Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 11/11/2015, 14:07 PM

Giáo hội thành viên tích cực trong ngôi nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kể từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1981); và Giáo hội trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) luôn luôn chú trọng 3 mục tiêu trọng yếu. 

Một là, kế thừa và phát huy truyền thống “đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam.

Hai là, chú trọng xây dựng tổ chức Giáo hội phát triển vững mạnh. 

Ba là, gương mẫu hưởng ứng các chủ trương, đường lối và các công việc mà Mặt trận đảm đương, phát động; Giáo hội là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
HT.Thích Gia Quang phát biểu tham luận
1. Giáo hội tiếp bước truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã trên 2000 năm, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thời kỳ đầu, Phật giáo đã đem đến cho người dân những giá trị sống và triết lý nhân bản, tạo niềm tin và động lực trong đời sống của người dân Việt trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Trong giai đoạn dân tộc Việt Nam đang chịu sự thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc, triết lý sống của nhà Phật trên tinh thần phụng sự quốc gia, ân tổ quốc đã góp phần củng cố tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc của người Việt. 

Thời kỳ đầu khi quốc gia độc lập, Phật giáo đóng vai trò là chỗ dựa tinh thần, là công cụ để giai cấp cầm quyền xây dựng và quản lý đất nước. Từ vị trí là tôn giáo xuất thế, khi vào Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa của người Việt, Phật giáo trở thành tôn giáo có tinh thần nhập thế. Trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, các vị cao tăng có học thức, có giới hạnh đều được mời tham gia triều chính hoặc làm cố vấn trong những công việc quan trọng của quốc gia. Thiền sư Ngô Chân Lưu đã được Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Đại Sư. Thời Tiền Lê, các thiền sư Vạn Hạnh, sư Đỗ Pháp Thuận, sư Khuông Việt cũng được mời tham gia triều chính. Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Khuông Việt đã từng được vua Lê Đại Hành cử làm người ứng đối và đón tiếp sứ thần ngoại giao. Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người đã có công rất lớn giúp vua Lê Đại Hành củng cố đất nước, nhưng đứng trước sự suy tàn của triều Lê và vận mệnh của quốc gia, dân tộc, ông đã không ngần ngại ủng hộ cho Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên triều đại nhà Lý. Thời nhà Trần các thiền sư Đa Bảo, thiền sư Viên Thông… cũng được các vua tin dùng, tham vấn ý kiến trong khi quyết định các công việc mang tính quốc sự.

Sử sách đã ghi lại rằng, các thiền sư tuy là người xuất gia tu hành nhưng lúc nào họ cũng trăn trở với vận mệnh quốc gia dân tộc. Vận mệnh của các nhà sư là vận mệnh của Phật giáo, vận mệnh của Phật giáo là vận mệnh của dân tộc. Phật giáo thịnh thì dân tộc thịnh, Phật giáo suy thì dân tộc sẽ bị ảnh hưởng.

Qua các thời kỳ lịch sử, thời kỳ nào, các thiền sư cũng tham dự rất tích cực vào việc củng cố, xây dựng đất nước, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường. Thời gian đầu khi mới lập quốc, các thiền sư là người đã mở những cuộc vận động rất lớn để gây ý thức quốc gia thì đến thời Lý- Trần ý hướng xây dựng một nhà nước độc lập trên mọi phương diện của các thiền sư đã được thể hiện rõ rệt. Phật giáo đã góp phần xây dựng triều đại nhà Lý- triều đại thuần từ, thịnh trị nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, đã góp phần quan trọng củng cố nhân tâm, đoàn kết cộng đồng, góp phần làm nên hào khí Đông A sáng chói thời Trần.

Sau thời đại Lý- Trần, Phật giáo dù không còn giữ vai trò là hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội, nhưng Phật giáo là chỗ dựa về mặt tinh thần cho một bộ phận chính quyền phong kiến Việt Nam, là yếu tố an dân và củng cố khối đoàn kết cộng đồng.

Đến thời Pháp thuộc, lúc này đời sống tôn giáo đã có những nhân tố mới, Phật giáo bị phân hóa, nhưng những phật tử giác ngộ đã vận dụng tích cực giáo lý nhà Phật vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối treo trước cửa chùa: “Phật giáo là nhập thế chứ không phải yếm thế; Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh”. Nhà sư đã khảng khái trả lời khi thực dân Pháp chất vấn, ai xui thầy chùa đi biểu tình rằng: “Thuyết từ bi cứu khổ của nhà Phật xui phật tử tham gia những cuộc yêu nước thương dân chứ không ái xui cả”. Ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam nhiều tổ chức cách mạng của Phật giáo đã ra đời như: Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc. Nhiều sư tăng đã cởi áo cà sa khoác áo chiến bào ra mặt trận. Nhiều thanh niên phật tử đã tham gia tích cực vào các phong trào xóa mù chữ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền thực dân, phong kiến do các phật tử yêu nước phát động đã được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tư tưởng yêu nước cùng với các cuộc khởi nghĩa do các nhà sư lãnh đạo đã góp phần duy trì phong trào yêu nước của dân tộc. Bên cạnh các nhà sư, các thanh niên phật tử trực tiếp tham gia cách mạng, còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ từ cái nôi cách mạng của các ngôi chùa. Rất nhiều ngôi chùa rợp bóng từ bi của nhà Phật đã trở thành nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, nơi che chở, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng và phong trào cách mạng.
 
Thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, các nhà sư, phật tử yêu nước đã nhận thức đúng đắn cuộc đấu tranh tư tưởng chính là phản ánh cuộc đấu tranh về chính trị. Họ đã thật sự đặt mình trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng. Nhiều vị sư trở thành tấm gương sang cho phong trào cách mạng, tham gia trực tiếp hoặc trở thành hậu phương, “pháo đài” ủng hộ phong trao giải phóng và thống nhất tổ quốc. Thời kỳ này, nhiều vị sư đã tham gia mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các tăng sĩ và cư sĩ, phật tử miền Nam đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình, độc lập cho dân tộc. Những cuộc đối thoại chính trị giữa các tăng sĩ Phật giáo và chính quyền Sài Gòn cùng ngọn lửa tự thiêu của Tỳ khiêu Thích Quảng Đức đã mở đầu cho cao trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam những năm 60 của thế kỷ XX. Phong trào cách mạng của đồng bào Phật giáo đã góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, góp phần vào thành quả chung của đất nước là giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc.

Sau ngày thống nhất đất nước, Phật giáo Việt Nam bước vào thời kỳ hòa hợp, thống nhất trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giai đoạn này, Giáo hội một mặt chú trọng xây dựng tổ chức; mặt khác là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đóng góp trách nhiệm vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.

2. Quá trình xây dựng và phát triển của Giáo hội

Sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức – hệ phái Phật giáo Việt Nam đã thống nhất trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lúc này, Giáo hội chú trọng xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động về tôn giáo cũng như đóng góp vào quá trình đồng hành cùng dân tộc trên các mặt hoạt động mới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có khoảng 60,000 tăng, ni; có từ 15,000 – 18,000 ngôi tự viện và trên 10 triệu tín đồ phật tử có điệp Quy y, hàng chục triệu đồng bào yêu mến và tin quý đạo Phật đang sinh hoạt tại các đạo tràng, câu lạc bộ và các hội chúng Phật giáo ở các tự viện trên toàn quốc. 

Trong suốt quá trình xây dựng, Giáo hội đã quan tâm kiện toàn cơ chế tổ chức, đến nay đã có 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc có tổ chức Đại diện của GHPGVN. Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt Phật giáo cho bà còn kiều bào, Giáo hội đã công nhận 6 Hội phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu như: Nga, Đức, Séc, Hungari, Ba Lan và Ucraina…

GHPGVN cũng đã 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 tại Hà Nội và năm 2014 tại Bái Đính – Ninh Bình. Qua việc tổ chức Đại lễ Phật Đản, GHPGVN đã có dịp giới thiệu hình ảnh, hoạt động văn hóa, kiến trúc PGVN đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị trí Phật giáo Việt Nam trong quá trình góp phần xây dựng đất nước và tăng cường hợp tác quốc tế.

Công tác giáo dục tăng ni công tác hoằng pháp, công tác thong tin truyền thông được quan tâm, chú trọng: các Hội thảo giáo dục như Hội nghị chuyên đề Giáo dục Phật giáo, Hội nghị của 04 Học viện PGVN tại Hà Nội, tổ chức Hội thảo giáo dục Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội, các trường lớp của Phật giáo Nam Tông, gần đây có Hội thảo tăng ni trẻ với việc xây dựng GHPGVN, góp phần xây dựng đất nước.

Đặc biệt nhiệm kỳ vừa qua, GHPGVN đã xây dựng được một số chùa ngoài đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây. Và một số ngôi chùa ở vùng tiền tiêu, biên giới như Trúc Lâm Tà Lùng, Trúc Lâm Bản Giốc…Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời Giáo hội đã cử một số vị sư ra đảo trụ trì phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho bà con trên đảo.

Thời gian vừa qua, GHPGVN các cấp cũng đang tích cực góp ý vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. GHPGVN đã tích cực triển khai tìm hiểu và góp ý thông qua tất cả các cơ chế và các cấp, góp ý qua các lần lấy ý kiến của Ban soạn thảo, đặc biệt là qua kênh của Ủy ban T.Ư MTTQVN, qua kênh lấy ý kiến của các tổ chức trực thuộc các cấp. Bằng cách đó, thêm một lần nữa GHPGVN quan tâm đến khuôn khổ pháp lý của Nhà nước để tạo hành lang hoạt động của đạo Phật cũng như của các tôn giáo nói chung trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người.

Trong Nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), GHPGVN tập trung vào các nhiệm vụ phật sự trọng yếu như: Công tác kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác tăng sự; công tác giáo dục đào tạo tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác truyền thông phật sự; công tác kinh tế tài chính; và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kể từ khi thành lập đến nay, đã có nhiều vị chư tôn đức tăng, ni tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng đất nước. Ở tất cả các cấp, Giáo hội đều có các vị tăng, ni tham gia ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp, nhiều vị tham gia công tác mặt trận và có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ở cấp Trung ương và các địa phương, nhiều thành viên của Giáo hội cũng là thành viên cốt cán của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Giáo hội có một số đặc thù so với các tổ chức khác, thể hiện trên bình diện:

Về quy mô dân số, đồng bào theo đạo Phật là cộng đồng theo tôn giáo đông đảo nhất trong các tôn giáo tại Việt Nam, đó là chưa kể đến hàng chục triệu đồng bào yêu mến và có tín ngưỡng đạo Phật. 

Về lịch sử, Phật giáo đã truyền vào Việt Nam trên 2000 năm, là tôn giáo có lịch sử đồng hành gắn bó lâu dài nhất với lịch sử dân tộc, Thiền sư Mãn Giác đã từng viết “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Phật giáo là cái nôi văn hóa của dân tộc, Phật giáo thịnh thì quốc gia cường thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia thiếu đi sức mạnh.

Về giáo lý, tư tưởng Giáo lý đạo Phật gắn bó với tư tưởng tinh thần, cốt cách của người Việt Nam nên đã sớm thấm nhuần, cắm rễ trong đời sống tinh thần người Việt. Tư tưởng, triết lý đó đã trở thành hồn cốt của dân tộc như cá với nước, gắn bó và tương hỗ trong dòng chảy của sinh tồn.

Xét trên khía cạnh công tác dân tộc và tôn giáo mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang đảm đương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập trung công tác dân vận trước hết là để cho đồng bào theo đạo Phật, hiểu được chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước. Hàng năm, các cấp Đại diện của GHPGVN đều có các hình thức tuyên truyền để cho cộng đồng tăng, ni, phật tử hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách về tôn giáo. 

Vận động tăng, ni, phật tử các cấp đoàn kết, hòa hợp để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo, đóng góp và bảo vệ kho tàng văn hóa dân tộc.

Chú trọng đời sống tâm linh cho bà con các dân tộc ở các khu vực, vùng miền trên cả nước, vùng đồng bào các dân tộc ít người, dân tộc thiểu số ở miền tây Nam bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt trong những năm gần đây, PGVN đã chú trọng xây dựng nhiều chùa chiền ở các vùng biển đảo, vùng phên dậu quốc gia để nhân dân có đời sống tâm linh an lạc, giúp cho vùng biên giới được hòa bình, hữu nghị, đồng bào các dân tộc đoàn kết chăm lo sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên, vùng giáp ranh.

GHPGVN luôn đồng hành cùng dân tộc trong các nhiệm vụ cụ thể, vài ví dụ dẫn chứng, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, GHPGVN đã có thông bạch tổ chức lễ Cầu nguyện Hòa bình cho biển Đông phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. GHPGVN đã gửi Thông điệp tới cộng đồng Phật giáo thế giới, kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ và cầu nguyện cho hòa bình biển Đông. 

Giáo hội cũng thường xuyên tổ chức các Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử nạn do tai nạn giao thông, tổ chức các Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ trận vong, nạn nhân của thiên tai, địch họa, tai nạn trên khắp cả nước…

Tất cả những nhiệm vụ trong tâm đó, được các cấp Lãnh đạo GHPGVN lồng ghép vào các buổi sinh hoạt phật sự; Giáo hội đã chú trọng công tác truyền thông qua các buổi tập huấn của Ban Đại diện Phật giáo ở các cấp, qua các hoạt động tu hành của Chư tôn Giáo phẩm như mùa An cư Kiết hạ, qua công tác đào tạo ở các Học viện, Trường chuyên ngành Phật học, qua các tập tài liệu chuyên đề, để từ đó lan tỏa xuống đến phật tử thông qua sinh hoạt đạo tràng, các buổi giảng pháp, truyền thông trực tiếp tại các chùa, các khóa tu thiền, khóa tu niệm Phật…và truyền thông trên các phương tiện như kênh An Viên – Truyền hình An Viên, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, các Tạp chí và ấn phẩm Phật giáo, trên các trang web đạo Phật.

Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên tăng, ni, phật tử Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình, gắn công tác tôn giáo với các công tác Mặt trận như hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đoàn kết văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó tăng cường tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tham gia phong trào xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà Đại đoàn kết; bài trừ những tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tham gia chương trình tư vấn, nuôi dưỡng và chăm sóc người nhiễm bệnh HIV/AIDS; ủng hộ nhân dân các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thời tiết lũ lụt, hạn hán. 

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác Mặt trận của Giáo hội nói chung và công tác Mặt trận trong đồng bào theo đạo Phật vẫn còn tồn tại những hạn chế, những bất cập nảy sinh trong thực tiễn. 

Đó là bất cập về việc công tác Mặt trận mới chỉ chú trọng thông qua các hình thức như lễ hội, nghi lễ, chưa có sự đầu tư và quan tâm lồng ghép chính sách công tác Mặt trận với các hoạt động hoằng pháp, truyền thong của Giáo hội. Đó là chưa kể đến chủ trương công tác của mặt trận có nhiều điểm tương đồng với giáo lý đạo Phật để nâng cao hiệu quả hoạt động, phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Để công tác Mặt trận trong đồng bào theo đạo Phật phát huy hiệu quả cao, các cấp chính quyền cũng như các cấp Lãnh đạo Giáo hội cần có sự chú trọng, đi vào trọng tâm, nhìn thẳng vào thực trạng, thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra để cho công tác Mặt trận ngày càng gần dân hơn, nói dân nghe, dân tin để cùng phát huy khối đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trước hết là trong đồng bào theo đạo Phật. 

Được như vậy, chính là đã thực hiện đúng tư tưởng và mong muốn cũng như sự quan tâm của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên trực thuộc nói chung và với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. 

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
-
Tài liệu tham khảo: 
1. Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.318 
2. Trần Thị Minh Nga. Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc; http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2416/Phat_giao_Viet_Nam_luon_dong_hanh_cung_dan_toc
3. Hoà thượng Kim Cương Tử, Diễn văn khai mạc Hội thảo:“Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo”, năm 1990 
4. PGs, Ts Nguyễn Đức Lữ, “Hồ Chí Minh về công tác vận động đồng bào có đạo tham gia cách mạng”, 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm