Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 23/08/2016, 08:42 AM

Điếu văn tưởng niệm Ni Sư Tâm Niệm - chùa Bửu Trì, Cần Thơ

Tôi cảm phục Ni Sư nơi tấm gương vô ngã vị tha, nói ít làm nhiều, dấn thân phụng sự suốt hơn 25 năm không mệt mỏi. Người đã ra đi nhưng người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương hay như cụ Nguyễn Du nói :”Thác là thể phách, còn là tinh anh” hay như tướng quốc đời Tống để lời di huấn “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử - Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh” (Người tự ngàn xưa ai chẳng chết – Lưu lại lòng son với cuộc đời).

LƯU LẠI LÒNG SON VỚI CUỘC ĐỜI
(Nén hương tưởng niệm Cố Ni Sư TN. Tâm Niệm)

Khắc khoải đường xa đến Bửu Trì
Lòng thành tiễn biệt bước Người đi
Thoáng chốc âm dương đà hai nẻo
Tứ chúng ngắn dài lệ ai bi…
 
Mười một giờ đêm, tôi đang nghỉ, chợt có phật Tử chùa Bửu Trì, Cần Thơ gọi điện thoại : “Dạ thưa Thầy có điều không hay…”. Tôi hỏi lại : “Oh, gọi Thầy giờ này là có việc khẩn hay sao, có việc gì mà không hay?”, “Thưa Thầy, sư trụ trì chùa Bửu Trì…mất rồi”. Tôi ngạc nhiên: “Mất rồi? Mất rồi là sao?”. “Thưa Thầy, sư trụ trì giăng mùng cho các em ngủ bị điện giật nên…mất rồi”. Tôi bừng tỉnh dậy và gọi thêm vài người ở Cần Thơ để liên hệ thì xác nhận đúng như vậy.

Tôi thật bàng hoàng và ngậm ngùi, trùng hợp ở chỗ: hành lý đi chùa Bửu Trì thì tôi đã xếp sẵn, dù sao thì sáng mai tôi cũng lên đường đi Cần Thơ sớm, không phải đi để giảng tại chùa Bửu Trì vào đêm chủ nhật ngày 19 tháng Bảy, Bính Thân như Ni Sư đã mời tôi và lên lịch sinh hoạt mà lại là đi kính viếng Giác Linh Ni Sư. Suốt hành trình trên xe, tôi hướng về chùa Bửu Trì và tất cả những kỷ niệm sinh hoạt với cố Ni Sư hiện ra mồn một trong tâm thức tôi.
 
Tôi được người giới thiệu và Ni Sư mời tôi về giảng pháp ở chùa Bửu Trì khoảng 3 năm trước. Tôi đã ấn tượng với Ni Sư ngay lần gặp đầu tiên. Trong những câu chuyện tìm hiểu về Ni Sư thông qua những thị giả thân cận, tôi được biết: Ni Sư tốt nghiệp Khóa I, trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, TP.HCM. Sau đó, Ni Sư dấn thân phụng sự rất đa năng, trải qua nhiều công việc: may pháp phục tu sỹ, hái thuốc Nam cây cỏ trị bệnh. Vốn là người một trong những tỳ kheo ni hiếm hoi có phước duyên để học xong Cao Cấp Phật Học Khóa I, Ni Sư rất quan tâm, giáo dưỡng, cưu mang những người khác ăn học trưởng thành, dù thế học hay đạo pháp.

Ni Sư bằng mọi phương cách giúp nhiều sinh viên nghèo ở các tỉnh về Cần Thơ ôn thi đại học, trợ giúp đóng học phí, cho ăn ở tại chùa trong thời gian học đại học, tiếp nhận những học sinh nghèo hoặc những em có hoàn cảnh khó khăn ở những xã vùng sâu của Cần Thơ (trước đây là Hậu Giang) nuôi ăn, cho ở tại chùa để đi học. Ngoài ra, Ni Sư mang những cụ già neo đơn về chăm sóc tại chùa. Hàng ngày, Ni Sư tận tay bưng cơm, rót nước, sắc thuốc cho các cụ, không màng lao nhọc, dơ bẩn như là phụng dưỡng cho cha mẹ ruột của mình. Không những thế, Ni Sư còn thương và cho bà con nghèo xung quanh rất đều đặn để họ vượt qua cơn đói khổ, thậm chí Ni Sư còn chi trả cho các người xích lô hay các loại xe chở vật thực đến tận nhà cho người nghèo.

Biết Ni Sư có từ tâm rất lớn nên nhiều những người có hoàn cảnh bất đắc dĩ không nuôi con được mang bỏ trước cửa chùa Bửu Trì. Trái tim yêu thương của Ni Sư đều bảo bọc, chở che cho tất cả như gà mẹ dang rộng cánh chắt chiu, che chở cho đàn con. Hiện nay, có hơn 70 em mồ côi đang được nuôi tại chùa. Nhiều lúc tôi ngồi giảng pháp, nhìn các em ánh mắt long lanh ngây thơ nghe giảng, tôi thương các em lắm! Trong cái rủi lại có cái may, trong bất hạnh lại có niềm an ủi. Các em mồ côi từ sớm nhưng lại được một bà mẹ như Ni Sư ngày đêm chăm sóc, nương ánh từ quang thì là có duyên phước.

Công việc đâu phải lúc nào cũng dễ dàng, suôn sẻ. Ni Sư đã trải qua nhiều truân chuyên, vất vả nhưng với sự kiên trì của mình đã khiến ni chúng, phật tử một lòng một dạ bám trụ cùng với Ni Sư. Đặc biệt là giai đoạn chùa bị giải tỏa cũng như các giai đoạn phục hồi trùng tu, biết bao nhọc nhằn, vất vả Ni Sư phải đương đầu với tất cả. Rồi cách đây 2 năm, có việc có người đến bắt cóc trẻ em mồ côi tại chùa Bửu Trì, tôi cảm thấy Ni Sư lo âu nhưng không hề nao núng. Tất nhiên, tâm nguyện thì vô hạn nhưng điều kiện tài chánh luôn có giới hạn, làm sao Ni Sư có thể phát triển chùa Bửu Trì đầy đủ tiêu chuẩn như một cơ sở thực thụ nuôi trẻ mồ côi.

Nhưng biết phải làm sao đây nếu những cha mẹ bất hạnh đặt niềm tin gửi gắm vào Ni Sư, “chọn mặt gửi vàng”, đành gửi khúc ruột đoạn trường của họ trước cửa chùa, lẽ nào Ni Sư lại chối bỏ các trẻ, lại giao cho ai khác, lại phụ lòng tâm huyết gửi gắm của họ? Có câu nói: "Chật bụng chớ chật chi nhà?" Sau khi trẻ bị bắt cóc tìm được trở lại, Ni Sư hoan hỷ lắm. Rồi mọi việc êm thắm trở lại vì ở đời có lý mà cũng phải có tình như câu nói: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” (Trời không phụ lòng người tốt – Nghĩa là sau cơn mưa trời lại sáng). Ni Sư cứ như thế tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng cao quý: yêu thương, bao bọc cho những mầm sống còn non, nuôi trẻ mồ côi.

Ni Sư lo cho 10 đệ tử ni xuất gia, một vị Thầy xem Ni Sư như một Ân Sư bảo trợ và cả nhiều thế hệ tăng ni sinh. Chùa Bửu Trì không đủ chỗ ở thì Ni Sư thuê nhà cho ni sinh ở như là tịnh thất. Ni Sư trợ duyên tứ sự: Ăn uống, y phục, thuốc men, phòng ốc tiện nghi, tạo mọi điều kiện cho họ an tâm tu học. Ni Sư trở thành Ân Sư, Y Chỉ Sư của rất nhiều người.

Bận rộn với rất nhiều việc tại chùa, giáo dưỡng đệ tử, đồ chúng, trẻ em, người giá, người nghèo, phật tử, Ni Sư cũng góp phần vào các vai trò quan trọng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Cần Thơ như Chánh Thư ký Văn phòng Ban Trị sự PG TP.Cần Thơ, giáo thọ sư Trường Cơ bản Phật học Cần Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ, đại biểu Hội đồng Nhân dân các khóa,…Điểm qua vài nét như vậy đủ thấy tài đức kiêm ưu, bao quát chu toàn từ việc lớn đến việc nhỏ, từ trong ra ngoài, tiếp xúc đủ hạng người, đâu cần thì Ni Sư có, đâu khó thì có Ni Sư…như thế nào.

Ni Sư đón tiếp với những giảng sư đến chùa thật nồng hậu. Tôi cảm nhận Ni Sư bình dị, chắc thật, tôn trọng Bát Kính Pháp, hết sức khiêm cung, kính quý giảng sư, nhắc nhở phục vụ rất chu đáo và tiếp xúc vừa đủ. Tôi cứ ngỡ Ni Sư bận rộn loay hoay nhiều thứ việc như vậy thì phần chữ nghĩa học thuật chắc bị “lụt”, bào mòn theo năm tháng, nhưng bất ngờ khi nghe Ni Sư đưa ra một số nhận xét về buổi giảng pháp và cách khắc phục tổ chức cho lần sau tốt hơn. Như vậy Ni Sư rất nhạy bén nắm bắt tình hình và khéo léo tạo duyên cho giảng sư ở tư thế chuẩn bị và chủ động để hội nhập và thích hợp với phật tử tại đây. Ni Sư luôn luôn ân cần tiễn ra tận cửa và đưa thêm các chai nước khi tôi giã từ.

Ni Sư có đạo hiệu là Tâm Niệm rất là phù hợp với cung cách và đạo hạnh của Ni Sư. Đó là Tâm Niệm của Quán Thế Âm Bồ Tát “ngàn xứ có cầu, ngàn xứ hiện” từ bi cứu khổ ban vui cho đời, là Tâm Niệm “Phụng sự chúng sanh tức là tối thượng cúng dường chư Phật”, là Tâm Niệm: “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật Tổ chi ân đức”, là Tâm Niệm đem miếng cơm cho người đói, đem áo cho người rách, đem sách vở cho người học, đem tình thương đến với người bất hạnh, mang hoa thơm trái ngọt cho đời, sống trọn vẹn, ý nghĩa nhất trong một kiếp nhân sinh, làm tốt đạo, đẹp đời.

Dù tu tập tích lũy rất nhiều công đức như vậy nhưng biệt nghiệp thì ai cũng còn đeo mang. Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất mà còn bị ngoại đạo đánh đến chết… Nghiệp thì phải trả nhưng mà trả theo cách thức thế nào? Sự cố Ni Sư bị điện giật rồi viên tịch có thể là do trả nghiệp tiền kiếp hoặc có thể là do hiện tại Ni Sư tiết kiệm chi tiêu ưu tiên cho việc mua mì và sữa cho các em mồ côi mà chưa kịp sửa hệ thống điện nên xảy ra điều bất trắc như vậy. Nhưng có một điều đáng trân quý ở đây: Ni Sư khi sinh tiền từng phút, từng giây, từng miếng ăn, giấc ngủ lo cho đại chúng và giờ đây lại ra đi (viên tịch) trong lúc đang giăng mùng cho các em mồ côi ngủ, trong lúc đang yêu thương và chăm sóc cho người khác.
 
Luật vô thường thật oái ăm nghiệt ngã chi phối nơi sinh mạng của Ni Sư. Đó là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được. Giáo hội mất đi một cánh tay, một hàng lãnh đạo nhiều khả năng kinh nghiệm, hàng đệ tử mất đi một bậc Thầy mô phạm khả kính dắt dìu, bao nhiêu trẻ mồ côi mất đi bàn tay vỗ về chăm sóc, người neo đơn mất đi nơi nương tựa,…Trước kia đạo tràng Bửu Trì sum vầy đạo vị biết bao nhiêu, bây giờ thì không khí tang tóc ảm đạm đang bao phủ. Hàng ngàn người sụt sùi ngấn lệ ngắn dài để tiễn đưa người thân thương nhất, đại ân nhân vào cõi tịch diệt. Rồi đây, không biết hàng đệ tử có đủ trưởng thành và khả nãng để tiếp tục hạnh nguyện và công việc của Ni Sư? Cho dù Ni Sư đâu muốn nhưng duyên trần đã mãn, thời không còn đợi vậy.

Tôi cảm phục Ni Sư nơi tấm gương vô ngã vị tha, nói ít làm nhiều, dấn thân phụng sự suốt hơn 25 năm không mệt mỏi. Người đã ra đi nhưng người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương hay như cụ Nguyễn Du nói :”Thác là thể phách, còn là tinh anh” hay như tướng quốc đời Tống để lời di huấn “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử - Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh” (Người tự ngàn xưa ai chẳng chết – Lưu lại lòng son với cuộc đời).

Với 60 năm trụ thế, 35 hạ lạp chốn thiền môn, những lời khai thị ân cần, những an ủi vỗ về, ánh mắt thân thương, cử chỉ từ hòa, chân dung, đạo hạnh, kỷ niệm ân tình vẫn còn sống mãi nơi đây với những người ở lại. Khi sống, Người đã nhắc nhở cho chúng ta sống tinh cần, hiến dâng, lý tưởng Bồ Tát hạnh vào đời đầy ý nghĩa. Khi ra đi Ni Sư cảnh giác về Vô Thường luôn đổ ập đến chúng ta bất cứ lúc nào để không chủ quan, ỷ lại, buông lung, giãi đãi, hò hẹn dây dưa, như lời Phật dạy: "Đời người trong hơi thở”. Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng trong cuộc đời, hay cách sống như một Thiền Sư khai thị:
Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.

Một đời Người quả là một vì sao, một sự thị hiện trọn vẹn nhiều vai trò, là một hình ảnh sống động của đạo Phật vào đời và hành giả Phật giáo cần “mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất”. Trong ao báu (bửu trì) có một đóa hoa sen vươn lên tỏa ngát hương. Thông điệp của đức Phật có được trân trọng hay không, bản chất của đạo Phật có được biểu hiện hay không, hành trạng của chư vị Tổ Sư có được tái hiện hay không, Phật giáo có được hưng long hay không,…tùy thuộc vào sự hiện diện nhiều và nhiều hơn nữa những hành giả Phật giáo như Ni Sư.

Đến Cần Thơ lần này, tôi cảm thấy vắng vẻ hơn các lần trước. Tôi ngước nhìn lên bầu trời: Mây tụ rồi tán, trời nắng rồi mưa, các pháp hữu vi thật vô thường. Nhưng trong pháp giới vô cùng có một chân như luôn tỏa sáng. Giờ này thắp nén nhang lên bàn thờ kính tưởng Giác Linh, tôi có vài lời tâm tình tiễn biệt:

“Thưa Ni Sư, cuộc sống thật vô thường, khó ai nắm chắc được điều gì. Vậy là lần này tôi đến đây nhưng buổi pháp thoại không thành theo xếp đặt của Ni Sư mà lại trở thành chuyến viếng thăm tang lễ của Ni Sư. Thôi thì Ni Sư hãy yên nghỉ vì nghiệp lực và nỗi khổ chúng sanh vẫn trùng trùng đến bao giờ mới hết được và công việc đến khi nào mới xong? Những người còn lại như tôi, các người pháp lữ, đệ tử, phật tử,…sẽ tiếp tục công việc của Ni Sư để lại: Trùng hưng đạo tràng Bửu Trì, chăm lo cho những người bất hạnh và góp phần cho chánh pháp sáng soi khắp mọi nơi. Công hạnh của Người vậy đã là viên mãn và tại nơi đây Người vẫn còn sống mãi trong trái tim, nhịp sống và đồng hành trong mọi sinh hoạt của chúng tôi. Nguyện cầu Giác Linh cao đăng Phật Quốc, Thượng Phẩm Thượng Sanh, hồi nhập Ta Bà để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng cao cả khiến cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc và tất cả mọi loài hồi tâm hướng thiện vượt bể trầm luân đến bến bờ giải thoát an vui”.

Chân dung của Người thật lung linh sống động, tại nơi này, không gian lắng đọng, thời gian ngừng trôi, khoảng cách âm dương như xóa bỏ, Ni Sư mỉm cười như đang cảm thông được lòng tôi. Tôi an tâm rồi. Trong chuyến này tôi không cần ban thêm bài pháp nào cho đạo tràng Bửu Trì bởi vì còn có bài pháp nào cao quý hơn là chân dung và những bài học mà Người để lại đang thấm nhuần sâu sắc trong tâm khảm từng người hiện diện tại đây và có cơ duyên một lần trong đời hội kiến Người:

Thôi khép lại bước lữ hành không mỏi
Vì cơ duyên đâu có mãi cùng Người?
Dù đã khuất nhưng tấm gương sáng chói
Vẫn chiếu soi cho cuộc sống thêm tươi.
 
Thôi từ nay đâu có còn gặp mặt
Đâu hàn huyên những câu chuyện tâm tình
Nhưng ý tưởng và bao điều tâm đắc
Vẫn ngân vang trong kiếp sống nhân sinh.

Thôi khép lại mắt thương nhìn bao trẻ
Đôi bàn tay luôn từ ái dắt dìu
Nhưng tình thương từ trái tim người Mẹ
Khiến bao người an ủi biết bao nhiêu.

Thôi từ đây ai là người tiếp độ
Ai đảm đang Phật sự tại Bửu Trì?
Vẫn thấm đượm những lời Người khai ngộ
Đàn hậu lai được soi sáng bước đi.

Đời giả tạm thôi bận lòng vướng lụy
Có sum vầy thì có lúc chia xa
Nơi Phật quốc, xin một lần yên nghỉ
Nơi Bửu Trì thơm ngát một đóa hoa...

Nam Mô Bửu Trì đường thượng, Từ Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Tam Thế, thượng Hải hạ Thông, tự Tâm Niệm Ni Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.

Chùa Bửu Trì, Cần Thơ, Mùa Vu Lan, ngày 20 tháng Bảy năm Bính Thân

Thích Đồng Trí
Cẩn đề.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Xem thêm