Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 25/06/2016, 10:09 AM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (Phần cuối)

Có thực hành đúng nếp sống hộ trì cho bản thân mới thấy rõ giá trị thiết thực của Bốn Niệm Xứ là con đường duy nhất giúp tâm thanh tịnh để thể nhập các Thánh thiền định. Từ đó mới có thể giới thiệu pháp môn này một cách đúng đắn, thiết thực cho mọi người theo tinh thần từ bi của người đệ tử Phật.

4.6 Các Phương Pháp Tu Tập Bốn Niệm Xứ

Như đã được biết ở trước, Tỉnh giác thuộc pháp tu Chỉ - tức tu tập về tâm - nhằm giúp tâm được định tĩnh và cũng là cách ngăn chặn các niệm ác chưa phát khởi sẽ không cho phát khởi. Trong khi đó, Chánh niệm thuộc pháp tu Quán - tức tu tập về trí tuệ - nhằm giúp trí tuệ tăng trưởng và cũng là phương pháp quán các niệm thiện để diệt các niệm ác ngủ ngầm hay đã phát khởi trong tâm.

Hai phương pháp này phải được kết hợp một các linh hoạt song hành chặt chẽ không thể thiếu một, giống như hai mặt của một bàn tay. Chính vì lẽ đó, trong kinh Niệm Xứ nói riêng và kinh Nikāya nói chung, hai phương pháp này luôn được trình bày gắn liền cột chặt với nhau một cách mật thiết trong một thể thống nhất. Và vị Tỳ-kheo phải dựa theo đây tu tập mới có thể đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát trọn vẹn.

Theo đó, vị Tỳ-kheo tu tập Bốn Niệm Xứ phải nắm vững và thực hành linh hoạt ba phương pháp tu tập cơ bản sau đây: Phương pháp tu tập tuần tự, phương pháp tu tập đặc trị và phương pháp tu tập ứng phó kịp thời.

4.6.1. Phương pháp tu tập tuần tự là cách thức tu tập Bốn Niệm Xứ theo lời dạy trong bài Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (TrB2, 26 = [U.2]). Trong bài kinh này vị vua Sát-đế-lỵ phải “gội đầu trai giới, đi lên lầu cao, thì xe báu cõi Trời hiện ra đầy đủ ngàn tăm, vành xe, trục xe và đầy đủ các bộ phận”.

Sau đó vị ấy “tay trái cầm bình nước, tay mặt tưới nước trên bảo luân và nói: “Hãy lăn, này Thiên bảo luân, hãy nhiếp phục tất cả”.

Từ đây vị vua Sát-đế-lỵ mới sử dụng cỗ xe báu lăn tuần tự khắp bốn hướng Đông - Nam - Tây - Bắc, tại mỗi hướng với sự an trú vào giới luật và chánh pháp, các vị vua thù nghịch sẽ tự động xếp giáo quy hàng vị Chuyển Luân Thánh Vương.

Cỗ xe báu tượng trưng cho pháp Bốn Niệm Xứ. ‘Gội đầu trai giới’ tượng trưng cho phạm hạnh phải thanh tịnh, đây là yêu cầu bắt buộc để vận chuyển xe báu thành công.

‘Tay trái cầm bình nước’ phải vững vàng chắc chắn, tượng trưng cho pháp tu Chỉ.

‘Tay mặt tưới nước’ là động, tượng trưng cho pháp tu Quán. Hai pháp này hỗ trợ cho nguồn nước thanh tịnh giới luật mới vận chuyển xe báu được.

Câu nói ‘Hãy lăn...’ tượng trưng cho pháp Như Lý Tác Ý.

Bốn hướng Đông - Nam - Tây - Bắc tượng trưng cho bốn xứ Thân - Thọ - Tâm - Pháp.

Các vị vua thù nghịch tượng trưng cho các niệm ác bất thiện, các kiết sử và triền cái.

Cũng vậy, một vị Tỳ-kheo biết giữ gìn giới luật thanh tịnh và tu hành đúng chánh pháp của Bốn Niệm Xứ cũng chính là vị Chuyển Luân Vương thái tử tiếp tục vận chuyển cỗ xe chánh pháp.

Chính đức Thế Tôn đã chỉ rõ: “Do Bốn Niệm Xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà- la-môn, khi Như Lai nhập Niết Bàn, Diệu Pháp không có tồn tại lâu dài. Do Bốn Niệm Xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết Bàn, Diệu Pháp được tồn tại lâu dài” (TƯ5, 174 = [Ve.2.25]).

Vị Tỳ-kheo chuyển vận cỗ xe báu Bốn Niệm Xứ theo đúng các yêu cầu trên, tuần tự ghi nhớ quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp.

Cứ tiếp tục quán lần lượt trở đi trở lại thường xuyên như vậy thì các niệm ác - bất thiện, các kiết sử và triền cái tại bốn xứ này sẽ tự động được tẩy trừ, đoạn giảm đi đến tiêu diệt hoàn toàn. Có thể gọi đây là cách tu ‘không chiến tự nhiên thành’ và phương pháp này giống như cách điều trị phòng bệnh tổng quát trong y học.

4.6.2. Phương pháp tu tập đặc trị được đức Thế Tôn giới thiệu ngay trong Kinh Niệm Xứ. Theo cách này người học Phật phải tự quán xét mình để biết có những niệm bất thiện nào thường phát khởi, hay còn bị kiết sử nào cột trói mạnh mẽ, hay triền cái nào gây chướng ngại nhiều hơn.

Khi biết rõ mình bị niệm ác bất thiện nào chi phối nhiều hơn thì phải tu tập các pháp đặc trị thích hợp đối với phiền não lậu hoặc đó kỹ hơn. Các phiền não ngủ ngầm nào đã trừ diệt hoàn toàn không còn sinh khởi cũng phải biết rõ và duy trì trạng thái miễn nhiễm này.

Tu tập phương pháp này giống như bị mắc bệnh nào nặng và nguy hiểm nhiều hơn, thì ưu tiên dùng thuốc thích hợp để trị bịnh đó tích cực hơn. Còn bệnh nào đã chữa khỏi hoàn toàn cũng phải biết rõ, nhằm tránh tái phát bệnh và để dành thời gian, công sức, thuốc men điều trị các bệnh còn lại.

Ví dụ tâm còn khởi nhiều niệm tham ưu về thân - tức bị thân kiến kiết sử - thì phải quán và như lý tác ý thân bất tịnh, thân bốn đại vô thường, thân biến hoại nhiều hơn; hoặc khi niệm tham kiết sử còn mạnh thì phải quán và tác ý tâm vô tham bằng cách thấy rõ sự nguy hiểm của tham dục thường xuyên hơn…
 
4.6.3. Phương pháp ứng phó kịp thời là sự tu tập được áp dụng bất kỳ lúc nào khi một niệm ác bất thiện, kiết sử hay triền cái đã phát khởi; thì liền ngay đó phải tỉnh giác phát hiện và dùng pháp thiện tương ưng để tiêu trừ, đoạn diệt, tẩy sạch ngay tức khắc. Thực hiện điều này giống như phải cấp cứu điều trị tức thời, không được chậm trễ một căn bệnh nguy cấp.

Phương pháp tu tập ứng phó kịp thời đã được đức Thế Tôn chỉ dạy ngay trong kinh Niệm Xứ và cũng được nhắc đến rất nhiều trong các bài kinh khác. Lời dạy thiết thực cụ thể như trong kinh Phật Thuyết Như Vậy là một trong số đó:

Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo khi đang đi… đang đứng… đang ngồi… đang nằm khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỳ kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo khi đang đi… đang đứng… đang ngồi… đang nằm có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng” (Trích lược, It.115 = [Iti.110])

Hoặc trong bài kinh ‘Có Nhân’ thuộc Tương Ưng:

“Ví như, này các Tỳ kheo, có người ném một bó đuốc bằng cỏ cháy đỏ vào một rừng cỏ khô. Người ấy với tay và chân gấp dập tắt bó đuốc ấy. Như vậy, này các Tỳ kheo, các sinh loại sống nương vào cỏ và củi sẽ không gặp bất hạnh và tai họa.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đối với tưởng bất chánh khởi lên, gấp từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt; vị ấy ngay trong hiện tại trú trong an lạc, không có phiền lao, không có sầu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú” (TƯ2, 151 = [U.52.12]) (Xem thêm kinh Chế Ngự, TC IV:12, tr.574 = [I.4.12]).

Cần lưu ý, tu tập ứng phó kịp thời là phải gấp ‘từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt, không chấp nhận, tẩy sạch’ ngay các niệm ác chứ không được lờ đi bỏ qua chúng. Bởi lẽ các niệm ác, bất thiện nếu không bị diệt trừ, chúng sẽ vẫn còn tồn tại mãi trong tâm.

Do vậy, không thực hiện giai đoạn chánh niệm để đoạn diệt niệm ác khi chúng đã phát khởi, mà bỏ qua chúng hoặc chỉ biết một chiều chú tâm vào một đối tượng thiền khác, thì dù có tinh tấn đến đâu vẫn bị đức Thế Tôn gọi là sự ‘tinh tấn hạ liệt’.

Ba phương pháp tu tập nêu trên phải được phối hợp đồng bộ, trong đó phương pháp tu tập tuần tự là quan trọng nhất và chủ yếu nhất. Nếu thực hiện tốt phương pháp này thì các phiền não tuỳ miên ngủ ngầm cũng được đoạn trừ, tiêu diệt một cách trọn vẹn, nhờ vậy hành giả cũng đỡ tốn công trong tu tập phương pháp đặc trị hoặc phải ứng phó kịp thời.

Điều này giống như nếu thực hiện tốt việc điều trị tổng quát, ngăn chặn trước tất cả các bệnh thì đỡ phải điều trị đặc trị hoặc cấp cứu. Nói khác đi, tích cực sinh thiện, tăng trưởng thiện cũng là cách ngăn ác, diệt ác một cách tích cực nhất. Ở đây, nguyên tắc ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ và đừng để ‘nước tới chân mới nhảy’ đối với tham-sân-si là hoàn toàn chính xác.

Hơn nữa, khi tu tập phương pháp tuần tự thuần thục sẽ tạo nên một phản xạ tốt cho tâm, khi tâm xuất hiện một niệm bất thiện thì ngay đó có một niệm thiện tương ưng tự động xuất hiện để đối trị loại trừ, thậm chí ngay cả trong lúc vô ký ngủ mơ, điều này có nghĩa ‘thức diễn tiến’ khi thân hoại mạng chung cũng sẽ theo đấy tự động xuôi theo chiều thiện lành.

Bên cạnh đó, điều cần phải đặc biệt lưu ý là tu tập Bốn Niệm Xứ phải được đặt trong mối quan hệ thống nhất theo hướng Tám Chánh Đạo. Tu tập Bốn Niệm Xứ hay Chánh Niệm không thể tách rời khỏi hệ thống tu tập Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Định. Nếu thiếu sự hỗ trợ của các chánh đạo này thì Bốn Niệm Xứ không thể thành tựu viên mãn.

Thêm nữa, trong hai bài kinh ‘Quán’ (1&2), đức Thế Tôn chỉ rõ có sáu pháp khiến vị Tỳ-kheo không thể an trú tu tập Bốn Niệm Xứ: “Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỳ kheo, không có thể trú quán thân trên thân… quán thọ trên thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên pháp….

Thế nào là sáu?

Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỳ kheo, không đoạn tận sáu pháp này, không thể trú quán thân trên thân… quán thọ… quán tâm… quán pháp…” (TC VI:117&118, tr.270 = [I.6.117/118])

Vị Tỳ-kheo tu tập Chánh Niệm cần ý thức đoạn tận đầy đủ tất cả sáu pháp cản trở nêu trên, có như vậy mới thấy thực sự Bốn Niệm Xứ là ‘con đường độc nhất thanh tịnh cho chúng sinh’ và tính ‘thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian’ của Chánh Phật Pháp.

Riêng đối với pháp hộ trì các căn, như trong phần quán sáu nội ngoại xứ đã phân tích, không bảo vệ các căn khi tiếp xúc các trần để cho năm dục trưởng dưỡng tự nhiên, thì việc thanh tịnh tâm là điều không thể xẩy ra.

Điều này cũng giống như một đất nước không biết kiểm soát chặt chẽ tất cả các cửa khẩu: Hải cảng, sân bay, biên giới; để giặc cướp tự do xâm nhập quấy phá mà đất nước và người dân trong nước đó được bình yên là chuyện không bao giờ có.
 
Một trong những phương cách hộ trì các căn tích cực là nếp sống thanh tịnh, an trú nỗ lực tu tập. Đây không phải là nếp sống ích kỷ, trái lại mang tinh thần tự độ - độ tha theo ý nghĩa của bài kinh Sedaka:

“Này các Tỳ kheo, “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỳ kheo, “Chúng ta sẽ hộ trì cho người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình

Và này các Tỳ kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỳ kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.

Và này các Tỳ kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỳ kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình” (TƯ5, 168 = [Ve.2.19])

Có thực hành đúng nếp sống hộ trì cho bản thân mới thấy rõ giá trị thiết thực của Bốn Niệm Xứ là con đường duy nhất giúp tâm thanh tịnh để thể nhập các Thánh thiền định. Từ đó mới có thể giới thiệu pháp môn này một cách đúng đắn, thiết thực cho mọi người theo tinh thần từ bi của người đệ tử Phật:

“Này các Tỳ kheo, những ai mà các Ông có lòng lân mẫn, những ai mà các Ông nghĩ rằng cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu hay bà con, hay huyết thống; này các Tỳ kheo, các Ông cần phải khích lệ các người ấy, hướng dẫn, an trú các người ấy trong sự tu tập Bốn Niệm Xứ” (TƯ5, 189 = [Ve.2.48]).

Thêm nữa, một Tỳ-kheo tu tập Bốn Niệm Xứ nếu chỉ biết bảo vệ các căn nhưng không tuân giữ nghiêm chỉnh giới luật Pātimokkha thì cũng không thể thực hành tốt chánh niệm tỉnh giác. Điều này giống như một đất nước dù các cửa khẩu biên giới được bảo vệ tốt nhưng người dân trong nước không tuân theo luật pháp của quốc gia đó: Không tuân theo luật lệ giao thông, không chấp hành luật dân sự… thì đất nước và chính người dân trong nước đó cũng không thể an ổn phát triển.

Do vậy, người tu Bốn Niệm Xứ phải luôn ý thức giới luật Pātimokkha là nền tảng, là căn bản địa, là căn cứ không thể tách rời của Phật pháp nói chung cũng như của Bốn Niệm Xứ nói riêng. Vai trò cơ bản thiết yếu của giới luật với ý nghĩa là căn bản cho sự thanh tịnh các thiện pháp đã được đức Thế Tôn nhắc đến rất nhiều lần trong kinh tạng Nikāya, điển hình là lời dạy trong bài kinh Pātimokkha:

“Ở đây, này các Tỳ kheo, hãy sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pātimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh (ācāragocarasampanno), thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới.

Này Tỳ kheo, sau khi sống, hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và thực hành các học giới rồi, này Tỳ kheo, y cứ trên giới, an trú trên giới, hãy tu tập Bốn Niệm Xứ…

Khi nào, này Tỳ kheo, Ông y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Bốn Niệm Xứ; khi ấy, này Tỳ kheo, hoặc là đêm hay ngày, hãy chờ đợi ở nơi Ông sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải sự tổn giảm” (TƯ5, 187 = [Ve.2.46]).

Một Tỳ-kheo thực sự phải được học tập trau dồi về giới luật cùng các pháp căn bản trước, sau đó mới tuần tự tu tập theo các bước cao hơn, không củng cố nền tảng giới luật vững chắc, không thể tiến xa trong giáo pháp của Phật. Bởi, theo định nghĩa trong tạng Luật, ‘Pātimokkha’ có nghĩa: điều này là đầu tiên, điều này là lối đưa vào, điều này là đứng đầu của các thiện pháp, do đó được gọi là Pātimokkha (Đại Phẩm, Chương lễ Uposatha, dịch bởi TK Nguyệt Thiên).

Vị Tỳ-kheo biết y cứ trên giới luật Pātimokkha để tu tập Bốn Niệm Xứ là ngọn đèn, là hòn đảo cho chính mình, là biết nương tựa vào Chánh pháp và là vị Tỳ-kheo tối thượng sau khi Như Lai nhập Niết Bàn: ‘Này Ānanda, ở đây, Tỳ kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Này Ānanda, như vậy là Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.

“Này Ānanda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ānanda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi” (TƯ5, 152 = [Ve.2.9]).

Các Tỳ-kheo phải tiếp tục học hỏi, vì bản thân pháp Bốn Niệm Xứ không phải chỉ có bấy nhiêu, dù có triển khai cả đời cũng không nói hết được trọn vẹn nội dung của Diệu Pháp (Đại Kinh Sư Tử Hống, TB1, 12 = [Sb.2]).

Do vậy bản giải mã này chỉ là sự trình bày khái quát chứ không thể nói hết được ý nghĩa thâm sâu của pháp môn Niệm Xứ (ví dụ trong kinh Nikāya, đức Thế Tôn còn nói đến các tâm vô tham, vô sân, vô si với nhiều ý nghĩa khác nữa). Vì thế bản giải mã này mới chỉ là ‘chặng đường’ giải thoát khổ đau chứ chưa phải nội dung đầy đủ của bài kinh Niệm Xứ với ý nghĩa là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn.
 
Vị Tỳ-kheo phải tiếp tục học hỏi, vì giáo pháp của Phật không chỉ có Bốn Niệm Xứ mà còn có Bốn Như Ý Túc, Bốn Chánh Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo, Thân Hành Niệm, Định niệm hơi thở, Chỉ, Quán, Tám Thắng Xứ, Chín Thứ Đệ Diệt, Mười Thánh Cư, Tam Vô Lậu Học, Vô Học Giới Uẩn, Vô Học Định Uẩn, Vô Học Tuệ Uẩn, Vô Học Giải Thoát Uẩn, Vô Học Giải Thoát Tri Kiến Uẩn... cùng với biết bao những lời dạy vô giá trong cả một tạng Kinh Nikāya đồ sộ.

Đối với những Diệu Pháp này, vị Tỳ-kheo phải học hỏi một cách tha thiết vì nếu chỉ xem qua một lượt theo kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’ sẽ không bao giờ hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của Diệu Pháp. Thậm chí nếu vị Tỳ-kheo không chú tâm tìm hiểu từng câu, từng chữ của Phật, có khi còn phải trả giá đắt cho sự sơ xuất hay chủ quan của mình.

Một khi đã tha thiết học hỏi và giữ gìn giới luật thanh tịnh, tích cực tu tập theo đúng chánh pháp với tất cả nỗ lực của bản thân thì kết quả giải thoát là điều chắc chắn, không hẳn là bẩy năm mà thậm chí chỉ trong bảy ngày đúng như điều xác quyết của đức Thế Tôn và đã được các Thánh Tăng đương thời Phật tự thân minh chứng.

Đến đây không có gì hay hơn, đầy đủ hơn, ý nghĩa hơn lời kết luận của đức Phật trong Kinh Niệm Xứ, vì vậy phần giải mã Kinh Niệm Xứ phải được kết thúc bằng chính lời dạy của đấng Như Lai, A-la-hán Chánh Đẳng Giác, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
 
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Chánh Kinh

Này các Tỳ kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỳ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỳ kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỳ kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỳ kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm Xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Bốn Niệm Xứ.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỳ kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Phần Chánh Kinh theo bản dịch Việt ngữ từ nguyên bản Pali của HT.Thích Minh Châu.

GHI CHÚ 1: CÁC KHÁI NIỆM CẦN GHI NHỚ

- Kiết sử: là những niệm tham và ưu trói cột con người vào đau khổ đời này và đời sau.

- Năm hạ phần kiết sử: Là năm sợi dây trói cột bản thân ta vào đau khổ. Bao gồm:

1. Thân kiến kiết sử: Niệm tham - ưu về thân do quán nhìn thân theo hướng tịnh tướng, thường hằng.

2. Giới cấm thủ kiết sử: Chấp thủ vào những giới cấm sai lầm, tà giới, ác giới.

3. Nghi kiết sử: Nghi ngờ năng lực bản thân, không tự tin nơi bản thân; bị phân vân, lưỡng lự, thối chí trước các chướng ngại pháp và nghịch cảnh.

4. Tham kiết sử: Tham dục của bản năng.

5. Sân kiết sử: Tức mình, bực mình; hoặc hậm hực, bức bối, bất như ý (do bị kích thích, hay vì hoàn cảnh, môi trường, bệnh tật, tuổi tác…)

- Năm thượng phần kiết sử: Là năm sợi dây trói cột ta vào trong đau khổ và có liên quan với đối tượng khác. Bao gồm:

1. Chấp mạn kiết sử (hay Mạn kiết sử): Chấp năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta (ngã chấp) và dựa vào đây so sánh hơn, thua, ngang bằng với người khác (ngã mạn).

2. Tà kiến kiết sử: Những kiến chấp sai lầm theo hướng tám tà đạo.

3. Hữu tham kiết sử: Là tham luyến ưu phiền thuộc dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ví dụ tham giữ một tấm y đắt tiền, hoặc địa vị trong giáo hội…

4. Ái kiết sử: Ái luyến người thân của mình khiến khổ đau, tâm không an tịnh nhập chánh định. Bao gồm:

- Dục ái là ái luyến giữa vợ và chồng, chồng và vợ.

- Sắc ái là ái luyến giữa người thân còn đang sống, như giữa cha mẹ và con cái, con cái và cha mẹ, giữa ông bà và các cháu, giữa các anh chị em…; hoặc ái sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

- Vô sắc ái là ái luyến người thân yêu đã khuất; hoặc ái sắc tưởng, ái thanh tưởng, ái hương tưởng, ái vị tưởng, ái xúc tưởng, ái pháp tưởng.

5. Vô minh kiết sử: Không tuệ tri Bốn Thánh Chân Lý - Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

- Năm triền cái là năm tấm màn ngăn che trí tuệ, gây chướng ngại cho trí tuệ giải thoát. Bao gồm:

1. Tham triền cái: Tham dục nơi một hay nhiều đối tượng cụ thể khác do tịnh tướng của chúng.

2. Sân triền cái: Phẫn nộ, hiềm hận đối tượng khác.

3. Hôn trầm Thùy miên triền cái: Trạng thái buồn ngủ, ngủ gục.

4. Trạo Hối triền cái bao gồm trạo cử và hối quá. Có hai loại trạo cử:

- Trạo cử nơi thân là thân bị tổn thương do hành trì sai cách hoặc do tà tinh tấn.
- Trạo cử nơi tâm là những niệm trung tính nhỏ nhặt, lăng xăng, vụn vặt, vớ vẩn khiến tâm không được định tĩnh.
- Hối quá là hối hận, hối tiếc, day dứt vì một việc lỡ lầm trong quá khứ.

5. Nghi triền cái: Nghi ngờ, không có lòng tịnh tín nơi Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, học Giới, học Pháp.
 
- Năm uẩn là năm hợp phần gồm: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Trong đó:

1. Sắc uẩn là thân vật chất, tứ đại.

2. Thọ uẩn là các cảm giác, cảm thọ.

3. Tưởng uẩn là sự nhận biết của tâm không liên hệ với năm giác quan. Có sáu loại tưởng: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Nhất tâm trong trạng thái của tưởng là định tưởng hay định vô sắc. Những tri thức do tưởng tượng hoặc định tưởng mà có, không phù hợp với chân lý khách quan là tưởng tri.

4. Hành uẩn là sự vận hành của thân (cơ bắp, hơi thở, huyết mạch…) và sự vận hành của tâm (trí thông minh, tư duy nhạy bén…)

5. Thức uẩn là sự nhận biết của tâm liên hệ trực tiếp bởi các giác quan. Có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nhất tâm trong trạng thái của ý thức chánh niệm tỉnh giác là định niệm hay định hữu sắc. Những tri thức dựa trên sáu thức, phù hợp với thực tế chân lý khách quan được gọi là thức tri hay tuệ tri hay thắng tri.

- Năm thủ uẩn: Chấp thủ năm uẩn là của ta, là ta, là tự ngã nơi ta và dựa vào đó so sánh hơn, thua, ngang bằng với người khác tạo nên chấp mạn kiết sử. Năm thủ uẩn bao gồm: Chấp thủ sắc uẩn, chấp thủ thọ uẩn, chấp thủ tưởng uẩn, chấp thủ hành uẩn và chấp thủ thức uẩn.

- Tầm là tầm tư, tầm cầu, suy tầm. Có hai loại tầm: Tầm thiện và tầm ác.

- Tứ là tư duy, tư sát, suy tư. Có hai loại tư duy là tà tư duy và chánh tư duy. Ngoài ra, trong một số trường hợp, tứ còn có nghĩa là tác ý. Có hai loại tác ý: Như lý tác ý và Phi như lý tác ý.

- Như lý tác ý là khởi tâm tác ý theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp và được lập đi lập lại một cách thích đáng, giúp đem lại giải thoát khổ đau. Tác ý không theo đúng hướng chánh lý của chánh pháp, duy ý chí, mang lại khổ đau là Phi như lý tác ý.

- Định là sự nhất tâm.

- Định tưởng là sự nhất tâm trong trạng thái của tưởng, tức trạng thái khi ý thức tách rời năm căn (do tập trung tâm đơn thuần trên một đối tượng thiền định, thiếu chánh niệm tỉnh giác, không như lý tác ý)

- Định có tầm có tứ là nhất tâm trong trạng thái suy tầm, suy tư tầm thiện và tác ý thiện để tẩy rửa tầm tứ ác ngủ ngầm; hoặc nhất tâm trong trạng thái dùng tầm thiện tiêu diệt tầm ác, dùng tứ thiện tiêu diệt tứ ác đã phát khởi trong tâm.
 
- Định không tầm có tứ là nhất tâm trong trạng thái không suy tầm bằng cách như lý tác ý. Ví dụ như Định niệm hơi thở, Vô tướng tâm định (các loại tà thiền dùng phi như lý tác ý không nằm trong định này).

- Định không tầm không tứ là các trạng thái định từ Nhị thiền trở lên.

- Thiền Chỉ là các phương pháp ngưng, dừng, ngăn vọng niệm. Chỉ là pháp tu tập về tâm, giúp tâm định tĩnh giải thoát.

- Thiền Quán là các phương pháp quán sát, quán xét, quán tưởng, quán niệm, quán tầm. Quán là pháp tu về tuệ, giúp tăng trưởng trí tuệ tiến tới giải thoát khỏi các kiết sử, triền cái, phiền não lậu hoặc.

- Tỉnh giác có hai nội dung song hành là tỉnh thức và giác tri. Tỉnh thức là biết rõ các oai nghi, hoặc hành động, hoặc hơi thở vô ra; và nếu có niệm khởi lên phải giác tri ngay niệm đó. Tỉnh giác thuộc pháp tu Chỉ, vì nhờ tỉnh thức trên thân nên giúp ngăn, dừng, ngưng niệm ác chưa sinh không cho sinh khởi. Tỉnh giác cũng là pháp tu tập về tâm, giúp tâm được định tĩnh trong giải thoát.

- Chánh niệm: Là Bốn Niệm Xứ tức quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Chánh niệm thuộc pháp tu Quán vì phải quán xét những niệm thiện để diệt trừ, tẩy rửa niệm ác, bất thiện. Chánh niệm cũng là pháp tu về tuệ vì có quán sát, suy tư, phân tích thì trí tuệ mới tăng trưởng tiến tới giải thoát khỏi khổ đau. Các pháp Chánh niệm và Tỉnh giác cũng như Chỉ và Quán phải gắn liền cột chặt nhau như hai mặt của một bàn tay.

- Tâm vô tham là tâm thấy sự nguy hiểm của tham dục và biết như lý tác ý (Xem thêm kinh Nikāya).

- Tâm vô sân là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả; tâm biết như lý tác ý (Xem thêm kinh Nikāya).

- Tâm vô si là tâm biết như lý tác ý theo hướng tự tin vào bản thân mình; là tâm được hỗ trợ bởi chánh lý của chánh pháp không còn sợ hãi những điều vô lý, nhảm nhí. Ngoài ra các tâm thiện khác, ngoài tâm vô tham và tâm vô sân, cũng được xem là tâm vô si (Xem thêm kinh Nikāya).

- Tâm thâu nhiếp là nhiếp tâm trên một đề mục như hơi thở hoặc nhớ nghĩ Tam Bảo để đối trị tâm tán loạn.

- Tâm quảng đại là tâm rộng lượng bao la như đất, nước, lửa, gió nên không chấp trước vào các sự việc nhỏ nhặt, vụn vặt.

- Tâm vô thượng là tâm hướng đến Niết Bàn tối thượng, là tâm đạt đến lõi cây của chánh pháp - tức tâm giải thoát bất động trước các pháp.

- Tâm có định là nhất tâm trên một đối tượng thiền Chỉ hoặc thiền Quán.

- Tâm giải thoát là tâm không còn bị trói cột bởi các kiết sử và bị ngăn che bởi các triền cái.

- Giải mã kinh luật là dùng chính xác những lời dạy của đức Phật trong kinh điển nguyên thủy Nikāya và luật Pātimokkha (có ghi rõ nguồn trích dẫn) để giải thích, chứng minh các pháp môn và giới luật của đức Phật.

GHI CHÚ 2: TÓM LƯỢC CÁC CÁCH QUÁN CẦN GHI NHỚ

QUÁN THÂN

- Quán (niệm) thân bất tịnh trên (niệm) thân tịnh tướng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
- Quán thân bốn đại vô thường trên thân bốn đại thường hằng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.
- Quán thân biến hoại trên thân tịnh tướng - thường hằng nhằm khắc phục tham ưu do thân kiến kiết sử gây ra.

QUÁN THỌ

- Quán thọ vô dục trên các cảm thọ dục nhằm khắc phục tham ưu do giới cấm thủ kiết sử gây ra.

QUÁN TÂM

- Quán tâm vô tham trên tâm tham nhằm khắc phục tham ưu do tham kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô sân trên tâm sân nhằm khắc phục tham ưu do sân kiết sử gây ra.
- Quán tâm vô si trên tâm si nhằm khắc phục tham ưu do nghi kiết sử gây ra.
-Quán tâm thâu nhiếp trên tâm tán loạn nhằm khắc phục tham ưu do tâm tán loạn gây ra.
- Quán tâm quảng đại trên tâm không quảng đại nhằm khắc phục tham ưu do tâm nhỏ mọn, hẹp hòi gây ra.
- Quán tâm vô thượng trên tâm hữu hạn nhằm khắc phục tham ưu do tâm hữu hạn gây ra.
- Quán tâm có định trên tâm không có định nhằm khắc phục tham ưu do tâm không có định gây ra.
- Quán tâm giải thoát trên tâm không giải thoát nhằm khắc phục tham ưu do tâm không giải thoát gây ra.

QUÁN PHÁP

Năm Triền Cái

- Quán pháp vô tham (pháp bất tịnh, vô thường, biến hoại, nguy hiểm của dục, như lý tác ý…) trên các pháp tịnh tướng nhằm khắc phục tham ưu do tham triền cái gây ra.

- Quán pháp vô sân (pháp từ, bi, hỷ, xả, quảng đại, nghiệp quả…) trên các pháp chướng ngại nhằm khắc phục tham ưu do sân triền cái gây ra.

- Quán pháp tinh cần, cần dõng, dõng mãnh trên pháp hôn trầm thuỳ miên nhằm khắc phục tham ưu do buồn ngủ, ngủ gục gây ra.

- Quán pháp Chỉ trên pháp trạo cử nhằm khắc phục tham ưu do trạo cử triền cái gây ra.

- Quán pháp Sám hối và pháp Tàm-Quý trên pháp hối quá nhằm khắc phục tham ưu do hối quá triền cái gây ra.

- Quán pháp Chỉ Tịnh trên các pháp trạo cử - hối quá nhằm khắc phục tham ưu do trạo hối triền cái gây ra

- Quán pháp vô si trên pháp si nhằm khắc phục tham ưu do nghi triền cái gây ra.

Năm Thủ Uẩn

- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã chấp trên nội pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do ngã chấp kiết sử gây ra.

- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã mạn trên ngoại pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do ngã mạn kiết sử gây ra.

- Quán pháp vô thường, khổ, vô ngã trên nội-ngoại pháp năm thủ uẩn nhằm khắc phục tham ưu do chấp mạn kiết sử gây ra.

Sáu Nội Ngoại Xứ

- Quán pháp hộ trì các căn trên các pháp sáu nội xứ nhằm khắc phục tham ưu do năm dục trưởng dưỡng gây ra.

- Quán pháp vị ngọt, sự nguy hiểm trên các pháp sáu ngoại xứ nhằm khắc phục tham ưu do hữu tham kiết sử gây ra.

- Quán pháp đối trị trên các pháp sáu nội ngoại xứ để khắc phục tham ưu do năm dục trưởng dưỡng, hữu tham kiết sử và chấp mạn kiết sử gây ra.

Bốn Thánh Đế

- Quán pháp Cứu cánh Chân lý trên pháp Bốn Thánh Đế để đoạn trừ tham ưu do tà kiến kiết sử gây ra.

- Quán pháp Tám Chánh Đạo trên ngoại pháp tám tà đạo nhằm khắc phục tham ưu do tám tà đạo gây ra.

- Quán pháp 12 Chi phần Nhân Duyên trên pháp Bốn Thánh Đế nhằm khắc phục tham ưu do Vô minh kiết sử và Ái kiết sử gây ra (Pháp 12 CPND còn nhiều ý nghĩa khác nữa)

“Pháp thí, thắng mọi thí! 
Pháp vị, thắng mọi vị! 
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ! 
Ái diệt, dứt mọi khổ!”
(PC. 354)
***
Tỳ Kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau
(HẾT)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm