Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/06/2016, 09:14 AM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.5)

Xả là sự tha thứ, lòng độ lượng. Xả tâm trong hệ thống quán tâm cũng không liên hệ đến đối tượng bên ngoài, vì thế quán xả tâm ở đây chính là biết độ lượng, tha thứ lỗi lầm cho chính bản thân mình. Một khi biết độ lượng, tha thứ cho chính mình thì không còn dằn vặt, đay nghiến, hiềm hận bản thân mình nữa. Như vậy là đã biết quán tâm xả trên hận tâm để đoạn diệt hiềm hận chính mình.

3.2 Quán tâm vô sân trên tâm sân

Tâm sân là từ gọi chung cho hai trạng thái: sân và hận. Sân là sự tức giận, phẫn nộ biểu lộ ra bên ngoài. Hận là sự ấm ức, hiềm hận, hận thù ngấm ngầm trong lòng, không thể hiện rõ. Kinh điển Nikāya dùng hai từ phẫn nộ và hiềm hận để chỉ cho hai trạng thái tâm lý gây khổ đau này.
 
Tâm sân trong hệ thống quán tâm là những niệm phẫn hận không nhắm vào một người nào khác bên ngoài, mà chỉ là vấn đề ‘ta với ta’. Đây là trường hợp khi chủ thể gây ra sự tức giận và đối tượng chịu nhận sự bực tức cùng là một người. Nói cách khác, đây là tâm sân hận chính bản thân mình. Ngoài ra tâm sân cũng là trạng thái bất như ý, hậm hực, tức giận với hoàn cảnh, môi trường, bệnh tật của chính mình (không liên quan gì đến người khác). Chắc hẳn trong ngôn ngữ mỗi dân tộc đều có cụm từ mô tả tâm sân phổ biến này, đó là trường hợp bị ‘tức mình, bực mình’.

Khi bị tâm sân trói cột, nếu không đoạn trừ sớm, sẽ dẫn đến những trạng thái tâm lý hoặc hoàn cảnh tệ hại hơn. Tâm sân hận tăng trưởng có thể gây ra những hành động nguy hại, hoặc ảnh hưởng nguy hiểm đến những tâm bệnh hoặc thân bệnh khác như u uất, trầm cảm, kém ăn, mất ngủ, đau tim, stress, huyết áp… Hẳn nhiên, một tu sĩ cứ ôm giữ sự tức mình, bực mình, cứ oán trách bản thân mình vì một việc làm do chính mình tạo ra thì cũng không thể an tâm nhập chánh định.

Hơn thế nữa, căn cứ vào Thánh lý Nhân Duyên, đối với người phật tử còn phải nhận thức thêm một khía cạnh nguy hiểm khác của tâm sân hận, đó là khi cứ chấp giữ ý hành sân hận như vậy sẽ tạo nên nghiệp thức sân hận. Nghiệp thức sân hận khi chuyển hoá sẽ tạo thành thai thức. Đương nhiên thai thức này cũng chất chứa những chủng tử sân hận bất thiện, do đó nó sẽ phải câu hữu tái sanh trong môi trường tương ưng với những sự não hại, tàn ác, hận thù.
 
Tâm trạng bực tức chính mình cột trói con người vào với đau khổ trước mắt lẫn lâu dài, cho kiếp này lẫn tạo nghiệp xấu trong tương lai thật vô cùng nguy hại. Chính vì thế tâm sân hận chính mình trong hệ thống quán tâm cũng là một tâm ‘bệnh’ và được gọi là sân kiết sử.

Bà A sau khi đi chợ về mới phát hiện do mình sơ ý nên đã làm mất năm trăm đồng. Từ đó bà cứ luôn bực mình, tức mình, day dứt mình mãi không thôi vì sự lơ đễnh ấy. Ai là chủ thể gây ra sự tức giận? Chính là bà A. Ai là nạn nhân của sự tức giận? Cũng chính là bà A. Như vậy bà A đang bị sân kiết sử trói cột.

Tương tự, em học sinh B phát hiện mình đã làm sai một phép toán trong bài thi nên cứ một mình trong phòng riêng vò đầu bứt tai, hậm hực, tức tối vì sự sơ xuất đáng trách của chính mình. Như vậy cậu bé cũng là nạn nhân của sân kiết sử.

Cứ tiếp tục để sân kiết sử hành hạ mình, bà A và em B không những bị khổ lụy ngay trước mắt mà còn những nguy hại về lâu dài. Do vậy bà A và em B phải mau chóng thoát khỏi sự cột trói của sân kiết sử để tiến thêm một bước trên con đường đi tới giải thoát. 

Muốn thoát khỏi khổ đau trước mắt lẫn về lâu dài của sân kiết sử một cách triệt để, phải biết cách chặt đứt sợi dây nguy hiểm này.

Như đã được biết, muốn điều trị một căn bệnh tận gốc việc quan trọng đầu tiên là phải phát hiện sớm mình đang mắc bệnh, tiếp đó còn phải trị liệu theo đúng phương thuốc thích hợp. Cũng vậy, để trừ diệt được sân kiết sử, khi tâm vừa khởi lên ý niệm tức mình, bực mình phải tuệ tri ngay ‘tâm có sân, tôi biết tâm tôi có sân’. Đồng thời phải tuệ tri thêm một bước quan trọng ‘tâm vô sân, mình còn có một tâm vô sân’. Tâm vô sân này chính là tâm ‘thuốc’ để chữa trị tâm sân. Vậy tâm vô sân là tâm gì?

Trong Kinh Nikāya, Đức Phật đã nhiều lần chỉ rõ để đoạn trừ tâm sân ngủ ngầm hay đã phát khởi, cần phải tu tập hai pháp Từ tâm và Như lý tác ý: “Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì sân chưa sanh không sanh khởi, hay sân đã sanh được đoạn tận? Cần phải trả lời là “Từ tâm giải thoát”. Với ai như lý tác ý Từ tâm giải thoát, thời sân chưa sanh khởi không sanh khởi, hay sân đã sanh khởi được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến sân chưa sanh khởi không sanh khởi, hay sân đã sanh khởi được đoạn tận” (TC III:68, tr.362 = [I.3.60.6]).

Từ tâm là vị thuốc quý đầu tiên nằm trong toa thuốc Bốn Vô Lượng Tâm (hay Bốn Phạm Thiên trú) bao gồm Từ-Bi-Hỷ-Xả. Muốn sử dụng bốn phương thần dược này để điều trị sân kiết sử cần phải hiểu rõ thế nào là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả.

Từ là lòng thương, tình thương. Từ tâm được nói đến ở đây nằm trong hệ thống quán tâm có nghĩa không phải hướng tình thương đến đối tượng khác chung chung mà là tâm niệm biết thương yêu chính bản thân mình. Một người biết ý thức tỉnh giác thương mình sẽ không thể tức giận mình để tự làm khổ cho chính bản thân. Khi ý niệm tức mình, bực mình phát khởi, ngay đó phải chánh niệm quán xét tư duy từ tâm - thương yêu chính mình - để không tức giận mình nữa. Như vậy là đã biết quán tâm từ trên tâm sân để khắc phục sân giận chính mình.

Bi là thấu rõ nỗi khổ đau. Ở đây tâm bi trong hệ thống quán tâm có nghĩa không phải hướng đến đối tượng bên ngoài mà là biết bi tâm với chính mình, tức phải thấu rõ nỗi đau khổ của chính bản thân mình. Một người đang tức mình, bực mình cần phải chánh niệm nâng cao bi tâm với chính mình để ý thức rằng cứ tức giận chính mình thì mình khổ chứ ai khổ, từ đó sẽ không thể tiếp tục tự làm hại mình thêm nữa. Như vậy là đã biết quán tâm bi trên hại tâm để không làm hại chính bản thân mình.

Hỷ tâm là lòng hân hoan, hoan hỷ, vui mừng. Hỷ tâm ở đây cũng không có nghĩa ban vui, bớt buồn cho ai khác mà là cho chính bản thân mình. Trong kinh Nikāya có nhiều cách tác ý tạo hỷ tâm. Một trong số đó là quán tầm để thấy được sự may mắn ngay trong những hoàn cảnh bất ưng mà mình đang gặp phải. Có hỷ tâm là tạo được an lạc cho tâm. Như vậy là đã biết quán tâm hỷ trên bất lạc tâm để đem lại an vui cho nội tâm.

Xả là sự tha thứ, lòng độ lượng. Xả tâm trong hệ thống quán tâm cũng không liên hệ đến đối tượng bên ngoài, vì thế quán xả tâm ở đây chính là biết độ lượng, tha thứ lỗi lầm cho chính bản thân mình. Một khi biết độ lượng, tha thứ cho chính mình thì không còn dằn vặt, đay nghiến, hiềm hận bản thân mình nữa. Như vậy là đã biết quán tâm xả trên hận tâm để đoạn diệt hiềm hận chính mình.
Ảnh minh họa (Sưu tầm)
Chính vì thế, trong Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (TB2, 62 = [Sb.14), đức Thế Tôn đã dạy về ý nghĩa của việc tu tập Bốn Tâm Vô Lượng:

“Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng Từ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về lòng Bi. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về Hỷ. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt.

Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về Xả. Này Rahula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt”.

Chính vì thế, Từ Bi Hỷ Xả còn được gọi là ‘Phạm thiên trú’ tức là nơi trú ẩn đầy an vui hỷ lạc của các bậc Phạm thiên. Hơn thế nữa, trong kinh Nikāya Đức Phật còn chỉ ra rất nhiều những lợi ích hy hữu khác nữa của tâm Từ Bi Hỷ Xả. Những ai muốn giải thoát khỏi khổ đau cần phải đặc biệt coi trọng và nỗ lực tu tập các Diệu Pháp này.

Bà A khi bị sân kiết sử trói cột khiến tức mình bực mình, liền ngay đó bà phải tự mình phản tỉnh ‘tâm có sân, mình đang có tâm sân’ và đồng thời hướng tâm theo chiều hướng vô sân tức biết từ, bi, hỷ, xả với chính mình. Bà A nên phản tỉnh nhắc nhở mình như sau: ‘Thôi, phải biết thương lấy mình, cứ bực mình thế này thì tự làm khổ bản thân, chứ có ai khổ thay cho mình đâu (từ tâm). Cứ giận mình thế này thì bệnh tim, bệnh cao huyết áp của mình khởi lên, lúc ấy không những mất năm trăm mà còn mất cả cuộc đời thì sao (bi tâm). Cũng còn may, vì mới chỉ mất có năm trăm chứ không mất năm ngàn, mất năm chục ngàn, mất mạng mình… (hỷ tâm)’.

Nhờ biết quán xét để tăng trưởng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ như vậy nên bà A dễ dàng đi đến xả tâm, tha thứ cho chính mình: ‘Thôi của đi thay người, không tức mình nữa, lần sau phải cẩn thận hơn’. Cứ như lý tác ý đúng phương pháp theo hướng từ-bi-hỷ-xả trên chính mình như vậy, bà A sẽ đoạn trừ được tâm sân kiết sử đã phát khởi, đồng thời bà sẽ tẩy trừ dần sân kiết sử còn ngủ ngầm trong tâm mình.

Cũng vậy, em học sinh B khi định vò đầu bứt tai vì bực tức lỗi lầm của chính mình, ngay đó em phải phản tỉnh tức khắc ‘tâm có sân, tôi biết tâm tôi đang sân’. Và để đoạn diệt tâm sân đang trói cột mình, B cần đặt tâm theo chiều hướng vô sân của từ, bi, hỷ, xả với chính bản thân mình như sau: ‘Tâm vô sân, tôi còn có tâm vô sân: mình phải biết thương lấy chính mình (từ tâm); cứ bứt đầu vò tai thì tự làm khổ mình chứ ai khổ (bi tâm). Cũng may, mình còn làm đúng các bài toán khác (hỷ tâm). Vả lại ly sữa đã đổ thì không thể lấy lại được. Thôi tha thứ cho mình, lần sau sẽ không như thế nữa’. Cứ tiếp tục quán sát và như lý tác ý theo chiều hướng từ, bi, hỷ, xả để đối trị sân hận chính mình như vậy, em B cũng sẽ thoát khỏi sự trói cột của sân kiết sử đã phát khởi hoặc còn tuỳ miên nơi em.

Tất nhiên bà A và em B cần thường xuyên quán xét để trưởng dưỡng tâm từ bi hỷ xả nơi chính bản thân mình, nhờ vậy mới diệt trừ được sân hận còn ngủ ngầm trong tâm mỗi người. Cho đến khi dù gặp việc đáng tức giận nhưng bà A và em B vẫn không tức mình, bực mình là tránh được biết bao đau khổ do sân kiết sử. Người đã đoạn trừ được sân kiết sử là người tiến một bước tới sự an lạc giải thoát ngay trong hiện tại và tránh khỏi những sanh thú nguy hiểm trong tương lai.

Tóm lại, luôn nhớ nghĩ, quán xét, tư duy và tu tập như lý tác ý theo chiều hướng tăng trưởng tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả đối với bản thân là làm trưởng dưỡng tâm vô sân.

Tâm vô sân trưởng dưỡng sẽ làm muội lược sân kiết sử tùy miên, nói cách khác, các niệm bực tức chính mình còn ngủ ngầm trong tâm sẽ tự động được tẩy trừ dần.

Hoặc giả, khi một niệm sân phát khởi cần phải phản tỉnh phát hiện tức khắc, đồng thời ngay đó quán tâm từ, bi, hỷ, xả và dùng như lý tác ý để tiêu diệt tâm sân này.

Thực hiện được như vậy là đã biết quán tâm vô sân trên tâm sân để chế ngự tham ưu do sân kiết sử gây ra.

3.3 Quán tâm vô si trên tâm si

Tâm si có một phạm vi rất rộng và hậu quả tai hại mang lại từ tâm si rất đa dạng, nhiều mặt. Nói một cách tổng quát, các tâm niệm ác, bất thiện gây đau khổ không thuộc tham và sân, đều thuộc phạm trù si. Dù tâm si có nhiều hệ quả khác nhau nhưng tất cả đều do vô minh, tà kiến và tà tư duy mà ra.

Hậu quả tai hại trước nhất của việc không hiểu biết Phật Pháp khiến tâm còn si mê đó là tâm nghi. Tâm nghi trong hệ thống quán tâm không phải là nghi ngờ một đối tượng khác mà là nghi ngờ chính bản thân mình, không biết tự tin nơi chính mình. Vì si mê nên mới không biết tự tin vào năng lực của chính mình trong việc thực hiện Giới - Định - Tuệ. Vì si mê nên mới nghi ngờ bản thân mình không thể nỗ lực vượt thắng các chướng ngại pháp để đi tới giải thoát khổ đau. Hoặc vì si mê nên dễ bị phân vân, lưỡng lự, chùn ý chí, không có quyết tâm trước các khó khăn gặp phải.

Chính vì nghi ngờ như vậy nên không thể cố gắng hết sức mình nhằm đi tới giải thoát và vì thế sẽ không bao giờ được giải thoát. Mang một tâm trạng nghi ngờ như vậy là tự cột trói cột chính mình vào với đau khổ cho đời này lẫn trong đời sau và vì vậy nó được gọi là Nghi Kiết Sử.

Trong cuộc sống bình thường, một người không biết tự tin vào chính bản thân mình nên không thể vận dụng hết khả năng sẵn có của mình, vì thế thường gặp phải những thất bại không đáng có. Trong Phật pháp cũng vậy, và cái giá phải trả cho sự nghi ngờ bản thân mình không thể vượt thắng chính mình để đi tới giải thoát khổ đau chắc chắn là mắc hơn nhiều lần.

Trong kinh Tăng Chi Đức Phật đã dạy rõ, một vị tu sĩ kiên trì hành trì được Tăng thượng giới học toàn phần, tuy Tăng thượng định học và Tăng thượng tuệ học mới chỉ hành trì được một phần, nhưng nhờ chặt đứt được ba sợi dây Nghi kiết sử, Thân kiến kiết sử và Giới cấm thủ kiết sử, vị này là bậc Dự Lưu “không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác” (Kinh Hữu học (2), số 85, TC1, C3 = [I.3.77.2])

Cụ thể hơn: “Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau.

Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc “Gia gia”, dong ruỗi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau.

Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau.

Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si là bậc Nhất Lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.” (Kinh Bản tụng đọc (1), số 86, TC1, C3 = [I.3.78.2])

Người thiện tín bố thí cúng dường bốn vật dụng cho một vị dù còn đang trên con đường chứng quả Dự Lưu cũng có được vô số vô lượng công đức. Bởi lẽ chính nhờ nhân duyên này mà người hộ độ cúng dường sẽ gặt được quả dị thục tiến tu chặt đứt kiết sử, giải thoát sanh tử luân hồi. Đức Phật đã phân tích rõ trong bài kinh Phân Biệt Cúng Dường (TB3, 142 = [Su.6.8]):

“Tại đây, này Ānanda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức.

Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự Lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự Lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất Lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất Lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất Lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất Lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?”

Do vậy người cư sĩ tại gia nên tích cực thực hành hộ độ để hỗ trợ cho người tu sĩ tu tập, theo luật nhân quả khi chính mình có duyên lành xuất gia cũng sẽ được người khác hộ trì giúp đỡ, hoặc nếu tiếp tục còn tại gia thì cũng có duyên may tiếp cận với bậc thiện trí thức để trí tuệ thăng hoa Phật Pháp. Đồng thời, người tu sĩ xuất gia biết tự lợi - lợi tha cũng phải tích cực tự mình gìn giữ giới hạnh hoàn toàn thanh tịnh và nỗ lực tu tập để đoạn trừ tận gốc các kiết sử, có vậy mới biết cách giúp người cư sĩ biết cách đoạn trừ dần những sợi dây oan nghiệt này.

Cũng như các ác bất thiện pháp khác, muốn đoạn diệt được Nghi kiết sử, trước hết cần phải biết nguyên nhân đầu tiên tạo nên sợi dây sanh tử này. Nghi kiết sử chính từ tâm si mà ra. Trong kinh Tăng Chi, đức Thế Tôn đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tâm si phát khởi và phương cách duy nhất để đối trị nghi ngờ khả năng của chính mình:

“Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Cần phải trả lời là “Không như lý tác ý”. “Với ai không như lý tác ý, thời si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên, khiến si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng quảng đại...

Do nhân gì, này các chư Hiền, do duyên gì si chưa sanh không sanh khởi, hay si đã sanh được đoạn tận? Cần phải trả lời là “Như lý tác ý”. “Với ai như lý tác ý thời si chưa sanh khởi không sanh khởi, và si đã sanh khởi được đoạn tận. Ðây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến si chưa sanh khởi không sanh khởi, hay si đã sanh khởi được đoạn tận” (TC III:68, tr.362 – 363 = [I.3.60.4]).

Như đã giải thích trong phần quán niệm hơi thở, Như Lý Tác Ý là các câu tác ý theo đúng lý của chánh pháp và được thực hiện lập đi lập lại nhiều lần một cách thích đáng. Có thể hiểu nôm na Như Lý Tác Ý chính là phương pháp ‘tự kỷ ám thị’ đúng pháp, đúng chánh lý. Do si mê, không biết Như Lý Tác Ý hoặc phi Như Lý Tác Ý - tức tự kỷ ám thị sai pháp dẫn đến nghi ngờ bản thân mình - nên dù những người này có đầy đủ năng lực thực sự chăng nữa, nhưng họ vẫn không thể phát huy, khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình để thực hiện được điều mong muốn. Ngược lại, nếu biết Như Lý Tác Ý sẽ tạo ra sức mạnh từ nội tâm để có thể đạt được ý nguyện chân chánh ngay cả trong những nghịch cảnh khắt khe.

Khi một niệm nghi ngờ năng lực bản thân khởi lên, trước hết phải tỉnh giác tuệ tri ‘tâm có si, biết tâm có si’ và ngay đó phải nhớ rằng ‘tâm vô si, tôi có tâm vô si’. Tâm vô si là tâm biết quán xét tìm một câu Như Lý Tác Ý thích hợp để đối trị, tiêu diệt ngay tâm niệm bị trói cột bởi ý niệm si đó.

Ví dụ: khi niệm nghi ngờ bản thân không có khả năng giữ giới khởi lên, phải như lý tác ý đối trị ngay ‘Mình có quyết tâm cao, phải quyết chí giữ nghiêm giới luật để tu tập’. Nếu tâm khởi những niệm nghi ngờ bản thân không đủ nghị lực và tinh tấn thì phải như lý tác ý ngay: ‘Mình phải có đủ nghị lực, có đủ quyết tâm và trí tuệ để đi tới giải thoát cuối cùng’. Hoặc tâm khởi niệm nghi ngờ mình không có may mắn để tu tập giải thoát, phải như lý tác ý liền ‘Mình có năm căn, năm lực sung mãn chắc chắn sẽ có quả tốt lành’. Nếu niệm chùn bước trước các chướng ngại pháp trên con đường tu tập, phải tác ý đối trị ngay: ‘Mình không thể luân hồi khổ đau lần nữa, phải quyết tâm giải thoát’ v..v… Cứ kiên trì tu tập như vậy cho đến khi các niệm nghi ngờ, bất mãn bản thân theo bất cứ dạng nào cũng không còn khởi lên nữa là đã tiến một bước quan trọng trên con đường đi tới giải thoát.

Cần nhắc lại, không biết tự tin, còn nghi ngờ bất mãn chính mình thì chỉ có Như Lý Tác Ý là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị. Nhưng cũng cần lưu ý thêm, bên cạnh pháp Như Lý Tác Ý còn có Phi như lý tác ý tức những tác ý không theo đúng lý của chánh pháp. Những tác ý này không những không giúp diệt trừ nghi kiết sử mà còn làm tăng trưởng phiền não, khổ đau và tạo ra những kiểu suy nghĩ bất thiện như duy ý chí, tự mãn, tự cao, tự phụ... Vì vậy người học Phật cần phân biệt rõ để vận dụng cho đúng.

Người tu Phật cần đọc kỹ bài kinh ‘Tám Căn Cứ Ðể Biếng Nhác và Tinh Tấn’ (TC VIII:80 = [I.8.80]) để hiểu thêm về ý nghĩa của Như lý tác ý. Trong bài kinh này đức Thế Tôn đã dạy một bài học thiết thực cụ thể: trong cùng một sự việc, cùng một hoàn cảnh giống nhau nhưng nếu tác ý không đúng (phi như lý tác ý) sẽ gây ra lười nhác; ngược lại nếu biết tác ý đúng cách (như lý tác ý) sẽ giúp thêm tinh tấn khắc phục trở ngại.

Cách tốt nhất, hiệu quả nhất cho mọi người là thực hành Như Lý Tác Ý nên dựa theo đúng những lời dạy đích thực của đức Thế Tôn trong Kinh và Luật Pali. Ví dụ người còn giải đãi hãy thường xuyên tác ý lời dạy cuối cùng của Phật “Các hành là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật!”; hoặc tác ý nhắc mình tự điều phục mình “Dầu tại bãi chiến trường, Thắng ngàn ngàn quân địch, Tự thắng mình tốt hơn, Thật chiến thắng tối thượng.” (Pháp cú 103) v.v…

Tóm lại, biết dùng trí tuệ để tu tập Như Lý Tác Ý là tâm vô si. Quán tìm và tu tập các câu Như Lý Tác Ý thích đáng để đoạn trừ, tiêu diệt, tẩy rửa tâm niệm không biết tự tin, nghi ngờ năng lực chính bản thân mình chính là nội dung ý nghĩa của cách quán tâm vô si trên tâm si để đoạn tận tham ưu do nghi kiết sử gây ra.

+ Các biến tướng khác của tâm si nghi ngờ

Ngoài nghi ngờ khả năng của bản thân, tâm si còn gây ra rất nhiều tâm bệnh khác nữa. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì si mê không biết cân nhắc suy tư thực hư nên vội mê tín tin vào những điều nhảm nhí không có thực, hoặc những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ. Cũng vì si mê nên đâm ra sợ hãi cả những điều do chính mình tưởng tượng ra. Những biểu hiện của tâm si như vậy khá phổ biến: một đứa bé không dám một mình vào nhà bếp ban đêm vì sợ ma, nhiều người không dám đi ngang nghĩa địa vì nghe đồn sẽ bị quỷ ám, có người sợ hãi đến độ ngất xỉu vì một sự việc không đáng v.v… tất cả đều là những hậu quả của tâm si mà ra.

Những trạng thái tâm lý bất lợi từ tâm si này có thể từng bước chế ngự cũng bằng phương pháp Như lý tác ý. Trong bài kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm (TB1, 4 = [So.1]), Đức Phật đã chỉ cách khắc phục tâm sợ hãi vô lý bằng phương pháp trực tiếp đối diện với sự khiếp đảm vô căn cứ, để thấy rõ thực chất của những sự sợ hãi này ám ảnh chúng ta phần lớn chỉ do óc tưởng tượng của chính mình mà ra.

Trong bài kinh này Đức Phật đã dạy, nếu bóng tối bãi tha ma làm Ngài sợ, Ngài vào nghĩa trang trong đêm tối. Nếu đi làm Ngài sợ, thời Ngài đi. Nếu đứng làm Ngài sợ, thời Ngài đứng lại. Nếu ngồi làm Ngài sợ, thời Ngài ngồi. “Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm”.

‘Khiếp đảm ấy’ chính là những nỗi sợ hãi vô hình, những ám ảnh không có thực. Trực diện với những nỗi sợ hãi siêu hình để thấy chúng không có thực là cách nhanh nhất đoạn trừ căn bệnh này. Tuy nhiên cũng tuỳ đặc tướng của từng người mà thực hiện phương pháp này theo từng bước một.

Nếu đứa trẻ sợ bóng tối nhà bếp, cha mẹ hãy cùng con vào nhà bếp ban đêm và dạy chúng hãy tự mình tác ý rằng ngoài bóng tối nhà bếp chỉ có nồi, niêu, chén, bát... Khi trẻ đã dạn dĩ hơn, cha mẹ hãy đứng bên ngoài và khuyến khích con tự mình bước vào cùng với những lời tác ý mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian, chính đứa trẻ có thể quen với khung cảnh nhà bếp và trở nên tự tin hơn cho đến lúc vượt qua được sự sợ hãi bóng tối. Từng bước tu tập phương pháp Như lý tác ý để biết tự tin, tự mình chiến thắng sự sợ hãi vô lý, thoát khỏi nỗi ám ảnh siêu thực, đây cũng là nội dung của phần quán tâm vô si trên tâm si.

Một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni còn bị tâm si trói cột sẽ không dám sống trong cảnh rừng núi u tịch, hoặc bị ám ảnh vì những điều hoang tưởng cũng không thể an trú tâm tu tập. Trong Kinh Tăng Chi, đức Thế Tôn chỉ rõ thành tựu năm nguyên nhân sẽ giúp không còn sợ hãi: có lòng tin, có giới, nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này cũng có nghĩa tâm vô si được trưởng dưỡng để đoạn diệt sợ hãi do si mê gây ra. Đây cũng chính là biết quán tâm vô si trên tâm si để khắc phục phiền não do sự sợ hãi vô lý gây ra.

Bên cạnh đó, trong kinh Tương Ưng, đức Thế Tôn cũng dạy thêm cách đặt tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng để đối trị tâm nhút nhát, hoảng sợ: “Này các Tỳ kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Như Lai,…đến Pháp,…đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt. Vì sao? Này các Tỳ kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy” (TƯ1, 218 = [Sd.10.3]).

Như vậy tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật-Pháp-Tăng cũng là tâm vô si, và đây là cách quán tâm niệm Tam Bảo trên tâm si để đoạn trừ sợ hãi vô lý do si mê gây ra (Theo phương pháp này, tùy tín ngưỡng khác nhau, các tín đồ cũng có thể vận dụng đức tin riêng của mình để không còn hoang mang sợ hãi nhảm nhí).

Ngoài các biểu hiện nêu trên, tâm si còn có một loại biến tướng khác nữa cũng nguy hiểm không kém, đó là những tâm niệm tiêu cực rất mơ hồ, không có lý do gì cả, bất chợt khởi lên trong tâm theo kiểu ‘tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’. Thật ra những ý niệm u ám này chỉ là những dòng lưu xuất từ trong tiềm thức rò rỉ ra (kinh văn xếp vào loại ‘vô minh lậu’ - một trong ba lậu hoặc). Những tâm niệm bất lợi này chỉ thoáng qua, nhưng nếu không tiêu diệt ngay, lâu ngày chúng sẽ tích tụ dần và lớn mạnh, đến một lúc nào đó có thể khiến một người trở nên buồn bã, bi quan, trầm cảm thật sự, thậm chí dẫn đến tự tử.

Do vậy, một khi những niệm vô minh này phát khởi, người học Phật phải tỉnh giác tuệ tri ngay ‘tâm có si, tôi biết tâm tôi có si’ và chánh niệm đoạn diệt chúng ngay liền. Đối trị với tâm si này không có cách nào khác tốt hơn là Như lý tác ý. Vì thế nếu những tâm niệm theo kiểu ‘tôi buồn không hiểu’ bỗng dưng phát khởi, đừng mất thì giờ tự hỏi ‘vì sao tôi buồn’ và cũng đừng bỏ qua chúng, mà phải tức khắc quét tận gốc chúng ra khỏi tiềm thức bằng câu Như lý tác ý thích đáng, ví dụ ‘niệm vô minh hãy cút đi’, hoặc ‘không có buồn chán gì hết, tâm phải phấn chấn lên’, hoặc ‘tâm ta hân hoan lên’... Cứ như vậy tiếp tục cho đến khi các niệm bất thiện này không còn khởi lên nữa mới thôi.

Vì tâm si này từ tiềm thức rò rỉ ra nên chúng xuất hiện một trăm lần, thì phải Như lý tác ý đối trị một trăm lần hoặc nhiều hơn; nếu chúng xuất hiện một ngàn lần, phải Như lý tác ý đối trị một ngàn lần hoặc nhiều hơn. Có vậy mới tẩy rửa hết loại ‘vô minh lậu hoặc’ hắc ám này. Người học Phật có tu tập Định niệm hơi thở và hiểu được vô minh lậu hoặc này cũng sẽ hiểu được vì sao trong 16 câu Như lý tác ý của Định niệm hơi thở lại có câu: ‘Với tâm hân hoan’, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập. ‘Với tâm hân hoan’, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập.

Riêng đối với người đã bị u uất, trầm cảm do tự kỷ lâu ngày càng phải thực hành phương pháp Như lý tác ý tích cực hơn nữa mới mong ‘nhổ cỏ tận gốc’ tâm bệnh phiền não này. Cần nhớ thêm lời Phật dạy: “Cái gì là thức ăn cho Như ý tác ý? Lòng tin, cần phải trả lời như vậy” (bài kinh Vô minh, TC4, C10, số 61 = [I.10.61]). Do vậy, người học Phật hãy đặt lòng tin nơi Đức Phật, nơi pháp Như lý tác ý và nơi chính bản thân mình, kiên trì tu tập phương pháp này mới thấy được giá trị thật sự của Diệu Pháp.

Tóm lại, trong phần đầu của phần quán tâm, các tâm tham, tâm sân, tâm si được xem là những ‘tâm bệnh’, ngược lại các tâm vô tham, tâm vô sân, tâm vô si chính là những ‘tâm thuốc’ chữa bệnh. Cách điều trị là phải quán các tâm thuốc trên tâm bệnh tương ưng để khắc phục tham ưu do các tâm bệnh này gây ra. Mỗi bệnh phải có thuốc điều trị riêng theo từng phương cách cụ thể.

- Quán tâm vô tham trên tâm tham để khắc phục tham ưu do tham kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô sân trên tâm sân để khắc phục tham ưu do sân kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô si trên tâm si để khắc phục tham ưu do nghi kiết sử gây ra.

Đến đây một điểm cần phải lưu ý là trong phần đầu của hệ thống quán tâm, các ‘tâm bệnh’ tham - sân - si được giới thiệu trước, còn các ‘tâm thuốc’ vô tham - vô sân - vô si được giới thiệu sau. Đó là vì các tâm bệnh này rất phổ biến, có thể gặp ở rất nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc. Thế nhưng trong đoạn kinh kế tiếp của hệ thống quán tâm, thứ tự lại đảo ngược: các ‘tâm thuốc’ được giới thiệu trước, còn các ‘tâm bệnh’ được giới thiệu sau.

Cụ thể đó là các cặp tâm thâu nhiếp trước tâm tán loạn, tâm quảng đại trước tâm không quảng đại, tâm có định trước tâm không có định, tâm giải thoát trước tâm không giải thoát (ngoại trừ trường hợp tâm ‘bệnh’ hữu hạn trước tâm ‘thuốc’ vô thượng, vấn đề này thiết nghĩ do quá trình chuyển ngữ, thuộc chi tiết, không quan trọng). Sở dĩ có sự thay đổi về thứ tự là do các ‘tâm thuốc’ này không những dùng để đặc trị ‘tâm bệnh’ tương ứng mà chúng còn có rất nhiều giá trị đặc biệt khác nữa (Xem kinh Nikāya). Trong khi đó, các tâm bệnh lại được nói đến sau vì chúng ít phổ biến hơn, mạnh hay yếu tùy theo từng người, từng lúc, từng nơi.

Để giúp nhận thức rõ hơn các ý nghĩa trên hãy lần lượt quán xét từng cặp tâm tương ứng.

Tỳ Kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm