Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 09/06/2016, 10:09 AM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.9)

Đức Phật dạy phải tu tập từ tâm biến mãn, điều này có nghĩa phải phát triển lòng từ ái mở rộng đến mọi đối tượng chúng sinh. Một khi đã biết thương mọi người như thương chính bản thân mình, nhờ thế sẽ giảm trừ được tức giận nơi những người khác, hoặc biết yêu thương người gây cho ta tức giận như cha mẹ, như con cái, như anh chị em thân yêu của mình thì tình thương đó sẽ giúp ta đoạn trừ phẫn nộ một cách tích cực nhất, giúp ta dễ dàng vượt qua sự bực tức trước những bất như ý do người khác gây ra cho ta.

4.1.2 Sân triền cái

Sân triền cái là tấm màn ngăn che trí tuệ và chướng ngại đạo thứ hai. Sân triền cái bao gồm cả hai trạng thái sân và hận, trong kinh Nikāya gọi là Phẫn nộ và Hiềm hận. Phẫn nộ là sự tức giận bộc lộ ra ngoài; còn hiềm hận là thù hằn, uất ức ngấm ngầm trong tâm.

Trong khi sân kiết sử thuộc hệ thống quán tâm là tâm sân hận chính bản thân mình (tức mình, bực mình); thì sân triền cái trong hệ thống quán pháp chính là sự tức giận, hận thù đối với đối tượng khác. Trong kinh Nikāya, đối tượng gây cho ta sân hận được gọi theo nhiều tên khác nhau: đối ngại tướng, chướng ngại tướng, pháp đối ngại, pháp chướng ngại, pháp sân...

Ví dụ ông A phẫn nộ hiềm hận bà B, như vậy ông A đang bị đau khổ bởi sân triền cái và bà B là pháp sân, pháp chướng ngại của ông.

Sân triền cái cũng nguy hiểm không kém gì tham dục. Nó không những khiến ngăn che trí tuệ mà còn dẫn đến những hậu quả tai hại không lường. Chỉ vì một phút nóng giận không tỉnh giác, không biết kềm chế cũng có thể gây ra những tội ác, tội lỗi tác hại cho mình và cho người về lâu dài. Vì vậy sân hận cũng được ví như ngọn lửa, chỉ cần một đốm lửa nhỏ nhưng nếu không dập tắt kịp thời sẽ có thể tiêu huỷ cả một cánh rừng rộng lớn trong phút chốc.

Bên cạnh đó, giống như sân kiết sử, sân triền cái cũng có thể gây ra hoặc ảnh hưởng đến những chứng bệnh khác như tai biến tim mạch, trầm uất, điên loạn... Không những thế người ôm giữ sự sân hận lâu dài còn tạo nên một hành nghiệp bất thiện để rồi phải câu hữu tái sinh trong những môi trường sân hận khổ đau. Hẳn nhiên một Tỳ-kheo không biết cách đoạn trừ được sân triền cái, vẫn còn bị chi phối bởi pháp bất thiện này sẽ không thể chứng nhập và an trú trong trạng thái hỷ lạc của Thánh thiền định.

Chính vì thế sân triền cái là một pháp nguy hại ngay trong hiện tại lẫn về lâu dài cần phải đoạn trừ. Do vậy khi sân triền cái khởi lên, ngay đó phải biết rõ: “nội tâm có sân hận, tuệ tri: ‘Nội tâm tôi có sân hận’”.

Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật chỉ ra hai duyên khiến sân triền cái sinh khởi, đồng thời cũng chỉ rõ phương pháp đoạn trừ: “Có hai duyên này, này các Tỳ kheo, khiến sân sinh khởi. Thế nào là hai? Chướng ngại tướng và không như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỳ kheo, là hai duyên khiến sân sinh khởi” (TC II, tr.161 = [I.2.11]).

- “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến sân chưa sinh được sinh khởi, và sân đã sinh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỳ kheo, như đối ngại tướng. Ðối ngại tướng, này các Tỳ kheo, nếu không như lý tác ý, đưa đến sân, chưa sinh được sinh khởi, và sân đã sinh được tăng trưởng quảng đại…

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến sân chưa sinh không sinh khởi, và sân đã sinh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như từ tâm giải thoát. Từ tâm giải thoát, này các Tỳ kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sinh không sinh khởi, và sân đã sinh được đoạn tận” (TC I, tr.11 = [I.1.2.2/7]).

Cũng trong Tăng Chi, bài kinh ‘Những Trường Hợp Hiềm Hận’, đức Thế Tôn đã nêu rõ mười trường hợp hiềm hận cụ thể:

“Này các Tỳ kheo, có mười trường hợp hiềm hận. Thế nào là mười?

Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại ta”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm hại ta”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm hại ta”.
 
Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã hại người ta yêu, người ta mến...” “Nó đang hại người ta yêu, hại người ta mến...” “Nó sẽ hại người ta yêu, người ta mến”.

Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Hiềm hận được kết thành, khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến”. Làm cho vị ấy tức giận không có lý do” (TC X:79, tr.441 = [I.10.79]).

Đồng thời ngay sau đó, trong bài kinh ‘Nhiếp Phục Hiềm Hận’, đức Phật cũng nêu rõ cách đoạn trừ hiềm hận:

“Này các Tỳ kheo, có mười nhiếp phục hiềm hận này, Thế nào là mười ?

Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”. Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đang làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”.

Hiềm hận được nhiếp phục khi nghĩ rằng: “Nó sẽ làm hại ta, nhưng lợi ích từ đâu đến khi ta nghĩ như vậy?”. Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm hại người ta yêu, người ta mến...”... “Nó đang làm hại người ta yêu, người ta mến...”... “Nó sẽ làm hại người ta yêu, người ta mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?”
 
Hiềm hận được nhiếp phục, khi nghĩ rằng: “Nó đã làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến...”... “Nó đang làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến...”... “Nó sẽ làm lợi cho người ta không yêu, người ta không mến, nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy?” Không làm cho vị ấy tức giận không có lý do” (Sđd).

Trường đoạn ‘nhưng lợi ích từ đâu đến khi nghĩ như vậy’ được lập đi lập lại nhiều lần giúp đoạn diệt các tâm niệm hận thù trên đối tượng khác, đây chính là câu Như lý tác ý. Trong kinh Nikāya, đức Thế Tôn đã chỉ dạy rất nhiều các câu như lý tác ý thích ứng và hiệu quả khác, người tu Phật cần đọc kỹ để vận dụng trong thực tế.

Như vậy, khi bị sân triền cái chi phối, phải biết quán xét tìm ra những câu tác ý đúng hướng nhằm đối trị hữu hiệu sân hận, thực hiện được điều này chính là đã biết quán pháp Như Lý Tác Ý trên pháp chướng ngại để đoạn trừ sân hận triền cái gây ra.

Theo như lời Phật dạy ở trên, bên cạnh pháp Như lý tác ý, người tu tập Niệm Xứ còn phải biết dùng pháp từ tâm để đối trị, tẩy rửa sân hận triền cái.

Như trong phần quán tâm sân đã nêu rõ: Từ tâm giải thoát là một pháp nằm trong Bốn Vô Lượng Tâm hay Bốn Phạm Trú (trú xứ của Phạm thiên, Phạm hạnh) gồm Từ, Bi, Hỷ và Xả. Trong đó:

- Từ tâm để đoạn trừ sân tâm,
- Bi tâm để đoạn trừ hại tâm,
- Hỷ tâm để đoạn trừ bất lạc tâm,
- Xả tâm để đoạn trừ hận tâm.

Tuy nhiên, ở đây sự vận dụng pháp Từ-Bi-Hỷ-Xả để đối trị sân hận triền cái có sự khác biệt.

Nếu tâm sân hận chính bản thân mình thì phải dùng tâm từ-bi-hỷ-xả với chính mình để diệt trừ; còn trong trường hợp tức giận một đối tượng khác thì phải quán xét để tăng trưởng pháp từ-bi-hỷ-xả đối với chính kẻ đang gây cho ta sân hận. Bởi lẽ, chỉ có từ-bi-hỷ-xả trên chính đối tượng gây cho ta sân hận mới xoá bỏ được sự tức giận hiềm hận đối tượng đó một cách tích cực nhất.

Thông thường chúng ta có hai phản ứng khác nhau đối với cùng một việc đáng giận: nếu do người thân yêu gây ra thì ta dễ dàng bỏ qua, trong khi đó nếu người khác làm thì ta lại dễ nổi nóng, tức giận.

Ví dụ trong khi đùa giỡn, một người cha bị đứa con trai quá tay tát mạnh vào mặt nhưng ông vẫn không hề tức giận; hoặc người con trai dù bị mẹ la mắng nhưng ngay sau đó sẽ mau chóng nguôi ngoai không hiềm hận mẹ mình. Ngược lại, nếu người cha hoặc đứa con bị người khác tát tai, mắng chửi thì họ sẽ dễ bị kích động, phẫn nộ, hận thù lâu dài.

Sở dĩ có hai phản ứng khác biệt là do người cha yêu con, người con thương mẹ. Chính tình thương đối với người thân đã giúp cho chúng ta tránh khỏi tức giận họ. Và đương nhiên, nếu không có từ tâm nơi người khác thì sẽ dễ dẫn đến phẫn nộ, hiềm hận người khác để rồi chính mình trở thành nạn nhân của ngọn lửa sân triền cái.

Do vậy, muốn diệt trừ tức giận đối với đối tượng khác, cách tốt nhất là phải tăng trưởng lòng từ tâm thương yêu trên chính đối tượng cụ thể đó. Đức Phật dạy phải tu tập từ tâm biến mãn, điều này có nghĩa phải phát triển lòng từ ái mở rộng đến mọi đối tượng chúng sinh.

Một khi đã biết thương mọi người như thương chính bản thân mình, nhờ thế sẽ giảm trừ được tức giận nơi những người khác, hoặc biết yêu thương người gây cho ta tức giận như cha mẹ, như con cái, như anh chị em thân yêu của mình thì tình thương đó sẽ giúp ta đoạn trừ phẫn nộ một cách tích cực nhất, giúp ta dễ dàng vượt qua sự bực tức trước những bất như ý do người khác gây ra cho ta.

Thực hiện được như vậy là đã biết quán pháp Từ trên pháp chướng ngại để đoạn trừ phẫn nộ do sân triền cái gây ra.

Đồng thời phải biết tạo Bi tâm nơi kẻ khác tức biết quán xét để thấy rõ hơn những cảnh ngộ, hoàn cảnh đáng thương của kẻ gây cho ta tức giận. Khi biết người đang mắng chửi mình cũng đang bị ức chế do công việc, do thất nghiệp, do bịnh hoạn, do bất hạnh… nên họ mới có hành vi như vậy, ta sẽ bớt giận hờn và không phản ứng trả thù họ. Thấu cảm với những nỗi khổ đau của người khác sẽ khiến ta không nỡ gây thêm đau khổ cho họ.

Chính bi tâm đã giúp ta đoạn trừ được tâm niệm muốn làm hại kẻ khác và đây là cách quán pháp Bi trên pháp chướng ngại để khắc phục hại tâm do sân triền cái gây ra.

Bên cạnh đó phải biết tạo Hỷ tâm để diệt trừ bất lạc tâm. Thực khó có thể vui mừng, hân hoan khi bị kẻ khác gây cho ta tức giận. Tuy vậy vẫn có thể tạo hỷ tâm bằng cách quán tìm thấy những may mắn trong những cảnh ngộ mà mình đang gặp phải, hoặc những khía cạnh tốt đẹp của pháp sân.

Những câu trả lời của tôn giả Phú-lâu-na trong Trung Bộ 3 (kinh số 145 = [Sb.29]) chỉ ra cho chúng ta biết cách tác ý tạo hỷ tâm để vượt qua sự tức giận. Bài kinh kể lại sự việc tôn giả Phú-lâu-na tình nguyện xin đức Thế Tôn cho phép Ngài được đến hoá độ tại đất nước Sunaparanta vốn nổi tiếng vì nhiều người hung ác.

Đức Thế Tôn đã lần lượt đặt ra những tình huống có thể xảy ra nhằm thẩm định khả năng ứng phó của ngài Phú-lâu-na trước những người tạo sân hận. Trong từng trường hợp như vậy tôn giả Phú- lâu-na đều tác ý đến sự may mắn của mình và sự hiền thiện của người dân xứ Sunaparanta.

Đức Thế Tôn hỏi ngài Phú-lâu-na:

“- Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?”

Ngài Phú-lâu-na trả lời:

“- Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy”.

Sau đó đức Thế Tôn đã tăng dần những tình huống phức tạp hơn và ngài Phú-lâu-na đều biết tạo hỷ tâm bằng cách tác ý về sự may mắn và tính hiền thiện của người dân xứ Sunaparanta nhằm tích cực tăng cường lòng thương yêu để xóa bỏ hận thù.

Nếu bị người nước Sunaparanta đánh đập, thời ngài Phú-lâu-na tác ý mình vẫn còn may mắn và dân Sunapranta vẫn còn hiền thiện khi chưa ném ngài bằng gạch đá.

Nếu bị người nước Sunaparanta ném gạch đá, thời ngài Phú-lâu-na tác ý mình vẫn còn may mắn và dân Sunapranta vẫn còn hiền thiện khi chưa đánh đập ngài bằng gậy gộc.

Nếu bị người nước Sunaparanta dùng gậy đánh đập, thời ngài Phú-lâu-na tác ý mình vẫn còn may mắn và dân Sunapranta vẫn còn hiền thiện khi chưa đâm chém ngài bằng dao.

Nếu bị người nước Sunaparanta đâm chém bằng dao, thời ngài Phú-lâu-na tác ý vẫn còn may mắn vì bao lâu thân ngũ uẩn đeo mang giờ đây có người giúp mình cởi bỏ.
 
Đức Thế Tôn sau khi biết ngài Phú-lâu-na đã đủ tâm lượng từ-bi-hỷ-xả biến mãn để thắng vượt sân hận, nên cuối cùng Ngài đã chấp thuận cho vị Thánh tăng ra đi hoá độ tại Sunaparanta. Và cũng trong mùa an cư năm đó tôn giả Phú-lâu-na đã hoá độ cho một ngàn nam nữ cư sĩ tại địa phương và tự thân mình chứng Tam Minh.

Ngài Phú-lâu-na không những là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự độ, độ tha cao cả của vị Tỳ-kheo Thanh Văn mà còn để lại bài học sâu sắc về đạo đức từ-bi-hỷ-xả cụ thể của người đệ tử Phật.

Như vậy, biết quán xét tìm ra những may mắn trong cảnh ngộ sân giận mà mình đang gặp phải và tác ý theo chiều hướng thấy được sự tốt đẹp của người gây cho ta tức giận từ đó giúp tâm hân hoan hơn, an lạc hơn chính là phương pháp quán pháp Hỷ trên pháp chướng ngại nhằm khắc phục bất lạc tâm do sân triền cái gây ra.

Nhờ biết tăng trưởng quán pháp Từ tâm, Bi tâm, Hỷ tâm trên pháp sân như vậy sẽ giúp dễ dàng đạt tới trạng thái tâm lý là Xả tâm. Nếu xả tâm trong hệ thống quán tâm là biết tha thứ cho chính mình nhờ vậy giúp ta giải trừ sự hiềm hận mình, bực mình; thì Xả tâm trong hệ thống quán pháp chính là lòng bao dung, độ lượng, sẵn sàng tha thứ cho người đã gây cho ta tức giận. Một khi đã biết tha thứ cho kẻ khác thì không còn hận thù kẻ đó nữa, vì thế xả tâm dùng để đoạn tận hận tâm.

Quán xét để tăng trưởng lòng bao dung, sự độ lượng để tha thứ và không còn thù hận người khác đó là cách quán pháp Xả trên pháp chướng ngại để đoạn trừ hận tâm do sân triền cái gây ra.

Theo ý nghĩa trên, khái niệm Xả tâm trong Bốn Vô Lượng Tâm: Từ - Bi - Hỷ - Xả, phải được hiểu là sự xả trừ lòng hiềm hận, sự xả bỏ hận thù gây phiền não cho tâm bằng cách tu tập tăng trưởng lòng khoan dung, độ lượng, biết tha thứ.

Ngoài ý nghĩa trên, trong kinh Nikāya, khái niệm ‘Xả’ còn có nhiều ý nghĩa khác nữa tùy theo mỗi cách quán của từng hệ thống.

‘Xả’ còn có nghĩa là thí xả, xả ly của cải vật chất để ban phát cho kẻ khác. Pháp ‘xả’ này giúp đoạn trừ lòng xan tham và cũng là thành quả của tâm từ bi được trưởng dưỡng nơi đối tượng khác, vì thế ‘xả’ này thuộc pháp bố thí. Ví dụ như pháp bố thí trong Bốn Nhiếp Pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

Xả’ còn có nghĩa là xả bỏ, đoạn xả các pháp bất thiện, không thích đáng để đi tới giác ngộ giải thoát. Trường hợp này thuộc pháp ‘Xả Giác Chi’ của Bảy Giác Chi, hoặc ‘ly hỷ, trú xả… xả niệm lạc trú’ của Tam Thiền, hoặc ‘xả lạc, xả khổ… xả niệm thanh tịnh’ của Tứ Thiền.

Tất cả các pháp ‘Xả’ này đều có những giá trị khác nhau và đều giúp cho người thực hành từng bước đoạn trừ khổ đau.

Bên cạnh bốn pháp Từ-Bi-Hỷ-Xả để giải trừ sân hận, trong bài kinh Trừ Khử Hiềm Hận (TC V:161, tr.613 = [I.5.161]) đức Phật còn dạy thêm hai pháp khác nữa.

(1) Đó là biết ‘vô niệm - không nhớ nghĩ’ tức lờ đi, bỏ qua một bên các ý niệm sân giận bằng câu tác ý ‘chẳng có lợi ích gì lại nghĩ như thế’. Muốn thực hiện theo phương cách này cần phải tăng trưởng tâm quảng đại, tác ý bao dung mạnh mẽ hơn nữa như trong bài kinh Ví Dụ Cái Cưa (TB1, 21 = [Sb.3]) đã dạy rõ.

(2) “Trong người nào, này các Tỳ kheo, hiềm hận được sinh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải an lập là: “Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy”.

Quy luật nhân quả rất công bằng và khi nghĩ đến sự công bằng của luật nhân quả sẽ giúp ta kham nhẫn hơn hoàn cảnh bất ưng hiện tại, đồng thời cũng giải tỏa được sự tức giận.

Vả lại ‘ai gieo gió ắt gặt bão’, chính người cố tâm gây cho ta đau khổ sẽ là nạn nhân cho hành động bất thiện của chính họ, nhờ như lý tư duy như vậy sẽ cảm thấy tội nghiệp cho đối tượng và không nỡ oán hận họ thêm. Người không còn ôm lòng thù hận là người cất đi được biết bao nhiêu phiền não khổ đau.

Tập hợp tất cả những pháp giúp đoạn trừ sân hận được gọi chung là pháp vô sân, và cách tốt nhất để đối trị sân triền cái vẫn là chủ động phát triển pháp Từ-Bi-Hỷ-Xả trên chính pháp chướng ngại đó.

Nhằm đoạn diệt sân triền cái được triệt để hơn, người tu tập Bốn Niệm Xứ cũng cần phân biệt thêm các khái niệm nội pháp sân, ngoại pháp sân và nội-ngoại pháp sân.

Nội pháp sân là những tính cách, bản tánh tiềm ẩn bên trong của người khác khiến cho ta tức giận họ, ví dụ như tính tình nóng nảy, cố chấp, nhỏ mọn…; hoặc đó là những yếu tố nội tại bên trong của pháp chướng ngại (bị bệnh tật, ức chế, căng thẳng…) khiến cho đối tượng có thái độ khó ưa, khó chịu.

Ngoại pháp sân là những hành vi, cử chỉ, lời nói của kẻ khác nhắm đến ta, chúng biểu lộ bên ngoài rõ ràng khiến cho ta tức giận kẻ đó; hoặc những yếu tố bên ngoài chi phối khiến đối tượng gây cho ta sân giận (bị người khác xúi dục, bị kích động do say rượu, do tác dụng của chất kích thích…).

Nội-ngoại pháp sân là kết hợp cả hai trường hợp trên.

Từ đây, tùy từng trường hợp, cần đoạn trừ sân triền cái bằng nhiều phương cách cụ thể theo nguyên tắc:

- Quán pháp vô sân trên nội pháp sân,
- Quán pháp vô sân trên ngoại pháp sân,
- Quán pháp vô sân trên nội-ngoại pháp sân.

Đồng thời phải kết hợp:

- Quán tánh sinh khởi trên pháp sân là quán tìm nguyên nhân cụ thể nào khiến cho đối tượng khác gây cho ta tức giận. Tuỳ theo nguyên nhân phát sinh sẽ biết cách hoá giải hoặc tránh né pháp chướng ngại đó.

- Quán tánh diệt trừ trên pháp sân là quán tìm cách hoá giải mâu thuẫn với đối tượng để hai bên thông cảm nhau hơn, dễ dàng tha thứ nhau hơn…

- Quán tánh sinh diệt trên pháp sân là vừa tìm hiểu nguyên nhân vừa tìm cách hoá giải xung đột, mâu thuẫn.

Trên đây là nội dung của phần chánh niệm quán các pháp vô sân trên pháp chướng ngại để đoạn trừ phẫn nộ, hiềm hận do sân triền cái gây ra.

Tóm lại, người tu Bốn Niệm Xứ phải tích cực ngăn chặn không cho sân triền cái khởi lên bằng cách tăng trưởng tâm từ bi biến mãn, nhưng một khi sân triền cái đã khởi lên phải tức khắc nhận diện đồng thời tích cực giải trừ bằng các phương pháp vô sân cho đến khi biết rõ chúng không còn gây phiền não cho ta.

Đây chính là nội dung ý nghĩa của lời dạy: “Hay nội tâm có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi có sân hận”; hay nội tâm không có sân hận, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có sân hận”. Và với sân hận chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã sinh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”.

4.1.3 Hôn trầm - Thuỳ miên triền cái

Hôn trầm là trạng thái ngầy ngật, buồn ngủ, mơ màng, nửa mê nửa tỉnh. Thuỳ miên là ngủ gục. Tâm ở trong trạng thái thụ động này, sự tỉnh giác và trí tuệ vắng mặt, do đó không còn khả năng tư duy hoặc tu tập, chính vì thế Thánh đạo không hiển lộ.

Hôn trầm thuỳ miên thuộc về pháp si, không những làm chướng ngại trên con đường giác ngộ mà còn là sợi dây cột trói vào sinh tử luân hồi. Bởi lẽ, ăn và ngủ vốn là hai bản năng cơ bản của mọi loài chúng sinh, còn bị dính mắc chi phối bởi hai bản năng này thì trí tuệ chưa được giải thoát hoàn toàn.

Do vậy, chiến thắng bản năng hôn trầm, thùy miên là một yêu cầu tất yếu trên con đường đi đến giác ngộ giải thoát.

“Ngủ gục, nhác, ngáp dài, 
Không vui, ăn quá độ,
Ở đây, đối chúng sinh, 
Thánh đạo không hiển lộ. 

Ngủ gục, nhác, ngáp dài, 
Không vui, ăn quá độ, 
Với tinh tấn, đoạn chúng,
Thánh đạo được thanh tịnh” 

(TƯ1,7 = [Vd.8.16])

Chính vì thế, để chiến đấu chống lại bản năng tham dục và các bất thiện pháp khác, vị Tỳ-kheo phải nỗ lực tinh tấn tu tập cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả trong tư thế ngủ:

“Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.

Ban đêm canh một đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.

Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại.
 
Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại” (TBI, 39 = [U.17.11]).

Để đoạn diệt các bất thiện pháp, thoát ly sinh tử, vị Tỳ-kheo phải suốt ngày tu tập theo dõi từng niệm tưởng, đêm chỉ ngủ một canh giữa, trời chưa sáng đã phải thức dậy tu tập tiếp, do vậy vị tu sĩ sẽ phải đối mặt và chiến đấu với hôn trầm thùy miên.
Người tu Phật nếu không tích cực đoạn trừ bản năng gốc này, sẽ dễ dàng bị chúng chi phối khiến trở thành phóng dật, giải đãi; nhất là trong môi trường độc trú biệt cư yên tịnh.

Vị Tỳ-kheo đứng trước chướng ngại này hãy noi theo gương hạnh của đức Thế Tôn: “Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy” (TƯ1,107 = [Sd.16.7])

Bậc Chánh Đẳng Giác khi đã giác ngộ rồi còn nêu gương hạnh như thế, huống hồ những người con của Ngài còn đang lao đao trong vòng sinh tử, làm sao có thể yên tâm để mặc cho bản năng này chi phối? Làm chủ được hôn trầm thùy miên cũng có nghĩa là tiến thêm một bước đến giải thoát vĩnh hằng.

Muốn chiến thắng triền cái phức tạp này, trước hết phải hiểu biết những nguyên nhân chính gây ra hôn trầm thùy miên. Trong kinh Tăng Chi, đức Thế Tôn chỉ rõ năm nguyên nhân trội khiến hôn trầm thuỳ miên tăng trưởng:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên đã sinh được tăng trưởng quảng đại, này các Tỳ kheo, như không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm thụ động. Với người có tâm thụ động, này các Tỳ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sinh được sinh khởi, và hôn trầm thụy miên đã sinh được tăng trưởng quảng đại” (TC I, tr.12 = [I.1.2]).

Như vậy, các nguyên nhân gây ra hôn trầm thuỳ miên được nêu ra ở trên thuộc về nội tại, do từ nơi bản thân phát khởi, trong đó tâm thụ động đóng vai trò quan trọng; vì thế những yếu tố này thuộc về nội pháp hôn trầm thuỳ miên. Ngoài ra hôn trầm thuỳ miên còn do những tác nhân bên ngoài gây ra và được gọi là ngoại pháp hôn trầm thuỳ miên, như do dùng các thứ thuốc, thức ăn, đồ uống có chất an thần; hoặc trong môi trường thụ động, thiếu tích cực.

Trạng thái hôn trầm thuỳ miên do kết hợp cả hai nguyên nhân trong và ngoài được gọi là nội-ngoại pháp hôn trầm thuỳ miên. Vì có liên quan đến các pháp bên ngoài nên hôn trầm - thuỳ miên được xếp trong hệ thống quán Pháp.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất của Hôn trầm - Thùy miên vẫn là do tâm thụ động gây ra. Vì vậy đức Phật cũng đã dạy rõ phương pháp hữu hiệu nhất, chủ lực nhất để chiến thắng hôn trầm thuỳ miên triền cái chính là sự tinh cần tinh tấn:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến hôn trầm thụy miên chưa sinh không sinh khởi, hay hôn trầm thuỳ miên đã sinh được đoạn tận, này các Tỳ kheo, như tinh cần giới, cần dõng giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần, tinh tấn, này các Tỳ kheo, hôn trầm thụy miên chưa sinh không sinh khởi, hay hôn trầm thuỳ miên đã sinh được đoạn tận” (Sđd).

Tinh cần giới là sự tinh tấn một cách chuyên cần thường xuyên, được lập đi lập lại nhiều lần, để chống lại các cơn hôn trầm thuỳ miên xảy đến hằng ngày vào những thời khắc nhất định như: sau khi ăn no, hoặc buồn ngủ vào đầu đêm hay cuối đêm…

Cần dõng giới là sự tinh tấn mạnh mẽ hơn nữa để đối trị với hôn trầm thuỳ miên do hai ba nguyên nhân kết hợp. Ví dụ vừa ăn xong lại gặp trời mưa rả rích.

Dõng mãnh giới là sự tinh tấn vượt trội, mạnh mẽ nhất để chiến thắng những cơn hôn trầm thuỳ miên cực điểm do nhiều nguyên nhân kết hợp một lúc.

Bên cạnh đó, cụ thể hơn nữa, trong kinh Ngủ Gục (TC VII:58, tr.396 = [I.7.58]), đức Thế Tôn dạy ngài Mục Kiền Liên bảy pháp chống lại ngủ gục:

1. Nếu đang trú trong tưởng nào khiến buồn ngủ phát khởi, không nên tiếp tục trú trong tưởng ấy nữa.
2. Quán xét suy tư chánh pháp để kích thích tâm trí hoạt động.
3. Đọc tụng kinh điển đã được học thuộc lòng.
4. Kéo hai lỗ tai, xoa bóp tay chân.
5. Lấy nước lau mặt, nhìn về phía chân trời và nhìn lên các ngôi sao đang chiếu sáng.
6. Tác ý đến tưởng ánh sáng và an trú vào tưởng ban ngày.
7. Trú tâm trên chỗ kinh hành, với các căn hướng nội với ý không hướng ngoại.

Vị tu sĩ thực hành đầy đủ bảy bước nêu trên cũng đã đến giờ đi ngủ, lúc ấy hãy “nằm như dáng sư tử, khi thức dậy phải thức dậy thật mau, nghĩ rằng “ta sẽ trú không có chú tâm đến lạc nằm ngủ, lạc nằm xuống một bên, lạc thuỳ miên” (Sđd).

Điều cần lưu ý thêm là phải quán xét để biết hôn trầm thuỳ miên của ta thuộc dạng nào, hay xuất hiện lúc nào để ngăn ngừa ngay từ đầu. Khi cảm thấy mới chớm buồn ngủ hoặc sắp tới lúc hôn trầm như thường lệ, cần nhanh chóng đối phó ngay từ đầu thì việc chống hôn trầm sẽ dễ dàng hơn. Ở đây, nguyên tắc ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ là hoàn toàn chính xác và đối trị với hôn trần thuỳ miên vẫn là sự tinh cần, cần dõng và dõng mãnh.

Một khía cạnh nguy hiểm khác của hôn trầm thuỳ miên mà người tu thiền cần phải cảnh giác, đó là đã có những ngộ nhận xem triền cái này như một trạng thái của thiền định. Sở dĩ có sự ngộ nhận này là do người tu thiền không đúng phương pháp, chỉ biết một chiều ức chế tâm, tập trung tâm đơn thuần vào một đối tượng thiền định nhưng không có chánh niệm tỉnh giác hoặc như lý tác ý hoặc thay đổi phương pháp tu đúng lúc, do vậy tâm sẽ đi đến thụ động.

Chính đức Thế Tôn đã cảnh giác về điều này: “Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động” (Bài kinh Kẻ Lọc Vàng, TC1, C3, 100 = [I.3.92]). Một chiều tác ý tướng định theo đúng chánh pháp còn khiến tâm thụ động, huống hồ tác ý tướng định theo kiểu tà pháp.

Như đã nói ở trên, tâm thụ động là mẹ đẻ của hôn trầm (buồn ngủ), chính vì thế khi bị triền cái này chi phối nhưng người tu không nhận biết được chúng, cứ tiếp tục định tâm trong trạng thái này sẽ khiến cho tâm bị muội lược nặng hơn nên rơi vào thuỳ miên (ngủ gục).

Cho nên, các chuyên gia tâm lý dựa theo kinh nghiệm của mình, thường khuyên những người bị khó ngủ trước khi đi ngủ hãy tập trung tâm đếm số thứ tự 1, 2, 3... nhờ vậy sẽ dễ ngủ hơn. Thực chất của phương pháp này chỉ nhằm duy trì tập trung tâm vào một đối tượng nhất định, do vậy tâm sẽ đi đến trạng thái bị thụ động. Cứ tiếp tục trong trạng thái này, tâm sẽ bị muội lược (hôn trầm) mạnh hơn và từ đây đi vào giấc ngủ (thuỳ miên) không khó khăn gì.

Những phương pháp tu thiền không phải Chánh Niệm - Bốn Niệm Xứ cũng hoàn toàn giống như tiến trình trên, chỉ có khác một điều là những người tu thiền tuỳ theo pháp môn của mình mà tập trung tâm đơn thuần vào các đối tượng thiền định khác nhau như đếm hơi thở, chú tâm vào cơ bụng, quán sát vọng tưởng của tâm, niệm chú, niệm tên thần thánh...

Tất nhiên, dù các phương pháp và đối tượng hành trì có khác nhau, nhưng nếu cứ ‘một chiều tác ý tướng định’ thì tất cả đều phải đi đến một hậu quả chung, đó là tâm bị thụ động và rơi vào thuỳ miên.

Tuỳ mức độ mạnh yếu của thuỳ miên mà người rơi vào cảm thấy mơ màng, hoặc hoàn toàn không còn nhận biết, hay ghi nhớ gì cả. Do vậy có phái thiền gọi các trạng thái này là ‘vô ký’ (không nhớ), ‘vô ký hôn trầm’, ‘vô ký ngoan không’ (hoàn toàn giống như người ngủ mê vậy).

Thực chất của các trạng thái vô ký này cũng chỉ là các mức độ thuỳ miên nông sâu mà thôi. Chính vì thế khi rơi vào đây, người tu không còn có ý niệm về thời gian, không gian; dù trải qua mấy giờ ngồi ‘thiền’ nhưng người tu vẫn tưởng như mới chỉ vài phút, hơn nữa khi ‘xuất thiền’ còn cảm thấy thoải mái dễ chịu như vừa mới... ngủ dậy nên ngỡ rằng nó là định.

Chỉ có điều người ngủ mê sau khi tỉnh dậy biết mình vừa ngủ mê và nếu có nằm mơ biết mình ngủ mơ nên không có chuyện gì. Thế nhưng người tu thiền lại không biết như vậy vì họ đang ngồi tu thiền chứ không nằm ngủ, cho nên rơi vào trạng thái này họ dễ ngộ nhận rằng vừa đạt được một ‘tầng thiền đặc biệt’. Nếu trong trạng thái ‘đặc biệt’ này họ ‘thấy’ hoặc ‘nghe’ được Phật thọ ký, Tổ ấn chứng, Bồ-tát rước đến Niết Bàn đúng như mong ước bấy lâu của họ, điều này chẳng có gì là lạ.

Thế nhưng có người vì tăng thượng mạn nên lại tưởng rằng mình có kỳ duyên đặc biệt, đắc được đạo thực sự, bèn tuyên bố lập giáo khai tông dạy thiền cho người khác, chẳng đếm xỉa gì đến giới hạnh; hoặc có người cũng có nói đến giới hạnh, cũng nhắc đến ‘Bốn Niệm Xứ’, ‘Bảy Giác Chi’, ‘Tứ Thiền’, ‘Tám Chánh Đạo’ nhưng nội dung hoàn toàn khác với chánh Kinh chánh Luật, thêm bớt loanh quanh theo tưởng giải chủ quan của mình, đây mới là điều vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một số khác cũng ‘đắc’ được như vậy, nhưng trung thực hơn, thấy rõ tham-sân-si của mình còn y nguyên nên gọi chúng là những ‘ma chướng’ của người tu thiền, khốn nỗi họ lại mang khẩu nghiệp ác ngữ khi dạy người khác báng bổ bậc Đạo sư theo kiểu ‘gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ’ (!)

Tất cả các hiện tượng nêu trên chỉ là hệ quả của hôn trầm thuỳ miên triền cái, trước sau chúng chẳng có giá trị gì về phương diện giải thoát chân chánh. Trong thời Phật, các du sĩ ngoại đạo cũng không thoát khỏi tấm lưới võng triền cái oan khiên này và họ cũng ‘gặp’ được các thần linh, tổ tiên của mình trong các trạng thái ‘thiền đặc biệt’.

Vì thế trong kinh tạng Nikāya mới có các cụm từ ‘chư Thiên do tưởng làm ra’ hoặc ‘tưởng chứng đắc’. Thực ra những hiện tượng này cũng chỉ là những ‘ma chướng’ người đời sau mà thôi, danh từ có khác nhau nhưng bản chất là một.

Các Tỳ-kheo Thanh Văn biết rất rõ điều này vì nhờ tu đúng pháp của Phật, ngay từ đầu biết Chánh niệm tỉnh giác và Như lý tác ý, nên không bao giờ gặp phải các chứng bệnh tưởng nêu trên; và cho dù có ‘chứng’ chăng nữa, họ cũng biết rõ bản chất của chúng và tinh tấn đoạn trừ.

Vì hôn trầm thuỳ miên cũng tạo ra các trạng thái khoan khoái hoặc mộng tưởng không khác gì giấc ngủ cho nên nó cũng hấp dẫn người tu, thế nhưng vì nó là bản năng và làm ngăn che trí tuệ nên người tu Bốn Niệm Xứ phải nhận diện rõ chúng và tích cực đoạn diệt. Tất nhiên, người tu muốn diệt trừ các ‘ma chướng’ này, không có một cách nào khác là phải nỗ lực thực hành theo ba pháp tinh cần, cần dõng và dõng mãnh.

Trên đây là nội dung cách quán pháp tinh cần, cần dõng, dõng mãnh trên pháp buồn ngủ để đoạn trừ tham ưu do hôn trầm thuỳ miên triền cái gây ra và cũng nằm trong ý nghĩa nội dung của đoạn kinh:

“Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên”; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên”. Và với hôn trầm thụy miên chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm