Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

GHPGVN cần phối hợp và tư vấn cho Tp.HCM trong việc di dời tượng Thánh tử đạo Quách Thị Trang

Bạn đọc có gửi điện thư cho chúng tôi về thông tin di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng bán thân nữ thánh tử đạo Phật giáo Quách Thị Trang tại vòng xoay trước chợ Bến Thành. Thông tin này được đăng trên Báo Tuổi Trẻ online.

Theo đó, “ngoài ra, UBND TP đồng ý dời tượng bán thân Quách Thị Trang, xem đây là một trong những hạng mục thuộc dự án “Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên trên địa bạn Quận 1".

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất địa điểm để di dời tượng bán thân Quách Thị Trang và không gian vị trí đặt tượng tại địa điểm chọn để báo cáo thành phố.
Tượng đài Thánh tử đạo Quách Thị Trang
Riêng UBND quận 1 có nhiệm vụ lập phương án, dự toán thảo dỡ, vận chuyển 2 tượng nêu trên về địa điểm mới”.

Tượng bán thân Quách Thị Trang đặt tại quảng trường có tên gọi chính thức là Quách Thị Trang được dựng lên sau Pháp nạn lịch sử 1963, thể hiện sự tôn kính của tăng, ni phật tử Việt Nam, của toàn thể nhân dân yêu nước Việt Nam đối với sự hy sinh oanh liệt của một liệt nữ Phật giáo Việt Nam trẻ tuổi trong cuộc đấu tranh chống ách cai trị độc tài gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, phản dân hại nước của chế độ Ngô Đình Diệm.

Bức tượng bán thân nhỏ của liệt nữ Quách Thị Trang được dựng nên trong bối cảnh đàn áp quân phiệt của thời kỳ sau cuộc đảo chính năm 1963. Tôi có dịp đọc một tài liệu, vì đã lâu nên không nhớ tựa, thì việc dựng tượng liệt nữ Quách Thị Trang không chỉ là phía Phật giáo, mà còn được sự hỗ trợ của các lực lượng sinh viên yêu nước, cụ thể là lực lượng đấu tranh công khai của Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và chính đây cũng là lực lượng chủ yếu bảo vệ tượng liệt nữ Quách Thị Trang trước âm mưu phá tượng của những lực lượng cực đoan sau đó.

Vì vậy, tượng liệt nữ Quách Thị Trang và tên gọi Công trường Quách Thị Trang là chứng tích của Pháp nạn lịch sử Phật giáo Việt Nam và cũng là chứng tích của phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Sài Gòn – Gia Định.

Tượng thánh tử đạo Quách Thị Trang là sự hiện diện đặc biệt và hiếm hoi của một biểu trưng Phật giáo ở một quảng trường trung tâm của thành phố.

Theo truyền thống, từ những năm nửa sau thập niên 1960 đây là nơi viếng thăm lễ bái truyền thống của tăng, ni, phật tử vào mùa Phật đản hàng năm.

Trong khoảng cuối thập niên 1970, tôi đã được vinh dự tháp tùng Hòa thượng Thích Trí Quảng, khi đó là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cùng đoàn thanh niên phật tử kính viếng tượng liệt nữ Quách Thị Trang. Tôi còn được vinh dự phân công ngồi lại trông chừng vòng hoa trong suốt buổi sáng.

Liên tục cho đến nay, tượng liệt nữ Quách Thị Trang luôn được tăng, ni, phật tử hương khói lễ bái, nhất là khi đến mùa Phật đản. Có thể nói đây là di tích Pháp nạn lịch sử Phật giáo năm 1963 vào hàng thứ 2 tại TPHCM, sau công viên Bồ tát Thích Quảng Đức.

Cũng như tượng bồ tát Thích Quảng Đức, tượng liệt nữ Quách Thị Trang được dựng tại nơi chư liệt vị thánh tử đạo đã vị pháp vong thân, nhằm mục đích kỷ niệm theo cả 2 chiều không gian và thời gian, đặc biệt là sự đánh dấu không gian.

Hiện nay, tại nơi Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, một công viên nhỏ nhưng rất trang nghiêm mỹ thuật đã được nhà nước xây dựng để đánh dấu nơi Bồ tát vị pháp thiêu thân, với tôn tượng Bồ tát an vị trong lửa có giá trị mỹ thuật cao, tuyển chọn, qua một kỳ thi sáng tác có yêu cầu chặt chẽ.

Riêng đối với tượng Nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang trên Công trường Quách Thị Trang, khi đã có yêu cầu di dời phục vụ cho công trình công ích chung, thì chắc chắn tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam đều hoan hỷ chấp hành.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã rất quan tâm và có sự tôn trọng đặc biệt trong việc di dời tượng nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang. Bản tin dẫn trên nêu rõ: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất địa điểm để di dời tượng bán thân Quách Thị Trang và không gian vị trí đặt tượng tại địa điểm chọn để báo cáo TP.”

Tượng Quách Thị Trang là tượng một vị Nữ thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam. Do đó, GHPGVN Tp.HCM chắc chắn là một trong những đơn vị có liên quan, nếu không muốn nói là có trách nhiệm bảo đảm việc di dời diễn ra đúng nguyện vọng của tăng ni Phật tử và nhân dân cảm tình ủng hộ cuộc đấu tranh giải trừ pháp nạn của Phật giáo Việt Nam.

Do đặc trưng tượng nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang đặt ở nơi đã xảy ra sự kiện hy sinh vì đạo pháp và dân tộc, tương tự trường hợp Bồ tát Thích Quảng Đức, nên việc di dời nếu ra khỏi hẳn phạm vi Công trường Quách Thị Trang là mất hết ý nghĩa.

Vì vậy, đề xuất GHPGVN TPHCM “phối hợp các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất địa điểm để di dời tượng bán thân Quách Thị Trang và không gian vị trí đặt tượng” theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM (thể hiện qua bản tin) một cách thích hợp.

Cụ thể xin đề nghị chọn một nơi nào đó cũng trên Công trường Quách Thị Trang để đảm bảo yêu cầu pho tượng là di tích đánh dấu không gian hy sinh vì đạo pháp và dân tộc của nữ thánh tử đạo. Không gian vị trí đặt tượng cần đủ rộng để Phật giáo Việt Nam cử hành lễ tưởng niệm hàng năm theo truyền thống. Chúng tôi nghĩ rằng vị trí công viên 23/9 mặt nhìn ra Công trường Quáng Thị Trang là một địa điểm thích hợp.

Cùng theo tư duy dẫn đến việc xây dựng công viên tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, chúng tôi đề nghị GHPGVN Tp.HCM kiến nghị với nhà nước tiến hành xây dựng góc tưởng niệm nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang trên cùng Công trường Quách Thị Trang một cách phù hợp, tương xứng với sự hy sinh cao cả của liệt nữ.

Tượng bán thân của Nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang với kích cỡ nhỏ như hiện nay chỉ là kết quả tạo dựng gấp gáp, vội vàng, đối phó với những cản trở từ chế độ quân phiệt Sài Gòn vào  những năm từ 1964. Pho tượng đó không tương xứng với sự hy sinh lớn lao của liệt nữ Quách Thị Trang đối với đạo pháp và dân tộc.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước độc lập thống nhất, nhân cơ hội di dời tượng bán thân đã cũ, nên chăng GHPGVN kết hợp với chính quyền tổ chức một cuộc thi mẫu tượng Nữ thánh tử đạo mới để tạo một pho tượng to đẹp hơn, dựng ở một không gian đàng hoàng hơn trên Công trường Quách Thị Trang lịch sử.

Minh Thạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nhập thất: Nhất tâm, lộ trình sơ thiền (5)

Phật pháp và cuộc sống 17:30 28/03/2024

Tôi đề cập vấn đề này nhiều lần mà có vẻ như chưa đủ. Hai chữ nhất tâm nó có thể quyết định toàn bộ con đường tu tập, cả về phương pháp luận về các pháp hành mà Đức Phật đã chỉ ra.

Hòa thượng Pháp Tông giới thiệu về tranh thủy mặc

Phật pháp và cuộc sống 12:27 28/03/2024

Tranh thủy mặc là một trong các hình thái hội họa xuất phát từ Trung Quốc. Dựa vào thuật ngữ “thủy mặc” chúng ta có thể hiểu nôm na là loại tranh này chủ yếu do mài mực Tàu ra, pha với nước, rồi dùng bút lông vẽ trên giấy xuyến hoặc trên lụa nên về sắc thái chỉ có hai màu đen và trắng.

Người trồng nụ cười

Phật pháp và cuộc sống 10:51 28/03/2024

Thoáng chốc đã hai năm nó gặp Thầy! Người đã thay đổi cuộc đời nó. Từ một cô bé vô tư, ngây ngô, chỉ biết ở chùa cho vui, làm công quả để kiếp sau bớt khổ. Đó là nó nghe được từ các cô, các bà chứ đôi mươi thì nào biết gì.

Nhập thất: Tăng nhất A-hàm (4)

Phật pháp và cuộc sống 18:30 27/03/2024

Đàm luận về nhân quả đó là bài học vô cùng hữu ích đối với tất cả mọi người đang hướng đến con đường học Phật. Bạn đọc lại "10 câu hỏi trăn trở và thao thức" để bắt đầu suy nghiệm nhân quả mà tác giả đã gửi gắm vào đấy.

Xem thêm