Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 23/05/2018, 13:26 PM

Gia Lai, TP.HCM: Các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản PL.2562


TP.HCM: Quan Âm Tu viện mừng Phật đản

Thực hiện lời dạy của đức Phật: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc của quần sinh, vì an lạc của quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho chư Thiên và loài người”
 
Vào lúc 18h00, ngày 08/04/Mậu Tuất (22/05/2018) tại Quan Âm Tu viện (Q.Phú Nhuận) đã cử hành Đại lễ Phật Đản PL.2562 và tri ân công đức Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân!

Đến tham dự buổi lễ có: HT.Thích Huệ Minh – UV TT HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ TƯ, Chứng minh BTS GHPGVN quận Phú Nhuận; ông Nguyễn Tiến Mãnh - UV Thường vụ quận ủy, Chủ tịch UBMTTQVN quận Phú Nhuận; cùng Chư tôn đức tăng ni và phật tử.

Phát biểu khai mạc, khai kinh, thắp hoa đăng tri ân công đức Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và chư Thánh tử đạo, TT.Thích Minh Nhật nhấn mạnh: “Trong tâm khảm thế nhân, tất cả các chứng tích đều bất diệt với cung bậc của thời gian vô tận, năm nay nhân kính mừng Phật Đản đức Thích Ca Mâu Ni, PGVN trân trọng kỷ niệm 55 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, đã lấy quả tim của mình để đánh thức lương tri nhân loại (20/04/1963). 

Ngài đã để lại bức thư tâm huyết với lời lẽ nhẹ nhàng, tha thiết, từ tốn, cảm động, tạo nên một chứng tích hào hùng, nói lên tinh thần ôn hòa bất bạo động của người con Phật trước lúc nan nguy. Sau khi nhục thân ngài tự thiêu được đặt vào kim quan đem đi hỏa táng, nhục thân ngài ra tro, chỉ còn lại trái tim đỏ hồng! 

Cho đến ngày nay, sau 55 năm khoa học chưa giải thích được sự kiện hy hữu và linh thiêng này. Phật giáo toàn thế giới tin rằng, ngài đã dùng lửa tam muội tự thân để đúc thành nguyên khối trái tim của mình trước khi ngọn lửa thế chạm đến. 

Trái tim của Bồ tát bất diệt, có nghĩa đạo pháp trường tồn bất diệt!

Nguyện cầu Đạo Pháp nở hoa, tâm từ bi thấm nhuần khắp cõi ta bà, để đưa mầm giác ngộ giải thoát đến toàn nhân loại!”.

Tại buổi lễ, HT.Thích Huệ Minh, cung tuyên tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức:

“Ngài có Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là cụ Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Nương.  

Năm lên bảy, ngài xuất gia tu học với Hoà thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Ngài được Hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. 

Năm 15 tuổi, Hòa thượng thọ giới Sa di. Năm 20 tuổi thọ Tỳ kheo giới. Thọ giới xong, ngài vào một ngọn núi Ninh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, bặt dứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (về sau ngài đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc). Sau khóa tu ba năm, ngài rời núi để bắt đầu công cuộc hoằng dương Phật pháp, nhưng hai năm đầu, ngài đã thực hiện pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây để gieo duyên lành với chúng sinh. Sau hai năm mãn nguyện, ngài trở lại nhập thất tại chùa Sắc tứ Thiên An tại Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang. 

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến tận nơi ngài đang nhập thất thăm hỏi và mời ngài về làm Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật giáo Ninh Hòa trong ba năm. Sau đó ngài nhận nhiệm vụ Kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. 

Trong thời gian hoằng pháp tại các tỉnh miền Trung, ngài đã kiến tạo và trùng tu tất cả 14 ngôi chùa. 

Năm 1934, ngài rời Khánh Hòa vào miền Nam để tiếp tục sứ mạng bảo vệ và phát triển chính pháp, ngài đã đi khắp các tỉnh miền Nam để giáo hóa. Ngài cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. 

Cũng như ở miền Trung, 20 năm hành đạo ở miền Nam, ngài đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. 

Như vậy, ngài đã có công xây dựng và trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng, nơi ngài trụ trì là chùa Quan Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định (hiện con đường này đã chính thức được mang tên ngài). 

Ngài đã từng giữ chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, theo theo lời thỉnh cầu của Ban Trị sự, ngài có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Khi trụ sở này dời về chùa Xá Lợi, ngài xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm. 

Ngày 20/04/Quý Mão (11/06/1963), trong một cuộc diễn hành của gần 1.000 tăng ni để tranh thủ chính sách ''bình đẳng tôn giáo'' và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo, Hòa thượng Quảng Đức đã nhận ra được chính pháp là ngọn đuốc thần soi sáng thế nhân, còn thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm. Ngài bèn quyết định thực hành nguyện ước là tự thiêu thân để cúng dường Phật pháp và cũng để làm động cơ thúc đẩy Chính  phủ giải quyết gấp rút 5 nguyện vọng của Phật giáo và giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế đang vị vây khốn. 

Chính vì thâm nguyện ấy, ngài đã tự tẩm xăng ướt mấy lớp cà sa, rồi ngồi kiết già ở giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), tự tay châm ngọn lửa. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa, gương mặt không lộ vẻ hãi sợ, lo âu. Gần 15 phút sau, lửa tàn và ngài đã ngã xuống, trên tay vẫn còn quyết ấn Cam lồ.
 
Và đây là lời nói cuối cùng của ngài trước khi giác linh theo ngọn khói về cùng với Phật: ''Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở'. Tôi tha thiết kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức, tăng ni, phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật giáo''. 

Dù ngài đã thị tịch, nhưng hình ảnh của ngài vẫn khắc sâu in đậm vào lòng của người con Phật. Cái chết vô cùng cao quý của ngài đã gây xúc động mạnh trong mọi giới, là một gương sáng cho toàn thể Phật giáo đồ trên khắp thế giới.
 
Sau nghi lễ dâng hương hoa, khai kinh, tắm tượng Phật, truyền đăng, tứ chúng vân tập tại bờ kênh Nhiêu Lộc cử hành thắp sáng bảy đóa sen hồng. 

Thường Tịnh Văn

Gia Lai: Thiêng liêng lễ rước kiệu Phật

Phật về bảy bước chân đi 
Tay hoa Phật trỏ hiểu gì không em?
Tuyệt vời trên những gót sen 
Trong bùn mà chẳng hôi đen như bùn
Phật về bảy bước đại hùng 
Em vui đón Phật đẹp cùng quê hương.

Hòa nhịp cùng hàng triệu con tim hướng về sự kiện đản sinh của đức Từ phụ, Phật giáo tỉnh Gia Lai trong suốt tuần lễ Phật Đản đã tổ chức nhiều hoạt động phật sự dâng lên cúng dường nhân dịp đản sinh của đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni PL.2562 – DL. 2018.
 
Tối ngày 08/04/Mậu Tuất (22/5/2018), Chư tôn đức Phật giáo tỉnh Gia lai đã tổ chức Lễ rước tượng Phật từ chùa Minh Thành diễu hành qua đường Hùng Vương, đến Phan Bội Châu về đến văn phòng BTS chùa Bửu Thắng, 04A Sư Vạn Hạnh, TP.Pleiku. Sau đó cử hành nghi lễ tắm tượng Phật tại lễ đài trung tâm trong sự hoan hỉ chào đón của người dân phố núi Pleiku.

Đến tham dự buổi lễ có: HT.Thích Từ Hương, UV HĐCM, Chứng minh BTS PG tỉnh Gia Lai; cùng Chư tôn đức tăng ni các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất… và gần 2.000 người con Phật.
 
Nếu sự kiện đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa có chư Thiên trỗi nhạc chúc mừng thì tại nơi Tây Nguyên xa xôi này, những bà con dân tộc trong sắc phục bản địa đã cùng nhau rung điệu cồng chiêng rước tượng Phật vang dội cả phố núi trong những cơn mưa lất phất nhưng lòng người lại thấy ấm áp.
 
Đây cũng sự là chung tay nỗ lực của các Ban trong BTS PG tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ mới. Mong rằng trong thời gian tới PG  tỉnh gia Lai càng có nhiều hoạt động tích cực hơn, được sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, để ánh đạo vàng ngày càng lan tỏa trên vùng đất Bazan này.

Ngọc Chơn 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm