Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 04/04/2022, 11:53 AM

Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy

Tôi lướt qua những trang báo mới, lòng buồn tênh theo những dòng tin về bạo lực, về những vụ trọng án mà đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn. Từ bao giờ mà con người lại dễ dàng tổn thương nhau đến thế? Từ bao giờ mà cuộc sống này lại cộc cằn, hung bạo thế kia?

76

Ánh nắng ban mai nhàn nhạt khẽ đánh thức những giọt sương đang ngủ say trên phiến lá non mềm. Ngồi bên ly cà phê sáng, tôi lướt qua những trang báo mới, lòng buồn tênh theo những dòng tin về bạo lực, về những vụ trọng án mà đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn cỏn con. Từ bao giờ mà con người lại dễ dàng tổn thương nhau đến thế? Từ bao giờ mà cuộc sống này lại cộc cằn, hung bạo thế kia?

Đang quẩn quanh cùng mớ suy nghĩ không lối thoát, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai chú điệu đang chấp tác. Hai chú thấy một đàn kiến đang tha mồi về tổ trên mái hiên chùa mà chẳng vội quét đi, chỉ kiên nhẫn đứng đợi chúng bò qua hết mới tiếp tục quét. Điều thật hiếm thấy với những chú điệu đang tuổi ham chơi ham ngủ. Lắng nghe thật kỹ thì mới biết, hóa ra, hai chú sợ, quét đàn kiến đi rồi, những con kiến con ở tổ sẽ mất đi cha mẹ, không có ai nuôi chúng nữa. Các chú nghĩ rằng đàn kiến ra ngoài kiếm ăn cũng giống như ba mẹ các chú đi làm kiếm tiền về nuôi mình. Nếu ba mẹ đi mãi không về thì mình sẽ thật tội nghiệp. Mình như vậy thì các chú kiến con đang ở tổ đợi bố mẹ về cũng như thế. Cái suy nghĩ đơn giản và có phần trẻ con ấy đã khiến các chú làm được một việc thiện. Dù nhỏ bé thôi nhưng cũng đáng để người lớn chúng tôi suy ngẫm.

Các chú điệu chỉ mới mười, mười một tuổi. Tuy sống trong cảnh thiền môn nhưng thật sự các chú còn quá nhỏ để hiểu thấu đáo thế nào là hạnh Từ Bi của người con Phật. Việc các chú làm chỉ đơn giản là nghĩ chính bản thân mình nếu là những chú kiến con đang ở tổ đợi thức ăn thì sẽ ra sao. Rồi chính từ sự sợ hãi của bản thân khi nghĩ đến việc bố mẹ gặp nạn ở bên ngoài mà quyết định không quét đàn kiến kia đi. Đối với các chú thì chắc nó cũng giống như việc nghĩ mình là siêu nhân, robot trong những trò chơi hằng ngày nhưng nó khiến tôi nhận ra: Nếu ta luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện, nhìn sự việc với góc nhìn của người khác từ đó thấu hiểu phần nào hành động của họ rồi mới ra quyết định bản thân mình sẽ xử sự ra sao thì có lẽ, đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy.

Đặt mình vào vị trí của người khác chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Bởi lẽ, mỗi người đều có một hoàn cảnh sống khác nhau, một tính cách riêng, chẳng ai có thể giống ai, chẳng ai có thể khẳng định sẽ thấu hiểu một trăm phần trăm người đối diện, cho dù đó có là cha mẹ hay người mình gần gũi nhất. Nhưng xin đừng vội nản lòng. Chỉ cần dùng trái tim chân thành để cảm nhận, dùng yêu thương để nối những nhịp cầu, chúng ta sẽ dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. Hãy bỏ xuống cái tôi để dung hòa bản thân vào những gì mình cảm nhận được từ người khác. Hãy thử đứng ở vị trí đối lập mà xem xét những gì đang xảy ra. Rất có thể, chúng ta sẽ nhận ra “chiếc bình vốn dĩ không chỉ có một màu”.

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có vô vàn những mối quan hệ, thân có, sơ có. Có những mối quan hệ chúng ta có thể vô tư, thẳng thắn với nhau. Và cũng có những mối quan hệ bị ràng buộc bởi nhiều gút mắc ẩn sâu, dù muốn dù không chúng ta cũng không dễ dàng lý giải. Hãy nhìn từ ngay những người đang ngày đêm kề cận bên mỗi người là “cha mẹ” và “con cái”. Đây tưởng chừng đã là mối quan hệ thân thiết nhất nhưng cũng không thể tránh khỏi những lần xung đột hay cãi vã. Vì cha mẹ và con cái là hai thế hệ, có những quan điểm, cách nhìn và cách sống khác nhau. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng vì thế mà có không ít sự khác biệt. Chỉ cần giữa cha mẹ và con cái luôn có đủ tình yêu thương, sự tôn trọng và thấu hiểu thì những điểm khác biệt đó cũng chỉ là nốt nhạc đệm nho nhỏ của cuộc sống. Còn nếu ngược lại, chỉ cần một bên không đủ cảm thông, có lẽ, khác biệt sẽ ngày một lớn, khó có thể xóa nhòa. Mặt khác, trong suốt quá trình con cái trưởng thành và cha mẹ già đi, luôn có những bước chuyển biến tâm lý của mỗi người. Con cái sẽ có thời điểm mang tâm lý nổi loạn, chống đối. Cha mẹ sẽ có lúc già yếu, bệnh tật dễ dàng tủi thân, hay suy nghĩ tiêu cực. Trong những thời điểm này, điều cần nhất là sự thấu hiểu và sẻ chia của gia đình. Cha mẹ là những người từng trải qua một thời điểm tuổi dậy thì, thì xin hãy nhớ lại bản thân mình khi ấy, dùng những suy nghĩ đó mà đặt mình vào vị trí của con cái để hiểu được những gì tốt nhất cho con trong thời điểm này. Còn những người con, xin hãy nhớ, sau này, chính mình rồi cũng sẽ có những đứa con, cũng sẽ già yếu như bố mẹ lúc này, hãy đặt mình vào vị trí của một người cha từng cõng mình trên vai ngày thơ bé nay đôi chân đã run không thể bước, hãy đặt mình vào vị trí người mẹ đã bón cho mình từng thìa cháo nóng nay mắt đã mờ không nhìn rõ đường đi. Có như vậy những người con mới thấm được sự tủi thân của cha mẹ khi nghĩ mình đã là gánh nặng của con cái khi về già, sẽ hiểu những lúc cha khó tính, mẹ dỗi hờn. Chỉ hy vọng, khoảng cách thế hệ, khác biệt cách sống hay tâm lý lứa tuổi sẽ thôi không còn là trở ngại cho một gia đình hạnh phúc.

Con người, ai cũng có những nỗi đau riêng. Chúng ta không sống trong cuộc đời của người khác nên chúng ta không thể biết những gì họ đã trải qua.

Con người, ai cũng có những nỗi đau riêng. Chúng ta không sống trong cuộc đời của người khác nên chúng ta không thể biết những gì họ đã trải qua.

Tương tự, những mối quan hệ khác trong xã hội cũng sẽ có những mâu thuẫn. Biết bao nhiêu vụ án thương tâm đã xảy ra chỉ vì chúng ta không chịu thấu hiểu, không chịu đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông. Vợ hay chồng, ai cũng có những áp lực của riêng mình, người đối diện chưa chắc có thể cảm nhận trọn vẹn nhưng tựu chung, điều cả hai hướng tới đều vì muốn tốt cho đối phương, muốn xây dựng một mái ấm vững bền. Thầy hay trò, ai cũng muốn hướng đến những điều tốt đẹp của tương lai dù cách làm có đôi khi khác nhau đến tưởng chừng như khó thể cảm thông. Những ngày dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải đối diện với những khó khăn chưa từng có. Điều này đã gây áp lực tâm lý, đôi khi ta thiếu nhẫn nại, dẫn đến mâu thuẫn không hay. Điều cần nhất lúc này là sự thấu hiểu của đôi bên mà cùng nhau chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Việc đặt bản thân vào vị trí người khác đồng nghĩa với việc thay đổi góc độ để nhìn nhận vấn đề. Hãy mở rộng tầm mắt, nhìn tổng thể toàn bộ bức tranh, bạn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Chẳng may, nếu lỗi lầm có xảy ra, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tìm được nguồn gốc và phương hướng để giải quyết triệt để. Suốt cả cuộc đời, ai có thể đảm bảo mình sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm? Cứ khăng khăng nhìn về một hướng, luôn cho rằng mình đúng sẽ chỉ khiến chúng ta dễ dàng làm tổn thương người khác.

Con người, ai cũng có những nỗi đau riêng. Chúng ta không sống trong cuộc đời của người khác nên chúng ta không thể biết những gì họ đã trải qua. Vậy nên đừng vội vã phán xét, mà trước hết, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông. Thay vì tranh cãi ai sai, ai đúng để rồi cơn sân hận nổi lên chẳng thể làm chủ bản thân mình mà gây ra những việc không hay thì sao chúng ta không ngồi xuống, cùng trải lòng, lắng nghe người khác và lắng nghe chính bản thân.

Xin hãy tâm niệm rằng: “Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy khi ta biết đặt mình vào vị trí của nhau”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chúng sanh và lục thông

Góc nhìn Phật tử 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Nếu không có sự cảm thông và thấu hiểu thì đừng thị phi thêm dầu vào lửa

Góc nhìn Phật tử 11:45 18/04/2024

Mỗi người có quyền riêng tư và sự riêng tư này phải được tôn trọng. Khi ta không biết rõ về người đó và cuộc sống của họ, ta không nên kể những câu chuyện của họ cho người khác.

Chết có đáng sợ hay không?

Góc nhìn Phật tử 07:33 18/04/2024

Chúng sanh ai cũng sợ chết nhưng mong muốn khỏi già, khỏi chết là những sự kiện không thể có được như Đức Phật đã dạy:

Linh bất linh tại ngã

Góc nhìn Phật tử 16:51 17/04/2024

Trong một lần học đạo với thầy (cố HT.Thích Thái Không), tôi hỏi: Thầy có tin chuyện linh ứng, mầu nhiệm không? Thầy cười khà khà nói, có câu “Linh bất linh tại ngã”, rồi giảng rằng: Linh ứng hay không là do ở bản thân mình.

Xem thêm