tượng để đánh giá bản chất. Chúng tôi tin rằng, giải quyết tình trạng khủng hoảng truyền thông hiện nay, Giáo hội sẽ sớm có một bộ phận chuyên trách để kịp thời cung cấp cho xã hội những thông tin chính thức để định hướng dư luận. Đối với những cá nhân lợi dụng quyền dân chủ làm ảnh hưởng đến tổ chức Giáo hội, cá nhân, tùy theo tính chất mà đề nghị pháp luật bảo hộ.

III. Kết luận:

Từ nền tảng trí huệ, kỷ cương, Giáo hội đã, đang và sẽ phát triển có chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả lĩnh vực và hội nhập sâu rộng với thế giới. Có thể thấy sau 35 năm hoạt động, các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt kỷ cương từng bước được giữ vững, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các tăng ni, tín đồ ngày càng được nâng cao. Giáo hội đang bước sang nhiệm kỳ VIII, vấn đề kỷ cương, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của từng thành viên cần được quan tâm đúng mức để tạo nên một hình ảnh tốt đẹp của Giáo hội ở trong nước cũng như trên thế giới. 

Đạo pháp xương minh, Giáo hội trang nghiêm, vững mạnh hay không, con đường duy nhất đúng, đó là phải trên cơ sở trí huệ tập thể, trí huệ lãnh đạo, trí huệ của từng thành viên được phát huy; kỷ cương, kỷ luật được áp dụng một cách triệt để, trong đó phải tính đến nguyên lý giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các quyết sách một cách sâu rộng, phát huy ý thức trách nhiệm của các thành viên. Qua đó, Giáo hội sẽ viết tiếp nên trang sử vàng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo.

Nhân đây, tôi có vài kiến nghị với Đại hội:

1. Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước và Giáo hội hiện nay, tiêu chí “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, “Đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo” phải được xem là mục tiêu, là động lực hàng đầu, là nguyên nhân chính và giữ vai trò chủ đạo trong việc xương minh đạo pháp, hộ quốc an dân, phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kính đề nghị Hội đồng Trị sự nên tổ chức thường xuyên các buổi học tập, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các tiêu chí này đến các thành viên Giáo hội, tăng ni, tín đồ đạo Phật.

2. Bên cạnh kế thừa những những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân, những thành tựu to lớn của các cấp Giáo hội trong hơn 35 năm qua, nếu chúng ta chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng quan điểm, tư tưởng; ngủ quên trong thắng lợi; chưa quan tâm đúng mức đến một số biểu hiện chệch hướng phương châm Giáo hội của một bộ phận tăng ni trẻ, tín đồ đạo Phật thì chúng ta sẽ trả giá đắt trong quá trình phát triển Giáo hội.

Kính đề nghị, nếu tuyên truyền, vận động, giáo dục không đạt hiệu quả đối với một bộ phận tăng ni trẻ tiêu cực thì chúng ta nên kiên quyết xử lý dứt điểm, có biện pháp đủ mạnh để răn đe đối với những cá nhân này để tạo sự ổn định, sự trong sáng và phát triển bền vững của GHPGVN.

3. Công tác đào tạo đã bộc lộ sự thừa và thiếu trong việc quy hoạch đội ngũ tăng ni kế thừa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một số vấn đề xin đạo đạt đến Giáo hội nghiên cứu và có giải pháp:

- Tăng ni trẻ là là tinh hoa của đạo pháp, là người lãnh đạo Giáo hội trong tương lai, nhưng đã xuất hiện một số hạn chế trong tu học của một bộ phận tăng ni trẻ. Có thể do mặt trái của nền kinh tế thị trường nên một bộ phận tăng ni trẻ thiếu tinh thần cầu tiến, không giữ được khí tiết như lúc sơ tâm xuất gia, dễ bị đời sống vật chất chi phối, vun trồng bản ngã. Có nhiều cách lý giải khác nhau cho vấn đề này, theo tôi chính bản thân những tăng ni trẻ này chưa quán triệt sâu sắc về pháp học và pháp hành trong đời sống xuất gia của mình.

- Một yếu tố khác làm cho một bộ phận tăng ni trẻ hiện nay bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, đó là môi trường Phật học chưa đủ hấp dẫn cho người học, chưa thỏa mãn nhu cầu học tập của tăng ni sinh, từ đó làm cho họ mất phương hướng, không xác định mục đích học tập của mình, vấn đề học đối với một bộ phận tăng ni trẻ gần như trở thành phong trào, thực hiện việc học tập không mang tính tự nguyện, mà làm theo sự quy định của Giáo hội, theo mong muốn của Thầy - Tổ, Cha - Mẹ. Cho nên họ thiếu sự phấn đấu trong học tập, dẫn đến hệ quả là sau khi tốt nghiệp, bằng cấp không tương xứng với năng lực thực tiễn, không phát huy được sở tu, sở học và sở trường của mình để phụng sự đạo pháp, phục vụ Giáo hội.

- Khi tiếp độ đệ tử xuất gia, một số vị thầy bổn sư, nghiệp sư thiếu sự quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đệ tử, chưa hun đúc tinh thần cho đệ tử, chưa có nhìn tiến bộ về xu thế phát triển của xã hội, biến đệ tử thành cái bóng của chính mình v.v… Từ đó, một bộ phận tăng ni sinh ra chán nản, thoái thất đạo tâm, mất phương hướng, đi đến giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng tu hành, đánh mất tinh thần cầu tiến.

- Trong công tác giáo dục đào tạo, có thể nói Giáo hội đã thành công với nhiều trường Phật học ở nhiều cấp độ khác nhau được thành lập. Nhưng nếu xem xét dưới góc độ “Lượng - Chất” thì còn nhiều việc để lãnh dạo Giáo hội và những tôn đức làm công tác giáo dục tiếp tục nghiên cứu. Theo tôi, trong thời gian tới, công tác giáo dục cần được xây dựng trên trục tam giác: “Giáo dục Tự viện (giáo dục nên người) - Giáo dục nhà trường (giáo dục nên tài) - Giáo dục xã hội (giáo dục nên việc) và đổi mới toàn diện công tác giáo dục tại các cấp học hiện nay, cũng như tại các tự viện. 

Nếu mô hình này được triển khai đồng bộ thì nhất định Giáo hội sẽ có một đội ngũ tăng ni trẻ thuần khiết và sẽ không bị nhiễm ô bởi hoàn cảnh, nhất định họ sẽ là những tăng ni xứng đáng thừa tự giáo pháp của đức Phật, làm cho đạo pháp xương minh, là những người hữu dụng cho đất nước và Giáo hội. Qua thực tiễn kiểm nghiệm, đây đó đã, đang có hiện tượng một bộ phận tăng ni trẻ sống xa rời Giáo pháp, Giới luật Phật chế, với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân giáo dục Tự viện không được quan tâm đúng mức.

4. Công tác hoằng pháp thời gian qua chưa được đều khắp tại các vùng miền, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc ít người, chưa đáp ứng nhu cầu học tập Phật pháp của tín đồ tại đây. Do đó, kính đề nghị Giáo hội nên tăng cường công tác hoằng pháp một cách đều khắp đến các vùng, miền.

5. Công tác Tăng sự là một trong những công tác then chốt trong tiến trình phát triển Giáo hội, tuy nhiên việc xuất gia, thọ giới, xây cất mới nơi thờ tự đã trở thành vấn đề cần được Giáo hội nghiên cứu, đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ và mang tính khả thi, có quyết sách hợp lý để lập lại kỷ cương trong quản lý.

Kính thưa Chủ tọa đoàn,
Kính thưa Quý Đại biểu,

Với nội dung tham luận vừa được trình bày trước Đại hội, chắc không tránh khỏi những điều chưa thực sự phù hợp, nhưng vì trách nhiệm chung, chúng tôi mạn phép trình bày, rất mong được sự hoan hỷ của quý Đại biểu. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự thành công của Đại hội VIII, nhất định Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian sắp tới. 

Chúng tôi xin hứa sẽ vận động các hệ phái, tự viện, tăng ni, tín đồ đạo Phật tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế; tuân thủ pháp luật nước CHXHCNVN; tổ chức, triển khai các công tác phật sự theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.

Trước khi kết thúc tham luận, một lần nữa thay mặt các hệ phái, tự viện, tăng ni, tín đồ đạo Phật tỉnh An Giang, chúng tôi xin kính chúc Chư Tôn giáo phẩm Chứng minh, Chủ Tọa đoàn, quý Đại biểu vô lượng an lạc, vô lượng cát tường và thành đạt trong mọi công tác. 

Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành công viên mãn.
Xin trân trọng kính chào và cám ơn.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Chú thích
(1) Theo chủ đề tại Mục 5 phần 2 Tông báo số 052/TB.HĐTS ngày 27/3/2017 của HĐTS GHPGVN.
(2) Theo htp://www.angiang.gov.vn
(3) Theo báo cáo 35 năm thành lập GHPGVN, 23 năn thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang.
(4) Thích Thiện Tống, tài liệu nghiên cứu “Trí huệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, lưu hành nội bộ 2017.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm