Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 11/04/2016, 15:45 PM

Giới đàn và ý nghĩa Giới đàn Vĩnh Đạt ở Đồng Tháp

“Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có bản chất Giác ngộ bình đẳng như nhau. Không có giai cấp cùng dòng máu đỏ, cùng giọt nước mắt mặn. Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”

Suốt 49 ngày đêm tĩnh tọa dưới cội Bồ đề, lúc ánh sao Mai tỏa sáng, Thái tử Sĩ Đạt Ta thể nhập Bản thể tuyệt đối, chứng đắc quả vị vô thượng chính giác hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, khi thành tựu được sự Giác ngộ, thì Ngài nói rằng : “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có bản chất Giác ngộ bình đẳng như nhau. Không có giai cấp cùng dòng máu đỏ, cùng giọt nước mắt mặn. Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngược dòng lịch sử nhân loại thế giới hơn 25 thế kỷ, Ngài kêu gọi : “Xóa bỏ giai cấp, đem lại sự Tự do Bình đẳng cho loài người”.Câu nói Tự do Bình đẳng này trước tiên là từ kim ngôn khẩu ngọc Phật Thích Ca nói ra, Ngài là người đầu tiên dẫn dắt loài người tranh thủ Tự do Bình đẳng nhưng ngày nay đã bị người ta quên mất lại cho Ngài là một vị thần hoặc chúa tể, là một quái vật mê tín chẳng thể hiểu. Thật là ngu dại và quên cội nguồn biết bao !

Xin ghi nhớ rằng sự tự do bình đẳng của Tuyệt đối là trung tâm tư tưởng của Phật, trong kinh điển Đại thừa có phát huy rằng: “Đắc đại giải thoát, đắc đại tự tại cho đến Định huệ Bình đẳng, tất cả Bình đẳng v.v...” đều là nghĩa này, chẳng phải lời nói suông mà là thực tại có thể đạt đến, là lý lẽ vĩnh viễn chẳng biến đổi.

Phật giáo là Đạo: “TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - TUYỆT ĐỐI”.

Nơi vườn Lộc Uyển tuyên thuyết Tứ Thánh đế độ năm anh em Kiều Trần Như, từ đó Phật pháp Tam Bảo hiện hữu trên thế gian trãi qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển. Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới và có sự ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội loài người trong mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, và có những quốc gia Phật giáo trở thành Quốc đạo, điển hình trong những thời đại hưng thịnh của đất nước Việt Nam Phật giáo Quốc đạo như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong các triều đại đó. Dù được bản địa hóa để quyện mình vào lòng dân tộc nhưng tam tạng kinh điển Phật giáo Việt Nam vẫn được truyền thừa trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam.  Đây là thành quả vĩ đại của hành trình hoằng pháp lợi sinh của nhiều thế hệ Tăng già Phật giáo thành những Sứ giả Như Lai.

Dân tộc bốn ngàn năm Văn hiến, khi thăng khi trầm vẫn tiếp bước tiền nhân; Đạo pháp hai ngàn năm lịch sử, lúc thịnh lúc suy luôn soi đường hậu thế.

Tất cả những ai quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới, Thập thiện, hai thành phần cư sĩ tại gia là Ưu bà tắc và Ưu bà di. Ưu Bà di nghĩa là trang nam tử có niềm tin Tam bảo trong sáng. Cận sự nữ, Thanh tín nữ, nghĩa là người nữ đã thọ Tam quy y, giữ gìn năm giới, thực hành thiện pháp, thân cận phụng sự Tam bảo, và người xuất gia thọ cụ túc giới, giới thể trang nghiêm thanh tịnh đều trở thành thành viên chính thức của Tăng đoàn Phật giáo, dự vào hàng Tăng bảo thọ sự cung kính cúng dường của Nhân Thiên, hoằng truyền giới pháp, đây được tôn xưng Đại Giới Đàn, Tam Đàn Đại giới.

Những điều giới mà đức Phật chế ra trong suốt một đời được các vị đệ tử của Ngài gìn giữ, truyền thừa và kết tập lại thành một hệ thống gọi là Luật tạng.

Trước khi nhập diệt tại Song lâm, đức Thế tôn Phật không chỉ định ai để thay thế Ngài thống lĩnh tăng chúng. Ngài nói: "Sau khi ta nhập diệt, hãy lấy Pháp và Luật làm Thầy". Pháp là lời Phật dạy.

Giới luật Phật chế ra không phải mang tính giáo điều, Giới luật của Phật giáo căn bản trên nền dân chủ tự do bình đẳng. 

Không phải chỉ là tự do tư tưởng mà còn là tư tưởng rốt ráo về tự do, tư duy rốt ráo về tự do: Đó là tự do căn bản, tự do nằm trong tinh túy của mọi nền dân chủ. Không thể có dân chủ nếu ta bị bắt buộc phải nghe mà không tin, nghe những điều mà ta thấy là không đúng, là trái với sự thực trước mắt. Cũng không thể có dân chủ nếu ta buộc người khác không được nói.

Tiêu biểu nền dân chủ với truyền thống tổ chức Tăng đoàn Phật giáo sau ba tháng An cư Kiết Hạ là pháp "Tự tứ" (tiếng Pàli Pavàranà; Phạn là pravàranà, Hán phiên âm là bát-hòa-la, bát lợi ba thích noa và dịch là tự tứ, thỉnh thỉnh, tùy ý, tùy ý sự, mãn túc, hỷ duyệt,…).

Sau khi hạ an cư đủ ba tháng, tự mình buông ra lời nói thỉnh cầu một vị tỷ kheo khác đầy đủ năm đức, chỉ điểm những lỗi lầm cho mình qua ba mặt thấy, nghe và nghi, giúp cho mình biết và tự mình cầu xin sám hối để được thanh tịnh.

Nói tóm lại, thời gian thích hợp để Tăng tác pháp tự tứ là thời gian sau khi hạ đủ. Và tự tứ của Tăng tỷ kheo một năm chỉ xảy ra một lần sau khi hạ đủ mà thôi.

Mục đích của Tăng tự tứ là ngoài việc biểu hiện cụ thể bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng, còn xác định cụ thể sự tăng trưởng lớn mạnh về Giới- Định-Tuệ của một vị Tỳ kheo, sau khi hạ mãn và chấm dứt kỳ hạn an cư, và các vị Tỳ kheo lại tiếp lên đường hoằng pháp.
Ảnh minh họa
Phật trải tọa cụ ngồi giữa khoảng đất trống, các vị Tỳ kheo ngồi chung quanh. Phật hỏi tăng chúng: “Hôm nay tôi tự tứ: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của tôi có phạm lỗi gì không?".

Phật hỏi ba lần như vậy. Đã ai thấy một vị giáo chủ của một tôn giáo nào có tư tưởng, hành động và tập quán như vậy chưa? Lãnh đạo mà cư xử như thế, thế gian cũng không thấy.

Năm giới của cư sĩ tại gia, mười giới của Sa di và Sa di Ni, 250 giới của Tỳ kheo, 348 giới của Tỳ kheo Ni, 10 giới trọng, 48 giới khinh của Bồ tát giới… cũng được trích ra từ đó.

Chúng đệ tử Phật, những trang Thích tử Như Lai, bậc xuất trần thượng sĩ, tự nguyện giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, từ đời này sang đời khác đã không ngừng nói lên sự chân thật, sự tốt đẹp của cuộc đời. 

Cận đại lịch sử hơn 300 năm trước, bậc Thạch trụ Tòng Lâm, Hương Hải Thiền sư đặt chân trên dãi đất hẹp xứ đàng trong và thuận gió xuôi buồm, vượt trùng dương ra đàng ngoài, khôi phục dòng thiền Trúc Lâm đất Bắc, tham mưu cố vấn cho Vua Lê, Chúa Trịnh, và Tổng trấn Sơn Nam, Lê Đình Kiên, Đặng Đình Tướng, liên tục mở đàn thí giới, thắp sáng ngọn Tâm đăng Phật Tổ. Góp phần hưng thịnh đất Bắc, và Phố Hiến được dân gian xác nhận là: "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến-次壹京奇次貳舖献" để nói về sự hưng thịnh của trấn Sơn Nam (Vào thời điểm thịnh đạt Phố Hiến có khoảng 2000 ngôi nhà với 20 phường chuyên sản xuất hàng thủ công và buôn bán. Phố Hiến cũng là nơi tụ hội nhiều khách thương ngoại quốc phương Đông và phương Tây, trong đó phần lớn là người Trung Quốc).

Phương Nam đàng trong các chúa Nguyễn theo bước chân các bậc minh quân, thánh triết tiền nhân, chủ trương : “Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp”. Vào ngày mồng 01 tháng 04 năm Ất Hợi (1695) Quốc Chúa Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu làm đại thí chủ, Hộ giới Già Lam, tổ chức Đại Giới Đàn quy mô, lập tam Đàn cụ túc truyền giới cho 1.400 (một nghìn bốn trăm) giới tử, Đàn Sa Di, Tỳ Kheo, đàn thứ ba truyền giới Bồ tát cho Công hầu, Khanh tướng, Tông tộc Chúa Nguyễn. Quốc Chúa cũng thọ giới Bồ tát một đàn riêng biệt, duy trì mạng mạch Phật pháp.

Vùng đất mới Sa Giang đầy phù sa, xứ hiền hòa, sông nước hữu tình, đầy hoa thơm, cây lành trái ngọt, mở đầu dân cư đông đúc, làm ăn mua bán tấp nập nơi giao thương Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), những sứ giả Như Lai, theo đoàn người đi mở đất, Thiền sư Tịnh Độ dựng đạo tràng Đức Long Cổ Tự năm 1700, Lê Thiền Sư khai sơn Phước Lâm Cổ Tự năm 1720... từ đó liên tục mở các đàn truyền giới và Cơ sở Tự viện càng nhiều, truyền thừa Gia phong thiền phái Lâm Tế từ đời kế tục mãi cho đến nay. Sa Đéc còn nổi tiếng bởi nhân gian truyền tụng : “Sa Đéc là đất Phật”.

Khởi nguyên dân tộc miền Nam, các Chúa Nguyễn và Quốc chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu cùng Chư tôn đức Tăng già, đem ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ phổ hoá nhân gian, ứng dụng thực tiễn mọi phương tiện thiện xảo, hiệu quả trong việc giáo hoá quần chúng thành công chân thiện mỹ, góp phần Tốt Đạo Đẹp Đời - Phụng Đạo Yêu Nước trên tinh thần: “QUỐC VƯƠNG ĐẠI THẦN DUY TRÌ PHẬT PHÁP - HỘ QUỐC AN DÂN”. Trên non cao tận trời xanh, dưới biển cả mênh mông, đất rộng thênh thang, nơi nào có linh khí của đất trời, nơi đó có cuộc sống an nhiên tự tại của các Ngài. 

Cho nên người đệ tử Phật cần phải tôn nghiêm giới luật như là vị đạo sư của mình để ứng dụng xây dựng Đạo pháp dân tộc.

Cơ sở tự viện nào có nề nếp thanh quy nghiêm ngặt, đó là môi trường tốt để đào tạo Tăng tài cho Đạo Pháp và dân tộc. Đạo Phật có tồn tại và phát triển hay không, chính là nhờ những thế hệ Tăng già phúc trí trang nghiêm, Tài Đức song toàn. Tài năng nhờ hiểu sâu Phật Pháp, Đức hạnh nhờ giữ giới tinh chuyên. Có tài mà không có đức thì chưa phải là người xuất gia đệ tử Phật chân chính. Cho nên, khẳng định rằng : “Giới luật chính là thọ mạng của Phật Pháp vậy”.

Sau khi thống nhất đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay, các tỉnh thành trong cả nước liên tục tổ chức các giới đàn truyền giới cho tăng ni và phật tử tại gia, với trách nhiệm là: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, thực hiện tính kế thừa tre tàn măng mọc, nhằm duy trì mạng mạch giáo pháp của Như Lai.

Các tăng ni phật tử sau khi thọ nhận giới pháp, trang nghiêm giới thể do thập sư trao truyền, một mặt lo tu tập bản thân để nâng cao đức hạnh, mặt khác thể hiện công hạnh lợi tha là hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh (hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp).

Với ý nghĩa to lớn ấy, BTS GHPG tỉnh Đồng Tháp thể theo nguyện vọng của tăng ni và phật tử tại tỉnh nhà, tổ chức Giới đàn Vĩnh Đạt. 

- Thời gian: 04 ngày, từ ngày 11 đến ngày 14/04/2016 (05 đến 09 tháng 03 năm Bính Thân).

- Địa điểm:

 * Giới đàn tăng: Phước Hưng Cổ Tự, phường 1, TX. Sa Đéc.
 * Giới đàn ni: chùa Phước Huệ, Phường 1, TX. Sa Đéc.

Đại giới đàn Vĩnh Đạt năm 2016 tại tỉnh Đồng Tháp sẽ chính thức khai mạc vào ngày 13/04/2016 (07/03/Bính Thân).

HT.Thích Thiện Huệ, UV HĐTS, Trưởng BTS PG tỉnh Đồng Tháp, trụ trì Phước Hưng Cổ Tự đương vi Hòa thượng Đàn đầu của Đại giới đàn (Tăng); Trưởng lão ni Thích nữ Như Ngọc, nguyên UV HĐTS, Phó ban Thường trực BTS PG Đồng Tháp, cố vấn trụ trì tổ đình Phước Huệ đương vi Hòa thượng Đàn đầu (Ni).

Đại Giới đàn này được mang tên “Giới Đàn VĨNH ĐẠT”, nêu gương bậc Giới đức kiêm ưu, đạo hạnh khả kính, làm biểu tín cho hàng Thích tử đắc giới, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm, tiếp ngọn lửa hương từ bi trí tuệ của Phật Tổ.

BTS tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp, tổ đình Phước Hưng cổ tự, đạo tràng ni giới Phước Huệ, long trọng tổ chức Đại Giới đàn Vĩnh Đạt, dùng Hương Tịnh Thủy “Bát Công Đức”, ghi lại hành trạng đại lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt làm Phương danh, cúi đầu chí thành thắp Giới - Định - Huệ hương, tưởng niệm bậc Cao Tăng Giới Đức Kiêm Ưu, đã cống hiến trọn đời, hiện thân giáo, tiêu biểu Danh Đức sáng ngời cho hậu thế trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni, Phật tử tiếp nối, hoằng pháp độ sinh.

Thích Vân Phong 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hoa Kỳ: Cung thỉnh nhục thân cố Hòa thượng Thích Toàn Đức nhập kim quan

Thông báo 15:42 20/11/2018

5 giờ sáng ngày 20/11/2018 giờ Việt Nam (16 giờ ngày 19/11/2018, giờ địa phương – Hoa Kỳ), tại nhà tang lễ Vĩnh Phước, chư tôn đức tăng, ni tại thành phố Houston (tiểu bang Texas) và môn đồ pháp quyến đã thành kính, trang nghiêm cử hành lễ nhập kim quan và tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Toàn Đức. 

Đồng Tháp: Khóa tu Thiền chính niệm "Bụt ở đâu con ở đó"

Thông báo 10:54 19/11/2018

Khóa tu là cơ hội giúp các bạn trẻ được trải nghiệm đời sống thiền môn, nuôi dưỡng suối nguồn hiểu biết. Thời gian: ngày 29/12/2018 -1/1/2019. Địa điểm: Chùa An Phước, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN viên tịch

Thông báo 09:32 17/11/2018

Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 10 giờ 45 phút, ngày 16 tháng 11 năm 2018 (ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tuất) tại chùa Hưng Phước, số 540/23 đường Cách mạng tháng 8, phường 11, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh.

Tp.HCM: Thông báo Khóa tu Gieo hạt từ tâm kỳ 71 ‘‘Ai là thầy của bạn?”

Thông báo 10:18 06/11/2018

Khóa tu Gieo hạt từ tâm kì 71 với chủ đề ‘‘Ai là thầy của bạn?” sẽ diễn ra vào ngày 11/11/2018, bắt đầu từ 7h đến 17h, tại Quan Âm tu viện, số 384 Trường Sa, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM.

Xem thêm