Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/06/2016, 13:17 PM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.8)

Quán tưởng thân mình bất tịnh, vô thường, biến hoại như thế nào thì đối tượng gây cho ta tham dục cũng sẽ phải chịu chung quy luật như thế. Nếu quán thân bất tịnh giúp đoạn trừ tham ái nơi bản thân thì quán pháp bất tịnh trên đối tượng khác cũng giúp đoạn trừ tham dục nơi đối tượng đó.

IV. QUÁN PHÁP
4.1 Năm Triền Cái 
Chánh Kinh

Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp? Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Triền Cái. Và này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Triền Cái?

Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”; hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”. Và với ái dục chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi có sân hận”; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có sân hận”. Và với sân hận chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã sinh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên”; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên”. Và với hôn trầm thụy miên chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay nội tâm có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi có trạo hối”; hay nội tâm không có trạo hối, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có trạo hối”. Và với trạo hối chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Hay nội tâm có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có nghi”; hay nội tâm không có nghi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có nghi”. Và với nghi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp.

“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.
 
Giải Trình
Quán pháp Năm Triền Cái

Khái niệm ‘PHÁP’ trong kinh tạng Nikāya có một nội dung rất rộng. Ở đây, trong phạm vi của Bốn Niệm Xứ cần phân biệt hai loại pháp: pháp thiện và pháp bất thiện, hay pháp chính và pháp tà.

- Pháp thiện hay chính pháp là những pháp môn, học pháp, phương pháp tu tập của đức Phật giúp giải thoát khỏi khổ đau, đem lại an lạc và hạnh phúc. Ví dụ như các pháp Bốn Niệm Xứ, Bốn Thánh Đế, Tám Chánh Đạo, Bảy Giác Chi, Như lý tác ý, Chỉ, Quán v.v…

- Pháp bất thiện hay tà pháp là những pháp gây ra khổ đau, trói buộc, phiền não. Ví dụ như các pháp năm triền cái, năm thủ uẩn, tám tà đạo, các kiết sử v.v…

Ngoài ra các đối tượng bên ngoài ta cũng được hiểu là các ‘pháp’, do đó khái niệm ‘quán pháp’ còn có nghĩa là phải quán xét các pháp trên trong mối quan hệ giữa ta và các đối tượng bên ngoài. Đây chính là yếu tố quan trọng để phân biệt hệ thống quán pháp với các hệ thống quán thân, quán thọ và quán tâm.

Nếu mục đích của quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm nhằm chặt đứt các kiết sử, phiền não trói cột ‘ta với ta’ vào với đau khổ, thì hệ thống quán pháp giúp đoạn trừ các pháp bất thiện gây cho ta khổ đau trong mối quan hệ giữa ta và các đối tượng khác.

Trong mối quan hệ này, phương pháp ‘quán pháp trên các pháp’ chính là quán xét tu tập một pháp thiện trên một pháp bất thiện nhằm khắc phục và đoạn trừ dần những khổ đau do hệ lụy với các đối tượng khác. Sự phân định này sẽ được thấy rõ hơn trong quá trình quán pháp Năm Triền Cái.

Năm Triền Cái

Trong bài kinh Tam Minh, đức Thế Tôn đã định nghĩa năm triền cái rất cụ thể: “Cũng vậy, này Vàsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo hối cái, nghi cái” (TrB1, 13 = [So.48.30])

Năm triền cái chính là những pháp bất thiện, là tà pháp cần phải đoạn tận, bởi lẽ: “Nói đến một đống bất thiện, này các Tỳ kheo, nói một cách chơn chính là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỳ kheo, toàn bộ đống triền cái. Thật vậy, này các Tỳ kheo, toàn bộ đống bất thiện tức là năm triền cái” (TC V:52, tr.410 = [I.5.52]).

- “Năm triền cái này, này các Tỳ kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết Bàn” (TƯ5, 97 = [Ve.9.40]).

Cụ thể hơn, trong bài kinh ‘Ngăn Chặn’, đức Thế Tôn đã nói rõ những sự nguy hại của năm triền cái và ý nghĩa tự lợi - lợi tha trong việc đoạn tận những pháp bất thiện này: “Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra.

... Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra” (TC V:51, tr.408 – 409 = [I.5.51])

Chính vì vậy Năm triền cái là hệ thống bất thiện pháp đầu tiên được nêu lên trong hệ thống quán pháp. Muốn đoạn trừ các pháp ác, bất thiện này cần phải quán xét nhận thức thấu đáo lần lượt từng triền cái một.

4.1.1 Tham dục triền cái

Tham dục triền cái nằm trong hệ thống quán pháp có nghĩa là lòng tham dục, luyến ái đối với một hay nhiều đối tượng khác. Trong khi lòng tham dục thuộc bản năng thuần tuý được gọi là tham kiết sử, thì dục ái trên một đối tượng cụ thể khác lại là tham dục triền cái.

Ví dụ tu sĩ A luyến ái, dục tưởng đối với cô B, như vậy tu sĩ A đang bị tham triền cái và cô B là pháp tham triền cái của tu sĩ A. Ông C thèm rượu, thuốc lá; bà D ham mê cờ bạc, như vậy ông C và bà D đều bị tham triền cái chi phối; rượu, thuốc lá, cờ bạc là các pháp tham đối với họ.

Tham triền cái là tấm màn ngăn che trí tuệ khiến con người dễ dàng gây ra những nghiệp ác hại mình, hại người hay hại cả hai, tạo khổ đau ngay trong kiếp này lẫn kiếp sau.

Hai ông vua chỉ vì đam mê sắc đẹp một mỹ nhân sẵn sàng đẩy hai đất nước vào một cuộc chiến tranh đẫm máu để giành lấy người đẹp cho mình.
 
Một cô gái chân yếu tay mềm nhưng vì luyến ái người yêu dẫn đến ghen tuông, trở thành tội phạm tàn nhẫn sát hại tình địch của mình để rồi chôn vùi cuộc đời trong tù ngục; hoặc nếu không, lại rồ dại tự tử vì tình.

Bên cạnh đó, cũng đã có biết bao những tệ nạn, những thảm cảnh đau thương do tham đắm rượu, ma tuý, cờ bạc… gây ra. Thật khó nói hết được những bi kịch muôn vẻ này!

Đúng như kinh Pháp Cú có câu ‘Lửa nào bằng lửa tham’. Một khi ngọn lửa tham bốc lên, nó có thể đốt cháy tất cả, ngay cho dù đó là tình nghĩa ruột thịt: Con giết cha đoạt ngai vàng, anh em đâm chém nhau vì tài sản, vợ chồng lường gạt hãm hại nhau để ngoại tình…

Đối với người tu sĩ, tham dục triền cái không những làm ô nhiễm tâm, ngăn trở tiến trình giải thoát mà còn gây ra sự thối đọa, trở lui cuộc sống thế tục; hoặc nếu không, phải che dấu cuộc sống phi phạm hạnh của mình. Vị Tỳ- kheo không nỗ lực đoạn trừ triền cái nguy hiểm này sẽ đi đến phá giới hạnh, ngay trong hiện tại bị rơi vào sự khổ đau.

Không những thế với tội làm ô uế y áo của Tăng, gây mất lòng tin nơi người khác, khiến Tăng đoàn mang tiếng xấu, theo đạo luật nhân quả vị Tỳ-kheo thối đọa này còn phải chịu cảnh đọa xứ, địa ngục trong tương lai về lâu dài.

Một thời tại Kosala, đức Thế Tôn chỉ vào đống lửa đang cháy lớn hỏi các Tỳ-kheo rằng ôm đống lửa đang cháy và phá giới ôm ấp nữ nhân việc nào tốt hơn. Các Tỳ- kheo trả lời ôm một nữ nhân tốt hơn. Nhưng với trí tuệ Tam Minh thấu suốt nhân quả nghiệp báo nhiều đời kiếp, đức Phật đã khẳng định:

“Ta tuyên bố cho các Thầy, này các Tỳ kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỳ kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn.

Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỳ kheo, người ấy có thể đi đến chết, hay đi đến gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng này các Tỳ kheo, khi một người ác giới theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế-lỵ, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ; như vậy, này các Tỳ kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục” (TC VII:68, tr.458-69 = [I.7.68]).

Nghiêm khắc hơn, trong bài kinh Dâm Dục, đức Thế Tôn đã khuyến cáo rõ:
 
“- Ở đây, này Bà-la-môn, có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu....

cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân...
lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân... nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào...

nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân...

xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức...

sống Phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư Thiên, nguyện rằng: “Với giới này hay với giới cấm này, hay với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ thành một Thiên nhân này hay một Thiên nhân khác”.

Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đấy gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm.

Này Bà-la-môn, đấy gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ” (Lược trích, TC VII:47, tr.349 = [I.7.47]).

Sự nghiêm khắc này dành cho bất kỳ một tu sĩ nào, ngay cả với vị đã đạt được bất động: “Thành tựu năm pháp, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là “ác Tỳ kheo”, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đi đến chỗ dâm nữ, đi đến nhà đàn bà góa, đi đến nhà có con gái già, hay đi đến nhà các hoạn quan, hay đi đến chỗ các Tỳ kheo-ni. Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là ác Tỳ kheo, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động” (Bài kinh ‘Ðáng Nghi Ngờ’, TC V:102, tr.515 = [I.5.102]).

Trong Pháp và Luật của đức Thế Tôn có rất nhiều những lời dạy liên quan đến tham ái nguy hiểm này. Bởi thế, không có gì khó hiểu vì sao tham dục triền cái là pháp bất thiện đầu tiên trong Năm triền cái và cũng là pháp nguy hại đầu tiên của hệ thống quán pháp cần phải đoạn trừ.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào đoạn diệt được tham dục triền cái? Muốn chữa bệnh, điều đầu tiên là phải biết mình bị nhiễm bệnh từ đó mới cứu chữa được. Do vậy một khi tham triền cái khởi lên trong tâm, ngay tức khắc vị Tỳ- kheo phải tỉnh giác nhận thức rõ: “nội tâm có ái dục, tuệ tri: ‘Nội tâm tôi có ái dục’”, từ đó mới có thể đoạn trừ tham dục triền cái này.

Giai đoạn kế tiếp là cần phải hiểu rõ nguyên nhân sinh khởi bệnh, có vậy mới tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu. Trong kinh điển Nikāya, theo nhiều cách khác nhau, đức Thế Tôn đã chỉ rõ nguyên nhân của căn bệnh tham triền cái:

-”Có hai duyên này, này các Tỳ kheo, khiến tham sinh khởi. Thế nào là hai? Tịnh tướng và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỳ kheo, là hai duyên khiến tham sinh khởi” (TC1, C2, tr.161 = [I.2.11.6]).

- “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, dẫn đến dục tham chưa sinh được sinh khởi, hay dục tham đã sinh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỳ kheo, như tịnh tướng. Tịnh tướng, này các Tỳ kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến dục tham chưa sinh được sinh khởi, và dục tham đã sinh được tăng trưởng quảng đại” (TC I, tr.11 = [I.1.2]).

Khái niệm ‘tịnh tướng’ cần được hiểu rộng rãi là các sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hấp dẫn, lôi cuốn của một đối tượng. Chính vì tiếp xúc, lưu giữ, nhớ tưởng đến những tịnh tướng của một đối tượng nên khiến phát sinh tham dục đối với đối tượng đó.

Hoặc khi tiếp xúc với các tịnh tướng nếu không chánh niệm tỉnh giác và biết như lý tác ý, các niệm ái luyến theo đó sẽ có dịp phát khởi trong tâm và phát triển thành tà niệm. Tà niệm để phát triển tự do sẽ tạo thành tà hạnh.

Căn cứ trên việc xác định nguyên nhân của tham dục triền cái, trong kinh điển Nikāya đức Phật đã dùng nhiều phương tiện chỉ dạy phương thuốc hữu hiệu nhất để ngăn chặn và chữa trị căn bệnh nguy hiểm này:

- “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến dục tham chưa sinh không sinh khởi, và dục tham đã sinh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như tướng bất tịnh. Tướng bất tịnh, này các Tỳ kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sinh không sinh khởi, và dục tham đã sinh được đoạn tận” (Sđd).

- “Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy” (TC V:30, tr.350 = [I.5.30.4]).

Như vậy quán tưởng tướng bất tịnh và Như lý tác ý là hai pháp căn bản để đối trị tham dục triền cái. Muốn quán tưởng bất tịnh phải vận dụng những nội dung trong phần quán thân bất tịnh. Như vậy khái niệm “quán pháp bất tịnh” cần hiểu chung là các cách quán 32 thể trược, quán bốn đại vô thường, quán thân biến hoại (người học Phật nên học thuộc lòng bài kinh để dễ quán).

Quán tưởng thân mình bất tịnh, vô thường, biến hoại như thế nào thì đối tượng gây cho ta tham dục cũng sẽ phải chịu chung quy luật như thế. Nếu quán thân bất tịnh giúp đoạn trừ tham ái nơi bản thân thì quán pháp bất tịnh trên đối tượng khác cũng giúp đoạn trừ tham dục nơi đối tượng đó.

Hình ảnh tịnh tướng của đối tượng gây tham dục nơi nào thì phải quán tưởng bất tịnh ngay trên đó, tham dục càng mạnh nơi điểm nào của tịnh tướng thì càng quán bất tịnh mạnh mẽ ngay trên điểm đó.
 
Phương pháp quán tưởng (chỉ diễn ra trong tâm) này giống như dùng một hình ảnh nhờm gớm ghê tởm đè lên, che khuất, thay thế cho tấm hình khêu gợi. Vị Tỳ-kheo phải tích cực nỗ lực quán pháp bất tịnh mới không bị kích thích lôi cuốn bởi tịnh tướng, mới ngăn chặn và đoạn trừ dần dục tham triền cái chi phối.

Thực hiện được điều này chính là biết quán pháp bất tịnh trên pháp tịnh tướng nhằm đoạn trừ tham ưu do tham dục triền cái gây ra.

Đến đây cần phân biệt rõ các khái niệm nội pháp, ngoại pháp và nội-ngoại pháp. Nội pháp tham triền cái là tịnh tướng che khuất bên trong của đối tượng. Ngoại pháp tham triền cái là tịnh tướng bên ngoài. Nội-ngoại pháp tham là tịnh tướng thuộc bên trong và bên ngoài. Phần nào tịnh tướng của pháp tham gây ra dục nhiễm thì quán pháp bất tịnh ngay trên đó theo nguyên tắc:

- Quán pháp bất tịnh trên nội pháp tịnh tướng.
- Quán pháp bất tịnh trên ngoại pháp tịnh tướng.
- Quán pháp bất tịnh trên nội-ngoại pháp tịnh tướng.

Trong trường hợp bị tham dục triền cái mạnh mẽ, cần phải phối hợp quán tưởng pháp bất tịnh với nhiều biện pháp khác nhằm tạo một sức mạnh tổng lực của nội tâm. Trong kinh tạng Nikāya, đức Thế Tôn dạy rất nhiều các phương pháp khác nhằm hỗ trợ đoạn tận tham dục. Người tu tập Bốn Niệm Xứ cần phải nắm vững các phương pháp này để vận dụng để đạt hiệu quả trong việc đối trị tham dục triền cái. Bài kinh Tham Ái dưới đây là một điển hình:

“1. Ðể thắng tri tham ái, này các Tỳ kheo, mười pháp cần phải tu tập. Thế nào là mười?

2. Bất tịnh tưởng, tưởng chết, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt.

Ðể thắng tri tham, này các Tỳ kheo, mười pháp này cần phải tu tập.

3. Ðể thắng tri tham ái, này các Tỳ kheo, mười pháp cần phải tu tập. Thế nào là mười?

4. Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng nhàm chán trong các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng bộ xương, tưởng trùng ăn, tưởng xanh ứ, tưởng nước mủ chảy ra, tưởng nứt nẻ, tưởng trương phồng lên.

Ðể thắng tri tham, này các Tỳ kheo, mười pháp này cần phải tu tập” (TC X:217, tr.643 = [I.10.217]).

Người tu tập Bốn Niệm Xứ phải biết tự mình áp dụng các phương thức quán tưởng khác nhau, phải biết thay đổi cách quán để đối trị thích hợp với từng niệm tham dục triền cái cụ thể trong nội tâm. Ý nghĩa của pháp quán tưởng bất tịnh và hiệu quả đem lại do sự linh hoạt trong tu tập đã được đức Phật chỉ dạy rất cụ thể trong bài kinh Tưởng dưới đây:

“Tưởng bất tịnh, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Này các Tỳ kheo, khi một Tỳ kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán.

Ví như, này các Tỳ kheo, lông gà hay là dây gân quăng vào lửa thời thối lui, trở lưng, quay lưng, và không căng thẳng; cũng vậy, này các Tỳ kheo, khi một Tỳ kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán.

Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, nhưng tâm lại chạy theo, đắm vào dâm dục, không khởi lên nhàm chán, thời Tỳ kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng bất tịnh không được ta tu tập; ở nơi ta không có sự sai khác trước và sau. Ta không đạt được quả tu tập”. Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy.

Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo sống nhiều với các tưởng bất tịnh, thời tâm thối lui, tâm trở lưng, quay lưng để không đắm vào các dâm dục; do đó tâm vị ấy không căng thẳng, thanh thản, khởi lên nhàm chán, thời Tỳ kheo ấy cần phải hiểu rằng: “Tưởng bất tịnh được ta tu tập; ở nơi ta có sự sai khác trước và sau. Ta đạt được quả tu tập”. Ở đấy, vị ấy tỉnh giác như vậy.

Tưởng bất tịnh, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy…” (TC VII:46, tr.343 = [I.7.46]).

Bên cạnh các cách quán đa dạng, linh hoạt, thích ứng nêu trên; để đối trị với các niệm tham dục người tu Phật cần nhận thức thêm nội dung ý nghĩa các phương pháp quán tánh sinh khởi, quán tánh đoạn diệt, quán tánh sinh diệt trên pháp tham triền cái.

- Quán tánh sinh khởi trên pháp tham triền cái là quán xét tìm ra các nguyên nhân cụ thể nào khiến gây ra ái luyến, nhớ tưởng đến tịnh tướng ấy. Ví dụ: do tiếp xúc thường xuyên với đối tượng nơi chỗ khuất vắng, do phóng dật không hộ trì các căn khi tiếp xúc đối tượng, hoặc có khi “do thích thú trong nữ tánh của mình, các loài hữu tình đi đến hệ lụy với những người đàn ông… do thích thú trong nam tánh của mình, các loài hữu tình đi đến hệ lụy với những người đàn bà” (Xem thêm bài kinh ‘Hệ Lụy’, TC VII:48, tr.352 = [I.7.48]).

- Quán tánh diệt trừ trên pháp tham triền cái là quán xét các biện pháp nhằm ngăn ngừa, tránh né các nhân duyên, hoàn cảnh gây ra tham dục triền cái. Ví dụ: không tiếp xúc với đối tượng nơi chỗ vắng vẻ, hoặc nếu cần cũng phải tránh gặp đối tượng ấy; hoặc phải hộ trì các căn tích cực hơn, chánh niệm tỉnh giác hơn khi tiếp xúc với đối tượng; hoặc “do không thích thú trong nữ tánh của mình, các loài hữu tình không đi đến hệ lụy với những người đàn ông… do không thích thú trong nam tánh của mình, các loài hữu tình không đi đến hệ lụy với những nữ nhân” (Sđd)

- Quán tánh sinh diệt trên pháp tham triền cái là quán xét kết hợp để tìm nguyên nhân và biện pháp ngăn ngừa thích hợp.

Như đức Phật đã dạy, cùng với pháp quán tưởng bất tịnh tướng phải thực hiện một pháp quan trọng khác, đó là phải biết tác ý đúng cách, tức Như lý tác ý. Vì tham dục triền cái có liên quan mật thiết với tham kiết sử, thân kiến kiết sử và đôi khi đối tượng gây tham ái không có hình tướng cụ thể (như danh vọng, quyền lực, địa vị…), hoặc vì chất gây nghiện (rượu, thuốc lá, heroin…); do đó cần phải như lý tác ý theo chiều hướng thấy rõ sự nguy hiểm, độc hại của đối tượng gây ra tham dục.

Thấy được vị ngọt của dục nhưng đồng thời cũng phải thấy rõ, thấy như thật và thường xuyên như lý tác ý: “dục (hay rượu, thuốc lá, danh lợi…) vui ít, khổ nhiều và ở đây nguy hiểm càng nhiều hơn” được xem là phương pháp hữu hiệu giúp tách ly khỏi tham dục, tránh xa những cám dỗ và dần dần những niệm tham dục nơi các đối tượng đó sẽ đi đến muội lược. Nếu vị ngọt của dục gây ra tham dục, thì ngược lại ý thức sự nguy hiểm của dục sẽ giúp dần tách ly khỏi tham dục, từ sự tách ly khỏi dục mới có điều kiện đoạn diệt tham dục.

Trong kinh điển Nikāya, tiến trình tâm lý này được dẫn giải rất cụ thể: vị Tỳ-kheo do thường xuyên thấy rõ, thấy như thật sự nguy hiểm của dục nên nhàm chán tham dục, do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên đoạn diệt tham dục và giải thoát khổ đau. Câu kinh sau đây được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong kinh tạng Nikāya là sự minh chứng cụ thể:

“Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Như trong phần quán tâm có giới thiệu hai bài kinh Potaliya (TB1, 54 = [So.9]) và kinh Người Chiến Sĩ 2 (TC V:76, tr.465 = [I.5.76]), trong đó đức Phật đã mô tả sự nguy hiểm, đau khổ từ dục được ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như tài vật vay mượn, như cây có trái, như lò thịt, như gậy nhọn, như đầu rắn.

Hoặc một loạt các bài kinh trong Tương Ưng Lợi Đắc Cung Kính nói về sự nguy hại của danh vọng, lợi dưỡng… Đây chính là những bài kinh nằm lòng cho những ai muốn hưởng được niềm hỷ lạc của ly dục, ly bất thiện pháp.

Hiểu rõ và ghi nhớ các nội dung của những bài kinh trên, đồng thời biết tác ý về sự nguy hại của đối tượng gây ra tham dục, đó là đã biết quán pháp Như lý tác ý thấy nguy hiểm của dục trên vị ngọt của pháp tham dục để diệt trừ tham ưu do tham triền cái gây ra.

Trong ý nghĩa trên lời dạy của Tôn giả Ānanda dành cho Vangìsa, vị thị giả bị dục ái chi phối, được xem là phương pháp tổng lực nhằm đối trị với lửa tham dục:

“Chính vì điên đảo tưởng, 
Tâm Ông bị thiêu đốt, 
Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy đến tham dục, 

Nhìn các hành vô thường, 
Khổ đau, không phải ngã, 
Dập tắt đại tham dục, 
Chớ để bị cháy dài;

Hãy tu tâm bất tịnh, 
Nhứt tâm, khéo định tĩnh, 
Tu tập thân niệm trú, 
Hành nhiều hạnh yểm ly; 

Hãy tập hạnh vô tướng, 
Ðoạn diệt mạn tùy miên, 
Nhờ quán sâu kiêu mạn, 
Hạnh Ông được an tịnh”

(TƯ1, 188 = [Vd.22.1]).

Theo quy luật tất nhiên, khi các niệm vô dục được tăng trưởng lớn mạnh thì niệm dục cái bị suy yếu, ngược lại niệm vô dục suy yếu (do quán bất tịnh lấy lệ, như lý tác ý hời hợt, thường xuyên tiếp xúc tịnh tướng…) thì niệm dục cái sẽ có cơ hội tăng trưởng. Hẳn nhiên việc ngăn ngừa dục ái từ xa vẫn là phương pháp quan trọng đầu tiên cần phải lưu ý.

Như vậy nỗ lực chiến đấu với tham dục triền cái cũng không nằm ngoài bốn phương châm: Tham dục triền cái chưa sinh phải tinh tấn ngăn ngừa không cho sinh khởi, khi tham triền cái đã sinh phải tinh tấn dùng các pháp vô dục để đoạn trừ, muốn vậy phải tinh tấn nỗ lực tạo nhiều thiện pháp vô dục; nhưng nếu thiện pháp vô dục còn yếu cũng không thể đoạn trừ được tham triền cái, do đó phải tinh tấn tăng trưởng thiện pháp vô dục hơn nữa.

Cho nên tu tập Chánh niệm - Bốn Niệm Xứ nói chung và tu tập đoạn trừ tham dục triền cái nói riêng phải luôn đi kèm với sự nỗ lực đúng hướng của Chánh tinh tấn - tức Bốn Chánh Cần là vì vậy.

Tóm lại, thực hiện đúng phương pháp quán pháp đối với tham dục triền cái đó là, thường xuyên quán các pháp vô tham như pháp bất tịnh, pháp như lý tác ý, pháp yểm ly... thích ứng để tẩy rửa tham dục trong nội tâm; hoặc khi tâm tham dục phát khởi phải tỉnh giác tuệ tri tức khắc, đồng thời chánh niệm quán các pháp vô tham đối trị tương ứng để đoạn trừ nhằm đi tới đoạn diệt hoàn toàn niệm tham dục triền cái ấy.

Khi tâm không còn bị tham triền cái nào chi phối một cách hoàn toàn, tương lai không sinh khởi nữa cần phải tiếp tục duy trì được trạng thái vô nhiễm này.
 
Quá trình tỉnh giác chánh niệm như vậy chính là nội dung của đoạn kinh Niệm Xứ: “Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”; hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”.

Và với ái dục chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”

Trên đây là nội dung tóm tắt của phương pháp quán pháp vô tham trên pháp tham để đoạn trừ tham ưu do tham dục triền cái gây ra.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm