Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 20/04/2017, 08:19 AM

Gieo trồng phước đức (P.4)

Công đức và phước đức khác nhau như thế nào? Công đức là do tu tâm, rõ được bản tâm sáng suốt nơi chính mình; rồi từ đó mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ đều hợp với đạo lý làm người, làm điều gì cũng không sai trái, không bị dính mắc hay trói buộc. Phước đức là diệu dụng của công đức, là kết quả của hành vi làm các việc thiện lành như giúp người hoạn nạn, chia sẻ vật chất, tinh thần giúp người bớt khốn khổ… tạo nên những nhân tốt. Người làm việc phước đức nhiều được hưởng quả phú quý, giàu sang, của tiền dư dả ở thế gian hay được sinh vào cõi trời.

Bố thí cúng dường không bị năm nhà cuốn trôi

Người thường xuyên thực hành bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tạo nhân tốt sẽ hưởng quả tốt, đồng thời tránh khỏi các ách nạn bị năm nhà cuốn trôi, đó là: Nhà lũ lụt; Nhà hỏa hoạn; Nhà trộm cướp; Nhà vua quan tịch thu; Nhà con cái bất hiếu, phá sản.
 
1. Nhà lũ lụt

Chúng ta thấy, ở Việt Nam năm nào cũng bị lũ lụt, nhất là miền Trung và miền Bắc đã gây biết bao cảnh khổ cho con người; nhưng cùng trong tình huống mà có người bị mất mát nhiều, có người bị mất mát ít, có người vẫn an toàn không hư hao gì cả, người bị mất của, kẻ mất mạng sống v.v…

Trong sự mất mát, đau thương ấy, nếu ta cứ cho là số trời đã định không cưỡng lại được thì thật là không đúng. Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự sai biệt như thế? Ông Trời ở đây nếu có là chỉ cho luật nhân quả đang vận hành theo chu kỳ nhân duyên tác động đến nhân xấu mà ta đã làm trong quá khứ. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, hiểu được quy luật này chúng ta sẽ có phương pháp chuyển hóa, thay đổi được nó. Chúng ta không than trời, trách đất hay oán hận, đổ thừa cho số phận gì cả mà ta phải biết làm việc tốt, để chuyển quả khổ đau mất mát.

2. Nhà hỏa hoạn

Hỏa hoạn là tai họa thường do con người gây ra nhưng thiệt hại của nó cũng thật khủng khiếp, khó lường. Chúng ta thấy, nhiều gia đình tiêu tan sự nghiệp hay vong mạng chỉ vì cơn phẫn nộ của ngọn lửa vô tình; cả đời làm lụng vất vả tạo nhà, tạo xe, sắm sửa các thứ vật dụng sang trọng, đắt tiền trong gia đình nhưng chỉ trong một vài giờ hỏa hoạn là trắng tay. Có khi tai họa này do mình gây ra, có khi do sự bất cẩn của nhà hàng xóm gây ra thảm cảnh cho nhiều gia đình một lúc.

3. Nhà trộm cướp

Gọi là nhà trộm cướp là theo cách sắp xếp cho đủ năm nhà, chứ nói chính xác thì gọi là nạn trộm cướp. Đây là tai nạn xảy ra thường xuyên với con người và nạn này là do người này gây cho người kia. Quý vị nào có đọc báo thì thấy ngày nào, đêm nào cũng có trộm cướp xảy ra không nơi này thì nơi khác từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng có xảy ra nạn này.

Trộm cướp nói cho rõ là người làm lụng tạo ra của cải, tài sản bị người khác chiếm đoạt làm của. Trộm là lén lấy, không cho người chủ sở hữu hay biết. Cướp là dùng sức mạnh ép buộc chủ sở hữu phải giao nộp tài sản hay dùng vũ lực tiêu diệt chủ sở hữu để chiếm đoạt. Tuy hai cách thức trộm và cướp có khác nhau nhưng cả hai đều có mục đích chung là chiếm đoạt của người. 

Hai hành động này là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức làm người, trái với lẽ thường tình trong đời sống xã hội loài người nên đều bị xã hội lên án. Mặc dù hành vi này bị xã hội lên án gay gắt, luật pháp trừng trị không nới tay nhưng nó vẫn xảy ra. Có người sau khi bị trộm cướp lấy đi thì tìm lại được, có người thì không. Vì sao chúng ta lại lâm vào hoàn cảnh như thế? Theo tuệ giác của Như Lai Thế Tôn, tất cả mọi trường hợp xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có gì bỗng dưng khi không mà xảy ra.

Nguyên nhân thứ nhất là do lòng tham của con người vì hưởng thụ quá mức, sống lười biếng hoặc do nghiện ngập đủ thứ nên làm liều để có tiền tiêu xài. Nguyên nhân thứ hai là người có tài sản đã gieo nhân trộm cướp, lường gạt, bóc lột, làm những điều phi pháp giành lấy của cải về mình trong đời trước hoặc hiện tại, quả báo ấy dẫn đến việc ngày nay bị trộm cướp. Vì vậy, người ăn lành ở hiền, chăm làm phước đức sẽ tránh được tai họa của nhà trộm cướp này xảy đến cho mình.

4. Nhà vua quan tịch thu

Thời phong kiến xưa vua chúa làm chủ trị vì thiên hạ, mọi quyền hành tập trung vào nhà vua. Vì vậy, người nào phạm tội vua muốn xử thế nào là cấp dưới phải thi hành thế ấy. Theo quan niệm thời ấy, vua là Thiên tử (con trời) thay trời trị vì muôn dân. Từ đó, vua muốn làm gì thì làm, trong triều không ai dám ngăn cản. Khi xét xử quan lại hay dân chúng tham ô, gian dối hay nghi ngờ làm tổn hại đến triều đình, vua đứng ra xét xử tùy theo tội mà phán. 

Có nhiều hình phạt rất khắc nghiệt như tru di tam tộc (giết sạch ba họ nội, ngoại và vợ), tru di cửu tộc (giết sạch chín họ) hay tịch thu hết tài sản rồi đày đi nơi hoang vắng, xa xôi để trừ hậu hoạ. Tất cả những điều này đến với ai cũng đều do nhân quả nghiệp báo xấu từ trước mà ra. Thấu rõ chỗ này, chúng ta phải ăn ở hiền lành, chăm làm việc phước đức mới mong thoát khỏi nạn này.

Ngày nay, tuy không còn chế độ phong kiến do vua đứng đầu toàn quyền phán xử nhưng luật pháp hiện hành vẫn có những điều khoản, khung hình phạt rất nghiêm, rất nặng như án tử hình, tù chung thân hay tịch biên tài sản… Có người không phạm tội nhưng do tang chứng, vật chứng không thể chối cãi, thanh minh vì “tình ngay lý gian” nên phải chịu tội oan. Những trường hợp bị oan nghiệt như vậy là do quả báo nghiệp xấu người ấy đã gây tạo trong kiếp trước, nay hội đủ nhân duyên nên quả trổ ra.

5. Nhà con cái bất hiếu phá sản

Là cha mẹ ai cũng thương con cái của mình nên lúc nào cũng muốn con được sung túc, đầy đủ, no ấm. Cha mẹ luôn sẵn sàng dang tay đùm bọc, chở che con cái; thậm chí đôi lúc phải làm việc bất thiện để bảo hộ cho con. Nhiều ông cha, bà mẹ vì muốn con cháu được no đủ nên phải làm lụng đầu tắt mặt tối nên ít có dịp tiếp xúc, dạy dỗ con cái.

Bởi quá bận bịu lo kinh doanh, buôn bán, tạo ra của cải nên để chúng buông lung muốn gì làm nấy, cung cấp tiền bạc không cần tìm hiểu nguyên do. Từ đó, tạo cho con cái tính ỷ lại vào cha mẹ, sự nghiệp gia đình, không lo tu thân, học hành, mặc tình ăn chơi trác táng, sa đọa, kết bè kết bạn với người xấu ác rồi rơi vào tình trạng nghiện ngập, hút chích…

Chúng ta thấy không ít gia đình cha mẹ làm lụng vất vả cả đời chỉ vì thương con mà trong phút chốc bị tan nhà, nát cửa, phải chịu cảnh khổ đau, nghèo đói. Chúng tôi biết một bà mẹ nọ có hai đứa con trai. Bà tuy lớn tuổi nhưng nhan sắc rất xinh đẹp, kiều diễm. Bà cặp bồ với những ông nhà giàu lớn tuổi rồi lừa gạt lấy tiền đem về cung cấp cho con. Cả hai đứa con của bà đều rất ngỗ nghịch, không chịu học hành hay làm ăn gì mà chỉ chờ mẹ đem tiền về tiêu xài mà thôi. 

Vì không công rỗi việc nên chúng thường giao du với đám bạn xấu, cuối cùng cả hai đều sa vào con đường nghiện ngập, hút chích xì ke. Từ đó, số tiền chúng cần để chi tiêu mỗi ngày một nhiều hơn. Vì thương con bà tìm đủ phương cách để lừa gạt tiền của nhân tình đem về chu cấp cho chúng. Đến lúc hai đứa bị công an bắt đưa vào trung tâm cai nghiện, thay vì khuyên giải con mình từ bỏ tệ nạn, bà lại lo sợ các con thiếu ma túy bị cơn nghiện hành hạ không chịu nỗi nên tìm môi giới, móc ngoặc với cán bộ quản lý trung tâm để tiếp tế ma túy cho con sử dụng. 

Kết quả, một đứa bị chết trong trại cai nghiện do dùng thuốc quá liều từ lượng thuốc bà chuyển vào; và chỉ trong chưa đầy hai năm, bà đã bán hết nhà cửa mà vẫn còn nợ nhiều người nên phải mướn nhà để ở. Vì thương con một cách mù quáng mà bà phải chịu cảnh tan nhà nát cửa, sống đời bần cùng, người thân không ai chịu giúp vì sợ liên lụy.

Làm cha làm mẹ ai cũng thương con, nhưng chúng ta phải thương con như thế nào cho đúng cách để giúp chúng được trưởng thành. Ta đừng thương con theo kiểu bà mẹ ấy thì rất nguy hiểm cho gia đình và xã hội. Chúng ta phải dạy con biết giá trị của cuộc sống bằng tinh thần tự lập, không ỷ lại vào gia đình; đặc biệt, ta cần dạy chúng biết nhận thức đúng đắn về nhân quả nghiệp báo để tạo cho chúng cuộc sống có giá trị, ý nghĩa và hạnh phúc lâu dài. Để minh họa thêm cho nhà con cái bất hiếu, phá sản, chúng ta cùng nghe câu chuyện nhân gian sau:

"Trong một làng nọ, nhà ông Nghèo và nhà ông Giàu ở gần nhau. Ông Giàu là một điền chủ khá giả nhất trong làng. Ông Nghèo là người làm mướn cho gia đình ông Giàu nhưng đam mê uống rượu, đánh bài, do đó tháng nào ông cũng thiếu nợ ông Giàu. Vì vậy, ông Nghèo làm mướn cho nhà ông Giàu quanh năm mà không trả hết nợ. Rồi một ngày chiến tranh xảy ra, làng của hai ông chẳng may rơi vào vùng chiến sự và cả hai đều bị mất mạng khi hai bên giao chiến ác liệt. 

Sau khi chết, linh hồn hai ông đều xuống âm phủ chờ Diêm Vương xét xử. Để việc xét xử cho công bằng, Diêm Vương yêu cầu thuộc hạ cung cấp hồ sơ đầy đủ về mọi hoạt động của hai ông trên trần gian. Vào ngày xét xử, Diêm Vương cho gọi hai vong hồn đến phán rằng: “Ta thấy trên trần gian Nghèo tuy làm lụng vất vả quanh năm khổ nhọc nhưng phải tội đam mê cờ bạc và nghiện rượu nên xuống đây mà vẫn còn nợ của Giàu; để thanh toán món nợ này, ta cho hai ngươi được đầu thai trở lại làm người trong một gia đình làm cha con với nhau. Vì Nghèo thiếu nợ Giàu nhiều nên ta cho Giàu làm cha của Nghèo để bắt Nghèo nuôi nấng mà trả nợ.

Nghe Diêm Vương phán vậy Giàu không chịu, van xin Diêm Vương xét lại. Diêm chúa lại phán: “Vậy thì ta cho ngươi đầu thai về trần gian làm mẹ của Nghèo được không?” Giàu cũng không chịu, Diêm Vương hỏi: “Vậy ngươi muốn như thế nào?” Giàu trả lời một câu chắc nịch: “Dạ, thưa Diêm Vương, con muốn làm con của Nghèo”. Nghe vậy, Diêm Vương hỏi: “Tại sao ngươi muốn làm con của Nghèo?” “Thưa Ngài, bởi vì làm con là sướng nhất, lúc ấy con tha hồ đòi nợ, con đòi đủ thứ, đòi nợ công khai, đòi thứ gì Nghèo cũng phải chiều, không dám trái ý”.

Chúng ta thấy cha mẹ lo cho con thế nào? Có phải là nợ phải trả hay không? Lúc nhỏ thì bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, cha mẹ phải lo cho con uống ăn đầy đủ. Mỗi khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên, phải thức suốt đêm lo lắng, chăm sóc không dám than phiền; lớn lên một chút là phải lo cho ăn học, dù tốn kém bao nhiêu cha mẹ cũng nai lưng ra làm, dù nợ nần cũng cắn răng chịu đựng; rồi lo công ăn việc làm, dựng vợ gã chồng cho yên bề gia thất, phân chia tài sản cho con… Như vậy có phải là cha mẹ trả nợ cho con không? Trả cho đến khi nào hết nợ mới thôi. Lỡ như kiếp này trả chưa hết thì kiếp sau đầu thai lại trả tiếp.

Câu chuyện cho ta một bài học lý thú về trả món nợ đời. Những người nợ nần với nhau kiếp này chưa thanh toán xong thì kiếp sau dễ làm cha mẹ, con cái của nhau để đòi, để trả tiếp. Muốn đòi được món nợ tiền khiên thì tốt nhất là đầu thai làm con đòi nợ, vì cha mẹ nào cũng thương con do tình máu mủ, ruột rà, luyến ái nên cha mẹ chẳng bao giờ bỏ con, chỉ có con bỏ cha mẹ mà thôi. Vì vậy, những người cùng gia đình, họ hàng thân thuộc tuy thương yêu nhau nhưng hay gây đau khổ cho nhau đều là oan gia trái chủ của nhau cả.

Đây chỉ là một khía cạnh trong vấn đề nhân quả mà thôi; thực ra, được sinh ra làm người trong một gia đình với nhau phần lớn là do phước đức mà thành, bởi chúng ta thấy cha mẹ nào cũng thương yêu con cái mà lo tròn bổn phận, trách nhiệm, thấy con cái mạnh khỏe, thành đạt thì lấy làm hạnh phúc; vả lại, con cái nào cũng biết thương yêu, hiếu thảo với ông bà cha mẹ; rất ít gia đình con cái bất hiếu, không biết đạo lý làm người mới rơi vào nạn nhà thứ 5 này mà thôi.

Phước đức và công đức

Công đức và phước đức khác nhau như thế nào? Công đức là do tu tâm, rõ được bản tâm sáng suốt nơi chính mình; rồi từ đó mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ đều hợp với đạo lý làm người, làm điều gì cũng không sai trái, không bị dính mắc hay trói buộc. Phước đức là diệu dụng của công đức, là kết quả của hành vi làm các việc thiện lành như giúp người hoạn nạn, chia sẻ vật chất, tinh thần giúp người bớt khốn khổ… tạo nên những nhân tốt. Người làm việc phước đức nhiều được hưởng quả phú quý, giàu sang, của tiền dư dả ở thế gian hay được sinh vào cõi trời.
 
Theo kinh Phật dạy, người dù có phước tột đỉnh được sinh vào các cõi trời hay cõi người để hưởng quả tốt, nhưng đến khi hết phước vẫn bị định luật vô thường chi phối, phải trở lại trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Chỉ có nguời công đức đầy đủ mới không bị khổ đau chi phối, do đó được an nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh. Để hiểu rõ công đức và phước đức khác nhau thế nào, chúng ta cùng nghe một câu chuyện vào thời đức Phật.

Có một tỳ kheo tu hành đã chứng quả A La Hán, không còn bị tham-sân-si chi phối trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người chứng quả A La Hán luôn bất động trước mọi nghịch cảnh cuộc đời. Do nhiều đời tích lũy công đức nên vị tỳ kheo này trong đời hiện tại được duyên tu hành chứng quả, nhưng do đời trước không làm phước đức gieo duyên với mọi người, lại còn phỉ báng, ngăn cản người khác thực hành bố thí, cúng dường nên sinh ra trong đời này ngài phải chịu khổ đau một thời gian dài. 

Ngài bị mẹ bỏ rơi khi mới 4 tuổi, sau được ngài Xá Lợi Phất đem về nuôi và cho xuất gia đầu Phật. Cuộc đời tu hành của ngài rất cam go, khổ nhọc, thiếu thốn trăm bề; cho đến khi chứng quả A La Hán mà ngài vẫn chưa được một bữa cơm nào thật no đủ. Do nghiệp đời trước ngăn cản người bố thí, cúng dường mà đời nay ngài phải chịu lãnh quả thiếu ăn suốt đời như vậy.

Nhân quả nghiệp báo sẽ không từ bỏ một ai khi hội đủ nhân duyên, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu quả khổ là định luật rất công bằng của nhân quả. Vì vậy, người phật tử phải biết sáng suốt chọn lựa, đừng để đến lúc gặt quả xấu rồi than thân trách phận, đổ thừa tại này, tại nọ để rồi chuốc lấy khổ đau. Bậc Thánh nhân khi gặp quả xấu do có trí tuệ sáng suốt thấy rõ được nhân quả, nghiệp báo nên không buồn đau, sầu khổ, thân tuy chịu quả thiếu thốn, đói khát nhưng tâm vẫn an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh. 

Người khôn ngoan phải biết chọn lựa con đường tốt đẹp dẫn đến an vui, hạnh phúc, biết làm phước để tích lũy; nếu không biết tích lũy thêm phước đức thì khi hết phước ắt sẽ gặp tai họa. Công đức là sự tu tâm, sửa đổi, chuyển hóa những tâm niệm tà vạy, tham lam, ích kỷ, hiểm độc, ganh ghét, nên vị tỳ kheo ấy dù bị đói khát, thiếu thốn nhưng không khổ tâm vì biết nhân quả nghiệp xấu chiêu cảm. Cái hay của người tu hành là ở chỗ đó và đó cũng là chỗ khác nhau của công đức và phước đức.

Có câu chuyện thiền như sau. Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 ở Ấn Độ. Do nhu cầu hoằng pháp nên ngài đã đến Trung Hoa gặp vua Lương Võ Đế. Vua hỏi: “Trẫm thường cất chùa, độ tăng ni, in kinh ấn tống rất nhiều, vậy Trẫm có công đức không?” Tổ đáp: “Thảy đều không công đức”.

Nghe thế, vua sửng sốt, bàng hoàng, đâm ra nghi ngờ hỏi tiếp: “Tại sao không công đức?” Tổ đáp: “Đó là phước báu thế gian được làm người giàu sang, thông minh, mẫn tiệp ở cõi Trời-Người như bóng theo hình, tuy có nhưng không bền chắc lâu dài”. Vua Lương Võ Đế tưởng rằng làm những việc phước thiện như vậy là công đức cao cả nên chấp vào việc làm của mình mà bị Tổ tạt cho một gáo nước lạnh “tá hỏa tam tinh”; bởi ông nhầm lẫn giữa phước đức và công đức.

Mục đích của Tổ sang Trung Hoa là chỉ rõ cho mọi người nhận ra bản tâm chân thật sẵn có nơi mỗi người. Do đa số người đời thường lầm chấp thân và tâm suy tư, nghĩ tưởng của mình là thật nên làm cái gì cũng tìm cách chiếm đoạt, vơ vét, bồi bổ cho thân này để hưởng thụ cảm xúc. Vua Lương nghĩ cất chùa, độ tăng ni, in kinh sách, say mê việc làm phước là công đức nên Tổ mới phá chấp để nhà vua nhận ra bản tâm chân thật của mình mà hiểu đúng lý giác ngộ, giải thoát của đạo Phật. 

Bởi nhà vua không hiểu thế nào là công đức nên chỉ một bề lầm chấp công lao của mình, cho đó là cứu cánh của đạo Phật. Ông không hiểu ý sâu xa của Tổ; dù đang là vị vua trên các vua khác, được hưởng phước cao sang tột đỉnh nhưng vẫn bị quy luật vô thường chi phối, rốt cuộc vẫn trôi lăn trong vòng sinh tử khổ đau. Chỗ Tổ muốn chỉ cho ông là dừng lặng các tâm tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến để sống lại với tâm sáng suốt của mình (Phật tánh). Từ đó, ta sẽ không còn có bóng dáng của sợ hãi, khổ đau mà hằng an lạc, thảnh thơi chan hòa tình thương đến muôn loài.

Cho nên, đến với đạo Phật có hai hình thức: tại gia và xuất gia. Song xuất gia là số ít, còn đại đa số là người tại gia. Người xuất gia nguyện suốt đời đi theo lý tưởng giác ngộ, giải thoát, thấy tất cả mọi người đều là người thân, người thương của mình, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Vì vậy, người xuất gia nêu cao tinh thần hy sinh vì Tam bảo, còn người tại gia ngoài việc lo cho gia đình và xã hội, thấu hiểu lý nhân quả, nghiệp báo còn cần tự giác phát tâm hộ trì Tam bảo, trợ giúp vật chất để người xuất gia (chư Tăng ni) có điều kiện, thời gian tu học và hành trì.

Việc làm của vua Lương Võ Đế quả là một điều khó làm, bởi ngài là vua một nước, trăm công, ngàn việc, nhưng ngài vẫn tranh thủ thời gian làm những việc khó làm. Lương Võ Đế là ông vua cư sĩ trên đời này làm được như vậy thật hiếm có, giúp cho dân chúng an cư lạc nghiệp, sống trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; do đó trong nước rất ít tệ nạn xã hội.

Người người theo Phật tu nhân thiện
Mười phương thế giới dứt binh đao.

Việc làm của vua Lương Võ Đế quả thật là tuyệt vời đối với cuộc sống thế gian, nhưng vì ngài lầm chấp cho rằng đó là cứu cánh của đạo Phật nên mới hỏi Tổ: “Con cất chùa, độ tăng ni, in kinh ấn tống có công đức không?” Tổ đáp: “Đều không công đức”. Vua hỏi tiếp: “Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?” Tổ đáp: “Rỗng rang không Thánh”. Thánh đế đệ nhất nghĩa là chỉ cho thật tướng vô tướng rỗng lặng, sáng suốt, thanh tịnh nơi mỗi con người. Bởi vua chạy theo danh tự và hình tướng bên ngoài nên không nhận ra trong mình có ông Phật đang hiện diện sờ sờ. Vì vậy vua hỏi: “Đối diện Trẫm là ai?” Tổ đáp: “Không biết!”

Đến thời Lục Tổ Huệ Năng, có người đọc đoạn đối đáp của vua Lương Võ Đế với Tổ Bồ Đề Đạt Ma mới hỏi, Tổ đáp: “Thật không có công đức, chớ nghi lời bậc Thánh nói, vì vua Lương Võ Đế không hiểu được yếu nghĩa “khai thị trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” nên cho rằng cất chùa, độ tăng ni, in kinh bố thí là công đức; thực chất, đó chỉ là làm phước, không thể đem phước đổi công đức được”. 

Công đức là do tu tâm mà được. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức, đức phải do nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà được. Do đó, công đức là do tu tâm rõ bản tánh rỗng lặng nhưng hằng thấy biết; còn những việc làm của vua Lương Võ Đế là do nhân quả phước báu của Trời-Người. Có phước thì được giàu sang, có nhiều của cải, quyền thế, hưởng thụ vật chất đầy đủ, song hưởng thụ phước báu mà không biết kiệm phước thì cũng có ngày hết và phải chịu khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử. 

Do đó, có phước mà thiếu công đức dễ dẫn đến phiền não, chấp trước, thấy mình là người bố thí, kẻ thọ nhận phải biết ơn mình, sinh tâm cống cao, ngã mạn, nhiều khi thấy người thọ nhận vô ơn, bạc nghĩa, không biết nhớ ơn họ mà còn sinh tâm coi thường, khinh rẻ họ, không những bị mất phước mà còn phải mang lấy tội quả xấu nữa.

Vì vậy, là người con Phật chúng ta phải biết quân bình, một mặt tích lũy phước báu, nhờ có phước ta dễ có điều kiện tu học; một mặt tích cực tu tâm để chuyển hóa khổ đau khi đối diện nghịch cảnh cuộc đời. Trái lại, người đã sống với tâm chân thật, dù có bố thí cúng dường, làm nhiều phước thiện cũng đều là công đức cả vì họ làm trong vô tâm. 

Vô tâm là tâm rỗng lặng, sáng suốt không bị dính mắc, chấp thủ vào việc mình làm; chỉ tùy thời, tùy duyên làm lợi ích, không thấy mình là người bố thí, không thấy người thọ nhận và vật thí, do đó được an nhiên, tự tại trước mọi hoàn cảnh trái ngang. Nếu ta biết kết hợp làm phước và tu tâm thì ta sẽ bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Khi công tử chê tiền

Thời Phật tại thế, Cấp Cô Độc là nhà giàu sang bậc nhất, lúc nào ông cũng sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ, bần hàn, bệnh tật, không nơi nương tựa. Ông phát nguyện đời đời, kiếp kiếp cúng dường Tam bảo và thực hành bố thí với tấm lòng chí thành, chí kính. Ông đã bỏ ra một số vàng khổng lồ để mua khu vườn của Thái tử Kỳ Đà cất tịnh xá cho giáo đoàn của đức Phật. Ngược lại với cha, con trai của ông tên là Kỳ La làm quan dưới thời vua Ba Tư Nặc chẳng tin kính Tam bảo, lại còn phỉ báng, phê bình cha mình đem của cải bố thí cho mấy ông sa môn ăn không ngồi rồi.

Một hôm, vua Ba Tư Nặc cùng Mạt Lợi hoàng hậu thiết lễ cúng dường trai tăng tại hoàng cung, công tử KỳLa tỏ vẻ không đồng ý, bất bình nói những lời bất kính, vô lễ. Đức Phật biết được tâm ý của Kỳ La, sau khi thuyết giảng xong, Ngài nói bài kệ:

Người bỏn sẻn không sinh cõi trời
Người ngu không ưa việc bố thí
Người trí sinh lòng tùy hỷ
Điều được hạnh phúc an nhiên tự tại.

Chuyện đến tai vua Ba Tư Nặc, Kỳ Laa bị nhà vua cho thôi việc; từ đó Kỳ La càng thêm oán ghét đức Phật và tăng chúng. Lần nào trưởng giả Cấp Cô Độc thiết lễ cúng dường trai tăng tại nhà, Kỳ La đều có thái độ bực bội, tìm cách vắng nhà. Sau nhiều lần khuyên nhủ, chỉ dạy con mình bất thành, Cấp Cô Độc không cách nào thuyết phục được đứa con ngỗ nghịch; cuối cùng, ông nghĩ ra diệu kế gọi con đến dỗ ngọt, hy vọng con mình sẽ chấp nhận: “Lúc này cha quá bề bộn công việc không đến tịnh xá Kỳ Viên để nghe pháp được, cha nhờ con đi nghe giúp, cha sẽ chi cho con 100 đồng tiền vàng”. 
 
Vừa nghe chuyện, Kỳ La đã muốn nổi cáu lên, nhưng thấy cha chi số tiền quá lớn, máu tham khởi dậy nên Kỳ La vui vẻ nhận lời đi đến tịnh xá Kỳ Viên để nghe thuyết pháp. Trước khi đi, công tử còn nói với cha: “Sau khi con đi nghe pháp về cha phải giữ đúng lời hứa chi ngay cho con 100 đồng tiền vàng đấy”. Cấp Cô Độc thấy con thay đổi thái độ, trong lòng mừng vui nói: “Từ xưa đến nay cha có bao giờ nói gạt con đâu? Con cứ an tâm đi nghe pháp thay cha”.

Tờ mờ sáng, công tử Kỳ La đã điểm tâm xong và thẳng đến tịnh xá Kỳ Viên tìm chỗ vắng vẻ đánh một giấc tới chiều thức dậy đi về. Thế là một ngày trôi qua, Kỳ La về nhà xin cha số tiền đã hứa. Sau khi đưa tiền cho con xong, trưởng giả còn khen con trai lúc này giỏi lắm, khi nào ông bận việc thì Kỳ La lại đi nghe pháp hộ ông. KỳLa vui vẻ nói với cha: “Cha cứ yên trí, con lúc nào cũng sẵn sàng đi nghe pháp giúp cha”. Vừa nói, KỳLa vừa săm se những đồng tiền vàng, trong lòng cảm thấy rất khoái chí: “Không biết mấy ông sa môn đầu trọc kia có bí quyết gì mà cha mình mê đến thế?”

Ngày tháng trôi qua, việc đi nghe pháp giúp cha cứ diễn ra y như thế, riết rồi trở thành thói quen. Một hôm, Cấp Cô Độc gọi con lại nói rằng: “Hôm nay có thời thuyết pháp rất quan trọng, con phải nhớ ít nhất 4 câu kệ để về nói lại cho cha nghe. Nếu con ghi nhớ và thuộc lòng nhiều hơn, cha sẽ thưởng con 500 đồng tiền vàng”. Nghe cha nói thế, hôm ấy Kỳ La đến tịnh xá Kỳ Viên thật sớm, cố học thuộc 4 câu kệ rồi về sớm để đi xem hát. Nhờ trí thông minh sẵn có, Kỳ La dễ dàng thuộc lòng 4 câu kệ Phật nói rồi vội vã quay về. 

Đi được một quãng, Kỳ La không hiểu ý nghĩa bài kệ nên quay lại xin Phật giải thích. Kỳ La chăm chú nghe Phật giảng ý nghĩa từng câu, từng chữ của bài kệ. Do nhân duyên lành đời trước khai phát giống như đang ở trong nhà tối bỗng dưng có đèn sáng lên làm rõ mọi vật; sau thời pháp, Kỳ La chứng quả Tu Đà Hoàn. Đây là quả vị đầu tiên trong 4 quả Thanh Văn, còn có nghĩa là Nhập Lưu hay Dự Lưu, tức nhập vào dòng Thánh, không còn bị đọa lạc trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) nữa.

Hôm ấy, Kỳ La về nhà trong lòng vô cùng hoan hỷ đem bài kệ giảng lại cho cha nghe một cách mạch lạc, rạch ròi, không sót một ý nào. Cấp Cô Độc ngỡ ngàng, không ngờ con trai mình hôm nay thông đạt Phật pháp đến thế, lại không thấy con nhắc đến việc cho 500 đồng tiền vàng. 

Hôm sau, ông đến cung thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nhà để cúng dường trai tăng. Sau lễ cúng dường, trước mặt đức Phật và chư Tăng, ông muốn tán thưởng người con trai của mình theo đúng lời hứa, ông lấy 500 đồng tiền vàng ra trao cho Kỳ La. Bất ngờ thay, Kỳ La lúc này dứt khoát không nhận những đồng tiền của cha mà còn xin cha cất giữ để cúng dường Tam bảo. 

Đồng thời Kỳ La xin đức Phật quy y Tam bảo. Được đức Phật chấp nhận, Kỳ La xin phát lời thề nguyện: “Suốt đời con nguyện theo gương cha luôn làm việc thiện lành, giúp đỡ người nghèo khó và cúng dường Tam bảo”. Cấp Cô Độc cảm thấy quá bất ngờ trước sự nhiệm mầu của Phật pháp đã chuyển hóa người con trai tham lam, ích kỷ, tật đố của mình một cách nhanh chóng như vậy. Nhân đó, ông xin đức Phật giải thích lý do về sự chuyển hóa này.

Đức Phật cho ông biết Kỳ La đã chứng được quả vị Tu Đà Hoàn. Người chứng quả vị này đã dứt trừ được cái thấy sai lầm về sự sống. Vì vậy, người này dứt được 3 kiết sử: thân kiến, nghi ngờ và giới cấm thủ; tức là không còn cái thấy sai lầm về thân, thân này như thế nào thì thấy rõ ràng như thế đó, thân này do nhân duyên hòa hợp của 4 đại mà thành nên nó không thật có. Người chứng quả Tu Đà Hoàn thấy rõ được thân không thật có, khi đủ duyên thì có thân này, khi hết duyên thì thay hình đổi dạng chứ không mất hẳn. Nhờ thấy biết như vậy nên ta bớt chấp trước, tham đắm vào sắc thân mà làm tổn hại cho người. 

Thấy hiểu đúng như vậy ta cố gắng tu hành chuyển hóa những thói hư, tật xấu để sống tốt hơn, nếu không giúp ích cho ai thì ít ra cũng không tạo đau khổ cho ai. Người chứng quả Tu Đà Hoàn sẽ không còn thoái đọa vào các đường ác vì đã thấu hiểu rõ ràng quả báo của sự làm ác. 

Thứ đến, người chứng quả Tu Đà Hoàn không còn nghi ngờ những lời Phật dạy về pháp Tứ Đế, tức 4 điều chắc thật về sự khổ của chúng sinh: khổ vì sinh-già-bệnh-chết, khổ vì sự mất mát, khổ vì mong cầu không được như ý, khổ vì oán ghét mà gặp nhau hoài, khổ vì sự tương tàn, tương sát của con người với nhau, khổ vì thiên tai, hỏa họan, thiếu ăn, thiếu mặc… 

Tất cả nỗi khổ đau đều có nguyên nhân sâu xa của nó do thói quen huân tập của mỗi người mà dẫn đến hậu quả như tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến… Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân chứ không có gì là khi không, bỗng dưng mà có, hay do một đấng quyền năng nào tạo ra. Con người bị khổ hầu hết là do lòng tham mà ra, không thỏa mãn lòng tham sẽ sinh nóng giận, hận thù; còn về lý trí thì khổ là do vô minh mà ra.

Như vậy, nguyên nhân của sự đau khổ là do tham-sân-si tạo thành. Biết được nguyên nhân, gốc rễ, cội nguồi của mọi khổ đau, ta phải tìm cách thoát khổ. Quan trọng nhất là ta phải làm thế nào diệt trừ cho được những thói quen xấu sinh ra từ tham-sân-si. Khi biết được nguyên nhân rồi ta tìm cách dập tắt, tiêu trừ bằng các phương pháp tu tập để chuyển hóa. 

Ở đây, đức Phật chỉ cho ta cái quả an ổn, hạnh phúc tột cùng là Diệt Đế (quả vị cao nhất của người tu đạo Phật). Sau đó, Ngài mới hướng dẫn cho ta con đường dẫn đến cái quả Diệt Đế bằng các phương pháp tu tập, hành trì là Đạo Đế. Quả thật, đức Phật là một nhà tâm lý đại tài, muốn hướng dẫn chúng sinh đến với đạo Ngài chỉ quả trước là an lạc, hạnh phúc, tự do, tự tại, giải thoát để ta thấy được lợi ích mà phát tâm tu hành rồi Ngài mới chỉ cách thức để đạt được quả ấy.

Còn nữa...

Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm