Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/07/2014, 09:05 AM

Giao lưu trực tuyến: “Chữ Hiếu của người Việt thời hiện đại”

Đối với người Việt Nam, hiếu thảo là truyền thống quý báu luôn được đặt lên hàng đầu. Biết vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu và sống đúng đạo hiếu. Trong xã hội ngày nay, do áp lực công việc và những tác động của cuộc sống hiện đại chi phối, nhiều người đã không vượt qua được hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan để thể hiện sự quan tâm đối với ông bà, cha mẹ.

 
Tổng Biên tập Báo Lao Động Trần Duy Phương (giữa) tặng hoa cho hai khách mời - Thượng tọa Thích Thanh Huân và Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan.

Bàn về chữ hiếu, trước nhất và quan trọng hơn hết phải nhắc đến công ơn trời biển và công đức sâu dày của cha mẹ - khái niệm rất cụ thể rõ ràng, nhưng khó mà diễn tả hết. Đề cao chữ hiếu, nhắc nhở mọi người biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên và biết cách “đền ơn, đáp nghĩa” những người đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, trưởng thành - đó là mục đích của chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chữ hiếu của người Việt thời hiện đại” do Báo Lao Động tổ chức.

Khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay là Thượng toạ Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân - Phó văn phòng T.Ư Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Thưa thầy, việc con cái đi xuất gia, không lập gia thất có phải là bất hiếu hay không? Xin thầy chỉ dạy cho con cách đối diện với cha mẹ trong trường hợp này?

Lâm Hoàng Long, Lái xe, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Khi những người con đã trưởng thành, có nhận thức về xã hội cũng như bổn phận, trách nhiệm với gia đình, với bố mẹ, họ có thể tự tìm cho mình con đường hoặc một cách thức khác nhau, đặc biệt là để báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ. Nếu bạn là người có duyên với cửa Phật, hoặc với các niềm tin, tín ngưỡng khác mà bạn theo đuổi và không có cuộc sống như đa số những người bình thường, có gia đình khác, việc không lập gia đình không có nghĩa là bất hiếu.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn xuất gia thì nên thưa với cha mẹ, để cha mẹ hiểu được và chấp nhận nguyện vọng chính đáng của mình, để cha mẹ không phải lo lắng, buồn phiền về quyết định ấy. Người xuất gia vẫn có thể báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Có một câu chuyện trong Phật giáo là ngài Mục Kiểm Liên đã cứu mẹ ra khỏi chốn ngục tù và trở thành một người hiếu đạo, được lưu truyền trong Phật giáo và nhân gian. Hoặc ngài Xá Ngợi Phất cũng đã hướng cho người mẹ trước đó từng có nếp sống sai lầm trở thành một người có nhận thức đúng đắn và sống hướng thiện, tốt đẹp, có hạnh phúc chân thật. Đó cũng chính là tâm hiếu đạo của những người con đã xuất gia với các bậc sinh thảnh.

Người xuất gia xa rời gia đình nhỏ bé của mình để có một gia đình rộng lớn hơn, trải lòng mình đến với tất cả mọi người, coi tất cả đều như những thân, người ruột thịt, cùng mọi người hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhằm xây dựng xã hội ngày càng hoàn thiện hơn, trong đại gia đình đó, đã có ông bà, cha mẹ của mình. Như vậy, không thể nói người xuất gia là không có hiếu mà chỉ là mỗi người ở mỗi vị trí khác nhau có cách thể hiện khác nhau mà thôi.
 
Theo chị, chữ Hiếu và chữ Nhân chị sẽ chọn chữ nào để dạy con đầu tiên? Chị có nghĩ rằng chữ Hiếu bây giờ không còn được vẹn toàn như xưa một phần là do... bố mẹ. Chúng ta đã áp đặt khi dạy con thành người tài trước khi dạy con làm người. Trẻ con như gà công nghiệp thì tất nhiên chữ Hiếu không còn như xưa?
Võ Quỳnh Châu, 36 tuổi, TP.Đà Nẵng

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Theo Lan thì cả 2 chữ này thì rất là quan trọng. Để chọn lựa 1 trong 2 thì rất khó. Tuy nhiên, để nói lên sự tương tác giữa 2 phạm trù này thì Lan nghĩ có Hiếu thì mới có Nhân được. 

Xã hội phát triển thì những triết lý cuộc sống cũng như cách thể hiện cũng nên được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường mới. Và có thể là cái giá trị mà bậc phụ huynh đặt vào chữ Hiếu cho con mình cũng có phần khác xưa.

Tất cả các cuộc thi sắc đẹp đều đề cao chữ thiện. HH Ngô Phương Lan có nghĩ rằng truyền đạt tư tưởng hiếu nghĩa cũng là sứ mệnh của 1 hoa hậu? Trần Cao Nguyên, nhân viên bảo vệ, Quảng Ninh

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Lan cũng nghĩ như vậy. Chính tư tưởng hiếu nghĩa đã và sẽ luôn gắn kết chặt chẽ với những nội dung khác trong nội hàm tổng hợp của triết lý Chân-Thiện-Mỹ rồi.

Thưa thầy! Người xưa dạy con làm người trước khi dạy kiến thức. Có giai đoạn, triết lý giáo dục là "nhân bản-dân tộc-khai phóng" với các mục tiêu tôn trọng nhân cách, phát triển toàn diện con người... Còn bây giờ, ngành giáo dục không có triết lý mà chỉ đặt ra mục tiêu. Mục tiêu đào tạo con người trong giai đoạn nhất thời sẽ nhanh chóng bị lạc hậu. Thưa thầy, phải chăng hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ có một phần lỗi của nền giáo dục hiện tại?
Nguyễn Văn Hùng, , 55 tuổi, TP.Đà Nẵng

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Theo tôi, mục tiêu của giáo dục con người là cần phải hoàn thiện nhiều phương diện như đạo đức, nhân cách, kiến thức, sự hiểu biết và cả thể lực, giúp cho con người ngày càng hoàn thiện một cách toàn diện, có thể đáp ứng với những yêu cầu của xã hội.

Là một người con có hiếu hay không phụ thuộc ở rất nhiều yếu tố, từ bản thân, từ giáo dục, ảnh hưởng của cộng đồng...Tuy nhiên, người xưa có câu "Dạy con từ thuở còn thơ" nên ngay từ nhỏ, trách nhiệm của gia đình và môi trường giáo dục rất quan trọng. Nếu một đứa trẻ trong cuộc sống do áp lực quá lớn trong việc học tập mà không có không gian để phát triển bồi đắp những tình cảm giữa con người với con người và cụ thể là những thành viên trong gia đình, thì khi đứa trẻ lớn lên rất dễ coi nhẹ tình cảm gia đình cao quý và không nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình, trong đó đặc biệt là với cha mẹ.

Vì vậy, trong giáo dục, chúng ta cần phải có định hướng lâu dài và phải tìm được những vấn đề cốt lõi, nhất là về những vấn đề đạo đức, nhân phẩm con người và những giá trị cuộc sống để định hướng thế hệ trẻ có hướng đi tốt đẹp trong tương lai.

Xin hỏi HH Ngô Phương Lan một người con có hiếu có phải là làm được những điều cha mẹ mong muốn?
Tăng Huyền, y tá, Nghệ An

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Lan nghĩ những người cha mẹ luôn luôn mong muốn con cái của mình có thể sống hạnh phúc và thành công nhất trong con đường của mình đã chọn. Tối ưu nhất là những gì cha mẹ muốn cũng là những gì mình mong muốn. Nhưng trong những trường hợp mà mình theo đuổi con đường riêng của mình không có nghĩa là mình không có hiếu. Hiện nay, xã hội cũng trở nên hiện đại hơn, nên cách nhìn cũng không còn quá khắt khe như xưa về việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. 

Điều quan trọng là mỗi người đều cố gắng chia sẻ, thông cảm, và hài hòa những mong muốn khác nhau để hướng tới sự phát triển tích cực.

Lan từng có khoảng thời gian sống khá lâu ở nước ngoài và sau đó trở lại Việt Nam để học tập và làm việc; đối với Lan yếu tố truyền thống có vai trò như thế nào đối với một người phụ nữ Việt Nam?

Nguyễn Hải Nam, 25 tuổi, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Truyền thống, nhất là truyền thống lịch sử - văn hóa tạo ra cốt cách con người Việt Nam. Những nề nếp duyên dáng dịu dàng, tâm hồn tinh tế, đức tính chịu thương chịu khó, biết sống nhường nhịn… là những bản sắc rất đặc thù của người con gái Việt. Và sẽ đặc biệt ý nghĩa khi ta hiểu được rằng những bản sắc đó đều được khởi nguồn từ những truyền thống đó.

Thưa thầy, cha con không phải là người làm ra tiền mà chủ yếu là mẹ nên anh em trong gia đình con yêu thương mẹ nhiều hơn, ít thể hiện tình cảm với cha. Như thế có gọi là bất hiếu không?

Lê Trung Kiên, 27 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Trong xã hội ngày nay, khi đời sống con người ngày càng được nâng cao thì giá trị đồng tiền được nâng tầm lên mà quên đi luân lý đạo đức. Đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đich cuộc sống. Đồng tiền cũng không thể là cơ sở, nền tảng để quyết định mọi mặt của cuộc sống, nhất là tình cảm gia đình. Nền tảng văn hoá gia đình nên được xây dựng trên cơ sở luân lý đạo đức để các thế hệ sau thêm hiểu thêm yêu và tri ân sâu sắc tổ tiên của chính mình.

Với một lịch trình bận rộn phải dành nhiều thời gian cho công việc và tổ ấm mới của mình, Lan có thường xuyên về thăm bố mẹ không?Lan lựa chọn cách chăm sóc cha mẹ và người thân của mình như thế nào?

Nguyễn Hà Hạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Đúng là Lan quá bận với công việc và cuộc sống của mình, chỉ biết lúc nào cũng phải cố gắng hết sức để điều hòa và cân bằng sao cho hiệu quả nhất với quỹ thời gian của mình. Bà ngoại, ba mẹ và những người thân trong gia đình đều đang hài lòng về cách thức và nội dung của những mối quan tâm và tình cảm của Lan, chưa thấy mọi người phàn nàn điều gì, lại còn rất thông cảm thường xuyên cho những khi Lan đi công tác triền miên và lâu ngày nữa.

Chiều qua, Lan vừa từ Mỹ về sau chuyến công tác. Điều đầu tiên Lan làm là đến thăm bà, mua một ít thuốc bổ và sữa để biếu bà và thấy tinh thần của bà rất vui vẻ, như vậy, Lan cảm thấy rất yên tâm để tiếp tục cho chuyến đi Châu Âu ngày hôm sau. Sau đó, thời gian còn lại khi Lan ở Việt Nam thì cùng ông xã qua nhà bố mẹ để cùng ăn bữa cơm gia đình.
 
Không ít người kể cả những người đã đạt được những thành công và có vị thế nhất định trong xã hội vẫn thường quan niệm, báo hiếu cho cha mẹ chỉ cần gửi tặng cha mẹ một ít tiền hoặc mua những món đồ đắt đỏ, xa xỉ để để cha mẹ hưởng thụ thì đó được cho là hiếu thảo. Còn đối với Ngô Phương Lan thì bạn nghĩ sao về quan niệm này?

Nguyễn Minh Long, nhân viên văn phòng, Hà Nam

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Thực ra, mỗi người chúng ta cũng cần cố gắng phấn đấu, vì khi mình có điều kiện hơn cũng sẽ chăm sóc mọi người trong gia đình tốt hơn. Và thể đó cũng là một cách nhưng Lan nghĩ chưa đủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thông cảm mỗi người mỗi hoàn cảnh thực tế, mỗi cách ứng xử phù hợp với bối cảnh và điều kiện cuộc sống. 

Lan tin rằng dịp Lễ Vu lan là cơ hội tốt cho mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ thời hiện đại, thể hiện nỗi lòng mong muốn báo hiếu đối với các bậc sinh thành một cách trân trọng nhất, với tình cảm chân thành nhất.

Theo Lan, đối với những bậc ông bà họ đã làm lụng cả đời rồi thì khi về già, vật chất với họ không còn là điều quan trọng nhất. Điều mà họ cần khi tuổi già là sự quan tâm, chăm sóc, động viên tinh thần của con cháu. Do đó, mặc dù bận rộn với công việc nhưng mình luôn cố gắng dành thời gian cho họ. Đó mới là món quà lớn nhất mình có thể dành cho ông bà.

Theo quan niệm dân gian, con gái lấy chồng sẽ là ma của nhà chồng. HH Ngô Phương Lan đã kết hôn với người nước ngoài. Người bạn đời của HH có quan tâm tìm hiểu truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam không?

Trần Minh Trang, nhân viên kinh doanh, Hải Phòng

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Nhờ đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn mười năm nay, lại là người yêu thích tìm tòi nghiên cứu nên anh Loz khá am hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Mọi người trong gia đình nội ngoại của Lan đều nhận xét Loz một cách thiện cảm khi tiếp xúc giao lưu với anh ấy, và cảm thấy gần gũi, thích thú chuyện trò với anh ấy về mọi chủ đề liên quan đến cuộc sống và xã hội Việt Nam.

Cách đây 12 năm, Loz từng có thời gian sống và làm việc tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ở đó, Loz đã được trải qua những dịp truyền thống như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan,... nên Loz rất hiểu và dễ dàng chia sẻ cùng với Lan những truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam.

Với gia đình nhà ngoại, ông xã của Lan thường xuyên đi chơi thể thao cùng các thành viên trong gia đình, khích lệ mọi người giữ thói quen luyện tập để bảo vệ sức khỏe. Hàng tuần, 2 vợ chồng thường dành thời gian lên ăn bữa trưa với bà ngoại, rồi trò chuyện để hiểu những suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của bà.

Ngô Phương Lan có cho rằng, là một người nổi tiếng, được mọi người chú ý nhiều hơn thì áp lực trong mọi mặt cuộc sống, đặc biệt là việc thể hiện chữ “Hiếu” với ông bà, cha mẹ là một áp lực lớn hơn so với những người bình thường?

Trịnh Quốc Hưng, 50 tuổi, kinh doanh tự do, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Tính cách và thói quen của mỗi người được hình thành trong suốt thời gian lớn lên với tình thương yêu, sự chăm sóc của gia đình. Danh hiệu và chuyên môn là những yếu tố mới có được trong con đường sự nghiệp. Cái gì đã thành thói thì phải có một động cơ gì đó mình mới thay đổi được, còn việc báo hiếu cha mẹ là điều rất tốt nên không có lí do gì để mình phải thay đổi.

Với Lan, việc thể hiện chữ “Hiếu” với ông bà, cha mẹ không bao giờ là áp lực lớn hơn. Vì tất cả những tình cảm, sự báo hiếu xuất phát từ tình thương, tấm lòng của mình.


Câu hỏi dành cho Thượng Tọa Thích Thanh Huân: - Thưa thầy, với người Việt nói riêng, người Đông Nam Á nói chung, Hiếu nghĩa là đạo lý làm người, là "thờ cha kính mẹ". Đã có một thời quan niệm rằng nếu không sinh được con trai, không có người thờ tự thì phạm một trong những tội lớn nhất là bất hiếu. Bây giờ, khi xu thế xã hội cũng nhưng quy định của nhà nước chỉ được sinh 1 đến 2 con, rất nhiều gia đình trẻ chỉ sinh được con gái - nghĩa là sẽ không có người thờ tự. Vậy có phải là mang trọng tội bất hiếu?
Đặng Văn N., 40 tuổi, viên chức nhà nước

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Quan niệm "trọng nam khinh nữ"  của người xưa cho rằng, "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nghĩa là sinh được 1 người con trai thì quý gia hơn là sinh 10 người con gái. Điều đó là quan niệm không đúng đắn dẫn tới hệ lụy là chỉ có sinh con trai mới có thể nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên. Trong xã hội hiện đại, quan niệm này không còn phù hợp. Hiện nay, mỗi gia đình đều được khuyến khích sinh từ 1 đến 2 con và dù là con trai hay con gái thì cũng giá trị như nhau.

Tôi có biết 1 gia đình, khi người bố được hỏi ông có mấy người con, người bố trả lời, tôi có 4 người con và trong đó, người con dâu và người con rể cũng được ông coi như con đẻ của mình, không hề có sự phân biệt. Mọi thành viên trong gia đình này sống rất chan hòa, hạnh phúc, người con nào cũng coi ông cụ như cha đẻ của mình và hết mực yêu kính ông.

Đối với việc thờ cúng ông bà, cha mẹ thì không chỉ người nam giới mới đảm nhiệm được. Trong gia đình, người phụ nữ khi đã lập gia đình vẫn có thể cùng với nhà chồng thờ cúng ông bà tổ tiên.

Thờ cúng ông bà tổ tiên là việc thể hiện tâm hiếu của con cháu với những người đã khuất. Tuy nhiên, tâm hiếu không chỉ biểu hiện ở việc thờ cúng, mà còn thể hiện ở nếp sống hàng ngày của con cháu đối với gia đình và rộng hơn nữa là với xã hội, với dòng tộc. Nếu chúng ta sống tốt thì cũng chính là một cách thể hiện sự hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên.

Bởi vậy, dù là sinh con trai hay con gái thì trong việc đạo hiếu với ông bà tổ tiên, điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm chân thành của mỗi người. Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm "trọng nam khinh nữ" đã lỗi thời, ăn sâu trong tâm thức một bộ phận người Việt.
 
Liệu chứ hiếu của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung có quá kìm kẹp sự phát triển của con cái, làm gánh nặng cho họ khi về già. Phương Tây lại khác, hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi quá tốt, giảm đi gánh nặng cho thế hệ trẻ và nhờ đó họ có thể toàn tâm phát huy hết khả năng của mình vào trong công việc ?
Hoàng Hùng, Quỹ đầu tư nước ngoài

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Văn hóa phương Đông nói chung đặt gia đình vào trọng tâm của mọi quyết định trong cuộc sống. Như vậy, một đứa trẻ khi lớn lên, với một nền tảng giáo dục tốt từ gia đình thì sẽ có sự tự tin về hậu phương vững chắc của mình. Nhưng điều đó cũng có thể sẽ là hạn chế tính độc lập và năng động, sáng tạo khi bước vào cuộc sống và môi trường mới. 

Đối với người phương Tây thì để sự phát triển của đứa trẻ vào trọng tâm, động viên cho đứa trẻ có được sự chủ động, tự lập từ rất sớm. Do đó, khi lớn lên, sự ràng buộc với gia đình theo đó không đến mức quá nặng nề. Ví dụ: Nếu mà phát triển nghề nghiệp chuyên môn phải sang một nơi khác, quốc gia khác cách xa gia đình thì vẫn nhận được sự động viên và ủng hộ của bố mẹ. 

Về mặt cuộc sống của bố mẹ, ngay từ khi họ còn trẻ đã bắt đầu đóng một khoản chi phí để nuôi dưỡng tuổi già cho chính bản thân mình. Họ cũng động viên cho con mình ổn định công việc từ sớm để chuẩn bị cho khoản này và bảo hiểm nhân thọ cho bản thân, cho gia đình mình. Như vậy, họ sẽ không gây áp lực cho con về việc phải phụ dưỡng cho cha mẹ khi về già. Còn những trường hợp riêng, người con muốn chu cấp thêm cho cha mẹ thì cũng phải hỏi ý kiến cha mẹ có muốn hay không.

Thưa thầy, trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn. Thầy có lời khuyên nào cho lớp trẻ chúng con trong việc báo hiếu với ông bà, cha mẹ. Cám ơn thầy nhiều.
Phương Anh, 25 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Theo tôi nghĩ, không chỉ trong xã hội hiện đại mà xã hội thời xưa cũng có những người bất hiếu và cũng có những giá trị bị đảo lộn và thời nào cũng có những người con có hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên. Tấm lòng hiếu đạo có sẵn trong tâm thức của mỗi người, tuy nhiên, dù ở thời kỳ nào vẫn cần thường xuyên bồi đắp, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn cao cả đó.

Mỗi một thời đại phải đối mặt với nhiều vấn đề, như vấn đề xã hội, vấn đề giá trị của cuộc sống và có lúcc, dòng xoáy của cuộc đời khiến con người bị lúng túng, không biết ứng xử như thế nào cho đúng mực. Tuy nhiên, việc hoàn thiện chính bản thân mình phải có ích cho gia đình, cho xã hội, và phải luôn cẩn trọng, không để đánh mất mình, nhất là không để cho cha mẹ phải lo lắng, phiền lòng. Đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng hiếu thảo của bạn đối với ông bà, cha mẹ. Chỉ cần bạn sống sâu sắc với chính mình và với ông bà, cha mẹ, trân quý thời gian ở bên những người thân và lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ thì tôi tin rằng bạn sẽ có cách thể hiện lòng hiếu đạo của mình.

Thực ra, luật nhân quả rất đơn giản, muốn có kết quả tốt thì phải tạo nhân lành. HH Ngô Phương Lan có nghĩ rằng giữa đạo hiếu và nhân quả có mối quan hệ chặt chẽ với nhau?

Vũ Hải Hà, 35 tuổi, Nội trợ, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Lan nghĩ đó là mối quan hệ rất chặt chẽ. Bố mẹ đã sống hiếu thảo với ông bà thì con cái sẽ noi theo để sống tốt với bố mẹ. Ai cũng cố gắng sống tốt là quà tặng quý giá nhất cho gia đình, người thân, là kết quả tốt nhất của mỗi cuộc đời trong cộng đồng xã hội rồi.

Từ xa xưa các bậc tiền nhân luôn nhắc tới đạo lý “nhân nào quả ấy” cho các thế hệ hậu sinh. Thật là tuyệt vời khi ta thấy tinh thần đạo đức này luôn được đưa vào nội dung giáo dục đào tạo và được cả xã hội lúc nào cũng ủng hộ mạnh mẽ.
 
Ngay bây giờ, nếu chọn 1 món quà, gửi tặng bố mẹ nhân mùa Vu Lan báo hiếu, HH Ngô Phương Lan sẽ chọn quà gì?

Vũ Thị Hải, 31 tuổi, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Lan muốn món quà đó có thể góp phần giúp bồi bổ sức khỏe cho ba mẹ, có thể đó là những loại thuốc bổ, loại thực phẩm tốt, cũng có thể là những hộp sữa bổ dưỡng nhãn hiệu XO mà Lan thường mua tặng bà và ba mẹ.

Ngoài ra, cũng tùy theo điều kiện mà mình có theo từng thời điểm và mong muốn của bố mẹ, bà ngoại. Vì thường thường mọi người muốn dành thời gian để ở bên nhau nên món quà tốt nhất mà mình luôn dành cho gia đình đó là sự chăm sóc, ân cần, và thời gian.

Từ bao giờ Ngô Phương Lan được biết về mùa Vu Lan báo hiếu? Trong gia đình, ai là tấm gương hiếu thảo cho Ngô Phương Lan noi theo?  

Vũ Thị Ánh Mai, 31 tuổi, Nội trợ, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Khi Lan bắt đầu khôn lớn và có ý thức rõ về cuộc sống xung quanh thì ông bà nội và ông ngoại đã mất. Bà ngoại và ba mẹ Lan luôn tự hào, tôn vinh với tình cảm cao quý nhất và thường kể cho Lan nghe về những đức tính tốt đẹp tuyệt vời của họ. Và ông bà nội, ngoại cùng ba mẹ Lan luôn luôn và mãi mãi là tấm gương cho Lan noi theo.

Tin ở bản thân là phẩm chất nổi bật và rất đáng quí của thanh niên thời đại ngày nay. Thường xuyên tiếp xúc, làm việc với những người có tri thức và quảng giao trong xã hội, HH Ngô Phương Lan nhận thấy họ tin hay không tin luật nhân quả?

Phạm Thành Trung, 25 tuổi, Nhân viên tài chính, Hải Phòng

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Trong cuộc sống mỗi người có hoàn cảnh riêng. Có ai đó dính vào những tiêu cực cũng là do họ bị rơi vào hoàn cảnh không may, nhiều khi cũng có thể họ không vượt qua nổi những cám dỗ, kể cả tính ích kỷ và lòng tham vô lối. Nhưng Lan nghĩ rằng hầu hết các bạn trẻ luôn muốn vươn tới những điều tốt đẹp, vì họ có niềm tin vào tương lai, họ hiểu rõ và đề cao lẽ sống theo luật nhân quả nên họ đã luôn cố gắng hành động để gìn giữ phẩm chất tốt đẹp .

Em là con gái độc nhất của 1 người mẹ đơn thân. Em học giỏi và có ước mơ “bay xa”, nhưng mẹ em không muốn rời con. Nếu em vẫn quyết tâm đi học xa nhà và sau này lập nghiệp ở phương xa, HH Ngô Phương Lan có nghĩ là em bất hiếu?

Mai Thanh Hương, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nam

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Chị không cho rằng em suy nghĩ và có quyết tâm như vậy là biểu hiện của sự bất hiếu đâu em à. Và Lan tin rằng mẹ em cũng không cho rằng như vậy là con mình bất hiếu, vì người mẹ, người cha nào cũng đều mong con mình hạnh phúc và có cuộc sống thành đạt như ý muốn, nhưng có thể do chưa quen và thấy khó chấp nhận việc em đi xa nên mẹ sẽ buồn phiền nhiều đó em à. 

Chị mong em tâm sự chia sẻ để mẹ có thể thông cảm và hiểu, ủng hộ cho ước mơ cho tương lai của em. Mặt khác, em cũng nên có suy nghĩ, chuẩn bị những biện pháp thực tế phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, và luôn chu đáo, quan tâm để giảm đi nỗi buồn nghĩ đến xa con của mẹ.

Bạch thầy, hiện nay một số người quan niệm rằng Vu Lan Báo hiếu cha mẹ là phải cúng bái thật nhiều, chi thật nhiều cho khoản sắm Lễ, vàng mã … Thầy giải thích như thế nào về hiện tượng này và xin cho biết quan điểm của thầy về vấn đề trên?
Chu Thị Thu Hà , 28 tuổi, nhân viên bảo hiểm, Hà nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Từ xưa đến nay, cứ mỗi độ tháng 7 là tất cả những người con, người cháu đều hướng tới ông bà, tổ tiên, cha mẹ, nhất là những người đã khuất. Trong mỗi gia đình đều thường xuyên thể hiện tấm lòng bằng cách cúng lễ. Trong hình thức thể hiện này, nhiều gia đình cho rằng phải sắm sửa thật nhiều vàng mã (nhà cửa, đồ dùng bằng giấy, tiền vàng giấy, thậm chí là ô tô, xe máy...), đồng thời cho rằng, với quan niệm trần sao âm vậy nên đã sắm lễ rất nhiều rồi sau đó lại đốt đi, vừa gây lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường.

Tôi cho rằng, những tục lệ từ xưa truyền lại đến nay về bản chất là những tục lệ tốt đẹp, thể hiện lòng hiếu kính của con cháu tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và cần tiếp tục gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, một số người lại đề cao hình thức, chú trọng đến giá trị vật chất quá nhiều, thậm chí là có cách hiểu sai về việc sử dụng vàng mã trong việc cúng bái mà không đề cao giá trị tinh thần cốt lõi.

Trong kinh Phật dạy, muốn báo đáp ân sâu của cha mẹ, thì khi cha mẹ còn sống, thể hiện sự chăm sóc tới đời sống vật chất và tinh thần để cha mẹ được an vui, hướng cha mẹ làm những điều phúc thiện. Khi cha mẹ đã quá vãng, anh chị em trong gia đình, họ hàng sống hòa hợp, đoàn kết với nhau, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, làm những điều thiện, có ích cho xã hội, đem phúc lành đó hồi hướng cho những người đã mất thì họ sẽ được siêu thoát. Đó là sự thể hiện báo ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên tốt nhất và ý nghĩa nhất!

Thưa thầy, xã hội hiện đại khiến cho con cái thường đi làm ăn, sinh sống ở xa gia đình thỉnh thoảng mới về thăm cha mẹ, rất khó có cơ hội để phụng dưỡng mẹ cha. Như vậy có gọi là bất hiếu hay không?

Trần Đức Hoàng, nhân viên IT, Hoàng Mai, Hà Nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Tâm hiếu là sự thể hiện bằng tinh thần, nó là đạo đức, là tư cách của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Do điều kiện xã hội, bạn phải xa gia đình vì công việc hoặc một vấn đề nào đó, như lập gia đình ở nơi xa, điều đó không có nghĩa là bạn bất hiếu. Dù ở xa con cái vẫn có thể hướng về cha mẹ với những tình cảm tốt đẹp nhất bằng những cách biểu hiện như thường xuyên gọi điện thăm hỏi cha mẹ và cho cha mẹ biết về điều kiện sinh hoạt hiện tại của mình để cha mẹ yên tâm; thể hiện cho cha mẹ biết là mình luôn quan tâm tới ông bà, cha mẹ; có thể qua bạn bè, người thân để thể hiện sự quan tâm của mình với cha mẹ. Khi có cơ hội hoặc có dịp, bạn có thể thể hiện sự quan tâm tới ông bà, cha mẹ bằng điều kiện vật chất. Như vậy, bạn có thể bày tỏ tình cảm của mình và khiến cho ông bà, cha mẹ rất an lòng. Đó cũng là cách thể hiện đạo hiếu cao quý của bạn rồi!

Chữ hiếu thời nay, nên hiểu thế nào cho đúng và trong đại lễ Vu Lan, nên làm gì để bày tỏ tấm hiếu lòng hiếu thảo và báo đáp công ơn của cha mẹ?

Thưa thượng tọa, đại đa số người việt nam chúng ta theo đạo phật và thờ ông bà thượng tọa có thể thường xuyên lên tivi hay báo để nói về chữ hiếu trong đạo phật cho giới trẻ chúng con được hiểu rõ hơn không ạ?
THAI VÂN, KINH DOANH TỰ DO

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Cảm ơn bạn vì lời đề nghị trên. Khi có điều kiện thích hợp hoặc trong mỗi buổi giảng pháp tại các chùa, chúng tôi cũng thường xuyên đề cập tới những giá trị đạo đức nhằm xây dựng cuộc sống ngày một an lành, hạnh phúc. Các mối quan hệ trong gia đình, xã hội và nhất là tâm hiếu đạo luôn được đề cao. Trong nhà Phật có câu, "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật", đó là những tâm hạnh rất quý báu ở mỗi con người chúng ta, và ai trong mỗi chúng ta cũng thường xuyên có thể tự trau dồi, học hỏi và bồi đắp tâm hiếu hạnh của mình.

Hiếu hạnh là nguồn gốc sinh ra mọi hạnh lành, hạnh tốt, chúng ta chỉ cần có tâm hiếu là chúng ta có rất nhiều cách để báo đáp với ông bà, cha mẹ.

Nói về đạo hiếu thì chúng ta có thể thấy xã hội ngày càng hiện đại khiến mỗi người trong chúng ta bị cuốn theo mà quên mất việc chăm sóc cho bản thân và dành thời gian để hỏi han, quan tâm đến cha mẹ và những người thân. Vậy Hoa hậu Ngô Phương Lan nghĩ sao về chữ hiếu trong thời đại ngày nay?

Minh Hà, 25 tuổi, Nam Định

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Lan nghĩ chữ hiếu trong mọi thời đại chứa đựng nội dung về cơ bản như nhau, chỉ có hình thức biểu thị nội dung đó có thể được điều chỉnh, thậm chí có thể được thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể mà thôi. 

Ở những nước đã đến, Lan đều thấy nỗi lòng luôn hướng về cội nguồn, về Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân… luôn rất mạnh mẽ và thường trực trong từng con người Việt, dù họ có bị cuốn hút do phải mưu sinh hay vì những lý do khác nhau. Tinh thần này đang có nhiều thuận lợi để phát huy trong thời hiện đại bùng nổ thông tin. 

Lan nhớ chỉ mới đây trong những năm đầu của thập kỷ 90, cả nhà cứ thấp thỏm chờ những lá thư từ Việt Nam phải hàng tháng mới sang tới New York, hoặc may mắn có đoàn nào đó sang công tác. Ngày nay thì internet, email, viber, skype… làm cho con cháu gần gũi vơi ông bà, cha mẹ biết bao nhiêu, dù cách xa giữa các vùng miền đất nước hay cả nửa Tây, nửa Đông của Trái đất…

“Mẹ cha thì nhớ thương mình/ Mình đi thương nhớ người tình xa xôi”, HH Ngô Phương Lan nghĩ rằng đó là qui luật cuộc đời hay là sự bất hiếu của con cái đối với cha mẹ?

Nguyễn Hoàng Quỳnh Anh, 25 tuổi, Nhân viên văn phòng, Hà Nội

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Hai câu thơ này nói lên nỗi xúc động của tác giả nào đó khi phải chia tay mẹ cha và người thương của mình, nhưng chắc là trong một khoảnh khắc khách quan thôi, một sự phân vân cân nhắc “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” thôi, chứ chưa phản ánh hết nỗi lòng như “tơ vò” của một tâm trạng đâu. Bởi vậy Lan nghĩ đó là một tình trạng hiện thực nhưng chưa phải quy luật, mà cũng chưa đến mức quy cho “tội” bất hiếu của con cái đối với cha mẹ đâu.
 
Được biết cả bố và mẹ của Ngô Phương Lan đều làm việc trong ngành ngoại giao và bản thân bạn cũng là người nổi tiếng. Khi các thành viên đều bận rộn thì gia đình Lan có chế độ sinh hoạt đặc biệt nào để giúp mọi người có đủ năng lượng để hoàn thành tốt công việc và tận hưởng cuộc sống.  
Hoàng Minh Thùy

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt ta. Lan cho rằng đây là cơ hội, là điểm nhấn của cả một năm để nhắc nhở mọi người hãy cố gắng gìn giữ nền nếp gia phong, một điểm tựa vô giá của cả cuộc hành trình cuộc đời. Và bởi vậy, chúng ta cũng dễ đồng ý với nhau rằng tinh thần báo hiếu nên phải luôn đồng hành với mỗi người trong mọi mùa của suốt cuộc đời, trong từng ngày, từng tháng, từng năm.

Có thể nói sự quan tâm, thường xuyên chia sẻ của mọi thành viên trong một gia đình là chất keo dính hiệu quả nhất có thể gắn kết tình thương yêu, đoàn kết hòa thuận và hạnh phúc bền vững nhất. Với cách nhìn như vậy, Lan cho rằng việc tạo dựng được một chế độ sinh hoạt phù hợp là điều cần thiết cho mỗi gia đình.

Trong gia đình mình, từ lúc lớn lên Lan đã được tiếp thu đức tính luôn quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong cuộc sống, trong học tập, trong công việc, chia sẻ cả niềm vui hay nỗi buồn, dù có thể đó là lúc ai cũng rất bận rộn, hay khi có chút thời gian nghi ngơi, thư giãn.

Lan rất thích và tích cực tham gia mọi dịp sum họp, có thể là bữa cơm gia đình, cũng có thể là cùng đi đâu đó vui nghỉ ngơi “picnic”, hay những dịp tuyệt vời được cùng ba mẹ về thăm quê nội, quê ngoại những ngày giỗ họ, tham gia tảo mộ tổ tiên tiết thanh minh, tu bổ, cúng viếng nhà thờ, gặp gỡ giao lưu giữa các thế hệ khác nhau của đại gia đình…

Em sống xa bố mẹ nên em cũng không báo hiếu được cha mẹ nhiều. Em thường gọi điện về cho cha mẹ hàng ngày hỏi thăm sức khoẻ, mỗi khi có tiền thì em sẽ biếu ba mẹ để mua sữa hoặc làm việc gì đó. Mùa lễ Vu Lan sắp đến rồi em cũng muốn tặng cho mẹ một hộp sữa XO để uống. Nhân dịp này BTC cho em hỏi con cái phải báo hiếu cha mẹ như thế nào mới đúng đạo làm con ạ?
Bùi Thị Thanh Hương, 30 tuổi_ 1306/14/19 Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, HCM_ Tổ chức nhân sự

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Như Lan vừa chia sẻ, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh hiện tại sẽ có những cách thể hiện sự báo hiếu của mình. Việc quan trọng, sự báo hiếu là phải xuất phát từ tâm và được đầu tư thời gian để thể hiện đúng cách nhất. Bố mẹ thường ít nghĩ đến việc sinh con ra để nhận được sự bù đắp, báo hiếu như là một thủ tục bắt buộc. Sự báo hiếu không nhất thiết phải là một món quà có giá trị lớn mà nó đôi khi chỉ đơn giản là một lời hỏi thăm, một cử chỉ yêu thương tới những bậc sinh thành.

Cuộc sống hiện đại đem đến nhiều tiện ích, con người ngày càng văn minh, nhưng tại sao ngày nào đọc báo, xem TV cũng thấy cảnh con cái bạc đãi cha mẹ? HH Ngô Phương Lan có nghĩ rằng chữ hiếu đang bị mờ dần và những giá trị nền tảng đạo đức truyền thống đã thay đổi?

Trần Thanh Thúy, 24 tuổi, Hà Nam

Hoa hậu Thế giới Người Việt Ngô Phương Lan:

Có thể những tiêu cực xuất hiện trong đời sống xã hội ngày nay đã tác động nhất định đến một số người, làm thay đổi họ. Nhưng Lan cho rằng nền tảng đạo đức truyền thống và ý thức cầu tiến và hướng tới một xã hội tốt đẹp sẽ luôn tồn tại trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong cả xã hội, không tác nhân nào có thể thay đổi được.  Và nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc Việt sẽ luôn được cả xã hội tôn vinh bảo vệ.
 
Thưa thầy, con chỉ là sinh viên chưa có nhiều tiền để mua những món quà đắt tiền cho cha mẹ. Vậy còn làm thế nào để thể hiện chữ hiếu?

Nguyễn Thị Duyên, 21 tuổi, sinh viên Học viện Hành Chính, Hà Nội

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Thể hiện chữ hiếu có nhiều cách nhưng nên xuất phát từ tấm lòng của mỗi người. Đó là sự chân thành và kính mến đối với các bậc sinh thành. Những giá trị của phần quà chỉ là một phần biểu hiện tấm lòng của người con/cháu đối với cha mẹ/ông bà.  Những món quà dù là đắt tiền nhưng không xuất phát từ tấm lòng chân thành thì cũng không thể hiện hết được tâm hiếu đạo. 

Bạn còn là sinh viên, điều đầu tiên và quan trọng nhất để báo hiếu cha mẹ là cố gắng tu dưỡng thật tốt về thể chất, văn hóa và đạo đức cho bản thân để không phụ lòng cha mẹ. Có như vậy, cha mẹ mới thấy yên lòng. Sau nữa, quan tâm đến cha mẹ từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Bạn là con, bạn sẽ tự biết cha mẹ thích gì muốn gì và bạn phải làm thế nào để đáp ứng những mong mỏi thầm kín của cha mẹ. 

Là người con muốn báo hiếu cha mẹ có rất nhiều cách thể hiện. Bạn có ý thức trong việc tu dưỡng đạo đức, kiến thức để có chỗ đứng trong xã hội, và gìn giữ không đánh mất mình, đó cũng là một cách để thể hiện tâm hiếu của mình. Có nhiều bậc cha mẹ rất tự hào về những người con của mình, không hẳn là những người con đó phải luôn phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất mà sự trưởng thành của người con đã là niềm tự hào rất lớn của cha mẹ. Cha mẹ bạn sẽ thực sự an vui khi thấy bạn trưởng thành lên qua từng ngày!

Thưa thầy, ngày trước, khi mẹ con còn sống, vì cuộc sống khó khăn, con lo bươn chải làm ăn, kiếm tiền nuôi các con của con, lúc mẹ con qua đời, con không có điều kiện chăm sóc cụ. Bây giờ đã ngoại ngũ tuần, nghĩ đến mẹ, lòng con vô cùng xót xa, ân hận. Con phải làm gì để tạ lỗi với mẹ, rất mong được thầy chỉ bảo ạ?
Nguyễn Ngọc Dân, 51 tuổi, chủ doanh nghiệp xây dựng ở Quảng Ngãi

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi trưởng thành, không ít người tránh khỏi những lỗi sơ thất đối với cha mẹ. Trường hợp được nêu trong câu hỏi của quý vị, tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên quá nặng nề với những gì đã qua mà phải biết cảm thông với chính bản thân mình. Chính mình là người hiểu mình hơn ai hết. Trong một giai đoạn hoặc một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta không thể ở bên hoặc thường xuyên thể hiện sự quan tâm, chăm sóc với cha mẹ, đến khi các cụ đã qua đời, lúc đó chúng ta mới mong báo đáp thì cơ hội đã không còn, khiến nhiều người không khỏi day dứt như quý vị.

Theo tôi, cha mẹ không bao giờ mất đi trong tâm thức của mình, cha mẹ và tổ tiên vẫn sống trong từng tế bào, từng hơi thở của mỗi chúng ta. Chúng ta là những tiếp nối của ông bà, tổ tiên, chỉ cần chúng ta sống với thực tại một cách sâu sắc, trân quý những gì có mặt xung quanh chúng ta, biết bảo vệ chính mình về phương diện thể chất để luôn có sức khỏe, giữ tinh thần luôn an vui và hướng về những giá trị cao đẹp để mình có đủ khả năng để gìn giữ hạnh phúc cho mình và gia đình mình, là một tấm gương cho con cháu thì đó cũng chính là thể hiện sự báo đáp với cha mẹ. Do vậy, quý vị nên buông bỏ những ý niệm day dứt trong thâm tâm để có một cuộc sống thanh thản, ý nghĩa. Chỉ cần luôn nghĩ về người mẹ đã quá cố của mình mà làm những điều phúc thiện, hồi hướng cho các cụ thì cũng là cách thể hiện tâm hiếu của mình rồi!

Chương trình giao lưu trực tuyến"Chữ hiếu của người Việt thời hiện đại" nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả. Tuy nhiên do thời lượng của buổi giao lưu có hạn, hai vị khách mời chưa thể trả lời hết các câu hỏi của độc giả. Báo Lao Động sẽ chuyển các câu hỏi giao lưu chưa được trả lời đến Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan và Thượng tọa Thích Thanh Huân. Sau khi nhận được câu trả lời, chúng tôi sẽ cập nhật để cung cấp thông tin đến độc giả.

Nguồn: http://laodong.com.vn/xa-hoi/dang-giao-luu-truc-tuyen-chu-hieu-cua-nguoi-viet-thoi-hien-dai-228814.bld
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm