Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 22/04/2017, 12:18 PM

Gieo trồng phước đức (Phần cuối)

Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại thì ngay tại đây và bây giờ ta phải thực tập gieo trồng phước đức để làm hành trang cho mai sau. Tất cả của cải, vật chất thế gian, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được khi nhắm mắt lìa đời, chỉ có nghiệp tốt hoặc xấu ta đã tạo nên trong đời sẽ bám theo ta đi vào kiếp khác. 

Nhờ phước cúng dường và siêng năng nên chứng quả A Na Hàm

Thời Phật tại thế, có một bà nhà giàu hết lòng tin kính Tam bảo, bà luôn ứng dụng, hành trì tu tập những lời Phật dạy và thường hoan hỷ phát tâm cúng dường chư Tăng. Điều mầu nhiệm đặc biệt là bà phát tâm ủng hộ cúng dường cho người nào thì người đó ngộ đạo. 
 
Đây là do túc duyên gieo trồng phước đức nhiều đời, nhiều kiếp của bà. Tiếng lành đồn xa, một số quý thầy nghe danh muốn đến gặp bà xem mình có duyên lành với bà hay không. Nhân mùa an cư kiết hạ, quý thầy bàn nhau đến kiểm nghiệm lời đồn đãi ấy có thật như vậy và cũng mong muốn tu tập thăng tiến trong mùa an cư này.

Được tin quí thầy đến trú xứ của mình tu tập, vị thí chủ rất hoan hỷ cúng dường những gì cần thiết trong thời gian chư Tăng an cư. Chỗ ở của bà khá rộng rãi, rừng cây xum xuê, thuận lợi cho việc tu tập và hành thiền. Bà thưa: “Quý thầy cứ yên tâm ở đây tu tập, không phải đi khất thực, con sẽ cung cấp đầy đủ các nhu cầu cần thiết, con chỉ mong sao quý thầy mau chứng thành đạo quả”. Khoảng 30 thầy ai nấy cũng thuận hỷ lời thỉnh cầu của bà mà ở lại tu hành miên mật, tinh tấn. Tuy nhiều quý thầy cùng trú một chỗ nhưng khu vườn luôn im phăng phắc; chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả quý thầy đều được chứng quả.

Thời ấy, nhờ sự trực tiếp chỉ dạy của Như Lai Thế Tôn mà đa số các tỳ kheo tu hành đều mau chứng đạo. Tại sao trong thời Phật hiền tiền, các đệ tử của Ngài lại tu mau chứng ngộ như vậy? Điều này cũng dễ hiểu bởi đức Phật biết rõ từng tâm niệm của mỗi tỳ kheo nên Ngài chỉ dạy mỗi người một phương pháp thích hợp với năng lực, nhờ vậy các vị tu hành mau chứng. 

Bên cạnh đó, giới luật của chư Tăng cũng hỗ trợ rất tích cực cho sự chứng đắc, như đức Phật không cho giữ tiền bạc, của cải, tài sản, nên chư Tăng dễ dàng buông xả; hoặc Ngài không cho trụ xứ một chỗ lâu dài để không bị bám víu vào sở hữu tài sản; do đó các vị tu hành mau thăng tiến. 

Ngày nay, do hoàn cảnh xã hội và phong tục tập quán không cho phép tăng ni sống như thời xưa, chư Tăng phải có đủ điều kiện để tu và hướng dẫn phật tử tu hành nên phải có chỗ ở ổn định. Vì vậy, chư Tăng dễ bám víu vào sở hữu tài sản và phải hòa nhập vào cộng đồng xã hội để làm lợi ích chúng sinh. Họ học hiểu tới đâu sẽ hướng dẫn phật tử tu theo tới đó, nên mức độ tu chứng của chư Tăng ngày nay rất hạn chế. Song, Phật pháp không cố định, cứng nhắc mà phải tùy thời, tùy duyên hòa nhập vào xã hội, miễn sao người tu sống tốt đạo, đẹp đời là có lợi lạc rồi.

Đạo Phật có mặt trên thế gian là vì hạnh phúc của con người, do đó người tu trong thời hiện đại phải khó khăn, chật vật hơn thời xưa, nhưng không vì vậy mà chúng ta cho phép mình lơ là tu tập mà mỗi người phải cố gắng hơn lên để không bị lui sụt trong hành trì. 

Hơn nữa, thời Phật tại thế không những đạo Phật mà các giáo phái khác cũng không chấp nhận các việc kinh doanh, buôn bán, sản xuất trong khi hành đạo mà chỉ có việc đi khất thực để tùy duyên hóa độ chúng sinh mà thôi. Thời nay không được phúc duyên như thế nên chúng ta càng cố gắng tu hành nhiều hơn, miễn là ta không thối chí nản lòng.

Trở lại sự việc về bà thí chủ nọ, do chư Tăng tu hành miên mật nên không ai nói chuyện với ai khiến bà nghi ngờ, hoang mang “hay là các vị ấy giận nhau”. Bà đến gặp một tỳ kheo trong hội chúng để hỏi cho rõ vấn đề. Vị tỳ kheo giải thích: “Trước khi đến đây, chúng tôi đã được Như Lai Thế Tôn chỉ dạy mỗi người một phương pháp tu hành và chúng tôi phát nguyện trong mùa an cư này, mỗi người đều phải tu hành chứng quả để đáp đền ơn Phật và đàn na tín thí. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với nhau mỗi người ở một góc riêng để tu tập và hành thiền. Trong đoàn, thầy nào tu hành đạt kết quả sớm thì có trách nhiệm hướng dẫn các thầy khác trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”.

Nghe thầy tỳ kheo trình bày như thế lòng bà rất hoan hỷ. Từ trước đến nay bà chưa được nghe những điều như vậy. Do đó, bà khao khát muốn biết các thầy đang tu pháp gì và bà có thể tu theo được không? Nhờ túc duyên nhiều đời, bà được một thầy tỳ kheo hướng dẫn cách thức tu hành; bà siêng năng, tinh tấn trong 7 ngày liền chứng quả vị A Na Hàm - một trong bốn quả Thánh Thanh Văn, có Tha Tâm Thông biết được tâm niệm, ý nghĩ của quý thầy muốn gì, cần gì, nên bà cúng dường chu cấp cho quý thầy như ý. 

Vị Tăng nào vừa bị bệnh bà liền đem thuốc tới, vị nào khởi niệm muốn ăn món gì bà vội đem đến ngay. Bà cúng dường quý thầy chu đáo, đúng mức như sở nguyện. Trong mùa an cư kiết hạ năm ấy, dưới sự bảo trợ, cúng dường của bà, hết thảy quý thầy đều được chứng đắc đạo quả.

Chư Tăng khắp nơi nghe tin ai nấy đều tán thán công đức cúng dường và tu tập của quý thầy trong mùa an cư kiết hạ này. Đó là niềm vui duy nhất mà bà mong muốn và cũng để đền ơn quý thầy đã độ cho bà chứng quả A Na Hàm. Vì bà chứng ngộ trước các quý thầy nên ai tu tập trong khu vườn ấy cũng rất ngạc nhiên khi thấy bà đáp ứng đúng mọi nhu cầu mình mong muốn. Từ đó, quý thầy không dám khởi niệm lăng xăng vì sợ bà biết sẽ chê cười. 

Do đó, quý thầy càng nỗ lực siêng năng, tinh cần tu tập nên tất cả đều chứng quả A La Hán. Biết được sự thành tâm của vị thí chủ và nhân duyên tốt đẹp của chư vị Thánh đệ tử, Thế Tôn tán thán công đức tu hành của quý thầy và không quên khen ngợi thí chủ thiện tri thức kia. Chúng ta thấy, rõ ràng ngày xưa chư tỳ kheo tu hành mau chứng đạo nhờ gặp bậc minh sư chân chánh, thầy lành, bạn tốt, lại được phương tiện hỗ trợ vật thực đầy đủ, quý thầy không cần lo lắng cưu mang nên tất cả đều tập trung vào đề mục chuyên tu nên mau chứng đạo.
 
Một hôm, có thầy tỳ kheo nghe chuyện nên đến thỉnh cầu đức Phật cho phép đến khu vườn để được túc duyên tu hành thuận lợi. Như Lai Thế Tôn chấp thuận. Trên đường đến chỗ bà lão, vị tỳ kheo khởi niệm muốn bà chuẩn bị cho mình một giường tọa để nghỉ ngơi và cho ăn những món ngài ưa thích. Biết được ý niệm ấy, bà lão ra đón thầy tận cổng ngoài rồi thưa: “Xin mời Đại đức vào trong nghỉ ngơi, giường tọa con đã đã chuẩn bị sẵn rồi”. Thầy tỳ kheo ngạc nhiên đến sững người, “tại sao mình mới nghĩ như vậy mà bà lão đã biết? Để xem các bữa ăn của mình sắp tới bà lão sắm soạn thế nào?” 

Quả thật không sai! Những gì thầy mong muốn đều được bà lo đầy đủ không thiếu món gì. Lúc đầu, thầy tỳ kheo rất hoan hỷ trong lòng nhưng nghĩ lại thầy rất e ngại “mình vừa muốn ăn món gì, cần vật dụng nào bà lão đều cho người mang tới ngay. Vậy mình tu mà còn khởi lòng tham cầu nhiều quá thì bà ấy biết hết”, thầy cảm thấy bất an trong lòng, lo sợ đủ điều nên xin cảm ơn bà và lặng lẽ rút lui. 

Trên đường trở lại tịnh xá, thầy gặp đức Phật và Tăng đoàn đang khất thực. Thầy liền tiến đến trước mặt Thế Tôn quỳ xuống đảnh lễ thưa: “Bạch Thế Tôn, nay con trở lại tịnh xá của mình tu hành, bởi ở chỗ bà lão con sợ mình suy nghĩ bậy bạ nhiều quá làm mất uy tín Tăng đoàn nên con không dám ở lại trú xứ của bà ấy nữa”. Được nhân duyên tốt, đức Phật khuyên thầy trở lại chỗ bà tu tập, bởi nơi đó sẽ cho thầy cơ hội phát triển công năng đạo hạnh tốt nhất. 

Vâng lời đức Phật, thầy trở lại khu vườn và không dám lơ là bất giác, hễ có tạp niệm nào dấy lên thầy liền buông xả, không bám víu; cứ thế, thầy miên mật Chánh niệm trong từng phút giây không gián đoạn; nhờ vậy, chẳng bao lâu thầy chứng quả A La Hán.

Câu chuyện này cho ta một bài học quý báu của cuộc đời. Việc tu tập ai cũng có phần, chỉ có điều mình có quyết tâm tu hành đến nơi, đến chốn hay không? Việc tu hành không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà người tại gia cũng có phần. Người tại gia nhờ có phước đức không phải bận rộn lo ăn, lo mặc nên việc tu hành được thuận tiện, dễ dàng như bà già kia; còn người xuất gia không phải lo lắng vì mọi việc đều có người sắp xếp, giúp đỡ, việc còn lại là ta có dám can đảm buông bỏ hết mọi vọng niệm hay không? Vì vậy, việc tu hành chứng quả không dành riêng cho người xuất gia mà người tại gia cũng có phần.

Người xuất gia cần phải nhớ rằng, hằng ngày ta nhờ thọ dụng của đàn na tín thí tứ sự cúng dường, phải mang nợ nần chồng chất, nếu không cố gắng tu hành thì tự chuốc họa vào thân. Ngày nay, một số tăng ni vì sợ thọ dụng của đàn na tín thí mà tu tập không đạt kết quả phải mang tội nên họ tự thân kiếm sống bằng các hình thức thế gian như gieo trồng hoa màu, sản xuất dụng cụ tiêu dùng, thực phẩm chay, hay mở quầy bán kinh sách, văn hóa phẩm v.v… 

Những hình thức tự tìm cách thức nuôi sống bản thân để tu hành là rất tốt nếu mình không say đắm vào công việc mà xao nhãng hành trì, tu tập. Ngược lại, người thọ nhận phẩm vật cúng dường của đàn na tín thí là cách thức lúc nào cũng thấy mình được răn nhắc phải tu tập, hành trì. Người quyết chí tu thân, lập hạnh thì không sợ mang tội khi phải thọ nhận phẩm vật cúng dường.

Bố thí cúng dường trong sạch

Một người nông dân hiền lành, chất phát sống cùng vợ và hai con gồm một trai, một gái làm nghề trồng các loại hoa màu. Tháng giêng năm ấy họ thu được một quả bí đầu mùa nhằm ngày sinh nhật đức vua. Anh nông dân đã không ngần ngại đem quả bí đầu mùa vào hoàng cung để dâng ngài nhân ngày sinh nhật lần thứ 50 với tất cả tấm lòng thành kính, tôn trọng của mình.

Trong ngày này, tuy nhà vua nhận được rất nhiều phẩm vật trân quý nhưng món quà đơn sơ của gia đình anh lại làm ngài động lòng và rất hài lòng khi nhận. Ngài truyền lệnh đặt quả bí vào mâm vàng rồi ân cần thăm hỏi về gia thế người nông dân. Để đáp lại tấm thâm tình cao cả đó, nhà vua đã bù lại bằng những món quà cao quý dù gia đình anh có làm lụng vất vả suốt đời cũng không thể nào có được. 

Trước khi ra về, nhà vua còn tặng anh một túi gấm cẩn ngọc để bù lại chiếc túi rách đựng bí và 100 đồng tiền vàng để làm vốn làm ăn cùng một chiếc nhẫn kim cương cho người con gái làm của hồi môn khi lấy chồng. Gia đình người nông dân nhờ bố thí một quả bí với tất cả tấm lòng hoan hỷ, chân chật mà được thoát kiếp nghèo khổ. Từ đây, anh và gia đình có điều kiện mở lòng chia sẻ, giúp đỡ mọi người nhiều hơn khi họ khó khăn.

Sự kiện nhà vua nhận được quả bí mừng sinh nhật và sự ban thưởng hậu hỷ cho người nông dân đã làm chấn động dư luận trong nước. Khắp nơi đâu đâu cũng vui mừng tán thán về tấm lòng cao thượng của đức vua, riêng nhà ông phú hộ trong làng lại thấy buồn bã, tiếc nuối nên tự đau khổ, trách móc mình đần độn quá mức, trong nhà rất nhiều đồ vật quý giá ngàn lần quả bí mà lại không biết dâng quà mừng sinh nhật vua để được ban thưởng to lớn như nhà tên nông dân nghèo kia; càng nghĩ họ càng tức tối, thấm thía đến tận cùng.

Chúc mừng không trong sạch

Lão phú hộ lúc nào trong lòng cũng tự so sánh nhà người nông dân chỉ dâng tặng một quả bí mà được nhận lại nhiều đồ quý giá gấp trăm ngàn lần, “lãi quá! lãi quá!”. Lão vừa so sánh vừa tiếc nuối và trong lòng cảm thấy uất ức, ganh tị với người nông dân trong xóm. Lão liền triệu tập một cuộc họp đột xuất để bàn kế hoạch cùng tất cả người thân trong gia đình. Cả nhà đều nhất trí chở đầy bốn cỗ xe tứ mã không thiếu thứ gì và cũng chờ đợi sự ban ơn của vua.
 
Lần này, đức vua lấy làm khó chịu, không biết giải quyết thế nào cho phù hợp trước sự dâng tặng quá nhiều của gia đình phú hộ. Một tia sáng lóe lên, ngài đã nghĩ ra một món quà tuyệt hảo để trả ơn cho gia đình phú hộ. Món quà được mang đến chỉ có cái bị rách đựng quả bí đỏ của anh nông dân hôm trước kèm theo lời giải thích nói lên giá trị của quả bí là do tấm lòng tôn kính, quý trọng chân thực, không có mưu cầu. 

Lão phú hộ và gia đình trước khi nhận quả bí đã được đức vua ân cần chỉ dạy về phương diện cho-tặng-dâng-hiến không phải để cầu lợi lộc cho mình. Lão và gia đình do lòng tham lam, ích kỷ, muốn bố thí cho vua để được bổng lộc cao quý; nào ngờ đâu “mất cả chì lẫn chài”, nhưng nhờ vậy mà gia đình lão đã ý thức được giàu sang, nhiều của cải là do nhiều đời trước biết làm phước cúng dường. Từ đó, lão ta và gia đình thay đổi quan niệm, sống có nhân từ và đạo đức hơn.

Một trái bí và chiếc bị rách để đổi lấy 4 cỗ xe đầy ắp nhiều món trân quý đã làm cho nhà phú hộ thay đổi cách nhìn trong sự sống tương quan này. Trên đời này, giàu hay nghèo đều có nhân duyên sâu xa của nó. Người được giàu sang, phú quý là nhờ vào các yếu tố:

- Yếu tố thứ nhất là biết tích lũy, làm phước, bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia.

- Yếu tố thứ hai là phải siêng năng, tinh cần, làm việc có phương pháp, có nghệ thuật.

- Yếu tố thứ ba là không xa hoa, lãng phí, biết tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt gia đình.

- Yếu tố thứ tư là không trộm cướp, lường gạt của người và làm ăn chân chánh.

Như người nông dân kia với lòng chí thành, chí kính, sẵn sàng mang quả bí dâng tặng đức vua không một chút mong cầu hay vụ lợi đã làm cho vua cảm động mà ban tặng lớn. Chiếc chìa khóa vạn năng của việc làm phước là ở chỗ này, chúng ta cần phải lưu tâm đến nó khi làm phước, không nên khởi tâm mong cầu thì kết quả mới được thù thắng.

Bố thí Ba la mật

Bố thí Xá Lợi Phất là gì? Tại sao ta phải thực hành bố thí Ba la mật? Bố thí Ba la mật là bố thí vật chất lẫn tinh thần. Khi ta đem của cải, vật chất hay sự hiểu biết tặng cho người khác vô điều kiện, không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào, phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh; kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng mà tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau; thực hành bố thí với tấm lòng như thế gọi là bố thí Ba la mật.

Nói cách khác, bố thí Ba la mật là cho những gì khó cho; dù đau khổ đến tận cùng ta vẫn một lòng quyết chí không buồn khổ, không ân hận hay nuối tiếc khi cho những gì khó cho.

Ngày xưa, ngài Xá Lợi Phất khi nghe đức Phật giảng về hạnh bố thí Ba la mật liền phát nguyện thực hành ngay Bồ tát đạo. Trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất là người trí tuệ bậc nhất nên được Tăng chúng gọi là Tướng Quân Chánh Pháp. Muốn thực hành bố thí Xá Lợi Phất theo lời Phật dạy, trên đường du hóa Ngài khởi nghĩ: “Hôm nay mình sẽ thực hành bố thí vô điều kiện”. Biết được tâm niệm của ngài, một Thiên nhân Đại Phạm Thiên liền biến hóa làm một phàm phu ngồi khóc bên vệ đường. Ngài Xá Lợi Phất đi ngang qua thấy vậy liền hỏi: “Vì sao ông ngồi đây khóc thế này? Chắc có duyên sự gì không giải quyết được, ông nói ra tôi có thể giúp được điều gì chăng?”

Người ấy nói: “Chẳng giấu gì ngài, những điều tôi đang cần khó ai có thể giúp được”. Nghe vậy, ngài Xá Lợi Phất nói: “Không sao, bất cứ điều gì tôi cũng có thể giúp ông được”. Người ấy mừng rỡ bạch rằng: “Thưa Ngài, mẹ tôi đang bệnh nặng, thầy thuốc nói phải có con mắt của người tu hành hòa với thuốc mới chữa khỏi bệnh”. 

Chẳng cần suy nghĩ, ngài Xá Lợi Phất liền móc con mắt trái của mình đưa cho người ấy. Người ấy nói: “Không được rồi thầy ơi, thầy thuốc bảo phải dùng con mắt bên phải mới chữa được bệnh này”. Nghe vậy, ngài Xá Lợi Phất hơi chựng lại một chút rồi mạnh tay móc tiếp con mắt bên phải đưa cho người đó. Người ấy cầm hai con mắt ném xuống đất rồi dùng chân chà nát. Ngài Xá Lợi Phất nghe biết người ấy làm như thế không dằn được tự chủ liền thoái thất Bồ đề tâm. Từ đó, ngài thấy thực hành bố thí Ba la mật khó quá nên ngài không phát tâm thực hành Bồ tát đạo nữa.
 
Đức Phật của ta nhờ phát tâm hành Bồ tát đạo từ vô số kiếp, Ngài đã làm được những việc khó làm, nhẫn được những điều khó nhẫn, giúp vô số chúng sinh được an lạc, giác ngộ, giải thoát, tùy theo tâm nguyện chúng sinh mà bố thí, vì vậy Ngài mới thành Phật quả.

Bố thí cũng có nghĩa là buông xả tâm tham đắm, dính mắc nơi mỗi con người. Bố thí Ba la mật là đem cho vật chất hay tinh thần, hoặc là thân này phải chết để giúp đỡ cho người thoát khổ mà tâm vẫn hoan hỷ, không chấp mắc, không hối hận, tiếc nuối hay mong cầu.

Chúng ta thấy, ngài Xá Lợi Phất là bậc đệ nhất trí tuệ mà khi phát tâm thực hành bố thí Ba la mật vẫn còn bị thoái thất Bồ đề tâm thì đây không phải là việc đơn giản ai làm cũng được. Thực hành kết quả việc bố thí Ba la mật phải là người phát tâm cầu Phật quả, đời đời, kiếp kiếp vì lợi ích chúng sinh, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình mới được. Muốn vậy, khi thực hành bố thí không phân biệt thân hay thù mà chỉ tùy duyên, tùy thời cho phù hợp. Muốn đạt đến sự trọn vẹn của Bố thí Ba la mật, chúng ta phải bố thí với lòng thành kính, thành tâm mà nghĩ rằng bố thí là trách nhiệm và bổn phận của người tu theo đạo Phật.

Bồ tát bố thí Ba la mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của chúng sinh không phân biệt thân hay thù bằng nhiều cách như tài thí (thí các loại tiền bạc, của cải vật chất), nội thí (cho những gì đang có trong thân thể này), Pháp thí (dùng lời nói chỉ cho chúng sinh hiểu thấu được lý nhân quả, nghiệp báo để tránh xa những điều xấu ác, hay làm các việc thiện lành). Bồ tát sẵn sàng bố thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc hay phiền muộn dù phải chịu khổ, chịu chết thay cho chúng sinh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba la mật.

Tại sao Bồ tát thực hành bố thí Ba la mật? Bởi Bồ tát là người đang trên đường tiến tới giác ngộ Phật quả nên mỗi khi làm việc gì có lợi cho chúng sinh Bồ tát đều phát nguyện và hồi hướng; nhờ thế, tâm từ bi của Bồ tát càng thêm tăng trưởng. Trong hạnh bố thí, chỉ có bố thí Ba la mật là phước quả cao hơn tất cả. Bồ tát là người phát tâm cầu thành Phật quả để hóa độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử, luân hồi. Vì vậy, trong suốt quá trình dấn thân tu học và hành đạo, Bồ tát luôn phát Bồ đề tâm cho đến lúc thành Phật.

Người mới phát tâm cầu làm Bồ tát phải có hai điều kiện tất yếu là phát nguyện và hồi hướng. Ngày trước, Bồ tát Sĩ Đạt Ta (Phật Thích Ca sau này) cách nay 2600 năm đã phát nguyện dưới cội Bồ đề: “Ta dù thịt nát xương tan, nếu không giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sinh, ta quyết không rời khỏi chỗ này; những gì ta biết được, chứng được cùng với các việc làm thiện ích, ta xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng chung hưởng”.

Phát nguyện là để giữ vững ý chí, lập trường của mình khi gặp những khó khăn, trở ngại. Phát là phát cái tâm làm các việc thiện lành, còn nguyện giống như một lời thề nguyền để ta ghi nhớ mà quyết tâm phấn đấu khi gặp chướng duyên hay trở ngại. Mỗi khi làm được việc lợi ích gì ta đều hồi hướng hết cho tất cả mọi loài chung hưởng thì phước báu của ta mới được tăng trưởng. Bởi vậy, phát nguyện và hồi hướng công đức là việc làm rất quan trọng của Bồ tát để hướng đến bố thí Ba la mật và thành tựu Phật quả.

Tóm lại, bố thí Ba la mật là bố thí bình đẳng, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, không bao giờ hối tiếc hay phiền muộn trong cả ba hình thức tài thí, nội thí và Pháp thí.

Cúng dường Tam bảo

Tam bảo là ngọn đèn sáng giúp con người vượt qua tăm tối vô minh. Tam bảo có khả năng chuyển hóa phiền não, khổ đau thành an vui, hạnh phúc. Nhờ Tam bảo ta biết được điều hay, lẽ phải, biết rõ lẽ thật sự sống của con người và muôn loài đều phải cưu mang, nương nhờ lẫn nhau. Vì vậy, người tu hành theo đạo Phật cần phát triển lòng thương yêu, tinh thần trách nhiệm và bổn phận giúp đỡ, gìn giữ sự sống cho mình và muôn loài chúng sanh. Do đó, Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) như ba viên ngọc quý không gì có thể so sánh được và Tam bảo có 6 ý nghĩa không thể nghĩ bàn:

- Một là nghĩa hy hữu, tức là hiếm có, khó được như vàng, bạc, kim cương, ngọc quý… người nghèo khó có được. Phật-Pháp-Tăng cũng vậy! Dù người ở sát bên chùa nhưng thiếu phước cũng khó gặp, không thể thân cận với Tam bảo nên gọi là hy hữu.

- Hai là nghĩa ly cấu, tức lìa xa những việc xấu ác, hay làm những việc tốt lành, như châu báu thế gian trong sáng, sạch đẹp, không tỳ vết, khó vấy bẩn. Phật-Pháp-Tăng cũng vậy! Hay xa lìa phiền não, xấu ác nên gọi là ly cấu.

- Ba là nghĩa thế lực, như châu báu ở thế gian có thế lực lớn giúp người vượt qua nghèo khó, còn dùng trị bệnh trúng độc. Tam bảo cũng vậy! Có đủ sáu phép thần thông (Lục thông) tùy cơ ứng biến dứt kiếp nghèo khổ, giải thoát được sanh tử luân hồi nên gọi là thế lực.

- Bốn là nghĩa trang nghiêm, như châu báu ở thế gian làm đồ trang sức cho thân thể trở nên xinh đẹp, lộng lẫy, ai cũng muốn ngắm nhìn. Tam bảo cũng vậy! Lấy nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên làm nền tảng giúp con người làm chủ bản thân, tâm trí trở nên sáng suốt, thanh tịnh, làm việc chân chánh nên gọi là trang nghiêm.

- Năm là nghĩa tối thắng, như châu báu ở thế gian quý hơn tất cả mọi vật nhưng xét cho cùng không quý bằng mạng sống con người. Tam bảo cũng vậy! Là pháp thù thắng hơn hết giúp con người vượt qua nỗi khổ, niềm đau, sống được an vui, hạnh phúc nên gọi là tối thắng.

- Sáu là nghĩa bất biến (không thay đổi), như vàng ròng ở thế gian dù đập, nấu, mài, dũa vẫn không thay đổi bản chất. Tam bảo cũng vậy! Người thân cận Tam bảo tất được an vui, hạnh phúc, không có gì cao hơn, hay hơn, không ai có thể làm tốt hơn, không bị vô thường chi phối, nước không thể cuốn trôi, lửa không thể thiêu đốt nên gọi là bất biến.

Vì vậy, thực hành cúng dường Tam bảo là phước báu thù thắng hơn tất cả bởi nhờ sự cúng dường này mà Tam bảo được lan truyền rộng khắp và trường tồn ở thế gian để nhiều người nương tựa, tu học, thực hành những lời Phật dạy mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Phật là người tự tin ở khả năng chính mình đã nỗ lực tu tập, hành trì cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, không còn sự trói buộc và sai sử của các thứ dục lạc thế gian mà người đời khó vượt qua nỗi.

Pháp là những lời dạy chân chính, thiết thực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni giúp mọi người tu tập, hành trì vượt qua nỗi khổ, niềm đau để sống an vui hạnh phúc bằng trái tim hiểu biết.

Tăng là những người tu hành chân chính có nhiệm vụ truyền bá những lời Phật dạy, gìn giữ chùa chiền, kinh tạng, tạo điều kiện cho mọi người thân cận Tam bảo, học tập, hành trì những lời Phật dạy để có được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
 
Do đó, thực hành cúng dường Tam bảo là điều cần thiết giúp cho tăng ni có điều kiện gìn giữ, trải rộng và phát huy tốt vai trò của Phật pháp. Đồng thời chư tăng ni nhận sự cúng dường Tam bảo phải ý thức về trách nhiệm của mình mà tự giác tu hành, không lơ là, giải đãi; vì tăng ni có trọng trách vô cùng lớn lao, trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sinh, giúp mọi người tin sâu nhân quả, sống biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, không ỷ lại vào đấng quyền năng nào mà sống có trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác của mình.

Tóm lại, việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là cách thức bán đi cái nghèo tốt nhất, nhanh nhất; đồng thời cũng là phương tiện giúp mọi người gần gũi nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau. Đó là Pháp yếu của đạo Phật đi vào lòng người tốt đạo, đẹp đời.

Người người làm việc thiện,
Nhà nhà làm việc thiện,
Mọi người giúp đỡ nhau,
Tất cả sống thái bình.

Có rất nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng thì phước đức sẽ vô cùng tận. Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn trọng, thành tâm mới có phước đức; nếu ta bố thí mà có thái độ coi thường, khinh rẽ hay mạt sát, tuy vẫn có phước nhưng ta phải chịu quả báo hận thù về sau. Phước thì được hưởng nhưng họa vẫn phải chịu. 

Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại thì ngay tại đây và bây giờ ta phải thực tập gieo trồng phước đức để làm hành trang cho mai sau. Tất cả của cải, vật chất thế gian, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được khi nhắm mắt lìa đời, chỉ có nghiệp tốt hoặc xấu ta đã tạo nên trong đời sẽ bám theo ta đi vào kiếp khác. 

Do đó, quý phật tử phải sáng suốt chọn lựa, thường xuyên gieo trồng phước đức để tạo nên nghiệp thiện lành làm tư lương, hành trang cho tiến trình tái sinh, sử dụng trong đời sống tiếp theo kể cả khi được sinh về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm