Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 17/10/2017, 10:24 AM

Giảng đề tài "Bốn Chữ Tâm" tại khóa tu thiền chùa Viên Quang

Ngày 24/09/2017, nhân khóa tu Thiền tại chùa Viên Quang (quốc lộ 15, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng về đề tài BỐN CHỮ TÂM, thu hút hơn 1.000 người tham dự, bao gồm phật tử, học sinh quanh vùng, phật tử đến từ Hà Nội cũng như các tỉnh thành lân cận và chúng thanh niên phật tử Phật Quang Nghệ An.

Mở đầu bài pháp thoại, Thượng tọa chia sẻ rằng ngay từ khi vừa mới về Nghệ An để phục dựng lại ngôi cổ tự Viên Quang, người đã đặt nền tảng của Thiền tại đó. Bởi Thiền định là con đường tâm linh cốt lõi của đạo Phật. Ngày xưa đức Phật dạy về Thiền, cả đại tạng kinh mênh mông của đạo Phật cũng chỉ nói về thiền. Sau đó, cách Phật 200 năm thì các kinh Tịnh Độ mới xuất hiện, gồm 2 cuốn kinh là kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Vì vậy nhiều vị tôn túc trong đạo Phật dù xuất thân từ các chùa Tịnh Độ nhưng thẳm sâu bên trong các vị đều là Thiền sư cả. Mà trên thế giới ngày nay, khi đến với Phật giáo người ta cũng tìm về thiền định và tôn thờ đúng đức Phật Thích Ca - vị Giáo chủ có thật của đạo Phật mà thôi. Cho nên đã là phật tử, dù tu theo pháp môn, tông phái nào thì cũng không thể thiếu thiền định. 

Nói về cái tình tự giữa đạo pháp và dân tộc, theo Thượng tọa, xưa đến nay, khi đến với dân tộc nào thì Phật giáo lập tức trở thành tài sản của riêng dân tộc đó. Và ta không ngờ rằng khi tìm đến chùa, tu tập nghiêm túc là ta đã đóng góp rất nhiều cho việc bảo vệ đất nước mình, vì Phật giáo là cội nguồn tâm linh, là sức mạnh của dân tộc. Đó là tổng quát. Còn nói gần lại, một người nếu có bốn yếu tố dưới đây sẽ đóng góp được cho cộng đồng, cho dân tộc mình, đó là:

- Tâm hồn đạo đức

- Tâm thức thông minh

- Tâm lý ổn định

- Tâm linh giác ngộ

Chúng ta tu tập là cũng để tìm bốn chữ “tâm” này.

“Tâm hồn” thì thiên về tình cảm. “Tâm thức” thiên về lý trí. “Tâm lý” thiên về hoạt động của những ý niệm chồng chéo bí mật trong tâm. Tâm ta đi từng bước như vậy, cuối cùng, với những người biết tu tập thì từ tâm hồn, tâm thức bình thường họ sẽ vượt lên cõi giới siêu nhiên thần bí của “tâm linh”. 

Thế giới ghi nhận rất nhiều trường hợp về sự xuất hiện của các đĩa bay, nhưng tại sao họ thoắt ẩn thoắt hiện, không tiếp xúc trực tiếp với con người trái đất? Nếu ta được nghe họ nói, có lẽ ta sẽ nghe rằng vì tâm hồn đạo đức của con người không bằng họ, tâm thức con người không đủ thông minh như họ, tâm lý con người còn đầy phân biệt, chia rẽ, thù hận và cuối cùng tâm linh con người không đạt được mức độ siêu nhiên như họ.

Khi ta xây dựng 4 chữ tâm đó thì cuộc đời ta cực kỳ ý nghĩa, lợi ích. Bằng không, ta trở thành mối đe dọa cho người chung quanh. Nếu tâm hồn không đạo đức, ta đến đâu mọi người bất an đến đó. Nếu tâm thức ngu si, ta là gánh nặng của cuộc đời. Nếu tâm lý không ổn định, suy luận điều gì sai điều đó thì ta làm khổ người khác. Cuối cùng, nếu tâm linh ta tầm thường, mê tín, ta sẽ gây họa cho cuộc sống này.

- Đầu tiên là “tâm hồn đạo đức”. Khi nhắc đến tâm hồn, ta nghĩ ngay đến tình cảm. Người có tâm hồn đạo đức thì nhạy cảm, tình thương dạt dào, tuy nhiên không phải thương theo kiểu nhiễm ô, ích kỷ, mà là nhạy cảm với nỗi khổ niềm đau của kẻ khác, với những điều đẹp đẽ của cuộc sống này. Họ có tình thương lớn, nhưng cũng dễ xúc động với những điều nhỏ nhặt. Một dòng sông, một người mẹ quê phơi lúa, một người cha đạp xe đèo con đi, một chiếc lá rơi… đều gợi cho họ nhiều tình cảm đẹp, nhiều đạo lý. 

Hay một nụ cười em bé, một ánh mắt dõi theo của mẹ già, tiếng chuông ngân nga giữa hư không… không điều gì ra khỏi sự tinh tế bén nhạy của tâm hồn họ cả. Thậm chí nhìn một mảnh rác bị vứt xuống sân, họ cũng hiểu rất kĩ về nó. Tức là nhìn thấy những điều đặc biệt, thiêng liêng trong những điều nhỏ nhặt. Tu đến mức độ này mới gọi là có tâm hồn đạo đức, mới có thể làm Thầy người khác.

- Tiếp theo là “tâm thức thông minh”. Nếu tu đúng thì từ từ ta phải thông minh hơn, sáng suốt hơn, đó là kết quả tất yếu của sự tu tập, chứ không thể càng tu càng u tối được. Và để nâng trí tuệ của mình lên, chúng ta không thể thiếu thiền định. Khi tâm thanh tịnh hơn thì ta thông minh hơn, từ đó ta giải quyết công việc sắc bén hiệu quả, đối đãi với con người chu đáo khôn ngoan hơn. Thiền cho ta một tâm hồn đạo đức, thiền cũng cho ta một tâm thức linh mẫn. Còn nếu tâm lao xao, loạn động, vọng tưởng tuôn trào thì ta trì độn chậm lụt hơn. Đó là nguyên tắc. 

- Thứ ba là “tâm lý ổn định”, nghĩa là không có những suy nghĩ bậy bạ sai lầm. Ngày nay thế giới ghi nhận nhiều trường hợp trầm cảm, người bệnh cáu gắt, khó chịu, oán giận người khác, cô lập chính mình, thậm chí tự kết liễu mạng sống của mình. Đó là dạng bệnh tâm lý không ổn định vì căng thẳng. Rồi bình thường, có khi một câu nói rất vô tư của người khác cũng làm ta suy diễn ra nhiều điều xấu phía sau, rằng người kia mưu hại, ác độc, ác cảm với mình... Nhưng sự thật nhiều khi không phải vậy. Thế là tình cảm đổ vỡ, sự căng thẳng không đáng có xảy ra. Thậm chí vì suy luận bậy mà người ta giết nhau được, khủng khiếp như vậy. 

Còn nếu tâm ý ta ổn định, ta bình thản không suy diễn bậy, không cường điệu thêm thì mọi việc đã tốt đẹp. Việc nghĩ xấu cho người khác cũng là một dạng tâm lý bất ổn định. Và thiền chính là công cụ để hóa giải điều đó. Khi tâm thanh tịnh trong thiền định, tâm sẽ sáng suốt, bình ổn hơn, tâm lý ta ổn định hơn.

Trong cái tâm lý ổn định đó, ta có sự khôn ngoan, nhìn người tốt ta biết họ tốt, nhìn người xấu ta biết họ xấu (nhưng không lên án, khinh chê, phỉ nhổ, chỉ biết với lòng thương xót mà thôi). Không có sự nhầm lẫn như trước kia, xấu mà cho là tốt, tốt mà cho là xấu. Ta không dễ tin mà cũng không dễ nghi, chỉ tìm một sự thật khách quan mà thôi. 

Thật ra cơ cấu tâm lý thì rất nhiều, nhưng trong đề tài này, Thượng tọa chỉ nhấn mạnh về khía cạnh nghĩ tốt hay nghĩ xấu cho người khác mà thôi, tức là dễ tin hay dễ nghi. Cân đối giữa hai điều này, ta có tâm lý ổn định. 

- Thứ tư là “tâm linh giác ngộ”, con người sai biệt nhau trên nhiều phương diện, trong đó có tâm linh cao hay thấp. Chẳng hạn, ta gọi thầy bói, thầy tu là thầy cũng chỉ vì tin rằng họ có tâm linh cao hơn mình. Cho nên, dù ta có thể giàu có, địa vị nhưng nếu tâm thức cạn cợt, nhỏ bé thì ta vẫn chưa thuộc đẳng cấp cao. Còn nếu ai được tâm linh giác ngộ thì họ vượt lên hẳn loài người, bước vào vị trí của một bậc Thánh, dù có thể mọi người không hay không biết.

Điều bất hạnh của ta là khi gặp những bậc Thánh sống lẫn trong đời, hơn hẳn mình một đẳng cấp mà ta lại không biết để mà kính trọng, thậm chí buông lời cợt nhã chọc ghẹo, ta tổn phước vì vậy. Đây cũng là lý do mà nhiều bậc Thánh không muốn đến với trần gian, do chúng sinh hiếm ai hiểu được các vị, thậm chí xem thường, phủ nhận, công kích, phỉ báng nên chúng sinh bị tổn phước rất nhiều.

Ta thấy rằng mình không thể mãi mãi là một phàm phu vô minh tăm tối, vì thế buộc ta phải đi tìm bốn cái tâm: tâm hồn đạo đức, tâm thức thông minh, tâm lý ổn định, tâm linh giác ngộ. Mà ai đi tìm bốn điều này, người đó đã bước lên một đẳng cấp cao giữa loài người này, dù người đó không có ý hơn thua.

Có nhiều tầng bậc tâm linh giác ngộ. Chỉ đức Phật và các vị A La Hán mới đạt được mức độ cao tột, tuy nhiên cũng có những tầng bậc thấp hơn. Người đạt được tâm linh giác ngộ sẽ có nhiều tính chất, chúng ta tạm nói về hai tính chất chính:

+ Thứ nhất là tâm đi dần đến vô ngã. Tức là bản ngã, cái tôi tan biến dần, tan đến đâu thì họ chứng Thánh cao siêu đến đó.

+ Thứ hai là có năng lực của tâm phi thường hơn con người bình thường. 

Có nhiều loại năng lực khác nhau, biết quá khứ vị lai, trực giác bén nhạy v.v... Trong đó có việc thay đổi cả số phận của chúng sinh. Ngang đây ta thắc mắc rằng số phận mỗi người đều do nhân quả đã định đoạt, vậy tại sao bậc Thánh can thiệp vào được? Thật ra bậc Thánh có khả năng cứu giúp chúng sinh qua khỏi khổ nạn cấp thời, ta nói nôm na là “cho mượn phước”. Rồi sau đó, chúng sinh phải làm phước: phóng sinh, đắp đường, giúp người v.v... để bù lại cái phước mình đã hưởng. Đó là sự can thiệp của bậc Thánh vào số phận chúng sinh, nhưng cũng dựa trên luật nhân quả.

Tóm lại, Thượng tọa đã phân tích về bốn chữ Tâm. Khi tìm đến đạo Phật, đến chùa tu tập là mọi người đi tìm 4 chữ tâm này. Với ba chữ tâm đầu tiên, ta vẫn còn là phàm phu, nhưng là một phàm phu có giá trị. Đầu tiên là tâm hồn đạo đức cao đẹp. Thứ hai là có tâm thức thông minh, tức là càng tu phải càng giỏi, tài năng vượt lên. Thứ ba là tâm lý ổn định, trong cái ổn định đó ta cân đối giữa cái ‘nghi’ và cái ‘tình’ với cuộc đời, với con người. Ta không buộc phải nghi, mà cũng không buộc phải tin, chỉ suy luận, phân tích, quán xét để đi tìm sự thật khách quan mà thôi. Tiến cao hơn, bước thứ tư là một tâm linh giác ngộ, đưa ta bước lên một đẳng cấp mới giữa loài người này. 

Khi có đủ bốn chữ “tâm” này là ta đã vượt lên thân phận phàm phu tầm thường tội lỗi. Có đủ bốn chữ “tâm” này, ta làm người chung quanh an vui hạnh phúc, bởi không gì hạnh phúc bằng sống gần một con người đạo đức, thông minh, ổn định và hướng về giác ngộ siêu việt. Có đủ bốn chữ “tâm” này, ta góp phần đưa đất nước mình bay lên. Nhìn sang Nhật Bản chúng ta rất ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ sự thông minh của họ gửi trong từng sản phẩm, và phía sau sự thông minh đó là cả một nền văn hóa lớn, tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc. Nếu muốn dân tộc mình cũng bay lên như vậy thì trước tiên, nơi chính mình phải có bốn cái tâm này. Cuối cùng, thế giới sẽ trở thành cõi tịnh lạc nếu rất nhiều người có tâm hồn đạo đức, tâm thức thông minh, tâm lý ổn định và tâm linh giác ngộ.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm